1. Lịch sử phát triển của con người thời tiền sử chia làm ba
thời kỳ: thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt. Thời đại đồ sắt
là thời kỳ cuối cùng trong hệ thống ba thời đại để kết thúc thời tiền sử.
Thời kỳ đồ
đá diễn ra vào thời con người vẫn còn là vượn người, chưa phát triển hoàn
thiện; lúc đó con người sử dụng đá để làm công cụ cắt, gọt, đào bới, săn bắt
thú; cùng lúc những công cụ lao động bằng xương thú, cành cây, vỏ sò đã ngày
càng không phổ biến bằng công cụ bằng đá. Việc tìm ra lửa bằng cách cọ hai hòn
đá vào nhau được xem là phát minh quan trọng nhất của con người trong thời đại
này.
Lửa đã làm
thay đổi to lớn trong đời sống con người vốn mang “tính thú” trước đó; lửa là
sự chuyển tiếp quan trọng từ giai đoạn mông muội sang giai đoạn văn minh với
một ý nghĩa rất lớn như: nấu chín thức ăn, sưởi ấm khi trời lạnh, soi đường
trong đêm tối, xua thú dữ, phát rừng làm rẫy,…- một biểu tượng vĩ đại và quyền
uy tối thượng.
Con người
nguyên thủy tiếp xúc với lửa nhưng chỉ dựa vào cảm giác chứ chưa có một căn cứ
khoa học cụ thể nào. Họ chỉ có thể tin rằng nó huyền bí chứ không thể giải
thích nó. Họ đã thần bí hóa nó, điều này làm giảm tư duy lý tính của con người,
cũng chính vì vậy mà lửa là một biểu tượng rất thiêng, một sức mạnh vô biên.
Con người nguyên
thủy không thể giải thích được lý do vì sao có sấm sét, có cháy rừng… khi những
sự việc đó làm ảnh hưởng (xấu hoặc tốt) đến cuộc sống của họ. Họ tin rằng trong
lửa mang một sức mạnh thần thánh, từ đó họ đâm ra tôn sùng và thờ phụng nó.
Khái niệm thần lửa có lẽ cũng từ đó mà ra đời. Khi con người mang theo lửa bên
mình, họ tin rằng mình sẽ được bảo vệ, sẽ được bình an. Ví như lúc trong rừng
sâu chẳng hạn, lửa có thể xua thú dữ. Họ cũng tin rằng lửa có thể xua
đuổi tà ma, làm cho chúng không dám đến gần họ.
Người Tây
Nguyên không thể không có lửa về đêm; chỉ cần thiếu lửa ít lâu, là họ sẽ ngã
bệnh. Nếu, do ngủ say họ để lửa tắt, thì bị cái lạnh của buổi bình minh đánh
thức, họ sẽ trở dậy ngay để thổi cho than bùng lên hay đi xin lửa ở nhà sàn bên
cạnh.
Khi đi làm
việc, họ mang theo mẩu củi cháy dở của mình: trong kỳ dọn rẫy, họ dùng nó để
đốt cháy đám cây đã đốn ngã (trong loại đất trồng lúa này, việc dọn đất chủ yếu
là bằng lửa), ngày nào cũng vậy, họ dùng lửa để đốt ống điếu của mình. Họ yêu
và sợ lửa. Đấy là phương tiện duy nhất của họ để sưởi ấm và chiếu sáng và là
công cụ chính để trồng trọt. Nhưng họ sợ sức mạnh quá lớn của kẻ đầy tớ nồng
nhiệt này và cố làm chủ nó. Dầu tất cả các vật liệu trong nhà sàn đều hết sức
dễ bắt lửa, nhưng ít khi thấy xảy ra nạn cháy vì sơ ý. Khi cần đốt rừng, ngay
cả bọn trẻ con cũng có bản năng ngăn lửa và thực hiện việc đó rất hiệu quả[1].
2. Nối tiếp thời đại đồ đá là thời đại đồ đồng. Phát hiện ra
đồng là một bước tiến mới trong sự phát triển của con người bởi họ đã bắt đầu
bước vào thời đại của kim khí. Đồng có lịch sử sử dụng ít nhất 10.000 năm
trước.
Ở thời kỳ
này, hình thái kinh tế xã hội nguyên thủy bắt đầu tan rã (thật ra nó đã bắt đầu
tan rã từ cuối thời đại đá mới và tiếp tục tan rã khi giai đoạn đồng thau phát
triển). Người ta đúc đồng trong các bể đúc bằng đá, những vật dụng, vũ khí bằng
đồng được con người ngày nay phát hiện gồm dao găm đồng, mũi tên đồng, lưỡi cày
đồng…
Đồng với
tính chất mềm dẻo, dễ dát mỏng, dễ uốn nên không thể sử dụng nhiều cho cuộc
sống nông nghiệp. Ngày nay chúng ta thường thấy đồng được sử dụng để làm vật
dụng truyền tải điện, que hàn, thành phần của hợp kim…Nhiều dẫn chứng cho thấy
rằng đồng xuất hiện chỉ là một thành tựu trong quá trình khai phá của con người
chứ chưa thể gọi là sự đột biến trong quá trình lao động sản xuất và làm thay
đổi kinh tế, xã hội.
Kế đến là
thời kỳ đồ sắt. Loài người biết đến sắt rất sớm, quặng sắt phân bố rộng rãi
khắp mọi nơi trên quả đất nhưng loài người phát hiện được tính chất rẻ và thông
dụng của sắt chậm hơn đồng có đến 3000 năm.
3. Phát hiện ra nghề luyện sắt là một phát minh lớn, một kỳ
công rực rỡ, một thành tựu vĩ đại của loài người nói chung và của các dân tộc
Việt Nam nói riêng trong đó có các dân tộc ít người ở Trường Sơn-Tây Nguyên.
Quặng sắt ở
khắp mọi nơi, trữ lượng lại nhiều, nhưng sắt không hề xuất hiện dưới dạng
nguyên chất mà là một kim loại ẩn. Riêng ở một số khu vực trong tiểu vùng Bắc
Tây Nguyên, quặng sắt lại ở dạng lộ thiên (ví dụ địa bàn cư trú của nhóm Xơ
Đăng Tơ-Đrăh thuộc hai huyện Kon Rẫy và Đăk Hà tỉnh Kon Tum).
Trong thiên
nhiên, sắt luôn hòa hợp với ôxy, thường ở dưới dạng xù xì, xấu xí, màu nâu xám,
ít được chú ý đến. Mặt khác, sắt là một kim loại khó nấu chảy. Đồng nóng chảy ở
khoảng 1084oC, đồng thau khoảng 700-900oC, nhưng với độ nóng chảy ở 1530oC của sắt, nếu không có sự hoàn thiện của kỹ thuật luyện
kim thì không thể nào đạt được.
Thời đại đồ
sắt được bắt đầu tính đến trong lịch sử khi mà loài người đã biết rèn sắt để
chế tạo các loại công cụ, vũ khí. Không phải ngay từ đầu người xưa đã biết nấu
chảy sắt mà họ lấy sắt từ trạng thái bột xốp và dùng nó để làm nguyên liệu chế
tạo hiện vật thông qua quá trình rèn. Phương pháp này được gọi là phương pháp
thổi sống. Sắt là một kim loại mềm; muốn có được những công cụ sắc, bén, cứng
như dao, kiếm, gươm, phải biết tiến hành hỗn hợp sắt và than trong quá trình
luyện sắt và rèn sắt.
Với phương
pháp thổi sống, người xưa chỉ cần khoảng 900oC là đủ. Lúc đầu tiên, khi mới phát sinh thuật luyện sắt,
lò còn rất nhỏ, cấu tạo vô cùng đơn giản. Nói chung, lò thổi sống thường được
xây bằng đá, trát hoặc đấp bằng bùn, có lỗ thông gió và thổi gió vào. Quặng sắt
sau khi được sàng lọc, đập nhỏ, rửa sạch, sẽ được đem trộn với than củi, xếp
theo từng lớp. Dụng cụ để thổi gió mỗi nơi một khác, nhưng nói chung gió được
đưa vào lò theo những ống bằng đất sét. Cũng có nơi người xưa không thổi gió
vào, mà cứ để cho nó cháy tự nhiên, chầm chậm, dần dần.
Kỹ thuật
luyện ở buổi ban đầu rất thô sơ và
dựa trên nguyên tắc là khử cho hết ôxy ở trong quặng sắt để làm cho sắt hoàn
nguyên. Lò nhỏ, hơi ít, nhiệt độ không cao, kỹ thuật đơn giản cho nên sắt được
hoàn nguyên chỉ là sắt ở trạng thái bột xốp, lỗ trỗ như tổ ong, lẫn lộn với cứt
sắt và các loại tạp chất khác đọng lại dưới đáy lò.
Tuy vậy,
người ta vẫn gọi chúng là những cục sắt tinh chất. Sau mỗi lần luyện sắt, phải
đợi cho lò nguội hẳn mới phá lò lấy sắt ra. Những cục sắt tinh này cần phải
được nung đỏ, đập rèn nhiều lần để thành ra những thỏi sắt chín có hình dáng
nhất định. Sắt chín mềm hơn sắt sống nhưng có tính co giãn lớn hơn nên rất dễ
rèn. Đó là nguyên liệu cơ bản để chế tạo công cụ, vũ khí. Những người thợ rèn
sẽ tiếp tục gia công thêm công đoạn tôi thép như sau: nông cụ
hay vũ khí được nung nóng lên nhiệt độ cao (khoảng trên 730 độ C – 800 độ C với
đa số thép làm dao), ở nhiệt độ cao này, sẽ có biến đổi về cấu trúc bên trong
khối thép, toàn bộ khối vật liệu được nung nóng sẽ có cấu trúc đồng nhất và mềm
dẻo mang tên là Austenite (gọi theo tên nhà khoa học Austen), người thợ rèn sẽ
giữ khối thép trong lò than một lúc đủ lâu để toàn bộ khối thép chuyển biến hết
về cấu trúc bên trong, khi nhúng cả khối thép đang nóng đỏ như vậy vào nước
lạnh, do nhiệt độ giảm đột ngột, bên trong khối thép sẽ chuyển sang cấu trúc có
tên Martensite, là cấu trúc gồm các hình kim, có độ cứng rất cao; vì lý do đó,
dao thép sau khi “nung đỏ – bỏ nước” sẽ có độ cứng cao hơn rất nhiều so
với bình thường và dĩ nhiên là sắc bén hơn. Đến đây, quá trình luyện sắt xem
như kết thúc. Kỹ thuật luyện sắt như thế thật là thô sơ, nhưng lúc đó đã là một
thành tựu kiệt xuất trên con đường phát minh sáng tạo của nhân loại.
Như vậy,
biết sử dụng sắt để phục vụ cho mình, loài người có thể tạo ra những công cụ,
vũ khí có công hiệu lớn. Engels từng cho rằng: “Cung tên đối với thời mông
muội, cũng giống như thanh kiếm sắt đối với thời đại dã man và
khẩu súng đối với thời đại văn minh”, ông cũng từng gọi thời đại cây kiếm sắt
là “thời đại anh hùng” của các dân tộc văn minh. Việc thần thánh hóa
sắt, qua truyện Thánh Gióng với việc ngài sai dân gian đúc ngựa sắt, roi
sắt không phải là một hiện tượng cá biệt chỉ xảy ra ở tộc người Việt. Truyền
thuyết Thánh Gióng cùng nhóm truyện kể có môtíp thanh gươm thần ở các dân tộc
Tây Nguyên đã bọc lộ rõ khát vọng của người đương thời đối với một loại
nguyên liệu mới và nói lên ước mơ của nhân dân các dân tộc thời ấy với việc sử
dụng sắt. Nó phản ánh những nhận thức của người đương thời đối với
những ưu điểm của sắt.
4. Trong các nghề chế luyện kim loại, nghề thợ rèn giàu ý
nghĩa hơn cả, vừa do tầm quan trọng của nghề này, vừa do những biểu tượng đối
nghịch mà nó chứa đựng.
Nghề rèn có
khía cạnh sáng tạo vũ trụ và sáng tạo nói chung; khía cạnh ma quỷ, hiểm độc và
cuối cùng khía cạnh khai tâm thụ pháp… Trong một số nền văn minh, người thợ rèn
đóng vai trò quan trọng: là người nắm được những bí mật của trời, họ có thể gọi
được mưa, chữa được bệnh[2]. Và trong nhiều trường hợp, có thể ghi nhận rằng quyền
năng của thợ rèn đến từ công cụ của anh ta, đến từ những tư tưởng ẩn trong ống
thổi lò rèn, đến từ lửa, đến từ sức mạnh linh thiêng của sắt, đến từ những đồ
trang sức mà anh ta rèn cho các thầy cúng; hoặc từ nguồn gốc linh thiêng của kỹ
thuật rèn, từ sự mới mẻ của nghể này vì kỹ thuật bí ẩn của anh ta là do truyền
từ đời này sang đời khác, hay đơn giản hơn là sự thụ đắc những kỹ thuật này.
Còn với
Dambo Jacques Dournes, ông cho rằng: Trong các kỹ thuật, có một ngành cao quý
hơn cả, dành riêng cho một lớp người ưu tú được tách riêng ra, đó là người thợ
rèn. Lửa và sắt là các nguyên tố mà sức mạnh của chúng làm nên sự cao quý.
Trong hầu hết các nền văn minh, người thợ rèn là người anh hùng khai sáng, nếu
anh ta không phải là người sáng tạo ra mọi vật và toàn thể. Các truyền thuyết
Tây Nguyên liên quan đến nguồn gốc của lửa và của lò rèn rất nhiều và giàu ý
nghĩa… Truyền thuyết về sắt, trong nguyên gốc của nó, gắn chặt với các truyền
thuyết về những người thợ rèn đầu tiên[3].
Xưa kia,
trong huyền thoại Tây Nguyên, từ rèn đồng nghĩa với từ sáng
tạo. Các vị á thần buổi khởi nguyên, những người tổ chức nên thế giới, đã
rèn ra mọi thứ: “Bung cầm một chiếc búa nhỏ (bằng đá) và rèn ra quả đất; ông
cầm một chiếc búa ngắn và rèn ra trời”[4]. Trong xã hội truyền thống của tộc người Xơ Đăng, ở nhóm
Xơ Đăng Tơ-đrăh hiện đang sinh sống tại các xã Đăk Ui, Ngok Réo, Đăk Kôi, Đăk
Tơ Lung, Ngok Wang trên địa bàn các huyện Kon Rẫy và Đăk Hà tỉnh Kon Tum - nơi
có nhiều quặng sắt lộ thiên với hàm lượng sắt rất cao, những người thợ rèn đã
chế tạo ra một loại lò rèn bễ hơi bằng da rất độc đáo, sử dụng rất có hiệu quả,
có thể rèn nung nóng từ quặng ra thép, đánh các công cụ lao động và dụng cụ
phục vụ gia đình.
Để nung
được quặng và rèn sản phẩm, người Tơ Đrăh dựng lò rèn có bễ hơi được làm từ da
con mang (người dân gọi là Tơ Niam Pi Pu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi
bằng nứa (rơ vang), ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh
tơ niam). Để đun được quặng sắt, người Tơ Đrăh phải lên rừng tìm cây loăng
rlinh để làm than. Theo cụ A Xe ở làng Wang Tố, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, chỉ
loại than từ cây này, lửa lò rèn Tơ Niam Pi Pu mới đủ độ nóng để nung chảy
quặng sắt tự nhiên. Khi nung quặng, tài năng của người thợ rèn chính (bơ ngai
tha) được thể hiện chứng minh qua việc kết hợp hai loại quặng cát và quặng cục
làm ra sắt thỏi chất lượng cao, chắc bền và không bị mẻ, gãy khi sử dụng. Khi
đã có những thỏi sắt ưng ý, theo truyền thống thợ rèn nhóm Tơ Đrăh không được
phép sử dụng than loăng rlinh nữa mà chỉ sử dụng những loại cây khác để đốt cho
nhiệt độ thấp hơn.
Quá trình
rèn sắt thành gươm (thần) là một chuỗi nối tiếp:
đá/quặng
sắt → thanh sắt → lò rèn → thanh gươm → hiến sinh→ quyền năng ma thuật
Có thể nói
thanh gươm là đỉnh cao của quá trình rèn sắt, thể hiện sự tài hoa, tinh tế của
người thợ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc xuất hiện thanh
gươm là một bước tiến vĩ đại và tất yếu trong lịch sử phát triển của loài
người.
Gươm hay
kiếm[5] (tiếng
Khơ-Me gọi là khan, tiếng Gia Rai gọi là ddau) là một loại
vũ khí được cấu tạo từ một thanh kim loại được mài bén dùng để đâm, chém trong
việc tác chiến. Gươm có cán để cầm, có vỏ để bao bọc, có quai để đeo. Gươm dài
hơn dao, cũng mỏng hơn và dẹp hơn dao. Gươm được sử dụng rộng rãi trong các
cuộc chiến tranh thời tiền sử cho đến tận thời kỳ cận hiện đại ở Việt Nam. Ngày
nay, việc sử dụng gươm không còn phổ biến như xưa nhưng nó vẫn là một biểu
tượng của quyền lực, sự uy nghiêm và linh thiêng.
Rèn gươm
kiếm không chỉ đơn thuần là một công việc, việc rèn phải làm sao cho thân, tâm
hợp nhất làm một. Người thợ phải có tâm với nghề, không chỉ rèn kiếm gươm tốt
mà phải rèn cho đẹp, như vậy mới đúng nghĩa của thanh kiếm, thanh gươm. Rèn
kiếm không như rèn các dụng cụ lao động thông thường, nó không được cẩu thả, phải
đảm bảo đủ độ sắc và độ đẹp.
Lưỡi kiếm
là phần quan trọng nhất của thanh kiếm, tượng trưng cho sự hùng dũng, cứng cỏi,
khí tiết, quý phái nên nó phải được chăm chút nhiều nhất. Quy trình chọn vật
liệu, quy trình rèn là không thể chia sẻ cho bất kỳ ai cả, đó là thước đo sự
khéo léo, tài hoa, danh vọng của người thợ rèn. Như vậy, mặc nhiên rằng thép
(vật liệu) có tốt thì mới có thể rèn được gươm tốt. Những “vật liệu” trong các
truyền thuyết về gươm thần đều là tốt cả, nó có nguồn gốc thần kỳ, là vật mà “thần”
đã ban cho con người để rèn kiếm.
Trong
truyện Lưỡi gươm chàng Y Thí, thỏi sắt do cô gái uống nước gốc cây
sinh ra một lượt với Y Thí, Y Thí đem thỏi sắt ấy rèn gươm giết vua Lào, vua
Chàm. Trong truyện Đăm Thí, Đăm Thí giậm chân lên tảng đá trắng
biến thành hồ nơi tận đáy có thỏi thép quý, chàng đem luyện thành gươm quý rồi
giết sạch số Mơtao gian ác. Hay trong truyện Gươm ông Tú cũng
có chi tiết tương tự: Cụ bà Hbia Dat đi làm rẫy khát nước uống nước hốc cây
sinh con trai chóng lớn có sức khỏe lạ thường. Trên núi có trận động đất, đất
sập tạo hồ nước sâu, chàng trai lặn xuống nhặt thanh sắt nhờ thợ rèn rèn
hết cả núi than mới được gươm tốt, thợ mộc làm bao gươm và cán gươm.
Motif dân
tộc học gươm đâm vào bụng cô gái, phụ nữ mang thai hay máu một người nhỏ xuống
thanh gươm rồi người đó chết bị hút hồn vào thanh gươm là một chi tiết mang
tính chất thần kỳ của nghi lễ hiến sinh (linh thiêng hóa / thần thánh hóa sắt
quí) biến dạng đã đi vào type truyện thần bí này. Có gươm thiêng được trời ban
tặng rồi người anh hùng, chàng trai khỏe sẽ mang gươm đi diệt sạch giặc khắp
nơi cứu nguy cho cộng đồng dân làng …
Ở một khía
cạnh khác, có thể ghi nhận một kỳ công thật vất vả và kiên nhẫn của người thợ
rèn đúc nên một thanh bảo kiếm, đó là việc anh ta phải nấu loãng kim loại và đổ
vào khuôn, chờ nó nguội lại thành thanh thép; thanh thép này sẽ được nung nóng
đỏ cho mềm ra và được đập bằng búa cho mỏng xuống, rồi gấp lại thành hai và đập
cho mỏng xuống; xong rồi lại được nung cháy đỏ, đập mỏng ra, gấp lại làm đôi,
đập mỏng; rổi lại được nung đỏ, đập mỏng, gấp làm đôi; cứ như thế khoảng 30
lần; lúc này thanh kiếm không phải chỉ là một khối thép mà là 2-lũy-thừa-30 lớp
thép mỏng vô cùng.
Tóm
lại, thanh gươm là biểu tượng thể hiện sự kỳ công của con người, là đỉnh điểm
của sự sáng tạo trong thời đại đồ sắt. Nó thể hiện một nấc thang / giai đoạn
của sự văn minh trong lịch sử phát triển của loài người, giúp con người thoát
khỏi thời sơ sử còn mông muội, thơ ngây, là bằng chứng của sự phân hóa và tiến
bộ xã hội. Và nếu ta bóc tách được những màn hư cấu thần kỳ bao trùm nhiều câu
chuyện truyền thuyết về thanh gươm thần ta sẽ có được phần nội dung lịch sử
chân thật của các thể chế xã hội tiền giai cấp, tiền quốc gia của các tộc người
man dã sơ khai.
[1]Dambo (Jacques Dournes) (2003), Miền
đất huyền ảo, mục “Lửa, sắt và người thợ rèn”, Nxb. Hội Nhà
văn, H, tr. 127-128.
[2]Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư… dịch, Nxb. Đà Nẵng, tr. 903.
[3]Dambo (Jacques Dournes) (2003), sđd, tr. 124-125.
[4]Dambo (Jacques Dournes) (2003), sđd, tr. 130-131.
[5]Quyền lực của thanh kiếm có hai mặt: nó tiêu hủy, nhưng có thể tiêu
hủy cả sự bất công, sự độc ác, sự ngu dốt và vì vậy, có tác dụng tích cực; và
nó xây dựng, nó kiến lập và duy trì hòa bình và công lý. Tất cả các biểu tượng
đó đều thích hợp với thanh kiếm khi đó là biểu hiện của vua chúa. (Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), sđd,
tr. 489).
Nguồn Tạp chí Văn học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét