5. Đường nét và nhịp điệu
Người phương Đông, nhất là người Nhật Bản có biệt tài chỉ dùng vài đường nét đơn sơ mà gợi lên được bất cứ vật thể gì, bất cứ động tác gì không kém gì một bức tranh cổ điển. Nói như vậy có nghĩa đường nét thực sự là cái xương sống của hình ảnh.
Đối tượng có một số đường nét cơ bản, tức là không thể tránh được và không thể thiếu được: những đường nét bao bọc các vật thể, tách biệt các sắc độ và các sắc thái của các mầu, tách biệt phần tối với phần sáng.
Đường chân trời tách biệt phần gì thuộc về đất và phần gì thuộc về trời, và dưới một hình thức tượng trưng, gợi lên cái vô cực bởi vì mọi đường nằm ngang của đối tượng đều qui tụ vào đấy.
Những đường khác, đường thẳng, đường cong hay đường gãy khúc, thẳng đứng, xiên hay nằm ngang, đường đơn giản hay phức tạp, bao giờ cũng có một vai trò quan trọng trong hình dáng của hình ảnh.
- Đường cong gợi lên sự mềm mại, dịu dàng, sự đầy đặn, sự uyển chuyển, sự hoà hợp, một cái gì thuộc về nữ giới.
- Đường thẳng gợi ngay cho ta sự mạnh mẽ, kiên quyết, cứng rắn.
- Đường gãy khúc biểu hiện sự mờ rối, hỗn độn.
Phương hướng của các đường cũng là một yếu tố cơ bản, nhất là khi nó được lặp đi lặp lại nhiều lần:
- Đường nằm ngang lặp đi lặp lại nhiều lần gợi cho ta vẻ yên tĩnh, nghỉ ngơi: mặt nước phẳng lặng của ao hồ, cánh đồng thẳng cánh cò bay.
- Đường thẳng đứng lặp đi lặp lại nhiều lần, như những chiếc cột trong nhà thờ, những thân cây trong một khu rừng gợi cho ta những cảm giác về cái vĩ đại lớn lao, sự cao quí tinh thần, v.v...
- Các đường chéo góc hội tụ vào nhau không thể gợi cho ta cái gì khác là sự xa vời, vô tận...
Nhà nhiếp ảnh chỉ cần quan sát sơ qua cũng nhận thấy rõ vai trò tượng trưng của các đường nét. Ngoài ra, người chụp còn phải nắm được nhịp độ gây nên bởi sự lặp đi lặp lại của các đường. Như trong một bản nhạc, nhịp độ có thể đều đều, buồn tẻ, hoặc dồn dập, giật giọng: việc lặp đi lặp lại những yếu tố giống nhau tập hợp lại theo một cách nào đó, tạo ra một thứ "đời sống nội tâm" cho hình ảnh, gần như một "động tác vĩnh cửu"... như hàng dương liễu lẫn dần bên bờ sông.
Khi ta ngắm một bức ảnh tốt, con mắt của ta được các đường nét hướng dẫn để phân tích hình ảnh, từ chủ đề chính là nơi con mắt bị giữ lại trước tiên, rồi lần lượt đến tất cả mọi điểm của bức ảnh. Đó là vai trò mà người chụp ảnh phải đem lại cho các đường nét trong bố cục.
6. Sắc độ, tối và sáng
Ảnh chỉ là hình chiếu phẳng hai chiều của thế giới ba chiều, một thế giới có chiều sâu, có nhiều tầng lớp khác nhau, từ mắt ta đến tận chân trời, đến vô cực.
Rồi từ mặt phẳng đó, ta có được cảm giác về hình khối, về chiều sâu, phối cảnh hình học. Phối cảnh còn kèm theo sự "biến điệu" của các lớp cảnh khác nhau, về sự tương phản và về ánh sáng.
Trong một phong cảnh có không khí đượm hơi nước và bụi làm cho các lớp cảnh ở xa bị chìm trong một làn sương mờ trên đó nổi bật lên những lớp cảnh ở gần hơn. Hiệu ứng đó gọi là phối cảnh gần xa.
Những bức ảnh chụp trên mặt trăng làm cho ta thấy lạ không phải chỉ do trên mặt trăng gồ ghề, tương phản, mà còn là vì những tảng đá ở xa nhất cũng nổi lên sắc nét trên bầu trời đen như những tảng đá ở gần. Trên mặt đất, hiện tượng các lớp cảnh càng xa càng mờ và nhạt dần là do hiệu ứng của việc chiếu sáng.
Nhiếp ảnh còn gọi là bộ môn nghệ thuật của ánh sáng.
Ánh sáng, tuỳ theo hướng chiếu của nó, làm cho các lớp cảnh của đối tượng nổi lên một cách khác nhau và làm cho hình dáng sắc hoặc dịu một cách khác nhau.
- Ánh sáng trực diện làm cho mọi hình khối đều chìm như nhau do đó hình ảnh bị dẹt.
- Trái lại ánh sáng chếch 45 độ so với đối tượng làm cho hình dáng và hình khối được nổi lên. Đó là loại ánh sáng cổ điển.
- Ánh sáng bên, đi lướt qua mặt tiền cảnh, làm nổi bật một cách hết sức mạnh mẽ cấu trúc và chất liệu của các vật thể: đá, gỗ, vải, cho ta thấy cấu trúc đặc biệt của chúng.
- Ánh sáng ngược làm nổi các vật thể nhưng chỉ thể hiện chúng thành những bóng đen.
Sự tương phản của ánh sáng cũng quan trọng không kém gì hướng chiếu của nó. Chính sự tương phản này tạo nên bầu không khí của một phong cảnh, một tĩnh vật, một chân dung. Ta hãy so sánh ánh sáng dịu ở các nước miền cực bắc với ánh sáng gắt ở các nước nhiệt đới và ánh sáng trong sáng vào mùa xuân hay mùa thu ở các nước ôn đới.
Từng vật thể nằm trong khuôn hình, ở xa hay gần máy ảnh, ở vào những hướng khác nhau đối với hướng của ánh sáng, sẽ có một sắc độ xám khác nhau trên hình ảnh.
Vẻ đẹp của một bức ảnh đen-trắng là bằng cả một loạt các sắc độ xám khác nhau, từ trắng toát đến đen kịt, gợi lên cho ta những chất liệu khác nhau, những hình dáng khác nhau của các yếu tố tạo nên một thể hoàn chỉnh.
7. Màu sắc
Một yếu tố của hình ảnh không được coi nhẹ trong lĩnh vực nhiếp ảnh ngày nay là màu sắc. Dĩ nhiên, mọi người có quyền thích ảnh đen-trắng, nhưng thời đại hiện nay, đa số các bức ảnh chụp là ảnh màu!
Quá trình thực hành lâu năm ảnh màu đã dạy cho chúng ta, người chụp nghiệp dư lẫn nhà chuyên nghiệp một điều: màu sắc chỉ là một trong nhiều yếu tố của hình ảnh mà thôi. Riêng màu sắc không thôi, ít khi nó thu hút được sự chú ý của người xem. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là: một bức ảnh đen- trắng không có giá trị gì thì khó lòng mà có giá trị hơn nếu là ta đem nó ra tô màu.
Thế nhưng, màu sắc có ngôn ngữ cảm thụ riêng của nó, ta cần phải biết xem màu sắc có thể đem lại những gì cho hình ảnh.
Trước hết, màu sắc, riêng bản thân nó cho phép ta phân biệt được hai mảng của hình ảnh có thể sẽ bị lẫn vào với nhau trên ảnh đen trắng. Cụ thể là, ánh sáng trực diện là điều ngăn cấm khi chụp ảnh đen-trắng, lại có thể cho ta những bức ảnh màu khả quan nếu đối tượng chụp có nhiều màu sắc khác nhau.
Giá trị của một bức ảnh màu là ở chỗ nào? giá trị của nó là ở những yếu tố làm cho bức ảnh bất kỳ là ảnh đen-trắng hay màu trở thành một bức ảnh tốt, và hơn nữa, ở một sự hài hoà nào đó nối màu sắc này với màu sắc kia, ở những sắc thái tế nhị của cánh hoa giữa màu xanh xum xuê của lá cây, v.v...
Do vậy, khi chụp ảnh màu, ngoài việc sử dụng đường nét, hình khối và ánh sáng ra, lại còn cần phải xét đến các sắc thái để tạo nên một tổng thể hoà hợp về màu.
Điều mà chúng ta quan tâm trước hết là giá trị mà màu sắc có thể đem lại cho hình ảnh khi màu đó không dữ dội. Những mảng tường rêu phong của một ngôi nhà cổ, một cành cây đượm sương đêm mà chúng ta nghĩ là có thể thể hiện được một cách trung thự trên ảnh đen-trắng, trong ảnh màu lại có những sắc thái kín đáo và một vẻ tinh tế mê hồn.
Thử tưởng tượng: một bông cẩm chướng đỏ sẽ nổi bật trên ngực áo màu xám như một âm thanh trong vắt của một tiếng kèn đồng.
Màu sắc đẹp, đánh thức mọi giác quan! Cho ta nghe được cả âm thanh, cho ta ngửi được cả mùi hương, cảm nhận được cả độ tươi mát của hình tượng... Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật tạo hình.
Đúng vậy, nghiên cứu và cảm nhận sự hoà hợp và sự tương phản của các màu sắc. Là tiền đề, để ta thể hiện được những bức ảnh màu "đẹp và có hồn".
Mong rằng:
Qua bài viết này, những người cầm máy ảnh (hoặc điện thoại) có được những lý thuyết cơ bản để tạo nên một bức ảnh đẹp, và có được cơ sở lý luận để đánh giá một bức hình đẹp.
Tuy nhiên. Lời khuyên của tôi là : Mọi sáng tạo nghệ thuật, hay phê bình nghệ thuật nên bắt đầu từ cảm nhận, rồi sau đó mới dùng lý thuyết để kiểm chứng cảm xúc của mình, bạn nhé !
|