(Phần 11)
Chuông gia trì - mõ
Chuông cỡ lớn tại chùa thường được gọi là Đại hồng chung ("Đại" đã là to, mà "hồng"
lại cũng có nghĩa là to lớn nữa, nhưng mang hai nghĩa hơi khác nhau. Hồng ở đây
mang tính to lớn trừu tượng, tâm linh hơn đại). Chuông lớn còn có tên là U
minh chung. Cũng có những chuông nhỏ hơn theo hình dáng giống đại hồng chung
thường dùng khi làm lễ, tiếng cũng không ngân dài như đại hồng chung.
Đại hồng chung ở chùa Sắc Tứ Linh Thứu ấp Chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang
Trong chùa còn có một loại "chuông" đặc biệt nữa gọi là chuông
gia trì, giống như cái ang bằng đồng để ngửa, khi dùng dùi gõ vào cũng tạo tiếng
kêu ngân nga, tiếng cao hay trầm, ngân lâu hay không đều có hình dáng, độ dày,
chất liệu đồng đúc lên. Chuông gia trì luôn để ở nơi ngồi tụng kinh hành lễ trước
bàn thờ, phía bên trái, đối xứng với mõ.
Mõ nguyên bản là dụng cụ gõ báo thời gian, canh giờ gọi mọi người làm một
việc gì đấy. Từ việc dùng mõ gọi các nhà tu hành đến giờ lên tu tập hành lễ, hoặc
đi ăn (thụ trai), dần chuyển thành thứ pháp khí dùng khi làm lễ. Nếu mõ xưa chỉ
gõ một vài hồi để thông báo, thì nay được gõ đều đặn trong suốt thời gian đọc
kinh. Tiếng mõ tốc tốc trở thành âm thanh đặc trưng quen thuộc của chùa.
Mõ bên tay phải, và chuông gia trì bên tay trái
Cái mõ dần trở thành một vật biểu tượng của ngôi chùa. Nói đến sư sãi là
thể nào cũng hình dung ra cái mõ, tràng hạt, và cuốn kinh.
Ở nông thôn Việt Nam vẫn thường gặp cái mõ cá dài thượt, có hình một con
cá treo ở ngoài đình. Như xưa các cụ kể, thì khi có việc làng, sẽ gõ cái mõ đó
lên để tập hợp làng xã. Trong làng có một người làm công việc được gọi là làm
Mõ, thường là dân ngụ cư (không phải dân 3 đời ở làng), phải cầm cái mõ đi rao
khắp làng xã khi có việc, là người bị coi rẻ nhất làng.
Trong chùa, cái mõ hình tròn, khoét rỗng lòng, có một cái quai, trên khắc
hai con cá. Cái mõ liên quan đến con cá là vì Cá được cho là loài vật không bao
giờ ngủ, vì mắt chúng bao giờ cũng mở thao láo. Do đó mõ - cá thể hiện sự thức
tỉnh, giữ gìn không bao giờ ngủ nghỉ, cũng như những người tu hành không bao giờ
thôi trì giới và tinh tiến. Gõ tiếng mõ cá để nhắc nhở cái tâm con người.
Bên cạnh chuông gia trì và mõ, trong chùa còn dùng hai pháp khí tạo âm
thanh nữa là trống và chiêng. Trống đánh lên để tạo âm thanh hùng mạnh, thể hiện
uy lực của nhà Phật, xua đuổi tà ma yêu quái. Tiếng trống tạo ra âm thanh liên
quan với biểu tượng "sư tử hống" - tiếng gầm của sư tử, tượng trưng
cho đại hùng đại lực. Tiếng chiêng để giữ nhịp, thức tỉnh người đọc kinh.
Bộ: Trống - chuông gia trì - mõ - chiêng trong một ngôi chùa
Bia đá
Một trong những thứ không thể thiếu ở các ngôi chùa, đền cổ, và nhiều lúc
là vật cổ nhất, quý giá nhất của một ngôi chùa, đó là các tấm bia đá.
Việc để lại dấu tích trên đá đã có từ thượng cổ, và bia đá trở thành một
hình thức lưu giữ dấu tích, bút tích, sự tích phổ biến nhất. Bia đá không chỉ
là nơi để khắc chữ, các bài văn, mà còn là nơi thể hiện trình độ điêu khắc,
trang trí đá tuyệt vời của cha ông. Xung quanh bia thường có các điêu khắc
trang trí hoa văn, rồng phượng...
Bia có nhiều loại: bia hậu chuyên dành để ghi tên những người đóng góp
công đức cho chùa, thường làm đơn giản, xung quanh ít trang trí, và để trực tiếp
trên bệ đá thường.
Những bia lớn có văn bia (minh) thì viết kỹ lưỡng chi tiết về lịch sử
chùa, quá trình hình thành, xây dựng, trùng tu, cùng tên tuổi những người liên
quan. Văn bia loại này là tư liệu lịch sử quý giá, là nguồn tư liệu chính xác,
lâu bền. Văn bia có độ chính xác thời gian cao, vì thường ghi rõ thời gian tạo
lập (niên đại, mùa, tháng). Những bia lớn thường có trang trí cầu kỳ, nhiều họa
tiết, mà nhìn vào đó có thể xác định phong cách điêu khắc của các thời kỳ lịch
sử.
Bia chùa Keo ở Thái Bình:
Đây là một bia được trang trí rất cẩn thận cầu kỳ. Các điêu khắc và chữ
viết khắc rất sâu vào đá. Đặc biệt là vì bia dầy nên còn điêu khắc trang trí cả
trên hai cạnh hai bên, điều rất ít gặp trong các bia khác. Bia này không đặt
trên rùa như thông thường, mà là trên một loạt các lớp cánh sen có trang trí đẹp.
Bia thường đặt trên lưng rùa với ý nghĩa trường tồn lâu bền. Bia của Việt
Nam cũng rất khác bia của Trung Quốc, nhìn là có thể nhận ra sự khác biệt tương
đối rõ ràng. Bia của TQ không đặt trên lưng rùa, mà là con Bị hí, một giống con
của rồng. Trên trán bia cũng không phải là rồng, mà là con Phụ hí, cũng là một
loại con khác của rồng.
Hai tấm bia đá dựng hai bên cái cổng nổi tiếng của chùa Kim Liên
Nhà Mẫu
Nhà Mẫu, hay điện thờ Mẫu là một phần mang đặc trưng riêng của các ngôi
chùa miền Bắc. Ngoài Chính điện, thì nhà Tổ và nhà Mẫu luôn được hương khói
nghi ngút, và còn người ta cầu khấn ở đây còn nhiều hơn Chính điện.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ xa xưa, nhưng được khôi phục và phát triển mạnh
mẽ cách đây khoảng 500 năm, dưới triều Lê trung hưng. Khi đó Phật giáo đang
tiêu điều, Nho giáo cũng suy đồi. Người dân quay lai với tín ngưỡng thờ các vị
thần bản địa, được tôn phong trong hình tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ Công đồng.
Tứ phủ gồm: Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ (Trời, Đất,
Núi rừng, Nước), đặc trưng bởi các màu Đỏ, Vàng, Lục, Trắng.
Tam tòa gồm: Thiên tiên (coi quyền cả thiên địa), Thượng ngàn, Thủy cung. Mẫu Thiên tiên mặc áo đỏ, Mẫu Thượng ngàn áo xanh lục, Mẫu Thoải áo trắng.
Với phong cách Tam giáo đồng nguyên đã có từ thời Lý, khi mà trong chùa
các vua Lý cho thờ cả Đạo giáo, Nho giáo, thì việc đưa Tín ngưỡng Mẫu vào trong
chùa cũng không khó khăn lắm. Và Phật giáo, với bản chất bao dung hòa đồng nhập
thế của mình, cũng đã chấp nhận các vị thần của đạo Mẫu vào khuôn viên của mình
một cách hòa nhã. Ngược lại, các tín đồ đạo Mẫu cũng thừa nhận Phật vẫn là đấng
cao thiêng hơn hết thảy, và các thánh cũng là quân của nhà Phật.
Bên trên là Tam tòa Thánh Mẫu, dưới một chút là 5 vị Quan lớn, dưới nữa
là các ông Hoàng. Gầm bàn thờ chính là nơi thờ Ngũ hổ, hai bên có hai tượng Cậu.
Trên đỉnh thường treo hai con rắn còn gọi là ông Lốt, hóa thân của Quan Tuần
Tranh.
Lễ vật cúng bàn thờ Mẫu phong phú đa dạng, kể cả đồ mặn, và tất cả các đồ
ăn uống thông thường, như cả mì chính (bột ngọt), muối ăn, nước ngọt, bia, thuốc
lá.... nhưng thường luôn có trứng.
Chùa cũng có lúc làm nhiệm vụ của một ngôi đền, khi trong chùa thờ cả các
vị nhân thần được nhân dân tôn kính.
Các vị nhân thần được thờ trong chùa gồm:
- Các vị vua chúa: thường là các vua đã ra lệnh xây chùa, có đóng góp của
cải cho chùa, hoặc liên quan chặt chẽ với chùa. Chẳng hạn như chùa Kiến Sơ thờ
Lý Thái Tổ vì vua đã từng tu ở chùa khi còn bé, chùa Huy Văn thờ Lê Thánh Tông
vì vua và mẹ đã từng lánh nạn ở chùa, chùa Bộc thờ lén Quang Trung (câu chuyện
về bức tượng Quang Trung chùa Bộc sẽ viết và có ảnh sau).
- Các vị vương công: như Trần Hưng Đạo, chúa Trịnh, chúa nhà Mạc.... nhiều
chùa đều có ban thờ riêng.
- Các vị hoàng hậu, công chúa, quận chúa... là những người đã hưng công
xây dựng, tu bổ chùa, hoặc về tu ở chùa. Như chùa Mía thờ bà chúa Mía, chùa Bút
Tháp có tượng hai bà hoàng hậu và công chúa...
Tượng thờ Lý Thái Tổ chùa Kiến Sơ. Pho tượng này trông rất ngờ ngệch chất
phác, rất dân gian và mang phong cách kiểu tượng phỗng. Tuy vậy đây vẫn là tượng
Vua, mà còn là một vị vua đầu triều Lý nổi tiếng.
Hòa thượng
Đây là Sư cụ chùa Ráng, người ta
thường gọi là Tổ Ráng, năm nay 93 tuổi (2009) nhưng rất khỏe mạnh, không hề cần
chống gậy.
Nói đến chùa, không thể nói đến người trong chùa, đó là các Nam tu sĩ, gọi
là Tăng hay Tỳ kheo tăng; và Nữ tu sĩ, gọi là Ni, hay Tỳ kheo ni.
Phật giáo là tôn giáo rất bình đẳng. Ngay từ thuở sơ khai Phật Thích Ca
đã chấp nhận phụ nữ tham gia vào giới tu sĩ, và Ni giới cũng tích cực trong việc
tu trì không kém Tăng giới. Cho đến nay ở Việt Nam, số chùa do Ni trụ trì nhiều
không kém Tăng.
Tuy vậy, cũng giống như các tôn giáo khác, Phật giáo cũng vẫn dành cho
Nam giới những đặc quyền lớn hơn. Chỉ có Tăng mới được làm một số vị trí quan
trọng như Chứng minh, Đàn đầu, Sám chủ, Giám luật... Một người nữ muốn xuất gia
thì bên cạnh Nghiệp sư (thầy trực tiếp dạy dỗ) là Ni, thì cũng cần có sự hiện
diện của Tăng, và trong lễ xuất gia chính thức cho Tăng chủ trì.
Về giáo phẩm của Tăng thì cao nhất là Hòa thượng, dưới đó là Thượng tọa,
dưới nữa là Đại đức. Hòa thượng từ 80 tuổi trở lên gọi là Đại lão Hòa thượng.
Với Ni giới thì cao nhất là Ni trưởng, dưới là Ni sư, dưới nữa là Ni cô
hay Sư cô.
Mọi người thử nhìn vị tăng áo nâu, mà áo len (ảnh trên) trong còn thòi ra
áo ngoài, đội mũ len cũng nâu như một ông nông dân đứng bên trái, và đoán xem tại
sao vị tăng này đặc biệt ???
Đấy là Sư cụ chùa Ráng, người ta thường gọi là Tổ Ráng, năm nay 93 tuổi
(2009) nhưng rất khỏe mạnh, không hề cần chống gậy.
Điều đặc biệt nhất ở cụ chính là vì cụ không có vẻ gì khác người. Cụ là vị
sư thuần Việt nhất mà tớ từng thấy, áo nâu sồng, răng đen, đi lại liên tục như
một ông nông dân, và cụ còn tự cày ruộng đến tận năm 80 tuổi mới nghỉ.
Và điều quan trọng nhất là Cụ chính là Pháp Chủ của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, là vị đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của 50 nghìn tăng ni, của hàng triệu Phật
tử của Phật giáo Việt Nam.
Khi cụ lên ngôi Pháp chủ, hàng trăm tăng ni già trẻ đã quỳ xuống dập đầu
lễ cụ, đoàn người kéo dài hàng km đón cụ. Và mới ngày hôm trước khi tôi đến,
thì các vị Sư chức thuộc loại to nhất của Hà Nội cũng vừa mới đến lễ bái cụ
xong.
Thế nhưng sau tất cả những nghi lễ màu mè đầy tính tôn giáo đó, Pháp Chủ
cũng vẫn là một ông sư già chùa làng, lúc nào cũng áo nâu. Ngay cả khi người ta
khoác áo vàng rực, đỏ lòe lên, thì bên trong vẫn là lớp áo nâu, và cả đời cụ
hình như chỉ đi dép, chưa bao giờ đi giày.
Cũng ở địa phận Hà Tây cũ, còn sư cụ Đại trưởng lão, thọ bậc nhất Việt
Nam, 97 tuổi, nhưng khi nói chuyện với tất cả các tăng ni khác, bất kể là chú
tiểu bé cho đến các hòa thượng, thì sư cụ Đại trưởng lão vẫn luôn tự xưng là
"Con" !
Chùa Tứ Pháp
Trong các chùa miền Bắc, có một "dòng" đặc biệt. Tôi tạm gọi là
Dòng, vì đây là một phong cách chùa riêng, có nguồn gốc xa xưa, được nhiều người
cho rằng có trước cả khi Phật giáo vào Việt Nam. Dòng chùa này chỉ có duy nhất ở
đồng bằng sông Hồng. Đó là dòng chùa Tứ Pháp.
Những cư dân trồng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng từ xa xưa đã tôn thờ
các vị thần thiên nhiên, thể hiện qua bốn vị Nữ thần: Mây - Mưa - Sấm - Chớp,
và gọi là Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện.
Mặc dù truyền thuyết về Tứ Pháp và Phật Mẫu Man Nương là ở vùng Bắc Ninh,
truyền thuyết từ thời Sĩ Nhiếp - thế kỷ 2-3, nhưng chùa Tứ Pháp thì trải trên một
diện rộng hơn nhiều, từ Bắc Ninh qua Hưng Yên, cả Hà Nội, Hà Nam và dọc sông Hồng
ra đến Nam Định cũng có.
Điểm đặc biệt của những ngôi chùa Tứ Pháp là Thần tượng của Nữ thần thưởng
rất lớn, được đặt trang trọng và có khi còn cao hơn tượng Phật. Trong những
ngôi chùa cổ xưa nhất như chùa Dâu, chùa Đậu, tượng Nữ thần đặt chính giữa điện,
chiếm vị trí cao nhất, còn tượng Phật chỉ đặt ở phía sau, nhỏ và thấp hơn nhiều.
Những ngôi chùa Tứ Pháp này đã thể hiện tín ngưỡng dân gian lúa nước của
người Việt cổ rất khéo léo, lồng một tôn giáo vào niềm tin cổ xưa, không hẳn là
Phật giáo thuần khiết, cũng không hẳn là thần thánh đơn thuần.
Về hệ thống chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh:
Vùng Dâu - Luy Lâu - nơi Phật giáo được truyền vào đầu tiên, có chùa Dâu
thờ Pháp Vân, được coi là chùa cổ nhất Việt Nam. Vùng Dâu có truyền thuyết Phật
Mẫu Man Nương, người đã sinh ra 4 chị em Nữ thần, vì vậy có đủ 5 ngôi chùa thờ.
Các vùng khác chỉ có tối đa 4 chùa. Cũng vì thế, bộ tượng Pháp ở Dâu là đẹp và
đầy đủ nhất.
Một số chùa Tứ pháp nổi tiếng nhất:
- Chùa Dâu ở Bắc Ninh - thờ Pháp Vân (nay thêm cả Pháp Vũ)
- Chùa Keo ở Gia Lâm - thờ Pháp Vân
- Chùa Thái Nhạc ở Hưng Yên - thờ Pháp Vân
- Chùa Đậu ở Hà Tây (cũ) - thờ Pháp Vũ
- Chùa Bà Đanh ở Hà Nam - thờ Pháp Vân
Trong 4 bà, thì Pháp Vân được thờ nhiều nhất. Ngay trong nội thành HN
cũng có hai chùa Pháp Vân, mà một chùa nằm ngay đầu đường cao tốc, và đường đó
cũng mang tên chùa: Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Điều đặc biệt của chùa thờ Tứ Pháp là tượng Bà Tứ Pháp được ngồi trên tòa
sen, điều chỉ dành riêng cho Phật hoặc Đại Bồ tát (nhiều chùa Bồ tát cũng không
được ngồi tòa sen).
Tượng Pháp Vân chùa Dâu - Bắc Ninh.
Tượng Tứ Pháp ở Dâu đều bị bọc trong vải vóc, mũ khăn kín mít, nên không
thể thấy được bên trong. Rất may là ở một số chùa khác những phục trang mới
thêm này không có, do đó có thể nhìn rõ các cụ xưa đã tạc tượng các Bà thế nào.
Hầu cận bên bà Pháp Vân là hai pho Kim Đồng và Ngọc Nữ cũng rất độc đáo.
Pho Ngọc Nữ thể hiện người con gái thuần Việt, đội khăn vấn tóc, đứng trong một
điệu múa hầu Bà.
Trong ảnh dưới, ảnh nhỏ là tượng Pháp Vân chùa Dâu (sưu tập), và hai pho
Pháp Vân chùa Keo Gia Lâm. Có thể thấy tượng Pháp Vân chùa Dâu rất đặc biệt,
mình trần, chỉ có xiêm từ thắt lưng trở xuống (các tượng ở vùng Dâu đều thế, do
đó đều phải "mặc áo"). Tượng chùa Keo thì có khoác tấm phủ vai, mặc
xiêm áo đàng hoàng, và không bị phủ vải.
Các pho tượng Pháp này rất đặc biệt, vì là Nữ thần nhưng được mang các dấu
hiệu của bậc Đại Phật: Trên đầu có tóc xoắn ốc, có gò nổi giữa đầu, giữa trán
có Bạch hào, tai dài, ngồi tòa sen theo thế liên hoa, tay để trong thủ ấn giống
Chuyển pháp luân, hoặc ấn Vô úy.
Những biểu tượng này nếu không phải các Đại Phật, bậc Như lai thì không
bao giờ có. Ngay như Quán Thế Âm cũng không được có tóc xoắn và gò giữa đầu thế
này.
Qua đó có thể thấy sự tôn sùng của cư dân với các Nữ thần, xếp ngang
hàng, hay cho các Nữ thần chính là hóa thân của Phật. Điều này chỉ xuất hiện ở
đồng bằng Sông Hồng thôi.
Chùa Thái Lạc ở Hưng Yên là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn lại cả
tòa điện từ đời Trần, với những cột kèo, trạm chổ từ 700 năm. Chùa cũng thờ bà
Pháp Vân, được đặt giữa các tượng khác. Nhưng cũng dễ nhận ra tượng Bà vì pho
tượng có màu nâu gụ khác hẳn những pho tượng Phật thếp vàng khác.
Tượng bà Pháp Vũ chùa Đậu (Hà Tây cũ), để trong 1 khám kính tối om, nhện
chăng đầy. Pho tượng này có vẻ đặc biệt, với tay bắt ấn giơ lên trời, và đôi mắt
được thếp vàng sáng rực lên so với toàn bộ màu nâu gụ xung quanh. Tòa sen cũng
rất đẹp. Pho tượng này nổi tiếng linh thiêng.
Mặc dù đã nói đến Đại Bồ tát Quán Thế Âm khá kỹ ở phần trước, phần này
tôi muốn nói đến những pho tượng Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay cổ ở chùa miền Bắc
mà tôi đã gặp. Cũng may mắn mà tôi đã chụp ảnh được một số pho tượng cổ quý nhất
thuộc loại này còn lại ở Việt Nam, là tượng chùa Hội Hạ, chùa Đào Xuyên, chùa
Bút Tháp, chùa Mễ Sở, chùa Tam Sơn.
Tượng chùa Hội Hạ được coi là cổ nhất, làm từ đời Mạc, dáng chắc khỏe.
Chùa đã đổ nát, tượng được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật.
Từ dưới lên, phần bệ lục giác có những tượng nhỏ ở góc tượng trưng cho Địa
ngục, đỡ bên trên là mặt biển cả. Giữa biển nổi lên đầu con thủy quái khổng lồ,
đỡ lấy tòa sen (đến chùa Bút Tháp thì thành con rồng). Hai tay con thủy quái đỡ
lấy toà sen cũng để cho tòa khỏi đổ.
Từ mặt biển cũng vượt lên hai cuộn mây nhỏ, với hai bông sen nhỏ đỡ cho
Thiện Tài đồng tử và Long Nữ, hai hầu cận của Quan Thế Âm. Phật Bà ngồi nghiêm
trang trên đài sen, có tổng cộng 42 tay cầm một số loại pháp khí. Tượng đội mũ,
ở giữa mũ là hình Phật A Di Đà, tượng đeo hoa tai dài nặng to tướng.
Những cánh tay cứu độ
Pho tượng thể loại "cực nhiều tay" đầu tiên được xác định là ở
chùa Đào Xuyên, tuổi thọ gần 400 năm, có đến hơn 600 tay.
Pho tượng này phải nói rất đặc biệt, và tôi rất thích, bởi những cánh tay
kỳ lạ, độc đáo. Các cánh tay được tạc đều uốn cong vòng, ôm lấy thân tượng
chính, các cánh tay phía sau lại thẳng như mái chèo.
Nhìn nghiêng pho tượng
Pho tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở là pho có nhiều tay
nhất còn lại đến nay, pho tượng hơn 300 tuổi.
Tượng có tổng cộng 1113 tay nhỏ, không xòe tròn ra xung quanh, mà lại
vươn lên, khum lại thành một vòm cổng, tạo ra một khoảng trống sau lưng tượng.
Hai cánh tay chính của Quán Âm kết ấn Chuẩn đề, 40 tay khác xòe ra xung quanh rất
đẹp.
Trên cùng, các tay đỡ một vầng mây, mà ở giữa là Phật A Di Đà ngồi, hai
bên là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng, có lọng mây che trên đầu, và các tay tỏa
ra như hào quang nhỏ. Bệ tượng cũng đặc biệt, không phải đài sen như thông thường,
mà là những lớp sóng biển cuộn lên dồn dập.
Pho tượng cổ Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Tam Sơn. Pho tượng đã từng
bị hỏng khá nhiều trong chiến tranh, mới được tu sửa lại gần đây.
Đại từ Đại bi, Cứu khổ Cứu nạn, Quán Thế Âm bồ tát
Cối phật
Tại các ngôi chùa cổ miền Bắc, còn có một cấu trúc rất độc đáo, là CỐI PHẬT,
hay Cối Kinh.
Tên chính thức của cấu trúc này là Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, có hình thức là
tòa tháp gỗ cao 9 tầng, 6 cạnh, mỗi tầng là một đài sen lớn. Toàn bộ cấu trúc dựa
trên một trục gỗ ở chính giữa, đặt trên một cối đá, có thể quay được.
Trên mỗi tầng, mỗi mặt có một tượng Phật ngồi giữa hai Bồ tát. Như vậy có
tổng cộng 9x6 = 54 tượng Phật, 9x12 = 108 tượng Bồ tát. Mỗi khi quay Cối Phật,
thì như cả thế giới chuyển động.
Cửu Phẩm Liên Hoa tượng trưng cho 9 bậc trong cõi Tịnh Độ của Phật A Di
Đà. Cõi Tịnh Độ gồm 3 bậc là Hạ phẩm, Trung phẩm, Thượng phẩm; mỗi Phẩm lại
chia làm 3 là : Hạ sinh, Trung sinh, Thượng sinh. Như vậy từ Hạ phẩm Hạ sinh đến
Thượng phẩm Thượng sinh là 9 bậc.
Chín bậc này dành cho tất cả mọi chúng sinh có lòng hướng đến cõi Tây
phương Cực Lạc của phật A Di Đà, tùy vào phẩm hạnh của kẻ đó mà được tái sinh
vào các cõi tương ứng.
Cối Phật chùa Bút Tháp, hai bên có hai tượng Phật ngồi quay ra hai hướng.
Theo văn bia thì cối Phật được dựng từ đời Trần, đến năm 1739 làm lại,
Cối Phật chùa Đồng Ngọ - Hải Dương, được làm năm 1692, mới được/bị sơn thếp
lại, trông choáng lộn rực rỡ ...
Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám
Theo tôi, tòa Cửu phẩm liên hoa đẹp nhất là của chùa Giám.
Chùa Giám là nơi Nam dược Thánh Y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng tu hành, chữa
thuốc đời Trần. Ngôi chùa có lịch sử từ đời Lý, trải nhiều lần trùng tu vẫn
mang được nhiều nét kiến trúc cổ.
Năm 1971, chùa được dời từ bãi sông vào nơi mới, cách 8km. Vì ngôi chùa cổ
bằng gỗ hoàn toàn, nên người ta đã dỡ ngói, dỡ mộng gỗ ra, rồi ghép lại, mà
không ảnh hưởng đến kiến trúc. Cũng là một kỳ công.
Chùa rất đẹp, nhưng đẹp nhất là tòa Cửu phẩm liên hoa, hiện nay vẫn còn
quay được. Tòa tháp gỗ này được sơn màu đỏ gạch, với các góc được trang trí như
đốt trúc, có cả các mấu tre rất độc đáo. Số cánh sen ở mỗi lớp cũng nhiều và đẹp.
Tòa Cối phật nằm ở giữa một tháp gỗ trong sân chùa, sáng sủa hơn nhiều so với
tháp gỗ chùa Đồng Ngọ.
Có lẽ để tìm hiểu về chùa Việt thì
còn nhiều lắm những điều chưa biết, nhưng vì bài viết cũng đã dài, thôi để dịp
nào đó sẽ trở lại vậy..