Ghép sai, phân thuốc sai. Vừa đọc vừa ngẫm, đừng đọc lướt phí thời gian.
Khắc phục: Làm thêm vài thanh tre hoặc gỗ cắm vào chất trồng
và cột 1 đầu vào sợi móc treo, sau đó cố định giả hành hoặc cây lan vào que là
ổn. Đừng đè nén!
3. Không xử lý giá thể. Sai lầm này thường gặp nhất, bạn quá
chủ quan vì cho rằng không cần xử lý vẫn ổn. Ví dụ lũa không rửa sạch và không
dùng bàn chải sắt đánh sạch sẽ làm rễ lan bám không chắc hoặc không bám được,
hoặc cục lũa quá khô mà bạn không ngâm nước 1-2 ngày mà ghép ngay, giả hành
hoặc cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính cục lũa mà bạn ghép. Hay dớn không
ngâm hoặc luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, bên cạnh đó còn mầm
bệnh, côn trùng phá hoại, ốc sên... trong giá thể sẽ phá hoại bộ rễ lan và mầm
non của bạn.....
4. Dùng quá nhiều kim loại để ghép lan như cột bằng dây thép,
bắn quá nhiều ghim, đóng đinh to... sẽ làm đụt đầu rễ cây lan khi rễ bò tới
chạm vào kim loại, kim loại sẽ làm xước thân lan hoặc giả hành tạo cơ hội cho
nấm khuẩn xâm nhập.
5. Khi ghép lan, vì thấy rễ giả hành mẹ, bà hoặc rễ cây lan
còn tươi mà bạn giữ lại quá nhiều hoặc thậm chí không cắt tỉa mà ghép luôn. Lan
của bạn sẽ cực khó để bám được vào giá thể hoặc ra rễ mới. Đằng nào thì mấy cái
rễ này cũng sẽ khô và chết đi, vì thế bạn nên cắt tỉa hết đi rồi hãy ghép. Quan điểm của tôi là ghép xong là muốn ngắm luôn chứ
không cần phải đợi tới khi ra hoa.
6. Ghép dày nhiều um tùm 1 đống (nùi) để thể hiện độ hoành
tráng vào đẳng cấp. (Những giò lan như vậy trong mắt tôi chỉ nói nên sự khoa
trương và gà mờ của người ghép. Khẳng định với bạn là không có ai được xưng là
nghệ nhân mà thích cái kiểu lộn xộn um tùm đó cả). Khi cây trên cùng bị bệnh,
sẽ chảy nước nhiễm bệnh xuống kéo theo cả giò bệnh. Khi cây trong cùng ra hoa,
cây ngoài lấp mất coi như không có hoa. Khi cây trên ra rễ, rễ phủ qua ngọn cây
dưới làm ngọn và lá cây dưới con queo... Vậy nên bạn nên ghép THOÁNG và tính
toán trước đường đi của rễ và hướng vòi hoa để bố trí cho hợp lý.
7. Ghép các cây lan không cùng tuổi, không cùng kích thước
với nhau. Đầu tiên nhìn vào sự lô nhô chệch choạc là thấy xấu, chưa nói tới nó
sẽ nở hoa KHÔNG CÙNG THỜI ĐIỂM (đây cũng là lý do vì sao lan bán nguyên 1 giề
(bụi) lại mắc hơn là rời rạc, vì giề lan bao giờ nở cũng đều hơn, khỏe hơn).
Tôi ghép lan bao giờ cũng phân loại đẹp ghép riêng, xấu riêng, lớn bùi bé mềm,
í lộn, lớn riêng bé riêng.
8. Gắn tã cho lan mà lấp gốc, bọc xung quanh gốc hoặc che mắt
ngủ của lan. Nên gắn cách gốc ít nhất 1cm. Tôi thấy có nhiều bạn đang có giò
lan đẹp từ đầu tới chân, gắn tã xong nhìn xấu hoắc. Vì bạn ốp nguyên cái vỏ dừa
lên mà không gọt, tỉa và cột lại cho đàng hoàng. Tôi nhắc lại: GIÒ LAN ĐẸP
KHÔNG PHẢI CHỈ ĐẸP MỖI BÔNG HOA. Chơi lan mà CHỈ BIẾT CHƠI HOA là quá xoàng
(thường), NGHỆ NHÂN là phải chơi cả lá, cả thân, cả rễ, cả cái chậu và cục lũa
nhé!
II. BÓN PHÂN VÀ XỊT THUỐC
1. Bón phân quá nhiều. Dư phân lan sẽ chết chắc! Thiếu hoặc không bón thì còn được. Sau bài PHÂN CHO LAN, có vài bạn hỏi tôi sao bón phân cháy hết đầu rễ, gục ngọn. Sao xịt phân làm vàng héo lá sau đó rụng lá...
2. Bón phân chuồng mà không ủ sẽ mang mầm mống bệnh, côn
trùng và cỏ dại cho giò lan. Không ủ thì cũng không có bao nhiêu chất dinh
dưỡng đâu nhé bạn. Tuy nhiên ủ đúng khoa học mà tiết kiệm hiệu quả thì không
phải bác nào cũng biết. Nhân đây tôi cũng nói luôn đó là Vitamin B1 (Thiamine)
là 1 vitamin tan trong nước, không bền vững với nhiệt độ và ánh sáng, nên nếu
có trộn với phân chuồng rồi phơi, ủ... thì phí tiền quá nhé! Bên cạnh đó các
bạn nên lưu ý khi bón PHÂN VI SINH HỮU CƠ có vi sinh vật phân hủy còn sống
trong thành phần. Khi bón loại này vào đất sẽ rất tốt cho đất, nếu bón vào giá
thể trong chậu cũng rất tốt cho lan nhưng mấy em vi sinh vật này sẽ biến giá
thể của giò lan thành dạng mùn và tạo điều kiện cho các bạn nhanh chóng thay
giá thể.
3. Trộn nhiều loại phân khác tên mà cùng thành phần với nhau.
Lãng phí, dư thừa và hại cho lan. Vậy nên các bạn phải học cách ĐỌC THÀNH PHẦN
trên bao bì. Tên sản phẩm có khi khác nhau, nhưng thành phần thì giống nhau ví
dụ chai thì ghi là THIAMINE, chai thì ghi là Vitamin B1. Thật ra 2 cái này là
1.
4. Trộn phân và thuốc nấm, vi khuẩn rồi xịt. Theo nguyên tắc,
LAN BỆNH THÌ NGƯNG BÓN PHÂN. Nếu lan không bệnh thì cũng nên xịt riêng để tránh
quá tải cho cây và phân thuốc trung hòa lẫn nhau gây giảm hiệu quả. Cách nhau
tốt nhất là trên 2 ngày.
5. Trộn thuốc có cùng thành phần ví dụ trộn thuốc diệt nấm
Ridomil với thuốc Metalaxyl M (cũng trị nấm) rồi xịt phòng và trị nấm.
Ridomilgold có 2 thành phần là Mancozed và Metalaxyl ---> bạn nhìn thấy vấn
đề chưa? Chính vì thế, làm ơn đọc thành phần nếu muốn trộn nhiều loại thuốc với
nhau. Và lưu ý là khi mua, nên hỏi người bán cái gì trộn với cái gì được thì
mới trộn, đừng làm bừa mà gây hậu quả nghiêm trọng vì có những thuốc không cho
trộn với bất cứ thằng nào.
Các hãng luôn có những cặp đôi bổ khuyết cho nhau, vì vậy nếu
có đi mua thuốc cho lan thì hỏi người bán như này: Bán cho bộ đôi trị nấm và vi
khuẩn cho rau và hoa màu (Tìm thuốc cho lan khó như tìm... mà thôi, nói ra có
khi vêu răng)
Lời khuyên của tôi cho bạn là khi xịt thuốc phòng hoặc chữa bệnh cho lan thì cứ xịt cả thuốc nấm và thuốc vi khuẩn cho chắc, thà nhầm còn hơn sót. (Tôi tính viết 1 bài về thuốc mà chưa đủ trình nên thôi, vì có nhiều loại nấm và nhiều loại khuẩn quá, mỗi loại bệnh 1 loại thuốc khác nhau.
Khi ủ phân chuồng, tuyệt đối không được trộn thuốc nấm và khuẩn vào nhé, bạn sẽ giết vi sinh vật có ích để phân của bạn từ SỐNG THÀNH CHÍN đó, bên cạnh đó đa số thuốc sẽ bị phân hủy khi gặp đất và phân. Đừng dại nha!