07/02/2017

Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ

Theo http://vnexpress.net

Hệ thống kiểm soát quyền lực của Mỹ khiến cho thẩm phán liên bang của tòa cấp thấp có thể ra phán quyết chặn sắc lệnh tổng thống.
Ngày 3/2, thẩm phán liên bang Mỹ James Robart ở thành phố Seattle, bang Washington đã ra phán quyết hoãn thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump. Sắc lệnh này cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày và tạm dừng chương trình nhận người tỵ nạn trong 120 ngày đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Thẩm phán đưa ra phán quyết sau khi bang Washington và bang Minnesota nộp đơn kiện sắc lệnh của tân Tổng thống.
Tam quyền phân lập
Tại sao thẩm phấn của một thành phố lại chặn được sắc lệnh của Tổng thống? Lý do là hệ thống chính trị ở Mỹ được thiết kế theo “tam quyền phân lập” để kiểm soát và cân bằng lẫn nhau, đó là 3 ngành: Hành pháp (Chính phủ), Lập pháp (Quốc hội), và Tư pháp (Tòa án). Mỗi ngành có thể sử dụng quyền hạn của mình để kiểm tra quyền hạn của hai ngành còn lại nhằm duy trì quyền lực giữa ba ngành, và họ phải hợp tác với nhau để lãnh đạo đất nước. Tổng thống nắm quyền hành pháp, còn Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp.
Hệ thống tòa án liên bang Mỹ gồm ba cấp độ: tòa án địa phương, tòa án khu vực, và tòa án tối cao. Các tòa án này có quyền thẩm định xem một đạo luật hoặc một quy định của chính quyền có vi phạm hiến pháp hay xâm phạm quyền người dân không. Việc thẩm định này phải thông qua một vụ khởi kiện. Trong trường hợp này là bang Washington và Minnesota đứng ra khởi kiện.
Các thẩm phán liên bang và các thẩm phán Tòa tối cao do các đời tổng thống lựa chọn và Thượng viện phê chuẩn. Các thẩm phán có thể làm việc qua nhiều đời tổng thống. Thẩm phán James Robart ở thành phố Seattle ở trên được bổ nhiệm năm 2004, từ đời tổng thống George W. Bush.
Tổng thống có thể thay đổi phán quyết của Tòa án không?
Khi tòa án cấp thấp ra phán quyết, thì Tổng thống có thể yêu cầu tòa án tối cao phúc thẩm lại phán quyết này. Trước kia, chính quyền ông Obama từng yêu cầu tòa án tối cao lật lại phán quyết ngăn chặn chương trình DAPA (chính sách hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp để giúp họ không bị trục xuất) được ban hành bởi một thẩm phán quận Texas, theo Vnexpress.
Sau khi Thẩm phán James Robart ra quyết định với sắc lệnh của ông Trump, Bộ Tư pháp Mỹ gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ Khu vực 9 (cao hơn tòa của ông Robart một bậc) để yêu cầu đảo ngược phán quyết. Tuy nhiên tòa phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của Chính phủ Mỹ.

Như vậy cuộc chiến pháp lý này có thể sẽ còn tiếp tục ở cấp tư pháp cao hơn.
   Chính quyền liên bang Mỹ được thiết lập theo mô hình tam quyền phân lập. Quốc hội nắm quyền lập pháp. Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp.

Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét