15/12/2015

Lửa, sắt, nghề rèn và thanh gươm: Những biểu tượng của quyền năng và sự thay đổi

1. Lịch sử phát triển của con người thời tiền sử chia làm ba thời kỳ: thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt. Thời đại đồ sắt là thời kỳ cuối cùng trong hệ thống ba thời đại để kết thúc thời tiền sử.
Thời kỳ đồ đá diễn ra vào thời con người vẫn còn là vượn người, chưa phát triển hoàn thiện; lúc đó con người sử dụng đá để làm công cụ cắt, gọt, đào bới, săn bắt thú; cùng lúc những công cụ lao động bằng xương thú, cành cây, vỏ sò đã ngày càng không phổ biến bằng công cụ bằng đá. Việc tìm ra lửa bằng cách cọ hai hòn đá vào nhau được xem là phát minh quan trọng nhất của con người trong thời đại này.
Lửa đã làm thay đổi to lớn trong đời sống con người vốn mang “tính thú” trước đó; lửa là sự chuyển tiếp quan trọng từ giai đoạn mông muội sang giai đoạn văn minh với một ý nghĩa rất lớn như: nấu chín thức ăn, sưởi ấm khi trời lạnh, soi đường trong đêm tối, xua thú dữ, phát rừng làm rẫy,…- một biểu tượng vĩ đại và quyền uy tối thượng.
Con người nguyên thủy tiếp xúc với lửa nhưng chỉ dựa vào cảm giác chứ chưa có một căn cứ khoa học cụ thể nào. Họ chỉ có thể tin rằng nó huyền bí chứ không thể giải thích nó. Họ đã thần bí hóa nó, điều này làm giảm tư duy lý tính của con người, cũng chính vì vậy mà lửa là một biểu tượng rất thiêng, một sức mạnh vô biên.
Con người nguyên thủy không thể giải thích được lý do vì sao có sấm sét, có cháy rừng… khi những sự việc đó làm ảnh hưởng (xấu hoặc tốt) đến cuộc sống của họ. Họ tin rằng trong lửa mang một sức mạnh thần thánh, từ đó họ đâm ra tôn sùng và thờ phụng nó. Khái niệm thần lửa có lẽ cũng từ đó mà ra đời. Khi con người mang theo lửa bên mình, họ tin rằng mình sẽ được bảo vệ, sẽ được bình an. Ví như lúc trong rừng sâu chẳng hạn, lửa có thể xua thú dữ. Họ cũng tin  rằng lửa có thể xua đuổi tà ma, làm cho chúng không dám đến gần họ.
Người Tây Nguyên không thể không có lửa về đêm; chỉ cần thiếu lửa ít lâu, là họ sẽ ngã bệnh. Nếu, do ngủ say họ để lửa tắt, thì bị cái lạnh của buổi bình minh đánh thức, họ sẽ trở dậy ngay để thổi cho than bùng lên hay đi xin lửa ở nhà sàn bên cạnh.
Khi đi làm việc, họ mang theo mẩu củi cháy dở của mình: trong kỳ dọn rẫy, họ dùng nó để đốt cháy đám cây đã đốn ngã (trong loại đất trồng lúa này, việc dọn đất chủ yếu là bằng lửa), ngày nào cũng vậy, họ dùng lửa để đốt ống điếu của mình. Họ yêu và sợ lửa. Đấy là phương tiện duy nhất của họ để sưởi ấm và chiếu sáng và là công cụ chính để trồng trọt. Nhưng họ sợ sức mạnh quá lớn của kẻ đầy tớ nồng nhiệt này và cố làm chủ nó. Dầu tất cả các vật liệu trong nhà sàn đều hết sức dễ bắt lửa, nhưng ít khi thấy xảy ra nạn cháy vì sơ ý. Khi cần đốt rừng, ngay cả bọn trẻ con cũng có bản năng ngăn lửa và thực hiện việc đó rất hiệu quả[1].
2. Nối tiếp thời đại đồ đá là thời đại đồ đồng. Phát hiện ra đồng là một bước tiến mới trong sự phát triển của con người bởi họ đã bắt đầu bước vào thời đại của kim khí. Đồng có lịch sử sử dụng ít nhất 10.000 năm trước.
Ở thời kỳ này, hình thái kinh tế xã hội nguyên thủy bắt đầu tan rã (thật ra nó đã bắt đầu tan rã từ cuối thời đại đá mới và tiếp tục tan rã khi giai đoạn đồng thau phát triển). Người ta đúc đồng trong các bể đúc bằng đá, những vật dụng, vũ khí bằng đồng được con người ngày nay phát hiện gồm dao găm đồng, mũi tên đồng, lưỡi cày đồng…
Đồng với tính chất mềm dẻo, dễ dát mỏng, dễ uốn nên không thể sử dụng nhiều cho cuộc sống nông nghiệp. Ngày nay chúng ta thường thấy đồng được sử dụng để làm vật dụng truyền tải điện, que hàn, thành phần của hợp kim…Nhiều dẫn chứng cho thấy rằng đồng xuất hiện chỉ là một thành tựu trong quá trình khai phá của con người chứ chưa thể gọi là sự đột biến trong quá trình lao động sản xuất và làm thay đổi kinh tế, xã hội.
Kế đến là thời kỳ đồ sắt. Loài người biết đến sắt rất sớm, quặng sắt phân bố rộng rãi khắp mọi nơi trên quả đất nhưng loài người phát hiện được tính chất rẻ và thông dụng của sắt chậm hơn đồng có đến 3000 năm.
3. Phát hiện ra nghề luyện sắt là một phát minh lớn, một kỳ công rực rỡ, một thành tựu vĩ đại của loài người nói chung và của các dân tộc Việt Nam nói riêng trong đó có các dân tộc ít người ở Trường Sơn-Tây Nguyên.
Quặng sắt ở khắp mọi nơi, trữ lượng lại nhiều, nhưng sắt không hề xuất hiện dưới dạng nguyên chất mà là một kim loại ẩn. Riêng ở một số khu vực trong tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, quặng sắt lại ở dạng lộ thiên (ví dụ địa bàn cư trú của nhóm Xơ Đăng Tơ-Đrăh thuộc hai huyện Kon Rẫy và Đăk Hà tỉnh Kon Tum).
Trong thiên nhiên, sắt luôn hòa hợp với ôxy, thường ở dưới dạng xù xì, xấu xí, màu nâu xám, ít được chú ý đến. Mặt khác, sắt là một kim loại khó nấu chảy. Đồng nóng chảy ở khoảng 1084oC, đồng thau khoảng 700-900oC, nhưng với độ nóng chảy ở 1530oC của sắt, nếu không có sự hoàn thiện của kỹ thuật luyện kim thì không thể nào đạt được.
Thời đại đồ sắt được bắt đầu tính đến trong lịch sử khi mà loài người đã biết rèn sắt để chế tạo các loại công cụ, vũ khí. Không phải ngay từ đầu người xưa đã biết nấu chảy sắt mà họ lấy sắt từ trạng thái bột xốp và dùng nó để làm nguyên liệu chế tạo hiện vật thông qua quá trình rèn. Phương pháp này được gọi là phương pháp thổi sống. Sắt là một kim loại mềm; muốn có được những công cụ sắc, bén, cứng như dao, kiếm, gươm, phải biết tiến hành hỗn hợp sắt và than trong quá trình luyện sắt và rèn sắt.
Với phương pháp thổi sống, người xưa chỉ cần khoảng 900oC là đủ. Lúc đầu tiên, khi mới phát sinh thuật luyện sắt, lò còn rất nhỏ, cấu tạo vô cùng đơn giản. Nói chung, lò thổi sống thường được xây bằng đá, trát hoặc đấp bằng bùn, có lỗ thông gió và thổi gió vào. Quặng sắt sau khi được sàng lọc, đập nhỏ, rửa sạch, sẽ được đem trộn với than củi, xếp theo từng lớp. Dụng cụ để thổi gió mỗi nơi một khác, nhưng nói chung gió được đưa vào lò theo những ống bằng đất sét. Cũng có nơi người xưa không thổi gió vào, mà cứ để cho nó cháy tự nhiên, chầm chậm, dần dần. 
Kỹ thuật luyện ở buổi ban đầu rất thô sơ và dựa trên nguyên tắc là khử cho hết ôxy ở trong quặng sắt để làm cho sắt hoàn nguyên. Lò nhỏ, hơi ít, nhiệt độ không cao, kỹ thuật đơn giản cho nên sắt được hoàn nguyên chỉ là sắt ở trạng thái bột xốp, lỗ trỗ như tổ ong, lẫn lộn với cứt sắt và các loại tạp chất khác đọng lại dưới đáy lò.
Tuy vậy, người ta vẫn gọi chúng là những cục sắt tinh chất. Sau mỗi lần luyện sắt, phải đợi cho lò nguội hẳn mới phá lò lấy sắt ra. Những cục sắt tinh này cần phải được nung đỏ, đập rèn nhiều lần để thành ra những thỏi sắt chín có hình dáng nhất định. Sắt chín mềm hơn sắt sống nhưng có tính co giãn lớn hơn nên rất dễ rèn. Đó là nguyên liệu cơ bản để chế tạo công cụ, vũ khí. Những người thợ rèn sẽ tiếp tục gia công thêm công đoạn tôi thép như sau: nông cụ hay vũ khí được nung nóng lên nhiệt độ cao (khoảng trên 730 độ C – 800 độ C với đa số thép làm dao), ở nhiệt độ cao này, sẽ có biến đổi về cấu trúc bên trong khối thép, toàn bộ khối vật liệu được nung nóng sẽ có cấu trúc đồng nhất và mềm dẻo mang tên là Austenite (gọi theo tên nhà khoa học Austen), người thợ rèn sẽ giữ khối thép trong lò than một lúc đủ lâu để toàn bộ khối thép chuyển biến hết về cấu trúc bên trong, khi nhúng cả khối thép đang nóng đỏ như vậy vào nước lạnh, do nhiệt độ giảm đột ngột, bên trong khối thép sẽ chuyển sang cấu trúc có tên Martensite, là cấu trúc gồm các hình kim, có độ cứng rất cao; vì lý do đó, dao thép sau khi “nung đỏ – bỏ nước” sẽ có độ cứng cao hơn rất nhiều so với bình thường và dĩ nhiên là sắc bén hơn. Đến đây, quá trình luyện sắt xem như kết thúc. Kỹ thuật luyện sắt như thế thật là thô sơ, nhưng lúc đó đã là một thành tựu kiệt xuất trên con đường phát minh sáng tạo của nhân loại.
Như vậy, biết sử dụng sắt để phục vụ cho mình, loài người có thể tạo ra những công cụ, vũ khí có công hiệu lớn. Engels từng cho rằng: “Cung tên đối với thời mông muội, cũng giống như thanh kiếm sắt đối với thời đại dã man và khẩu súng đối với thời đại văn minh”, ông cũng từng gọi thời đại cây kiếm sắt là “thời đại anh hùng” của các dân tộc văn minh. Việc thần thánh hóa sắt, qua truyện Thánh Gióng với việc ngài sai dân gian đúc ngựa sắt, roi sắt không phải là một hiện tượng cá biệt chỉ xảy ra ở tộc người Việt. Truyền thuyết Thánh Gióng cùng nhóm truyện kể có môtíp thanh gươm thần ở các dân tộc Tây Nguyên đã bọc lộ rõ khát vọng của người đương thời đối với một loại nguyên liệu mới và nói lên ước mơ của nhân dân các dân tộc thời ấy với việc sử dụng sắt. Nó phản ánh những nhận thức của người đương thời đối với những ưu điểm của sắt.     
4. Trong các nghề chế luyện kim loại, nghề thợ rèn giàu ý nghĩa hơn cả, vừa do tầm quan trọng của nghề này, vừa do những biểu tượng đối nghịch mà nó chứa đựng.
Nghề rèn có khía cạnh sáng tạo vũ trụ và sáng tạo nói chung; khía cạnh ma quỷ, hiểm độc và cuối cùng khía cạnh khai tâm thụ pháp… Trong một số nền văn minh, người thợ rèn đóng vai trò quan trọng: là người nắm được những bí mật của trời, họ có thể gọi được mưa, chữa được bệnh[2]. Và trong nhiều trường hợp, có thể ghi nhận rằng quyền năng của thợ rèn đến từ công cụ của anh ta, đến từ những tư tưởng ẩn trong ống thổi lò rèn, đến từ lửa, đến từ sức mạnh linh thiêng của sắt, đến từ những đồ trang sức mà anh ta rèn cho các thầy cúng; hoặc từ nguồn gốc linh thiêng của kỹ thuật rèn, từ sự mới mẻ của nghể này vì kỹ thuật bí ẩn của anh ta là do truyền từ đời này sang đời khác, hay đơn giản hơn là sự thụ đắc những kỹ thuật này.
Còn với Dambo Jacques Dournes, ông cho rằng: Trong các kỹ thuật, có một ngành cao quý hơn cả, dành riêng cho một lớp người ưu tú được tách riêng ra, đó là người thợ rèn. Lửa và sắt là các nguyên tố mà sức mạnh của chúng làm nên sự cao quý. Trong hầu hết các nền văn minh, người thợ rèn là người anh hùng khai sáng, nếu anh ta không phải là người sáng tạo ra mọi vật và toàn thể. Các truyền thuyết Tây Nguyên liên quan đến nguồn gốc của lửa và của lò rèn rất nhiều và giàu ý nghĩa… Truyền thuyết về sắt, trong nguyên gốc của nó, gắn chặt với các truyền thuyết về những người thợ rèn đầu tiên[3].
Xưa kia, trong huyền thoại Tây Nguyên, từ rèn đồng nghĩa với từ sáng tạo. Các vị á thần buổi khởi nguyên, những người tổ chức nên thế giới, đã rèn ra mọi thứ: “Bung cầm một chiếc búa nhỏ (bằng đá) và rèn ra quả đất; ông cầm một chiếc búa ngắn và rèn ra trời[4]. Trong xã hội truyền thống của tộc người Xơ Đăng, ở nhóm Xơ Đăng Tơ-đrăh hiện đang sinh sống tại các xã Đăk Ui, Ngok Réo, Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung, Ngok Wang trên địa bàn các huyện Kon Rẫy và Đăk Hà tỉnh Kon Tum - nơi có nhiều quặng sắt lộ thiên với hàm lượng sắt rất cao, những người thợ rèn đã chế tạo ra một loại lò rèn bễ hơi bằng da rất độc đáo, sử dụng rất có hiệu quả, có thể rèn nung nóng từ quặng ra thép, đánh các công cụ lao động và dụng cụ phục vụ gia đình.
Để nung được quặng và rèn sản phẩm, người Tơ Đrăh dựng lò rèn có bễ hơi được làm từ da con mang (người dân gọi là Tơ Niam Pi Pu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang), ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh tơ niam). Để đun được quặng sắt, người Tơ Đrăh phải lên rừng tìm cây loăng rlinh để làm than. Theo cụ A Xe ở làng Wang Tố, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, chỉ loại than từ cây này, lửa lò rèn Tơ Niam Pi Pu mới đủ độ nóng để nung chảy quặng sắt tự nhiên. Khi nung quặng, tài năng của người thợ rèn chính (bơ ngai tha) được thể hiện chứng minh qua việc kết hợp hai loại quặng cát và quặng cục làm ra sắt thỏi chất lượng cao, chắc bền và không bị mẻ, gãy khi sử dụng. Khi đã có những thỏi sắt ưng ý, theo truyền thống thợ rèn nhóm Tơ Đrăh không được phép sử dụng than loăng rlinh nữa mà chỉ sử dụng những loại cây khác để đốt cho nhiệt độ thấp hơn.
Quá trình rèn sắt thành gươm (thần) là một chuỗi nối tiếp: 
đá/quặng sắt → thanh sắt → lò rèn → thanh gươm → hiến sinh→ quyền năng ma thuật
Có thể nói thanh gươm là đỉnh cao của quá trình rèn sắt, thể hiện sự tài hoa, tinh tế của người thợ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc xuất hiện thanh gươm là một bước tiến vĩ đại và tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người.
Gươm hay kiếm[5] (tiếng Khơ-Me gọi là khan, tiếng Gia Rai gọi là ddau) là một loại vũ khí được cấu tạo từ một thanh kim loại được mài bén dùng để đâm, chém trong việc tác chiến. Gươm có cán để cầm, có vỏ để bao bọc, có quai để đeo. Gươm dài hơn dao, cũng mỏng hơn và dẹp hơn dao. Gươm được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh thời tiền sử cho đến tận thời kỳ cận hiện đại ở Việt Nam. Ngày nay, việc sử dụng gươm không còn phổ biến như xưa nhưng nó vẫn là một biểu tượng của quyền lực, sự uy nghiêm và linh thiêng.   
Rèn gươm kiếm không chỉ đơn thuần là một công việc, việc rèn phải làm sao cho thân, tâm hợp nhất làm một. Người thợ phải có tâm với nghề, không chỉ rèn kiếm gươm tốt mà phải rèn cho đẹp, như vậy mới đúng nghĩa của thanh kiếm, thanh gươm. Rèn kiếm không như rèn các dụng cụ lao động thông thường, nó không được cẩu thả, phải đảm bảo đủ độ sắc và độ đẹp.
Lưỡi kiếm là phần quan trọng nhất của thanh kiếm, tượng trưng cho sự hùng dũng, cứng cỏi, khí tiết, quý phái nên nó phải được chăm chút nhiều nhất. Quy trình chọn vật liệu, quy trình rèn là không thể chia sẻ cho bất kỳ ai cả, đó là thước đo sự khéo léo, tài hoa, danh vọng của người thợ rèn. Như vậy, mặc nhiên rằng thép (vật liệu) có tốt thì mới có thể rèn được gươm tốt. Những “vật liệu” trong các truyền thuyết về gươm thần đều là tốt cả, nó có nguồn gốc thần kỳ, là vật mà “thần” đã ban cho con người để rèn kiếm.
Trong truyện Lưỡi gươm chàng Y Thí, thỏi sắt do cô gái uống nước gốc cây sinh ra một lượt với Y Thí, Y Thí đem thỏi sắt ấy rèn gươm giết vua Lào, vua Chàm. Trong truyện Đăm Thí, Đăm Thí giậm chân lên tảng đá trắng biến thành hồ nơi tận đáy có thỏi thép quý, chàng đem luyện thành gươm quý rồi giết sạch số Mơtao gian ác. Hay trong truyện Gươm ông Tú cũng có chi tiết tương tự: Cụ bà Hbia Dat đi làm rẫy khát nước uống nước hốc cây sinh con trai chóng lớn có sức khỏe lạ thường. Trên núi có trận động đất, đất sập tạo hồ nước sâu, chàng trai lặn xuống nhặt thanh sắt nhờ thợ rèn rèn hết cả núi than mới được gươm tốt, thợ mộc làm bao gươm và cán gươm.
Motif dân tộc học gươm đâm vào bụng cô gái, phụ nữ mang thai hay máu một người nhỏ xuống thanh gươm rồi người đó chết bị hút hồn vào thanh gươm là một chi tiết mang tính chất thần kỳ của nghi lễ hiến sinh (linh thiêng hóa / thần thánh hóa sắt quí) biến dạng đã đi vào type truyện thần bí này. Có gươm thiêng được trời ban tặng rồi người anh hùng, chàng trai khỏe sẽ mang gươm đi diệt sạch giặc khắp nơi cứu nguy cho cộng đồng dân làng …
Ở một khía cạnh khác, có thể ghi nhận một kỳ công thật vất vả và kiên nhẫn của người thợ rèn đúc nên một thanh bảo kiếm, đó là việc anh ta phải nấu loãng kim loại và đổ vào khuôn, chờ nó nguội lại thành thanh thép; thanh thép này sẽ được nung nóng đỏ cho mềm ra và được đập bằng búa cho mỏng xuống, rồi gấp lại thành hai và đập cho mỏng xuống; xong rồi lại được nung cháy đỏ, đập mỏng ra, gấp lại làm đôi, đập mỏng; rổi lại được nung đỏ, đập mỏng, gấp làm đôi; cứ như thế khoảng 30 lần; lúc này thanh kiếm không phải chỉ là một khối thép mà là 2-lũy-thừa-30 lớp thép mỏng vô cùng.
 Tóm lại, thanh gươm là biểu tượng thể hiện sự kỳ công của con người, là đỉnh điểm của sự sáng tạo trong thời đại đồ sắt. Nó thể hiện một nấc thang / giai đoạn của sự văn minh trong lịch sử phát triển của loài người, giúp con người thoát khỏi thời sơ sử còn mông muội, thơ ngây, là bằng chứng của sự phân hóa và tiến bộ xã hội. Và nếu ta bóc tách được những màn hư cấu thần kỳ bao trùm nhiều câu chuyện truyền thuyết về thanh gươm thần ta sẽ có được phần nội dung lịch sử chân thật của các thể chế xã hội tiền giai cấp, tiền quốc gia của các tộc người man dã sơ khai.
 

[1]Dambo (Jacques Dournes) (2003), Miền đất huyền ảo, mục “Lửa, sắt và người thợ rèn”, Nxb. Hội Nhà văn, H, tr. 127-128.
[2]Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư… dịch, Nxb. Đà Nẵng, tr. 903.
[3]Dambo (Jacques Dournes) (2003), sđd, tr. 124-125.
[4]Dambo (Jacques Dournes) (2003), sđd, tr. 130-131.
[5]Quyền lực của thanh kiếm có hai mặt: nó tiêu hủy, nhưng có thể tiêu hủy cả sự bất công, sự độc ác, sự ngu dốt và vì vậy, có tác dụng tích cực; và nó xây dựng, nó kiến lập và duy trì hòa bình và công lý. Tất cả các biểu tượng đó đều thích hợp với thanh kiếm khi đó là biểu hiện của vua chúa. (Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), sđd, tr. 489).

Nguồn Tạp chí Văn học  

14/12/2015

Quán cơm nghĩa tình

Hành động lạ thường của vợ chồng ông chủ quán cơm và cái giá nhận được lúc về già
Vào một buổi xế chiều của hơn hai mươi năm trước, trên con phố Đài Bắc có một chàng trai với dáng dấp sinh viên đại học, cứ đi đi lại lại trước cửa của một quán ăn tự chọn, đợi đến khi những người khác ăn cơm đi gần hết rồi, anh mới bước vào.
Anh cúi gầm mặt xuống, nói khẽ rằng: 
“Làm ơn cho cháu một bát cơm trắng được không? Cám ơn!”
Vợ chồng ông chủ lúc đó vẫn còn rất trẻ không khỏi có phần khó chịu, bởi vì chàng trai chỉ gọi cơm trắng chứ không gọi thức ăn, nhưng họ cũng không có hỏi nhiều, đã xới một tô cơm trắng tràn đầy cho anh.
Khi trả tiền chàng trai ngượng ngùng ấp úng nói một câu: 
“Có thể cho cháu xin một ít nước canh được không?”.
Bà chủ mỉm cười nói: 
“Không có gì, cậu cứ lấy thoải mái, không cần trả tiền đâu!”.
Chàng trai ăn cơm đến nửa bát, nghĩ đến thêm nước canh vào cơm không tốn tiền, thế là lại gọi thêm một tô.
Bà chủ rất nhiệt tình đáp lại rằng: 
“Một tô không đủ phải không? Để tôi múc thêm cho cậu một chút nhé!”.
“Không phải đâu, cháu muốn đem về bỏ vào trong hộp cơm, ngày mai đem đến lớp làm cơm trưa”.
Ông chủ nghe nói xong, cảm thấy chàng trai này ắt hẳn là gia cảnh không được tốt lắm, nhưng vẫn không bỏ học, thậm chí có thể là tự mình làm thêm kiếm tiền nữa …
Thế là ông chủ lặng lẽ cho thêm mấy miếng thịt nướng, còn có một quả trứng kho vào dưới đáy của hộp cơm.
Sau đó mới lấy cơm trắng đắp lên trên, xem ra có vẻ chỉ như chỉ là có cơm trắng thôi vậy.
Sau khi bà chủ nhìn thấy, hiểu rõ là ông chồng muốn giúp đỡ chàng trai kia, nhưng bà lại không hiểu được vì sao ông chồng lại giấu miếng thịt ở dưới đáy. Ông chủ khẽ nói với vợ rằng:
“Cậu ấy nếu như nhìn thấy miếng thịt, có lẽ sẽ cho rằng chúng ta đang thương hại cậu ấy, bố thí cho cậu ấy, đây cũng giống như làm tổn thương lòng tự trọng của cậu ấy vậy. Như vậy cậu ấy nhất định sẽ xấu hổ mà không đến đây nữa, thế thì cậu ấy sẽ đi đến quán ăn khác, nếu như cứ mãi chỉ ăn cơm như vậy hoài, thử hỏi làm sao còn có sức khỏe để học hành nữa đây?”. Hành động lạ thường của vợ chồng ông chủ quán cơm và cái giá nhận được lúc về già
Bà chủ vô cùng đồng tình với những lời của chồng: 
“Anh đúng thật là một người tốt!”.
“Nếu như anh không tốt, thì thử hỏi lúc đầu em có chịu lấy anh không?”, ông chủ cười đáp lại. Hành động lạ thường của vợ chồng ông chủ quán cơm và cái giá nhận được lúc về già
“Cám ơn, cháu đã ăn no rồi, tạm biệt!”, chàng trai đã rời khỏi.
Khi cậu cầm lấy hộp cơm nặng trịch ấy, ngoảnh đầu lại nhìn đôi vợ chồng trẻ. Ông chủ vẫy tay nói với chàng trai rằng:
“Hãy cố gắng lên, ngày mai gặp!”.
Trong mắt chàng trai rưng rưng nước mắt …
Từ đó, trừ những ngày nghỉ, chàng trai gần như mỗi ngày đều đến cửa tiệm ăn một tô cơm trắng, rồi lại mua một suất mang về, tất nhiên bên dưới của tô cơm trắng mang đi đó mỗi ngày đều ẩn giấu những bí mật khác nhau …
Về sau chàng trai đã tốt nghiệp, đã hơn 20 năm trôi qua, anh cũng không còn thấy đến nữa …
Một ngày kia, hai vợ chồng ông chủ đã gần 50 tuổi nhận được giấy thông báo rằng chính phủ sẽ dỡ bỏ mặt tiền cửa hàng gây cản trở thi công. Đôi vợ chồng này gần như đã đem hết số tiền tích lũy được cho con trai ra nước ngoài du học, lần này phải đối mặt với thất nghiệp ở tuổi trung niên, nghĩ đến hoàn cảnh khốn khó sau này, vợ chồng hai người không khỏi ôm đầu khóc òa lên trong cửa tiệm.
Chính ngay lúc này, có một người đàn ông mặc bộ đồ tây nhãn hiệu nổi tiếng đột nhiên đến thăm.
“Chào hai vị, tôi là phó tổng giám đốc của công ty XX, tổng giám đốc của chúng tôi bảo tôi đến đây. Hy vọng ông bà sẽ mở quán ăn tự chọn trong căn-tin sắp đưa vào sử dụng của công ty chúng tôi. Tất cả thiết bị và nguyên liệu nấu ăn đều do công ty chúng tôi chu cấp, hai vị chỉ cần trông coi các đầu bếp phụ trách việc nấu ăn là được rồi, lợi nhuận bên phía quý vị và công ty mỗi bên là 50%”.
Vợ chồng ông chủ nét mặt nghi hoặc hỏi rằng: 
“Tổng giám đốc của công ty các ông là ai? Sao lại đối xử với chúng tôi tốt như vậy? Chúng tôi trước giờ vốn không hề quen biết tổng giám đốc gì đó đâu!”
“Vợ chồng hai vị là đại ân nhân và người bạn tốt của tổng giám đốc chúng tôi. Tổng giám đốc đặc biết thích món thịt nướng và trứng kho của quán ăn hai vị đây, tôi chỉ biết nhiều như vậy thôi, những chuyện khác hai bên gặp mặt rồi sẽ rõ thôi!”.
Sau nhiều năm, chàng trai năm xưa chỉ mua một tô cơm trắng đã xuất hiện. Trải qua hơn hai mươi năm phấn đấu khai sáng sự nghiệp, anh đã thành công xây dựng con đường sự nghiệp của bản thân mình.
Để có được như ngày hôm nay, anh vô cùng cảm tạ sự cổ vũ và giúp đỡ của vợ chồng trẻ năm xưa, nếu như không có họ, có lẽ bản thân mình đã không thể thuận lợi hoàn thành việc học.
Sau một hồi trò chuyện, vợ chồng ông chủ chuẩn bị rời khỏi, tổng giám đốc đứng dậy cúi người một cái thật sâu, nói với họ rằng:
“Hãy cố gắng lên! Công ty sau này còn cần đến sự giúp đỡ của cô chú, ngày mai gặp!”.


10/12/2015

Thêm thông tin về Samurai

1. Nữ Samurai

Nhiều người mặc định chỉ có nam giới mới được đào tạo thành samurai nhưng sự thật không phải vậy. Giới bushi Nhật Bản (bushi là thuật ngữ để chỉ tầng lớp samurai) còn huấn luyện võ thuật cũng như chiến thuật cho cả phụ nữ.

Những nữ samurai này được gọi là “Onna-Bugeisha” và họ cũng tham gia chiến đấu cùng các “đồng nghiệp” nam của mình. Vũ khí họ lựa chọn thường là naginata, hay còn gọi là thế đao (trường đao).

Thông qua các văn kiện lịch sử ghi chép lại về các nữ chiến binh, có thể cho rằng số lượng nữ samurai không nhiều.

Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng số nữ samurai tham gia chiến đấu nhiều hơn lịch sử ghi nhận. Phân tích ADN các thi thể trên chiến trường Senbon Matsubaru năm 1580 cho thấy 35 trên 105 chiến binh là nữ.

2. Áo giáp


Thứ kì lạ nhất về một chiến binh samurai có lẽ là bộ áo giáp được trang trí cầu kì khác thường, song mỗi bộ phận của nó thực ra lại có một chức năng nhất định. Không giống như áo giáp của các kị sĩ Châu Âu, áo giáp của các chiến binh samurai cơ động hơn nhiều.

Một bộ giáp tốt phải vừa cứng cáp vừa linh động để giúp các chiến binh có thể dễ dàng di chuyển trên chiến trường. Áo giáp làm từ những mảnh da hoặc kim loại, được nối với nhau cẩn thận bằng những dải da hoặc lụa.


Phần tay phải giáp thường không được che chắn để các chiến binh có thể điều khiển vũ khí dễ dàng hơn. Phần kì lạ nhất của bộ giáp chính là phần nón giáp trụ (kabuto) được làm bằng cách gắn các tấm kim loại với nhau.

Điểm đặc biệt của Kabuto là những mảnh giáp dưới mũ quấn quanh hai bên cổ và sau gáy. Tác dụng của phần giáp phụ này là bảo vệ điểm yếu cổ của Samurai trong chiến đấu.

Tóm lại, bộ giáp được thiết kế để tránh được sự tấn công của kẻ địch từ mọi phía. Mặc dù bộ giáp của samurai đã thay đổi nhiều theo thời gian nhưng thiết kế mang lại hiểu quả đáng kinh ngạc của nó khiến nhiều người thán phục.

3. Đồng tính luyến ái

Rất ít người biết các samurai đặc biệt cởi mở với vấn đề quan hệ giới tính. Cũng giống như các chiến binh Sparta huyền thoại, chiến binh samurai không những chấp nhận mà còn khuyến khích quan hệ cùng giới.

Những mối quan hệ này thường được hình thành giữa một dày dặn kinh nghiệm và một samurai tập sự mà anh ta đào tạo. Hành vi này được gọi là wakashudo và nó khá phổ biến trong giới samurai.

Mặc dù wakashudo được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống của các samurai nhưng ít có tư liệu lịch sử viết về vấn đề này.

4. Các samurai ngoại quốc

Ai đã từng xem bộ phim The Last Samurai (tạm dịch: Samurai cuối cùng) có thể nhận thấy trong các hoàn cảnh đặc biệt, những người nước ngoài có thể chiến đấu cùng các samurai Nhật Bản và có thể trở thành một samurai thực thụ.

Vinh dự này (bao gồm việc nhận được các vũ khí của samurai và một cái tên tiếng Nhật mới) chỉ được các lãnh chúa hoặc tướng quân ban cho.

Lịch sử ghi nhận có 4 người phương Tây được phong danh hiệu samurai. Đó là nhà thám hiểm William Adams và đồng nghiệp Jan Joosten van Lodensteijn, lính hải quân Eugene Collache, và nhà buôn vũ khí Edward Schnell.

5. Số lượng samurai

Rất nhiều người cho rằng samurai là một lực lượng tinh nhuệ được lập ra để bảo vệ địa vị của các nhà quý tộc. Tuy nhiên, samurai thực ra là cả một tầng lớp xã hội lúc bấy giờ.

Số lượng samurai nhiều hơn chúng ta tưởng. Trên thực tế, vào thời kì hoàng kim, số lượng samurai chiếm 10% dân số Nhật Bản. Chính vì những ảnh hưởng sâu rộng đối với lịch sử Nhật bản mà mỗi người Nhật Bản ngày nay đều có trong mình dòng máu samurai.

6. Thời trang

Samurai là những người có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ cho nên cách phục trang của họ cũng ảnh hưởng tới thời trang của thời đại đó.

Mặc dù quần áo của samurai rất tỉ mỉ, phức tạp nhưng mỗi phần trong bộ đồ đó đều được thiết kế để đáp ứng nhu cầu di chuyển của các chiến binh.

Trang phục các samurai mặc là quần ống rộng hakama và kimono hay hitatare (trang phục 2 mảnh được thiết kế linh hoạt hơn cho di chuyển). Các samurai cũng thường đi guốc gỗ hoặc xăng-đan.

Phần đặc biệt nhất trong thời trang của samurai chính là kiểu tóc búi trên đỉnh đầu. Trừ các nhà sư, dân Nhật Bản thuộc mọi tầng lớp lúc bấy giờ đều để kiểu tóc này trong hàng trăm năm trời. Còn phần tóc trước trán được cạo nhẵn là để thoải mái hơn khi đội mũ giáp.

7. Vũ khí của các samurai


Là những chiến binh nên các samurai có rất nhiều loại vũ khí khác nhau. Các samurai đời đầu sử dụng “chokuto”. Chokuto là một trong những thanh kiếm đầu tiên trong lịch sử rèn gươm của Nhật Bản. Loại vũ khí này có lưỡi dao thẳng và vô cùng sắc bén.

Khi kĩ thuật rèn kiếm ở Nhật phát triển hơn, các samurai chuyển sang dùng kiếm cong, tiền thân của thanh kiếm katana huyền thoại. Thanh katana được coi là một trong những thanh kiếm nổi tiếng nhất thế giới và tất nhiên là loại vũ khí biểu tượng cho samurai.

Trong các quy tắc võ sĩ đạo (bushido), thanh katana được coi là linh hồn của chiến binh samurai.

Kiếm không phải là tất cả vũ khí mà các samurai sử dụng trong các cuộc giao đấu. Họ còn sử dụng cung tên (yumi), giáo mác. 





   Khi thuốc súng được đưa vào sử dụng ở thế kỉ 16, các samurai sử dụng súng, súng hỏa mai và đại bác thay thế cho cung tên.

8. Giáo dục

Giữ một vị thế quan trọng vào thời đại đó nên các samurai không đơn giản chỉ là một chiến binh. Đa số các samurai đều là người có học thức. Không chỉ am tường về văn học mà các samurai cũng rất giỏi về toán học.

Theo võ sĩ đạo, ngoài những kĩ năng chiến đấu, một samurai phải tìm mọi cách để hoàn thiện bản thân.

Đó là lí do tại sao các samurai phải tham gia nhiều khóa học về văn hóa, nghệ thuật khác nhau như thơ ca, nghệ thuật làm vườn, vẽ tranh mực tàu, thư pháp, trà đạo, thậm chí cả cắm hoa.

9. Các đặc điểm hình thể

Nhìn vào những bộ giáp và vũ khí mà các samurai mang trên người, ai cũng mặc định rằng samurai hẳn là những người có tướng mạo cao lớn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Trên thực tế, hầu hết các samurai đều có thể hình khiêm tốn.

Những samurai thế kỉ 16 thường có chiều cao chỉ từ 160 cm cho tới 165 cm.

Mũ và giáp sắt với binh phù thời đại Kofunthế kỷ 5. Bảo tàng viện Quốc gia Tokyo
Võ sĩ đánh nhau trong trận Dan-no-Ura năm 1185

Thêm vào đó, các samurai có những đặc điểm không thuần chủng của người Nhật lúc bấy giờ. So với người bình thường, các samurai thường nhiều lông tóc hơn và có nước da sáng hơn và đặc biệt có sống mũi cao hơn.

10. Nghi lễ tự sát

Một trong những điều kinh hoàng nhất trong quy tắc võ sĩ đạo của các samurai là seppuku (hay “hara-kiri”). Đây là nghi lễ tự sát mà các samurai phải thực hiện khi phạm lỗi hoặc bị rơi vào tay kẻ thù.

Seppuku có thể là tự nguyện hoặc là một hình phạt, nhưng dù là gì đi nữa thì đây được xem là cách chết trong danh dự.

Thủ tục thực hiện nghi lễ này khá dài. Sau khi tắm, các samurai sẽ mặc đồ trắng và ăn bữa ăn cuối cùng. Sau khi ăn xong, một con dao sẽ được đặt ngay trên đĩa. Sau khi viết xong di thư, samurai đó sẽ tự rạch bụng để kết liễu đời mình.

09/12/2015

Bài thuốc (tham khảo) trị gai cột sống

   Trong dân gian có nhiều cách chữa gai cột sống tận dụng những thảo dược dễ kiếm không có tác dụng phụ nhưng thực tế áp dụng lại rất hiệu quả.

1. Bệnh gai cột sống là gì?

   Gai cột sống là căn bệnh thoái hóa cột sống, trong đó có sự phát triển không mong muốn của xương hoặc sụn đã bị thái hóa, bao gồm hẹp đĩa đệm, xơ hóa tấm tận và tạo thành gai xương.
   Gai cột sống có thể gặp ở bất kỳ bị trí nào của cột sống nhưng thường gặp nhất là khu vực thắt lưng và đốt sống cổ.

Những biểu hiện của bệnh gai cột sống gồm có:

– Đau vùng cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi người bệnh đứng hoặc đi. Trường hợp bệnh đã trở nặng thì đau tê ở cổ lan qua 2 tay, đau ở lưng, đau dọc xuống 2 chân. Mức độ đau tăng lên khi người bệnh đi lại hay cử động.
– Ở những bệnh nhân bị dây thần kinh chèn ép thì bệnh nhân sẽ thấy đau ở tay, chân, cơ bắp rã rời. Với bệnh nhân có gặp chứng ống tủy thu hẹp thì sẽ có biểu hiện rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác.

2. Bài thuốc dân gian chữa gai cột sống:

   Trong dân gian có nhiều cách chữa gai cột sống tận dụng những thảo dược dễ kiếm không có tác dụng phụ nhưng thực tế áp dụng lại rất hiệu quả.
   Bài thuốc dưới đây đã được phản hồi của nhiều người là có hiệu quả rất cao trong việc điều trị gai cột sống. Đặc biệt là thuốc còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tái phát sau khi đã chữa khỏi.


Bài thuốc như sau:

   Nguyên liệu gồm 2 quả bưởi, 1kg chanh bỏ hạt phơi khô, 200g ngải cứu khô. Đem tất cả các nguyên liệu sao vàng, hạ thổ rồi ngâm với 2 lít rượu, 200g đường phèn. Uống thuốc hàng ngày, mỗi lần 1 chén nhỏ.


Lý giải công dụng của thuốc:

   Theo Đông y, bưởi có tác dụng chữa đau khớp, giảm đau. Ở góc độ y học hiện đại, trong bưởi có những phytochemical ngăn chặn chất prostaglandins làm viêm khớp xương.
   Quả chanh theo Đông y có tác dụng hoạt huyết, thông kinh lạc. Chanh có chức năng giải độc, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do để làm chậm sự lão hóa, từ đó tăng cường khả năng tự chữa gai cột sống.
   Vỏ bưởi và chanh đều có công năng hành khí nên có tác dụng chỉ thống (giảm đau) nên rất tốt để giảm chứng đau đớn cho người bị thoái hóa cột sống.
   Ngải cứu có tính ôn, hơi cay, có tác dụng tốt trong việc chữa gai cột sống, đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt. Với những bệnh này, ngải cứu từ xưa được xem như bài thuốc hữu hiệu được rất nhiều người áp dụng.

Những món ăn trị bệnh đau lưng:

   Sau đây xin giới thiệu một số món ăn trị bệnh đau lưng rất hiệu quả, vừa có thể thực hiện tại nhà, lại vừa bổ dưỡng và dễ ăn.

1. Gà trống đen 1 con 500g, tam thất 5g. Chế biến: làm thịt gà, bỏ nội tạng rửa sạch. Tam thất thái lát, nhồi trong bụng gà, trộn một chút rượu, muối rồi hầm cách thủy, cho thịt gà nhừ là được. Thích hợp với chứng đau do bị ngoại thương mà thành đau lưng mạn tính.



2. Thịt dê hầm đỗ trọng: thịt dê 500g, đỗ trọng 30g, gừng vừa đủ. Đem thịt dê luộc vs một củ cải trắng để khử mùi, sau đó cho đỗ trọng, gừng vào hầm nhừ, muối vừa ăn. Chia làm vài lần ăn.


3. Thịt bò lá lốt: Thịt bò 100 gr, lá lốt 70 gr. Thịt bò có vị ngọt, bổ máu. Lá lốt có vị cay, thơm, tính ấm, có công dụng trừ thấp (trị đau nhức xương, ra mồ hôi…). Thịt bò rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị từ 5 – 10 phút, rồi xào sơ qua, sau đó cho lá lốt vào, đảo sơ. Món này ăn với cơm bình thường (một tuần khoảng 3 lần), vừa có công dụng bổ máu, vừa trị đau nhức cơ thể…


4. Rau hẹ hoặc hạt hẹ xào dầu mè ăn giúp hành khí, tán huyết, làm ấm lưng gối. Uống nước ép rau hẹ chữa chứng đau lưng mạn tính. Hạt hẹ có công dụng bổ can thận, tráng dương, tốt cho những người đau lưng mỏi gối do lạnh.


5. Cháo hạt dẻ, mỗi ngày ăn 10 hạt dẻ hoặc ăn cháo hạt dẻ thường xuyên giúp mạnh lưng gối, bổ thận khí.

6. Chè hạt sen hoài sơn, hạt sen cố tinh khí, cường cân cốt, bổ hư tổn.

7. Món cật heo: Cật heo 1 cái, đỗ trọng 40g, tục đoạn 30g, đậu đen 20g, câu kỷ 20g. Làm sạch cật heo rồi cho cùng các vị thuốc nấu cho chín mềm, nêm nếm gia vị vừa dùng.

   Hi vọng rằng với những món ăn trị bệnh đau lưng, thoái hóa cột sống được giới thiệu trên đây, các bạn sẽ có được một cơ xương khớp thật khỏe mạnh để chống lại căn bệnh đau lưng.

Trân trọng


04/12/2015

Tâm Từ bi - Tuệ Sáng

Một niệm, một cử chỉ của con người Thần linh đều nhìn thấy rõ. Bất kỳ một điều gì khởi tâm động niệm đều là nhân của quả báo trong tương lai, cho dù con người tin hay không tin sự tồn tại của Thần. Thần đều đang chăm chú nhìn con người, ghi chép lại từng suy nghĩ, từng ý niệm, từng lời nói, từng cử chỉ của con người. Chỉ có thiện niệm mới cải biến được số mệnh của con người. Thuận theo thiên lý mà hành thiện thì mới có được tương lai tốt đẹp.