14/09/2021

Gia phong thời chưa xa.

 


Cũng chả biết gọi là gì, những nếp ăn ở thuở còn nhỏ trong gia đình và xung quanh hàng phố ấy – còn gọi là Phong kiến nhưng mình thấy rất hay. Nên đặt tạm là Gia phong vậy

Ngày ấy, cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của cha mẹ, con cái… giữa gia đình với người ngoài, tạo thành một truyền thống văn hóa riêng.

Nhớ những ngày còn nhỏ, đám trẻ con cứ hễ đi ra đường gặp người già là khoanh tay cúi chào. Chỉ cần giản đơn ngắn gọn: Con chào ông ạ, con chào bà ạ!

Thế thôi, mà sao thấy thật thân thương, gần gũi. Đứa trẻ nào ngỗ nghịch, gặp người cao tuổi mà ngó lơ, sẽ bị mắng ngay: Con cái nhà ai mất dạy, mồm miệng đâu cảThậm chí còn bị kéo đến tận nhà, giao lại cho bố mẹ với lời dặn: Này, về mà dạy lại nó biết chào hỏi cho tử tế nhé.

Kính lão đắc thọ”, thực sự là một nét đẹp, một giá trị tinh thần đầy cao quý. Giờ khi ra đường, mấy ai biết đến ai.

Trong gia đình cũng vậy, chuyện “đi thưa – về trình” là việc làm bắt buộc. Hễ con cái ra khỏi nhà, bất kỳ ông bà, cha mẹ lúc ấy đang ở đâu trong nhà, phải đến trước mặt, khoanh tay lễ phép thưa ông bà, thưa cha, thưa mẹ con đi học, hay đi đâu đó cụ thể đàng hoàng.

Khi về nhà, dù trong nhà không thấy ai, cũng phải hỏi xem người trên đang ở đâu để đến tận nơi, trình báo: Con mới đi học về ạ… Con mới về ạ… Những câu thưa gửi giản đơn ngày ấy, nay đang dần mai một.

Ngồi vào mâm cơm, người bé phải mời cả lượt những người đang quanh mâm cơm theo thứ bậc từ cao xuống thấp, được mọi người hồi đáp rồi mới bắt đầu bữa ăn.

Ngay trong cách ăn cũng được các gia đình chú tâm dạy con từ khi biết dùng thìa, dùng đũa với “ăn trông nồi – ngồi trông hướng”.

Ăn không phải là chỉ biết cắm đầu ăn, mà còn phải biết quan sát, biết vai vế, thân phận mình để lựa miếng ăn cho đúng thời điểm, đúng với thứ bậc được quy định theo tôn ti, trật tự rõ ràng. Chỉ sai một phép, vội gắp đĩa thịt gà mà ông – bà trong nhà chưa đụng đũa, có thể nhận ngay một chiếc đũa cả, một cái đánh đau kèm vài câu răn dạy nhớ đời.

Việc cúng tế, thờ tự nơi đình làng, lễ giỗ tổ tiên các dòng họ, gia đình, tạo thành mạch nguồn văn hoá với kết nối từ con người – gia đình – dòng tộc – xã hội. Ngày ấy, trong nhà có việc vui, chuyện buồn như sinh con hay ốm đau bệnh tật hoặc giản đơn như sớm mai ngày mới cũng dâng chén nước, thắp nén hương lên bàn thờ Gia tiên.

Một đứa trẻ lớn lên trong giáo dục gia đình, xã hội, luôn là sự kỳ vọng đầy lớn lao của cha mẹ, hình tượng ông tiến sĩ trong các mâm cỗ trung thu, hình ảnh vinh quy bái tổ trên các tranh dân gian, như một mong vọng của mỗi gia đình từ xa xưa cho đến tận bây giờ và đó coi như sự hiếu học của nó.

Học giỏi, đỗ đạt cao, với khát vọng đóng góp công sức, trí lực, giản đơn và gần gũi là để nếp nhà luôn giữ vững nét gia phong, xa hơn là góp công giúp vận mệnh đất nước ngày càng thêm vinh hoa, sáng lạn.

Những “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, những “tôn sư trọng đạo”, “kính lão đắc thọ”, “tam tòng – tứ đức”, “kính trên nhường dưới”, “ăn trông nồi – ngồi trông hướng”… cùng bao điều hay ho khác của thời chưa xa đó, cho đến giờ, hẳn vẫn chưa lạc hậu.

Dù thời cuộc có những biến thiên, kể cả những lúc vua quan, xã hội mục ruỗng, nhưng chính nhờ nếp gia phong trong mỗi gia đình mà bao truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của văn hóa dân tộc.

Đấy Gia phong chỉ thế thôi.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét