10/07/2021

10 câu thần chú phổ biến trong Phật giáo

 


Thần chú mang lại cho chúng ta sự bình tĩnh, tự tại, thăng bằng và thoải mái khi gặp khó khăn. Khi trì tụng thần chú, chúng ta nên giữ cảm giác tích cực, hoan hỷ và cống hiến, hồi hướng công đức ấy cho tất cả chúng sinh được giác ngộ và an lạc, như là một hành động từ bi cao cả.

Khi trì chú, chúng ta nên để cho tâm được tập trung nhưng vẫn giữ trạng thái thật thư giãn, thả lỏng và không nghĩ tới bất cứ điều gì khác. Chỉ cần tập trung tâm cho việc trì tụng thần chú. Nên nhớ rằng, dù tu tập theo phương pháp gì đi nữa thì điều quan trọng nhất luôn được đề cập và nhấn mạnh trong Phật giáo vẫn là nên làm những điều thiện và luôn tránh xa điều ác!

1. Lục Tự Đại Minh chú của Quán Thế Âm Bồ Tát 

OM MANI PADME HUM
Đọc là: Ôm Ma-ni Pê-mê Hung.

Thần chú Sáu Âm này là tinh tuý của tâm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cao quý, người luôn dõi theo chúng sinh trong sáu cõi với lòng từ bi. Vì thế, tụng chú này sẽ giải thoát các chúng sinh khỏi luân hồi.

2. Thần chú của Đức Tara Xanh 

OM TARE TUTTARE TURE SOHA 
Đọc là : Ôm Ta-rê Tu-ta-rê Tu-rê Soha

Tụng thần chú của Tara Xanh sẽ giúp vượt qua nỗi sợ hãi và giận dữ, bảo vệ chúng ta khỏi những chướng ngại cũng như tăng trưởng những ước nguyện một cách nhanh chóng.

3. Thần chú của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

OM A RA PA TSA NA DHIH 
Đọc là: Ôm A Ra-pa Sa Na Đi

Niệm Thần chú này tăng thêm trí tuệ, khả năng biện luận, nhớ, viết…

Khi niệm, âm “Dhih” của câu chú cần được nhấn mạnh.

4. Câu tâm Chú Chuẩn Đề

OM CALE CULE CUNDI SOHA
Đọc là: Ôm Ca-lê Cu-lê Cun-đi Soha

[Hay bản dịch tiếng Hán là: Án chiết lệ chủ lệ Chuẩn Đề ta-bà-ha].

Từ xưa người ta đã quen vẽ 9 chữ thần chú Chuẩn Đề thành 1 vòng tròn để thờ trong nhà và hàng ngày trì tụng để mang lại những kết quả tốt đẹp, linh nghiệm trong cuộc sống.

5. Câu Tâm Chú Lăng Nghiêm: 

Để hàng phục ma quỷ như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật đã nói.

OM ANALE VISADE VIRA VAJRA-DHARE BANDHA BANDHANI VAJRA-PANI PHAT HUM TRUM PHAT SOHA.
Đọc là: Ôm A-na-lê Vi-sa-đê Vi-ra Vaj-ra Đa-rê Ban-đa Ban-đa-ni Vaj-ra Pa-ni Phát Hum Trum phát Soha

6. Thần chú của Phật Di Đà: 

OM AMI DEWA HRIH
Đọc là: Ôm A-mi Đê-goa Ri

“Hrih”đại diện cho những phẩm chất của Đức Phật Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc,chủ yếu là thiền định và lòng từ bi.

7. Thần chú của Phật Thích Ca Mâu Ni

OM MUNI MUNI MAHA MUNIYE SOHA

Thần chú này nhằm tiêu diệt tội chướng, nhanh chóng giải thoát. Thần chú Phật Thích Ca Mâu Ni có thể được coi là tinh túy của Đức Phật, bản chất của sự giác ngộ của Ngài.

8. Thần chú Địa Tạng Bồ Tát: 

OM PRA MANI DHANI SOHA
Đọc là: Om Pra Ma-ni Đa-ni Soha

Thần chú Địa Tạng làm tiêu hết các nghiệp chướng đang mang.

9. Thần chú của vị thần tài Phật giáo Zambala

Zambala được coi là 1 vị Phật mang lại của cải, giàu sang.

Người ta cho rằng nếu gặp khó khăn hoặc lo âu trong tiền bạc, tài chính thì có thể niệm tên ngài Zambala hoặc trì tụng thần chú của ngài là:

OM ZAMBALA JARDIN JAYA SOHA.

[hoặc OM ZAMBALA ZALENDHRAYE SOHA]…

thì sẽ được toại nguyện.

Quan niệm của Phật tử Tây Tạng trong việc thờ phụng hoặc thực hành trì chú Zambala là để xua tan sự lo âu, bất an về tiền bạc.

Dân gian thường gọi ngài là “Zambala – God of Wealth” (Zambala- vị thần của giàu sang).

10. Thần chú Bát Nhã Tâm Kinh

GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODDHI SOHA
Đọc là: Ga-tê Ga-tê Pa-ra-ga-tê Pa-ra sam-ga-tê Bo-đi Soha.

Thần chú trí tuệ chiếu phá vô minh, trừ dứt phiền não. Cũng nhờ trí tuệ ấy mà chứng được Vô Thượng Niết Bàn. Lại cũng nhờ trí tuệ ấy mà chứng được Vô Thượng Bồ Đề.

Những người hành trì Kinh Đại Thừa Phật Giáo đều có tụng các Thần Chú trong các thời khoá nhằm mục đích tiêu trừ nghiệp chướng oan khiên, thêm được phước lành tăng trưởng.

 Ý nghĩa chữ Thần Chú là lời nói bí mật của chư Phật (Mật ngôn hay Phật ngôn), lời nói đặc biệt này chỉ có các đức Phật trong mười phương nghe biết mà nó không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của các chúng sanh trong ba cõi sử dụng, cho nên những thứ ngôn ngữ này người phàm phu không thể nào hiểu rõ.

Những ai muốn chư Phật, chư Bồ Tát trong mười phương gia hộ những khổ đau của cuộc đời chỉ cần hành trì Thần Chú được chỉ dẫn sẽ được linh ứng theo sở cầu.

 

07/07/2021

Ngẫm thứ n

 

Chợt nghĩ, cuộc đấu tố của Phương Hằng không phải không lý thú. Người đời từ Đông sang Tây đều mắc bệnh ngôi sao hoặc sính Sao nên mới có Fan và Fanpage và cái quần chip của Sao cũng thành trào lưu xã hội.

Ca sỹ càng vậy, chả biết tài năng thế nào nhưng có sự lăng xê (Trendsetters) của truyền thông khắc thành Hot ngay.

 Vì thế, mình nhìn âm nhạc cũng như một thứ hàng hóa. xuất hiện vì hùa theo nhu cầu biểu lộ tình cảm của mọi người. Nó có thể diễn tả nỗi lòng hay tâm trạng của một ai đó. Điều này thật dễ lợi dụng nên các Sao dễ tung tác dẫn dắt các Fan. Nói trắng ra, chính là vì kiếm tiền. Đây cũng chính là nguyên nhân mà các ca sĩ lại kiếm được nhiều tiền hơn các vị chuyên gia âm nhạc….

05/07/2021

Hà Nội 36 phố

 Khuyết danh



Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem hàng phố thật là cũng xinh.
Phố hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

23/06/2021

VIẾT CHO HẠ CŨ XANH XAO

 Bùi Mai Thành


Chợt nhớ về cái thời mười tám tuổi

Thuở đèo nhau rong ruổi khắp nẻo đường

Tuổi học trò đầy ắp những nhớ thương

Tim rạo rực như vầng dương mùa hạ.

 

Kỷ niệm ấy sao giờ xa xôi quá

Hạ bây giờ rỉ rả tiếng ve than

Hồn xanh xao gọi nhung nhớ ngập tràn

Thả hoài niệm lang thang miền ký ức.

 

Ta vẫn nhớ những con đường đỏ rực

Cánh phượng hồng náo nức mỗi mùa thi

Tay trong tay sao chẳng nói điều gì

Thầm ước phút chia ly đừng vội tới.

 

Tháng năm ấy giờ đã xa diệu vợi

Người và ta hai lối chẳng chung đường

Cánh phượng buồn giờ héo úa thê lương

Như luyến tiếc như vấn vương... hạ cũ.

 

Mùa hạ hỡi! Chờ ai mà ủ rũ?

Mặc rêu phong giăng phủ kín sau hè

Trưa oi nồng khắc khoải giọng bầy ve

Khơi dĩ vãng tái tê sầu trong dạ.

 

Người giờ ở phương trời nào xa lạ

Có nhớ về mùa hạ của ngày xưa?

Hay nhạt nhòa ký ức mấy lần mưa?

Hay xóa hết như chưa từng thân thiết?

Bao hạ tới khơi nỗi sầu ly biệt

Nghe mênh mang nuối tiếc... Hạ xưa ơi!


 

19/06/2021

Bơi vào đi

 


Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây
Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn
Mày cứ bơi ra, tao sao thể cầm lòng…

Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa…

Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà
Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết đêm qua mày mất ngủ
Cứ liếm tay tao, sợ trốn mày về.

Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá
Thương những đêm tao và mày đứng gác
Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác
Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ.

Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ
Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ
Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay.

Về đi mày,
đừng bơi nữa,
mắt cay…


   Thơ Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan không quân Nha Trang, Khánh Hòa) - Ảnh của cựu chiến binh Lê Bá Dương

11/06/2021

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện

 

Phẩm thứ bảy: Lợi ích cả kẻ còn người mất

 


Khuyên Tu Thánh Ðạo

Lúc đó Ngài Ðịa Tạng đại Bồ tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sinh trong cõi Diêm Phù sinh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội.

Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn: Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.

Những người đó hoặc gặp hàng thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là đội giùm hết cả. Vì hàng thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh hơn lên.

Nếu khi ra khỏi bùn lầy đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa.

Bạch đức Thế Tôn! Những chúng sinh quen theo thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.

Ðến khi những chúng sinh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó.

*

Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh. Hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh. Cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bản thức nghe biết.

Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo. Song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhơn duyên Thánh đạo. Cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.

Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành. Thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sinh lên cõi trời hoặc sinh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng. Mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích.

Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn v.v… mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề. Ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành. Cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái.

*

Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả. Chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.

Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sinh vào cõi Trời, cõi người. Nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành. Cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sinh vào chốn lành.

Huống gì là người kia chết, lúc sinh tiền chưa từng làm được chút phước lành. Đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo.

Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!

Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày. Đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm.

Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề, ở nơi trong giáo pháp của Phật. Nếu có thể làm việc phước lành cho đến chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ, thời tất cả chúng sinh đó đều tự mình được lợi ích cả.

Trưởng giả Bạch Hỏi

Khi Ngài Ðịa Tạng nói lời như thế xong, trong pháp hội có một vị Trưởng giả tên là tên là Ðại Biện.

Ông Trưởng giả từ lâu đã chứng quả vô sinh hiện thân Trưởng giả để hóa độ chúng sinh trong mười phương, ông chắp tay cung kính mà thưa hỏi Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng:

“Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sinh nào sau khi mạng chung, mà hàng quyến thuộc hoặc kẻ lớn người nhỏ, vì người chết đó mà tu các công đức. Cho đến thiết trai cúng dường, làm những phước lành. Thời người chết đó, có đặng lợi ích lớn cùng đặng giải thoát chăng?”

Kẻ Còn, Người Mất Ðều Ðược Lợi

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đáp rằng: “Này ông Trưởng giả! Nay tôi vì tất cả chúng sinh trong hiện tại này cùng thuở vị lai sau, nương nơi oai thần của Ðức Phật mà nói lược về việc đó.

Này ông Trưởng giả! Những chúng sinh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ tát hay danh hiệu của một Bích Chi Phật. Thời không luận là có tội cùng không tội đều được giải thoát cả.

Như có người nam cùng người nữ nào lúc sinh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác. Sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo. Thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.

Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức.

Con quỷ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước. Trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả. Khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.

*

Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo.

Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho. 

Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.

Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.

Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp.

Lại vầy nữa, này ông Trưởng giả! Sau khi những chúng sinh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung. Hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó.

Thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm chớ có đem nước gạo, lá rau v.v… đổ vãi ra nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dưng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn trước.

*

Nếu như ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng. Thời người chết đó trọn không được mảy phước nào cả.

Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dưng cúng cho Phật cùng Tăng. Thời trong bảy phần công đức người chết hưởng được một phần.

Này ông Trưởng giả! Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường. Chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả.”

Lúc Ngài Ðịa Tạng nói lời này, tại cung trời Ðao Lợi có số nghìn muôn ức na do tha Quỷ Thần cõi Diêm Phù Ðề, đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.

Ông Trưởng giả Ðại Biện vui mừng vâng lời dạy, làm lễ mà lui ra.

 

09/06/2021

Bây giờ mình mới biết: 

Truyền thụ tri thức lại là Sư 

Thu được học thức lại là Sinh.