18/02/2019

Hà Nội cũ mà chưa xa

Những hình ảnh đặc sắc về Hà Nội từ năm 1986-1995 do nhiếp ảnh gia người Mỹ William E Crawford thực hiện sẽ khiến nhiều người không khỏi bồi hồi…
Nét thâm trầm của khu phố cổ nhìn từ một ngôi nhà trên phố Đinh Liệt, Hà Nội năm 1986.
Quầy bán báo ở số 222 phố Hàng Bông, 1986.
Bảng hiệu vẽ bằng tay trên tường của phòng khám răng 174 Hàng Bông, năm  1986.
Bà mẹ của một chiến sĩ Hà Nội đã mất tích trên chiến trường, 1986.
Ông bố chở ba đứa con bằng xe đạp trên đường Thanh Niên, 1987.
Khu tập thể A1 Giảng Võ lúc này chưa bị cơi nới tràn lan, 1988.
Xe đạp tràn ngập ở ngã tư Hàng Gai – Lương Văn Can năm 1988. Xe Honda xuất hiện lác đác, lúc này mỗi chiếc có giá trị bằng cả một căn nhà.
Quán ăn ở số 72 Mã Mây, năm 1988.
Hai nam giới tán gẫu ở quán nước vỉa hè, trước nhà số 8 Lý Thái Tổ, 1988. Cửa nhà có tấm biển nhỏ ghi “Ai hỏi nhà trong xin mời vào”.
Chân dung Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, 1988.
Chân dung một nữ diễn viên xiếc, 1988.
Những ngôi nhà mang kiến trúc cổ kính ở số 19 Nguyễn Quang Bích, năm 1991. Xác pháo hồng phủ đầy bên lề đường.
Cột điện và dây điện chằng chịt ở ngã tư Hàng Gai – Lương Văn Can năm 1994. Góc trái bên dưới có một khung sắt với những vòng tròn, được dùng để dựng xe đạp.
Bên ngoài ngõ 38A Mã Mây, năm 1994.
Tiệm may ở số 35 Hàng Trống, năm 1995.
Cửa hàng sửa chữa điện ở số 103 Hàng Bông, năm 1995.
Bên ngoài nhà số 143 và 145 Hàng Bạc, năm 1995.

Lỡ duyên






Rồi mùa Thu về gõ cửa
Khe khẽ căn phòng của em
Chiếc lá vàng rơi mặt gối
Mây trắng dửng dưng ngoài thềm
Rồi mùa Hè về đẫm ướt
Cỏ xóa con đường không tên
Sóng in dấu trên cát mịn
Bâng quơ không chút nỗi niềm
Rồi mùa Đông về trống trải
Trăng liềm làm tổ cành cây
Tóc ướt mang chiều mưa bụi
Mái nghiêng thầm thẫm bóng gầy
Em có biết chăng sớm nay
Hoa sấu rắc mưa bến đợi
Một lần hẹn hò không tới
Mùa xuân lỡ làng trong nhau

Duy Thông


17/02/2019

Bài hát "Chiến đấu vì Độc lập - Tự do" của nhạc sỹ Phạm Tuyên


Thật xúc động khi quá lâu rồi lại được nghe bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…” của nhạc sỹ Phạm Tuyên, thật ra chỉ có 2 câu thôi trên VTV1 buổi truyền hình Thời sự 19h ngày 17/2/2019.
Không phải là kích động hận thù hay mục đích xấu xa gì đó, nhưng lịch sử đã được chấp nhận trên truyền thông là quý giá lắm. Thậm chí nhiều người bây giờ đã quên hoặc không biết bài hát này.
Là cựu quân nhân, trong các buổi sinh hoạt chính trị trước đây khi còn trong quân ngũ hoặc những dịp tụ họp chúng tôi thường hát bài này cùng nhiều bài hát truyền thống của quân đội ta nên trân trọng vô cùng VTV1 đã phát thanh chính thức bài hát này.
Bài hát ra đời chỉ sau một đêm ngay sau khi Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới Phía Bắc nước ta, “Chiến đấu vì độc lập tự do” như lời hiệu triệu toàn dân sẵn sàng cho một cuộc chiến mới, cuộc chiến giữ chủ quyền – độc lập dân tộc.
Lời bài hát như sau:
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới.
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã dày xéo mảnh đất tiền phương.
Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương.
Đất nước của ngàn chiến công,
Vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…
Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!
Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương.
Người vẫn hiên ngang ra chiến trường.
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người:
Vì Độc lập - Tự do.
Theo nhạc sỹ, thật ra tên bài hát chính thức là “Chiến đấu vì độc lập tự do”, nhưng không hiểu vì sao mà cho đến ngày nay, bài hát vẫn được nhắc đến với cái tên “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. 
Nhạc sỹ cho rằng “tới nay sau 40 năm được nhắc lại bài hát này, tôi thấy đây là việc làm cần thiết trả lại cho lịch sử cái gì đúng của lịch sử. 
Bài này khi viết tôi nhắc lại những truyền thống dân tộc rất nhiều nhưng nó không khô khan. Đây không phải tình cảm riêng của người viết, mà là tình cảm của toàn dân; bài hát hiện nay vẫn được nhiều người dân biết”. 







16/02/2019

Chùa Dâu - Nên đến

Không chỉ là ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam với gần 2.000 năm lịch sử, chùa Dâu ở Bắc Ninh còn là ngôi chùa mang những nét kiến trúc độc đáo có một không hai.
Nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam.
Theo một số nguồn sử liệu, chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là trung tâm Phật giáo đầu tiên của người Việt. Vào cuối thế kỷ 6, nhà sư Tì-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa và lập nên một phái Thiền mới.
Vào năm 1313 dưới triều vua Trần Anh Tông, chùa Dâu được Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi dày công tu bổ thành chùa 100 gian, tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp. Chùa tiếp tục được trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo.
Ngày nay, chùa Dâu mang kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” điển hình của các ngôi chùa cổ miền Bắc. Chùa có bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính, gồm tiền điện, thiêu hương và thượng điện.
Nét kiến trúc đặc sắc nhất của chùa Dâu là tòa tháp Hòa Phong nằm ở khoảng sân chùa sau tiền điện. Tháp xây bằng gạch nung già, vốn có 9 tầng nhưng nay chỉ còn ba tầng dưới. Mặt trước tầng hai có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”.
Tháp xây theo bình đồ vuông, mỗi cạnh tầng một rộng gần 7 m. Mỗi tầng có bốn cửa vòm ở bốn mặt. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738.
Bên trái tháp Hòa Phong có tượng một con cừu đá là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán (>> Chùm ảnh: Cận cảnh con cừu cực cổ, kỳ cục của chùa Cả).
Trong tháp có 4 tượng Thiên Vương cao 1,6 m ở bốn góc, phía trên treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.
Về tín ngưỡng, nét đặc biệt của chùa Dâu là ngôi chùa này thờ Tứ pháp, gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đây là một hệ thống thờ tự độc đáo mang đặc trưng của dòng thiền xứ Kinh Bắc cổ xưa (>> Thờ Tứ Pháp – một tín ngưỡng độc đáo của người Việt).
Ngày nay, chùa còn lưu giữ khoảng 100 tượng thờ các loại, trong đó có nhiều tác phẩm mẫu mực của nền điêu khắc cổ Việt Nam.
Phía sau chùa là vườn tháp, nơi lưu giữ di cốt của các nhà sư tu hành tại chùa.
Vào năm 2013, chùa Dâu đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

11/02/2019

Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh là một ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa với những nét kiến trúc độc đáo, xung quanh là sông núi hữu tình.
Từ bấy lâu nay, chùa Bà Đanh (thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã đi vào tâm thức của người Việt Nam qua câu nói cửa miệng “Vắng như chùa Bà Đanh”.
Tương truyền chùa có từ thế kỷ thứ 7, ban đầu là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), đền được xây dựng lại to đẹp khang trang hơn. Người dân thấy phong cảnh đẹp, đền linh thiêng nên rước tượng Phật về phối thờ.
Về tên gọi chùa Bà Đanh, theo truyền thuyết của địa phương, chùa từng thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay.
Câu so sánh “Vắng như chùa Bà Đanh” có từ bao giờ và vì sao lại có sự so sánh đó đến nay vẫn còn là thắc mắc của nhiều người.
Có nhiều cách lý giải về câu nói này nhưng ý kiến được cho là chuẩn xác nhất là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Trong nhiều thế kỷ, cách an toàn nhất để đến chùa là chèo thuyền qua sông Đáy, nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Cũng giống nhiều ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…
Bên cạnh đó, ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa này có những nét riêng độc đáo. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ, Pháp Vũ của tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Tứ Pháp…
Chùa cũng được biết đến với những bộ vì kèo gỗ được chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau.
Ngày nay, đường đến chùa Bà Đanh đã thuận lợi hơn nhiều, do đó khách tìm về thăm quan, hành hương vào dịp lễ, Tết khá đông, khiến ngôi chùa không còn vắng vẻ như xưa nữa.
Dù vậy, câu ví von “Vắng như chùa Bà Đanh” sẽ mãi mãi là một “thương hiệu” làm nên sự nổi tiếng của ngôi chùa cổ độc đáo này.

09/02/2019

Chùa Nôm, nơi còn lưu giữ hồn cổ đồng bằng Bắc bộ.

Tương truyền, xưa kia ở vị trí của chùa Nôm vốn có một am nhỏ nằm giữa rừng thông cổ thụ, sau này trở thành chùa. Vào năm 1680, chùa được xây lại và trải qua nhiều lần trùng tu để có quy mô như ngày nay.
Nằm ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chùa Nôm là một trong số ít những ngôi chủa cổ có quy mô lớn của vùng Bắc Bộ còn lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn được những nét kiến trúc xưa.
Chùa có tên chữ là Linh Thông Cổ Tự, nằm trên một diện tích rộng khoảng 15ha. Tương truyền, xưa kia ở vị trí của chùa vốn có một am nhỏ nằm giữa rừng thông cổ thụ, sau này trở thành chùa. Vào năm 1680, chùa được xây lại và trải qua nhiều lần trùng tu để có quy mô như ngày nay.
Ấn tượng đầu tiên về chùa Nôm là tòa tam quan bằng gỗ được xếp vào hạng to, cao nhất nhì Việt Nam.
Không chí bề thế, tòa tam quan chùa Nôm còn là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đỉnh với nhiều mảng chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Bước qua tam quan là một hồ nước hình vuông, hai bên là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng.
So với nhiều ngôi chùa cổ Bắc Bộ khác, lầu chuông và lầu trống của chùa Nôm đồ sộ hiếm thấy, có ba tầng mái cong vút dựng trên bộ khung gỗ chắc chắn.
Sau hồ nước là khoảng sân gạch rộng và tòa tam bảo nằm ẩn mình trầm mặc dưới những tán cây cổ xum xuê.
Không gian bên trong tòa tam bảo được bài trí theo kiểu cách điển hình của các ngôi chùa cổ miền Bắc.
Các lớp tượng Phật, Bồ tát được bài trí ở gian trung tâm tòa tam bảo.
Từ hai bên nhà tam bảo có hai dãy hành lang có mái che dẫn xuống nhà Mẫu.
Một nét đặc sắc trong kiến trúc chùa Nôm là sự hiện diện của hơn 100 pho tượng bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. Các pho tượng được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế, kích thước… khác nhau nhằm thể hiện các chủ đề Phật giáo.
Điều đặc biệt là hệ thống tượng này được lằm bằng kỹ thuật đặc biệt nên rất bền vững, vẫn nguyên vẹn sau khi trải qua rất nhiều trận lũ lụt trong lịch sử và trở thành một sưu tập tượng đất cổ độc nhất vô nhị Việt Nam.
Ngoài khu vực chùa chính, chùa Nôm còn nhiều công trình kiến trúc khác, trong đó ấn tượng nhất là lầu Quan Âm nằm giữa một hồ nước trong khuôn viên chùa. Tòa lầu nguy nga này nối với bờ bằng một cây cầu đá mô phỏng cây cầu Nôm cổ.
Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng được tạo tác rất kỳ công.
Cách lầu Quan Âm không xa là khu vườn tháp với nhiều tòa tháp bằng đá ong, là nơi an nghỉ của những nhà sư tu hành ở chùa.
Nhà thờ Tổ và nhà khách nằm phía sau khu chùa chính, có quy mô khá bề thế giữa một không gian rộng lớn.
Chùa còn lưu giữ được hai tấm bia đá cổ các bia đá ghi lại ghi lại lịch sử xây dựng, trùng tu chùa từ những thế kỷ trước…