01/07/2022

Một chuyến đi Phủi

     Bài này mình viết từ hôm 2/5/2016, cũng đăng trên blog này - nay đọc lại thấy thú vị nên đăng lại, âu cũng là nhớ về 1 kỷ niệm (trước và sau chuyến này còn thực hiện nhiều cuộc đi phủi khác nữa, nhưng chưa có dịp viết, cũng tiếc)
   Nghỉ đợt này dài, những 4 ngày, máu giang hồ nổi lên - lại phải đi thôi. Lần này đi Phủi chứ không đi Phượt. Đi Phượt thì dùng xe máy, còn Phủi thì dùng các phương tiện công cộng, đi bộ và đi nhờ là chính; tiết kiệm tối đa mà hiệu quả thì cũng vậy. Có điều các pro phải chuẩn bị sẵn thể lực và kiến thức nhé, không lại bảo tớ xui dại. Đi Phủi cũng tựa như Tây ba lô ý, anh phải thân thiện và chân thành - giang hồ toàn cao thủ thôi, đừng hòng mong lừa dối để được lợi; ta thành ý sẽ được nhiều bạn và nhiều việc.

   Nhưng cũng đã lâu rồi không đi kiểu này, phải gần 20 năm nên thành ra có nhiều điều thiếu xót. Thứ nhất là hứng nổi lên thì lên đường luôn, vơ vội vơ quàng mấy thứ nhét vào ba lô: 1 cái áo khoác nhẹ, cái khăn rằn, cái mũ, lọ rượu và lọ nước cùng ít thuốc phòng thân. Quên không mang theo phong lương khô của phi công - về sau lãnh đủ. Máy ảnh thì chọn đúng cái lâu không dùng, bị trục trặc IC lens. Lên xe mới biết điện thoại hết pin. Thôi rồi, cũng như ngày xưa, chả liên lạc được với ai và cũng chả ai liên lạc được với mình. Đi vội nên cũng chả kịp báo Gấu - định rằng chọn được hướng đi, điểm đến sẽ điện thoại, kiểu này thì khác dog gì trốn đi bụi. Vô tư đi.

   Ra đường cũng chưa biết đi đâu, gặp xe nào thì lên xe ấy thôi: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh... đều được (mình bên Long Biên, đường Ngô Gia Tự mà, nên tiện lắm). Lơ ngơ thấy xe hãng Hà Sơn đi Lào Kai, vậy lên luôn - Ừ thì Sapa thẳng tiến vậy. Lâu rồi chưa về lại.

   Gớm, gặp đúng ngày thiên hạ cũng rầm rầm lên đường Giải phóng miền Nam, đường tắc kinh khủng, ai lại từ Long Biên đến cầu Thăng long mà mất luôn 2 giờ đồng hồ. Giữa đường lại gặp cơn mưa to nên xe không phóng nhanh được trên đường cao tốc. Mãi 21h, đến km 117 xe mới dừng cho khách nghỉ ăn. Đói vãi, nhưng xe chỉ dừng có 20' nên cũng không nhiều lựa chọn lắm, Mình gọi trứng luộc và bắp ngô (kinh nghiệm của mình trên đường trường thì trứng, giò là 2 món tạm coi là an toàn: ngon, bổ, rẻ - chứ cơm phở cháo bún hoặc đồ ăn lạ dễ có hậu quả lắm; bắp ngô luộc là đồ dự phòng thay lương khô). Ngoài ra, đi đường trường các bạn nên chú ý chai nước uống; đói có thể chịu được nhưng khát thì khó hơn; ít nhất có cái vỏ chai sạch, gặp đâu xin đấy, đỡ tiền mua (đắt đó), ví lại Phủi mờ.

   23h mới đến bến xe Trung tâm thành phố Lào Cai (cách TP khoảng 7km - dân xe ôm thường phán với du khách là 12km để làm giá, các bạn cẩn thận), may nhà xe có xe trung chuyển chở vào ngã 6 Thành phố - đây là nơi có nhiều khách sạn, nhà nghỉ và quán ăn để du khách lựa chọn. Đương nhiên đi Phủi thì mình chọn nhà trọ rồi. Nhưng phải nói là dân ta làm du lịch kiểu chụp giật không hay lắm. Ngồi trên xe mình đã hỏi kỹ các bạn người Lào Cai về tên và giá nhà nghỉ vậy mà thực tế khác hẳn, đắt hơn nhiều. Thôi tế nhị tớ chả nói tên nhà trọ làm gì, khổ họ.

   Sau khi ổn định, đi tìm quán ăn, may quá đường Mường Than vẫn còn một quán của đôi vợ chồng trẻ mở: vào chọn 1 que thịt quấn cải mèo, 1 que nấm, 1 que thịt rọi (đương nhiên trên này chỉ toàn món nướng nhé) với 1 bát cháo hết 60k. Ngồi chém gió với chủ quán đến 0h thì về ngủ.

 


ảnh này chụp ở Hàm Rồng, nhưng trưng ra để minh họa mà thôi.

   5h30' dậy, trả phòng, chủ nhà trọ cứ làu bàu "..éo gì mà sớm thế" - Miễn bàn, trả tiền rồi lên đường cho sớm, Papa đang háo hức đây. Quả cũng sớm thật, quán xá mới đang chuẩn bị. Thôi nhịn, ra bắt xe buýt đi Sapa - Từ Lào Cai lên Sapa khoảng 38 km, xe chạy gần 1h là đến, giá vé là 26k (xe 01, còn xe 02 của hãng Hà Sơn là 30k). Xe ít dừng đỗ do cũng không có khách (ở Sapa, không nhất thiết là bến buýt xe mới dừng đón khách nên các bạn cứ đón dọc đường có tuyến xe khắc là sẽ lên được - tầm 30' một chuyến).

   Cũng có cái hay là lên sớm nên khách Việt còn thưa, chỉ đông khách Tây mà thôi. Các bạn công an (an ninh, cảnh sát, CSGT... những dịp này đông lắm) rất thân thiện nếu ta hỏi han, các bạn cứ yên tâm, họ hướng dẫn thân mật và nghiêm túc - trong đám đó có cậu CSGT còn chân thành bảo mình, dù mình chưa hỏi: "Chú cứ ra các xe cảnh sát đều có bản đồ chi tiết hướng dẫn du lịch, hay chú đi xa thì có thể lên xe của cháu để chở đến". Cảm động lắm - nhưng vì điểm đầu tiên mình định đến là Hàm Rồng, cách Nhà thờ Sa pa mấy bước chân nên mình cảm ơn.

   Gặp đúng ngày lễ, vẫn mấy cảnh cũ mà họ chém đẹp 70k vào tham quan Hàm Rồng. Thôi thì đã dự định đến sao lại không vào nhỉ. Có điều lúc này mới thấy máy ảnh bị trục trặc. Chụp lúc được lúc không, lại không điều chỉnh được khẩu độ - pó cái gì ai cũng biết. Ảnh chất lượng rõ chán dù cảnh đẹp.

 

ảnh chụp từ máy mình đấy - chán quá.



ảnh này mượn trên net


   Trên đỉnh có sàn Săn mây, các pro chớ bỏ qua, vì từ đây nếu thời tiết đẹp có thể chụp toàn cảnh thành phố Sapa và đỉnh Fanxipan ở nhiều góc độ.

   Điểm tiếp theo là cáp treo lên Fanxipan. Ngay gần Nhà thờ có tuyến xe buýt 05 chở du khách đến Nhà ga Cáp treo - Giá 10k, nếu du khách đi Chợ hoặc xuống bản Cát Cát từ Nhà thờ cũng nên đi xe này vì rẻ hơn xe ôm mà tiết kiệm được quãng đường xuống Cát Cát.

   Bây giờ có Cáp treo rồi nên việc nói leo Fan hóa nhàm - trước đây mình leo lần 1 mất 3 ngày, lần 2 cũng tương tự... Cáp treo hả, 15' cùng vé 600k (2 chiều) đến ga trên, nếu không bị tuổi tác và bệnh tật đeo bám thì các bạn chỉ cần bước 600 lẻ mấy bậc là tới thôi. Tranh nhau chụp choẹt - rõ nẫu, tớ ngắm cái rồi xuôi luôn.

   Tầm này cũng 11h rồi, phải đi ngắm chợ và đi măm chứ.

   Chợ Mới bi giờ chuyển ra gần bờ hồ rồi nhưng tầm sáng, đi qua thấy tấp nập lắm; buổi trưa cũng vãn nhiều - hàng hóa thì vẫn vậy, ... Có điều mình tranh thủ giao lưu với mấy người H'Mon đi chợ, vui phết, họ chân thành lắm (mong các bạn chú ý khi giao tiếp với người dân tộc đừng gọi họ là Mèo với ngưới H'Mong và Mán với người Dao, nhất là người Dao đỏ - lòng tự trọng dân tộc của họ cao lắm đó và nói thật là họ có cái hơn người Kinh là ngôn ngữ và chữ viết vẫn giữ được...). Tiếc là buổi trưa mấy thằng cha và bố đã say hết mother rồi, làm mình uốn được có mấy chén, chưa đã.

   Tìm nơi ăn vậy. Ngó trước ngó sau, trong chợ và ngoài đường rõ lắm quán ăn đủ dạng... Thấy chú lái xe biển 24, gọi hỏi: Mình tìm quán ăn ngon bổ rẻ, biết đâu chỉ tớ với ? 

   Chú ấy đáp: Em cũng đi ăn đây, pác không chê thì theo em đến đó ăn cùng, lái xe bọn em toán đớp ở đó thôi.

   OK

   Có quãng thôi nhưng chú ấy dặn rõ đủ điều, nào thì ăn gì, thế nào giá ra sao... Mình bảo, theo chú thì đến cùng. 

   Vào quán, chú cầm đĩa mình cũng cầm đĩa, cơm tự xới, rồi ra quấy để chỉ chủ quán gắp thức ăn. Thấy chú ấy chọn chi mình chọn nấy nhưng quả mấy chú này sành sỏi, toàn chọn thứ hay: Nào xúc xích nướng (dân tộc chứ chả phải công nghiệp đâu nhé), giò (món này hay - không giòn như dưới mình đâu, mềm ngọt - chứng tỏ là giò ngon và sạch)... Chú ấy còn giới thiệu mình với tất cả anh em lái xe trong quán (dân lái xe họ chọn đâu thì các bạn biết rồi đó - ngoài ra mình còn thấy nhiều người dân tộc trong quán đang ngồi ăn và uống rượu - chứng tỏ quán này hay đó). Chả vui vì các chú ấy không ai dám uống rượu cùng mình (họ lái xe mà) - Chán. Cô bé ngồi đối diện người Giáy (hay Dáy chả biết) cùng đối ẩm cũng ồn ã phất - nhưng mình ngồi lâu hơn để còn lấy cớ nghỉ ngơi nên mọi người đi hết lúc nào chả biết. Họ phải đi kiếm tiền chứ, đâu rỗi hơi như mình.

   Quán này hay a - nước chè mạn ngon, lại có điếu cày và thuốc lào miễn phí. Thuốc lào thì mình chả thiết nhưng nước chè thì mình hỏi chủ quán, xin rót đầy chai 0.5l của mình. Chủ quán bảo, pác vô tư đi, em mời, lấy hơn thì em đem vỏ chai ra cho bác đựng - trời nắng dư này, pác chọn nước chè hay đó.

   Thích chửa - Ta mở mồm xin thì thế đó (ta tự giót vào chai họ thấy cũng chả gì nhưng coi thường).

   Ngồi tý thì hỏi chủ quán đường xuống bản Cát Cát (lâu không đi nên quên), cậu ấy chỉ luôn một người, đây pác hỏi cậu lái xe này cho rõ. .. Chú lái xe bảo, chú định xuống Cát Cát à, tý cháu cho đi nhờ vì cháu đi đón khách gần đấy - nhưng chú phải đợi cháu 10' để cháu ăn. Ôi Trời, được đi nhờ lại chê sao hả Phủi - OK liền.

    Chú này người Thái Bình, papa lên đây khai hoang rồi sinh ra chú ấy ở trên này; chú chủ quán cơm thì cũng tựa vậy nhưng người Nam Định. Mấy chú này đều trẻ, tầm 30 cả thôi.

   Lúc sau ngồi trên xe (xe 16 chỗ), chú ấy chân thành lạ, ai lại đi tầm 1km, dừng xe, phanh tay, rồi nhờ mình trông xe để chạỵ lên nhà cách đấy đâu 100m để lấy đồ - máy vẫn nổ - Được chưa ? 

   Nói chuyện một lúc chú ấy bảo: Hay chú cùng cháu bỏ qua Cát Cát vào thẳng Tả Van rồi chú đi bộ sang Lao Chải hay hơn nhiều... 

   Ừa, đã lang thang thì bất định - đi thôi. 

   Úi trời, chú ý lại còn dặn dò: vào đó đi đâu, mua gì, đường xá ra sao... Lúc về thì chọn xe nào, giá cả... đến vui. 

   Đấy, cái hay của dân Phủi là vậy.

   Vào bản thấy nhiều đổi thay, khác xưa nhiều lắm. Tả Van và Lao Chải là địa bàn cư trú của dân tộc Giáy (hay Dáy) chả biết. Nơi đây, có nhiều món đặc sản bất ngờ với du khách, đó là hương và đá chạm.

   “Tả Van” cũng nằm trong thung lũng Mường Hoa,.“Tả Van” có nghĩa là “vòng cung lớn”, nằm tựa lưng bên dãy Hoàng Liên Sơn, phía trước là con suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xòe ra như hình những cánh cung hòa vào thế núi. Đến với nơi đây, dường như những lo toan bộn bề cuộc sống đã tan biến, đến với nơi chỉ có mây núi, ruộng nương và những tiếng cười. Nếu có thời gian ở lại bản làng vài ngày, để cảm nhận trọn vẹn hơn cuộc sống yên bình, mộc mạc nơi đây, để hòa mình với hơi thở của núi rừng, thì có lẽ những nếp nhăn trên trán mình sẽ vơi đi phần nào mà không cần dùng đến công nghệ tái tạo da collagen.

 


Đấy ảnh của máy mình đấy, nhờ anh bạn người Đức chụp.

   Hương Tả Van là đặc sản thật sự, quan sát thấy kỳ công lắm với những cây cỏ của địa phương (mình nhận biết được mỗi thảo quả, còn mấy thứ nữa chả biết).  Có điều chỉ người Tây biết. còn du khách Việt lại chả hay - đến lạ.
   Đây cũng là điều mà mình thấy khi xuống bản toàn gặp người Tây - Phi - Tàu - Hàn - Ấn, nhõn 1 xe người Việt đi tìm quán ăn. Hướng dẫn viên thấy toàn người dân tộc (cũng chả rõ H'Mong hay gì nữa ?) nhưng giao tiếp tiếng Anh thông thạo lắm.

   Ở đây, ngang theo con suối, có bái đá cổ mà du khách không nên bỏ qua. Ngoài ra, sản phẩm đá chạm của Tả Van làm mình thật sự ngạc nhiên - không nghĩ rằng họ tạo tác ra được, rất tinh xảo; tiếc là mẫu không nhiều mà giá cả lại đắt, dường như chỉ dành cho khách Tây thì phải ?


    
Ảnh mình chụp nhưng để nhỏ thế này mới thấy nét chứ căng to lên xấu lắm - Chán

   Tiếc là máy ảnh trục trặc nên đành mượn ảnh trên NET để minh họa vậy:






   Các pro xác định nhé, đường đi Tả Van - Lao Chải rất xấu, nhiều ổ trâu bò lắm, lại quanh co, cách Sapa khoảng 8km, nên yếu tim chớ đi xe ôm, còn đi bộ thì nên liệu sức. Bù lại cảnh đẹp vô cùng.
   Lúc này cũng đã tầm 15h rồi, ra Sapa, đón xe buýt cũng tầm 1h đi bộ; từ Sapa về Lào Kay mất 1h nữa. May mà đón được xe về Hà Nội luôn. Kể mà mải mê đi tiếp như dự định thì cũng chả sao, nhưng tự nhiên thấy nhớ nhà nên quyết định về thôi.
   Đến Sapa sẽ có nhiều điểm hay như bản Hồ, Nầm Sài, San Sả Hồ... Ngay tại Thị trấn cũng có nhiều điểm đẹp để tham quan như khu phố cổ, chợ Mới... Các bạn cứ gọi pác Google trước khi lên đường sẽ có đủ thông tin, ngoài ra hỏi dân địa phương sẽ thấy họ rất tận tình, chu đáo.
   Về đến nhà tầm 23h - Tổng thời gian là 36 tiếng đồng hồ (trừ mất 16, 17 tiếng để đi xe và ngủ). 
     Rất đáng các bạn nhỉ.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét