Sau ánh hào quang: Muôn mặt thế giới ngầm
Tư vấn pháp luật”, “cán bộ ngoại giao”, “cán bộ đường lối”...
thiếu các “cán bộ” này cùng những bộ quân phục rằn ri, nón cối... thợ đào đồ cổ
khó bề hoạt động.
Đất Thanh Hóa lắm đồ cổ, thợ đào từng có thời đông như quân
Nguyên, tạo nên nhiều giai thoại đầy bi hài. Theo luật Di sản, khi phát hiện cổ
vật dưới sông, lòng đất, phải có nhiệm vụ báo chính quyền địa phương và cơ quan
chức năng. Với giới đồ cổ Thanh Hóa, việc trình báo được làm từ trước khi phát
hiện đồ cổ, do những nhà “tư vấn pháp luật” và “cán bộ ngoại giao” xử lý, lo
lót, dàn xếp êm xuôi phía chính quyền, người dân, và cả giới đầu gấu. Xong xuôi
mọi thứ, thợ xăm, thợ dò mới bắt đầu tiếp cận địa bàn, hành nghề chớp nhoáng.
Trăm chiêu vạn phép
Lang thang các bãi đồ cổ vùng Thanh Hóa hơn 20 năm, H.T tâm sự:
“Bãi ở khắp Thanh Hóa, Nghệ An tôi đều làm qua, nhưng không động đến xăm, máy,
việc của tôi là ngoại giao địa phương sao cho anh em khi làm không bị bắt máy
móc, không bị dân tình nhòm ngó”. Hỏi cặn kẽ hơn, H.T tiết lộ: “Lo nhất cho anh
em thợ đào là chính quyền thôi, còn với dân hay đầu gấu thì đơn giản, có cách
xử hết. Mỗi khi đi máy dò, bọn tôi mặc quần áo quân đội, dân hỏi thì bảo là bộ
đội dò mìn, nếu không dân không cho làm đâu, sợ đụng chạm mồ mả tổ tiên”.
Ban ngày đi dò, đi xăm, khi phát hiện vị trí đồ cổ không vội lấy
lên ngay. Lý do được H.T giải thích: “Có những bãi hai ba đội cùng dò, trúng ai
người nấy hưởng. Khi anh em đi làm, dân làng, rồi đám ma cô cũng hay đu bám
theo, nhất là những bãi ở gần dân. Xăm hoặc dò trúng đồ, anh em sẽ đánh dấu,
đợi đêm xuống mới ra đào lên. Ban ngày mà đào lên, gặp đồ tốt dân túa ra xin
đểu, cướp ngay trên tay, làm nghề ai cũng ít nhiều bị vài lần”.
Một quy luật ngầm trong giới thợ đào, hễ đi máy là đào trộm, nếu
đi xăm thì ăn chia với chủ đất, như vậy dân mới cho làm. Thợ đào T.V kể kỷ niệm
với cái trống đồng ở Văn Giang: “Anh em đi dò, gặp cái trống sâu khoảng hơn mét
đất, ngay dưới cửa sổ nhà dân. Chưa gặp đồ thì thôi, chứ bọn này hễ đã gặp bằng
mọi giá sẽ lấy lên được”.
Cách nào để lấy lên mà tránh bị dân phát hiện? T.S, người mua
cái trống ấy, tiết lộ: “Dễ lắm, anh em cho đoàn chèo về xã hát, rồi đi mời từng
gia đình, riêng nhà có trống là thành phần ưu tiên số một, phải làm sao mời cả
nhà đi. Khi họ về đến nhà thì cái trống đã lên gọn gàng từ lâu”.
Chuyện tranh giành, đấu trí giữa các nhóm thợ làm cùng một bãi
cũng đầy ly kỳ. H.T kể: “Hồi tháng 8.1993, đội tôi và đội Nghệ An đang làm ở
Cầu Thiều, đùng cái thấy đội Nghệ An lẳng lặng bỏ về hết, nghi ngay gặp đồ chày
(đồ quý hiếm - PV) nên giả vờ bỏ bãi đánh lạc hướng. Tôi vẫn theo, cho anh em
lúc đấy là Q. và L. dò tiếp, cuối cùng ra cái trống. Đợi đêm xuống, bọn tôi cho
đèn pin vào bao thuốc, khoét lỗ nhỏ bằng hạt đậu, rồi đào dần, lên cái trống
Mường khủng, đường kính 83 phân. Năm đấy bán cho Bình béo được 14,5 triệu”.
Đi một đường, về ba đường
Một bài học truyền khẩu dân đồ cổ thuộc nằm lòng: Chớ dại đi một
đường, về một đường. Mua bán đồ cổ trong nhà xong, chưa ra khỏi làng đã bị chặn
đường, cướp trắng, hoặc có mật báo, chính quyền ập đến bắt người, tịch thu đồ,
còn bị nộp phạt. Dân buôn các tỉnh khi về vựa đồ cổ xứ Thanh hầu như ai cũng
hơn một lần “dính chưởng”. Ngặt nỗi nghề buôn bán, đào bới đồ cổ là phi pháp
nên chỉ có cách tự bảo vệ mình, mua lén lút, dương đông kích tây đủ trò mới
mang được đồ ra khỏi tỉnh. Đấy là bài thợ đào quây thợ chạy.
Dĩ nhiên trong nghề, thợ chạy cũng có cách quây lại thợ đào. V.T
kể: “Tôi đi đánh mót ở hố đã lên hai cái trống đồng, tính là mót đá thôi. May
sao lên con dao Hán, đá đỏ au, đẹp cực kỳ. Mang về nhà, tôi đòi 60 triệu, thợ
S.L đồng ý mua, dền dứ một hồi, gọi điện lung tung, xong đổi ý, bỏ về không mua
nữa. Chỉ loáng sau, bao cuộc điện thoại ngã giá, nhưng tất cả trả đúng phân
nửa. Tôi biết là dính bài quây đồ, có người điều khiển cho thợ chạy ép giá,
nhưng không còn cách nào khác, cuối cùng phải cắn răng bán”. Con dao ấy, khi về
đến Hà Nội, một lái buôn tiết lộ giá lên tiền tỉ.
Thợ chạy S.T kể lại câu chuyện khách mua đồ đồng ở nhà L.T, một
tay buôn quái quỷ xứ Thanh. Khách Hải Phòng lên, vào nhà T., nổi tiếng chuyên
bán đồ gài, thấy trên bàn thờ gia tiên có mấy món hay ho, hỏi mua. T. bảo phải
mua đồ về thắp hương cho ông bà tổ tiên để xin phép, nếu họ đồng ý sẽ bán. Khách
tin lời, cúng bái, hết tuần nhang, T. gật gù bảo ông bà tổ tiên đồng ý. Thỏa
thuận giá cả xong, lấy đồ xuống gói, khách phát hiện đồ giả, không mua nữa, ấy
thế mà không được, T. bắt khách phải lấy vì ý ông bà đã quyết, không thay đổi.
Khách cuối cùng phải cắn răng trả tiền cho mấy món đồ đểu cài cắm trên bàn
thờ”.
Chơi đồ ma ám
Thợ đồ cổ rất sợ dính vào đồ vàng. Những phi vụ mua bán đồ vàng
từ nam chí bắc, người liên quan đều gặp kết cục xấu, kể cả bỏ mạng. Vụ nổi
tiếng là chuyện S.Đ sát hại em họ T.N chỉ vì chuyện cái mặt nạ bằng vàng, nặng
gần 1 kg. Hai người hùn vốn, gom tiền mua, chuyển sang Thái Lan thì bị giới
buôn cổ vật phỗng tay trên, cướp mất. Dân trong nghề tiết lộ giá trị cái mặt nạ
vàng ở thời điểm cách đây gần 20 năm là 1,5 tỉ, tính ra bây giờ phải trên chục
tỉ. Về lại VN, hai anh em cãi nhau chuyện bị lừa tiền, N. đòi Đ. bồi thường
phần hùn của mình, trong lúc cãi vã, va chạm, N. bị ngã chết. Đ. hoảng sợ, phân
xác N., bỏ thùng xốp đưa từ Sài Gòn ra tận Hà Nội đem chôn. Vụ việc bị phát
hiện, Đ. lãnh án tù.
Một vụ xâm phạm mồ mả xảy ra đầu năm 2020, bán ra thị trường
nhiều đồ sứ ký kiểu bốn chữ. Vụ việc bị phát hiện, người thu mua lô đồ là D. bị
bắt. Huyệt mộ bị đào bới được cho là của nhân vật S.Đ năm nào, khi mất vì bạo
bệnh, vợ đem chôn cùng những món đồ cổ lúc sinh thời Đ. mua bán còn giữ lại
trong nhà. Dân thợ đào đến nhà, thắp hương, vờ hỏi han người thân về đồ cổ, khi
biết đã chôn theo mộ, vậy là bị quật mồ lên ngay.
Thợ nghề T.S chia sẻ kinh nghiệm: “Mua vàng đào lên đen lắm. Có
lần tôi mua được đôi bông tai, đi đường về, đang rất bình thường, vậy mà cứ xây
xẩm, xe nổ lốp mấy lần, lạc tay lái suýt toi mạng. Tôi xâu chuỗi lại, trong
giới hễ ai dính vào đồ vàng, cuối đời đều khổ cả, con cái nghiện ngập, cờ bạc,
cháu chắt thì dở dở ương ương, tài sản lụn bại, ngay cả bản thân người đấy lúc
nào cũng lơ mơ như trên mây”.
Dân chơi mới coi chừng “no đòn”
Một cao thủ đồ cổ khuyên: “Đồ hiếm dần, món đẹp giá trị kinh tế
cao lại nhiều đồ giả. Người chơi về sau có tiền, nhưng vội nên dính đồ giả
nhiều lắm. Nếu chơi kỹ, nên bắt đầu từ các tiêu bản, mảnh vỡ, đồ rẻ tiền, khi
đã thấm và có kiến thức ổn mới chơi đồ to. Mới vào nghề mà cứ săn đồ tiền tỉ,
chỉ có no đòn thôi”.
Thợ đào, thợ chạy thâm niên trong nghề cho biết cổ vật dường như
cũng có linh hồn. Để một hiện vật cả ngàn năm tuổi tồn tại đến ngày nay cũng
phải là nhân duyên, phúc đức mới tồn tại được. Người buôn, người chơi môn này
tham thì trước sau cũng bị nó đập vào thân.
Môn chơi cổ ngoạn thực đầy tính văn hóa, phong lưu, nhưng đằng
sau giá trị bề nổi ấy là cả một thế giới ngầm đầy cạm bẫy, lừa lọc, chụp giựt.
Bởi những tăm tối, tù mù của luật lệ, của góc độ quản lý, cộng với tính thiếu
minh bạch trong kiểm soát, mua bán, giám định, đấu giá… khiến cho sân chơi này
từ bao năm qua vẫn là một “tử địa”.
Lam Phong