04/10/2023

Biết các triệu chứng của Ngũ Tạng để xét bệnh cho mình

Sưu tầm trên Net.



Trong y hc c truyn, ngũ tng là để ch năm cơ quan ni tng trong cơ th con người bao gm tâm (tim), can (tng gan), t (lách), phế (phi), thn, chc năng sinh lý ch yếu ca ngũ tng là sinh hóa và lưu tr tinh, khí, huyết, tân dch (nước bt) và thn, người xưa còn được gi là ngũ thn tng.

Bi tinh, khí, thn là gc r căn bn cho s hot động ca th sinh mnh con người, do đó ngũ tng có tác dng quan trng trong cơ th ca sinh mnh.

Tục ngữ nói: “Bệnh lai như sơn đảo” nghĩa là bệnh đến giống như núi sập, khi ngũ tạng có vấn đề, chúng sẽ phát ra những tín hiệu cầu cứu, cơ thể chúng ta sẽ xuất hiện triệu chứng gì, những triệu chứng đó chúng ta có thể trực tiếp phân biệt như thế nào?

I . Tim 

Tim, trong ngũ hành thuộc hỏa, là thuộc về dương trong tạng dương, chủ yếu ảnh hưởng tới mạch máu, lưu giữ thần trí, là cơ quan quan trọng chủ yếu lớn nhất trong ngũ tạng, là cơ quan ảnh hưởng lớn tới sinh mệnh. Khi tim có vấn đề, nó sẽ phát ra những “ tín hiệu” sau đây:

1. Vừa vận động liền có hiện tượng hồi hộp, hụt hơi: Thường xuyên cảm thấy hoảng hốt, tức ngực, đi lên cầu thang, hay làm các việc cần thể lực nhẹ nhàng liền bị hụt hơi, nhịp tim đập nhanh hơn. Những triệu chứng này trước đây có thể không rõ ràng, thời gian gần đây càng nghiêm trọng hơn, chính là biểu hiện tim đang có vấn đề.

2. Đau tay trái, đau răng: Khi tim bị đau kịch liệt thường xuất hiện những cơn đau ở ngực, liên tục mấy phút đồng hồ thậm chí là mười mấy phút đồng hồ, thường lan tới cả cẳng tay trái, ngón tay trái hoặc cánh tay trái, thậm chí còn liên quan tới cả cổ họng, cổ và răng. Mọi người thường cho rằng sẽ xuất hiện các cơn đau ở vai trái và lưng, thực ra là ít thấy.

3. Kê gối cao mới có thể ngủ ngon: Khi ngủ, nằm xuống như bình thường cảm thấy tức ngực, cần kê gối cao lên, hoặc dựa vào đâu đó mới có thể ngủ được, là chứng minh chức năng của tim đang kém đi.

II. Tạng gan 

Tạng gan nằm ở vùng bụng, dưới cơ hoành, dưới sườn bên phải. Cùng với mật, mắt, gân, móng… cấu thành nên hệ thống tạng gan. Các bệnh về tạng gan được mệnh danh là “ sát thủ vô hình lớn nhất” của cơ thể, đó là bởi vì thời kỳ đầu khi bị mắc bệnh không hề có bất cứ triệu chứng biểu hiện rõ rệt nào. Nhưng khi tạng gan có vấn đề, nó sẽ phát ra những “tín hiệu” dưới đây:

1. Chất lượng giấc ngủ buổi đêm cũng không tốt, khó ngủ trở mình qua trở mình lại; sau khi tỉnh giấc thấy khô miệng, đắng miệng, miệng hôi, khi đánh răng bị chảy máu chân răng. Đi bộ một vài bước đã cảm thấy mỏi chân, cảm thấy toàn thân càng ngày càng mệt mỏi, tay chân cũng ngày càng không có sức lực.

2. Những người tạng gan không khỏe, chân sẽ thường hay bị chẹo, sau khi bị chẹo lại khó khỏi; không cẩn thận để bị thương; vết thương cũng không dễ để liền lại.

3. Những bạn thích uống rượu, tửu lượng bỗng nhiên giảm xuống. Hoặc những người mắc các bệnh về da liễu điều trị không khỏi, tái phát đi tái phát lại nhiều lần, đều nên chú ý tới tạng gan.

4. Nhìn thấy các đồ dầu mỡ thì cảm thấy buồn nôn: Tạng gan là tuyến tiêu hóa lớn nhất của cơ thể, khi nó xuất hiện vấn đề, phần lớn thường biểu hiện về mặt “ăn uống”, ví dụ chán ăn, không muốn ăn, nhìn thấy hoặc ngửi thấy các đồ ăn có nhiều dầu mỡ liền cảm thấy buồn nôn và nôn, dạ dày trướng khó chịu ghê gớm, có thể là đã bị viêm tạng gan; nếu sau khi ăn đồ ăn có chứa dầu mỡ bị đau ở bên phải vùng bụng (men theo bên dưới sườn bên phải), và lan đến vai hoặc lưng, thì rất có thể là bị nang túi mật ( viêm túi mật, sỏi mật..)

5. Mặt vàng, ngứa ngoài da: Khi tạng gan bị bệnh, chức năng bài tiết dịch mật cũng theo đó bị gây cản trở, làm cho bilirubin trong máu tăng cao, làm sắc da các bộ phận cơ thể bị thay đổi, ví dụ mặt vàng, mắt vàng, da vàng, nước tiểu màu vàng. Bởi muối mật trong dịch mật kích ứng vào các đầu dây thần kinh cảm giác của da, nên xuất hiện tình trạng ngứa.

6. Trên bề mặt lòng bàn tay thấy gan bàn tay và các ngón tay xung huyết mẩn đỏ, giống như bôi một lớp son lên đó, đây rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm gan mãn tính hoặc xơ gan. Còn có một loại là “u mạch máu hình sao (u mạch máu hình nhện), có màu đỏ tươi, hình dạng giống như là mạng nhện, thường xuất hiện ở mặt, cổ, mu bàn tay, cánh tay, trước ngực và vai.

III. Lách 

Lách nằm ở phần trên của khoang bụng, dưới cơ hoành, liên kết với dạ dày bởi lớp màng, cùng với dạ dày, môi, miệng… cấu thành hệ thống lách. Chủ yếu có chức năng vận động, chuyển hóa, quản lý hệ thống máu, vận chuyển phân bổ nước và thức ăn tinh chế, là nguồn gốc sinh ra khí huyết, xương cốt tạng phủ của cơ thể đều dựa vào lách để được bồi dưỡng, là cốt lõi bổ sung cho sau này. Khi lách gặp vấn đề, nó sẽ phát ra những “ tín hiệu” sau đây:

1.Bên bả vai phải thường cảm thấy đau, hoặc hai bên huyệt thái dương có hiện tượng đau, mặc dù đã đi chữa nhiều nơi. Uống thuốc vào vẫn không có tác dụng, cũng có thể kèm theo các hiện tượng như táo bón, khó đi ngoài hoặc tiêu chảy và đầy hơi…

2.Hầu hết mọi người đều nghĩ “táo bón” v à “tiêu chảy” là hai vấn đề đối lập nhau, nhưng có một số người sẽ đồng thời xuất hiện hai hiện tượng táo bón và tiêu  chảy, thường thường có các hiện tượng như chán ăn, đầy bụng, ngực cảm thấy bị áp lực hoặc tim đập nhanh, khó thở, hô hấp khó khăn và mất ngủ, không những  thế còn cảm giác cơ thể ngày một suy yếu, cơ bắp teo đi, lại không kiểm tra ra nguyên nhân tại sao, có những hiện tượng trên, rất có thể bạn đã bị mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính.

3. Dạ dày đại tràng bị đau sau khi ăn no: cơn đau xuất hiện từ nửa giờ đồng hồ tới hai giờ đồng hồ sau khi ăn no, đến trước thời gian bắt đầu bữa ăn kế tiếp thì không đau nữa, thông thường là do viêm loét dạ dày.

4. Dạ dày đại tràng đau khi đói khi khát: sau bữa ăn từ 3 -4h đồng hồ, khi bụng rỗng, khi cảm thấy đói hoặc khát xuất hiện các cơn đau, ăn một chút gì đó, những cơn đau có thể giảm xuống hoặc biến mất, thường là bị viêm loét tá tràng.

IV. Phổi

Phổi cư trú ở trong lồng ngực, bên trái và bên phải mỗi bên một lá phổi, có hình dạng như chiếc lá, giúp cơ thể được khai thông. Trong lục phủ ngũ tạng, nó cư trú ở vị trí cao nhất, là cơ quan dài trong ngũ tạng. Lá phổi được mệnh danh là “kiều tạng” (cơ quan nội tạng mềm yếu), bởi vì nó rất yếu ớt, chỉ hơi có kích ứng cơ thể sẽ bị ho không dứt. Khi phổi có vấn đề, nó sẽ phát ra những “tín hiệu” dưới đây:

1. Ho khan: Không có đờm hoặc lượng đờm rất ít, thường là viêm họng cấp tính, viêm phế quản giai đoạn đầu, một số bệnh nhân ung thư phổi cũng xuất hiện triệu chứng này.

2. Bỗng nhiên bị ho cấp tính: Thường do trong phế quản có dị vật.

3.Ho mãn tính lâu ngày: Viêm phế quản mãn tính, lao. Nếu ho có đờm kèm xuất huyết, nên chú ý cảnh báo ung thư phổi; ho có đờm màu vàng, thường là do phổi và phế quản bị viêm nhiễm.

4. Sốt về chiều: Có thể là dấu hiệu của bệnh lao. Bệnh này có đặc điểm là sốt về chiều, sáng và tối thì giảm xuống, giống như thủy chiều có lúc xuống lúc lên, đồng thời kèm theo mệt mỏi, chán ăn, ho và khạc ra ít máu.

V. Thận

Thận cư trú ở vùng eo nằm ở hai bên của cột sống, ở hai bên trái phải mỗi bên một quả, bên phải một quả hơi lùi xuống dưới, bên trái một quả hơi lùi lên trên, cùng với bàng quang, tủy, não, tóc, tai cấu thành nên hệ thống thận. Chủ yếu tàng trữ tinh khí, nước, dịch, nạp khí, là nguồn gốc sinh ra âm dương của tạng phủ, được biết đến như sự ra đời, là nguồn gốc của sinh mệnh. Khi thận kêu cứu sẽ có những tín hiệu sau đây:

1. Lượng nước tiểu bỗng nhiều lên: Thói quen sinh hoạt không thay đổi, nhưng lượng nước tiểu bỗng nhiều lên hoặc ít đi, hoặc trước đây tiểu ít vào ban đêm, bây giờ số lần tiểu đêm nhiều lên, nhiều hơn cả số lần đi tiểu ban ngày, là biểu hiện chức năng của thận kém ở giai đoạn đầu

2. Nước tiểu đổi màu: Màu sắc của nước tiểu cũng giống như “dụng cụ đo khí áp” của thận. Khi nước tiểu có màu nước trà đặc, giống màu của nước rửa thịt, màu nước tương hoặc đục như nước vo gạo, đều là cảnh báo các vấn đề về thận tạng.

3. Nước tiểu có bọt: Nhất là các loại bọt khí nhỏ không dễ dàng bị biến mất, là do nước tiểu bài tiết ra tương đối nhiều protein.

4. Mặt, chi dưới phù thũng: Buổi sáng sau khi thức dậy, mắt và mặt, chân phù xưng lên, vận động 20 phút sau vẫn không biến mất. Sau khi gắng sức làm việc mệt mỏi, tình trạng phù này lại càng nghiêm trọng.

5. Miệng có vị amoniac: Kèm theo triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, suy nhược, thiếu máu, là biểu hiện các bệnh về thận thời kỳ giữa và thời kỳ cuối. Nhưng theo thống kê lâm sàng, bệnh đau lưng mà mọi người đều biết tới thực ra có hơn 85% nguyên nhân đều không phải do  thận gây ra.

6. Suy nhược cơ thể, khí huyết không đủ, tay chân lạnh, đặc biệt là vào mùa động. Khó ngủ về đêm, cho dù đã ngủ rồi, chỉ cần một tiếng động lạ cũng bị tỉnh giấc, kèm theo đó là ngủ mơ cả đêm, cơ thể cảm giác trống rỗng, mỗi ngày đều thấy mệt mỏi.



03/10/2023

Nhà Thơ

 


Nhà Thơ

      Là người Trời

             Đi xuống Nhân gian.

Người Đời cúi lạy,

                           Tôn vinh.

Xuân Diệu (*) bảo:

                    Xuống Đời để Hiểu Biết

   Để Yêu

                                                   Để Thương

Chúng sinh – Vạn Vật.

Lần theo bậc thang trời chênh vênh

        theo những dòng thơ 

                    Nhà thơ bước vội

đến với con người, vào thế giới đau thương

        Đời vĩnh hằng trong ý nghĩ tươi vui

Dại khờ nếm niềm đau mật đắng.

***

(*là tên chung của các Nhà Thơ, không phải tên của cá nhân.

 


02/10/2023

     Bạn đọc quan tâm đến trang blog của tôi hẳn rất thất vọng.

     Mong các bạn thông cảm, thời gian này tôi có việc nên không có cảm hứng và ý tưởng để viết và đăng bài trên trang.

      Rất mong các bạn thông cảm.

      Xin Trân trọng cảm ơn.

01/10/2023

NHO GIA KÍNH, ĐẠO GIA TĨNH, PHẬT GIA TỊNH

 st trên net


Nếu chỉ dùng một từ để khái quát về Tam gia thì đó có thể là: Nho gia Kính, Đạo gia Tĩnh, Phật gia Tịnh. Chúng ta hãy thử phân tích về Tam gia theo hướng này.


Không nói dối cho lòng luôn an tĩnh(ảnh minh họa Facebook)

Nho gia kính

Kính có 3 hàm nghĩa. Thứ nhất là nội tâm luôn kính sợ. Khổng Tử nói: “Quân tử có ba nỗi sợ: Sợ Thiên mệnh, sợ đại nhân và sợ lời của Thánh nhân.” Nếu một người mất đi tấm lòng cung kính và không còn biết kiêng nể điều gì, thì chỉ tự mình chuốc lấy hoạ mà thôi. Còn những người có tâm kính sợ, tuân thủ các quy tắc thì sẽ không bao giờ vượt qua ranh giới đạo đức.

Họ kính trọng trời đất, kính trọng hoàng đế và các bậc thầy, kính trọng bản thân, hiểu rõ được đạo lý, biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Nếu theo cách này, họ có thể ước thúc hành động, tiết chế lời nói, kiểm soát ham muốn của mình và hành sự một cách đoan chính, như vậy mới có thể đi được càng xa hơn và thuận lợi hơn.

Thứ hai là đối xử với người khác bằng sự khiêm tốn và tôn kính. Mạnh Tử nói: “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi”, có nghĩa mình kính người ta thì người ta kính lại mình.

Khi ở địa vị cao, không nên kiêu ngạo, không cuồng vọng mà hãy đối xử bình đẳng với mọi người. Khi ở địa vị thấp, không cảm thấy tự ti thấp kém, không tâng bốc nịnh nọt và đối xử với mọi người một cách ung dung thản nhiên. Tôn trọng kẻ yếu là từ bi và thiện lương; tôn trọng kẻ mạnh là trí tuệ và có tầm nhìn. Trong cuộc sống, hãy luôn giữ thái độ khiêm tốn và tôn kính, chỉ khi đó bạn mới được nhiều người biết đến và gặp nhiều may mắn. 

Dù ở địa vị cao cũng không nên kiêu ngạo, không cuồng vọng mà hãy đối xử bình đẳng với mọi người (ảnh: Epoch Times)

Thứ ba là phải nghiêm túc và tôn kính mọi thứ. Tuân Tử nói: “Thành công của tất cả mọi việc đều nhờ vào sự tôn kính”.

Dù năng lực của bạn có mạnh mẽ đến đâu, dù bạn có tài năng to lớn đến mấy, bạn vẫn có thể vì sơ suất mà chịu nhận thất bại. Vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, thái độ và nhân phẩm luôn là điều quan trọng nhất. Dù việc lớn hay nhỏ, con đường dẫn đến thành công chính là giữ vững tấm lòng tôn kính và thực hiện mọi việc một cách nghiêm túc.
 
Đạo gia tĩnh

Trong “Thanh Tĩnh kinh” có nói: “Nhân năng thường thanh tĩnh, Thiên địa tất giai quy“, có nghĩa là khi một người có thể thanh tĩnh thì trời đất đều sẽ quy về. Tĩnh là một loại trí tuệ, một loại cảnh giới, cũng là phong cảnh đẹp nhất trên đường đời.

Khi nội tâm chúng ta thanh tĩnh, không bị vướng vào tình cảm, không bị rối loạn trong tâm trí, thì suy nghĩ của chúng ta sẽ tự nhiên rõ ràng thông suốt và mọi thứ sẽ trở nên thuận lợi suôn sẻ.

Có một câu chuyện như sau: Vào lúc hoàng hôn, một người thợ mộc và người học việc của anh đang cưa gỗ trên một cái bục cao. Vô tình, dây đồng hồ của anh bị đứt và rơi vào phoi bào. Chiếc đồng hồ này vô cùng đắt tiền, người thợ mộc rất lo lắng đứng ngồi không yên, vì vậy anh vội vã tìm kiếm cùng với những người học việc của mình. 

Mãi cho đến khi trời tối, họ vẫn không tìm thấy được gì. Người thợ mộc chán nản nói rằng họ sẽ tìm lại vào ngày mai. Nhưng không lâu sau, đứa con trai út của anh chạy đến và nói: “Cha ơi, con tìm thấy chiếc đồng hồ rồi”. Người thợ mộc lấy làm lạ bèn hỏi: “Nhiều người lớn đốt lồng đèn đi tìm cả buổi mà không thấy, làm sao một đứa trẻ lại tìm ra được?”

Đứa trẻ nói rằng: “Sau khi cha đi, trong sân rất yên tĩnh, con nghe thấy tiếng tích tắc của kim đồng hồ, thế là con tìm thấy nó”.

(ảnh minh họa Gpbanmethuot)

Nhiều khi chúng ta càng lo lắng, càng nóng lòng muốn đạt được kết quả, nhưng mọi việc lại luôn phản tác dụng, càng không như mình mong muốn. Thay vì khó chịu và cáu kỉnh, tốt hơn hết bạn nên tĩnh tâm lại, gạt bỏ những tạp niệm và rắc rối không cần thiết đó đi. Khi sự việc xảy ra, hãy tĩnh tâm để phân biệt đúng sai, bình tĩnh ứng phó, trầm tĩnh để suy xét, thì bạn mới có thể gạt bỏ sương mù và nhìn thấy lối ra.

Làm thế nào để giữ được nội tâm thanh tĩnh? Chỉ có cách bỏ đi tư dục (dục vọng cá nhân), bỏ đi những ý nghĩ không tốt. Nếu đạt được đến mức độ ấy thì trí tuệ tự nhiên được khai thông. Ngược lại, nếu ngày đêm sốt sắng, lo lắng được mất hay sợ tổn thất lợi ích của cá nhân thì “Đạo” cũng tự rời xa. Chỉ có tĩnh tâm làm việc mới đạt được tới mức “quên mình”, mới có thể chân chính lĩnh ngộ được những điều thần bí trong đó.

Phật gia tịnh

“Quảng Vận” giải thích: “Tịnh nghĩa là không dơ bẩn”. Tịnh của Phật giáo là nhìn thấu nhân duyên, trong lòng không vướng bụi trần, bản tính thanh tịnh. Một người như vậy, bất kể đi đến đâu hay gặp phải tình huống nào thì đều có một “cõi tịnh thổ” trong trái tim của mình.

Ngày xưa đã từng có một lão hòa thượng cùng với một tiểu hòa thượng đi xuống núi dạo chơi. Khi họ đến bờ sông, dòng chảy rất mạnh vì trời vừa mới mưa xong. Lúc này, bên bờ sông có một cô gái xinh đẹp, nét mặt buồn bã, cô gái không dám qua sông một mình. Lão hòa thượng liền chủ động bước tới hỏi xem cô có cần giúp đỡ gì không, sau khi cô gái đồng ý, lão hòa thượng đã cõng cô qua sông.

Sau khi qua sông, cô gái vẫy tay chào tạm biệt để bày tỏ lòng biết ơn, còn hai thầy trò tiếp tục lên đường. Tiểu hòa thượng lấy làm khó hiểu, một lúc sau mới hỏi: “Thầy đã dạy chúng con giới sắc, sao thầy còn muốn cõng cô gái qua sông?”. Lão hòa thượng ngạc nhiên, dường như đã quên chuyện vừa xảy ra, sau đó mỉm cười nói: “Ta đã buông cô gái xuống bờ sông rồi, con còn chưa buông cô ấy xuống nữa hay sao?”.

Lão hòa thượng cõng cô gái xinh đẹp qua sông (ảnh minh họa Vandieuhay)

Trong lòng lão hòa thượng, chuyện này căn bản không đáng nhắc tới, chẳng qua là làm một việc thiện mà thôi. Nhưng tiểu hòa thượng nghĩ mãi trên suốt đường đi, mê muội cả con đường, vẫn không buông bỏ được, là bởi vì tâm vẫn không thanh tịnh!

Trong kinh Phật có viết: “Một niệm tâm thanh tịnh, hoa sen nở khắp nơi, một hoa một miền tịnh thổ, một miền tịnh thổ một Như Lai”.

Tâm bất động thì gió cũng chẳng thể lay. Một người có nội tâm thanh tịnh thì sẽ sống những ngày tháng bình yên, không nhiễm bụi trần, như hoa nở khắp nơi. Trong đời người, ngoại cảnh càng rối rắm, phức tạp thì tâm càng phải thanh tịnh, vô tư.

Đừng bị vọng tưởng lay động, đừng bị ngoại cảnh mê hoặc, chỉ khi trong lòng hiểu rõ bản tính của mình, bạn mới có thể an nhiên tự tại, tùy tâm hành sự. Người có trái tim thuần khiết như nước tự nhiên sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn.

28/09/2023

Bàn về bức tranh Lý ngư vọng nguyệt

 

Nhân sắp đến Trung Thu, chúng ta cùng bàn và hiểu về bức tranh dân gian nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống: Tranh Lý ngư vọng nguyệt,

Tranh "Lý Ngư Vọng Nguyệt" (Nguồn: Tranh Đông Hồ)

'Lý ngư vọng nguyệt' là một bức tranh dân gian nổi tiếng, mô tả một con cá chép đang ngắm nhìn hình ảnh bóng trăng dưới đáy nước.

Theo nghĩa Hán Việt thì "lý ngư" là cá chép, còn "vọng nguyệt" là ngắm trăng.

Bức tranh nổi bật với hình ảnh cá chép có thân mình to khỏe, đuôi cá hơi cong, đang quẩy mình đớp bóng trăng được in dưới đáy nước. Bối cảnh xung quanh là các cành sen bao quanh hoặc vươn dài, uốn lượn, cùng các cá con. Trên cao là bầu trời đêm được nhuộm vàng bởi ánh trăng tròn.

Ý nghĩa của cá chép trong Lý Ngư Vọng Nguyệt

Hình tượng cá chép (lý ngư) được gắn với câu chuyện cá chép vượt vũ môn hóa rồng, thể hiện phẩm chất ý chí mạnh mẽ, kiên trì, nhẫn nại, vượt khó khăn để đạt thành quả. Cá chép còn mang ý nghĩa may mắn, tốt lành.

Trong tiếng Hán, cá chép đọc là “Lý Ngư” có phát âm giống giống với từ Hữu Dư. Mang ý nghĩa giàu có, có của ăn của để.

Ngoài ra hình ảnh cá chép còn tượng trưng cho sự giao hòa Trời Đất qua câu chuyện Táo quân cưỡi cá chép về trời.

Ý nghĩa của trăng tròn trong Lý Ngư Vọng Nguyệt

Trong văn hóa phương Đông, trăng tròn tượng trưng cho sự hoàn hảo, hoàn thiện, viên mãn, trong sáng, thanh cao. Tuy nhiên trong bức tranh Lý Ngư Vọng Nguyệt có hai mặt trăng, một ở trên trời và một ở dưới nước (dường như ở đáy nước).

Ảnh: Wikipedia

Ý nghĩa của Lý Ngư Vọng Nguyệt

Một số ý kiến cho rằng bức tranh mang ý nghĩa về những mong muốn khát khao, đạt được sự hoàn mỹ, đầy đủ, vẹn tròn. Ý kiến khác lại nhận định bức tranh này là lời nhắc nhở cuộc đời nhiều hư ảo (trăng ở đáy nước), cần biết phân biệt thật-giả, không nên vì những thứ hào nhoáng mà đánh mất giá trị chân thật.

Bức tranh còn chứa đựng vẻ đẹp hài hòa từ nhiều yếu tố đối lập. Bầu trời cao lồng lộng với mặt nước sâu thăm thẳm. Mặt trăng yên lặng trên trời với con cá chép quẫy mình dưới nước. Ánh trăng vàng với đáy nước đen…

Dù sao mỗi bức tranh đều có nội hàm ý nghĩa sâu sắc, theo đó mỗi người xem có những cảm nhận khác nhau.

Nguồn gốc của tranh

Mặc dù trên nhiều bức tranh chữ được viết bằng tiếng Hán, nhưng cảnh vẽ này có nguồn gốc hoàn toàn từ Việt Nam.

Bức tranh Lý ngư vọng nguyệt là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đây là một trong những làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nay thuộc phố Hàng Nón, Hàng Trống – thủ đô Hà Nội.

Tranh Hàng Trống phát triển nhất vào giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Hầu hết nội dung của tranh xoay quanh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Tranh và thơ

Các nghệ nhân tranh Đông Hồ còn đưa vào bức tranh một bài thơ bằng chữ Nôm như sau:

Sáng trăng vằng vặc cả bầu trời
Lộng lẫy sông hồ với biển khơi
Lung linh bóng nguyệt tô cảnh thủy
Vọng vời đua lượn lý ngư bơi.

Bức tranh Lý Ngư Vọng Nguyệt của tranh Đông Hồ.

Lý ngư vọng nguyệt trong tranh Hàng Trống và Đông Hồ

Bài báo "Người giữ hồn tranh Hàng Trống" cho biết:

Bộ tranh “Cá chép trông Trăng” (Lý ngư vọng nguyệt) là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống. Tranh “Cá chép trông Trăng” đã đạt đến độ cao về mỹ thuật, sâu sắc, thâm thúy về ý nghĩa, đầm ấm gần gũi, tranh thể hiện ước nguyện cầu ấm no hạnh phúc trong năm.
Tranh dân gian có thể gồm 1 tấm hoặc 2 tấm đối nhau. Tranh được in trên giấy dó bằng bản khắc gỗ thủ công.

Lý ngư vọng nguyệt là bức tranh tiêu biểu của tranh Hàng Trống, nhưng cũng được sáng tác và treo trong các phòng tranh của Đông Hồ. Ngay từ năm 1967 các nghệ nhân Đông Hồ đã vẽ lại bức ban đầu là bằng cách vẽ tay, sau đó đã được khắc ván gỗ.

Tại Đông Hồ, bức tranh có những nét độc đáo riêng do được in trên những chất liệu vốn có của tranh Đông Hồ. Đó là việc sử dụng giấy điệp và các màu sắc được chiết xuất từ tự nhiên: Màu đỏ làm từ sỏi son, màu trắng làm từ vỏ điệp, màu vàng chiết xuất từ hoa hòe, màu xanh từ lá chàm, màu đen làm từ lá tre đốt thành than.

26/09/2023

Ẩm thực Nam Định là gì?

 Nguồn: từ Fb của tác giả An Lê


 

 

Có một câu hỏi rất khó trả lời khi bạn bè hỏi về Nam Định ăn gì ở đâu bởi trong đầu họ đã hình thành khái niệm đây là một trong ba trung tâm ẩm thực lớn của miền Bắc cùng Hà Nội, Hải Phòng, cũng vốn dĩ là ba đô thị được hình thành sớm bởi yếu tố địa lý, chính trị.

Nam Định là vùng lõi của trấn Sơn Nam Hạ, là nơi phát tích của nhà Trần thuộc Đản tộc – Phúc Kiến (Trung Quốc) vốn là dân chài lưới lênh đênh theo con nước xâm nhập Việt Nam từ Vân Đồn, Kiếp Bạc, Thái Bình sau nhập thổ tại Nam Định để gặp thái tử nhà Lý và hình thành thế lực, một đặc điểm khiến rất nhiều nơi tự coi mình là “quê hương nhà Trần” để bán ấn. Nhờ thế, Nam Định trở thành hành cung của nhà Trần, một kinh đô khi xa kinh đô, tạo ra mô hình triều đình thứ hai mà sau tái hiện ở Lam Kinh của Lê Lợi.

Song, dù có như thế, sự phát triển ẩm thực của Nam Định lại rất khiêm nhường so với Hà Nội và Hải Phòng, chủ yếu vì lý do: Nghèo. Nghèo ở đây không nằm ở yếu tố sản vật, nguyên liệu chế biến bởi Nam Định có vựa hải sản Hải Hậu, Giao Thủy tương tự Hải Phòng, có đất lúa Nghĩa Hưng, Nam Ninh với gạo tám xoan, Mộc Tuyền…, có thủy sản nước ngọt nhờ hệ thống sông ngòi. Cái nghèo ở đây là thuần chất kinh tế, dẫn đến tư duy ăn uống cốt ở tiềm tiệm, đơn giản, không cầu kỳ, tận dụng, rẻ, tiện.

Khó có thể tìm được một món ăn nào ở Nam Định khiến nơi khác phải rùng mình vì độ tinh xảo, cầu kỳ giống như ở Hà Nội hay Huế: Đó là bát bún thang, là bát canh măng, là món nụ mỵ, là miếng chả chim cơm tám… hay bát giả cầy đẹp như một bụm nắng thu.... 

Tất cả đều rất đơn giản để đạt tiêu chí rẻ của đối tượng khách  hàng nghèo. Tuy nhiên, điều này khiến ẩm thực Nam Định trở nên đặc sắc bởi vì sự biến hóa lanh lợi, tạo được nhiều món ăn ngon từ nguyên vật liệu tầm thường. Một kiểu sắc sảo rất con nhà nghèo.

Ảo tưởng đầu tiên của bạn bè về ẩm thực Nam Định là đây là đất phở, thứ được thổi phồng rất lớn bởi trend Phở Bò Gia Truyền Nam Định??? đã và đang xuất hiện khắp cả nước (ngoại trừ Nam Định), đặc biệt trong một hai năm qua, khi trào lưu phong vương tước cho phở như một món quốc hồn quốc túy, có đẳng cấp chế biến công phu, có nguồn gốc danh gia vọng tộc… để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc Việt và làm tiền.

Thật ra, ở Nam Định thời xưa, quán phở chỉ đếm trên đầu ngón tay của anh La Văn Cầu, một hai nhãn phở như phở Đán, phở Sinh, cùng vài quán phở kiểu cơm phở bình dân bán đủ thứ, nằm cạnh bến xe, nhà ga, và phở trong cửa hàng ăn uống quốc doanh (có hai cái, một ở Thành Chung, một ở đối diện ga). Ít như thế, bởi phở là thứ đắt đỏ, làm gì có khách ăn.

Thay vì ảo tưởng phở, hãy ăn bún đi bởi bún mới thực sự là nét hay và đa dạng. Bún rẻ hơn phở bởi nguyên liệu chế biến chỉ là cua, cá chứ không phải thịt bò gì gì. Bún riêu, bún cá, canh bún, bún bung, rồi sau này là bún mọc, bún gà (not thang), bún giả cầy, bún móng, bún lưỡi, bún tim… Bún everywhere. Bún có thể ăn không như một món ăn sáng hoàn chỉnh, chỉ đơn giản là bún chấm mắm tôm hoặc rưới nước mắm chanh ớt. Bún bỏ thúng, đội bán rong như là quà sáng, không có tiền thì dùng gạo đổi để lấy bún ăn. Rất nguyên thủy và nghèo.

 Tương tự bún là cháo vì nó cũng rẻ, nguyên liệu trai, hến sẵn. Cháo ở Nam Định đa phần là cháo bột như cháo sườn, cháo trai. Cháo lòng đã thuộc dạng cao cấp, còn cháo gà được coi là thượng phẩm. Nguyên liệu đắt nên nghệ thuật nấu dồn vào bột cháo, sánh mịn như hồ, ngọt ngào như thịt, đủ sệt để no chứ không chảy lõng bõng, nhưng không quá đặc để bứ. Ăn một thìa cháo, nhai được miếng sụn hay thịt bằng hạt đậu xanh là sướng phát điên, và thứ cháo đó rất thơm ngon, giờ hầu như không thể tìm thấy.

Thật sự, ảnh hưởng của nhà Trần với ẩm thực đất này khá lớn. Món bánh cuốn phổ biến hiện nay cũng chính là món bánh Xuân Thái của nhà Trần ăn vào tháng Ba từ thế kỷ 13. Bánh Xuân Thái tráng nguội, cuốn rau là hiện thân của bánh cuốn làng Kênh (thuộc vùng thực ấp Tức Mạc) hiện nay, bánh tráng sẵn, ăn ở trạng thái nguội.

Song một món ăn đặc trưng nhất của Nam Định chính là nem trạo hay nem thính. Các món gỏi cá chép, mè, nhệch đều bắt nguồn từ thói ăn uống sông nước của nhà Trần, với công thức cá tươi xẻ thịt ướp thính ăn cùng rau dược liệu như lá mơ, đinh lăng, lá sung, gừng, riềng và chấm chẻo. Món nem có lẽ chính là thứ đồ nhậu khoái khẩu của tổ tiên nhà Trần, bởi ngoài món gỏi, dân chài lưới thỉnh thoảng mới ghé chợ đất liền trao đổi thực phẩm. Họ mua một miếng thịt gồm bì và mỡ, dính tí thịt nạc, và dùng thứ thịt đó để làm nem.

Phong cách cuốn nem chính là kiểu ăn quen thuộc của dân thuyền chài, tất cả đã được gói gọn, cuốn sẵn để tiết kiệm không gian bày biện, cũng như yếu tố chòng chành sóng nước. Từ kiểu gói này nên dân Nam Định có kiểu ăn nem gói toàn bộ các loại nem từ nem thính, nem tai, nem nắm, cũng như các món cuốn, nem rán, cánh cuốn.

Và món nem là dấu vết khá rõ: bì lợn luộc thái thật mảnh, dài; mỡ luộc thái vuông hạt lựu, thêm một chút thịt nạc cũng thái vuông. Tỉ lệ của nem là 4-3-2-1, bì nhiều, mỡ ít hơn, nạc ít nhất, rau ăn cùng ê hề. Thịt thái xong phải bóp thính gạo, một thứ gia vị đặc trưng và không thể thiếu. Thính làm món nem thơm hơn, chắc thế mà chẳng có câu thả thính hay rắc thính, ngoài ra có tác dụng bảo quản thực phẩm, tránh nguyên liệu tiếp xúc với không khí, ruồi bọ. Với một số món, thính còn hỗ trợ lên men bởi gốc đường trong tinh bột gạo. Tại sao có tên là thính thì có lẽ nó liên quan đến mùi hương và việc ngửi mùi hương của thính giác.



Nem ở Nam Định hầu như phải chấm nước chấm, bởi chúng không trộn đẫm gia vị khô như nem Bùi, nem Phùng ở Hà Nội, Bắc Ninh. Có lẽ, tộc Trần xưa sẵn nước mắm hơn bột canh Knorr nên ăn gì cũng pha nước chấm để chấm. Cách ăn nem cũng vẽ vời hơn nem xứ khác: trải lá bánh đa nem, lót 1 lá sung, lót 2 lá mơ, lót 3 là đinh lăng, ngổ, thơm… rồi mới đến nem đủ bì mỡ nạc, rồi cuốn lại và chấm vào nước chấm mới ăn. Cái kiểu cuộn nem này cũng rất giống cuốn bánh Xuân Thái.

Như vậy, có thể thấy, ẩm thực Nam Định về cơ bản là phù hợp với thực trạng đời sống thường nhật. Xôi, bún, cháo, bánh cuốn, nem, các loại bánh bình dân, bánh mỳ pate, củ luộc (ngô, khoai, sắn, sắn dây, dong riềng, từ).


25/09/2023

Món nướng muối ớt Sài Gòn

 theo: SGTC


 Những sản vật trên rừng dưới sông dưới suối dưới biển, còn tươi sống, tươi nguyên, gặp muối ớt dường như được ướp giữ lại mọi thứ thanh tân nguyên xi… Công thức điều vị mộc mạc này còn đứng vững tới nay, nói như một nhà văn hoá, là được bình chọn rất dân chủ bởi lá phiếu của từng cái lưỡi.


Gà nướng muối ớt.

Ở Sài Gòn mà nói muối ớt nhiều người lắc đầu. Nhất là những ông bà chuyên viên dinh dưỡng nhìn đâu cũng thấy phản dinh dưỡng, lắc càng mạnh. Họ chẳng những khuyên giảm muối mà có kẻ còn coi muối như kẻ thù của loài người. Tính đến chuyện muối bị tình nghi là kẻ thù – tác nhân làm tăng huyết áp, phải kể từ thuở loài người thời chiến tranh nguyên sơ, đã biết lợi dụng tiền sử huyết áp của đối phương để kích báng đối phương tức đến hộc máu mà chết, như Lượng kích Du thời Tam Quốc. Nhưng tới nay chưa có toà nào lên án được muối vì không đủ chứng cứ kết nó là nguyên nhân trực tiếp.
 
Triết lý của nhà dinh dưỡng là thà lầm còn hơn sót.

Với những con người khẩn hoang Nam bộ, rõ ràng muối và ớt là hai thứ gia vị rất sẵn có và đeo cứng cuộc đời họ như đỉa dưới đồng sâu. Sự thật này đã được khẳng định khắp nơi: “bữa ăn nghèo nàn nhất và đơn điệu nhất của các nước kém phát triển lại càng cần gia vị nhất,” theo sử gia Pháp F. Braudel, tác giả cuốn Những cấu trúc sinh hoạt hàng ngày.

Chuột nướng muối ớt.

Người ta lại nói muối Bạc Liêu ngon nhứt. Mà Bạc Liêu chỉ có sở muối Gành Hào. Dân Gành Hào khẳng định, muối ở đây ngon nhứt. Nhưng cả mấy ông làm công ty muối Bạc Liêu lẫn diêm dân Gành Hào không ai biết tại sao nó ngon. Mà còn khăng khăng muối đen ngon hơn muối trắng. Muối đen lại bị công nghiệp tẩy chay. Nội cái chuyện tiếp thị hột muối cũng kiểu “hữu xạ” bảo sao người dân muối không vô vọng…

Muối hột với ớt – ớt chim ỉa mọc hoang đâu đó gần gò mối, miếng ruộng biền, càng nồng nàn – giã dập dập, ướp con cá câu cắm, con chuột chận ngách, con lươn ống trúm trên đồng, rồi bó lá chuối, tóm mớ rơm nướng trui lên thì mười “barbecue” của Tây theo cũng chẳng kịp. Vì chẳng qua là barbercue nặng mùi son phấn, mà lại thiếu đi cái tươi ngọt, do nguyên liệu nằm trong hầm đá quá lâu. Vả chăng, so với dân Á, dân Tây rất ư là vô cảm với vị “ngọt” trong thực phẩm mà người Nhật khám phá ra đầu tiên từ tảo biển, đặt tên là umami…

Ếch nướng muối ớt.

Sài Gòn gần đây, khi những viên gạch mộc xù xì thô ráp quay trở ra nằm e ấp trên mấy cái mặt tiền nhà lai thuộc địa (coloniale), những làng nướng tấp tểnh mọc lên. Muối hột giã ớt lại quay về. Nhưng không phải làng nướng nào cũng đúng là muối hột, đúng là ớt hiểm chim ỉa, đúng là muối hột Gành Hào – vùng đất nuôi con cá-kèo-lọ-lem tự nhiên và bán tự nhiên ngon đến dẹo lưỡi người Sài Gòn. Hột muối ở đây ngon cũng vì lẽ này chăng?

Kể từ Sài Gòn sinh nhật 300, những khu nướng khẩn hoang nổi lên, nướng muối ớt làm cho lũ chuột đồng miền Tây điêu đứng (nhưng không sao, hồi tháng 10 vừa rồi, con người đã công bố nhân bản chuột đồng được rồi). Món ngon bao giờ cũng có hàm lượng quá khứ hoặc hàm lượng, xin lỗi,… nước bọt (quảng cáo của nhà hàng)… cho những người (trẻ) thiếu đi thứ “muối mắm” quá khứ: chuột bắt được lột da, ướp muối ớt – muối ớt đồng bao giờ cũng có thêm một hai thứ lá rau mùi như é, lốt hoặc mãng cầu, ổi, bó chuột lại hoặc giã dập trong muối luôn. Và nổi lửa ở một góc ruộng. Cơm trắng với bữa thịt chuột nướng bốc mùi thơm lừng ngon – một sự tương phản giữa cơm lạt ngon ngót bột đường và vị mặn, cay, béo, mùi thơm, khen khét quyện lấy nhau, “âm dương giao hoà, vạn sự (ngon) sinh sôi” (Khổng Tử). Phiên bản ấy được bê về Sài Gòn đã bị vặt trụi lủi nhiều chi tiết. Nhưng nhiều người ăn vẫn cứ ăn giặm phiên bản trụi lủi ấy với mắm-muối-xửa-xưa. Thật hồn hậu. Thật đã.

Tôm nướng muối ớt.

Bởi thế cho nên, chuột đồng nướng muối ớt thường đứng đầu bảng-sạch-bách trong thực đơn buffet của các chương trình ẩm thực khẩn hoang.

Với một số người ngại chuột, các món nướng muối ớt khác cũng không kém hương sắc. Bạn có thể đọc trong thực đơn: cu muối ớt nướng mọi, cá lóc nướng muối ớt, lươn nướng muối ớt, cánh gà ta nướng muối ớt, ếch nướng muối ớt, dông nướng muối ớt, v.v. Nói chung, những sản vật trên rừng dưới sông dưới suối dưới biển, còn tươi sống, tươi nguyên, gặp muối ớt dường như được ướp giữ lại mọi thứ thanh tân nguyên xi… Công thức điều vị mộc mạc này còn đứng vững tới nay, nói như một nhà văn hoá, là được bình chọn rất dân chủ bởi lá phiếu của từng cái lưỡi.

Cá Mao Ếch nướng muối ớt.

Muối ớt như những thứ công thức gia vị “trầm tích” từ đời sống của những người dân chân lấm tay bùn. Họ làm việc nặng, mồ hôi ra nhiều, muối cơ thể mất theo mồ hôi, nên muối ớt trở thành nguồn cung cấp bù muối. Chẳng nhà dinh dưỡng nào phản đối được điều này. Ngay cả trong các món canh, như canh cải tàu bay hái trên đồng, canh chua lá vang, muối ớt cũng là thứ điều vị chính. Bạn có thể thể nghiệm điều đó khi so với nêm các thứ khác. Muối mặn thường làm tim đập nhanh, kháng được cái lạnh buổi đầu ngày, nên củ khoai cũng có gói muối ớt kèm theo.

Về lại Sài Gòn, những món nướng thô mộc này, như giòng phù sa nặng “quặng” thương nhớ. Mỗi lần ăn là mỗi lần chở ta về một nơi chốn đã sống đã lớn lên, đã giữ lại ta là ta chứ không phải là ai khác.