Đận vừa rồi mình có dịp đi thăm thú miền Tây Nam bộ mới biết và vỡ vạc được nhiều điều. Ví dụ như miệt Vườn, miệt Thứ, miệt Dưới…
Cũng may trong chuyến
đi này mình được gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, mấy ông nhà văn bản địa và
các cụ cao tuổi nên thu hoạch rất phong phú.
Ở miền Nam ta hay
nghe nói tới Miệt Vườn, và thường hiểu Miệt Vườn nôm na là vùng đồng ruộng,
vườn tược đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Còn từ Miệt Thứ coi vậy mà ít
người nghe nói, ngay cả khi tôi hỏi những người bạn quê quán, gốc gác Nam bộ.
Sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùynh
Tịnh Của giải thích chữ Miệt:
- Miệt. Nhỏ mọn, xứ miền, một dãy đất.
Đại Nam Quốc
Âm Tự Vị còn phân biệt Miệt vườn và Miệt ruộng:
- Miệt vườn: Miền vườn, đất vườn.
- Miệt ruộng: Miền ruộng, xứ ruộng, phường ruộng.
Nhà văn, học giả Sơn Nam (1926-2008),
một người được mệnh danh là “Ông già Nam bộ”, “Nhà Nam bộ học”, đã viết về vùng
đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Người ở đồng bằng sông Cửu Long đã
phân tích khá tỉ mỉ những nét đặc biệt của từng vùng nhỏ trong đồng bằng. Họ
gọi riêng rẽ:
- Miệt trên: vùng Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa có thể tính luôn vùng Tân An.
- Miệt Cao Lãnh: vùng chợ Cao Lãnh ngày nay, trước kia là quận lỵ của Sa
Đéc.
- Miệt Đồng Tháp Mười.
- Miệt Dưới: vùng Rạch Giá, Cà Mau.
- Miệt chợ Thủ, Miệt Ông Chưởng, theo lòng Ông Chưởng, nối sông Hậu qua
sông Tiền, tỉnh Long Xuyên.
- Miệt Xà Tón, Bảy Núi, tức là vùng Thất Sơn và quận lỵ Tri Tôn (Châu Đốc).
- Miệt Hai Huyện (cũng là miệt Chợ Thủ, Ông Chưởng).
Miệt Vườn,
gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông
Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.
Miệt Vườn
tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở đồng bằng
sông Cửu Long.
Chúng ta đã
nghe những danh từ:
- Về vườn, gái vườn, công tử vườn, điếm vườn, bắp vườn, nhà vườn…
Hồi trước năm 1975 bạn nào ở Saigon
chắc có nghe từ “Dân chơi miệt vườn”, có lẽ ý nghĩa tương đương với từ “Công tử
vườn” trong sách của nhà văn Sơn Nam. Một “Công tử vườn” vang danh thiên hạ xưa
nay mà người dân Nam bộ ai cũng biết tiếng, đó là “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh
Huy (1900-1974), còn gọi là Ba Huy và có biệt danh là Hắc Công Tử, người nức
tiếng ăn chơi một thời, đã dám sắm và lái máy bay đi thăm ruộng vườn của gia
đình (đất của nhà ông ấy rộng đến nỗi, có lần ông Huy cùng cô bồ đi máy bay thăm ruộng, lạc sang đất Thái, bị không quân Thái bắt, phải do cha đem 5 ngàn đồng bạc Đông dương sang chuộc về).
Như vậy theo nhà văn Sơn Nam, thì
Miệt Vườn là những vùng đất cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền,
sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.
Nhà văn Sơn
Nam cũng cho biết Miệt Vườn là nơi có mật độ dân số cao nhất vùng đồng bằng
sông Cửu Long, được tạo lập trên những đất gò, đất giồng, đất vườn phù sa rất
tốt, thích hợp trồng cây ăn trái, người dân quê làm vườn đỡ vất vả mà dễ kiếm
ăn hơn làm ruộng, cuộc sống khá sung túc. Cho nên nhìn trên bản đồ thấy ở Miệt
Vườn có rất nhiều địa danh, nhiều chợ quận, chợ làng.
Thế còn Miệt Thứ?
Như đã nói bên trên, hơi lạ là khi
hỏi về Miệt Thứ, vài người bạn hoặc người quen biết gốc gác miền Tây Nam bộ của
tôi lại không biết, có người còn nói chưa nghe nói đến tên Miệt Thứ bao giờ.
Trong sách của nhà văn Sơn Nam có nói đến Miệt Thứ. Ông viết:
Đại Nam Nhất Thống Chí chép đó là
vùng “Lâm Sác”, vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na đó là Miệt Thứ, là ven
U Minh. Thập Câu là mười con rạch mang tên là rạch thứ Nhứt, rạch Thứ Hai… rạch
thứ Mười chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển, gọi là “thập”
nhưng trong thực tế hơn mười con rạch.
Người địa
phương lần hồi khai thác và khám phá thêm, thí dụ như rạch thứ chín rưỡi (giữa
rạch thứ Chín và thứ Mười) hoặc rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và
thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy…
Đây là vùng đất vào thời trước rất xa
xôi, hiểm trở với nhiều thú dữ và bệnh tật, là nơi dừng chân cuối cùng của
người dân Việt trên con đường Nam tiến, người dân chỉ đến khai thác vùng này từ
sau năm 1870.
Ở vùng Miệt
Thứ ruộng xấu năng xuất kém, đất thấp nhiều muỗi mòng, nhưng được một cái ở
Miệt Thứ những thức ăn như kỳ đà, rắn, lươn, cua, cá lóc, tôm, đuông chà là
nhiều đến mức ê hề, người sành điệu tha hồ mà chế biến, có lẽ dân miền Tây nhậu
giỏi cũng nhờ “mồi nhậu” chế biến từ những “hế biến từ những “đặc sản” này.
Miệt Thứ thời ấy xa xôi cách trở quá,
cho nên cô gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ có tâm sự:
Đêm đêm ra đứng hàng ba,
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?
Còn cô gái ở miền Miệt Thứ Cà Mau lại
bày tỏ:
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.
Trong sách của Bùi Đức Tịnh
(1923-2008), một học giả, nhà giáo, nhà báo quê ở Ba tri – Bến Tre, sách của
ông viết nhiều về đủ mọi thể loại (Văn học sử, Văn học, Ngôn ngữ học, Địa danh
Nam bộ…) cũng có viết về Thứ và Miệt Thứ:
- Thứ: Danh từ dùng riêng trong vùng
Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông
Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn
nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba… cho đến Thứ Chín.
Cũng cần phân biệt vùng có những con
rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu
vực gọi là “Miệt Thứ” thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có
12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ
kinh 1 đến kinh 12…
Nói chung qua hai học giả người Nam
bộ chuyên viết vùng đồng bằng sông Cửu Long, ta thấy:
Miệt Vườn: để chỉ vùng đất cao giồng, gò có
vườn cam vườn quýt (vườn trái cây) ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc,
Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ, đây là vùng đất màu mỡ, trù phú, người dân Việt Nam
đến định cư tại vùng này khá sớm, cuộc sống sung túc.
Miệt Thứ: là vùng đất thuộc vùng U Minh, Cà
Mau, nơi có hơn mười con rạch mang tên rạch thứ Nhứt, rạch thứ Hai… (theo nhà
văn Sơn Nam), hoặc mười hai con kinh gọi theo thứ tự từ kính đến kinh 12 (theo
học giả Bùi Đức Tịnh). Chữ Thứ ở đây là theo thứ tự của các con rạch, con kinh.
Vùng này thời trước xa xôi, hiểm trở, dân cư thưa thớt, nghèo nàn bệnh tật… với
nhiều hiểm nguy, còn truyền lại trong những câu ca dao:
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma.
Hoặc:
Tới đây xứ, sở lạ lùng,
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.
Cà Mau khỉ khọt trên bưng,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.
Bây giờ những từ ngữ, địa danh như
Miệt Vườn, Miệt Thứ đã dần trở thành quá khứ ít được nhắc tới, bởi đâu đâu cũng
đã là thành phố.
Cách nay vài
chục năm (trước năm 1975) ở miền Nam, thì từ “thành phố” được mặc nhiên để chỉ
Saigon.
Thời đó những tỉnh duyên hải, cao nguyên miền Trung, hay về miền Tây Nam bộ,
người ta gọi Saigon là “thành phố”, người Saigon là “người thành phố, dân thành
phố”, và khi người ở những địa phương ấy nói “đi chơi thành phố” ai cũng hiểu
là “đi chơi Saigon”.
Một từ khác chỉ địa danh ở miền Tây
Nam bộ hồi đó cũng hay được người dân Saigon nói, với ngụ ý để chỉ một nơi xa
xôi hẻo lánh, khỉ ho cò gáy, bây giờ gọi là “vùng sâu vùng xa”, hoặc dùng để
chê bai ai đó “cù lần lửa, quê cời quê kệch”.
Những ai là
công chức hay trực thuộc quân đội VNCH bị chuyển đi đến những nơi như thế, thường được ví
von là “đi Chắc Cà Đao”, còn anh chàng nào dưới quê mới lên Saigon còn ngờ
nghệch, được ví là “gia đó ở Chắc Cà Đao mới lên”.
Nhưng cũng ít
người rõ nơi này ở đâu. Trang văn Học và Ngôn Ngữ của Trường Đại Học Khoa Học
Xã Hội và Nhân Văn – TP. HCM cho biết:”Đó là tên một con rạch, cũng là tên một
ngôi chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần Long Xuyên (An Giang). Học giả Vương
Hồng Sển có ghi lại hai giải thích về tên gọi Chắc Cà Đao:
Theo ông Nguyễn Văn Đính, thì địa
danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng này xưa
kia có nhiều cua. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek:
rạch; Pedao: loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.
Và ông nghĩ rằng giả thuyết của
Nguyễn Văn Đính hợp lý hơn.
Đấy chỉ là mấy thu hoạch nhỏ trong chuyến đi này của mình;
có dịp lại xin chia sẻ thêm.
Tham khảo:
– Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa & Văn minh Miệt
Vườn, Sơn Nam, NXB Trẻ-2014.
– Lược khảo nguồn gốc Địa danh Nam
Bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP. HCM-1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét