26/10/2024

Lại về phố Hàm Long

 

Dựa vào các tài liệu, báo thời Pháp thuộc và hồi ức của các Việt kiều.

 

Bức tranh này không rõ tác giả và thời gian vẽ nhưng chắc vào mùa Đông lâu lắm rồi, khi nhà thờ chưa xây dựng, sửa chữa lại và làm cổng chính trước tháp chuông và nhất là còn có mấy cây cơm nguội trong tranh - Cây này hồi trước ở phố Hàm Long nhiều lắm.

Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau...
là cảnh phố tôi xưa đó.

Hồi đầu thế kỷ 20, Hàm Long bắt đầu hình thành với tên gọi phố Doudard de Lagrée (năm 1945 đổi tên thành phố Hàm Long và giữ nguyên tên phố đến nay), được trải lèn đá răm và có đèn đường; song phía sau vẫn còn làng xóm thuộc các thôn Hàm Châu, Phương Viên, Đức Viên. 

Đi vào các xóm ấy là những con đường đất nhỏ quanh co cạnh các nhà đều là nhà tranh lụp xụp với những hàng rào cây xanh. Nhà ở xen lẫn với vườn rau và ao chuôm đầy bè muống, bèo lộc bình. Bấy giờ, ta muốn đi từ chợ Hôm sang Lò Đức phải đi vòng lên phố Hàm Long cho dễ đi, khỏi phải len lỏi qua bờ ao cống rãnh.

Năm 1907, trên bản đồ Hà Nội, phố Doudard de Lagrée chỉ là một đoạn đường từ ngã tư phố Gia Long (Bà Triệu) đến phố Đồng Khánh (Hàng Bài); đoạn nối tiếp đến đầu phố Lò Đúc chưa rải đá và ghi tạm là phố đi Lò Lợn (Rue de l''Abattoir).

 Đại lộ Gambetta - phố Trần Hưng Đạo nay, coi như giới hạn phía nam của thành phố thì Hàm Long là vùng ngoại ô, nhà cửa hãy còn loáng thoáng. Nổi lên ở giữa phố Doudard de Lagrée có khu dinh cơ của Đô thống Đỗ Đình Thuật. Một khu nhà đất rộng, choán một phần mặt đường Reirnach (Trần Quốc Toản), cổng sau mở ra lối Hàm Long.

Nhà của Đỗ Đình Thuật là một ngôi nhà kiểu Tây, xây bề thế, nhà hai tầng nhưng tầng dưới là tầng hầm, cầu thang xây gạch bên ngoài lên xuống cả hai phía đằng trước và đằng sau.

Qua ngã tư Hàng Bài - Chợ Hôm, phố Hàm Long còn một đoạn dài mới được mở mang trong những năm mưòi và hai mươi. Ở đoạn này đáng kể có Trường Hậu bổ (sau là trường PT cấp 1, 2nay là trường PTCS Ngô Sỹ Liên) và nhà thờ Hàm Long.

 Trường Hậu bổ còn gọi là Trường Sĩ hoạn, mục đích là bổ túc cho con các quan tỉnh Bắc kỳ và các ông cử ông tú nho học biết thêm tiếng Tây để ra làm quan.

 Giáo viên Truờng Hậu bổ là những người có Tây học lớp đầu tiên như Trần Văn Thông, Đỗ Văn Tâm. Trần Văn Thông có nhà ở ngay bên cạnh trường. Đỗ Văn Tâm nhà ở dốc Hàng Gà, chợ Hôm. Sau khi bỏ khoa thi chữ nho được ít lâu, Trường Hậu bổ cũng giải tán, bọn giáo viên Thông, Khánh, Tâm cũng ra làm quan, chức đến tuần phủ, tổng đốc. Trường Hàm Long được dùng làm trường tiểu học Pháp-Việt, và còn có tên là trường Quy Thóc, vì các lớp ở trường này đều là nơi thực tập của các giáo sinh học các lớp sư phạm ngắn hạn để ra làm thày giáo, trước ngày mở trường sư phạm chính quy (trường Sư phạm mở năm 1921 trong trường Bưởi, đến năm 1923 mới xây trường riêng ở phố Cửa Bắc).

Đoạn phố Hàm Long giữa ngã tư Hàng Bài và ngã tư Ngô Quyền, ngoài trường Quy Thức ra còn ba ngôi nhà xây vào những năm sau (một nhà là của bác sĩ Nguyễn Vãn Luyện số 23), nhà to có gác và cả ở hai bên mặt đường, nhiều nhà chỉ có một tầng, có cả mấy dãy nhà nhiều gian cho từng gia đình công chức thuê để ở. Phố Hàm Long không phải là một phố buôn bán, không có cửa hàng lớn.

 Có một ngõ đi vào bên trong khá rộng, có một dãy nhà một tầng, nhiều gian của một chủ cho thuê, gọi là ngõ Đức Khánh (nay là ngõ Hàm Long 3) ở cạnh nhà số 23.

 Đoạn phố Hàm Long thứ ba từ ngã tư Ngô Quyền đến đầu phố Lò Đúc,  ngay góc đường là nhà thờ Hàm Long, có tên là nhà thờ thánh Antoine (Ăngtoan).

 Nhà thờ Hàm Long, số nhà 21 xây sau Nhà thờ Lớn độ mươi năm (do do cha cố Despaulis Joseph - cố Hương xây và hoàn chỉnh 1934 - 1939). Cuối thế kỷ XIX khi người Pháp mới sang, khu nam Hà Nội chưa có nhà thờ, các giáo dân ở rải rác các phố Lò Lợn, Lò Đúc phải lên Nhà thờ Lớn chầu lễ khá xa. Các họ đạo có dựng một nhà nguyện ở chỗ này để làm lễ, đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ ở phía nam đường Hàm Long đối diện với ngôi chùa cổ Hàm Châu. Ít lâu sau, chiếc nhà gỗ được thay thế bằng một ngôi nhà thờ xây gạch hẳn hoi (khoảng năm 1905); một gác chuông được xây riêng bên cạnh nhà thờ. Năm 1936, nhà thờ Hàm Long được sửa lại, mở rộng thêm, có nhiều nhà phụ.

Chung quanh nhà thờ Hàm Long hình thành một xóm đạo. Nhà Chung đuợc chính quyền thành phố cắt cho đất công hoặc được mua nhiều đất với một giá rẻ, nhà thờ bỏ vốn làm một dãy nhà nhiều gian cho giáo dân thuê. Nhà của nhà thờ ở liền cạnh khu nhà thờ dãy 8 gian ở ngoài mặt đường (từ số 15 đến số 19b); ở trong ngõ Thuận Đức (số 13 nay là ngõ Hàm Long 1) có dãy nhà 7 gian có gác ở đằng sau dãy nhà quay ra mặt đường phố; ở bên phố Laveran (nay là Lê Văn Hưu) một bên mặt phố có một dãy nhà một tầng 25 gian (từ số 14 đến số 64), một bên mặt phố có một dãy nhà thứ hai giống y hệt 15 gian (từ số 19 đến số 45) trên miếng đất giáp liền ngay đằng sau nhà thờ: tiền cho thuê nhà là nguồn lợi tức khá lớn gây thêm quỹ cho nhà thờ.

 Từ năm 1922, phố Doudart de Lagrée là một đường phố có chiều dài 570 mét đi từ ngã ba phố Gia Long kéo dài (phố Bà Triệu) đến ngã năm Lò Đúc. Hai hàng cây phượng che mát, mùa hè hoa nở đỏ rực. Hai bên mặt đường nhà cửa đã xây kín và những khu đất lọt vào bên trong các dẫy nhà cũng đã được sử dụng để xây dựng, như ngõ Tràng Khánh (tên hiệu trà đầu ngõnay là ngõ Hàm Long 2 cạnh nhà số 10 Hàm Long.

Ngõ 18 Hàm Long mới có từ năm 1954, trong khu vực chùa Hàm Long chỉ còn nền chùa; trong ngõ có một trường phổ thông cơ sở Lý Tự Trọng và ngôi nhà của chùa mới làm với ba tấm bia đá chơ vơ ở cạnh đường đi.

Cổng tam quan và gác chuông chùa Hàm Long trước khi xây dựng nhà thờ Hàm Long được chụp vào những năm 10, 20 thế kỷ 20.

 Nói chung, phố Hàm Long là phố nhà ở, chỉ có một ít cửa hàng nhỏ ở chỗ gần ngã năm Lò Đúc. Dân phố là những công chức lương trung bình, một số đông là làm  nhà Gôđa, hiệu thịt bò Tràng Tiền..., hoặc làm bồi bếp cho Tây, phụ nữ nhiều người làm nghề “cô khâu”, “chị hai" vì ngưòi có đạo đuợc cha cố giới thiệu đi làm cho Tây, hoặc người họ hàng với nhau dắt díu bà con kiếm ăn làm cùng một nghề.

Dân phố Hàm Long còn có những nghề có dính dáng đến tôn giáo, như nghề vẽ tranh nặn tượng thờ, tranh các thánh vẽ vào kính tô màu; những nghề đó được nhà thờ đỡ đầu, giới thiệu chỗ mua nguyên liệu và khách tiêu thụ.

 Ngoài ra, phố Hàm Long còn có nghề hàng nan, tức là đồ đan tre mây; lúc đầu là các hàng được tiêu thụ ở các chợ Hà Nội, sau trở thành một số đồ hàng được những hãng Tây mua để xuất khẩu.

 Quãng đầu phố Hàm Long giáp Lò Đúc, gốc phố là một ngôi nhà hai tầng là một hiệu Khách bán tạp hóa và đồ hộp. Còn từ số 3 đến số 11 là ba nhà gồm từ 2,3 đến 7 gian những gian nhà một tầng nhỏ hẹp kiểu sơ sài cũ kỹ, làm đã từ lâu cho những gia đình nghèo thuê (thợ thủ công, nhân viên đi làm ít lương). Nhà số 5 là 4 căn nhà cấp bốn tương đối giống nhau đánh số 5A, 5B, 5C, 5D. Trong đó, nhà 5D là di tích cách mạng - chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.



23/10/2024

Nhớ Thầy

                       Chỉ một bát, ba y

                Đầu trần, chân không dép

                Và cứ thế, Thầy đi

                Phải Thầy là Bồ Tát

                Thị hiện giữa đời này 



ST

17/10/2024

Mấy vần thơ đẹp của Sergey Aleksandrovich Yesenin

 


Sergey Aleksandrovich Yesenin (3/10/1895 – 28/12/1925) là nhà thơ trữ tình Nga nổi tiếng. Ông sáng tác thơ từ năm lên 9. Ông để lại cho đời rất nhiều những vần thơ tuyệt đẹp, đầy ám ảnh với nỗi day dứt khôn nguôi;

Trong số hơn 200 tác phẩm của ông được nhiều nhạc sỹ nổi tiếng trên thế giới phổ nhạc. Tại Việt Nam, có ít nhất một soạn phẩm đã được dịch dưới nhan đề 200 bài thơ và trường ca.

Dưới đây, tôi xin gửi tới các bạn một số vần thơ tiêu biểu của ông:

“Cỏ non như lụa đầu nghiêng xuống
Trời đất thơm lừng hương nhựa thông
Ôi, đám cây rừng, ôi bãi ruộng
Ngây ngất lòng ta say bước xuân”


(Anh đào dại hãy rắc đầy tuyết trắng)

 

Ngoài cửa sổ bầu trời đang sùi sụt
Tôi không tiếc thương mà cũng chẳng buồn
Tôi vẫn yêu cuộc đời này tha thiết
Tựa hồ như tình trong buổi đầu tiên


(Gió đã nổi lên rồi làn gió bạc)

 

 Ngọn gió sẽ làm não lòng tiếng hí
Vũ điệu đưa tang được cử hành thôi
Sắp, sắp rồi, chiếc đồng hồ bằng gỗ
Khò khè điểm giờ mười hai của tôi

 

  Đã qua rồi những hạnh phúc ấm êm
Đã qua rồi những buồn vui một thuở
Chỉ còn lại trong hồn bao lạnh giá
Những gì đã trôi qua – không trở lại bao giờ


(Những gì đã trôi qua không bao giờ trở lại)

 

 Anh là ai? Chỉ là người mơ mộng
Màu mắt xanh nhòa trong khói sương tan
Cuộc đời này anh như người ở tạm
Giữa mọi người đang sống ở trần gian


(Ta là ai? Là gì? Ta là kẻ mộng mơ)

 

Cuối cùng, đi mãi, chàng cất lên lời tiễn biệt:
Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn
Trên đời này chết có gì là mới mẻ
Nhưng sống, dĩ nhiên rồi cũng thế, chẳng mới hơn


(Bạn ơi, xin tạm biệt…)

   Do sưu tm t nhiu ngun nên tôi không biết tên dch giả - dù giọng thơ hao hao Thái Bá Tân. Tht s xin li.


13/10/2024

5 loại dao găm quân dụng đáng sợ nhất thế giới

    Nhặt từ nhiều nguồn trên net


    Trái với súng trường cá nhân, dao là loại vũ khí có phạm vi sát thương hạn chế nhưng lại hết sức nguy hiểm nếu được sử dụng bởi những người lính dày dạn kinh nghiệm trận mạc và kỹ năng cao cấp. 

    Dưới đây là top 5 loại dao quân dụng phổ biến nhất trên thế giới dựa vào khả năng sát thương đáng sợ của chúng và cũng được các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới tin cậy lựa chọn

WING – Tactic – Độc cô cầu bại của lực lượng đặc nhiệm Pháp

Mới đây, Công ty Wildsteer đã trình diện loại dao chiến thuật đa năng với tên gọi WING-Tactic dành cho các lực lượng đặc nhiệm. Thậm chí, loại dao này còn được quảng cáo là không có đối thủ về hiệu suất và sự tiện dụng ở thời điểm này.

 

Dao chiến thuật đa năng WING-Tactic dành cho các lực lượng đặc nhiệm Pháp

Với thiết kế đặc biệt, con dao găm này sở hữu sức mạnh tuyệt vời, vô cùng tiện dụng và lại có khả năng can thiệp đa năng, đảm bảo hiệu suất hoạt động rất cao và các kích thước, trọng lượng dao lại rất hợp lý thuộc loại tốt nhất thế giới. Sống dao được thiết kế theo kiểu răng cưa khiến con dao này có thể trở thành một lưỡi cưa sắc lẻm bất cứ khi nào cần thiết. Trong khi đó, lưỡi dao và mũi dao được tạo hình khá lạ mắt nhằm đảm bảo độ bền và sự sắc bén cần thiết, nhờ vào đó, mũi dao có thể được sử dụng như một mũi khoan hoặc dùi đục, trong khi lưỡi dao có thể cắt đứt dây thép dày lên tới 2.5 mm.

Bên cạnh đó thì cán dao cũng được thiết kế khá vừa tay, với bọc lót tay giúp người dùng có thể nắm chắc cán dao kể cả khi sử dụng găng tay. Tính đa dụng cùng những ưu điểm vượt trội khiến cho WING-Tactic gần như vô đối trong phân khúc dao găm quân dụng thế hệ mới.

Ka-bar – ‘Tên đồ tể’ của lực lượng hải quân Mỹ

Nổi tiếng bởi độ bền và tính đa dụng cao, được ưa chuộng bởi nhiều thế hệ quân đội Mỹ, nhưng biệt danh ‘kẻ đồ tể’ lại xuất phát từ chính cách hạ gục đối phương đáng sợ của con dao này: Với thiết kế rãnh dọc lưỡi dao, nạn nhân khi gặp phải sát thương từ con dao này sẽ mất máu liên tục do rãnh dọc này dẫn đường cho máu chảy ra ngoài.

 

KA-BAR – Gã đồ tể của lực lượng quân đội Mỹ

Dao dài 30,16 cm, phần lưỡi dài 18 cm, nặng 0,56 kg, được làm bằng thép cacbon 1095, Phần chuôi dài 12.7cm được làm từ da ép, những miếng da được cắt hình tròn đồng xu sau đó được ép lại. Cùng với đó là các biện pháp xử lý hóa chất để có thể chống lại ảnh hưởng của nấm mốc.

Toàn bộ quá trình sản xuất dao hầu như được chế tạo thủ công với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt cũng như những bí quyết công nghệ được giữ bí mật gắt gao. Chính vì lẽ đó mà những con dao này đều có tuổi thọ và độ tin cậy rất cao.Bên cạnh sử dụng để chiến đấu, dao KA-BAR đã chứng minh tính đa năng của nó khi được sử dụng cho việc mở lon, đào rãnh, cắt gỗ, rễ cây, dây leo, dây cáp. Bên cạnh đó thì con dao này cũng sở hữu giá trị thẩm mỹ khá cao và thường được tìm mua bởi những người đam mê quân sự.

Kukri – Lưỡi dao của Gurkha

Gurkha trong tiếng Nepal có nghĩa là chiến binh, đây là từ ngữ dùng để chỉ những người đàn ông Nepal thiện chiến và trung thành nhất. Kukri (hay còn được gọi là dao quắm) có nghĩa là con dao của chiến binh. Với nguồn gốc cổ đại, Kukri không chỉ là con dao quốc gia của Nepal, mà còn là biểu tượng của người lính Gurkha, sở hữu một con dao Kukri là một niềm tự hào đặc biệt.

 

Một ‘Gurkha’ cùng con dao Kukri huyền thoại

Người Anh lần đầu biết đến Kukri tại Ấn Độ với đặc điểm cạnh sắc khỏe đến kinh ngạc. Người Anh phải chiến đấu với những chiến binh quân đội Gorkha ở tây Nepal trong những năm 1814. Trong hành trang của người lính Gurkha, mảnh thép với đường cong đã trở thành một vũ khí khủng khiếp đối với kẻ thù, đồng thời, nó cũng thể hiện chiến công và lòng dũng cảm hiếm có khi đối mặt kẻ thù. Với thiết kế lưỡi dao to bản và cong về phía dưới, con dao thực sự sở hữu một khả năng sát thương đáng kinh hoàng, không những vậy, tùy vào khả năng của người sử dụng mà Kukri còn có những khả năng sử dụng đa dạng khó lường, ngoài là một vũ khí cận chiến, nó còn có thể sử dụng như một thứ ám khí chết người trong một cự ly trung bình với độ chính xác khá cao.

Không chỉ là quốc bảo của quốc gia Nepal, Kukri với thiết kế đặc biệt đi kèm những giai thoại bất hủ về nó đã trở thành một trong những biểu tượng quân sự phổ biến nhất trên thế giới.

Dao găm GB – Sát nhân giấu mặt

Không to lớn và hầm hố như những ‘đồng nghiệp’ của mình, GB là một con dao găm có kích thước khá khiêm tốn, là loại dao gấp đầu tiên của Stride, với lưỡi dao dài 4 inch, độ dày lưỡi dao 3/16 inch, mũi dao Tanto nổi tiếng, tuy nhiên, cán dao lại khá dày, tổng thể dao nặng, chắc chắn và dễ sử dụng. GB chủ yếu được trang bị cho các phi công sử dụng cứu sinh sau khi nhảy dù, tuy nhiên cũng có thể được trang bị cho các nhân viên bảo an và đặc vụ bí mật của chính phủ.

 

GB – ‘Nhỏ mà có võ’

Tuy không có uy lực ‘chém đinh chặt sắt’ với khả năng chém rách tấm thép như các đàn anh to lớn hơn nhưng bù lại. với thiết kế mũi dao tanto, GB có thể đâm xuyên giáp chống đạn hoặc các miếng bảo vệ trên người đối phương nếu như có một lực tác động đủ mạnh, cộng với thiết kế nhỏ gọn và dễ cất dấu, mang lại nhiều tính bất ngờ trong các trận đối kháng tay đôi, con dao găm này xứng đáng có mặt trong danh sách những vũ khí cận chiến nguy hiểm nhất mọi thời đại.

Strider Mantrack 1 Big – Sát thủ đa năng

Cấu tạo khá lớn so với những con dao quân dụng khác, nhưng không vì thế mà Strider Mantrack trở nên kém linh hoạt hơn so với những cái tên khác. Với lưỡi dao dài 6.5 inch, độ dày 4/16 inch, đầu mũi dao nhọn đều kiểu mũi giáo, vừa có tính năng đâm xuyên áo giáp, vừa có thể cắt, chém với độ sắc bén tuyệt vời. Chuôi dao rất dài nhưng thực chất trọng tâm của dao nằm ở phần đỉnh của dao khiến cho dao rất cân bằng tại điểm giữa và giúp cho dao không bị mất cân đối.

 

Strider Mantrack nổi tiếng với sự đa năng trong chiến đấu lẫn sinh tồn

Ngoài sự đa dạng trong cách sử dụng, điều làm nên sự khác biệt của Strider Mantrack chính là phong cách chiến đấu linh hoạt dựa theo nhiều tình huống nhờ vào cán dao dài có thể sử dụng dao ở bất kỳ tư thế và phong cách ra đòn nào, đồng thời bộ phận này còn được cuốn một lớp dây dù cứu sinh rất chắc chắn, giúp cho người sử dụng có thể dễ dàng điều khiển nó ngay cả khi đeo găng tay chiến thuật. Dao thường được sơn rằn ri để ngụy trang và hạn chế sự phản chiếu ánh nắng. Dây dù ở cán dao còn có tác dụng rất lớn khi sinh tồn trong rừng khi có thể làm dây cung săn bắn thú, dây bẫy, dây câu cá, buộc vào chuôi dao để ném dao săn…

 

11/10/2024

Ấn vàng truyền quốc của chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1709

 Tập hợp từ nhiều nguồn trên net.


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ và trưng bày chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo”.

Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, với kích thước cao 6,3cm; dài cạnh10,84cm; dày 1,1cm; trọng lượng 2.350gr (gần 90 lạng - cây vàng) có kỹ thuật đúc và chạm khắc công phu, tỷ mỷ. 

Núm ấn là tượng nghê vờn ngọc, đầu ngẩng cao, quay về bên trái, vây lưng nổi hình đao mác. Mặt ấn đúc chữ Hán (kiểu chữ Triện): Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo -         (vật báu của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Hai bên lưng ấn khắc 2 dòng lạc khoản, bên trái: Kê bát thập kim lục hốt tứ lạng tứ tiền tam phân - 計八十金六笏四両四錢三分 (cộng vàng 8 tuổi, nặng 6 thỏi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân), bên phải: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo - 永盛五年十二月初六日造 (chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 5, tức năm 1709 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Cạnh dưới có dòng lạc khoản khắc 9 chữ Hán: Lại bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư giám tạo - 吏部同知戈穂書監造 (quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư).

Bảo ấn được vua Gia Long chọn làm báu vật truyền ngôi của triều Nguyễn.

Chùm ảnh: Chiếc ấn vàng 300 tuổi – báu vật truyền ngôi của triều Nguyễn

Về tổng thể, ấn có hình vuông, chiều cao cả quai 6,3cm, cạnh 10,84cm, dày 1,10cm, có quai đúc theo hình tượng lân vờn ngọc, đầu quay về trái. Đầu lân ngẩng cao, chân trước bên phải chống, chân trước bên trái đặt lên viên ngọc, 2 chân sau chùng.

Dọc lưng kỳ lân chạm khắc văn mây lửa.

Mặt trên của ấn khắc 2 dòng chữ Hán. Bên trái khắc 12 chữ: Kế bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân (Vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Bên phải khắc 11 chữ: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo (Chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), dưới triều Vua Lê Dụ Tông).

Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện phong cách thế kỷ 17 – 18, nét chữ vuông vức uốn nhiều góc. Xung quanh là đường viền rộng 1,20cm.

Mặt ấn đọc theo chiều từ trên xuống dưới và từ phải sang trái là Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo (Bảo vật của Chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Cạnh dưới khắc 1 dòng 9 chữ Hán: Lại bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư giám tạo (quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư).

Trong 300 năm tồn tại, bảo ấn đã thất lạc nhiều lần trong các cuộc chiến tranh, từng lưu lạc tới tận Thái Lan cùng chúa Nguyễn Ánh. 

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một bảo vật vô giá của tiền nhân để lại. 

Vào năm 2016, hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.


10/10/2024

Xác định phương hướng

    Một mẹo nhỏ tìm phương hướng không phức tạp ở bất cứ nơi đâu có ánh mặt trời:

1. Cắm một que khoảng 90 cm xuống đất sao cho vuông góc và đặt một hòn đá nhỏ nơi đầu bóng rơi xuống.

2. Chờ mười đến mười lăm phút và đặt một tảng đá thứ hai tại điểm nơi đỉnh của bóng cũng đã di chuyển đến.

3. Vẽ một đường thẳng nối hai điểm. Đây là một tuyến Đông Tây.

4. Đặt đầu chân trái của bạn trên tảng đá thứ nhất và đầu chân phải của bạn trên tảng đá thứ hai; bây giờ bạn sẽ hướng về phía Bắc.

Bất cứ nơi nào trên Trái đất, vết bóng đầu tiên là phía Tây, và vết bóng thứ hai là phía Đông.

 



08/10/2024

Cổ vật khảm xà cừ Việt Nam

Góp nhặt trên net.


Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công của Việt Nam đã thấy nhắc trong sử sách từ thế kỷ thứ 3-5, thời kỳ Bắc thuộcSang triều Trần thì nghề khảm vỏ ốc đã khá điêu luyện nên được triều đình trưng thu làm cống phẩm gửi sang tặng nhà Nguyên năm 1289.

Khi người Âu Châu sang đến Việt Nam thì trình độ hàng khảm địa phương được nhắc đến là một trong những nghệ thuật cao, rất tinh vi, khéo léo. Điển hình là năm 1868 Thống soái Pierre-Paul de La Grandière đã xin triều đình Huế gửi 2 người thợ khảm giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Sang năm 1877 thì hàng khảm ốc Việt Nam được triều đình gửi sang Pháp dự Hội chợ Đấu xảo.

Chất liệu xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc nên khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hay khảm ốc.

Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Bước đầu tiên là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm (thường là mặt gỗ) phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng sơn ta để gắn. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

Nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, do bản thân chất liệu xà cừ đã có đã tạo lên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Ở Việt Nam ta có một số làng nghề truyền thống lâu đời như:

·   Làng nghề Chuôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên,Hà Nội

·   Làng nghề Ninh Xá, Ý Yên, Nam Định.

·   Làng nghề Cao Xá, Ứng Hoà, Hà Nội

·  Làng nghề Địa Linh,xã Hương Vinh, H. Hương Trà, TT-Huế

      Mời các bạn thưởng lãm một số cổ vật khảm xà cừ đẹp được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Các công đoạn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Ở bước khảm thì người nghệ nhân dùng những mảnh vỏ để khảm (gắn) lên các đồ vật.

Hộp đựng thức ăn khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Vỏ ốc để khảm được chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm thường là mặt gỗ phải khoét lõm để gắn mảnh vỏ ốc.

Hộp đựng thức ăn khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Người thợ dùng sơn ta để gắn vỏ ốc vào gỗ. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

Kỷ thờ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Khảm xà cừ thường được dùng ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường. Nó thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ.

Tráp đựng trầu khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, vì bản thân chất liệu xà cừ đã tạo lên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Hình chim và hoa đào trên một bức tranh khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể sử dụng máy móc trong quá trình khảm xà cừ.

Tranh gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Dù đã có máy móc thay thế nhưng một tác phẩm nghệ thuật thật sự với các chi tiết tinh xảo lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú – điều chỉ có thể đạt được khi người thợ nhẫn nại làm thủ công ở tất cả các công đoạn.

Cuốn thư khảm chữ “Đan Thư” (sách hội tụ lời hay ý đẹp của cổ nhân) triều Nguyễn.

Cảnh rước rồng trên một bức tranh khảm xà cừ triều Nguyễn.

Một cảnh trên bình phong khảm xà cừ niên hiệu Thành Thái (1890).

Bề mặt tủ gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn.

Cận cảnh một cánh cửa tủ gỗ khảm xà cừ.