Đề tài thời pháp nầy là Vô minh. Khi biết
rõ vô minh rồi, chúng ta mới có thể tìm cách tiêu diệt nó. Tiêu diệt được vô
minh rồi, chúng ta sẽ giải thoát sanh tử. Chúng ta ai cũng biết trong mười hai
nhân duyên, đức Phật nói cái đầu là vô minh. Từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc
duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ,
thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não.
Như vậy, đau khổ cuối cùng của sanh già
bệnh chết gốc từ vô minh mà ra. Vì vậy, chúng ta muốn tu cho được kết quả, tu
đến giải thoát sanh tử thì gốc vô minh chúng ta phải biết rõ. Biết rõ rồi chúng
ta trừ diệt nó. Như vậy mới là người biết cội gốc tu hành.
Trước tiên , tôi định nghĩa vô minh là
gì? Vô là không, minh là sáng. Vô minh tức là không sáng. Cái khổ của sanh tử
gốc từ vô minh mà ra. Vô minh hiểu theo nghĩa mê lầm, đen tối là nghĩa đen. Vô
minh còn có nghĩa khác mà trong kinh đức Phật giải thích rất rõ ràng.
Nghĩa khác thế nào? Như đức Phật dạy
trong kinh A Hàm: “Thấy các Pháp, không biết đúng như thật là vô minh”. Nghĩa là
chúng ta thấy mọi sự vật ở trên đời mà không biết đúng như thật, chỉ biết bằng
tưởng tượng sai lầm, đó là vô minh. Cho nên trong các bộ kinh A Hàm luôn luôn
nói “Vô minh là không thấy, không biết
đúng như thật” . Nói rõ hơn, không biết, không thấy đúng như thật pháp Tứ
đế: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế, gọi là vô minh. Đó là lời giải thích trong
kinh A Hàm.
Kinh Viên Giác giải nghĩa khác, có một vị
Bồ tát hỏi: “Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh?”. Phật dạy: “Vô
minh là đối với thân tứ đại duyên hợp tưởng lầm là thật, là quí. Đối với tâm
duyên theo bóng dáng sáu trần là cho đó là tâm thật. Như vậy là vô minh”.
Chấp thân tứ đại là thật, chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, đó là
vô minh. Tôi xin hỏi Ni chúng và Phật tử ở đây, quí vị có vô minh không? Chắc
ai cũng đồng ý có vô minh. Tại vì tất cả đều thấy thân mình là thật, thấy tâm
nghĩ tưởng việc nầy, việc nọ là tâm mình thật. Thấy hai cái đó thật là vô minh.
Chúng ta vì vô minh lôi dẫn mà sanh tử
đến ngày nay không dừng. Người tu Phật là người cầu được phước lên cõi trời,
hay cầu đời sau sang giàu? Người tu Phật là người cầu giải thoát sanh tử. Muốn
giải thoát sanh tử thì phải dẹp sạch vô minh. Nếu không hết vô minh thì không
làm sao ra khỏi sanh tử được.
Vì vậy, tất cả chúng ta đều phải cố gắng,
đều phải nhận định cho chín chắn, rõ ràng về vô minh. Nếu không biết nó, không
dẹp nó thì muôn kiếp tu là tu, chớ không ra khỏi sanh tử được. Nên bài giảng
nầy rất quan trọng đối với việc tu hành của chúng ta. Quí vị cố gắng nghe thật
kỹ, nhớ thật rõ để ứng dụng tu thì sẽ có lợi lạc lớn.
Nhà Phật chia vô minh làm hai phần: Căn bản vô minh và Chi mạt vô minh. Căn
bản là cội gốc, chi mạt là ngọn ngành hay nhánh nhóc. Trong mười hai nhân
duyên, cái gì là căn bản vô minh, cái gì là chi mạt vô minh? Thường ai cũng
biết Phật nói vô minh duyên hành. Tức từ vô minh phát sinh ra nghiệp, nghiệp
dẫn thần thức đi thọ sanh v.v… vậy vô minh ban đầu là gốc sanh tử, nên gọi căn
bản vô minh.
Kế đến cái gì là chi mạc vô minh? Chúng
ta thử ôn lại: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh
sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên
thủ… Ái và thủ chính là chi mạc vô minh.
Bây giờ chúng ta tu, không thể diệt được
căn bản vô minh vì căn bản vô minh là vô minh ban đầu, nó thuộc về quá khứ đã
qua rồi. Nên hiện tại chúng ta tu là làm sao tiêu diệt được chi mạc vô minh.
Phá được chi mạc vô minh rồi thì chúng ta sẽ dứt được sanh tử. Còn nếu chưa phá
được nó thì chúng ta đi mãi trong sanh tử.
Trở lại căn bản vô minh. Như trong kinh A
Hàm nói: “Biết không đúng như thật về khổ
đế, tập đế, diệt đế, đạo đế gọi là vô minh”. Tất cả quí vị đối với Tứ đế đã
biết đúng như thật chưa? Nếu biết đúng như thật về Tứ đế thì chúng ta đã ngộ,
đã nhận được giáo lý giải thoát của pháp Tứ đế dạy rồi. Nhưng bây giờ chúng ta
còn mơ màng, chưa nhận chân sự thật nên chưa hiểu được lý Tứ đế.
Trong Tứ đế đầu tiên là Khổ đế. Chúng ta
thấy cuộc đời nầy khổ hay vui? Khổ. Nhưng chỉ khổ lúc có người làm phiền, làm
cho ta tức giận thôi. Còn lúc được người tân tiu, khen ngợi đâu có khổ. Nghĩa
là chỉ khổ lúc buồn tủi, còn khi được tán thán khen ngợi thì quên khổ.
Phật nói Khổ đế vì tất cả con người sanh
ra trên thế gian nầy có tám thứ khổ, gồm bốn phần thuộc vật chất: sanh, lão,
bệnh, tử và bốn phần thuộc về tinh thần: ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc,
ngũ ấm xí thạnh. Trong tám khổ, chúng ta có ai qua khỏi không?
Xét về thân ai rồi cũng già, cũng bệnh
cũng chết. Quí vị thấy già khổ không? Khổ. Bệnh khổ không? Khổ. Chết khổ không?
Khổ. Nhưng sao tôi già, tôi không khổ. Già khổ nếu mình không biết tu. Bởi
không biết tu nên thấy thân hơi mỏi mòn, bệnh yếu, rồi đi đứng lọng cọng… đủ
thứ hết nên thấy khổ.
Nếu biết tu thì già là một lẽ thật, nó
phải tới tự nhiên thôi, không ai trốn tránh được, kể cả Phật cũng không trốn
được. Nếu Phật trốn được thì thân tứ đại của ngài đâu có mất. Ai có thân thì
cũng phải già bệnh chết. Vì đó là qui luật của thế gian, chúng ta không ai chối
cãi được. Đã là qui luật thì sợ có khỏi được không? Nếu không khỏi thì sợ chi
cho vô ích. Thay vì sợ, mình cười chơi cho vui, khỏe hơn không. Như vậy thì đâu
có gì khổ. Tại chúng ta sợ nó cho nên khổ. Nên biết già chỉ khổ đối với những
người không biết tu thôi.
Đến bệnh khổ, tại sao bệnh khổ? Ví dụ như
đau bụng có khổ không? Khổ toàn thân hay chỉ cái bụng khổ? Đau chỗ nào thì khổ
chỗ đó thôi. Lâu nay chúng ta hay hiểu lầm, cứ nghĩ nếu đau cái chân thì cả
thân đều đau nên rên rỉ “đau quá chịu không nổi”. Nếu hỏi cái gì đau thì nói
“tôi đau”. Nhưng thật ra tôi đau hay cái chân đau? Chân đau thì chỉ đau một
chút dưới chân, còn các bộ phận khác đâu có đau. Nếu bụng đau thì chỉ một chút
ở bụng, còn các chỗ khác đâu có đau, tại sao phải khổ dữ vậy?
Chúng ta có bệnh đồng hóa, khi chân đau
nghĩ là mình đau, nên quằn quại rên siết. Cái đau chỉ ở một nơi, một chốn chớ
không phải mình. Mình là cái gì quí vị biết không? Nếu mình là tứ đại thì mai
mốt tứ đại hết thở, mình đi đâu có còn không? Tứ đại là mình thì tứ đại rã,
mình cũng phải rã theo chứ. Nhưng tứ đại nầy rã không phải là hết, mình vẫn
còn. Cho nên tứ đại đau chứ mình đâu có đau.
Có một thiền sư khi bệnh, thầy Tri sự vô
thăm hỏi:
-Hòa thượng bệnh có cái không bệnh chăng?
Thiền sư trả lời:
-Có.
Thầy tri sự hỏi tiếp:
-Cái gì không bệnh?
Thiền sư kêu lên:
-Ui da! Ui da!
Như vậy là sao? Bệnh chỉ là thân thôi,
cái biết rên “ui da” đó không có bệnh. Chúng ta bệnh, chúng ta khổ nhưng còn có
cái không khổ mà mình không biết. Vì vậy chúng ta cứ lầm lẫn một bộ phận đau
coi như toàn thân đau, rồi khổ sở, lăn lóc, rên rỉ. Nếu bộ phận nào đau, chúng
ta cứ nhìn xem nó đau ra sao. Nhìn một hồi nó quên đau. Còn nếu mình quằn quại
rên rỉ thì đau cả người.
Chúng ta tu phải có nhận định đúng đắn
không sai lầm thì hết khổ. Nhiều người hay nói, mấy cô còn nhỏ đau, thì bệnh
chừng năm mà thêm nhõng nhẽo nữa. Bệnh chừng năm mà rên quá thành ra mười. Đó
là không can đảm không sáng suốt. Chúng ta bệnh phải nhìn lại, xem nó hành làm
sao, đau nhức thế nào. Phải luôn luôn can đảm thấy rằng đau là một bộ phận đau,
chớ mình không đau, như vậy sẽ bớt đau. Được thế thì đau không còn khổ nữa.
Ngược lại, nếu thấy đau là mình thì khổ liên miên. Nay nhức đầu, mai đau bụng,
lúc nào cũng thấy khổ. Như vậy bệnh là khổ.
Đến chết có khổ không? Phật nói chết là
khổ, đó là nói theo con mắt của thế gian. Bởi vì người phàm tục rất quí thân,
lúc nào cũng muốn sống mà bây giờ phải chết thì khổ. Vậy chết khổ là đối với
người quí chuộng thân, muốn giữ nó mãi. Còn người tu đạt đạo rồi, chết không có
khổ. Cho nên người thế gian gần chết thì khóc than giãy giụa, còn các Thiền sư
chết thì cười.
Vậy chết nhất định là khổ chăng? Không
hẳn thế. Người nào nhận chân được lẽ thật, thấy được chân lý rồi thì không khổ.
Người nghĩ thân nầy là mình, mất rồi không còn nữa thì người đó sẽ khổ. Thân
nầy giả dối, tạm bợ, đủ duyên nó tụ, hết duyên nó tan, còn cái chân thật của
mình không tan không mất bao giờ. Nên khi thân sắp tan, nhìn nó cười thôi,
không có gì sợ hết.
Phật nói Khổ đế là căn cứ trên người mê
lầm. Nếu chúng ta khéo tu, vượt qua không còn chấp thân nữa thì không còn khổ.
Cho nên người tu là người không khổ. Nhưng bây giờ người tu còn khổ hay hết
khổ? Chắc là còn khổ. Sao dở vậy? Tu là để giải khổ hết khổ, mà mình tu lại
khổ. Tại sao? Tại tu mà chưa lãnh hội được nguồn cội của Phật dạy cho nên thấy
khổ.
Người hiểu thấu đạo lý rồi, mỗi ngày tu
là mỗi ngày vui. Đi đâu cũng cười hoài vì được tu là chuyện hy hữu. Ở thế gian
bao nhiêu thứ trói buộc. Thảnh thơi tự tại quá, mà khổ là sao? Khổ là tại vì
thấy người nầy được thầy thương, còn mình không được thương nên buồn giận sanh
khổ. Thấy người kia được Phật tử cúng dường, còn mình không ai cúng hết nên
khổ. Khổ nầy là do bỉ thử nhân ngã mà sanh.
Chúng ta nhớ người xuất gia là hành hạnh
siêu thoát, kẻ trần tục không làm được. Phật tử ham tu, nhưng vẫn còn bị gia
đình trói buộc, không tự do. Nhìn lại quí thầy quí cô thảnh thơi quá, họ khen
thầy cô thật là phước lớn. Được khen mà quí vị lại than khổ. Người ta mơ ước
như mình, mà mình được rồi lại khổ là chuyện vô lý quá.
Là người tu, chúng ta phải biết lý do gì
mình đi tu. Tu để tiến tới đâu, cầu cái gì? Thấy cho rõ như vậy thì sự tu hành
mới tới nơi tới chốn, mới giải thoát sanh tử được. Nếu cứ nhìn theo tâm phàm
tục thương ghét v.v… thì quí vị sẽ khổ hoài, không bao giờ hết khổ. Như vậy Khổ
đế là do chúng ta chưa thấy được như thật. Đó là tôi nói căn bản vô minh để quí
vị nắm đại khái.
Kế đến tôi nói về chi mạt vô minh.
Tất cả chúng ta đã bị vô minh thúc đẩy
tạo thành hành nghiệp dẫn đi trong sanh tử nhiều đời. Bây giờ đã có thân thì
đối với cái vô minh ban đầu không thể dẹp vì nó thuộc về quá khứ. Cho nên dẹp
là dẹp chi mạt vô minh, tức cái ngọn ngành trong hiện đời. Vậy ngọn ngành của
vô minh là gì? Là ái, thủ.
Ái là ái cái gì? Thường trong nhà Phật
nói ái là nặng nhất, nguy hiểm nhất là ái ngã. Ái ngã tức là thương mình,
thương mình là số một. Trong truyện xưa, vua Ba Tư Nặc hỏi Mạc Lợi phu nhân:
“Trên thế gian nầy ái khanh thương ai nhiều nhất?”. Vua nghĩ hỏi vậy phi sẽ trả
lời: “Thương bệ hạ nhiều nhất”. Nhưng ngược lại bà nói: “Thiếp thương mình
nhiều nhất”. Vua thất vọng hỏi: “Tại sao ái khanh thương mình nhiều nhất?”. Bà
giải thích: “Vì thương mình nhiều nhất nên thiếp mới quí trọng bệ hạ, bởi bệ hạ
làm cho thiếp được sung sướng, giàu sang”. Vua nghe có lý nên gật đầu khen phải.
Rõ ràng như bà phi đã nói, bà thương vua
là vì bà, chớ không phải vì vua. Quí vị ở đây có ai thương người khác nhiều hơn
thương mình không? Chắc là không. Ví dụ mình bệnh, có huynh đệ chăm sóc chu
đáo. Mình thấy huynh đệ đó tốt nên thương. Do người đó săn sóc mình trong lúc
bệnh nên mình mới thương, chớ đâu phải bỗng dưng mà thương. Vậy thương người đó
là qua mình, chớ đâu phải tự người đó được thương.
Xét kỷ tất cả cái thương người khác đều
là qua mình hết, không bao giờ người ta chửi mình mà mình thương họ. Dầu người
đó tu hay cũng mặc, hễ họ mắng nhiếc mình thì mình vẫn không thương họ như
thường. Vậy thương mọi người đều qua cái ngã của mình. Cho nên nói ái ngã là số
một. Bởi thương mình nhiều nên thân nầy sắp hoại mình khổ, khổ vì sợ mất nó. Do
đó khi nó hoại rồi, mình hoảng tìm thân khác để tựa vào, vô minh sanh hành là
như thế.
Từ vô minh chi mạt là ái ngã, nên tìm
thân khác để tựa vô rồi sanh ra ngã kế tiếp, vì vậy nó dẫn mình đi trong sanh
tử. Do ái ngã mà sanh tử nối tiếp không cùng. Dẹp được ái ngã, thì vòng sanh tử
đời sau không còn. Nếu dẹp không được thì khó mà đi trên đường giải thoát. Tuy
nhiên dẹp ái ngã là chuyện rất cay đắng. Mặc dù nó không ra gì nhưng dẹp nó rất
khó, bởi ai cũng thương mình hết. Thương mà muốn dẹp thì làm sao dẹp được? Phải
không thương mới có thể dẹp chứ. Do đó Phật dạy phương pháp để chúng ta không
thương ngã nữa.
Phật dạy thân nầy vô ngã, tức không có
cái ta thật. Nếu biết thân nầy không có cái ta thật thì bớt thương nó. Còn thấy
thân nầy là ta thì nhất định phải thương, không nghi ngờ. Vì vậy, Phật dạy phải
quán các pháp vô ngã. Các pháp vô ngã thì thân nầy cũng vô ngã. Không có cái
thật ta thì thương cái gì. Nhờ thế phá trừ được ngã chấp.
Do ái ngã nên tất cả vật chung quanh ngã,
mình cũng ái theo. Ái ngã nên cũng ái luôn sở hữu của ngã. Mình thương mình nên
mới thích đồ ăn ngon, nếu không thương mình thì ăn cái gì cũng được. Thương
mình nên mới thích mặc đồ đẹp. Tóm lại, tất cả những gì đáp ứng cho ngã sử dụng
được tốt, được vừa ý thì mình thương hết. Cho nên nói ái ngã thì ái pháp.
Nếu không ái ngã thì có ái pháp không? Ví
dụ mình coi mình không ra gì, khi thấy người ta có món ăn ngon mình đâu cầu
xin. Còn thấy thân nầy quí, nên người ta có món ăn ngon mình cũng thèm, thèm
thì muốn xin. Vì quí ngã nên phải tìm những vật dụng bổ túc cho ngã được sung
mãn. Cho nên thương mình thì sẽ thương tất cả sự vật chung quanh mình, đó gọi
là ái ngã và ái pháp. Đây chính là nhân để đi trong sanh tử luân hồi. Phật dạy
muốn dứt sanh tử phải phá trừ ngã. Ngã hết thì sanh tử theo đó mà dứt. Ngã còn
thì sanh tử không bao giờ hết được. Đó là một lẽ thật.
Tôi nói qua về vô minh căn bản và vô minh
chi mạt rồi.
Từ vô minh ban đầu đưa đẩy chúng ta đi
vào vòng sanh tử. Đã đi trong sanh tử rồi thì phải chịu đau khổ. Vì vậy chúng
ta tu là làm sao biết rõ gốc vô minh, để chuyển từ mê lầm sanh tử trở về giải
thoát an lạc, đó là mình.
Trong kinh Pháp Hoa có nói: chàng công tử
bỏ cha mẹ đi lang thang, đi mãi. Càng đi thì càng khổ sở, càng nghèo túng. Đến
lúc anh ta cảm thấy xa cha mẹ khổ quá muốn quay đầu trở về. Trở về là được cha
trao cho gia tài rồi thì trở thành ông trưởng giả giàu có, sang trọng.
Như vậy, do đâu mà chàng công tử bỏ cha
mẹ ra đi? Do niệm sai lầm ban đầu tức là vô minh. Từ niệm sai lầm ban đầu dẫn
chúng ta đi trong đau khổ không cùng. Khi biết lang thang lăn lộn là khổ,
muốn trở về tìm cha cho bớt khổ. Xoay trở về tìm cha là hơi minh một chút rồi
đó. Bỏ cha mẹ ra đi là là vô minh. Khi thức tỉnh, giật mình xoay về trở về tìm
cha là minh.
Vậy minh là nhân của mình đến chỗ hết khổ
đau, vô minh là nhân dẫn mình đi đến khổ đau. Người tu phải tiêu diệt vô minh
để trở về với minh. Vô minh sạch rồi thì đau khổ theo đó hết, vô minh càng
nhiều thì đau khổ càng đậm. Nên chúng ta phải thức tỉnh, phải trở về được với
cái minh.
Muốn trở về với cái minh mình phải làm
sao? Ngày trước chàng cùng tử bỏ cha đi càng xa càng khổ, bây giờ trở về gặp
cha thì càng về gần càng ít khổ. Tới chừng gặp được cha rồi, được trao gia tài
thì hoàn toàn hết khổ. Chúng ta do vô minh lôi dẫn, đưa đẩy đi trong sanh tử
triền miên, không có ngày cùng. Cho nên khi thức tỉnh được trở về, là đi trên
con đường minh, con đường ánh sáng rồi đó. Ni chúng đang tu hành như vậy là
đang từ bỏ vô minh để hướng về minh. Biết trở về và trở về đến nơi đến chốn thì
quí vị hết khổ. Đó là điều hết sức rõ ràng.
Nếu chúng ta mê thì cứ thả trôi muôn đời
muôn kiếp trong sanh tử. Một khi tỉnh tìm về đường giải thoát rồi thì hết mê.
Tôi dẫn lời Đức Phật dạy về vô minh trong kinh Viên Giác: “Cái gì là vô minh? Thấy thân tứ
đại là thật, tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, đó là vô minh”.
Thân là do tứ đại hợp mà thấy là mình thật, tâm duyên theo bóng dáng sáu trần
mà cho là tâm mình thật. Hai thứ chấp đó là vô minh.
Bây giờ muốn minh thì phải làm sao? Phải
xả. Xả thế nào? Chẳng lẽ tự tử. Không phải vậy. Biết như thế rồi, ta quán chiếu
thấy rõ thân tâm nầy không thật, nên không đắm luyến, không sợ mất nó. Như vậy
là minh.
Người mê với người thức tỉnh khác nhau
chỗ nào? Ví dụ trong nhà có đèn sáng, bên ngoài trời tối. Nếu mở cửa thì ánh
đèn chiếu sáng ra ngoài. Một người đứng ở cửa nhìn ra ngoài thấy tối, nhìn
ngược vô trong thấy sáng. Nếu nhìn ra ngoài rồi cứ phóng đi mãi thì càng đi
càng tối. Tối mãi cho đến chừng nào thấy sợ thì quay trở lại ánh sáng. Càng về
gần thì càng sáng nhiều, đến khi bước vô cửa nhìn thấy trong nhà đèn sáng
choang. Cũng vậy, ai thả trôi thân mình, tâm mình theo dòng sanh tử thì cứ chìm
đắm mãi không cùng. Ai biết xoay trở lại tìm về ánh sáng ban đầu sẽ được sáng.
Người đứng ở cửa nhìn ra thì tối, xoay vô
thì sáng, vậy tối sáng cách nhau bao xa? Chỉ biết xoay đầu. Xoay đầu lại thì
sáng, nhìn ra thì tối. Người xưa thường nói: “hồi đầu thị ngạn”, tức xoay đầu
lại là bờ giác, nhìn ra ngoài là bến mê. Mê và giác chỉ là một cái xoay đầu.
Thả trôi theo dòng tối thì tối mãi, biết xoay ngược trở lại tìm về ánh sáng thì
sẽ được sáng. Tất cả chúng ta tu là phải làm sao chính mình thức tỉnh, chính
mình giác ngộ. Thức tỉnh, giác ngộ là không còn mê mà trở về giác.
Chúng ta cạo tóc vào chùa tu là đã thức
tỉnh, bỏ lối mê quay về con đường sáng. Đã về đường sáng thì còn muốn quay lại
lối mê nữa không? Chắc không bao giờ dám quay lại. Mà phải cắm đầu đi thẳng cho
đến bao giờ về đến nơi, thấy và sống trong ngôi nhà sáng sủa ấy mới yên lòng.
Đó là mục đích của người tu.
Muốn trở về con đường sáng phải làm sao?
Tôi nói lại Phật dạy: “Chấp thân năm uẩn nầy là ta, đó là vô minh.
Chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là tâm, đó là vô minh”. Do
đó, muốn trở về con đường sáng, chúng ta phải phá hai thứ chấp nầy. Phá chấp
bằng cách tu theo Bát nhã. Bát nhã là trí tuệ, trí tuệ là sáng.
Bát nhã chia làm ba phần: Văn tự Bát nhã,
Quán chiếu Bát nhã và Thật tướng Bát nhã. Ví dụ người muốn qua sông nên phải
xuống thuyền. Mục đích xuống thuyền là để qua sông. Nhưng xuống thuyền rồi cứ
ngồi ỳ trên đó hoài, không chèo không bơi thì chừng nào qua tới bờ bên kia?
Xuống thuyền rồi kế đó phải chèo, phải cầm dầm bơi thì mới đưa thuyền đến bờ
bên kia được. Chiếc thuyền dụ cho Văn tự Bát nhã, chèo dầm dụ cho Quán chiếu
Bát nhã, đến bờ bên kia là Thật tướng Bát nhã, tức là cái thế chân thật. Ngồi
trên thuyền không cựa quậy chắc tới thuyền mục qua cũng không được, đó là điều
hết sức rõ.
Nếu quí vị chỉ tụng kinh chứ không quán
chiếu gì hết, chỉ là Văn tự Bát nhã. Trong Bát nhã chỉ nơi câu nầy mà khéo tu
thì sẽ hết khổ: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu
kiến ngũ uản giai không, độ nhứt thiết khổ ách”. Chúng ta học thuộc làu mà chưa
bao giờ chiếu kiến, chưa chiếu kiến làm sao hết khổ ách, nên tu mà không hết
khổ. Muốn hết khổ phải chiếu kiến năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành
uẩn, thức uẩn. Năm uẩn có hai phần: phần vật chất là sắc; phần tâm thọ,
tưởng, hành, thức.
Thân do tứ đại hòa hợp không có tánh
thật, đó là chiếu kiến sắc uẩn giai không. Sắc uẩn nầy không thật tánh nên nói
nó là không. Không nhưng do duyên hợp giả có. Cái gì giả thì không quí, thật
mới quí. Soi thấy thân tứ đại nầy tánh không, duyên hợp giả có nên không phải
quí.
Thọ uẩn, thọ là những cảm giác nhận được.
Nếu ở lưỡi thì thọ vị, thức ăn ngon dở hay không ngon không dở. Thọ có là do
thức ăn để vào lưỡi. Lưỡi là căn, thức ăn là trần. Căn trần gặp nhau mới sanh
cảm giác ngon, dở, không ngon không dở. Vậy cảm giác ngon dở không thật.
Vì trước khi đưa thức ăn vào lưỡi, ta có cảm giác gì đâu. Nhờ có thức ăn, nhờ
có lưỡi nên ta mới có cảm giác nên cho rằng có ngon dở, nên cảm giác ngon dở ấy
không thật. Vậy mà chúng ta ăn món gì cho là ngon thì khen, dở thì chê, rõ ràng
chúng ta lầm thọ uẩn là thật. Nếu dùng trí tuệ nhận thấy thọ uẩn do căn trần
hợp lại nên có cảm giác. Cảm giác ngon dở nuốt qua liền hết, đâu phải là thật.
Nên quán thọ không thật, nó chỉ là giả tưởng.
Tưởng uẩn là tưởng chuyện đã qua hay chưa
tới. Do nghĩ chuyện quá khứ, chuyện vị lai rồi tưởng tượng nên hình ảnh dấy
khởi. Quá khứ đã qua là đã mất, vị lai chưa đến là không có. Quá khứ đã qua là
không, vị lai chưa đến cũng là không, mà tưởng tượng có thật. Nên chiếu kiến
tưởng uẩn tánh không, duyên hợp giả có, chỉ bóng chớ có thật đâu. Hiểu như vậy
mới biết tưởng uẩn không thật.
Hành uẩn là nghĩ suy của mình. Ví dụ
trước khi đi chợ, quí vị tính ra chợ mua hành, mua hẹ, mua rau cải gì đó… tính
rồi đến chợ mới mua. Vậy suy tính nghĩ cái nầy tới cái kia, giống như từng bước
từng bước đi của mình, không có thật. Hành uẩn là những suy tư, nghĩ tính của
mình. Sự suy tư, nghĩ tính đó khi gặp duyên thì nó phát ra, hết duyên nó mất.
Như vậy hành uẩn sinh diệt như dòng nước chảy không thật. Đó là quán hành uẩn.
Thức uẩn là phân biệt như phân biệt đẹp
xấu, trắng đen v.v… thức uẩn tự nó phân biệt hay phải có duyên tác hợp mới phân
biệt? Trong là mắt, ngoài là sắc trần, sắc trần tiếp xúc với nhãn căn sinh ra
nhãn thức phân biệt. Nhĩ thức, thiệt thức v.v… cũng đều như vậy. Nên thức tự nó
không có mà phải do căn, trần tiếp xúc mới có nên nó cũng không thật.
Rõ ràng thọ, tưởng, hành thức là tâm
không thật. Sắc do tứ đại hợp cũng không thật. Thấy rõ thân không thật, tâm
không thật như trong kinh Viên Giác nói: “Nếu chấp thân thật, tâm thật là vô
minh. Nếu thấy thân không thật, tâm không thật thì hết vô minh. Vô minh hết nên
trong kinh nói: “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa
là soi thấy năm uẩn đều không liền qua hết tất cả khổ nạn.
Chúng ta tu mà không chiếu kiến nên tuy
tu nhưng vẫn còn khổ nạn. Đọc thuộc lòng Bát Nhã mỗi đêm mà khổ không hết. Bây
giờ chúng ta phải khéo dùng trí tuệ chiếu soi năm uẩn không thật, thấy rõ tường
tận như vậy thì phá được vô minh, liền thoát khỏi sanh tử. Không biết phá vô
minh thì minh không bao giờ có. Tụng Bát Nhã là học trí tuệ mà tự mình không có
trí tuệ thì chừng nào ra khỏi sanh tử? Đó là điều chúng ta cần phải biết
cho thật rõ.
Người tu phải làm sao soi sáng được chính
mình chớ không phải chỉ đọc suông lời của Phật được. Nếu thấy thân năm uẩn là
thật thì mê, nếu thấy thân năm uẩn do duyên hợp hư giả là tỉnh. Giả sử có ai
chửi, chúng ta thấy lời chửi của họ cũng không thật nên nhịn được. Thân hư giả
mà người chấp cho là quí thì mình thương, chớ không giận. Vì vậy Phật thương
chúng sanh, thương là thương cái gì? Thương chúng sanh ngu si, cái không thật
tưởng là thật, cái không quí tưởng là quí. Cứ như vậy mà trôi mãi trong luân
hồi sanh tử.
Khi nào chúng ta tu thấy rõ thân năm uẩn
không thật thì qua hết khổ ách. Qua rồi nhìn lại thấy ai còn trong khổ ách mình
thương. Thương thì tất nhiên phải độ họ. Lúc đó tình thương khác với thương vì
mình hay thương của cái ngã. Thương ái ngã là thương có điều kiện. Khi nào
người khác giúp mình, mình mới thương vì thấy thân mình thật. Nếu tỉnh giác
rồi, thấy ai mê mình thương đó là lòng thương của từ bi. Từ bi là thương bình
đẳng, không có điều kiện.
Nên biết ái ngã làm cho chúng ta có nhiều
xấu dở. Thứ nhứt, vì ái ngã nên ai giúp cho ngã thì thương. Thứ hai, vì ái ngã
nên ai chọc phá ngã thì giận ghét. Thứ ba, vì ái ngã mà cứ nối tiếp luân hồi,
mất thân nầy chụp thân kia, không có ngày cùng. Nếu chiếu kiến năm uẩn không
thật, biết rõ không lầm không mê. Lúc nào cũng thấy thân nầy không thật, hư dối
thì tất cả những gì đến với mình, mình đều không khổ, chết không khổ. Bởi cái
hư giả hoại đi đâu có gì tiếc. Còn thấy thân thật thì tất cả khổ theo đó mà còn.
Như vậy tu theo Bát Nhã là chấp không
chăng? Ví dụ cái đồng hồ là thật có hay thật không? Thật không thì sao nó có ở
đây, nên nói thật không không được. Nếu nói thật có thì khi mở từng phần ra,
tìm cái đồng hồ không được. Chỉ khi nào duyên hợp thì tạm có, duyên hết hoàn
không. Nên nói bản tánh của đồng hồ là không. Nếu đồng hồ có sẳn thì đâu cần
đợi duyên hợp. Vì đồng hồ không có sẳn nên nói tánh không. Chữ không là tánh
không.
Tôi ví dụ như chỗ nầy có cái khay là có,
chỗ không có khay gọi là trống rỗng. Chỗ nầy không, chỗ kia có là do mắt thấy.
Mắt thấy có không, đó là có không đối đãi. Còn đồng hồ đang có mà nói tánh
không, thì biết rõ tánh nó là không, đó là thấy bằng trí tuệ. Tánh không là
ngay trong có mà thấy không, chớ không phải đợi không mới thấy không. Vì vậy
kinh Bát Nhã nói: “ Sắc tức thị không”. Từ không do duyên hợp mới có là: “
Không tức thị sắc”. Hiểu như vậy mới hiều Bát Nhã. Nói không mà không phải thật
không, chỉ là không “thể tánh”, chớ giả tướng vẫn có. Nói có nhưng là giả tướng
nên chẳng phải thật có.
Thân nầy tánh không hay tánh hữu? Tánh
không mà có là vì duyên hợp giả có. Người thấy rõ ràng như vậy tức là có trí
tuệ Bát Nhã, có trí tuệ Bát Nhã là hết khổ. Vậy tu rất dễ, không tốn công bao
nhiêu, cũng không phải trèo núi qua sông, lặn lội vô rừng tìm mới có, mà ngay
nơi thân nầy dùng trí tuệ chiếu soi năm uẩn không thật thì qua hết khổ nạn. Qua
hết khổ nạn là giải thoát sanh tử.
Cho nên tụng Bát Nhã là để quán chiếu, để
thấy rõ thân nầy từ thể xác đến tinh thần là duyên hợp hư giả không thật. Hiểu
không thật rồi, chúng ta mới xem thường, không quí trọng thân nữa. Do không quí
trọng thân nên hết ái ngã. Hết ái ngã nên mới dứt được luân hồi sanh tử. Như
vậy người muốn tiến tới giải thoát sanh tử phải thấy rõ năm uẩn đều không.
Thấy được tánh không thì không còn đối
đãi. Không đối đãi mới là nghĩa trung đạo, là chân lý. Còn không đối với có là
thấy một bên, gọi là biên kiến. Vì vậy nhiều người tu không biết, nên nói tụng
Bát Nhã, Kim Cang là chấp không, đó là sai lầm. Chúng ta tu hành phải sáng
suốt, nhận cho kỹ, thấy được sự vật , biết tánh của nó là không, duyên hợp hư
giả tạm có thôi. Thấy như vậy là người trí tuệ, trí tuệ là sáng suốt. Ngược
lại, không thật mà tưởng thật là si mê, si mê là vô minh.
Muốn phá vô minh phải dùng minh. Trong
kinh nói: “Căn nhà tối cả ngàn năm, muốn hết tối thì phải thắp đèn lên. Nhà dù
tối ngàn năm mà thắp đèn lên thì sáng liền”. Cũng vậy, chúng ta mê vô lượng
kiếp rồi, nhưng bây giờ tỉnh thì ngay đó là giác, là hết vô minh. Nhà Phật cũng
thường nói câu “hồi đầu thị ngạn”, tức xoay đầu lại là bờ giác chớ không
đâu xa. Vì vậy, mê thì dẫn đi trong luân hồi sanh tử, giác thì trở lại bờ Niết
Bàn.
Tu là hồi đầu, xoay đầu lại. Từ lâu chúng
ta mê nên đi trong đau khổ tử sanh, khi tỉnh chúng ta trở lại thì hết đau khổ.
Nên tu là giải khổ cho mình, cứu khổ cho chúng sanh. Nếu mình còn khổ thì làm
sao cứu khổ cho người được. Nếu hiểu tu là chỉ lo cứu khổ cho chúng sanh nên ai
mời làm gì, rước đi đâu cũng nghe theo, đó là họa. Ví dụ cầu an là cứu khổ cho
người sống, cầu siêu là cứu khổ cho người chết v.v… nhưng mình chưa hết khổ thì
làm sao cứu họ hết khổ được. Muốn cứu khổ cho người, trước phải giải khổ cho
mình. Mình hết khổ rồi mới cứu khổ cho người được.
Nhiều Phật tử có chuyện buồn, nhờ thầy an
ủi khuyên lơn cho bớt buồn bớt khổ. Rồi mai chiều thầy có chuyện buồn, Phật tử
thấy thương an ủi lại. Như vậy chỉ là an ủi lẫn cho nhau chớ không ai hết khổ
cả. Cho nên, chúng ta tu là phải giải khổ cho mình, giải khổ cho mình rồi mới
cứu khổ cho người. Còn chưa tự giải khổ được, mà đi cứu khổ cho người là chuyện
không có thật.
Phản chiếu lại để thấy năm uẩn đều không,
gọi là “phản quang tự kỷ”, nghĩa là soi sáng lại chính mình. Soi sáng để thấy
rõ mình, nên không lầm không chấp. Khi đã sáng rồi, mới chỉ lại cho người khác
không lầm không chấp. Ngồi soi sáng lại chính mình là ngồi thiền. Như vậy, nói
thiền quán là ngồi lại để soi sáng chính mình, thấy rõ mình thực hay giả, thấy
rõ mình thanh tịnh hay ô uế v.v… thấy rõ mình như vậy thì mình mới không lầm,
không lầm mình thì mình mới chỉ cho người khác tu không lầm. Nếu mình không
chiếu soi mình, không biết rõ mình thì dạy người là dạy cái gì. Cho nên nhà Phật
nói phải luôn quán chiếu, phải soi sáng chính mình hay phản quan tự kỷ. Đó là
hướng tu trong nhà Phật thường chỉ dạy.
Cho nên Tăng Ni ở các thiền viện mỗi đêm
phải ngồi thiền để quán chiếu lại mình. Thấy rõ từng tâm niệm của mình không
thật, mới dẹp được nó. Còn tưởng nó là đúng, là thật thì không bao giờ dẹp phá
được. Không dẹp phá được nó thì phải chịu đi trong luân hồi sanh tử thôi. Như
vậy minh là trí tuệ, vô minh là si mê. Trí tuệ là sáng, si mê là tối. Có trí
tuệ thì hết si mê. Nhà tối chỉ thắp đèn mới trừ được tối. Chúng ta vì vô minh
nên phải sanh tử, muốn hết sanh tử phải phá vô minh. Phá vô minh thì phải dùng
trí tuệ.
Khi đã nắm vững đường lối, phương pháp
tu, chúng ta phải cố gắng tu. Tu cho được giải thoát để cứu độ chúng sanh, đó
là bản nguyện của tất cả người xuất gia theo Phật vậy.
***
Hòa thượng. THÍCH THANH TỪ
Cảm ơn cư sỹ Cong ở diễn đàn Học thuật phương Đông.