Trước đây, hồi còn công tác, lại có sức khoẻ nên năm nào đầu Xuân, năm mới cũng hành hương về chùa Hương mồng Hai, Yên Tử mồng Ba. Từ độ covid không có điều kiện nữa, cũng buồn vì đã thực hiện được những hơn 30 năm cơ mà.
Không đến được chùa Hương,
nhưng những ấn tượng trên đường hành hương đất Phật còn lưu ấn mãi, không phai.
Khi đi, cũng chả chuẩn bị
nhiều. Đồ cúng 3 nơi chính là đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương tích
thôi. Tuỳ thời tiết mà chuẩn bị đồ mặc, nhưng gọn, nhẹ để còn có sức leo
núi. Thêm chút nước uống, còn đồ ăn thì hưởng lộc đồ cúng.
Lộ trình đi thăm quần thể Hương Sơn, thông thường có 3 tuyến chính mà du khách và
khách hành hương đến đất Phật thường lui tới:
- Tuyến
đường chính đưa tới chùa Hương Tích.
- Tuyến
đường thứ hai đưa tới chùa Hinh Bồng.
- Tuyến
đường thứ ba đưa tới chùa
Tuyết Sơn.
Trong đó, tuyến đường chính để
vào động hay chùa
Hương Tích là “trung tâm điểm” thu hút nhiều nhất.
Với ba tuyến trên, ta không thể
đi hết trong vòng một ngày, nhanh lắm cũng phải mất hai ngày, thong thả phải
mất ba ngày mới tạm nói là ta đã đi gần hết những điểm chính của quần
thể này.
Cách nhà Hà Nội khoảng 60 cây,
qua Hà Đông, rẽ trái ở Ba La đi Vân Đình, theo đê, qua Tế Tiêu là tới Bến Đục (làng
Đục Khê). Đây đã là cửa ngõ đất Phật rồi. Đi đoạn nữa là tới bến Yến (làng
Yến Vỹ - đuôi chim nhạn).
Đi đã nhiều lần nên chỉ quen
thuê 1 nhà đò chở cho thuận tiện. Điện nhắn trước nên chị nhà đò đã đợi sẵn tại bến
đưa sang đền Trình.
Đền Trình, tên tự
là “Ngũ Nhạc linh từ”, có kiến trúc bề thế như một ngôi đình làng. Trong
sân, trước cửa đền có con voi đá đóng yên cương và ghế kiệu trên lưng. Một lư
lớn bằng xi măng cũng được đặt ngay giữa sân để đốt vàng hương. Tuy chúng tôi
đi chùa Hương sớm trước ngày mở Hội nhưng thấy du khách đã đổ về đây không phải
là ít. Trong đền thờ, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở, có con ngựa gỗ to sơn
son và trên bệ thờ có tượng tướng quân thời vua Hùng. Chung quanh chùa, vài cây si lâu đời mọc rễ chằng chịt với những hình thể uốn lượn
rất đẹp, đẹp không thua gì những cây si ở phủ Tây Hồ ở Hà Nội. Ngay sau đền là
tòa nhà hai tầng có tháp vươn lên khỏi hàng cây cao trông rất đẹp.
Khách
hành hương thường đều đến đền Trình như một sự “trình diện” hay “cáo
kiến” với các vị thánh, thần ở đây trước khi vào chùa Hương để mong khi vào
chùa cầu xin, họ tin rằng những điều cầu khẩn những điều tốt lành sẽ được có kết quả hơn.
Bên
đền Trình có năm ngọn núi gọi là núi Ngũ Nhạc, cho nên đền này còn được gọi
là đền Trình-Ngũ Nhạc. Gọi như thế cũng để phân biệt với đền
Trình-Phú Yên nằm trên tuyến đường suối Tuyết. Suối Tuyết sẽ đưa du
khách đi thăm khu vực quần thể động Tuyết Sơn và chùa Bảo Đài (trên tuyến đường
thứ ba đến chùa Tuyết Sơn).
Trở ra, lên thuyền để ta vào
chùa trong - ấy là tôi đi tuyến chính lên động Hương tích.
Thuyền từ từ
lướt nhẹ theo dòng suối Yến. Nước vỗ vào mạn thuyền nghe thật vui tai. Cảnh vật
ở đây, đúng là cảnh thiên thai, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trước là núi,
hai bên là núi, trên cao là trời xanh, ở giữa là dòng suối lững lờ trôi một
cách êm đềm, bình thản.
Núi
có cái đẹp của núi. Núi không cao nhưng trùng trùng điệp điệp, lớp trước lớp
sau, lớp tỏ lớp mờ, lớp ẩn lớp hiện. Mầu sắc của núi biến đổi luôn luôn theo
ánh sáng mặt trời đang lên.
Nước
có cái đẹp của nước. Suối Yến không sâu nhưng mở rộng ra như thể không bờ. Nếu
có bờ, cũng chỉ là bờ của những thửa ruộng đồng ngập nước. Từ lòng
suối ngoi lên những mảng “cỏ xanh”. Thêm
vào đó, những đám rong rêu lay động, lập lờ trong lòng suối như tóc tiên buông
xõa cuốn nhẹ lấy mái chèo.
Trong
làn nước nhẹ mọc rêu xanh,
Như gấm
mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo
khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa,
Thuyền
đi trên vạn sắc màu xinh.
(Trích
bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
Hình bóng phản
chiếu trên nước của núi và mây như quyện lại với nhau một cách hài hòa và cùng
trôi chẩy theo chiếc đò.
Qua mỗi khúc ngoặt
hay quanh co của suối, cảnh vật lại đột ngột thay đổi. Quang cảnh thật
hùng vĩ nhưng vẫn dung dị êm đềm như thơ, vẫn mang cái tinh khiết thoát tục của
nơi đất Phật. Ai đặt chân đến đây cũng thấy lòng mình thanh thản, xa hẳn cõi
bụi trần. Người ta đến đây, với cảnh trí này, không phải chỉ để ngắm cái cảnh
đẹp của thiên nhiên mà còn tự muốn bỏ đi những vướng mắc, trần trượt của bản
thân mình trong đời sống hàng ngày.
Như khi ta thấy
những mỏm núi chìa hẳn ra ngoài suối với hình thù ngộ nghĩnh. Hay ngay trên
đỉnh của ngọn núi nhỏ nằm sát bên bờ suối có một chiếc miếu nhỏ nằm chênh vênh
trên đó nhưng lại tuyệt đẹp, thanh thoát, in bóng vươn lên trên nền trời cao.
Hay bất chợt, cùng bắt gặp những hang động hiện ra với những mảng dây leo buông
tỏa xuống như mành.
Khung cảnh nên thơ
này không phải chỉ là cái đẹp của núi, của suối và của mây không thôi, mà nó
còn được tô điểm bởi những rặng cây thẳng tắp mọc trên triền núi cùng với cái
dáng vươn cao của những cây gạo. Người ta nói, những cây gạo
này, hoa sẽ đỏ rực như những đốm lửa đỏ in trên nền trời xanh vào
mùa hè.
Vài con trâu hững
hờ ăn cỏ trên đồng, cùng hình ảnh vài ngư phủ đang bì bõm đánh dậm trên cánh
đồng chiêm, hay hình ảnh của người tiều phu đang lom khom vác củi rừng trên
triền núi, tất cả đều là những nét chấm phá khá đặc biệt của vùng Hương Sơn.
Những nét chấm phá ấy còn hòa trong tiếng chuông trầm buồn ngân lên từ những
ngôi cổ tự hay những tiếng ríu rít của đàn chim sáo trên cành cây cổ thụ.
Thuyền càng vào
sâu, cảnh vật càng đẹp và nên thơ. Có những áng mây trắng vương trên đỉnh núi.
Bóng núi và mây in trên mặt nước, đôi khi làm ta cứ lầm tưởng như trên mặt suối
đương phủ một lớp sương mù bay bay. Tiếng nước vỗ mạn thuyền nghe thật êm ả làm
sao.
Chẳng mấy chốc
chúng tôi thấy một chiếc cầu bắc ngang qua suối Yến. Cô lái đò chỉ:
-
Đó là cầu Hội.
Cầu
Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ
là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng
của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại
ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung
linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay
bị cắt ngang hoặc che lấp.
Mây
luồn đáy nước qua cầu
Thuyền
đi tưởng núi quay đầu trông theo.
(Trích
bài “Trên Đò Suối” của Hằng Phương)
Khu cầu Hội có những cây gạo rất to và đẹp. Chim
chóc từng đàn bay về ríu rít trên cành những cây hoa gạo này.
Từ phía chân cầu
bên trái của cầu Hội có con đường dẫn đến chùa Thanh Sơn.
Từ phía chân cầu
bên phải của cầu Hội có hang Sơn Thủy Hữu Tình và còn có
con đường đi vào làng Hội Xá.
Hỏi cô lái
đò:
- Hàng
ngày cô lái thuyền trên suối, với cảnh đẹp như thế này chắc cô thích lắm nhỉ?
- Vâng, có những
hôm mây xuống thật thấp, mây trắng là là trên sườn núi. Trên mặt suối cũng có
mây. Những hôm như thế thì đẹp lắm. Em cứ tưởng như em đang ở trên trời hay
trên tiên cảnh. Có hôm sương mù, mọi cảnh vật như ẩn như hiện. Tuy lúc đó trời
đất âm u, ảm đạm nhưng lòng mình cứ lâng lâng thanh tịnh thoát tục. Có những
hôm trăng sáng, nước và ánh trăng như quyện vào nhau. Cảnh đêm yên tĩnh, em chỉ
còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông chùa
thánh thót vang ra. Nhìn lên trời thì sao sáng đầy trời....
- Thế cô
chèo đò trên suối có thường gặp những chuyện vui buồn gì không?
- Chuyện
buồn thì ít thôi. Em chỉ chèo thuyền cho khách hành hương thưởng ngoạn cảnh đẹp
của Hương Sơn. Với lòng người lúc đó mở rộng theo đức Phật nên cũng chẳng ai
muốn làm buồn lòng ai. Chỉ có những hôm nào, em không được khoẻ người thì chèo
thuyền cũng thấy uể oải lắm.
Rồi nói tiếp:
- Chúng
em chỉ được làm công việc chèo thuyền nhàn hạ này trong mấy tháng mùa xuân
thôi. Khi hội chùa Hương chấm dứt, số đông chúng em lại trở về nghề làm ruộng,
trồng dâu, nuôi tằm hay lên rừng kiếm củi, hái mơ. Cũng vất vả lắm. Chiều tối,
có khi em phải làm thuê, nhận “kén” về, luộc, rồi “đánh kén” thành “chỉ tơ”
(chỉ tơ dệt vải) tới khuya mới được đi ngủ.
Chúng tôi đi thuyền
trên suối Yến, vừa được ngắm cảnh đẹp vừa được trò truyện với cô lái đò dễ mến
một cách chân tình. Một kỷ niệm thật khó quên.
Chẳng bao
lâu, bến đò Trò đã hiện ra với đông đảo đám thuyền chở
khách, cái đi vào cái trở ra. Được biết, vào ngày hội chùa Hương nơi bến đò này
đông nghẹt những thuyền và người vào ra tấp nập. Hội chùa Hương kéo dài từ mùng
6 tháng Giêng tới cuối tháng Ba âm lịch.
Thuyền
ghé khua bờ đá
Chim
mừng, rừng véo von
Suối
đến đây dừng lại
Tiễn
khách trèo lên non.
(Trích
bài “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)
Cô lái đò tắp vào
bến, tìm nơi tốt để chúng tôi có thể dễ xuống thuyền.
Bến đò Trò hay còn
gọi là bến đò Thiên Trù. Dẫy thuyền nằm san sát im lìm chờ khách
ngay dưới chân núi Mâm Xôi, có cây cổ thụ. Không xa đó, dãy quán ăn và quán bán
đèn nhang, với nhiều hàng bán quà kỷ niệm cho khách thập phương đi lễ chùa.
Chùa Thiên
Trù, tức “chùa Ngoài” gần ngay đó. Đi hết thêm một dốc nhỏ,
chúng ta tới cổng ngoài của chùa. Cổng chùa là một kiến trúc cổ thuần túy Việt
Nam, rất đẹp. Cổng được xây theo kiểu năm cửa, vòm cửa uốn
cong hình bán nguyệt. Cổng hai tầng và có nhiều mái. Phía trên
cửa giữa có hàng đại tự “Nam Thiên Môn” (Cửa Trời Nam).
Từ ngoài xa nhìn
vào chùa, ta thấy chùa được xây trên một khoảng đất rộng, phẳng, có núi vây
chung quanh. Trước mặt là núi, hai bên là núi, phía sau cũng là núi. Những quả
núi gần chùa không cao lắm, lại cao đều nhau, không xa nhau, cũng
không chen nhau nên trông rất hài hoà. Chùa có kiến trúc thông
thoáng không bị gò bó bởi hình ảnh nặng nề của núi.
Hai quả núi có tên
là Phụ Mã ở hai bên trái và phải của chùa, núi Sau Chùa ở phía sau của chùa. Ba
quả núi này được ví như ba ông “đầu rau” của bếp Thiên Trù. Nhìn rộng ra xa
thêm, những núi đứng sau hai quả núi Phụ Mã, bên phải mang tên Tiên Sơn, bên trái
mang tên Thung Mang. Bên cạnh núi Sau Chùa là núi Ông Chây. Nếu ta nhìn về chùa
Hinh Bồng (cô vừa nói vừa chỉ tay về phía núi Hinh Bồng xa xa) là núi Lão. Sau
núi Lão là núi Cỏ Bồng.
Núi
bắc “đầu rau” mấy vạn niên
Mà màn
biếc thẫm đẹp thiên nhiên?
Thiên
Trù một khoảng êm phơi phới,
Núi
ngắm nhau xanh một sắc hiền.
(Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương”
của Xuân Diệu)
Các cụ gọi chùa
Thiên Trù này là “Bếp Trời” vì các cụ tin rằng khu đất chùa này, theo phong thủy,
tương ứng với chùm sao Thiên Trù ở trên trời. Chùm sao Thiên Trù lại tượng
trưng cho cái bếp, cho sự ăn uống. Bếp thì có ba ông “đầu rau” để kê nồi.
Chùa có nhiều cây
hoa gạo cổ thụ và có hai hàng cây hoa đại (cây bông sứ) trước cổng vào. Uyên
say sưa nhìn ngắm những cây hoa gạo vươn cao.
Nếu ta đến thăm
chùa vào giữa tháng hai ta, tức giữa hội chùa Hương thì ta sẽ thấy hoa gạo đỏ
rực treo lơ lửng trên cành, có người ví nó trông giống như những đốm lửa nhỏ
hiện trên trời xanh. Đẹp lắm! Vào cuối tháng ba, hoa gạo rụng thì tới lượt hoa
đại nở rộ. Hoa đại nở vừa đẹp lại vừa thơm.
Qua cổng là vào
tới sân cấp thứ nhất của chùa. Một không gian thoáng rộng
được mở ra. Chùa được xây trên mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài rất sâu theo
kiểu “ngũ môn, tam cấp” (năm cửa, ba tầng bậc). Hai bên sân chùa là những gian
nhà bán hàng cơm hay hàng bán quà kỷ niệm.
Qua sân thứ
nhất là tới bậc thềm thứ nhất, có độ hơn chục bậc bước lên
cao, tới sân cấp thứ hai. Hai bên sân cấp thứ hai cũng là hai dẫy
nhà hàng ăn. Giữa sân có một tháp chuông, kiến trúc ba tầng, mái
rất lớn và tuyệt đẹp lại uy nghi. Các người bán quà kỷ niệm rong cứ theo chân
chúng tôi mời mua những xâu tràng hạt, mầu nâu có, mầu đen có hay chỉ được làm
bằng những hạt cây tròn mộc mạc.
Qua sân thứ hai,
chúng tôi lại tới bậc thềm thứ hai, cũng khoảng hơn mươi bậc bước,
đưa lên một sân cấp thứ ba cao hơn. Đây là sân của ngôi nhà
Tam Bảo, cũng là sân chính của chùa Thiên Trù.
Chính giữa sân
đứng sừng
sững một đỉnh đồng cao ba thước và một đỉnh
hương đúc bằng xi măng, khói nhang nghi ngút suốt ngày. Hai con sư tử được sơn
vàng nằm chầu trước cửa ngôi nhà Tam Bảo.
Ngôi
nhà Tam Bảo là công trình kiến
trúc chính của quần thể chùa Thiên Trù, một công trình kiến
trúc quy mô lớn với phong cách truyền thống. Trên cột nhà Tam Bảo được treo
nhiều câu đối sơn son thếp vàng. Bên trong có nhiều tượng Phật và các vị La Hán
tạc bằng đá hay gỗ tuyệt đẹp, thể hiện một
trình độ nghệ thuật và mỹ thuật rất cao.
Quần thể chùa Thiên
Trù liên kết với nhau theo nhiều nền tầng cấp, cao thấp khác nhau rất hài hoà
tạo nên một hình dáng kiến trúc tuyệt mỹ, vừa tráng lệ lại vừa thoát tục. Đứng
về góc cạnh nào cũng thấy cái vẻ đẹp dung dị mà lại sâu xa của triết lý nghệ
thuật xưa và cũng sâu lắng trong sự tôn nghiêm của triết lý đạo Phật.
Ngoài sân chùa có
hồ bán nguyệt với hòn non bộ. Cây cối trong chùa xanh tươi mang vẻ đẹp thanh
tao, gọn gàng bởi bàn tay con người. Cái đẹp của thiên nhiên hòa trong cái đẹp
của nhân tạo làm tăng thêm vẻ siêu thoát của tín ngưỡng.
Một khu bảo tháp
sau chùa được xây dựng để chứa hài cốt của những vị trụ trì chùa này. Ngôi bảo
tháp lâu đời nhất là bảo tháp Hoà thượng Viên Quang, được xây vào
thế kỷ thứ 17. Tháp được xây bằng gạch đỏ, trên nóc tháp có mái cong như mái
chùa.
Trong chùa Thiên
Trù còn có nhiều bảo vật cổ, trong đó phải
kể đến quả chuông đúc vào thời Tây
Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793). Quả chuông trước đây được để
trong động Hương Tích, sau mới đưa ra Thiên Trù.
Quả thực ai đã đi
chùa Hương, hay nói chung là Hương Sơn, ta không thể không đến chiêm ngưỡng cái
đẹp, cái thanh thoát của chùa Thiên Trù.