Tính cớ và cũng lâu lắm rồi lại được
tiếp xúc với bài hát Chênh vênh của Lê Cát Trọng Lý; nhạc thì chắc tìm trên
mạng sẽ thấy, còn đây là mình giới thiệu phần lời:
Thương em anh trèo non cao
Mua mưa thâu mây - tan mệnh bạc.
Thương anh em lội sông sâu
Trôi hương, trôi hoa - tan phận ngọc.
Còn chần chừ chi? Hỡi anh!
Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh.
Ừ, tình là điên – khát - say.
Hôn em, ôm em sao nát chênh vênh?
Thương em - thương tình đa mang
Yêu trăng 30, quên mình.
Thương tôi thương phận long đong
Yêu tan mong manh, tan nhật - nguyệt
Thương tâm!
Lúc này và ở đây mình coi lời bài hát là một bài thơ hoàn chỉnh và muốn
viết vài cảm nghĩ về bài thơ này. Cũng xin nói rõ với mọi người rằng, những
phân tích dưới đây không hề liên quan đến ý đồ sáng tác của tác giả hoặc cá
nhân tác giả - người mà tôi ngưỡng mộ, mà chỉ là những cảm nghĩ chủ quan về một
bài thơ qua lời bài hát Chênh vênh của nhạc sỹ Lê Cát Trọng Lý.
Với Lê Cát Trong Lý, một nhạc sỹ - ca sỹ trẻ thì mình đã coi là thần
tượng từ lâu lắm rồi và cũng từ bài Chênh vênh này. Có lẽ đây là bài hát khẳng
định tên tên tuổi và tài năng của Lý.
Trước đây, mình hiểu bài hát này như là nỗi niềm của những đôi lứa trắc
trở nên vô cùng mãnh liệt khi được đến với nhau. Bài hát làm mình liên tưởng
đến nhân vật Carmen của nhà văn Prosper
Mérimée, một phụ nữ Gypsy xinh đẹp với tính khí bốc lửa.
Nhưng rồi, qua thời gian mình thấy lời thơ là lời nhắn gửi, sự khẳng
định, những tâm sự gửi gắm đến tình nhân và cũng là lời bao biện của người phụ
nữ ngoại tình.
Lời thơ thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt, khiêu khích, tha thiết và đắm
đuối. Đó là ngôn từ của Thị Mầu thế kỉ XXI, là cái thế kỉ mà, có lẽ, sự lẳng
lơ, táo bạo trong việc thể hiện tình yêu của người phụ nữ Việt không còn bị
phán xét bởi góc nhìn đạo lí hà khắc hoặc như là cho mình có quyền đó. Hơn thế,
một khi thừa nhận rằng “tình là điên – khát – say” thì cái áo nữ nhi thường
tình phỏng có ý nghĩa gì trước những trạng thái bất khả kháng do một tình yêu
mãnh liệt, si mê mù quáng đến điên gây ra ?
Người đàn bà khi yêu thường xem tình yêu là tất cả, họ coi đó là hơi
thở, là nguồn sống, là chỗ dựa duy nhất của họ vào cuộc sống vì thế khi yêu họ
mù quáng đến mức quên mất đâu là sai là đúng nên “Điên – khát – say”. Họ "lội sông sâu" nên nghĩ rằng hoặc
khẳng định là tình nhân của mình "trèo non cao" để đến với mình
“Điên – khát – say” như là chân vạc để “em”, nhờ một tình yêu, muốn vượt
thoát khỏi chênh vênh. Hai động từ “hôn” và “ôm” đặt đầu câu và đặt trước tính
từ được động từ hóa “nát” khiến cái ước nguyện đó, dường như bất thành dù vô
cùng tha thiết.
“Sao nát chênh vênh ?”, với ngữ điệu hỏi tu từ, rõ ràng, là một lời
khẳng định. Nó khởi sự cho những cảm xúc buồn. Cảm xúc này nếu có còn may thì
cũng là đâu đó trong sâu thẳm của trái tim đã thấy nhen nhóm cái sự không bền
vững của cuộc tình và có chút gì đó thoảng qua rất nhẹ của trách nhiệm với
người chồng.
Trong nội cảm của người phụ nữ ở xã hội hiện đại, vẫn còn nguyên khối sự
mềm yếu, đa cảm, cả tin và… phi logic. Chính bởi thế, đôi khi, thương mình chưa
đủ, người phụ nữ thương cả lòng mình nữa: thương tâm! Đó là lối tự hát, tự ru,
tự kể chuyện của người phụ nữ. Cái chung nhất của các hình thức ấy vẫn là buồn.
Chênh vênh, tự nó, gây nên hình dung về
tư thế. Một tư thế không vững chãi. Nhưng ở đây, Chênh vênh lại là một phát
hiện về tâm thế. Một tâm thế không điểm tựa do cái mà đạo đức và trách nhiệm bị
phủ nhận đến mù quáng, nên cố phải là: Yêu tan mong manh, tan nhật - nguyệt.
Không điểm tựa, dù đó là điểm tựa vay
mượn hay tự lập lên, thì vẫn đầy bất an, hoảng loạn. Vì thế rất chênh vênh...
để rồi thương tâm.
(sẽ
tiếp khi lại có cảm hứng vậy).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét