05/01/2015

Ngũ Uẩn

   Ta biết rằng ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã giảng giải về Tứ thánh đế, Ngũ uẩn và Mười hai nhân duyên. (tôi đã đăng bài viết này ở địa chỉ: http://tuanhuusac.blogspot.com/2014/06/bai-thuyet-phap-au-tien-cua-uc-phat-noi.html).
   Từ đó, giáo lý về Tứ thánh đế, Mười hai nhân duyên cùng Ngũ uẩn đồng quyện với các giáo lý Duyên Khởi, Vô thường, Vô Ngã, Tính không, Bát nhã v.v…khi ẩn, khi hiện suốt mọi thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn, kể từ vườn Lộc Uyển, các tịnh xá thuộc thành Xá Vệ đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng.
   Trong Tứ diệu đế, Đức Phật đã nói về tám nỗi khổ. Trong tám nỗi khổ đó, ngoài bảy nỗi khổ gồm sinh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, còn có nỗi khổ thứ tám là ngũ uẩn xí thạnh khổ (Kinh Tương Ưng II, phẩm Chuyển pháp luân).   Nỗi khổ thứ tám đó cho ta biết nếu cứ chấp vào ngũ uẩn sẽ gây ra đau khổ. Vậy ngũ uẩn là gì và tầm quan trọng của giáo lý Ngũ Uẩn như thế nào ?
   Theo wikipedia - bản tiếng Việt thì:
  Ngũ uẩn (zh. wǔyùn 五蘊, sa. pañca-skandha, pi. pañca-khandha, bo. phung po lnga ཕུང་པོ་ལྔ་), cũng gọi là Ngũ ấm (五陰), là năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái "ta".
Ngũ uẩn là:
1.   Sắc (zh. ; sa., pi. rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắttaimũilưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng (sa., pi. mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng.
2.   Thụ (zh. , sa., pi. vedanā), tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
3.   Tưởng (zh. , sa. sajñā, pi. saññā), là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
4.   Hành (zh. , sa. saskāra, pi. sakhāra), là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác...
5.   Thức (zh. , sa. vijñāna, pi. viññāa), bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng là Vô thườngVô ngã và KhổBát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái "ta" thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày như sau về tầm quan trọng đó:
"Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng."
Joseph Goldstein cũng viết:
"Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ.".
Vậy ta cũng hiểu rằng:
   Ngũ uẩn hay năm uẩn là năm yếu tố gồm có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Năm yếu tố đó nương tựa vào nhau để tạo thành con người gồm: thân thể (yếu tố vật lý) gọi là sắc và các yếu tố về tinh thần, tâm lý gọi chung là danh như thọ(cảm giác thọ nhận), tưởng (tri giác, ấn tượng), hành (hành xử tạo nghiệp) và thức (ý thức, sự nhận biết).
   Ngũ uẩn tiếng Phạn là Panca Skandhah, Trung Hoa dịch ra nhiều nghĩa khác nhau. Có thể kể ra ba loại chính :
   Thời kỳ đầu, vào những năm đầu của thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Ngũ uẩn (Panca Skandhah) được dịch theo âm tiếng Phạn, phiên âm chữ Skandhah ra chữ Hán là Kiền độ hay Tắc kiền độ.
Thời kỳ thứ 2 vào khoảng thế kỷ thứ V sau Công nguyên, Ngài Cưu Ma La Thập (344 – 413), từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào năm 402 đã dịch theo ý nghĩa chữ Phạn Panca Skandhah là Ngũ ấm, với ý nghĩa ấm là phủ khuất, ngăn che, làm cho tối đi, mờ đi, làm cho người ta không biết được thực tính bình đẳng của sự vật,
   Thời kỳ thứ 3 vào những năm của thế kỷ thứ VII, Ngài Tam tạng Pháp sư đời Nhà Đường là Huyền Trang (595 - 664) dịch  chữ Phạn Panca Skandhah sang chữ Hán theo nghĩa thực chất là Ngũ uẩn. 
   Uẩn (Skandha) nghĩa là một sự tập hợp, sự tích tụ, một nhóm họp theo từng loại với cùng những tính chất giống nhau, nên gọi là nhóm, là tổ hợp, là tụ tập, là chúng. Vì vậy Ngũ uẩn tức năm uẩn còn được gọi là năm ấm, năm chúng, năm nhóm, năm tụ. 
   Nói một cách tổng quát năm uẩn là năm nhóm yếu tố hay năm tổ hợp biểu thị sự cấu tạo toàn bộ thân và tâm của con người.
   Ngày nay trong các kinh sách, tài liệu về giáo lý Phật giáo, người ta thường dùng ngũ uẩn, năm uẩn, năm nhóm, năm tụ đều cùng một nghĩa.
   Giáo lý Ngũ uẩn có một tầm quan trọng trong đời sống người học Phật. Một khi con người cứ bám víu vào năm uẩn, vào sắc, thọ,  tưởng, hành, thức, coi đó là ta, là của ta, là tự ngã của ta, thì sẽ xuất hiện sự đau khổ. Ý niệm về "thân thể tôi", "tình cảm tôi", "tư tưởng tôi", "tâm tư tôi", "nhận thức của tôi"... hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ, từ đó mọi khổ đau phát sinh. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về "cái tôi" và "cái của tôi"  ấy.
   Cho nên, Đức Phật đã chỉ rõ : "Khi nào người Phật tử không thấy rõ nguồn gốc sinh tử khổ đau là do sự ham muốn tham lam cái thân năm uẩn thì người đó chưa hiểu được Phật pháp".
   Ngũ uẩn thường ngăn che trí tuệ sẵn có trong con người như những đám mây che lấp ánh sáng mặt trời. Con người do những dục vọng luôn nảy sinh làm cho mê mờ, không nhận thấy được cái ta chân thật, cái Phật tính tiềm ẩn trong mỗi con người. Con người thường hay bám vào cái ta,cái của ta, đuổi theo dục vọng lại càng bị trói chặt trong cuộc sống tội lỗi, khổ đau. Do đó, nếu không thấy rõ và không nắm vững giáo lý ngũ uẩn thì chính ngũ uẩn làm cho con người luôn luôn đau khổ, trở thành gánh nặng của con người.
   Vì vậy, trong Kinh Tương Ưng Bộ , phẩm Gánh nặng có một bài kệ nói rõ điều này:
Ngũ uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người.

Mang gánh  nặng ấy lên

Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống

Chính là lạc ở đời .

Đặt gánh nặng xuống xong

Không mang thêm gánh khác.

Nếu nhổ khát ái lên

Tận cùng đến gốc rễ,

Không còn đói và khát

Được giải thoát tịnh lạc

   Cũng trong Phẩm Gánh nặng của bộ kinh  này, Đức Phật đã giảng giải gánh nặng chính là sự bám giữ các thủ uẩn : cái ta, cái của ta mà gây ra đau khổ. Vì thế, chính ngũ uẩn là gánh nặng mà kẻ gánh cái gánh nặng ấy chính là con người có danh tính, có địa vị chức tước. Việc mang gánh nặng lên chính là mang lòng tham ái, níu kéo, chấp thủ cái ta, cái của ta. Việc đặt gánh nặng xuống tức là sự rời bỏ lòng tham, đoạn diệt khát ái một cách hoàn toàn, là sự từ bỏ, sự xả ly mọi phiền muộn chấp trước, sự giải thoát đi đến giác ngộ.
   Từ góc độ quan sát thân ngũ uẩn là gánh nặng đeo đẳng làm cho chúng ta khổ, một số người chủ trương thoát ly thân ngũ uẩn, đoạn diệt ý tưởng, xa lìa cảm thọ, trốn tránh cái khổ để tìm đến Niết bàn an vui. Đây là nhận thức sai lầm lớn không thể chấp nhận được.
   Vì vậy, khi đã là Phật tử, việc học Phật cần phải nắm vững giáo lý về Ngũ uẩn. Con người ta không ai thoát khỏi những nỗi đau, buồn giận, những bế tắc về nội tâm, những trắc trở trong cuộc sống. 
   Trong những trường hợp ấy, người có trí tuệ thường ứng dụng những điều giáo lý mà Đức Phật đã dạy trong Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, Ngũ uẩn để cân bằng lại đời sống nội tâm của mình. Ngay đối với Đức Phật, khi còn tại thế, có lần Người bị lâm bệnh nặng, cũng đã phải nhờ đệ tử là Tôn giả Ca Diếp giảng lại bài giảng của chính Đức Phật đã giảng và sau khi nghe xong bài giảng đó thì Đức Phật trở lại mạnh khỏe bình thường.
   Tóm lại những ai muốn học hỏi, nghiên cứu và tu tập theo chánh pháp, không thể không biết đến giáo lý Ngũ uẩn.  Ðó là một trong những giáo lý vô cùng quan trọng và phải được hiểu rõ một cách tường tận, chính xác để có thể tu tập rốt ráo cho có hiệu quả. Và cũng chính vì vậy mà Đức Phật đã giảng giải rất rõ giáo lý Ngũ Uẩn ngay trong những bài học đầu tiên trên bước đường hoằng pháp của Người.
   Giáo lý về Ngũ uẩn của Đức Phật là giáo lý nói về con người bởi vì Ngũ uẩn hay năm uẩn là năm thành phần cấu tạo của con người, của cái con người bằng xương bằng thịt thực sự (sẽ trình bày rõ trong phần sau). Do vậy, Phật tử hay bất kỳ ai muốn biết quan niệm về con người như thế nào trong giáo lý của nhà Phật, không thể không nghiên cứu đến Ngũ uẩn. Giáo lý Ngũ uẩn không phải là một giáo lý chung chung về một đối tượng tổng quát trong thế giới vũ trụ này mà chính là giáo lý về con người thực thụ. Đối tượng nghiên cứu của giáo lý này là con người. 
   Nói đúng ra, Phật tử hay bất kỳ ai muốn tìm hiểu về con người thì phải biết đến cả giáo lý Mười hai nhân duyên và Ngũ uẩn. Giáo lý Mười hai nhân duyên giúp ta nghiên cứu tìm hiểu một cách tổng quát về sự hình thành và cơ cấu con người lưu chuyển theo thời gian và nghiệp lực cùng với luật nhân quả chi phối con người, chi phối cuộc sống của các kiếp người. Còn Ngũ uẩn là giáo lý giúp ta tìm hiểu bản chất thực của con người để diệt trừ đau khổ.
   Vậy con người là gì và từ đâu có. Đó là một vấn đề mà khoa học và nhân loại từ bao đời nay tìm cách lý giải bằng rất nhiều giả thuyết mà cho đến nay vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu. Nhưng ngay từ khi đức Phật còn tại thế, do đã đắc Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác, với khả năng lục tận thông, giác ngộ hoàn toàn, Đức Phật đã giải đáp về nguồn gốc con người, nguồn gốc vũ trụ và quá trình hình thành con người và vũ trụ trong một bản kinh, đó là kinh Khởi thế nhân bản. Nhưng điều đó không thuộc phạm trù của tài liệu này.
   Tóm lại, đối tượng nói đến trong giáo lý Ngũ uẩn của Đức Phật là con người trên trần thế. Vì thế là phật tử, cần phải tìm hiểu và học giáo lý này để mong được đặt gánh nặng xuống, để tiến tới đoạn trừ tham ái, xả bỏ chấp thủ, phiền não, để diệt trừ mọi khổ đau, đạt tới cuộc sống an lạc, thanh tịnh tiến tới giải thoát ngay trong cõi đời này.

04/01/2015

ĐỨC TỪ BI VÀ NHẪN NHỤC




   Từ bi và nhẫn nhục là hai pháp tu tối thiết yếu của người Phật tử cũng như người xuất gia. Từ bi là ban vui cứu khổ. Người có lòng từ bi là người thương tất cả chúng sinh bình đẳng như nhau. Vì thương mọi người nên đem hết tâm tư sức lực của mình làm cho mọi người được vui, hết khổ nên gọi là ban vui, cứu khổ.


   Ở đời ai không có khổ, hoặc nhiều hoặc ít thôi. Chư Phật và Bồ tát thương muốn cho chúng ta hết khổ nên các Ngài dạy chúng ta tu. Vì vậy, từ bi là hạnh thiết yếu trong đạo Phật. Kế đến là nhẫn nhục. Bởi có từ bi mà thiếu nhẫn nhục thì không bao giờ thực hiện được hạnh từ bi. Nhẫn nhục lúc nào cũng ở bên cạnh từ bi, không thể riêng rẽ được, nên tôi giảng chung từ bi và nhẫn nhục.



 Trong kinh Pháp Hoa, Phật có dạy: "muốn vào nhà Như Lai tức phải có lòng từ bi, muốn mặc áo Như Lai tức phải nhẫn nhục". Tóm lại, muốn vào nhà Phật, mặc áo Phật phải tu hạnh từ bi và nhẫn nhục. Nếu không có từ bi, không có nhẫn nhục thì không thể vào nhà Phật, mặc áo Phật được. Nên người Phật tử thiếu từ bi thì chưa phải Phật tử. Đây là vấn đề mà quí Phật tử cần phải hiểu.



   Nói từ bi theo nghĩa cứu khổ ban vui, quí Phật tử cảm thấy khó hiểu. Để gần gủi và dễ hiểu hơn, tôi có thể nói từ bi là tình thương, vì mọi người chứ không phải vì mình. Chúng ta ai cũng có tình thương, nhưng tình thương vì mình nhiều hơn vì mọi người. 
   Ví dụ, ta đi đâu trễ xe hoặc trễ đò, có một người tử tế mời vào nhà uống nước, ăn cơm để chờ tới chuyến đò, chuyến xe sau. Họ đối xử rất tốt nên ta nói người đó dễ thương quá. Tại vì họ tốt với mình nên mình nói dễ thương. Nếu người ấy xấu với mình thì mình không thương. Như vậy để thấy tình thương của chúng ta đi đôi với bản ngã. Tình thương đó không gọi là từ bi. 



   Đến bao giờ chúng ta thấy người lem luốc, xấu xí, không lễ độ, đói khổ mà ta vẫn thương; chúng ta cho chén cơm, ổ bánh mì, dù họ không cảm ơn nhưng chúng ta vẫn thấy vui. Đó là tình thương của lòng từ bi, thấy người khổ mình thương, mình giúp mà không cần đền đáp. 
   Là người Phật tử biết học Phật, tu Phật thì nên tập mở rộng tình thương. Ai khổ, ai đói thì chúng ta thương, không vì bản ngã, không đợi người giúp mình, mình mới thương lại. Đó là tình thương của lòng từ bi. Còn vì mình thì chưa phải từ bi. Nên hiểu cho tường tận, chữ thương người nầy, thương người kia rồi cho đó là từ bi là không thể được.



   Bởi lòng từ bi hệ trọng như vậy nên người Phật tử bước chân vào đạo nên tập mở rộng lòng thương mọi người. Đó là tập tâm từ bi. Có tâm từ bi rồi chúng ta mới có thể tiến tu được. Còn chưa có lòng từ bi thì không thể nào chúng ta tiến được trên đường tu.



   Tại sao từ bi phải đi đôi với nhẫn nhục? Như ở thế gian có người con hiếu thảo, thương cha mẹ nhưng vì gia cảnh nghèo làm không đủ ăn. Bấy giờ giám đốc một xí  nghiệp nhận vào làm, trong xí nghiệp anh ta bị rầy, bị quở nhiều thứ, xúc chạm tới tự ái. Nhưng vì thương cha mẹ thiếu thốn nên vẫn chịu đựng, nhịn nhục làm có tiền để nuôi cha mẹ. Do đó, phải ẩn nhẫn, cực khổ, nhục nhã chứ không dám bỏ việc…



   Như vậy, tình thương giúp cho chúng ta có sức chịu đựng, sức nhẫn nại. Đó gọi là nhẫn nhục. Nếu chúng ta không thương cha mẹ, thì khi gặp cảnh bị rầy la, khinh bạc liền bỏ quách, cần gì phải làm, chỗ nầy không được kiếm chỗ khác. Nhưng vì thương cha mẹ cho nên nhẫn chịu mọi sự phiền hà, xúc chạm. Đó là vì tình thương mà phải nhẫn nhục…



   Một ví dụ nữa, như người phụ nữ gặp ông chồng bạo hành, nhưng đã có với nhau hai, ba mặt con. Người chồng bạo hành, chịu hết nổi thì lẽ ra phải ly dị nhưng vì thương con, sợ con bơ vơ không còn đủ cha mẹ, việc học hành sa sút v.v… thương con mà nhẫn nhịn sự bạo hành của chồng. Như vậy, cũng vì tình thương mà phải chịu đựng. 
   Trường hợp trước là người con hiếu, vì thương cha mẹ mà nhận chịu mọi sự khó khăn, khinh bỉ. Trường hợp sau vì thương con mà không bỏ được người bạn từng hành hạ mình, chịu đựng mọi điều v.v… Nên biết, nhờ tình thương mà người ta có thể nhẫn chịu những cái khó nhẫn. Nếu không có tình thương thì chắc rằng con người sẽ không đủ sức vượt qua những cảnh khó khổ.



   Sống trong đời chúng ta muốn làm điều lành, điều tốt nhưng chắc gì được mọi người tán thán. Cho nên muốn làm điều lành, điều tốt để giúp mọi người, thì trước chúng ta phải tập có lòng thương mạnh mẽ đối với mọi người. Đó là từ bi. Kế phải có sức nhẫn nại, chịu đựng những khó khăn. Chúng ta không nên hiểu lầm nhẫn nhục là điều xấu, theo quan niệm của nhiều người, nhẫn là phải chịu nhục.



   Theo tôi thì không phải vậy. Nhẫn nhục là một sức mạnh chớ không phải yếu đuối. Thế gian thường cho rằng người làm việc gì bị la rầy, quở mắng nhưng vẫn ráng chịu đựng là người yếu đuối, nhu nhược, vì không dám chống cự lại, đôi khi còn bảo là ngu. Nhưng trong đạo Phật không phải vậy. Đạo Phật dạy nhẫn nhục là một sức mạnh. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy rõ ở những ngôi chùa xưa thường viết câu: Đại Hùng Bửu Điện, tức là Điện Báu thờ đức Đại Hùng. Đức Phật là đấng Đại Hùng, nhưng Ngài có đánh dẹp ai đâu mà tôn vinh là Đại Hùng?



   Trong kinh Pháp Cú, Phật có dạy thế nầy:
Thắng một vạn quân không bằng thắng mình
Thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.



   Nghĩa là người nào thắng được mình mới gọi là người hùng. Thắng giặc bên ngoài chưa phải là hùng.    Như vậy, nhẫn nhục là việc dễ hay khó? Bị người sĩ nhục, mắng nhiếc ta, ta sĩ nhục mắng nhiếc lại là dễ hay nhịn nhục là dễ? Mắng lại là dễ chớ bỏ qua khó lắm. Đừng nói chi người lớn, trẻ con khi bị hiếp nó tức giận la lối hay làm thinh dễ? Như vậy khi trái ý, nổi giận la lối con nít cũng làm được, còn nhẫn nhịn người lớn đôi khi làm chưa nổi nữa. 
   Qua đó thì biết cái nào khó! Khó mà làm được nên gọi là Đại Hùng. Đức Phật được gọi là Đại Hùng vì ngài nhẫn được những điều khó nhẫn.



   Trong kinh kể lại, có lần đức Phật trên đường du hóa, một thầy Bà la môn lẽo đẽo theo sau chửi nhưng Phật cứ thong thả đi. Ông tức giận quá chận lại hỏi:
   -Ngài Cồ Đàm! Ngài có điếc không?
   Phật đáp: 
   -Không.
   -Không điếc sao ông nghe tôi mắng chửi mà không có phản ứng?
   -Ta không điếc. Việc mắng chửi của ông có liên hệ gì với ta đâu?
   Phật liền nói ví dụ: 
  - Như nhà ông có giỗ mời bà con quyến thuộc tới dự. Khi họ sắp về, ông gởi quà bánh tặng. Những người ấy không nhận thì quà đó về ai? 
   Ông Bà la môn đáp:
   -Nếu  họ không nhận thì quà đó về tôi chứ ai.
   Phật bảo:
   -Cũng vậy, ông chửi mà ta không nhận thì những lời mắng chửi đó xin gởi lại cho ông.



   Người ta cứ nghĩ là nhịn là thua, nhưng trường hợp vừa kể đức Phật có thua không? Chửi Ngài mà Ngài không chống cự thì hậu quả tự trở về người chửi. 
   Chúng ta thử tập khi bị mắng chửi mà chúng ta cứ lặng lẽ làm thinh, không nói gì hết thì rốt cuộc người nào tức hơn. Người bị chửi tức hay người chửi tức? 
   Cho nên tưởng rằng tranh hơn thua là hay, không ngờ càng tranh càng lún sâu vào phiền não, chẳng khác nào như lửa cháy mà cứ thế thêm dầu vào. Còn một bên nóng giận, một bên im lặng, không có lời thách đố nhau thì làm gì có chuyện đấu tranh để dẫn đến những tai hại lớn lao. 



   Rõ ràng nhẫn nhịn là điều hết sức quan trọng, không phải việc thường. Người biết nhẫn nhịn thì là người làm được việc lớn, còn người không nhẫn nhịn được thì không làm được việc gì hết. Cho nên chúng ta muốn làm được điều hay, điều tốt thì phải có đức nhẫn nhịn mạnh mẽ, như vậy việc làm mới thành công.
   Chúng ta ai cũng biết câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Tôi lược kể điểm hay đặc biệt của bà Quan Âm Thị Kính. 
   Theo sử sách Trung Quốc thì bà thuộc gia đình khá giả, có danh giá, chồng bà là một Nho sinh hiếu học. Gia đình hai bên cũng môn đăng hộ đối. Một hôm nhân chồng học hành mệt mỏi nên nằm ngủ trưa. Bà nhìn thấy có sợi râu mọc ngược lên trên khó coi, nên lấy kéo định hớt giùm sợi râu. Nhưng vừa đưa kéo đụng vào thì ông giật mình chụp tay la: “Ám sát tôi”. Ông la lên như vậy thì cả nhà đều tin theo, nói bà định dùng kéo ám sát ông chồng. Việc đó có oan không? Vì ông ngủ mơ màng không tỉnh táo nên bị đụng vào da liền giật mình hoảng hốt, thấy bà đang cầm kéo thì la lên nói vợ ám sát mình. Dù bà có nói gì thì cũng không ai tin hết. Cuối cùng gia đình bên chồng giao trả bà về cha mẹ của bà, vì là nàng dâu hư. Cha mẹ bà cũng không biết nói sao hơn nên đành đem con về. 
   Về nhà mình rồi bà nghĩ sự tủi nhục vì là con nhà thế phiệt mà bây giờ mang tiếng giết chồng, nhưng không biết làm sao minh oan được. Vì vậy, bà định đi tu để khỏi mang tiếng cho cha mẹ.
   Hồi xưa ở Trung Hoa chưa có phái nữ đi tu, chỉ có phái nam thôi. Nên muốn đi tu bà phải giả trai. Khi vào chùa được Hòa thượng nhận cho ở, nhưng vì có nhan sắc nên giả trai bà cũng đẹp, do đó động lòng Thị Mầu, con một nhà giàu thường lui tới viếng chùa.
   Thị Mầu có tâm không tốt nên sau nầy gần gũi với người nô bộc của gia đình, cô mang thai rồi đổ oan cho ông đạo Kỉnh Tâm – tức pháp danh của bà. Sự việc Thị Mầu khai trước làng xã, bà bị đưa đến công đường tra hỏi… bà trả lời không có gì hết nhưng chẳng ai tin. Dù bị tra khảo đánh đập đi không nổi nhưng bà vẫn chịu đựng, không tiết lộ mình là người nữ để minh oan. Cuối cùng làng mời Hòa thượng đến trả bà về chùa nuôi dạy lại. Như vậy mới thấy sức chịu đựng phi thường của bà.
   Khi về chùa, Hòa thượng không biết sự việc thế nào nên xử sự với bà khác lúc trước. Bà không được ở trong chùa mà phải ở hành lang. Thời gian sau Thị Mầu sanh đứa con trai, cô bồng đứa bé đến chùa giao cho bà nói rằng: “Con của ông nay tôi giao trả cho ông”.
   Chúng ta thấy rõ ràng sự việc không có gì dính dáng mà bây giờ xảy ra đến mức độ như vậy. Bà can đảm nhận nuôi đứa bé, bởi bà nghi người tu dù công phu nhiều mà không có lòng từ bi thì cũng không xứng đáng. Vì chúng sinh, vì cứu một mạng người nên bà chấp nhận hết mọi nhục nhã, mọi hình phạt. 
   Cho nên trong một đoạn thơ truyện Quan Âm Thị Kính có câu nầy:
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người.

   Phù đồ tức cái tháp, ý câu nầy dù xây tháp chín tầng, không bằng cứu sanh mạng một người. Nghĩ vậy nên bà đành ôm đứa nhỏ nuôi. 
   Sự việc nầy càng làm cho Hòa thượng nghi ngờ, nếu không phải con của bà thì sao nhận lãnh nuôi. Sống trong hoàn cảnh ấy bà vẫn âm thầm chịu đựng. Mỗi ngày ẳm đứa bé đi khắp xóm làng xin sửa bú, chịu đựng mọi khinh bỉ, chê bai của thiên hạ, bà kiên nhẫn nuôi đứa bé lớn lên. Thời gian chịu nhục nhã không biết là bao nhiêu. Một đứa trẻ không có liên hệ máu mủ gì hết mà vì lòng từ bi muốn cứu một mạng sống, không để cho nó chết nên bà phải chịu nhục nhã, đủ thứ xấu xa. 
   Tới khi đứa bé lớn rồi, từ đó bà mới được tu hành yên ổn, đến lúc lâm chung mọi người phát hiện bà là người nữ thì bà đã đắc quả vị Bồ tát. Người đời sau thường gọi là Quan Âm Thị Kính.
   Đó là tôi kể tổng quát, bây giờ tôi nhấn mạnh thêm tinh thần nhẫn nhục của bà để chúng ta noi theo tu tập.
   Thứ nhất bà nhẫn khi bị chồng vu oan. Việc ngẩu nhiên thôi mà bị hàm oan như thế, nếu người không có can đảm, bị oan ức đó có thể tự tử. Thường người ta cho là tự tử là gan, nhưng tôi thì nói ngược lại, tự tử là không can đảm. Bởi vì xấu hổ chịu đựng không nổi, không đủ sức nhẫn nên mới tự tử, nếu đủ sức nhẫn đâu có tự tử. Bà không tự tử mà sống và tu. Đó là một đức nhẫn nhục lớn.
   Thứ hai, khi đi tu bị người ta vu oan là quan hệ với Thị Mầu có thai. Điều đó hết sức vô lý vì bà là người nữ. Nếu muốn minh oan rất dễ, chỉ cần nói “tôi là người nữ” thì mọi việc đều êm xuôi hết. Nhưng vì muốn tiếp tục tu hành, bà không muốn lộ tông tích mình là người nữ, nên phải nhận lãnh sự hành hạ, đánh đập, khảo tra.
   Trường hợp trước, nhẫn để được sống và tu.
  Trường hợp thứ hai, vì sự tu nên cam chịu khổ nhọc. Và đến giai đoạn cuối cùng là lòng từ bi thương đứa bé ra đời không có cha mẹ nuôi dưỡng. Sợ nó chết tội nên nhận nuôi, chịu nhục nhã, không phải một ngày mà cả mấy chục năm trời. 
   Chính vì lòng từ bi nên bà đã có sức kiên nhẫn phi thường như vậy. Khi đã vượt qua sức chịu đựng đó bà liền thành tựu Bồ tát. 
   Chúng ta thấy lòng từ bi, sức nhẫn nhục vượt hơn tất cả người thường tình. Do đó thành tựu được Bồ tát hạnh. Bây giờ chúng ta tôn vinh bà là Phật Bà Quan Âm.
   Như vậy, người chịu đựng được là người mạnh mẽ, có một sức nhẫn phi thường. Cho nên tu muốn đến nơi đến chốn đòi hỏi chúng ta phải có hai mặt, vừa có lòng từ bi vừa có đức nhẫn nhục. Từ bi, nhẫn nhục đủ thì chúng ta mới tu tiến, mới thành công. Chỉ có từ bi mà thiếu nhẫn nhục thì khó thành công. 
   Ví dụ như chúng ta thấy người nghèo khổ muốn giúp đỡ nhưng họ không biết mang ơn, vậy là chúng ta không muốn giúp nữa. Đó là chúng ta làm việc lành, việc tốt mà chưa có đức nhẫn nhục nên dễ lùi lắm.
   Đó là tôi nói Bồ tát Quán Thế Âm ở trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính. Bây giờ tôi nói Bồ tát Quán Thế Âm trên hình tượng mà quí vị đang thờ.
   Chúng ta đến chùa lễ Bồ tát Quán Thế Âm thường thấy ngài dưới hình thức người nữ, nhưng thật ra Bồ tát không có nam nữ. 
   Trong kinh Phổ Môn có nói rõ (kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn), Bồ Tát Quán Thế Âm khi cần độ đồng nam thì hiện thân đồng nam, khi cần độ đồng nữ thì hiện thân đồng nữ, cần độ tể quan thì hiện thân tể quan. Như vậy, Ngài không có thân nhất định là nam hay nữ, mà tùy theo căn cơ chúng sanh thích thân gì thì hiện ra thân đó. 
   Song vì người nữ giàu tình thương. Ngài thường hiện thân nữ. Vì vậy, khi nói về tình thương, người ta hay nói như mẹ hiền thương con. Cha cũng thương nhưng có khi phải răn, phải đánh. Còn mẹ thương thường vuốt ve mà ít đánh. Do đó mà nói mẹ hiền, ít nói cha hiền. Cha nghiêm nên hay gọi nghiêm phụ, mẹ hiền nên hay gọi từ mẫu. Do đó, lòng từ thường được tượng trưng qua người nữ. Ngài Quán Thế Âm tu hạnh từ bi nên Ngài hiện thân người nữ để thể hiện hạnh nguyện của mình.
   Kế đó chúng ta thấy trên tay trái Ngài cầm tịnh bình, tay phải cầm cành dương. Như vậy ý nghĩa như thế nào? Bình là để chứa nước cam lồ. Tôi xin đọc lại một đoạn nguyên văn chữ Hán trong Từ bi Thủy sám: “thùy dương liểu nhi biến sái cam lồ. Trừ diệt não dĩ giai đắc thanh lương. Tầm sinh cứu khổ ư tứ sanh. Thuyết pháp độ thoát ư lục đạo”.
   Như vậy là Ngài cầm cành dương rưới nước cam lồ từ trong tịnh bình. Nước cam lồ và cành dương tượng trưng cho cái gì? Chữ cam là ngọt, lộ là sương. Mù sương đọng trên lá cây, nước đó là ngọt nên gọi là cam lồ. 
   Nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi. Tâm ấy trong sạch, dịu ngọt như cam lồ. Vì vậy, từ bi tới đâu thì lửa nhiệt não tắt ngụm tới đó. Ngọn lửa phiền não của chúng ta cháy hừng hực nên chỉ có nước từ bi mới dập tắt được. Phiền não nóng giận là sân. Muốn cho hết sân, qua được cơn nóng giận phải có lòng từ bi. 
   Nên nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi. Khi ta gặp khổ đau, người có lòng từ bi khuyên dạy ta sẽ giảm. Những chúng sanh đang trong cảnh đói thiếu, đủ thứ tai nạn, được gặp những người có lòng từ bi thì họ sẽ được cứu giúp. Cho nên khổ đau chỉ có lòng từ bi mới đưa đến sự bình an. 
   Nước cam lồ được rưới cho mọi người được mát mẻ thì phải nhờ cành dương. Có người lấy cành trúc hay cành tre thay thế cành dương để rưới nước cam lồ. 
   Nhưng sự thật ý nghĩa nước cam lồ chỉ rưới được qua cành dương. Tại sao vậy? Vì cành dương nhỏ, mảnh, khi gặp gió thì nó uyển chuyển nhưng mà không gãy. Như vậy, để nói lên ý nghĩa người có đức nhẫn nhục gặp cảnh khó khăn luôn tùy thuận, nhẫn nại, không chống đối. Mới nhìn như yếu, lại dẽo dai chịu đựng, không bị gãy, bị thua. Như vậy, hình ảnh cành dương nói lên đức nhẫn nhục. Vì nhẫn nhục mới có thể đem nước cam lồ hay lòng từ bi chan rãi cho mọi người được. Nếu không có nhẫn nhục thì không bao giờ chan rải được lòng từ bi.
   Rõ ràng từ bi và nhẫn nhục nương nhau thì làm việc gì cũng thành tựu. Có từ bi mà thiếu nhẫn nhục hay ngược lại, có nhẫn nhục mà thiếu từ bi cũng không được. Cho nên trong kinh nói cầm cành dương Ngài rưới nước cam lồ lên khắp cả. 
   Diệt trừ phiền não, Ngài làm cho mọi người đều được tắm trong dòng suối thanh lương. Nghe tiếng kêu mà cứu khổ cho tứ sanh. Ngài thuyết pháp độ khắp lục đạo. Qua đó chúng ta thấy hình tượng Ngài cầm cành dương rải nước cam lồ lên tất cả mọi người, đó là đem lòng từ bi chan rải khắp muôn loài.
   Do sức mạnh của lòng từ bi mà tiêu diệt được lòng sân hận của con người. Chúng ta sống nếu không có lòng từ bi thì không thể nào thực hiện được những điều đức Phật đã dạy.
   Tôi nhắc lại khi đức Phật còn tại thế, có lần trên đường giáo hóa, gặp một nhóm côn đồ mắng chửi thậm tệ, nhưng Ngài vẫn thản nhiên, không có thái độ nào tỏ vẻ khó chịu hay bất mãn. Nhưng Tôn giả A Nan chịu không nổi liền thưa với Phật:

   -Bạch Thế Tôn, chúng ta nên đi nơi khác.
   Phật bảo:
   -Bây giờ đi chỗ nào A Nan?
   Ngài thưa rằng:
   -Đi chỗ nào không có người chửi mắng mình thì mới có thể truyền đạo.
   Phật bảo:
   -Giả sử chúng ta đi đến chỗ khác cũng có người mắng chửi nữa thì làm sao A Nan?
   Ngài A Nan thưa:
   -Như vậy thì chúng ta tìm lại những nơi đã từng giáo hóa như thành Xá Vệ hoặc những nơi có đệ tử của Ngài.
   Phật bảo:
   -Nầy A Nan! Nếu là thầy thuốc giỏi thì có nên treo tấm bảng trước nhà rằng: “Ở đây chỉ nhận chửa những bệnh thông thường, còn bệnh nặng thì mời đi nơi khác”?.
   Ngài A Nan thưa:
   -Không.
   Phật hỏi:
   -Tại sao vậy?
   Ngài A Nan thưa:
   -Thầy thuốc giỏi thì trị bệnh nặng, còn bệnh thường thì có gì quan trọng.
   Phật bảo:
   -Cũng vậy, người ta đang bệnh ta phải trị cho họ, chừng nào họ không cần thì ta mới đi.
   Ngài A Nan nói:
   -Họ đang chửi mình thì họ đâu cần mình. 
   Những người côn đồ nghe nói vậy liền thức tỉnh lên tiếng:
   -Bạch ngài, chúng con cần ngài.
   Do đó, đức Phật ở lại giáo hóa độ những người đó.
   Câu chuyện đã cho chúng ta thấy. Phật dù hóa độ chúng ta nhưng không phải tới đâu người ta cũng kính ngưỡng như nhau. Ngay cả đức Phật đi giáo hóa cũng gặp nhiều cay đắng, bị trở ngại đủ thứ hết, nhưng Ngài cũng thản nhiên chịu đựng. Nhờ vậy, Ngài mới thành đạo và truyền bá Phật pháp cho tới ngày nay.
   Chúng ta là hàng đệ tử của Phật thì phải học gương sáng của Ngài. Vì thương những người khổ hay người ngang ngạnh nên dù họ có gây khó khăn, làm điều hung dữ, chúng ta vẫn phải độ họ, không nên giận họ. 
   Trong đạo Phật lúc nào cũng nhắc nhở người Phật tử luôn cố gắng thực hiện cho được tinh thần từ bi nhẫn nhục. Chưa hành được hạnh đó thì chúng ta chưa phải là đệ tử của Phật. Thật ra ai cũng có lòng từ bi, nhưng lòng từ bi đó bị hạn chế. 
   Ví dụ: có người đi xem hát thấy các diễn viên bi lụy rơi nước mắt họ cũng khóc theo, như vậy thì có tình thương, thấy cảnh khổ mới khóc. Nhưng có điều là thấy cảnh khổ trên sân khấu thì khóc, mà thấy người khổ thật ngoài đời thì thản nhiên. Nên cái khóc đó là do các diễn viên khéo gợi cảm xúc của mình, còn những cảnh khổ không gợi được cảm xúc thì không khóc, chỉ thương vì tội nghiệp thôi.



***
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

Toàn cảnh Hà Nội thời thuộc địa nhìn từ máy bay

Những hình ảnh này được thực hiện ở Hà Nội trong khoảng năm 1926 - 1951 từ máy bay quan trắc của Pháp.
Cầu Long Biên năm 1951.
Phố Paul Bert (Tràng Tiền), Nhà hát Lớn và sông Hồng nhìn từ máy bay vào năm 1951.
Khu vực bờ hồ năm 1929.
Sông Hồng vào mùa lũ năm 1929.
Trung tâm Hà Nội với Hoàn Kiếm nằm bên trái.
Khu vực đường Thanh Niên và Phúc Xá ngày nay. Chùa Trần Quốc nằm ở góc dưới bên phải tấm ảnh (năm 1930).
Cầu Long Biên trong trận lũ năm 1926.
Một đoạn sông Hồng trong trận lũ năm 1926.
Một sân vận động nằm cách không xa Cột cờ Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một đoạn phố Paul Bert (Tràng  Tiền).
Nhà thờ Lớn Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm và Nhà thờ Lớn năm 1929.
Một nhà máy sản xuất thuốc lá nằm bên bờ sông Hồng.
Viện Đại học Đông Dương (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội).
Toàn cảnh khu vực trung tâm.
Mặt sau của Nhà hát lớn Hà Nội (phía dưới bên trái).
Đường Cái Quan và Nhà ga Hà Nội (giữa ảnh).
Khu vực Nhà thờ Lớn và phố cổ.
Nhà máy gạo Hà Nội.
Trường trung học dành cho nữ sinh.
Khu vực bờ hồ.
Toàn cảnh khu vực phố cổ Hà Nội.
Phố Paul Bert (Tràng Tiền) và Nhà hát Lớn.
Trường trung học bảo hộ (trường Bưởi - Chu Văn An ngày nay).
Trường Albert Sarraut (trường THPT Trần Phú ngày nay).

03/01/2015

Công dụng hữu ích của vỏ chuối trong cuộc sống

Nguồn: bkozone


 

Vỏ chuối có 13 công dụng khác rất hữu ích, xin chia sẻ với các bạn những công dụng này:

+ Lau sạch giày da, áo da, ghế sofa: vỏ chuối có tác dụng giữ độ bóng và bền cho tất cả các vật dụng được làm bằng chất liệu da.

+ Làm chín: Có thể để vỏ chuối với những quả muốn chín nhanh hơn như xoài, kiwi… Chúng sẽ chín nhanh hơn bạn tưởng đấy.

+ Trợ thủ đắc lực cho hoa lan: Nếu muốn hoa lan nở đẹp và lâu, bạn có thể chôn vỏ chuối trong chậu hoa phong lan. Vỏ chuối giàu magnesium, lưu huỳnh, phốt pho, kẽm, khoáng chất, amino axit và các chất dinh dưỡng khác, và đó chính là những thứ phong lan cần.

+ Làm ẩm và mịn da: Với những bạn có làn da khô, có thể đắp mặt bên trong của vỏ chuối khoảng 10 phút, khô, sau đó rửa sạch, da sẽ trở nên mịn màng và ẩm hơn.

+ Điều trị mụn cóc: Cũng đặt mặt trong của vỏ chuối lên các vết mụn để làm mềm, dần dần mụn sẽ bay mất. Sử dụng phương pháp này để chữa trị mụn cóc trên đầu và mặt. Cứ làm như thế nhiều lần, mụn sẽ khỏi và không tát phát.

+ Chữa ngứa da: Vỏ chuối có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn và nấm. Kết quả thử nghiệm cho thấy vỏ chuối có thể điều trị rất hiệu quả bệnh hôi chân và nấm da, ngứa do vi khuẩn hoặc các loại nấm gây nên. Bệnh nhân có thể lựa chọn vỏ chuối tươi xát nhiều lần tại vùng ngứa, nấm, hoặc đun thành nước lau rửa, làm nhiều lần mỗi ngày.

+ Chữa viêm loét miệng: Vỏ chuối khô được gọi là Hỏa Thán Mao, đun sôi lên, cho một ít đường đen uống sẽ giúp chữa viêm loét miệng. Bài thuốc này còn có tác dụng nhuận tràng.

+ Trị đau răng: Vỏ chuối rửa sạch, cho thêm đường phèn vào nồi, đun với lượng nước thích hợp. Uống hai lần một ngày.

+ Chữa trĩ và đại tiện ra máu: Nướng hai vỏ chuối, ăn khi nóng.

+ Trị nứt da tay, da chân: Sau khi rửa sạch chân tay bằng nước nóng, dùng mặt trong của vỏ chuối xát nhiều lần. Nếu vết nứt to, có thể xoa trực tiếp vào vết nứt nhiều lần trong ngày, nó sẽ nhanh chóng lành lại.

+ Chữa cao huyết áp: Dùng 30 - 60g vỏ chuối, hầm thành canh uống.

+ Phòng đột quỵ: Lấy 30g vỏ chuối tươi hầm thành canh uống thay trà, canh này có tác dụng lưu thông mạch máu, để ngăn ngừa đột quỵ và đau vùng ngực.

+ Giải rượu: Lấy 60g vỏ chuối đun lấy nước uống, giúp giải rượu và làm cho đầu tóc tỉnh táo.

Lưu ý: phải sử dụng chuối chín tự nhiên, không chứa các chất bảo quản, chất làm chín nhanh để đảm bảo an toàn.

 

 

01/01/2015

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY & PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

* * * PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY & PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Hòa thượng Tiến Sĩ Wapola Rahula
Biên dịch: Lê Kim Kha

 Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: Sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy xem lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy. 

Đức Phật đản sanh vào thế kỷ thứ 6 trước CN. Phật thành đạo năm 35 tuổi, sau đó đi thuyết giảng suốt 45 năm còn lại cho đến khi Bát-Niết-bàn năm 80 tuổi. 

Đức Phật đã chọn ngôn ngữ phổ thông là tiếng Magadha (Ma-kiệt-đà) để thuyết giảng giáo lý cho mọi tầng lớp: vua chúa, hoàng tử, bà-la-môn, thương gia, những người bần cùng, trí thức, trộm cướp, và thường dân lao động. Những gì Phật giảng dạy gọi là “Phật ngôn”. Thời điểm đó chưa hề có có chỗ nào gọi là Phật giáo Trưởng Lão Bộ (Theravàda) hay Đại thừa (Mahàyana) gì cả. 

Sau khi Đức Phật lập ra giáo đoàn Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni (hay còn gọi là Tăng Đoàn hay Ni Đoàn), Phật đưa ra những nguyên tắc giới luật để bảo vệ giáo đoàn được gọi là Giới Luật (Vinaya). Những lời giảng dạy của Ngài bao gồm trong những bài thuyết pháp cho những Tăng Ni và mọi chúng sinh thì được gọi là Giáo Pháp (Dhamma).

(I) Sự Xuất Hiện Của Đại Thừa (Mahayana)

Giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên, hai thuật ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) xuất hiện trong “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Saddharma pundarika sutra), tức là Kinh Pháp Hoa của Đại Thừa. 

Khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ "Đại Thừa" dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) phát huy triết học Đại Thừa về tính “Không” và trong một bản kinh nhỏ được người ta gọi là “Trung Luận Thuyết” (Madhyamika-karika), còn gọi là Trung Quán Luận, chứng minh rằng vạn pháp đều rỗng không. 

Rồi khoảng thế kỷ thứ IV, Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) sáng tác một số tác phẩm về kinh điển Đại thừa. Sau thế kỷ thứ I sau công nguyên, những nhà Đại thừa bắt đầu tạo một lập trường rõ ràng, và từ đó, họ tự đưa vào các danh xưng "đại thừa" và "tiểu thừa". 

Chúng ta không nên nhầm lẫn “Tiểu Thừa (Hinayana) với Trưởng Lão Bộ (Theravada) bởi vì những danh từ này không đồng nghĩa nhau. Phật giáo Trưởng Lão Bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, khi đó chưa có danh từ “Đại Thừa” nào tồn tại cả. Những bộ phái mà bên Đại Thừa gọi là “Tiểu Thừa” chỉ phát triển ở Ấn độ và hiện hữu hoàn toàn độc lập, không phải hình thức của đạo Phật hiện có ở Tích Lan. Ngày nay, những bộ phái bị gọi là “Tiểu Thừa” đó (tức những bộ phái thuộc 18 trường phái bảo thủ những bộ Kinh (Nikaya) ghi lại lời của chính Đức Phật) đã không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Do đó, năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB), khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ "Tiểu Thừa" (Hinayana) phải được dẹp bỏ vì nó không có liên quan gì với đạo Phật nguyên thủy hiện nay ở Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, vùng Hạ lưu sông Mekong của Việt Nam…v.v… Đó sơ lược về lịch sử và nghĩa của Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Tiểu Thừa. 

(II) Đạo Phật Đại Thừa & Đạo Phật Nguyên Thủy 

“Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu sự khác nhau giữa Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Nguyên thủy là gì? 

Tôi đã nghiên cứu Phật giáo Đại Thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa về mặt giáo lý căn bản.

1. Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là Người Thầy
2. Tứ Diệu Đế trong cả hai trường phái đều giống nhau.
3. Bát Chánh Đạo trong cả hai trường phái cũng tương tự.
4. Lý thuyết Duyên Khởi trong cả hai trường phái cũng giống - nhau.
5. Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế - gian này.
6. Cả hai đều chấp nhận Ba Bản Chất của sự sống (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Ba Phần tu học (Giới, Định, Tuệ), mà không có bất kỳ sự khác biệt nào.

Đây là những giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật và được cả hai trường phái đều công nhận.
Cũng có một số ít điểm khác nhau. Rõ ràng nhất là quan điểm về tư tưởng Bồ-tát. Nhiều người nói rằng Đại Thừa là quả vị Bồ-tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Phật giáo Nguyên Thủy thì đưa đến quả vị A-la-hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn Giác là một A-la-hán. Phật Duyên Giác cũng là là một A-la-hán. Một đệ tử thanh văn cũng có thể là một A-la-hán. 

Kinh điển Đại thừa không bao giờ nói bàn về “A-la-hán Thừa” (Arahant-yana) mà họ chỉ sử dụng ba thuật ngữ hay ba “thừa”: Bồ-tát thừa (Bodhisattva-yana), Duyên Giác thừa (Prateka-Buddhayana) và Thanh Văn thừa (Sravakayana). Theo Phật giáo Nguyên thủy thì ba quả vị này được gọi là ba quả hay ba bậc Giác ngộ (ba “Bodhi”). 

Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỷ bởi vì chỉ dạy người ta đi tu để tìm sự giải thoát cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỷ (là tâm xấu) có thể đạt được “Giác Ngộ”? 

Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba bậc Giác ngộ (Bodhi), và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ-tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Bồ-tát là một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.” 

Nhiều người cho rằng tính “Không” là do ngài Long Thọ giảng luận thì hoàn toàn là giáo lý Đại thừa. Thật ra, ngài Long Thọ có thể đã căn cứ vào thuyết Vô Ngã và Lý Duyên Khởi vốn đã có sẵn trong kinh tạng Pàli từ nguyên thủy Phật giáo…. 

Trong Phật giáo Đại thừa, bên cạnh tư tưởng tính “Không” còn có ý niệm "Tàng thức" vốn cũng có nguồn gốc từ trong kinh tạng nguyên thủy. Những người Đại thừa chỉ khai triển thêm những khái niệm này thành những học thuyết sâu xa hơn về triết học và tâm lý học.

(Dịch từ “Theravada & Mahayana Buddhism” của Hòa Thượng Tiến sĩ W. Rahula, in trong tuyển tập “Gems of Buddhist Wisdom” (Những Viên ngọc Trí tuệ Phật giáo, năm 1996


Hòa thượng Tiến Sĩ Wapola Rahula

Biên dịch: Lê Kim Kha

   Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: Sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy xem lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy. 
Đức Phật đản sanh vào thế kỷ thứ 6 trước CN. Phật thành đạo năm 35 tuổi, sau đó đi thuyết giảng suốt 45 năm còn lại cho đến khi Bát-Niết-bàn năm 80 tuổi. 
   Đức Phật đã chọn ngôn ngữ phổ thông là tiếng Magadha (Ma-kiệt-đà) để thuyết giảng giáo lý cho mọi tầng lớp: vua chúa, hoàng tử, bà-la-môn, thương gia, những người bần cùng, trí thức, trộm cướp, và thường dân lao động. Những gì Phật giảng dạy gọi là “Phật ngôn”. Thời điểm đó chưa hề có có chỗ nào gọi là Phật giáo Trưởng Lão Bộ (Theravàda) hay Đại thừa (Mahàyana) gì cả. 
   Sau khi Đức Phật lập ra giáo đoàn Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni (hay còn gọi là Tăng Đoàn hay Ni Đoàn), Phật đưa ra những nguyên tắc giới luật để bảo vệ giáo đoàn được gọi là Giới Luật (Vinaya). Những lời giảng dạy của Ngài bao gồm trong những bài thuyết pháp cho những Tăng Ni và mọi chúng sinh thì được gọi là Giáo Pháp (Dhamma).
I. Sự Xuất Hiện Của Đại Thừa (Mahayana)
   Giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên, hai thuật ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) xuất hiện trong “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Saddharma pundarika sutra), tức là Kinh Pháp Hoa của Đại Thừa. 
   Khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ "Đại Thừa" dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) phát huy triết học Đại Thừa về tính “Không” và trong một bản kinh nhỏ được người ta gọi là “Trung Luận Thuyết” (Madhyamika-karika), còn gọi là Trung Quán Luận, chứng minh rằng vạn pháp đều rỗng không. 
   Rồi khoảng thế kỷ thứ IV, Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) sáng tác một số tác phẩm về kinh điển Đại thừa. Sau thế kỷ thứ I sau công nguyên, những nhà Đại thừa bắt đầu tạo một lập trường rõ ràng, và từ đó, họ tự đưa vào các danh xưng "đại thừa" và "tiểu thừa". 
   Chúng ta không nên nhầm lẫn “Tiểu Thừa (Hinayana) với Trưởng Lão Bộ (Theravada) bởi vì những danh từ này không đồng nghĩa nhau. Phật giáo Trưởng Lão Bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, khi đó chưa có danh từ “Đại Thừa” nào tồn tại cả. Những bộ phái mà bên Đại Thừa gọi là “Tiểu Thừa” chỉ phát triển ở Ấn độ và hiện hữu hoàn toàn độc lập, không phải hình thức của đạo Phật hiện có ở Tích Lan. Ngày nay, những bộ phái bị gọi là “Tiểu Thừa” đó (tức những bộ phái thuộc 18 trường phái bảo thủ những bộ Kinh (Nikaya) ghi lại lời của chính Đức Phật) đã không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
   Do đó, năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB), khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ "Tiểu Thừa" (Hinayana) phải được dẹp bỏ vì nó không có liên quan gì với đạo Phật nguyên thủy hiện nay ở Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, vùng Hạ lưu sông Mekong của Việt Nam…v.v… Đó sơ lược về lịch sử và nghĩa của Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Tiểu Thừa. 

II. Đạo Phật Đại Thừa & Đạo Phật Nguyên Thủy    

   “Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu sự khác nhau giữa Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Nguyên thủy là gì? 
   Tôi đã nghiên cứu Phật giáo Đại Thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa về mặt giáo lý căn bản.
   1. Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là Người Thầy
   2. Tứ Diệu Đế trong cả hai trường phái đều giống nhau.
   3. Bát Chánh Đạo trong cả hai trường phái cũng tương tự.
   4. Lý thuyết Duyên Khởi trong cả hai trường phái cũng giống - nhau.
   5. Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế - gian này.
   6. Cả hai đều chấp nhận Ba Bản Chất của sự sống (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Ba Phần tu học (Giới, Định, Tuệ), mà không có bất kỳ sự khác biệt nào.

   Đây là những giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật và được cả hai trường phái đều công nhận.
   Cũng có một số ít điểm khác nhau. Rõ ràng nhất là quan điểm về tư tưởng Bồ-tát. Nhiều người nói rằng Đại Thừa là quả vị Bồ-tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Phật giáo Nguyên Thủy thì đưa đến quả vị A-la-hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn Giác là một A-la-hán. Phật Duyên Giác cũng là là một A-la-hán. Một đệ tử thanh văn cũng có thể là một A-la-hán. 

   Kinh điển Đại thừa không bao giờ nói bàn về “A-la-hán Thừa” (Arahant-yana) mà họ chỉ sử dụng ba thuật ngữ hay ba “thừa”: Bồ-tát thừa (Bodhisattva-yana), Duyên Giác thừa (Prateka-Buddhayana) và Thanh Văn thừa (Sravakayana). Theo Phật giáo Nguyên thủy thì ba quả vị này được gọi là ba quả hay ba bậc Giác ngộ (ba “Bodhi”). 
   Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỷ bởi vì chỉ dạy người ta đi tu để tìm sự giải thoát cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỷ (là tâm xấu) có thể đạt được “Giác Ngộ”? 
   Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba bậc Giác ngộ (Bodhi), và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ-tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Bồ-tát là một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.” 
   Nhiều người cho rằng tính “Không” là do ngài Long Thọ giảng luận thì hoàn toàn là giáo lý Đại thừa. Thật ra, ngài Long Thọ có thể đã căn cứ vào thuyết Vô Ngã và Lý Duyên Khởi vốn đã có sẵn trong kinh tạng Pàli từ nguyên thủy Phật giáo…. 
   Trong Phật giáo Đại thừa, bên cạnh tư tưởng tính “Không” còn có ý niệm "Tàng thức" vốn cũng có nguồn gốc từ trong kinh tạng nguyên thủy. Những người Đại thừa chỉ khai triển thêm những khái niệm này thành những học thuyết sâu xa hơn về triết học và tâm lý học.
   Dịch từ “Theravada & Mahayana Buddhism” của Hòa Thượng Tiến sĩ W. Rahula, in trong tuyển tập “Gems of Buddhist Wisdom” (Những Viên ngọc Trí tuệ Phật giáo, năm 1996.