Nhân sắp đến Trung Thu, chúng ta cùng bàn và hiểu về bức tranh dân gian nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống: Tranh Lý ngư vọng nguyệt,
Tranh "Lý Ngư Vọng Nguyệt" (Nguồn: Tranh Đông Hồ)
'Lý ngư vọng nguyệt' là một bức tranh dân gian nổi tiếng, mô tả một con cá chép đang ngắm nhìn hình ảnh bóng trăng dưới đáy nước.
Theo nghĩa Hán Việt thì "lý ngư" là cá chép, còn "vọng nguyệt" là ngắm trăng.
Bức tranh nổi bật với hình ảnh cá chép có thân mình to khỏe, đuôi cá hơi cong, đang quẩy mình đớp bóng trăng được in dưới đáy nước. Bối cảnh xung quanh là các cành sen bao quanh hoặc vươn dài, uốn lượn, cùng các cá con. Trên cao là bầu trời đêm được nhuộm vàng bởi ánh trăng tròn.
Ý nghĩa của cá chép trong Lý Ngư Vọng Nguyệt
Hình tượng cá chép (lý ngư) được gắn với câu chuyện cá chép vượt vũ môn hóa rồng, thể hiện phẩm chất ý chí mạnh mẽ, kiên trì, nhẫn nại, vượt khó khăn để đạt thành quả. Cá chép còn mang ý nghĩa may mắn, tốt lành.
Trong tiếng Hán, cá chép đọc là “Lý Ngư” có phát âm giống giống với từ Hữu Dư. Mang ý nghĩa giàu có, có của ăn của để.
Ngoài ra hình ảnh cá chép còn tượng trưng cho sự giao hòa Trời Đất qua câu chuyện Táo quân cưỡi cá chép về trời.
Ý nghĩa của trăng tròn trong Lý Ngư Vọng Nguyệt
Trong văn hóa phương Đông, trăng tròn tượng trưng cho sự hoàn hảo, hoàn thiện, viên mãn, trong sáng, thanh cao. Tuy nhiên trong bức tranh Lý Ngư Vọng Nguyệt có hai mặt trăng, một ở trên trời và một ở dưới nước (dường như ở đáy nước).
Ảnh: Wikipedia
Ý nghĩa của Lý Ngư Vọng Nguyệt
Một số ý kiến cho rằng bức tranh mang ý nghĩa về những mong muốn khát khao, đạt được sự hoàn mỹ, đầy đủ, vẹn tròn. Ý kiến khác lại nhận định bức tranh này là lời nhắc nhở cuộc đời nhiều hư ảo (trăng ở đáy nước), cần biết phân biệt thật-giả, không nên vì những thứ hào nhoáng mà đánh mất giá trị chân thật.
Bức tranh còn chứa đựng vẻ đẹp hài hòa từ nhiều yếu tố đối lập. Bầu trời cao lồng lộng với mặt nước sâu thăm thẳm. Mặt trăng yên lặng trên trời với con cá chép quẫy mình dưới nước. Ánh trăng vàng với đáy nước đen…
Dù sao mỗi bức tranh đều có nội hàm ý nghĩa sâu sắc, theo đó mỗi người xem có những cảm nhận khác nhau.
Nguồn gốc của tranh
Mặc dù trên nhiều bức tranh chữ được viết bằng tiếng Hán, nhưng cảnh vẽ này có nguồn gốc hoàn toàn từ Việt Nam.
Bức tranh Lý ngư vọng nguyệt là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đây là một trong những làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nay thuộc phố Hàng Nón, Hàng Trống – thủ đô Hà Nội.
Tranh Hàng Trống phát triển nhất vào giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Hầu hết nội dung của tranh xoay quanh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tranh và thơ
Các nghệ nhân tranh Đông Hồ còn đưa vào bức tranh một bài thơ bằng chữ Nôm như sau:
Sáng trăng vằng vặc cả bầu trời
Lộng lẫy sông hồ với biển khơi
Lung linh bóng nguyệt tô cảnh thủy
Vọng vời đua lượn lý ngư bơi.
Bức tranh Lý Ngư Vọng Nguyệt của tranh Đông Hồ.
Lý ngư vọng nguyệt trong tranh Hàng Trống và Đông Hồ
Bài báo "Người giữ hồn tranh Hàng Trống" cho biết:
Bộ tranh “Cá chép trông Trăng” (Lý ngư vọng nguyệt) là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống. Tranh “Cá chép trông Trăng” đã đạt đến độ cao về mỹ thuật, sâu sắc, thâm thúy về ý nghĩa, đầm ấm gần gũi, tranh thể hiện ước nguyện cầu ấm no hạnh phúc trong năm.
Tranh dân gian có thể gồm 1 tấm hoặc 2 tấm đối nhau. Tranh được in trên giấy dó bằng bản khắc gỗ thủ công.
Lý ngư vọng nguyệt là bức tranh tiêu biểu của tranh Hàng Trống, nhưng cũng được sáng tác và treo trong các phòng tranh của Đông Hồ. Ngay từ năm 1967 các nghệ nhân Đông Hồ đã vẽ lại bức ban đầu là bằng cách vẽ tay, sau đó đã được khắc ván gỗ.
Tại Đông Hồ, bức tranh có những nét độc đáo riêng do được in trên những chất liệu vốn có của tranh Đông Hồ. Đó là việc sử dụng giấy điệp và các màu sắc được chiết xuất từ tự nhiên: Màu đỏ làm từ sỏi son, màu trắng làm từ vỏ điệp, màu vàng chiết xuất từ hoa hòe, màu xanh từ lá chàm, màu đen làm từ lá tre đốt thành than.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét