03/03/2023

Hệ đo lường cổ của Trung Hoa - Đo kích thước thời xưa

Sưu tầm từ nhiều nguồn - Không dùng với Hồng Kông

 

Biết để dễ đọc sách của Trung Quốc.

Chiều dài:

·       1 lý, 1 dặm (市里li) = 15 dẫn = 500 m

·       1 dẫn (yin) = 10 trượng = 33,33 m

·       1 trượng (市丈zhang) = 2 bộ = 3,33 m

·       1 bộ (bu) = 5 xích = 1,66 m

·       1 xích, (市尺chi) = 10 thốn = 1/3 m = 33,33 cm

·       1 thốn (市寸cun) = 10 phân = 3,33 cm

·       1 phân (市分fen) = 10 li = 3,33 mm

·       1 li (市厘li) = 10 hào = 1/3 mm = 333,3 µm

·       1 hào (hao) = 10 si = 33,3 µm

·       1 d (si) = 10 hu = 3,3 µm

·       1 hốt (hu) = 1/3 àm = 333,3 nm

 

Diện tích:

·       1 khoảnh (, qing) = 100 mẫu = 66 666, 6 m²

·       1 mẫu ( / , mu) = 10 phân = 60 phương trượng = 666,6 m²

·       1 phân (市分, fen) = 10 lý = 66,6 m²

·       1 li(市里, li) = 6,6 m²

·       1 phương trượng (方丈, zhang²) = 100 phương xích = 11,11 m²

·       1 phương xích (方尺, chi²) = 100 phương thốn = 1/9 m²= 0,11 m²

·       1 phương thốn (..., cun) = 1 111,1 mm²

 

Thể tích:

·       1 thạch (市石, dan) = 10 đẩu = 100 lít

·       1 đẩu (市斗, dou) = 10 thăng = 10 lít

·       1 thăng (市升, sheng) = 10 hộc = 1 lít

·       1 hộc (, ge) = 10 chước = 0,1 lít

·       1 chước (, shao) = 10 cuo = 0,01 lít

·       1 toát (, cuo) = 1 ml = 1 cm³ = 256 hạt thóc

 

Khối lượng:

·       1 đảm (市担 / , dan) = 100 cân = 50 kg

·       1 cân (市斤, jin) = 10 lượng = 500 g (cổ: 1 cân = 16 lượng)

·       1 lượng, lạng (市两, liang) = 10 tiền = 50 g

·       1 tiền (, qian) = 10 phân = 5 g

·       1 phân (市分, fen) = 10 li = 500 mg

·       1 li (市厘, li) = 10 hào = 50 mg

·       1 hào (, hao) = 10 si = 5 mg

·       1 ti (, si) = 10 hu = 500 µg

·       1 hốt (, hu) = 50 µg

 

Thời gian:

·       1 nhật (, ri) = 12 thời canh = 96 khắc = 1 ngày (24 h)

·       1 thời canh (时辰, shi chen) = 8 khắc = 2 giờ = 2 h

·       1 khắc (, ke) = 60 phân = 15 phút = 15 min

·       1 phân (, fen) = 15 giây = 15 s

Từ sau năm 1645 (trừ các năm từ 1665 đến 1669), các chuyển đổi tương đương về thời gian trên đây là đúng. Nhưng trước năm 1645 (bắt đầu triều đại Thanh), ngoại trừ một số giai đoạn ngắn, chuyển đổi là như sau:

·       1 nhật (, ri) = 12 thời canh = 100 khắc

·       1 thời canh (时辰, shi chen) = khắc = 8 khắc 20 phân

(*) khắc: Đơn vị tính thời gian xưa. Ngày xưa dùng cái gáo đồng, giữa châm một lỗ để nước dần dần nhỏ xuống, để định thời giờ, gọi là khắc lậu (刻漏). Một ngày đêm ngày xưa chia thành một trăm khắc. Ngày nay, mười lăm phút là một khắc.

 

01/03/2023

Vẫn quà Hà Nội

 Trích "Hà Nội băm sáu phố phường" - Thạch Lam



Kể về các thứ quà mặn, thì Hà Nội còn nhiều: nào bún riêu, bún chả, thang cuốn, nem chua, nào miến lươn và bún ốc. Mỗi thứ, tất nhiên có một vị riêng, và cả đến mỗi hàng, lại cũng có cái ngon riêng nữa.

Tôi thích nhất cô hàng bún ốc, không phải vì món hàng cô tôi thích ăn xin thú thật rằng tôi sợ các bác ốc lắm nhưng tôi thích nhìn người ta ăn, vì nghe thức quà của cô là cái điểm không thể thiếu được của một cảnh bình dân hoạt động trong các ngõ con và trên các bờ hè. Người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao! Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phần và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rõ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.

Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm. Ấy cô có thú thực với tôi như thế.

Cùng họ nhà bún, riêu cua và thang cuốn vốn là quà sở trường của các bà. (Mà nghiệm ra cái triết lý sâu sắc này: thứ quà nào bán cho các bà bao giờ cũng đắt hàng, vì hai lẽ: một là vì các bà nội trợ bao giờ cũng sẵn tiền, hai là các bà ăn quà đã thành tục ngữ, ca dao). Lạ có một điều: nhà mình làm lấy, dù bà vợ khéo tay đến đâu, ăn cũng không thấy ngon bằng mua các hàng rong, nhất là hai thứ thang riêu. Tại sao vậy? Có ai tìm ra cái lẽ triết lý thứ ba không?

Miến lươn là thức quà ăn bổ âm, nhiều người bảo thế. Đàn ông thì không hay tin, nhưng đàn bà thì dễ tin lắm. Thế cho nên đã thấy nhiều ông chồng không thích ăn lươn, mà vẫn bị các bà vợ ép cho ăn dù tiền các bà ấy trả lấy. Tình nghĩa đằm thắm của vợ chồng đôi khi có thể lấy nhiều ít miến lươn mà đo được.

Ấy, suýt nữa đi khỏi các thứ quà cốt bún, mà tôi quên không nói đến thứ quà bún quang trọng và đặc điểm nhất của Hà Nội băm sáu phố phường: đó là thức quà bún chả.

Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng kinh đô. Ai cũng phải công nhận như thế, hay ít ra những người sành thưởng thức. Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đặt hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:

Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?

Mà cảm hứng thế thì chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng.

Những thứ rất là tầm thường, rất là giản dị mà đi gần nhau sao lại sinh ra được mùi vị riêng như thế? Ai là người đầu tiên đã nghĩ ra bún chả? Người đó đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng ngang, hay là hơn với người tạo nên được tác phẩm văn chương ... Có lẽ người kia còn làm ít cho nhân loại hơn là người này nữa. Tiếc thay tên người tài tử đó thất truyền, để không liệt kê vào cái sổ vàng của những danh nhân "thực vi đạo".

Thứ bún để ăn bún chả, sợi mành và cuộn từng lá mỏng, khác với các thứ bún thường. Chả phải thịt ba chỉ, mà phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Quái, sao cái nước chấm của các hàng bún chả hàng ngon thế! Có lẽ là họ dùng nước mắm hạng vừa, nghĩa là không quá chua, cho nên thành ngon chăng? Nước chấm ấy mà điểm thêm mấy giọt chanh vào thì tuyệt: có thể thấm nhuần cả bún, cả rau, cả chả mà không mặn, không gắt như nước chấm của nhà.

Nhưng bún chả Hà Nội đặc biệt có lẽ vì cái rau húng Láng. Vì chỉ có rau húng ở Láng là có mùi vị húng, đem trồng chỗ đất khác, sớm chậm cũng đổi ra mùi bạc hà.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến bác Tú Mỡ thường mời bạn hữu ăn và thường khoe mình là ẩn dật ngay trong rừng húng Thế cho nên bún chả thì phải là bún chả Hà Nội mới đủ vị cho người thưởng thức và phải là bún chả xưa vẫn ngồi trước đến Bạch Mã, Hàng Buồn, mới là bán hàng ngon. (Tất nhiên có nhiều các hàng khác ở phố cũng ngon chẳng kém, nhưng tiếng tăm chưa nổi đó thôi).

25/02/2023

Ân nghĩa trong đời người

 


Ân Nghĩa là ghi nhớ việc người khác làm cho mình, giúp mình khi khó khăn, và do đó trong cuộc sống mỗi chúng ta đều nên luôn làm điều tốt cho người khác. Ai ai cũng đối với nhau bằng ân nghĩa cuộc sống sẽ trở nên ấm áp, bình an. Không gặp được người đã giúp mình để báo ân, cách tốt nhất đó là ghi nhớ ân đó và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, giống như ân nhân đã giúp mình.



Con người có tình, sống trong ân nghĩa, vậy nên tình và nghĩa cấu thành nên nhân cách của con người. Một người sống có tình có nghĩa luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng của người khác. Trong cuộc sống, mọi người đối tốt với nhau sẽ tồn tại rất nhiều loại ân nghĩa, tuy nhiên, có 4 loại ân nghĩa mà chúng ta nên khắc ghi và báo đáp:

1. Ân nghĩa sinh thành

Trong đời người, ân sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ lớn hơn hết thảy và cũng không có cách nào báo đáp được trọn vẹn. Người con có hiếu thảo với cha mẹ là đối tốt với cha mẹ, không để cha mẹ phiền lòng về con cái, để họ cảm thấy hãnh diện, an vui hưởng tuổi già. Cha mẹ là hai ân nhân lớn, cho nên vinh danh, cung kính, phụng dưỡng là điều chính đáng, là trách nhiệm không thể trốn tránh, là đạo làm người tối quan trọng trong cuộc đời con người.

Bài thơ ca ngợi công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ vang mãi trong tâm trí mỗi người:

"Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ
Gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn cha.

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con".

2. Ân nghĩa vợ chồng

Tục ngữ có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”, ý là những người ngồi chung trên một chuyến thuyền đều là người hữu duyên, còn có thể kết thành vợ chồng thì giữa họ với nhau mối nhân duyên sâu đậm.

Giữa vợ chồng với nhau không chỉ có ‘Nghĩa’, mà còn là một chữ ‘Ân’. Từ ngàn năm nay, có được bao đôi vợ chồng được như câu “phu xướng phụ tùy”, đồng cam cộng khổ, mãi mãi không xa lìa. Trong văn hóa truyền thống, vợ chồng không chỉ nên “tương kính như tân” (kính nhau như khách), mà còn phải biết ơn nhau, bởi vậy người xưa mới nói “ân ái phu thê” (ân nghĩa và tình nghĩa của vợ chồng).

Người xưa cũng nói: “Thân, không ai thân bằng anh em, gần, không ai gần bằng vợ chồng”.

Người xưa coi trọng ân nghĩa vợ chồng, vì vậy không nên bạc đãi với người vợ đã đồng cam cộng khổ với mình từ thuở hàn vi, nên cùng nhau đi đến đầu bạc răng long, trăm năm hảo hợp.

3. Ân nghĩa thầy – trò

Tôn sư trọng Đạo là mỹ đức truyền thống của nhiều dân tộc ở phương Đông. Người Việt thường nói “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”.

"Người Thầy" là người truyền thụ luân lý đạo đức, tri thức, giá trị quan niệm, dạy cho con người quy phạm hành vi trong đối nhân xử thế, và cũng là biểu tượng của đạo đức. Cũng bởi vậy, cổ nhân mới có câu “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”, rất chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh, học đức hạnh của thầy, tạ ân nghĩa của thầy.

Người xưa từng nói: “Thầy dạy ta đạo nghĩa đối nhân xử thế, đạo lý tinh trung báo quốc, còn đem tuyệt kỹ cả đời đều truyền lại cho ta. Ơn thầy lớn như trời, như biển, cả đời cũng không được phép quên”.

Cổ nhân có câu “Tam giáo Thánh nhân, ai không có thầy; thiên cổ đế vương, ai không có thầy”; ý nói kể cả những bậc Thánh nhân trong tam giáo (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo), hay các đế vương tài đức, cũng đều phải có thầy. Người bất kính với thầy là người vong ân bội nghĩa, sao có thể thành đạo?

Từ xưa tới nay, các vị Thánh hiền đều lấy mình là gương, rất mực khiêm tốn. Họ tôn sư trọng đạo khiến hậu thế noi gương làm theo.

4. Ân nghĩa tương trợ, giúp đỡ

Sống trên đời chớ quên ơn đức của người đã giúp bạn khi khó khăn, cấp bách. Hãy ghi nhớ, ai là người giúp bạn thoát khỏi tình trạng khó khăn, lo lắng. Bây giờ bạn là một người giàu sang, phú quý, có địa vị, hãy nhớ đến những người đã giúp đỡ mình thuở hàn vi, khi cơ nhỡ, khó khăn. Bởi người xưa có câu: "Biết ân là người hiền, đáp ân là người tốt”.

Ví như, tiền không phải ai cũng dư giả, ai sẽ là người không ngần ngại cho bạn mượn tiền khi bạn cần? Người có thể cho bạn mượn tiền: Một là người tin tưởng bạn, hai là người yêu quý bạn. Sự giúp đỡ kịp thời của họ đã giúp bạn giải vây cho mình, vì vậy bạn không được quên ân tình của họ.

Không gặp được người đã giúp mình để báo ân, cách tốt nhất đó là ghi nhớ ân đó và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, giống như ân nhân đã giúp mình.

Mối quan hệ, nhân duyên giữa con người với con người là phức tạp nhất. Ngoài 4 ân nghĩa lớn kể trên còn có những ân nghĩa khác trong cuộc sống mỗi người gặp, bất kỳ ai nhận được sự giúp đỡ tương trợ từ người khác đó cũng là ân nhân của mình. Ví như: Giúp người bị hỏng xe trên đường, người giúp đỡ trong công việc, bạn bè giúp nhau, cho người khác lời khuyên bổ ích khi họ đang mất phương hướng... những việc đó còn được gọi là những việc tử tế.

 

24/02/2023

Thứ gì quý nhất trên đời

 

Thiền sư hỏi đệ tử: “Thứ gì quý nhất trên đời?”

Đệ tử nói: “Thứ đã mất, không thể lấy lại được”.

Thiền sư không nói gì.

Sau vài năm, những thay đổi lớn đã diễn ra.

Thiền sư hỏi lại, đệ tử trả lời: “Thứ quý nhất trên đời là có được!”

Cảm nhận: Thứ quý giá nhất trên đời này không phải là mất đi và không lấy lại được mà là những gì chúng ta có bây giờ. Hãy trân trọng tất cả những gì đang có hiện tại, đừng tiếc nuối quá khứ, đừng than trách số phận, đừng để lại bất cứ điều gì hối tiếc trong cuộc đời này!

17/02/2023

NƯỚC VIỆT NAM

Trích Việt Nam Sử lược (1919 - 1920) 

Trần Trọng Kim (1883 - 1953) 

Bản lưu tủ sách gia đình


1. Quốc-hiệu

2. Vị-trí và diện-tích

3. Địa-thế

4. Chủng loại

5. Gốc-tích

6. Người Việt-nam

7. Sự mở-mang bờ-cõi

8. Lịch-sử Việt-nam

1. QUỐC-HIỆU.

Nước Việt-nam ta về đời Hồng bàng (2897-258 tr. Tây-lịch) gọi là Văn-lang , đời Thục An-dương-vương (257-207 tr. Tây-lịch?) thì gọi là Âu-lạc . Đến nhà Tần (246-206 tr. Tây-lịch?) lược định phía nam thì đặt làm Tượng-quận , sau nhà Hán (202 tr. Tây-lịch 220 sau Tây-lịch) dứt nhà Triệu, chia đất Tượng-quận ra làm ba quận là Giao-chỉ , Cửu-chân và Nhật-nam . Đến cuối đời nhà Đông-Hán, vua Hiến-đế đổi Giao-chỉ làm Giao-châu . Nhà Đường (618-907) lại đặt là An-nam Đô-hộ-phủ .

Từ khi nhà Đinh (968-980) dẹp xong loạn Thập-nhị Sứ-quân, lập nên một nước tự-chủ, đổi quốc-hiệu là Đại-cồ-việt . Vua Lý Thánh-tông đổi là Đại-Việt , đến đời vua Anh-tông, nhà Tống bên Tàu mới công-nhận là An-nam quốc .

Đến đời vua Gia-long, thống-nhất được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An-nam, Việt là Việt-thường  mới đặt quốc-hiệu là Việt-nam . Vua Minh-mệnh lại cải làm Đại-nam .

Quốc-hiệu nước ta thay-đổi đã nhiều lần, tuy rằng ngày nay ta vẫn theo thói quen dùng hai chữ An-nam , nhưng vì hai chữ ấy có ngụ ý phải thần-phục nước Tàu, vậy thì ta nên nhất định lấy tên Việt-nam mà gọi nước nhà.

2. VỊ-TRÍ VÀ DIỆN TÍCH.

Nước Việt-nam ở về phía đông-nam châu Á-tế-á, hẹp bề ngang, dài bề dọc, hình cong như chữ S, trên phía Bắc và dưới phía Nam phình rộng ra, khúc giữa miền Trung thì eo hẹp lại.

Đông và Nam giáp bể Trung-quốc (tức là bể Nam-hải); Tây giáp Ai-lao và Cao-miên; Bắc giáp nước Tàu, liền với tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây và Vân-nam.

Diện-tích cả nước rộng chừng độ 312.000 ki-lô-mét vuông chia ra như sau này:

Bắc Việt  : 105.000 km2

Trung Việt : 150.000 km2

Nam Việt  : 57.000 km2

3. ĐỊA-THẾ.

Nước ta hiện chia ra làm ba cõi: Bắc-Việt, Trung-Việt và Nam-Việt. Đất Bắc-Việt có sông Hồng-hà (tức là sông Nhị-hà) và sông Thái-bình. Mạn trên gọi là Thượng-du lắm rừng nhiều núi, ít người ở. Mạn dưới gọi là Trung-châu, đất đồng bằng, người ở chen-chúc đông lắm.

Đất Trung-Việt thì chỉ có một giải ở men bờ bể, còn ở trong có núi Tràng-sơn chạy dọc từ Bắc-Việt vào gần đến Nam-Việt, cho nên người chỉ ở được mạn gần bể mà thôi.

Đất Nam-Việt thì ở vào khúc dưới sông Mê-kông (tức là sông Cửu-long), lại có sông Đồng-nai chảy ở mé trên, cho nên đất tốt, ruộng nhiều, dân-gian trù-phú và dễ làm ăn hơn cả.

4. CHỦNG-LOẠI.

Người Việt-nam có nhiều dân-tộc ở, như là ở về miền thượng-du Bắc-Việt thì có dân Thái, (tức là Thổ), Mường, Mán, Mèo; ở về miền rừng núi Trung-Việt thì có dân Mọi, và Chàm, (tức là Hời), ở về miền Nam-Việt thì có dân Mọi, Chàm, Chà-và và Khách, vân vân. Những dân ấy ở trong ba nơi tất cả đến non một triệu người. Còn thì dân-tộc Việt-nam ở hết cả.

Số người Việt-nam ở trong ba nơi có thể chia ra như sau này:

Bắc-Việt  : 8.700.000 người

Trung-Việt : 5.650.000 người

Nam-Việt  : 4.616.000 người

Cả thảy cọng lại được độ chừng non 19 triệu người[1].

5. GỐC-TÍCH.

Theo ý-kiến của những nhà kê-cứu của nước Pháp, thì người Việt-nam và người Thái đều ở miền núi Tây-tạng xuống. Người Việt-nam theo sông Hồng-hà lần xuống phía đông-nam, lập ra nước Việt-nam ta bây giờ; còn người Thái thì theo sông Mê-kông xuống, lập ra nước Tiêm-la (tức là Thái-lan) và các nước Lào.

Lại có nhiều người Tàu và người Việt-nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam-miêu ở, sau giống Hán-tộc (tức là người Tàu bây giờ) ở phía tây-bắc đến đánh đuổi người Tam-miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng-hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người Tam-miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống ở miền Việt-nam ta bây giờ.

Những ý-kiến ấy là theo lý mà suy ra đó thôi, chứ cũng chưa có cái gì làm chứng cho đích-xác. Chỉ biết rằng người Việt-nam ta trước có hai ngón chân cái giao lại với nhau, cho nên Tàu mới gọi ta là Giao-chỉ; mà xem các loài khác, không có loài nào như vậy, thì tất ta là một loài riêng, chứ không phải là loài Tam-miêu.

Dẫu người mình thuộc về chủng-loại nào mặc lòng, về sau người Tàu sang cai-trị hàng hơn một nghìn năm, lại có khi đem sang nước ta hơn bốn mươi vạn binh, chắc là nòi giống cũ của mình cũng đã lai đi nhiều rồi, mới thành ra người Việt-nam ngày nay.

6. NGƯỜI VIỆT-NAM.

Người Việt-nam thuộc về loài da vàng, nhưng mà người nào phải đi làm-lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm-ngăm đen, người nào nhàn-hạ phong-lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da trăng-trắng như màu ngà cũ.

Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn-lẳn con người, chứ không to-béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn-bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng-điệu đi-đứng thì nhẹ-nhàng và xem ra bộ vững-vàng chắc-chắn.

Áo-quần thì dài rộng, đàn-ông thì búi tóc và quấn khăn vành rây, áo mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống quần thì rộng. Đàn-bà ở Bắc-Việt và phía bắc Trung-Việt thì đội khăn, mà ở chỗ thành-thị thì mặc quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía nam Trung-Việt và Nam-Việt thì đàn-bà mặc quần cả, và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.

Về đàng trí-tuệ và tính-tình, thì người Việt-nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại-khái thì trí-tuệ minh-mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỉ-quyệt, và hay bài-bác nhạo-chế. Thường thì nhút-nhát, hay khiếp-sợ và muốn sự hòa-bình, nhưng mà đã đi trận-mạc thì cũng có can-đảm, biết giữ kỹ-luật.

Tâm-địa thì nông-nổi, hay làm liều, không kiên-nhẫn, hay khoe-khoang và ưa trương-hoàng bề ngoài, hiếu danh-vọng, thích chơi bời, mê cờ-bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự  lễ-bái, nhưng mà vẫn không nhiệt-tin tông-giáo nào cả. Kiêu-ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.

Đàn-bà thì hay làm-lụng và đảm-đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia-đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.

Người Việt-nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong-tục, nói một thứ tiếng[2] cùng giữ một kỷ-niệm, thật là cái tính đồng-nhất của một dân-tộc từ đầu nước đến cuối nước.

7. SỰ MỞ-MANG BỜ-CÕI.

Người nòi-giống Việt-nam ta mỗi ngày một nẩy-nở ra nhiều, mà ở phía bắc thì đã có nước Tàu cường-thịnh, phía tây thì lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ bể lần xuống phía nam, đánh Lâm-ấp, dứt Chiêm-thành, chiếm đất Chân-lạp, mở ra bờ-cõi bây giờ.

8. LỊCH-SỬ VIỆT-NAM.

Từ khi người Việt-nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai-trị mấy lần, chịu khổ-sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự-chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc-biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí-lực của người mình không đến nỗi kém-hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ-vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy-vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường-thịnh.

Vậy ghi-chép những cơ-hội gian-truân, những sự biến-cố của nước mình đã trải qua, và kể những công-việc của người mình làm từ đời nọ qua đời kia, để cho mọi người trong nước đều biết, ấy là sách Việt-nam sử.

Nay ta nên theo từng thời-đại mà chia sách Việt-nam sử ra 5 phần để cho tiện sự kê-cứu:

Phần I : Thượng-cổ thời-đại.

Phần II : Bắc-thuộc thời-đại.

Phần III : Tự-chủ thời-đại.

Phần IV : Nam-bắc Phân-tranh thời-đại.

Phần V : Cận-kim thời-đại.

Chú thích cuối trang

▲ Số này là theo sách Địa-lý của ông H. Russier (1939) chép lại chứ không chắc đã đúng số nhất-định của người mình.

▲ Tuy rằng mỗi nơi có một ít tiếng thổ-âm riêng và cái giọng nói nặng nhẹ khác nhau, nhưng đại-để thì vẫn là một thứ tiếng mà thôi.