Chùm ảnh này nằm trong một bộ sưu tập do Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp (École Francaise d’ Extrême - Orient) hiện lưu tại Thư viên Khoa học Xã hội. Đó là những tấm ảnh chụp về những sinh hoạt trong ngày Tết Trung thu cách đây chừng 70, 80 năm, những hình ảnh ở đầu thế kỷ XX khi đời sống đô thị đã hình thành tạo ra những nét sinh hoạt thời cận đại.
Tết Trung Thu đối với trẻ nhỏ trước hết là những bánh trái đặc trưng bởi hai món chính là bành dẻo và bánh nướng mà tập trung nhất là trên các cửa hàng ở phố Hàng Đường (của người Việt) và Hàng Buồm (của Hoa kiều). Điều hấp dẫn đối với lũ trẻ là đứng nhìn những người thợ đóng bánh ngoài quầy tạo nên những âm thanh rộn ràng khi khuôn bánh gõ mạnh trên mặt bàn theo những nhịp điệu khoan nhặt rất đặc trưng trên đường phố.
Trẻ con tò mò nhìn những người thợ làm bánh Trung thu.
Sau bánh trái là những đồ chơi mà tiêu biểu nhất là các loại đèn được thắp sáng trong đêm Trung Thu khi đợi trăng lên hay rước rong ngoài phố. Những cửa hàng bán các loại đèn làm bằng nan lợp giấy bóng kính hình các con vật mà nhiều nhất là thỏ và cá.
Ngoài ra còn các loại đèn lồng xếp bằng các loại giấy màu và cầu kỳ nhưng cũng gây hấp dẫn nhất là đèn kéo quân với rất nhiều tích truyện được thể hiện bằng những bóng hình xoay tròn nhờ sức nóng của những ngọn nến tạo ra những luồng khí đẩy những cái vòng quay tròn theo trục đèn. Các loại đèn này tập trung nhiều trên phố Hàng Mã những còn được bày bán ở Hàng Gai...
Đèn lồng xếp bằng nhiều loại giấy màu sắc cầu kỳ.
Đèn kéo quân cũng thu hút trẻ con.
Ngắm nghía những cái đèn (hình con cua) được người lớn mua cho là cái thú âm ỉ đối với lũ trẻ trong những ngày chờ Trung Thu đến.
Lại thêm “ông tiến sĩ giấy” gửi gắm lòng cầu mong của đấng sinh thành đối với con cái của mình lấy danh vị “tiến sĩ’ làm mơ ước. Có người bảo rằng cái ông tiến sĩ bằng giấy có bộ mặt non choẹt nhưng đáng yêu ấy chính là hình ảnh ông Trạng trẻ Nguyễn Hiền có thật trong lịch sử (!?).
Chắc từ thời Tây sang mới có một loại đồ chơi mới vì nó làm bằng một thứ vật liệu được gọi là “sắt Tây”. Nó có thể cắt ra từ những tấm kim loại hoặc tận dụng các loại bao bì bằng sắt Tây như hộp sữa bò, thùng dầu hoả...
Cái khéo léo của người thợ trên phố Hàng Thiếc với cái kéo cắt săt và những mỏ hàn bằng thiếc tạo ra những con giống đặt trên các bánh xe và nhờ những liên kết khéo léo của các tay đòn bằng giây thép cứng mà nó cử động được như con thỏ đánh trống hay con bướm đập cánh.
Cái khéo léo của người thợ trên phố Hàng Thiếc với cái kéo cắt săt và những mỏ hàn bằng thiếc tạo ra những con giống đặt trên các bánh xe và nhờ những liên kết khéo léo của các tay đòn bằng giây thép cứng mà nó cử động được như con thỏ đánh trống hay con bướm đập cánh.
Rồi hợp với thời thượng là những chiếc ôtô, tàu bay bên cạnh cái xe kéo cũng mới có từ khi Tây sang. Xem kỹ ảnh thấy rất nhiều đồ chơi loại này, nào là Hai bà cưỡi voi, vinh quy bái tổ, con lân, con phượng , Tôn Ngộ Không và rất nhiều nhân vật làm hình nhân.
Đồ chơi bằng thiếc từ ô tô xe kéo...
Đến con lân, con phượng, Tôn Ngộ Không, Hai Bà cưỡi voi...
Nhưng có thể nói cái gây hứng thú nhất cho lũ trẻ là những chiếc tàu thuỷ làm bằng sắt Tây bên trong có cái phao dầu khi đốt cháy đẩy khí nóng thổi mạnh vào nước kêu “pành- pạch” đẩy con tàu về phía trước và trong những cái chậu tôn được lũ trẻ hình dung là biển cả. Hẳn là món đồ này có muộn hơn thời điểm chụp những tấm ảnh này (?).
Còn những lũ trẻ năng động nhất thì thích ở ngoài đường với cái đầu sư tử bồi bằng giấy. Chúng hợp thành những đoàn có trống, xèng xèng và thế nào cũng có một chú phỗng múa may làm vui. Chúng múa chơi đôi khi đòi những cửa hàng nơi chúng đến múa phải treo giải...
Múa lân vẫn là hoạt động được lũ trẻ yêu thích.
Cuối cùng là cái phút chờ đợi nhất, trong sự ấm cúng của gia đình xoay quanh nơi bày cỗ. Những món đồ ăn và đồ chơi được bày biện trong nhà hay ngoài trời phô bày sự chăm sóc của gia đình với con trẻ trong ngày Tết được chờ đợi nhất trong năm, lại vào lúc tiết trời đẹp nhất: gió mát trăng trong.
Bàn cỗ Trung thu với nhiều bánh trái, hoa quả.
Chưa thật đầy đủ, nhưng những tấm ảnh này giúp bạn trẻ biết được cảnh xưa và người già có dịp hồi nhớ quá khứ và so sánh với Trung thu hôm nay.