07/09/2017

Danh y Hải Thượng Lãn Ông khuyên về Ăn - Uống qua 1 bài thơ:

Sưu tầm từ nhiều nguồn


Vệ sinh ăn uống trước tiên
Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồn
Ngũ tâm (5 vị cay) dùng phải có chừng
Ăn nhiều tán khí, biết phòng mới hay
Các mùi mặn đắng chua cay
Ăn nhiều sinh bệnh chẳng sai đâu mà
Đắng nhiều hại phế khô da
Mặn nhiều tâm lãnh, máu tà phải ngưng
Quá chua can động rút gân
Quá cay, chai thịt, môi quăn, hại tỳ
Ngọt nhiều cũng chẳng ích gì
Tỳ chen, thận yếu xương tê, tóc cằn (1)
Đến như gừng, tỏi, kiệu, hành
Từng dùng phòng bệnh đã thành thói quen
Vừa chừng gia vị thì nên
Hễ người táo nhiệt, chớ quên kiêng dùng
Cao lương tích trệ sinh ung
Rau tương thanh đạm đói lòng cũng ngon
Ăn nhiều ngũ cốc (2) tốt hơn
Thịt thà tanh béo sinh đờm, sinh giun (lãi)
Có câu: Tham thực cực thân
Bệnh tòng khẩu nhập (3) ta cần phải kiêng
Muốn cho ngũ tạng được yên
Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm sinh đau
Ăn no thì chớ gội đầu (4)
Nên đi bách bộ cho tiêu kiêng nằm
Tháng 3 đói kém thiếu ăn
Đến mùa cơm mới, ăn dần mới tiêu
Chết vì bội thực cũng nhiều
Ngờ đâu lại có người nghèo chết no
Còn người phú quý nhàn cư
Ngày đêm yến tiệc ăn no lại nằm
Rượu say rồi lại nhập phòng
Khỏi sao tích trệ, phạm phòng chết non
Nhà nghèo củ chuối cũng ngon
Ăn nhiều sinh thũng còn hơn đói lòng
Bệnh can no đói bất đồng
Tai y khôn dễ dự phòng được ư?
Mấy điều cần phải phòng ngừa
Kiêng ăn sống sít, bẩn dơ, làm nhàm
Thức ăn phải đậy để phòng
Thằn lằn, nhện, kiến, nhặng ông rơi vào
Kiêng ăn rau sống tương meo (mốc)
Quạ đen, chó trắng (5) cùng loài tanh hôi
Chẳng ăn thịt thối, thịt ôi
Nem thiu, lươn chết tanh hôi ích gì
Quả xanh nước lã độc ghê
Ăn vào ỉa mửa thường khi bất ngờ
Lại còn độc sắn (6) chẳng ngờ
Cũng nên biết cách phòng ngừa mới yên
Phải đem bóc vỏ trước tiên
Cắt ra ngâm nước một đêm, trắng ròng
Nấu kỹ thì tốt hơn hông (Đồ)
Trước, sau, ăn mía, mật, đường đã say
Từng dùng rau muống xưa nay
Tuy rằng giải độc chưa hay đâu mà
Ai hay ăn nấm cần ngừa
Nấm lim (7) rất độc vì chưng rắn, trùng
Vậy nên biết cách đề phòng
Cho vào đồ bạc nấu cùng thử xem
Thấy đồ sắc biếc xám đen
Biết rằng nấm độc ta bèn bỏ đi
Nhược bằng ngộ độc đôi khi
Uống ngay nước Phẩn (8) tức thì giải luôn
Hoặc dùng nước xáo đất tường (9)
Lóng trong mà uống cũng thường được an
Luận về phòng độc thức ăn
Biết bao nhiêu thứ khó khăn kể cùng
Chỉ bằng kiêng kỵ là xong
Đừng ăn thức lạ mới hòng khỏi nguy
Bất kỳ ngộ độc thứ gì
Rễ sòi, củ chuối uống thì trục ra
Đậu đen, cam thảo trung hoà
Hoàng đằng, Quán chúng, Từ cô giải liền
Độc cá thì dùng Mã tiên (Cỏ roi ngựa)
Thịt toi: Hoàng bá; Trùng: phèn, chè khô
Độc cua, sò ốc: tía tô
Trứng rau ngộ độc: Giấm chua tiêu liền
Chú thích:
1.     Theo Thiên ngũ tạng sinh thành của Nội kinh tố vấn
2.     Gạo tẻ, gạo nếp, bắp, đậu, mè
3.     Tham ăn thì dễ bị đau, bệnh thường do ăn uống sinh ra
4.     Người xưa để tóc dài, khi vừa ăn no mà gội đầu phải cúi xuống thì dễ sinh tức bụng và nhức đầu
5.    Quạ đen hay con kênh kênh thường ăn xác chết: Thịt chó cò ăn thì dễ sinh đau bụng đi ngoài
6.     Đây nói cây khoai mì (sắn) lương thực phụ trồng để ăn không phải là dã cát có độc theo sách xưa, cũng có tên là Câu vẫn tức Lá Ngón (Đoạn trường thảo)
7.     Chất độc ở trong nấm không phải do rắn trùng nhả ra. Chính tuỳ theo loại cây nấm. Quan niệm về nguyên nhân trúng độc rắn và việc dùng nước phẩn giải độc là theo “Bản thảo cương mục”.
8.     Theo Linh nam bản thảo: Phân người đốt thành tro; để lâu khi dùng hoà với nước và lắng lấy nước trong uống giải độc.

9.     Đất vách hoà với nước, lóng lấy nước trong để uống


05/09/2017

Những con số tốt cho sức khỏe

Mặc dù sức khỏe là vấn đề cá nhân, mỗi người có những đặc điểm về cơ địa và cơ thể hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, những kiến thức chung do các bác sĩ và các cuộc nghiên cứu thiết lập giúp bạn có những sự lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe mỗi ngày.
Dưới đây là những con số mà chúng ta nên ghi nhớ để duy trì thói quen tốt cho bản thân.
– 2 là số lần nên đi khám nha sĩ mỗi năm.
– 2 cốc cà phê mỗi ngày có thể giúp bạn tăng tuổi thọ.
– 2 năm là thời gian giữa những lần xét nghiệm tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung.
– 2,5 lít là lượng nước cần thiết mỗi ngày để giữ cho cơ thể có thể hoạt động đúng cách. Trong đó, khoảng 20% lượng nước do thức ăn cung cấp. Ngoài ra, bạn nên uống 8-9 cốc nước mỗi ngày.
– 7 là số giờ ngủ tối thiểu mỗi đêm để đảm bảo tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau.
– 8 gram chất xơ là lượng chất xơ nên ăn trong bữa sáng để giúp cơ thể kiểm soát lượng đường huyết trong cả ngày.
– 20 phút trước khi đi ngủ là thời điểm bạn nên đặt các thiết bị điện tử xuống để mắt nghỉ ngơi và dễ ngủ hơn.
– 28 ngày là khoảng thời gian cần thiết để phá bỏ một thói quen xấu. Vì vậy, khi muốn thiết lập thói quen mới, hãy thực hiện trong ít nhất trong một tháng để có tác dụng chứ không thể dễ dàng nắm nó ra ngoài cửa sổ ngay lập tức mà cần hạ xuống an toàn từng bậc một.
– 30 phút là khoảng thời gian chờ để đánh răng sau bữa ăn. Chải răng ngay sau khi ăn xong là một hành động sai lầm.
 50 trở lên là con số lý tưởng cho HDL (cholesterol tốt) bình thường. LDL (cholesterol xấu) nên được giữ ở mức dưới 100.
– 89 là vòng eo tối đa mà phụ nữ nên duy trì để giảm nguy cơ rủi ro với những bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim.
– 150 là số phút trong tuần bạn nên dành để tập luyện một môn thể thao hoặc hoạt động yêu thích.
– 300 là số lượng calo mà những người không có giấc ngủ ngon thường ăn thừa.
– 2.000 là số lượng calo tiêu chuẩn mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên tiêu thụ mỗi ngày.
Con số có giá trị lớn nhất này có phải là con số ý nghĩa nhất với sức khoẻ của bạn chưa?
 O là con số bạn đặc biệt cần có, ví như:
·    Không tức giận gan sẽ không bị tổn thương, không toan tính bạn sẽ không bị đau đầu, không căng thẳng bạn sẽ không dễ bị đau dạ dày, không vui mừng quá độ sẽ không làm tổn hại tim.
·    Không thù ghét ai bạn sẽ không có kẻ thù trả đũa để mà phải đối diện với hiểm nguy thường trực.
·    Không có quá nhiều ham muốn lợi ích cá nhân bạn sẽ luôn thảnh thơi từng giây.
Con số O được loài người phát minh ra sau cùng, tuy giá trị bằng không nhưng lại vô cùng ý nghĩa trong toán học. Trong cuộc sống thì số O hiện hữu ở rất nhiều vật dụng, thêm nữa 1 chiếc bát hay 1 căn nhà dù đẹp đến đâu cũng chỉ có “khoảng không” của nó là hữu dụng nhất. Rất nhiều loài chim và 1 số động vật lưỡng cư nhưng đều sinh ra từ quả trứng hình tròn.
Do đó đối với sức khoẻ con người cũng vậy. Một điều tuyệt đối đúng là: bệnh tật về tâm hồn thì lớn hơn và nguy hiểm hơn bệnh tật về thể xác, cũng đồng thời khó chữa hơn. Bạn có thể học cách làm cho tâm hồn lạc quan và thanh tĩnh bằng cách tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tình nguyện… hoặc chủ động hơn qua các phương pháp thiền định.


Xoa bóp huyệt vị ở chân mỗi ngày, hiệu quả dưỡng sinh hơn thuốc bổ


Dưỡng sinh chân trần là một loại phương pháp rất đặc biệt, bởi vì lòng bàn chân có rất nhiều huyệt vị, đi lại bằng chân trần có thể kích thích huyệt vị lòng bàn chân, do đó dẫn đến hiệu quả dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe. Đi bằng chân trần giúp tăng cường khả năng chống lạnh, khiến cơ thể ít sinh bệnh, còn có thể kích thích đầy đủ lòng bàn chân, do đó tăng cường khả năng của não bộ. Kích thích huyệt vị bàn chân thời gian dài sẽ làm tăng tuần hoàn máu, trị liệu bệnh ở chân cũng rất tốt.
Những điểm tốt của dưỡng sinh bằng chân trần:
1. Chân trần lăn quả bóng tennis, giảm đau lưng
Bạn có thể thử đem quả bóng tennis đặt ở dưới lòng bàn chân, chầm chậm lăn quả bóng từ gót chân đến ngón chân và ngược lại, làm trong 2-3 phút, là có thể làm giãn cơ vùng lưng và giảm đau nhức.
2. Vừa xem tivi vừa giẫm lên đậu tương, có thể giảm béo bài độc
Ở phía trước ghế sô-pha rải một ít hạt đậu tương, sau đó mỗi ngày xem tivi thì đồng thời dùng chân trần dẫm lên. Bởi vì đậu tương có kích thước thích hợp, kích thích vừa phải lên huyệt vị lòng bàn chân, giúp tăng cường chuyển hóa, nên đạt được tác dụng bài độc đốt mỡ.
3. Xơ mướp xát lòng bàn chân, làm đẹp da
Mỗi ngày sau khi rửa chân xong lấy xơ mướp dùng sức xát lên lòng bàn chân, cho đến khi nóng thì dừng. Làm như vậy giúp tuyến thượng thận tăng cường bài tiết hooc-môn, dẫn đến giảm lắng đọng sắc tố, do đó khiến da trắng nõn mà đàn hồi.
4. Tập quặp ngón chân, giúp tăng cường chức năng dạ dày ruột
Nếu như chức năng dạ dày ruột suy nhược, thì bạn có thể tập luyện quặp ngón chân, hoặc tập dùng ngón 2 và ngón 3 để cặp đồ vật, như vậy sẽ kích thích kinh lạc, nếu kiên trì thực hiện thì các triệu chứng như tiêu hóa không tốt, táo bón, tiêu chảy sẽ được cải thiện.
3 phương pháp tập bàn chân
1. Đấm lòng bàn chân
Buổi tối trước khi đi ngủ dùng nắm đấm đấm vào lòng bàn chân, có thể tiêu trừ mệt nhọc của cả một ngày dài, tăng cường tuần hoàn máu toàn thân, khiến cho chức năng bài độc của nội tạng được nâng cao, tuần hoàn máu lưu thông không trở ngại, đồng thời tăng cường tốc độ thiêu đốt mỡ.
Cách làm: lấy lòng bàn chân làm trung tâm, tiến hành có tiết tấu, lực đấm sao cho hơi có cảm giác đau, đấm chừng 100 lần, khoảng 2 phút là hoàn thành.
2. Đung đưa hai chân
Tuần hoàn máu hai chân không tốt, sẽ dẫn đến mất cân bằng chức năng nội tạng và bài tiết hooc-môn, độc tố trong cơ thể không kịp thời loại bỏ, tốc độ trao đổi chất quá chậm dẫn đến tích lũy mỡ, gây béo phì. Chỉ cần kích thích vùng chân là có thể gia tăng tuần hoàn máu, tăng nhanh chuyển hóa.
Cách làm:
Nằm ngửa trên giường hoặc sàn nhà, giơ hai chân lên, sau đó hai chân làm động tác như đạp xe đạp.
Thực hiện 2 phút, sẽ khiến tuần hoàn máu thông suốt, thiêu đốt mỡ, ngoài ra còn có thể cải thiện giấc ngủ.
3. Đi lại bằng chân trần
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là khiến cho lòng bàn chân có cơ hội được rèn luyện, khi đi lại thì cố gắng để lòng bàn chân được kích thích, như đi chân trần trên nền đá cuội, hoặc chuẩn bị một tấm thảm có những chỗ gồ tròn mịn.
Thanh lọc cơ thể trong 5 phút với phương pháp mát xa lòng bàn chân
Tạo hóa từ khi sinh ra con người đã trang bị đầy đủ mọi khả năng tự bảo vệ, tự chữa lành những tổn thương. Mỗi ngày chỉ 5 phút, hãy đánh thức khả năng tự  làm sạch của cơ thể.
Y học cổ truyền Trung Hoa hay còn gọi tắt là Trung y sử dụng rất nhiều phương thức đa dạng để phòng chữa bệnh, có thể kể đến một số phương thức điển hình như sử dụng thảo dược hoặc liệu pháp mát xa.
Dưới đây là cách đơn giản để giải độc và chữa trị một số bệnh nhất định (như ho, đau đầu, mất ngủ) bằng mát xa chân.
Theo Trung y, huyệt dũng tuyền là một đại huyệt đối với sự tuần hoàn của cơ thể. Nếu huyệt vị này được thông, nó sẽ tự động thanh lọc các chất độc khỏi cơ thể bạn, nếu kênh năng lượng này bị ứ tắc thì các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện.
 Các chất độc hại bị ứ đọng trong thân thể có thể gây ra một số triệu chứng như:
1. Thân thể mệt mỏi dù không hoạt động nhiều.
2. Nổi mụn ở khu vực từ má trở xuống.
3. Cảm giác cơ thể sưng phù lên.
4. Đối với phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Nếu những triệu chứng này xuất hiện, lý do rất có thể là cơ chế giải độc trong cơ thể bạn đang bị trục trặc. Do vậy, thay vì mua thuốc, bạn nên dành 5 phút một ngày để mát xa huyệt Dũng Tuyền.
Phương thức mát xa này rất đơn giản: Dùng 2 tay xát nhẹ để làm ấm gan bàn chân. Sau đó, dùng hai ngón tay cái đồng thời day ấn huyệt Dũng tuyền ở hai bên chân (xem ảnh để xác định vị trí) trong 2 phút với một lực tương đối mạnh, sao cho đạt cảm giác tê lan sâu vào trong gan bàn chân. Điều quan trọng là bạn hãy tiến hành day bấm một cách đều đặn hàng ngày để đạt hiệu quả thải độc tối ưu nhất.


02/09/2017

Mẹo vặt với Bia


1. Đường và men có trong bia giúp nuôi vi khuẩn có lợi cho đất và giúp cho rau củ, hoa cỏ của bạn tươi tốt. Chính vì vậy, thỉnh thoảng hãy “giải khát” cho khu vườn của bạn bằng một ly bia.
2. Nếu ốc sên phá hoại vườn của bạn và ăn các lộc cây non. Bạn hãy bẫy và diệt chúng đơn giản bằng cách đặt một tô chứa bia trong khu vườn vào buổi tối để tạo thành một cái bẫy hiệu quả.
3. Bia cũng có thể biến thành cái bẫy nguy hiểm đối với lũ ruồi giấm trong bếp. Rót một ít bia vào bì ny lông và chừa lại một lỗ nhỏ để dụ ruồi chui vào, chúng sẽ khó có thể chui ra khỏi.
4. Với những vật dụng bằng vàng, đồng và gang, bạn có thể làm sạch chúng với bia. Ngâm trang sức vàng vào bia vài phút và rửa sạch lại bằng nước, lau khô bằng vải mềm để cảm nhận vẻ đẹp sáng mới của chúng.
5. Bạn cũng có thể biến bia thành một chiếc bẫy gián. Ngâm một miếng bánh mì với bia và đặt chúng vào một lọ thủy tinh, đồng thời bôi mỡ lên miệng lọ, gián sẽ chỉ có đường vào mà không có cách nào ra được.
6. Thêm một chút bia vào thịt ướp sẽ giúp cho thịt dễ mềm hơn và tăng hương vị lên rất nhiều. Bạn có thể áp dụng cách này để nấu tôm hay thậm chí là nấu cơm.
7. Dùng bia để lau đồ nội thất sẽ giúp chúng sạch và sáng bóng hơn.
8. Bia cũng giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Hãy uống một chút bia nếu cảm thấy bụng không được khỏe.Tuy nhiên bạn đừng uống bia nếu có vết loét hoặc bị viêm dạ dày nhé.
9. Uống một lon bia cuối ngày sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
10. Ngâm chân với một chậu nước ấm có hòa thêm một lon bia sẽ mang lại cho bạn một đôi chân mềm mại và tạm biệt với các vết chai sần xấu xí.
11. Ruồi và muỗi sẽ tránh xa căn phòng có đặt một lon bia đang mở nắp đấy. Mùi bia là mùi chúng ghét nhất.
12. Chất cồn, đường và một số dưỡng chất khác có trong bia rất có lợi cho cây, hoa. Cho thêm một chút bia vào bình cắm hoa có thể giúp cho hoa tươi lâu hơn. Cho thêm một chút bia vào nước để tưới cho cây hoa cũng giúp cho hoa trên cây lâu tàn.
13. Bạn có thể dùng bia để lau đồ thủy tinh, cửa kính và khiến chúng sáng choang, sạch sẽ một cách dễ dàng.
14. Nếu dùng bia để gội đầu sẽ giúp cho tóc óng mượt, mềm mại và sạch gàu. Cách làm là sau khi gội đầu thật sạch với dầu gội thì thấm ướt tóc bằng bia và xoa bóp nhẹ nhàng vài phút trước khi xả sạch lại với nước. Mùi bia sẽ mất sau vài giờ nên bạn đừng lo lắng.
15. Nếu giặt đồ lụa bằng bia sẽ giúp cho vải trở nên mới hơn, lưu màu tốt hơn và cũng trở nên mềm mại hơn. Pha loãng bia với nước lạnh và ngâm đồ 15 phút trước khi xả sạch với nước.
16. Bạn có thể khử mùi hôi và diệt khuẩn có trong tủ lạnh với bia. Vắt khô khăn đã tẩm bia rồi dùng khăn để lai sạch tủ lạnh để đạt được hiệu quả này.
17. Cho thêm bia vào khi chế biến món ăn sẽ có nhiều hiệu quả bất ngờ.
Bia có thể tẩy mùi hôi tanh của cá. Bạn chỉ cần tẩm bia chừng 10 phút trước khi rửa sạch để chế biến.
Một ít bia tráng chảo sẽ giúp cho chảo không bị dính khi chiên cá.
Bia cũng khử mùi hôi của mỡ động vật. Bánh rán sẽ thơm và giòn hơn nếu trong bột có cho thêm ít bia.
18. Bia cũng giúp loại bỏ các lớp sắt gỉ. Vì vậy nếu bạn gặp khó khăn khi tháo các con ốc bị gỉ hãy tưới lên đó một chút bia nhé. Sử dụng bia tương tự cho các vật dụng sắt bị gỉ khác.


23/08/2017

NÀO ĐÂU NHỮNG GIỜ VĂN THẦY NGẮC NGỨ TRÒ NGẮC NGỨ (phần 2 của stt MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ- LỚP 8A TRƯNG VƯƠNG)

 Dương Phương Vinh
Thầy Nguyễn Bắc Sơn
“Những cuốn sách Kim Đồng do người lớn hạ cố viết cho trẻ em, những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” là cách nhà văn Phạm Thị Hoài mai mỉa nền giáo dục một thời.
Còn đây là giai thoại mình từng kể trên báo nhà: Hồi nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, có lần ông chê Trần Ninh Hồ biên tập dốt. T.N.Hồ đối đáp: Cấp 2 cấp 3 đều học “Con trâu”, vào đại học cũng “Con trâu”, gì mà chả ngu!” Ông Bổng dỗi vài hôm thì xẻn lẻn: Vào đại học chúng nó cũng phải học “Con trâu” thật à? Thế thì ngu thật!” (Chứng tỏ ông chả vinh dự giề khi con trâu của mình được nhai đi nhai lại).
Với lớp 8A Trưng Vương ngày ấy, không hề có “những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” mà là những giờ học sướng hơn đi chơi. Theo cách nói thời thượng là “tương tác”. Luôn tương tác thầy-trò, ko đần ra thụ động, cắm đầu cắm cổ ghi ghi chép chép.
Bởi vì người thầy này- Nguyễn Bắc Sơn đã quyết vận dụng những sáng kiến, cải cách giáo dục ông tích lũy bao năm vào lớp 8A. 
Tuần trước, 13/8/2017, họp lớp gồm 14 đứa và thầy chủ nhiệm Bắc Sơn sau bao năm đứt liên lạc, cả bọn có vẻ trố mắt khi mình hỏi những câu như: Có nhớ bài học đầu tiên là về gì ko? Thầy từng in những bài báo nào khi đang dạy bọn mình? Tên thật của thầy thật ra là Nguyễn Công Bác nhé, tức là công bằng bác ái. Vân vân.
Ôi làm sao kể hết cái buổi ban đầu lưu luyến ấy. Ví dụ lần đầu tiên mình nghe giải nghĩa từ “bài ca”: những gì đẹp nhất, hay nhất, lý tưởng nhất. “Bài ca giao thông vận tải” nghĩa là những gì hay nhất đẹp nhất lý tưởng nhất về giao thông vận tải. Sau này mỗi khi viết những phóng sự đặt tít kiểu “Bài ca du lịch”, lại nhớ về thuở đầu đời 8A. 
Những cải cách của Nguyễn Bắc Sơn không phải đồng nghiệp nào cũng tâm phục khẩu phục. Ví dụ thay vì gọi sổ LIÊN LẠC thì gọi sổ TU DƯỠNG. Trước mỗi giờ kiểm tra, mỗi đứa để trước mặt tấm biển nhỏ LỜI HỨA DANH DỰ tự tay viết, trong đó thề không quay cóp.
Bọn mình được dạy không ghi “Lời phê của giáo viên” mà “Lời phê của thầy giáo”, mới có lễ nghĩa. Không nói cám ơn, mà cảm ơn. Được dạy về ĐỐ KỴ GIỚI TÍNH ngay những ngày đầu, nghĩa là cùng dấu đẩy nhau, khác dấu hút nhau. Ngay từ đầu, thầy nói: “Thầy cô giáo không phải là khuôn vàng thước ngọc”- điều trước đó chưa từng nghe.
Thầy ghét lối viết sáo. Có lần làm bài về một tác phẩm văn học dân gian, mình lười biếng viết: “Dưới ngòi bút của...” Bị thầy phê bên cạnh: “Bút mực hay bút chì?” (đã dân gian thì truyền miệng, làm gì có bút nào), làm mình ngượng tái. Có đứa viết được một ít đã tịt nên buông dấu ba chấm lửng lơ ra cái điều còn đầy chuyện nhưng không buồn viết. Thầy bèn vẽ cái quan tài vào chỗ có ba chấm. 
Bọn mình được tha hồ phóng bút, bộc lộ cá tính. Đâu biết văn mẫu là gì. Nhưng hay bị để ý tiểu tiết như: Tên họ phải viết ngang hàng với thứ ngày tháng. Nhớ lần viết về truyện ngụ ngôn Edop, mình bị trừ 1 điểm, còn 9, vì can tội “ngông ngạo” ghi họ tên góc bên trái hơi cao một chút.
Trong một năm học, bọn mình lần lượt đi dã ngoại các chùa cách Hà Nội mấy chục cây số bằng xe đạp: Chùa Hương, chùa Thầy, Tây Phương, Trầm, Trăm Gian. Có lần băng qua ruộng mía dừng lại nhổ trộm, bị đuổi, ném gạch và mắng với theo: “Hà Nội có tội với nhà quê!” Thời bao cấp ai chả khổ nhưng bọn Hà Nội vẫn nhung nhăng nhởn nhơ lắm so với “nhà quê”, ghét là phải. 
Thầy cho rằng những chuyến tham quan dã ngoại và lao động dã ngoại là cơ hội tốt nhất để sát hạch năng lực tổ chức, giáo dưỡng của thầy lẫn trò. Nhớ mãi lần lao động công ích xây nhà trẻ Hoa Hồng, Bungari gần hồ Hai Bà, moi đất moi cát trêu nhau trêu cả thầy.
Ngay những ngày đầu, thầy phát cho mỗi đứa một tờ giấy ghi nguyện vọng của mình, kỳ vọng gì ở thầy ở bạn, đề cao những đức tính nào nhất, và phải làm gì để có được tập thể đoàn kết vững mạnh.
Mình là thư ký lớp, được ôm đống phiếu khảo sát và đã sớm lộ tính tò mò báo chí, giở ra đọc xem một số đứa muốn gì. 
Nguyễn Bắc Sơn tự hào, trước khi về Trưng Vương, dạy trường Hoàn Kiếm (Albert Sarraut cũ) một mình thầy tổ chức cho 3 lớp đi lao động một tuần ở nông trường Đồng Giao, Ninh Bình. Thu hoạch dứa và lạc. Một học trò về sau trở thành Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng của Chính phủ đã nói với thầy rằng, chuyến lao động dã ngoại Đồng Giao tuyệt vời đã làm thay đổi cuộc đời anh ấy.
(phần cuối sẽ là: BẠN CÓ NHỚ TRƯỜNG NHỚ LỚP NHỚ TÊN TÔI)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
 Cùng cô bạn Xuan Nguyen
Tác giả là nhóm nhà báo Công giáo và Dân tộc (TPHCM), đã chụp cho mấy đứa nhỏ Hà Nội bọn mình bộ ảnh màu đầu tiên trong đời.


22/08/2017

BẠN CÓ NHỚ TRƯỜNG NHỚ LỚP NHỚ TÊN TÔI. (phần cuối stt MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ- LỚP 8A TRƯNG VƯƠNG)

Dương Phương Vinh
Lớp tôi (ảnh do bạn Xuân Nguyễn cung cấp - ảnh này có lẽ chụp khoảng năm lớp 11E thì phải ở Công viên Thống Nhất
“Em thấy không tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say...” (Chiếc lá đầu tiên- Hoàng Nhuận Cầm).
Tuổi thơ ra đi một cách cao ngạo và có những đứa ở tuổi thơ đó, cao ngạo mà lại dễ vỡ cho nên càng thích ai càng lánh xa. Dễ vỡ, cả nghĩ nên mới thổn thức mãi một chuyện thế này: Hồi ấy mình làm thư ký lớp, thường mang cuốn sổ điểm to dài về nhà chép. Run rủi đúng lần bị con ngỗng thì bố lại giở sổ xem, bèn xé toạc! Ngay sau đó ân hận, kỳ công nhờ mua được cuốn sổ hệt thế- của Bộ Giáo dục, xong tự tay ngồi chép từng con điểm. Mình vác cuốn sổ đầy nét chữ của bố đến trần tình với thầy, nói đừng kể cho ai, chỉ em, Tu Quyen Levà thầy biết thôi nhé, hứa đi. Thầy hứa, và không mắng mỏ gì chuyện cuốn sổ điểm bị thay thế.
Vài hôm sau, nghe bọn lớp khác mách: Thầy Bắc Sơn dạy Văn lớp chúng nó, kể chuyện cô thư ký lớp tôi như thế như thế, bị bố xé sổ điểm như thế, chuyện tày trời nhưng qua đó thấy mặt phải của vấn đề, đó là cha mẹ rất quan tâm con cái. Mình sốc nặng. Đi qua mấy lớp kia cảm giác cả lũ đang bàn tán về mình mà nóng hết gáy.
Hồi đó, 14- 15 tuổi không được gia đình giáo dục về giới tính và tình cảm đầu đời nên coi như mù chữ khoản này, cư xử cực vụng về. Nhưng lại sớm su-pơ soi, ôn con mà luôn ngầm phản biện. Chẳng hạn: thầy quí bạn thân của mình- Tú Quyên vì nó học giỏi, ngoan hay còn vì là em họ thầy Bình hiệu trưởng. Thầy chịu khó cải cách vì nhiệt huyết hay còn gì nữa...
13/8/2017 vừa rồi, cả lũ tụ bạ ở nhà Lê Văn Hướng tức Hướng “xoẳn”, một đứa xưa học rất giỏi tự nhiên. Hướng nói lớp 8A và mái trường Trưng Vương làm cậu vơ vẩn mãi kể cả khi sang Nga du học. Khi Trưng Vương tan, thầy Sơn kéo Hướng sang Chu Văn An theo thầy, sướng thế. Một số tản sang Hoàn Kiếm, Lý Thường Kiệt còn lại dạt hết về Trần Phú.
Hôm ấy đến ngôi nhà to vật bên sông Hồng của Hướng để liên hoan mà nhớ ngày xưa, cả bọn có niềm vui là thỉnh thoảng ra Bãi Giữa “pic nic”, bởi một phần của 8A cư trú ở đây- bọn nó đều có vẻ chân thật giản dị so với dân phố.
Ngày đó Hà Nội nhỏ bé, bọn mình nhỏ bé, mỗi cuộc ra bãi “nghe Hồng Hà nước vật mình mà trôi” (thơ Nguyễn Duy), run rẩy lướt thướt dưới mưa, xơi mẩu ngô khoai sắn nóng hổi bên bờ sông hoặc trong nhà Chiến, Diệp... thấy một nhịp đời khác hẳn trong phố.
Không khí của một buổi họp lớp thì đâu cũng thế: Chọc ghẹo nhau, ôn lại những mối tình bất thành... Cả lớp chỉ có một đôi “di căn” là Tuấn- Hoa, lấy nhau mê nhau đến giờ: “Suốt đời chỉ yêu một người/Bệnh ấy còn nặng hơn mười ung thư” (thơ Nguyễn Bảo Sinh). Ôn những chuyện như: Sao hồi đó suốt ngày lê la nhà nhau ko biết chán, ko như bọn nhóc bây giờ chát chít là chính. Suốt ngày ám nhà Hoa lớp trưởng để xì xụp nấu mì, tự nhiên như ruồi, chả e ngại mẹ và anh chị nó gì cả. Chỉ ít mỡ, phi hành xào cà chua, nước sôi cho nắm mì, bắc xuống thêm chút húng Láng và ớt tươi mà sao ngon thế! Có lần đang ăn thì bịch bịch, con mèo nhà nó mới đẻ, ăn mất con, xong quăng đầu con từ gác xép xuống. Hãi.
Nhớ những chuyện như: một dạo cứ chiều chủ nhật là mình lại bươn bả từ đầu phố Huế đến 48 Hàng Bài để mê mẩn xem bộ phim “Trên từng cây số” có anh Đây-a-nốp cằm chẻ đẹp giai ngời ngời, lại còn xem ở nhà hàng xóm của Hương chứ nhà nó chưa có ti vi. Một giai đoạn gian khó và kỳ cục của đất nước mà mình từng tả trong bài “Ăn mặc chơi xem nghe đọc một thời”.
Mình với tư cách đồng nghiệp báo chí của thầy chủ nhiệm, hôm 13/8/2017 đó, thông báo nhưng chưa đầy đủ lắm việc thầy đã trở thành một nhà văn hơn 2 chục đầu sách. Bọn nó chỉ biết, rời Trưng Vương thầy theo thầy Bình về Chu Văn An làm hiệu phó (thầy Bình là hiệu trưởng). Được hai nhiệm kỳ thì về làm Trưởng Phòng Quản lý Báo chí của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Bọn nó cũng không biết, rời Trưng Vương, thầy từng được đề nghị nhưng từ chối làm hiệu trưởng cấp 3 Lý Thường Kiệt, hiệu trưởng cấp 3 Hà Nội- Amsterdam. Quá oách.
Viết stt này vì lẽ đó: Thầy của họ là tấm gương lao động, đến giờ này vẫn viết như điên nhưng 76 tuổi rồi, mà mình thì chưa từng viết bài giới thiệu cuốn sách nào của thầy.
Viết vì trong cuộc họp lớp sau bao năm đứt quãng, cả lũ đều chúng khẩu đồng từ mà rằng: được học năm đầu cấp 3 ở mái trường Trưng Vương trong một khóa học ko tiền khoáng hậu là niềm tự hào cả đời của chúng. Sắp tới kỉ niệm 100 năm Đồng Khánh- Trưng Vương, biết có nên về.
Viết còn vì quan sát trong so sánh với con và bạn bè chúng bây giờ- cũng đang bước những bước loạng choạng đầu đời. Mong nếu có sai lầm thì cái giá mà chúng phải trả giá sẽ ko quá đắt. Và thực sự lớn lên.
“Tôi kính trọng tôi thuở ngơ ngác cổng trường” (thơ Bùi Chí Vinh). Nhưng nếu được trở lại, có thể sẽ sống khác?
Sẽ gắng tận hưởng những ghế những bàn, trở đi. Những giờ học bình thường và bất thường. Những thềm đá hoa, cầu thang gỗ và cửa sổ dày lịch sử- văn hiến, phòng thí nghiệm lung linh, vườn rau nhỏ...trên con phố Tây đẹp đẽ. Bởi biết ra sao ngày sau. Có ai ngờ vừa chân ướt chân ráo vào trường thì 9 tháng sau đã phải rời đi với lành ít dữ nhiều chờ đợi phía trước.
“Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. (Hoàng Nhuận Cầm).
Nếu được trở lại, sẽ trân trọng hơn tình cảm người khác dành cho. Ko phũ đến thế, làm tổn thương “trắng trợn” ai đơn phương. Sẽ chân tình tế nhị nói điều mình nghĩ với người ko đơn phương, nói bạn đá cầu thật duyên dáng, thầy chọn bạn chứ ko chọn mình thi học sinh giỏi Văn là phải, cảm ơn đã tặng truyện Tom Shaywer và Bố Già, nhưng... Sẽ nói thật điều chưa bằng lòng nho nhỏ để cùng điều chỉnh. Không khư khư phong kín ý nghĩ trong sự ấm ức để rồi mãi sau này cũng ko định danh nổi một mối quan hệ.
Nếu được trở lại, có thể vẫn khó tính như ma, vẫn phản biện đồng thời càng trân trọng những khoảnh khắc đáng giá. Hay là thả lỏng hơn đồng thời tinh tế hơn. Nhưng chúng mình chỉ mới 14- 15 tuổi đầu, nhỉ!
“Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em/Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ/Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”. (Hoàng Nhuận Cầm- Chiếc lá đầu tiên).
Vẫn “Chiếc lá đầu tiên”: “Muốn nói bao nhiêu muốn khóc bao nhiêu/ Bài hát đầu xin hát về trường cũ/Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ/Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm”. Hoàng Nghĩa Trung và các bạn 8A Trưng Vương ở đâu hãy cùng tụ hội: Lê Nhật Nam, Nguyễn Khắc Hoài Nam, Phùng Ngọc Diệp, Vũ Kim Chung, Lê Duy Linh, Trần Quốc Thắng, Đinh Thị Huệ, Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Việt Dũng, Đoàn Kim Lan, Đỗ Đình Chính, Trương Thanh Sơn, Đặng Thanh Sơn, Lê Văn Hướng, Nguyễn Chí Hướng, Nguyễn Phú Thắng, Phạm Anh Hiệp, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Hải Nam, Lê Hồng Phương, Hoàng Dũng Trí, Trần Lê Văn, Dương Thị Hằng, Phạm Thu Nguyệt, Lê Thanh Hằng, Phạm Minh Chính, Phạm Hồng Việt, Trần Lê Anh Tuấn, Tuấn Long, Ho Tung Phuong, Hong Hoa, Hoàng Yến Nguyễn, Tường Vy Phạm, Huong Doan,Trang Cam, Xuan Nguyen, Bui Phuong Mai, Tu Quyen Le, VuAnh Cao. (Thiếu Trần Văn Chiến vì chúng ta mất bạn ấy đã hơn 20 năm).

 Một số ảnh lớp tôi do bạn Xuân Nguyễn cung cấp: