27/11/2015

Giả thích rõ hơn bản Hán văn của Kinh Bát Nhã

Tổng hợp trên internet và trải nghiệm.

Kinh Đại Bát Nhã, bản dịch Huyền Trang, thế kỷ thứ 8, 
Bảo tàng Quốc gia Kyoto

Bát-nhã Ba-la-mật-đa: (Bát-nhã: phiên âm từ chữ Prajna trong tiếng Phạn, có nghĩa là trí tuệ, sự sáng suốt + Ba-la-mật-đa: phiên âm từ Paramita của Phạn ngữ, có nghĩa là tuyệt hảo): Trí tuệ tuyệt hảo (perfect wisdom);
Ngũ uẩn: Năm thành phần cấu tạo nên một con người sống trên cõi trần:
1. Sắc: sắc tướng, vật thể, xác thân (Phạn ngữ: Rupa; Anh ngữ: material, body, matter);
2. Thụ (Thọ): cảm nhận, cảm giác (Phạn ngữ: vedana; Anh ngữ: feeling, sensation).
3. Tưởng: ý tưởng, ý nghĩ, sự mường tượng (Phạn ngữ: samjna; Anh ngữ: conception, thought, idea, imagination).
4. Hành: hành động, hành vi, quyết định làm điều gì (Phạn ngữ: samskara; Anh ngữ: volition, will, decision, determination). Hành là do Thụ và Tưởng mà có. Thí dụ như khi cảm thấy (thụ) đói thì quyết định (hành) ăn. Hay khi nghĩ (tưởng) người đó không bằng mình thì sinh ra (hành) ý khinh rẻ, v.v.  
5. Thức: Biết, nhận thức, ý thức, tri giác (Phạn ngữ: vijnana; Anh ngữ: conscious-ness, thought-faculty).
Trong ngũ uẩn thì xác thân được gọi là uẩn Sắc, vì có thể nhìn thấy. Còn 4 uẩn còn lại (thụ, tưởng, hành, thức) gọi là các uẩn Danh vì chỉ nghe tên gọi mà không nhìn thấy được. Người sống có 5 uẩn, trong khi các vong linh, vía nói riêng, chỉ có 4 uẩn danh, vì uẩn sắc, tức thân xác, sau khi chết đã không còn.
Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể được xem là bài kinh, chú phổ biến nhất của Phật giáo Đại thừa. Phật tử Việt trước nay vẫn niệm bài tâm kinh này, thường được cho là do ngài Đường tăng Huyền Trang dịch năm 649. Và cái quan niệm sắc sắc không không từ bao đời nay là từ kinh này mà có. Nhưng thật ra, đằng sau sự thân quen đã thành đời thường đó, bài tâm kinh này từ bao đời nay đã làm tốn nhiều giấy bút của các học giả nghiên cứu Phật học và Phạn ngữ trên thế giới.
 
Đường Tăng trở về từ Tây Trúc. Con voi trắng là quà tặng của vua Ấn Độ 
Harsha Vardhana.
Trên đường về gặp cướp, con voi hoảng sợ nhẩy xuống sông và chết đuối.
 Một số kinh do đó bị mất. Thế kỷ thứ 8, Đôn Hoàng, Trung Quốc. Ảnh Paul Getty Trust

Từ thế kỷ thứ 19 đã có nhiều học giả bỏ công sức ra nghiên cứu bài Bát nhã tâm kinh. Thí dụ như giáo sư Max Müller của Đại học Oxford, Anh Quốc, đã bắt đầu nghiên cứu bài tâm kinh này từ năm 1846. Bát-nhã Tâm kinh cũng là đề tài được khảo cứu sâu rộng bởi các hội nghiên cứu Phật học trên thế giới trước nay, như các hội  Bukkyo Dendo Kyokai (BDK) ở Nhật Bản, Viện Vipassana Research Institute (VRI) của Ấn Độ, Hội Pali Text Society của Sri Lanka, Taisho Chinese Buddhist Electronic Text Association (CBETA) ở Đài Loan, hay các nhóm phiên dịch Kanjur ở Tây Tạng, v.v.
Nổi tiếng nhất là Tiến sỹ Edward Conze (1904-1979). Ông cũng là giáo sư giảng dậy tại đại học Oxford.  Conze đã cất công tìm ra nhiều thủ bản hay bản khắc Phạn ngữ cổ của bài Bát nhã Tâm kinh, rồi năm 1947 đúc kết lại thành bản Tâm kinh Bát nhã Phạn ngữ phổ biến hiện nay.
Trong số các cổ bản Bát nhã tâm kinh Phạn ngữ, với 12 bản tìm được ở Nepal; 7 từ Trung Quốc; 2 từ Nhật Bản; 1 từ Tây Tạng, được ông Conze dùng để nghiên cứu, có bản được viết trên lá bối từ đầu thế kỷ thứ 6 và được lưu giữ tại đền Hōryū-ji, ở quận Nara, Nhật Bản, từ năm 609. Cũng có vài nguồn bên Trung Quốc phản bác niên đại này của bản văn, nhưng nó vẫn được xem là văn bản cổ nhất của Tâm kinh Bát nhã còn tồn tại đến giờ. Nếu niên đại do người Nhật và các học giả Tây phương công bố là đúng, thì văn bản này đã xuất hiện trước thời của Đường Tăng Trần Huyền Trang.
 
Bản sao hai lá bối chữ Phạn ở đền Hōryū-ji, Nhật Bản

Các bản Tâm kinh Bát nhã cổ bằng tiếng Phạn và tiếng Pali đều gần như đồng nhất với nhau, chỉ có vài tiểu tiết sai lạc đâu đó ở một vài chữ hay một vài nét viết nhầm.
Trong khi đó các bản dịch ra Hán văn thì khác nhau khá nhiều. Có điều lạ là các bản văn Phạn ngữ của bài tâm kinh này được viết với văn phong của Hán ngữ chứ không phải là của bản ngữ Phạn văn.
Bản Phạn ngữ ở động Đôn Hoàng, Thư viện Quốc gia Pháp

Hiện nay mọi sự chú tâm đều hướng vào 3 bản dịch ra Hán văn nổi trội nhất, được cho là của Chi Khiêm, tức Lokasema (222-252); Cưu Ma La Thập, tức Kumara-jiva (344-413); và Đường Huyền Trang (602-664). Nhất là 2 bản sau. Bản dịch Hán văn của ngài Huyền Trang được các nước Đồng văn xem là bài tiêu chuẩn.
Bản dịch của Huyền Trang là bản độc nhất gọi bài chú này là kinh (Sutra). Trong khi tất cả các bản dịch Hán văn khác đều gọi là chú (Dharani). Chi Khiêm dùng tên gọi Thần chú, Cưu Ma La Thập thì dùng danh xưng Đại thần chú. Nhưng đọc toàn bài thì thấy quả là bài kinh này đặt trọng tâm vào câu thần chú ở cuối bài. Phần còn lại chỉ là sự giới thiệu về câu chú đó. Bản dịch của Huyền Trang cũng là bản độc nhất dùng danh xưng Quán Tự Tại (Avalokitesvara), trong khi tất cả các bản Phạn ngữ, các bản dịch Hán văn khác, và kể cả các đệ tử của ngài Huyền Trang, đều dùng tên Quán Thế Âm (Avalokitasvara ) theo lối cổ. 
(Avalokitesvara: (Ava: từ trên xuống +Lokita: nhìn, quan sát, để ý + Isvara: thánh, chúa, thượng đế, v.v): Vị thánh quan sát xuống (trần gian); Avalokitasvara: (Ava: từ trên xuống + Lokita: nhìn, quan sát, để ý + svara: âm thanh, tiếng gọi, tiếng kêu): Vị để ý xuống tiếng kêu bên dưới;)
Sự khác nhau của các bản dịch Hán văn có thể là do việc tam sao thất bản, vì được hậu thế chép lại và công bố khá lâu sau khi dịch giả đã qua đời. Thí dụ như bản dịch của Cưu Ma La Thập được công bố năm 703, trong khi vị tỳ khưu này viên tịch năm 413. Ngoài ra còn do lỗi cú pháp của những người viết lại sau này. Bản dịch bài tâm kinh Bát nhã ra Hán văn của Cưu Ma La Thập cũng là bản có nội dung lạ nhất.
Nếu viết hết về sự dị biệt giữa các bản dịch Hán văn của bài tâm kinh Bát nhã, hay sự khác biệt giữa các bản Hán văn và bản tiếng Phạn, thì khá dài. Nhưng có thể đơn cử một vài thí dụ. Như câu nổi tiếng trong bài tâm kinh này đối với chúng ta trước nay là “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” (thể xác chẳng khác hư không, hư không chẳng khác thể xác) trong bản dịch của Huyền Trang, thì trong bản dịch được cho là của Cưu Ma La Thập viết là “Phi sắc dị không, phi không dị sắc” (không phải là thể xác khác hư không, không phải là hư không khác thể xác).
Hay trong khi bản dịch Huyền Trang dịch Sariputra thành Xá Lợi Tử, thì bản được cho là của Cưu Ma La Thập dịch là Xá Lợi Phất, là sự sai lạc không nên có của một chuyên gia Phạn ngữ. Chữ Sari phiên âm ra Hán ngữ thành Xá Lợi là đúng rồi. Còn chữ Putra trong tiếng Phạn có nghĩa là con trai, hay một đứa trẻ trai đáng tuổi con mình. Dịch ra là Tử thì đúng nghĩa. Nhưng Cưu Ma La Thập lại dịch chữ Putra thành Phất. Theo hủ kiến kỳ thị xã hội, giới tính của dân tộc Ấn Độ thời cổ, người đàn ông không có con trai sẽ bị sa vào địa ngục. Chữ Put trong tiếng Phạn có nghĩa là địa ngục. Đứa con sinh ra để cha nó không bị sa địa ngục là đứa con trai, là Putra. Chữ Phất trong bản dịch bài Bát nhã Tâm kinh của Cưu Ma La Thập là do chữ Put, rút ngắn từ Putra, mà ra. Và đây không phải là sự dùng chữ xác đáng của một vị như Cưu Ma La Thập. Nên biết rằng bản dịch bộ kinh Đại phẩm bát-nhã (Pañca-viśatisāhasrika-prajñāpāramitā-sūtra) vĩ đại ra Hán văn, đã được xác minh là của Cưu Ma La Thập, là một tuyệt phẩm không có tì vết nào.

Sariputra ở bên phải đức Phật, thế kỷ thứ 9 Trung Quốc, Bảo tàng Asia Society, New York
Bản dịch Hán văn được cho là của Cưu Ma La Thập còn có những câu mà không bản nào khác chứa đựng, cả Phạn lẫn Hán. Thí dụ như ở gần đầu bài kinh, sau đoạn “Thụ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị (Thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế cả)”, còn có đoạn:
“Xá Lợi Phất! Sắc không cố vô não hoại tướng. Thụ không cố vô thụ tướng. Tưởng không cố vô tri tướng. Hành không cố vô tác tướng. Thức không cố vô giác tướng. Hà dĩ cố?” Có nghĩa là: “Xá Lợi Phất! Sắc (sắc tướng, thân xác) là không, cho nên không có sự hủy hoại. Thụ là không, cho nên không có sự cảm nhận. Tưởng là không cho nên không có sự suy nghĩ. Hành là không cho nên không có sự tạo ra (duyên, nghiệp, v.v). Thức là không cho nên không có tri giác. Là vì sao (2)?” (舍利弗! 色空故無惱壞相, 受空故無受相, 想空故無知, 行空故無 作相, 識空故無覺相。何以故?)
Hay ở phần giữa bài còn có thêm đoạn: “Thị không pháp: phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại.” Nghĩa là: “Pháp không này: không có quá khứ, không có vị lai, không có hiện tại (3).” (是空法, 非過去、非未來、非現在。)
Ngoài những điều khác biệt kể trên, những phần còn lại của hai bản dịch Huyền Trang và Cưu Ma La Thập giống nhau từng chữ một.
Sự khác biệt giữa các bản dịch Hán văn với bản Phạn ngữ cũng nhiều, và có khi làm đổi cả ý nghĩa của câu văn. Thí dụ như vế được xem là chủ đề của bài tâm kinh này với 2 câu, “Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc” (có nghĩa là “thể xác là hư vô, hư vô là thể xác. Thể xác không khác hư vô, hư vô không khác thể xác”) trong bản dịch Hán văn của Huyền Trang, thì trong bản Phạn ngữ vế này gồm có 3 câu, chứ không chỉ có 2 như thế.
Nguyên bản Phạn ngữ của vế này là: “Rupam sunyata, sunyataiva rupam. Rupam na-prithag sunyata, sunyata na-prithag rupam. Yad rupam sa sunyata, ya sunyata tad rupam”.
(Rupam (rupa): sắc tướng, vật thể, thể xác; 
sunyataiva: Sunyata: trống không, hư vô + iva: giống hệt như;
Na: không (ngược với có);
prithag: tách khỏi, lìa ra, hay cũng còn có nghĩa là: một cách khác biệt;
yad… sa hay ya… tad: cái gì là… cũng là.)
Ba câu này có nghĩa là: “Thể xác là hư vô, hư vô giống hệt như thể xác. Thể xác không tách rời hư vô, hư vô không tách rời thể xác (hay còn dịch là “Thể xác không khác hư vô, hư vô không khác thể xác”). Cái gì là thể xác cũng là hư vô, cái gì là hư vô cũng là thể xác”.
Hay một đoạn chính yếu nữa của bài tâm kinh này cũng có sự khác biệt giữa các bản Hán và Phạn ngữ. Bản Hán ngữ của Huyền Trang viết: “Xá Lợi tử! dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại, cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.” Tức là: “Con trai của Xá Lợi! Vì không đạt (ở đây có nghĩa là đạt niết bàn), cho nên Bồ-đề-tát-đỏa nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên tâm ngài không còn chướng ngại (vô minh). Không còn chướng ngại cho nên không sợ hãi, tránh xa được các mộng tưởng điên đảo, và rút cuộc đạt được niết bàn.”
Đoạn này trong bản tiếng Phạn là: “Tasmac Sariputra! Apraptivad, Bodhisatt-vasya Prajnaparamitamasritya Viharatya cittavaranah. Cittavarana-nastivad atrasto viparyasatikranto, nisthanirvana.”
Nghĩa là: “Bởi thế, con trai của Xá Lợi! Dù đã nói không đạt (niết bàn), nhưng vì chư Bồ tát nhất tâm thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên tâm các ngài dứt được mọi chướng ngại. Tâm hoàn toàn không vướng chướng ngại cho nên không sợ hãi, chế ngự được các suy tưởng sai lạc, và rút cuộc vẫn nhập niết bàn.”
(Tasmac: Vì thế
Putra: Con trai, đứa bé trai bằng tuổi con mình, tiếng gọi thân tình “thằng con”;
SariPutra: Tên gọi của đại đệ tử của Phật Thích Ca. Cha ông tên là Tissa và mẹ ông tên là Sari (phiên âm ra Hán văn là Xá Lợi). Theo tục cổ bên Ấn Độ người ta gọi con trai cả bằng tên mẹ, cho nên ông được gọi là Sariputra có nghĩa là con trai của bà Sari. Vì tên cha ông là Tissa, cho nên có khi ông còn được gọi là Upatissa;
Apraptivad: (A: không, ngược lại với có + Prapta: đạt được, sở đắc + Vad: rút ngắn của Vadate: nói, khẳng định, tuyên bố): Đã nói (tuyên bố) là không sở đắc (đạt được);
Bodhisattvasya: (Bodhisattva: Bồ tát + Vasya: nhất tâm, chăm chỉ): Bồ tát nhất tâm;
Asritya: thực hành, luyện tập, tu luyện…;
Viharatya: dứt, cắt đứt;
Cittavarana: (Citta: tâm, tim, lòng + Varana: chướng ngại, lưỡng lự, ngăn trở): tâm bị chướng ngại;
Cittavarananastivad: (Cittavarana: Tâm vướng chướng ngại + Nasti: không hiện hữu, không có + Vad: khẳng định): Tâm hoàn toàn không vướng chướng ngại;
Atrasto: (A: không + trasta: sợ hãi, run sợ): không sợ hãi;
Viparyasariskranto: (Viparyasa: Sai lầm, tưởng tượng sai lạc sai thành đúng, trái thành phải, v.v. +Ariskranta: chế ngự, vượt qua, thoát được): chế ngự được các suy tưởng sai lạc;
Nisthanirvana: (Nistha: cuối cùng, rút cuộc, lên trên, vào trong + Nirvana: niết bàn): Rút cuộc nhập niết bàn;)
Trong các bản dịch ra Hán văn phổ biến không thấy câu khai chú của Bát-nhã Ba-la-mật-đa Bồ-tát như trong bản Phạn ngữ: “Namo Bhagavataya Arya Prajna-paramitaya”, tức là “Nam mô Bạt dà phạm đa dạ A lị da Bát-nhã Ba-la-mật-đa dạ”. Hay câu khai chú “Namo sarvajnaya”, tức là “Nam mô Nhất Thiết Trí dạ” của phái Kim Cương. Ngoài ra, đoạn “Độ nhất thiết khổ ách (cứu giúp mọi khổ nạn)” ở cuối vế đầu trong bản dịch Hán văn của Huyền Trang cũng không thấy có trong các bản Phạn ngữ. Và trong bản Phạn ngữ còn có chữ “na apraptih” tức là “vô vô đắc” mà các bản Hán văn không có. Toàn thể đoạn này phải là “Na jnanam, na praptih na apraptih”, tức là “vô trí, vô đắc, diệc vô vô đắc (không suy nghĩ, không đạt, thậm chí không có cả sự không đạt)”.
Phần còn lại của các bản Phạn và Hán thì đại đồng tiểu dị tương đối giống nhau.

Phương pháp khởi động linh khí prana - Năng lượng vũ trụ


Rất khó để dịch chính xác prana ra Việt ngữ. Dịch là khí, hay thậm chí nội công, là không chính xác. Người Trung Quốc gọi nó là ngoại khí, hay tiên thiên khí. Người Tây phương gọi chung nó là điện (electricity) hay, kỹ hơn, là điện từ trường (electro-magnetism). Người Việt nhiều khi gọi nó là điển. Wikipedia giải thích prana “là năng lượng vũ trụ được tin là đến từ mặt trời và kết nối tất cả các nguyên tố của càn khôn vũ trụ. Là năng lượng hay năng lực gốc của vũ trụ, điều khiển sự sống, nhiệt lượng và sự bảo trì của cơ thể; prana là tổng thể của tất cả các năng lượng hiển thị trong càn khôn vũ trụ”.
Prana được tạo ra từ chấn động rung nguyên thủy (primordial vibration), tức là từ chấn động rung với tần số của âm thanh (primordial sound) Aom.
Ai cũng biết rằng mọi vật đều được tạo ra từ các nguyên tử do chấn động rung hay sự giao động ở tần số cao sinh từ trường kết dính lại mà thành. Từ vật chất đến âm thanh, ánh sáng và tất cả; tất cả đếu được tạo thành như thế. Các tôn giáo đều nhắc đến chấn động rung thiêng liêng. Các khoa học gia cũng đồng ý với sự quan trọng của các chấn rung. Einstein đã phát biểu rằng, “tất cả mọi thứ đều là chấn động rung (everything is vibration)”…
Nhà thần học và trị liệu ngoại cảm Edgar Cayce (1877-1945) nổi tiếng của Hoa Kỳ “tôn sùng” chấn động rung nguyên thủy vào bậc nhất. Ông đặt trọng tâm phương pháp trị liệu của mình vào chấn động rung. Ông giải thích rằng cơ thể con người được tạo thành từ chấn động rung. Các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều được tạo ra khởi thủy bằng chấn động rung. Khi chúng có tần số rung đúng của mình thì chúng ta khỏe mạnh. Một bộ phận thân thể bị tổn thương, tức là bị bệnh, khi tần số rung của nó vì lý do nào đó bị sai lệch. Điều chỉnh tần số rung cho đúng trở lại thì sẽ khỏi bệnh. Tần số rung đúng, lành mạnh của các cơ quan, bộ phận trong toàn cơ thể dẫn đến trường thọ, trường sinh…
Cayce cho rằng tần số rung của Aom là tần số rung nguyên thủy của tất cả. Nhưng quan trọng là phải biết âm thanh chuẩn xác của nó, và phải biết cách để có thể áp dụng Aom và rung chấn của nó vào cơ thể và đời sống của chúng ta.
Phái Kriya Yoga cổ điển có một phương pháp gọi là Prana Ahuti (Khởi động Sinh lực điện từ trường) có vẻ sẽ giúp được cho chúng ta việc này.
Prana Ahuti
- Lúc đầu ngồi như thế nào cho thoải mái nhất là được, không nhất thiết phải ngồi xếp bằng. Có thể ngồi trên ghế. Nhưng quan trọng là lưng phải thẳng, cằm nên hơi rút vào, để tạo được đường thẳng từ xương sống lên đỉnh đầu. Quần áo, đầu tóc thoáng rộng. Mỗi lần tập lâu mau tùy ý, nhưng không nên ít hơn 15 phút. Tránh làm việc này giữa 5 và 8 giờ chiều. Tốt nhất lúc đầu là giữa 10 giờ tối và 01 giờ sáng.
- Làm khẩu ấn (Khechari Mudra) ở miệng: môi chạm môi, răng cửa trên cắn vào răng cửa dưới (điều này rất quan trọng), lưỡi co lên đụng vào cái gờ trên lợi phía trên răng cửa hàm trên. Mắt nhắm nhưng hướng xuôi xuống thoải mái tự nhiên như ở tư thế đọc sách để cho trên đỉnh đầu thư giãn, không bị khép vào.
- Niệm khoan thai vài lần hồng danh của vị giáo chủ của tôn giáo mình, thí dụ như Nam Mô A Di Đà Phật, ở chỗ huyệt Bách Hội, tức là chỗ luân xa số 7 trên đỉnh đầu, để chỉ cho phép từ trường tốt vào mình thôi. Các tạp khí khác không vào thân thể mình được.
 
Prana Ahuti

Mường tượng một vòng lốc xoáy prana xoay rất nhanh theo chiều thẳng đứng vào trong đầu theo chiều kim đồng hồ, tức là xoáy vào. Vòng lốc xoáy này có chiều cao khoảng 10 cm và chiều rộng miệng khoảng 7 cm. Gốc của vòng xoáy chỗ xuyên vào đầu nhỏ hơn đầu đũa. Nhiều nơi khi dậy prana ahuti chỉ dẫn rằng người tập nên cảm thấy bàn tay Chân sư phía trên vòng xoáy. Prana từ lòng bàn tay xuyên thẳng qua luân xa 7 vào trong đầu. Và năng lượng từ bàn tay tỏa ra phủ hết cơ thể mình. Nhưng phải nhớ rằng vẫn chỉ để ý đến lốc xoáy prana đi vào đầu mình mà thôi. Chân sư ở đây thật ra có thể là thầy (guru) của mình, hay cũng có thể là đấng Giáo chủ của tôn giáo của mình hay Tạo hóa, Thượng đế…

.
- Thư giãn và quên đi toàn thân thể, chỉ chú ý một cách nhẹ nhàng, thoải mái vào vòng lốc xoáy prana ở luân xa 7. Không mong đợi gì, chỉ chú ý vào vòng lốc xoáy quay rất nhanh vào trong đầu ở đó. Thỉnh thoảng thầm niệm nhẹ nhàng Aom hay một câu chú quen thuộc của tôn giáo mình ở luân xa.
- Nếu bị tản ý thì quay tâm ý trở lại chú vào câu chú ở luân xa. Cứ làm như thế để kích thích luân xa này, và để từ từ mở các lớp chắn bảo vệ của luân xa ở bên trong. Tự mình mở luân xa cho mình là an toàn nhất. Vì khi mình đã tập đủ để xuyên qua được hết các lớp bảo vệ luân xa thì cơ thể và tâm linh mình đã sẵn sàng. 
- Dần dần khi không ngờ đến thì nó đến… Nghĩa là không để ý đến nó, cứ nhẫn nại làm việc này mỗi ngày cho thành một thói quen, một tập quán. Đến một lúc nào đó khi để ý sẽ thấy có cảm giác như giật giật, quay quay ở luân xa số 7. Tất cả đều là sự rung động hay giao động (vibrations). Mỗi người có cảm nhận đầu tiên ấy khác nhau. Càng mong ước, thúc giục thì càng khó cảm thấy…
- Khi đã có cảm nhận rồi thì thỉnh thoảng niệm Aom trong lốc xoáy đó cho nó theo lốc xoáy mà đi vào đầu. Huyền âm của luân xa số 7, chỗ prana đi vào đó, là Aom. Đây là luân xa và đại huyệt chủ của toàn thân thể. Những gì nhận được ở đây sẽ theo tất cả các kinh mạch, cả thể chất lẫn tâm linh, mà truyền vào bên trong.
- Điều quan trọng của việc luyện tập tâm linh là lòng tin tuyệt đối, sự kiên quyết và tâm nhẫn nại, kiên trì. Lòng tin không những vào sự hiện hữu của các trạng thái tâm linh, mà quan trọng nhất là tin vào chính mình. Không ai không có khả năng tâm linh. Nếu không cảm thấy thì chỉ vì mình không dám tin điều đó thôi. Thật ra mình chẳng thua kém gì các thánh, các vị đã giác ngộ, vì tất cả đều từ cùng một nguồn gốc. Chỉ có điều họ có lòng tin, và sư kiên trì mãnh liệt hơn mình… 
Trên đây chỉ là phần khởi đầu của phương pháp Prana Ahuti cổ điển. Ai đã tập thành công phần này mới nên tiếp tục tập các phần kế tiếp.
Bài tập phụ:
Trong khi luyện Prana Ahuti, cũng nên để thêm ít thì giờ tập bài tập này để chuẩn bị cho việc điều khiển prana sau này, nhất là cho việc trị liệu bản thân:
Tập niệm Aom hay một câu chú ngắn, hoặc cũng có thể là một câu nói tốt đẹp không dấu như “ yêu thương”, ở 3 chỗ: 
- Điểm thứ nhất là ngay bên trong hộp sọ chỗ cao nhất của đỉnh đầu, nơi tọa lạc của luân xa số 7.
- Chỗ thứ hai là khu vực tuyến Tùng quả trong đầu, ở nơi giao tiếp của đường thẳng từ giữa 2 lông mày và đường thẳng xuống từ điểm thứ nhất.
- Chỗ thứ ba là ở mặt trong xương sống chỗ giữa trái tim. Lúc đầu niệm ở từng chỗ cho quen. Sau đó niệm hai chỗ một lúc. Và quen rồi thì niệm cùng lúc ở ba nơi đó…

Phật A Di Đà và Phật Thích Ca: là hai hay là một?

Tổng hợp qua internet



Yahoo Hỏi-Đáp bình chọn trả lời hay nhất là:
   Chư Phật đều giống nhau.
   Các Ngài vốn đã Vô Ngã, không còn chấp vào cái tên nữa. Do đó, Phật Thích ca cũng là Phật A Di Đà, Phật Di Đà cũng là Phật Thích Ca.
   Chỉ có phàm phu mới còn chấp vào cái tên mà phân biệt Phật này, Phật kia.

Theo mình đọc qua các bản Kinh thì thấy đó là hai vị phật riêng biệt.
Cả hai tuy cùng là thái tử, cùng từ bỏ kinh thành, đi tu rồi thành Phật, nhưng phật A Di Đà là giáo chủ của Tây Thiên Cực Lạc (an vui), còn phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của cõi Ta bà (đau khổ).
Phật Thích Ca là nhân vật có thực trong lịch sử (tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm), là người lập nên đạo Phật.

Chân dung được cho là của phật Thích Ca năm 49 tuổi, do môn đệ là Tôn giả Phú Lâu Na vẽ. Nghe nói bức này hiện có tại Bảo tàng Anh quốc. Có bạn nào đang ở Anh đã từng đến xem chưa nhỉ? (Toàn bộ hình là lấy từ internet. Trong cả bài này, các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản lớn hơn).

   Qua lời giảng của phật Thích Ca, môn đệ ngài mới biết đến… phật A Di Đà (Kinh A Di Đà) – một vị Phật đã có từ trước đó “mười ức kiếp”, đang cai quản một thế giới cực lạc. Theo phật Thích Ca, khi còn ở cõi Ta bà này, người ta nên phấn đấu để được tái sinh vào thế giới cực lạc ấy bằng cách tu tập, thành tâm hướng về.
Theo lời giảng của Phật Thích Ca, những người hằng tâm tu tập và niệm phật A Di Đà, lúc lâm chung sẽ thấy phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát đi cùng hiện ra đưa về tái sinh ở cõi Tây thiên Cực lạc.

   Trên tranh, phật A Di Đà thường được có thân (hoặc áo cà sa) đỏ, là màu mặt trời lặn ở cõi Tây. Cà sa phật A Di Đà có khoét vuông ở cổ, trước ngực có chữ vạn. Đầu phật có các xoắn ốc tóc. Nếu ở tư thế ngồi thì ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền định (hai ngón cái chụm đầu vào nhau, các ngón còn lại đan nhau), trên tay có một cái bát, là dấu hiệu của giáo chủ (cõi Tây Thiên).
Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật



Tranh vẽ phật A Di Đà với cà sa đỏ khoét  cổ vuông, đầu có các xoắn ốc tóc. Tay ở ấn thiền định, ngồi kiết già trên tòa  sen.

   Một số tranh, tượng có thêm con công là phương tiện di chuyển của phật A Di Đà.

Phật A Di Đà cưỡi công

  Bạn cũng hay thấy tranh, tượng thể hiện phật A Di Đà ở tư thế đứng một mình, vẫn trên đóa hoa sen, nhưng như lơ lửng trong không trung. Bên dưới là biển cả nổi sóng (cõi Ta Bà). Mắt phật nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười nhân từ, tay phải buông xuống để chờ cứu vớt chúng sinh đang chìm trong bể khổ.

Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật

    Nhưng nhiều nhất, bạn hay thấy phật A Di Đà bên cạnh có hai vị đại Bồ tát: Quán Âm (bên trái Phật, cầm cành dương và bình nước cam lồ) và Đại Thế Chí (bên phải Phật, cầm bông sen xanh).

Phật A Di Đà với bồ tát Quán Âm và Đại Thế Chí (gọi là hình ảnh Tam thánh). Nhưng theo bạn A-tu-di thì người bên trái có 4 tay là Quan Âm Tứ Thủ, người bên phải cầm chày kim cang, ngồi trên tòa sen là đức Liên Hoa Sanh – người đã lập ra phái Kim Cương Thừa.

 

Phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát cai quản cõi Tây Thiên cực lạc.

    Trong khi đó, tượng phật Thích Ca thường được vẽ một mình, hai bên không có hai vị bồ tát. Phật mặc áo cà sa vàng, choàng chéo qua vai, đầu thường có một búi tóc cao. Tay phật có thể ở các tư thế khác nhau như ấn xúc địa (chạm đất), ấn vô úy (không sợ hãi), ấn giáo hóa, ấn thiền định…

Tượng phật Thích Ca với áo cà sa không khoét cổ, tóc có búi, tay ở một thế  ấn thiền định.


Tượng phật Thích Ca với tay ở ấn chuyển pháp luân.

 

Phật Thích Ca với tay ở ấn vô úy

Ngoài ra, ở nhiều chùa, tượng phật Thích Ca là dạng Đức Phật mới sinh, với tay chỉ thiên tay chỉ địa.

   Nói vậy, nhiều khi trên tranh-tượng, các họa sĩ, nghệ nhân cũng thể hiện… đa dạng lắm, chưa kể Phật ở mỗi nước còn có thể mang hình dạng khá là khác nhau.
      Nhưng tóm lại, A Di Đà và Thích Ca là hai vị khác nhau. Vậy thì, lời khấn cũng khác nhau chứ: 
     “Nam mô A Di Đà Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật A Di Đà”

   Còn “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật Thích Ca Mâu Ni”
  Các bạn biết thế nhé, để đứng trước tượng Phật nào thì niệm đúng tên Phật nấy. Thí dụ như mình, từ khi phân biệt được hai Phật là khác nhau thì mình hay khấn phật Thích Ca mỗi khi vào chùa.
   Chú thêm: Kiến thức bài này toàn là mình cóp nhặt trên mạng. Nếu thấy sai chỗ nào, các bạn nhớ sửa nhé, cho mình học thêm luôn.

Cực lạc và Niết bàn ngay trong hiện tại

Những người không hiểu Phật pháp thường cho rằng tu theo đạo Phật là hướng đến một thế giới khác, đó là cõi Cực lạc hay Niết-bàn. Do nhận thức sai như thế nên không ít người cho đạo Phật là tiêu cực, bi quan, yếm thế.
Niết-bàn hay cõi Cực lạc là có thật, là mục tiêu hướng đến của người tu Phật, nhưng đó không nhất thiết là một thế giới nào đó ở phương Đông hay phương Tây, không phải là một thế giới mà ở đó có những niềm vui phàm tục như người ta tưởng tượng. Và con người cũng không thể có được Niết-bàn hay cõi Cực lạc khi mà ngay trong đời sống này không có được sự bình an, niềm an vui, hạnh phúc của sự rũ bỏ những phiền não khổ đau.
Phật pháp có thể giúp con người an lạc trong hiện tại (hiện tại lạc trú) để có được Niết-bàn hay Cực lạc ngay trong đời sống này. Khi đoạn tận những phiền não khổ đau (vô minh, tham ái, chấp thủ…) thì Niết-bàn có mặt ngay trong cõi đời này. Mà muốn đoạn tận phiền não khổ đau thì phải ứng dụng Phật pháp. Có thể nói một cách đơn giản, Phật pháp là phương pháp của Phật giúp chúng sinh chấm dứt khổ đau, có được an vui hạnh phúc. An vui và hạnh phúc này khác với an vui, hạnh phúc của thế gian, bởi vì nó không có mầm mống của đau khổ.
Đức Phật và các vị Bồ tát, Duyên giác, Bích-chi, La-hán đều không còn bất cứ phiền não khổ đau nào (đã giải thoát) dù các Ngài sống trong cõi đời ô trược này. Các Ngài luôn ở trong Niết-bàn, Cực lạc. Khi còn tại thế, các Ngài an trú trong Hữu dư y Niết-bàn (Niết-bàn khi còn mang thân ngũ uẩn); sau khi thân hoại mạng chung, các Ngài an trú trong Vô dư y Niết-bàn (Niết-bàn khi thân ngũ uẩn không còn) (Tiểu bộ kinh, kinh Phật thuyết như vậy).
Trong kinh Tạp A-hàm, Đức Phật có nói: “Như Lai tuyên bố rằng: thế gian, nguồn gốc của thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này”. Và Đức Phật cho biết về đặc tính của cảnh giới Niết-bàn như sau: “Sự tận diệt tham, tận diệt sân, tận diệt si (vô minh), đó gọi là Niết-bàn” (kinh Tạp A hàm), “Niết-bàn là sự đoạn tận tham ái đưa đến tái sinh”, “Niết-bàn là sự tịnh chỉ các hành” (Trường bộ kinh, kinh Đại bổn), “Niết-bàn là giải thoát tham, sân, si” (Trường bộ kinh, kinh Đại bát Niết-bàn)… Niết-bàn không phải là đối tượng của nhận thức hữu ngã, tham ái, chấp thủ. Niết-bàn vượt lên mọi tư duy, ngôn ngữ, khái niệm, bởi đó là trạng thái an lạc, hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng khi tâm con người thanh tịnh, không còn các phiền não tham, sân, si.
Nếu tu học một thời gian mà tâm tư sầu muộn, mặt mày héo úa, có vẻ buồn bã ủ dột, người khác tiếp xúc cảm thấy nặng nề, không sinh tâm hoan hỷ; thấy ai cũng thấp kém, thấy ai cũng lầm lỗi, chỉ có mình là cao thượng, là chân chính; thấy ai cũng nhiễm ô, chỉ có mình là thanh tịnh; càng tu bản ngã càng lớn, phiền não tham, sân, si càng nhiều; tất cả những biểu hiện đó cho thấy mình đã không thực hành đúng Chính pháp: sai về sự dụng tâm, dụng công, sai về phương pháp tu tập, thực hành Chính pháp, từ đó sự tu tập, thực hành Chính pháp không mang lại an lạc trong hiện tại.
Còn cõi Cực lạc, như kinh A Di Đà có nói rõ: “Chúng sinh ở cõi nước đó không có các nỗi khổ, chỉ thọ những niềm vui”. Cõi Cực lạc là nơi “các bậc thượng thiện nhân câu hội”, ở đó không có kẻ phàm phu tục tử đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… Nên “không thể dùng chút ít thiện căn, nhân duyên phước đức mà được sinh về cõi Cực lạc” mà phải thực hành, tu tập để đạt đến trạng thái “nhất tâm bất loạn” thì mới có thể vãng sinh.
Tuy nhiên, ngay khi đạt được trạng thái “nhất tâm bất loạn”, tâm không còn vọng tưởng điên đảo, không còn phiền não tham, sân, si thì nền tảng của Cực lạc đã có mặt, yếu tố an vui, tịnh lạc của cõi Cực lạc đã có trên cõi đời này, khi ấy Ta-bà chẳng khác gì Cực lạc, và chắc chắn sau khi thân hoại mạng chung sẽ vãng sinh về Cực lạc.
Thực ra cõi Cực lạc cũng là một dạng Niết-bàn, cõi Cực lạc cũng được xây dựng, kiến tạo bởi niềm tin thanh tịnh, hướng thượng (tín), bởi tâm ý hướng thượng (nguyện), bởi công phu tu tập chuyển hóa phiền não khổ đau, thanh tịnh hóa tâm ý (hạnh) bằng pháp môn Tịnh độ (niệm Phật, ăn chay, giữ giới, trau giồi đạo đức, phạm hạnh, bố thí, tu tập tâm từ, bi, hỷ, xả, những chất liệu làm nên cõi Cực lạc), đó cũng là sự tu tập Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.
Khi thành tựu pháp môn Tịnh độ, không còn các phiền não tham, sân, si, tâm thanh tịnh, an lạc hiện tiền sẽ có được cõi Cực lạc ngay trên cõi đời này, đó chính là những gì mà Đức Phật và các bậc Thánh giải thoát đã nói: “Tâm mình tịnh thì quốc độ tịnh” (Kinh Duy ma), “Khi ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh” (Trường bộ kinh), “Ba nghiệp thân, khẩu, ý thường thanh tịnh, cùng Phật đến Tây phương Cực lạc”…
Do đó, khi cho rằng thực hành Phật pháp để sau khi từ giã cõi đời này (chết) sẽ được về cõi Phật, cõi Niết-bàn, đó là một suy nghĩ sai lệch. Chúng ta sẽ chẳng có cõi Niết-bàn, Cực lạc nào cả nếu như trong đời sống hiện tại chúng ta không có được bản chất an vui, tịnh lạc của Niết-bàn, Cực lạc; nếu như tâm chúng ta còn vô minh điên đảo, còn đầy dẫy những phiền não tham muốn, giận hờn, ghét ghen, đố kỵ, kiêu căng v.v… Nên thực hành đúng theo Phật pháp thì chắc chắn chúng ta có được Niết-bàn, Cực lạc ngay trong hiện tại, trên cuộc đời này, và sau khi bỏ xác thân này chúng ta vẫn an trú trong Niết-bàn, Cực lạc. Không có chuyện sau một đời sống đầy những phiền não khổ đau là một đời sống an vui hạnh phúc.
Nếu ngay bây giờ chúng ta sống trong khổ não, bất an, sống trong tăm tối của vô minh mê lầm, tâm đầy phiền não cấu uế, thì dù cho cúng bái, tu hành khổ hạnh, tụng đọc trăm ngàn bài kinh, câu kệ, niệm muôn vạn lần câu Phật hiệu, in kinh tạo tượng, bố thí, cúng dường cũng không có được Niết-bàn, Cực lạc sau khi từ giã cõi đời này (tức sau khi chết như một số người thường nghĩ).
Nhưng nếu làm đúng như lời Phật dạy, bố thí, cúng dường, tu tập đúng pháp thì có thể có được Niết-bàn, Cực lạc ngay trong đời này, ngay khi chưa từ bỏ xác thân này, đó là diệu dụng của Phật pháp. Cho nên mới nói “an lạc trong hiện tại” (hiện tại lạc trú) là một trong những đặc tính của Phật pháp.
Cũng là những việc làm: ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, đọc tụng kinh điển, lễ bái, cúng dường, bố thí, phóng sinh… nhưng không có Chính kiến, Chính tư duy, Chính niệm thì những việc làm đó chỉ là thế gian pháp, tà pháp chứ không phải là Chính pháp, Phật pháp.
Nếu nghĩ rằng phải tu khổ hạnh, sống kham khổ để Phật thấy mà thương, sau khi chết được Phật rước về Cực lạc; nếu nghĩ rằng phải niệm Phật thật nhiều cũng như kêu Phật mỗi ngày để Phật nghe mà đến giải khổ cho mình, cứu độ mình, tiếp rước mình; nếu nghĩ rằng bỏ ra thật nhiều tiền in kinh, tạo tượng, bố thí, cúng dường để lập công, mong muốn Phật thấy những việc mình làm mà ban an vui hạnh phúc cho mình, giúp mình tai qua nạn khỏi, hoặc đưa mình về cõi Phật, cõi Niết-bàn sau khi chết v.v…; tất cả những suy nghĩ đó đều là mê lầm.
Bản chất của Cực lạc, Niết-bàn là vô lậu, thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau, không còn vô minh điên đảo, tham ái, chấp thủ, là an lạc, tịch tịnh… Tất cả những việc tu tập, hành thiện đều nhằm mục đích xả bỏ bản ngã, trừ tâm chấp trước ngã và ngã sở, ta và của ta, xóa đi tâm phân biệt ta và người, đoạn trừ các phiền não tham, sân, si để có được bản chất của Cực lạc, Niết-bàn.
Chính nhờ đặc tính “an lạc hiện tại” (hiện tại lạc trú) mà người tu học xác định được mình có thực hành đúng Chính pháp hay không. Bởi vì trong quá trình học và tu, nếu không thấy an lạc tức là đã thực hành không đúng Chính pháp. An lạc có được của người thực hành đúng theo Chính pháp không giống với những niềm vui thế tục, nó vi diệu hơn, thù thắng hơn, và đặc biệt là không có chứa mầm mống của thất vọng, khổ đau, não phiền. An lạc có được của người thực hành đúng theo Chính pháp là tâm bình an, pháp hỷ, thiền duyệt, tịnh lạc.
Nếu sự tu hành buồn bã, tẻ nhạt, vô vị thì đã không có nhiều người tu. Các bậc vương giả, các nhà hào phú, chẳng ai dại gì từ bỏ đời sống giàu sang nhung lụa, quyền uy danh vọng để đi tu. Ngày nay cũng không ít người hướng về Phật pháp vốn xuất thân từ gia đình giàu có; không ít người thành đạt trong xã hội, có địa vị, quyền thế, có sự nghiệp lớn; không ít người vốn thuộc hàng danh gia vọng tộc, thuộc tầng lớp trí thức, là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, là bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học… Chính vì họ tìm thấy được niềm an lạc trong Chính pháp vượt xa hạnh phúc thế gian mà họ đem cả cuộc đời mình hướng về Chính pháp.


26/11/2015

Nên sử dụng cân bằng mỡ động vật và dầu thực vật trong chế biên thực phẩm

Không dùng mỡ động vật: Thói quen sai lầm và nguy hại

Hiện nay, không ít các gia đình ở thành thị chủ yếu dùng dầu ăn từ thực vật thay vì dùng mỡ động vật. Tuy nhiên, theo bác sĩ (BS) Hoàng Sầm – Viện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam, việc không ăn mỡ động vật sẽ rất nguy hại.

“Không ăn mỡ động vật nguy hại vì không cân đối về mặt dinh dưỡng. Vì dầu thực vật không cấu tạo nên vỏ thần kinh được.

Bao myeline cấu tạo nên các tế bào thần kinh, các vỏ bọc của dây thần kinh. Nếu thiếu cái đó sẽ khiếm khuyết về mặt thần kinh, đặc biệt là mắt” – BS Sầm cho biết.

Có lẽ đó là lý do lý giải vì sao những người sinh ra ở miền núi, không hề được tiếp xúc với dầu thực vật, chỉ ăn mỡ lợn, bò, trâu, dê nhưng không ai bị cận thị. Thậm chí, có nhiều cụ già đã ngoài 90 tuổi vẫn xâu kim không kính.

Có thể từ nhỏ cụ già 90 tuổi ấy đã được ăn 1 lượng đủ cholesterol, Sphingosine (2-amino-4-octadecene-1,3-diol) từ mỡ động vật để đủ tạo ra 1 lượng sphingomyelin cấu tạo nên lớp vỏ myeline thần kinh đáy mắt.

Mỡ động vật tốt cho sức khỏe đã được các tài liệu khoa học chứng minh cụ thể.

BS Hoàng Sầm dẫn chứng, trong sách bách khoa thư bệnh học tập 2, nhà xuất bản từ điển bách khoa, bài “Thực Y” trang 418, cố giáo sư y thực Lê Minh đã viết: “Mỡ thực vật và mỡ động vật nên cùng có trong khẩu phần. Tỉ số mỡ động vật và mỡ thực vật nên là 1/1,5”.

Bác sĩ này cũng lưu ý, giai đoạn kiến tạo cơ thể của trẻ thì trẻ con nên ăn mỡ động vật là chính, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 70/30.

Sau 35 tuổi trở lên, giai đoạn cơ thể đã trưởng thành tới lúc trung niên, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 50/50. Trên 60 tuổi, giai đoạn người có tuổi, cao tuổi, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 30/70.

“Dầu ăn và mỡ động vật, mỗi cái có ưu, nhược điểm khác nhau, chẳng cái nào hơn cái nào, tùy thuộc từng lứa tuổi, từng giai đoạn” – BS Sầm nhấn mạnh.

 BS. Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm tư vấn dinh dưỡng: Trẻ con càng cần phải ăn mỡ động vật, thay vì chỉ dùng dầu ăn.

Đồng tình với quan điểm trên, BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, nếu các gia đình hiện đại thời nay chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ động vật là một quyết định sai lầm.

“Thói quen này không tốt, có thể nói là sai lầm. Người lớn ngoài 50 tuổi trở ra bị rối loạn chuyển hóa chất béo như tăng cholesterol thì mới phải kiêng ăn mỡ. Còn trẻ em càng cần phải ăn mỡ” – BS Hải nói.

Hiện nay, nhiều công ty sản xuất dầu ăn tung ra các quảng cáo cảnh báo khiến người dân ngộ nhận rằng, ăn mỡ động vật gây béo phì còn dầu ăn thì đầy đủ dưỡng chất, tốt cho sức khỏe.

Nhưng theo BS Hải, điều này chỉ đúng với các người già, người trưởng thành, còn trẻ em lại ngược lại.

“Trẻ dưới 1 tuổi phải ăn 70% mỡ. Đối với người trưởng thành, khi nào bị cholesterol máu thì mới phải kiêng ăn mỡ chứ bình thường không phải kiêng”, bà nhấn mạnh.

Việc người dân thành thị nhiều năm ròng đều “nói không” với mỡ động vật, theo BS Hải, nguyên nhân là do tuyên truyền của chúng ta đến cộng đồng không đúng, chưa đầy đủ và cặn kẽ, dẫn tới việc hiểu sai lệch và vận dụng vào chế độ ăn uống không tốt.

Không biết cách sử dụng, dầu ăn có thể gây ung thư

Theo BS.Hải, trong bữa ăn hàng ngày, dầu chỉ nên dùng để trộn salat hoặc nấu những món ăn không cần nhiệt độ cao. Còn nếu chiên, rán ở nhiệt độ cao thì dầu ăn lại có nhiều tác hại.

Bởi dầu ở nhiệt độ cao chuyển hóa thành chất trans fat, oxy hóa rất độc hại gây nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Trong khi đó, mỡ động vật xào rán ở nhiệt độ cao ít bị biến đổi chất độc hại như dầu ăn.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm) cũng cho biết, thông tin về các loại dầu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu nành không tốt sức khỏe, gây ung thư là vừa đúng vừa sai.

Bởi dầu ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao thì mới tạo ra chất độc hại vì dầu sôi ở nhiệt độ cao thì sẽ gây ra biến đổi chất.

“Tôi khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật là chất béo chứa hợp chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.

Đồng thời, nên hạn chế ăn đồ chiên rán, nếu thích ăn thì nên chiên rán non thôi, không nên rán thật kỹ, thật giòn” – ông Thịnh bày tỏ.

PGS.TS Thịnh khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật, vì ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.

PGS.TS Thịnh khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật, vì ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.

Còn chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải thì khuyên, trong gia đình, nên có cả dầu ăn và mỡ. Dầu chỉ dùng để trộn salat, phục vụ cho món xào còn chiên, rán ở nhiệt độ cao nên dùng mỡ.

“Nhà tôi ăn cả 2, cả dầu, cả mỡ nhưng rất ít. Ai cũng sợ béo nên chủ yếu chỉ luộc, hấp thôi, chứ hạn chế chiên, xào, rán” – BS Hải chia sẻ.

Thêm vào đó, bác sĩ này cho biết, không riêng gì mỡ động vật mà đối với dầu thực vật, nếu ăn nhiều cũng gây nguy cơ béo phì.

Dầu thực vật chứa nhiều acid béo chưa no (chưa bão hoà) và không có cholesterol (ngoại trừ dầu dừa, dầu cọ, dầu ca cao). Mỡ động vật chứa nhiều acid béo no (bão hoà), có khả năng tạo ra cholesterol (trừ mỡ cá thu, cá hồi, cá trích... chứa nhiều omega3 và omega6).

Vì vậy, BS Hải cho hay, nếu không ăn mỡ động vật có thể gây thiếu cholesterol, trong nhiều trường hợp có thể làm thành mạch máu bị mủn, vỡ gây tai biến, đột quỵ cũng giống tăng cholesterol.

Bà nhấn mạnh, cholesterol là thành phần tổng hợp nội tiết tố sinh dục nam. Thiếu cholesterol nhất là đối với trẻ em sẽ không tốt. Ví dụ, tổng hợp Vitamin D3 nội sinh dưới tác dụng ánh nắng mặt trời, phải có cholesterol.

“Nói chung, chúng ta phải ăn cân bằng. Tùy từng lứa tuổi, tỷ lệ dầu – mỡ sẽ khác nhau. Ở người trưởng thành nên ăn 50 – 50 trừ trường hợp có bệnh phải kiêng dầu – mỡ. Trẻ con thì cần mỡ còn người lớn thì ít cần hơn” – BS Hải kết luận.

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch, ung thư và tai biến mạch máu não là ba nhóm bệnh đứng hàng đầu gây tử vong cho con người. Nếu chỉ dùng dầu thực vật mà không sử dụng mỡ động vật thì các tác dụng tốt này của mỡ đối với cơ thể chúng ta sẽ bị suy giảm,nên sẽ có hại cho sức khoẻ của chính bản thân chúng ta.

Công dụng của Gừng

Dân gian có câu “buổi sáng ba miếng gừng, hơn là uống canh sâm” hoặc là “mỗi ngày ba miếng gừng, không phiền bác sĩ kê đơn thuốc”.

Dưới đây mình giới thiệu về 24 công dụng kỳ diệu của gừng:

Lở loét miệng

Dùng nước gừng nóng súc miệng thay trà, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần. Thông thường 6 đến 9 lần là hết lở loét.

Đau răng do viêm nha chu gây ra

Dùng nước gừng nóng súc miệng thay nước trà, sáng tối một lần. Hoặc có thể cắn miếng gừng tại chỗ đau răng, có thể làm giảm cơn đau.

Đau nửa đầu

Khi bị đau nửa đầu, có thể dùng nước gừng nóng để ngâm hai tay khoảng 15 phút. Cảm giác đau sẽ giảm nhẹ hoặc biến mất.

Giải rượu

Dùng nước gừng nóng cộng thêm lượng mật ong thích hợp có thể giảm bớt hoặc loại bỏ say rượu.

Đầu có gàu

Trước tiên là dùng gừng tươi chà rửa tóc, sau đó dùng nước gừng nóng gội đầu, sẽ giúp ngăn ngừa và trị gầu.

Đau lưng dưới bả vai

Cho một ít muối và chút giấm vào trong nước gừng nóng, sau đó dùng khăn thấm nước, rồi đắp vào chỗ đau, làm đi làm lại nhiều lần, có thể làm giảm cơn đau.

Bệnh giun sán

Mỗi ngày trước khi đi ngủ dùng nước gừng nóng rửa sạch vùng bụng, rồi uống một đến hai ly nước gừng nóng, duy trì trong khoảng 10 ngày là trị giun sán.

Chữa hôi chân

Ngâm chân vào trong nước gừng nóng, lúc ngâm cho thêm chút muối và giấm. Ngâm khoảng 15 phút thì lau khô, xoa thêm một ít phấn hoạt thạch, mùi thối sẽ biến mất.

Cao huyết áp

Lúc huyết áp tăng cao, có thể dùng nước gừng nóng ngâm chân khoảng 15 phút. Do tính phản xạ làm giãn huyết mạch, làm huyết áp giảm xuống.

Đau đầu cảm lạnh

Ngâm hai chân vào trong nước gừng nóng ngập đến mắt cá chân là được. Có thể cho thêm muối, giấm và ngâm đến khi mu bàn chân đỏ lên. Cách này rất có công hiệu điều trị cảm lạnh phong hàn, đau đầu, ho. Ngoài ra, có thể cắt sợi gừng tươi, cho thêm đường đỏ nấu canh. Uống khi vẫn còn nóng rồi đắp chăn cho đổ mồ hôi, cảm lạnh sẽ nhanh chóng được trị khỏi.

Nổi mày đay

Cháo gừng tươi quế chi: 10 miếng gừng tươi, 3g quế chi (dạng bột), 50g gạo cứng, 30g đường đỏ, nấu thành cháo lỏng, ăn 1 đến 2 lần mỗi ngày.

Cổ họng sưng đau

Cho một chút muối ăn vào trong nước gừng nóng, uống như uống trà.

Đau xương khớp

Ăn lượng gừng tươi hoặc dùng nước gừng chà vào chỗ đau, có thể cải thiện hoạt động của xương khớp, cơn đau giảm nhẹ rõ rệt, giảm bớt triệu chứng sưng tấy và tê cứng.

Đau bụng kinh

Bỏ 2 đến 3 hạt sơn trà vào trong nước gừng nấu đường đỏ, một ngày uống 2-3 lần là khỏi.

Tay chân nổi mụn nhọt nhưng chưa lở loét

Có thể dùng gừng tươi nấu nước ngâm tay, ngâm chân. Đối với da dễ bị nổi mụn nhọt, nếu dùng nước gừng bôi liên tục nhiều lần, có thể làm tăng khả năng kháng hàn, từ đó chống được nổi mụn nhọt.

Nổi rôm

Dùng gừng cắt lát đắp bên ngoài, rôm sẽ nhanh chóng biến mất, người lớn trẻ nhỏ đều khả dụng.

Nhiều gàu, rụng tóc

Thường xuyên gội đầu bằng nước gừng ấm, hiệu quả rất tốt, rất đáng thử.

Mùi hôi cơ thể

Mỗi ngày dùng gừng lát chà nhiều lần, có thể giảm bớt mùi hôi rõ rệt.

Gừng trị vết thương ngoài chảy máu

Lấy gừng nướng cháy nghiền thành bột, sau khi khử trùng vết thương, rắc lên vết thương, có thể có thể làm giảm đau và cầm máu ngay lập tức.

Vết thương rắn cắn

Dùng bột gừng đắp ngoài vết rắn cắn.

Say xe

Uống một ít nước gừng trước khi lên xe, hoặc cắt một miếng gừng dán vào phía trong cổ tay tại vị trí cách đường kẻ sọc cổ tay khoảng 2 phân, dùng khăn bọc lại. Cũng có thể ngậm vài lát gừng trong lúc đang ngồi xe, sẽ giúp hạn chế được say xe nôn ói.

Buồn nôn ói mửa

Lúc dọn rửa vật dơ bẩn cảm thấy buồn nôn muốn ói, trước lúc làm nên ngậm một lát gừng là tránh được.

Bị ngất do hạ đường huyết hoặc say nắng

Có thể dùng bột gừng hoặc nước đường với gừng để uống, sẽ có tác dụng giải cứu.

Ho

Dùng 15g gừng tươi nấu nước, cho thêm đường trắng đủ ngọt rồi uống khi còn nóng để trị viêm ho. Ngoài ra, dùng 30g gừng tươi nấu nước, tắm cho trẻ em, có thể trị bệnh ho cho trẻ.

Cố mà sửa thôi


01. Sửa tật nói năng bạt mạng. Nên ăn nói từ tốn, nhã nhặn.


02. Người ta nhắn tin nhất định phải trả lời, dù không muốn nói chuyện hay không biết nói gì cũng nên dùng biểu tượng hay dấu câu để diễn đạt khéo léo. Không trả lời tin nhắn không phải là cao giá lạnh lùng, mà là thiếu văn hóa.

03. Đừng vội vàng “trông mặt mà bắt hình dong”.

04. Dùng ‘cảm ơn bạn’ thay cho 'cảm ơn’. Chỉ khác 1 chữ nhưng thành khẩn hơn rất rất nhiều.
05. Đừng nói bí mật cho gió, gió sẽ thổi nó đi khắp cánh rừng.

06. Những lời không nói được trước mặt người ta, thì cũng đừng nói sau lưng họ.

07. Một cô gái luôn cười tươi vui vẻ lúc nào cũng đáng yêu hơn một cô gái mặt như đưa đám cả ngày.

08. Chưa được họ cho phép thì đừng tự ý xem điện thoại của họ.

09. Một cô gái được các chàng trai yêu thích cũng chẳng nói lên được điều gì, nhưng một cô gái được rất nhiều bạn gái khen ngợi thì thật sự lợi hại.

10. Khi người khác ngủ thì biết im lặng.

11. Có chuyện gì thì phải nói ra, đừng chờ người ta tự hiểu, vì người ta không phải là bạn, không biết bạn nghĩ gì. Càng chờ sẽ càng thất vọng, đau lòng mà thôi, nhất là trong chuyện tình cảm.

12. Quan hệ giữa người với người là quan hệ bình đẳng, đừng nghĩ đến chuyện dựa dẫm hay lợi dụng bất cứ kẻ nào.

13. Khi người ta hỏi bạn “làm sao thế” thì đại đa số chỉ vì thỏa mãn sự hiếu kỳ, không phải muốn giúp đỡ bạn đâu.

14. Khi người khác nói họ thích gì đó, hy vọng bạn đừng phản bác, vì chúng tôi đều thật lòng thích điều chúng tôi nói đến, nhưng bạn lại nói điều đó không tốt thế nào, xấu xí thế nào… sự thẳng thắn đó của bạn, là sự ích kỷ.

15. Đừng nói đùa quá đà với người không quen, mà kể cả quen thân cũng không nên.

16. Trước mặt người bạn ghét, đừng tỏ ra mình ghét họ, cũng đừng nói xấu họ với những người quen của họ.

17. Nói thế nào nhỉ, phá vỡ sự hào hứng, vui vẻ của người khác là hành động rất mất lịch sự.

18. Không phải ai cũng thích đùa.

19. Có nhiều người thích giả ngu, nhưng đừng vì thế mà nghĩ họ ngu thật.

20. Từ chối cũng phải kiên quyết. Chuyện gì cũng cần bày tỏ rõ ràng quan điểm.

21. Hãy cư xử lịch sự với các nhân viên ngành dịch vụ.

22. Người ta có thể tự giễu bản thân nhưng bạn tuyệt đối đừng phụ họa.

23. Nghe nhiều nói ít.

24. Dù là bạn bè thân thiết, cũng đừng luôn trêu chọc sự béo phì hay xấu xí của người khác.

25. Đừng có gặp ai cũng kể khổ, trên đời này có rất ít người biết thông cảm cho người khác, đa phần chỉ nghe như chuyện cười rồi lan truyền khắp nơi, đa phần chỉ nghe một chút là chán ốm rồi.