04/02/2022

Phật dạy về yêu thương

Phật dạy rằng, tất thảy những gì trên đời này đều là phù du, khi mất đi chỉ có tình yêu thương lẫn nhau mới là thứ còn lại cuối cùng.



Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.

Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại lúc nào cũng đấu tranh giành giật, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.

Thế nhưng, người ta cứ đấu tranh với nhau làm gì, khi mà lúc ra đi, tay trắng hoàn tay trắng, thân thể cũng trở thành cát bụi.

Theo lời Phật dạy thì cuộc đời vốn chỉ là phù du, hạnh phúc đến rồi đi như cơn gió thoảng qua, điều còn lưu lại nơi trần thế mãi là tình yêu thương bao la, hơi ấm của tình người.

Dưới đây là 6 điều phải nhớ về tình yêu thương Phật dạy:

1. Nếu thật sự yêu bản thân mình, bạn sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác

Bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tình yêu thật sự là bạn cần tự yêu lấy bản thân mình. Khi đó, bạn tạo ra nền tảng vững chắc cho mối quan hệ lâu dài, trải lòng với nửa kia để họ có thể hiểu bạn một cách sâu sắc.

Khi biết yêu bản thân, bạn dễ dàng cảm nhận được tình yêu thương của những người xung quanh dành cho mình. Bởi vì, tất cả chúng ta đều có sự gắn kết vô hình, về mặt tâm linh, chúng ta là một.

2. Sự bình yên đến từ tâm mỗi người. Bạn cần phải đi tìm đâu xa cả

Đời là bể khổ, mọi thứ trên đời chỉ là phù du, hạnh phúc đến rồi đi như một cơn gió thoảng qua. Hạnh phúc thật sự là do chính bạn cảm nhận. Bạn không cần phải tìm kiếm xa xôi, sự yên bình luôn ở trong tâm ta, chỉ cần ta cảm thấy hạnh phúc là đủ.

Khi đó, mỗi người sẽ mở rộng lòng mình, trao đi sự yêu thương và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, thế giới sẽ thực sự khác biệt và trở nên tươi đẹp hơn bao giờ hết.

3. Hãy yêu cả thế giới như tình yêu của người mẹ dành cho con mình

Tình yêu thương không giới hạn trong số bạn bè, người thân, nó còn là tình người, tình nhân loại.

Đa phần trong chúng ta cho rằng gia đình là điều duy nhất mà mỗi người cần dành thời gian và nỗ lực để vun vén, chăm sóc. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta coi cả thế giới như là gia đình của mình? Khi đó, mỗi người sẽ mở rộng lòng mình, trao đi sự yêu thương và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, thế giới sẽ thực sự khác biệt và trở nên tươi đẹp hơn bao giờ hết.

4. Nói lời tốt đẹp, cuộc đời sáng tươi. Lời lẽ cay độc, ác nghiệp để đời

Những lời nói tưởng như vô ý nhưng lại khiến mọi người xung quanh tổn thương, thậm chí có thể gây ra sự đổ vỡ trong các mối quan hệ. Hà cớ chi phải dùng lời cay độc để lưu ác nghiệp cho đời sau. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hãy nói lời tốt đẹp để cuộc đời mãi sáng tươi.

5. Thù hận không thể kết thúc nếu tiếp tục hận thù. Nó chỉ kết thúc khi tình yêu xuất hiện

Bạn đã từng bị người khác làm tổn thương? Bạn có phản ứng gì? Ghi hận trong lòng và tìm cơ hội “trả đũa” hay lựa chọn tha thứ?

Tha thứ không chỉ giúp duy trì mối quan hệ mà còn khiến đối phương hiểu rằng luôn có một cách khả thi để giải quyết vấn đề, nó phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn.

6. Hạnh phúc không bao giờ đến với người không biết quý trọng những gì mình có

Con người có lòng tham vô đáy, ai nấy đều sống thật nhanh, thật gấp để đi tìm và chinh phục những thứ xa vời, mông lung mà không biết quý trọng những gì mình đang có, đang hiện hữu ở hiện tại.

Hạnh phúc đâu xa vời như vậy, nó sẽ sớm gõ cửa nhà bạn nếu bạn thực sự biết trân trọng những gì mình có.

Những lời Phật dạy về tình yêu thương trên đời không ở đâu xa, trong chính bản thân mỗi người, hãy suy ngẫm và làm theo để cuộc đời ngày càng tươi sáng, thế giới thêm hòa bình, thịnh vượng.

 Những lời Phật dạy về tình yêu thương trên đời không ở đâu xa, trong chính bản thân mỗi người, hãy suy ngẫm và làm theo để cuộc đời ngày càng tươi sáng, thế giới thêm hòa bình, thịnh vượng.



 

 


Muốn Hạnh phúc, đàn bà hãy làm những việc này

 Tập hợp trên net.

Đàn bà thông minh xinh đẹp, tài giỏi hơn người mà quên 19 điều này thì cũng sẽ không bao giờ được an nhiên hạnh phúc.

Đàn bà hay than thở, cho rằng mình bất hạnh, cho rằng mình khổ sở, lại còn bảo, phụ nữ hơn nhau là ở tấm chồng mà không bao giờ biết rằng sướng hay khổ là do lựa chọn, do suy nghĩ của bản thân. Nhiều người cứ đổ lỗi mình bất hạnh là do lấy một người chồng chẳng ra gì. Chọn sai một lần, đừng ngại chọn lại đàn bà ạ. Chừng nào thấm nhuần câu “Cái gì cầm lên được thì đặt xuống được” thì chừng đó đàn bà mới hạnh phúc.

Đàn bà thông minh xinh đẹp mà không biết sống cho mình, không biết bảo vệ chính mình, chỉ trách đàn ông bên cạnh thì đừng bảo tại sao cuộc đời nhiều nước mắt.

Ngày nào chưa biết những điều này thì đàn bà đừng mong mình sẽ sống hạnh phúc.

1. Hạnh phúc hay bất hạnh đều do duy nghĩ và lựa chọn của bản thân.

Đàn bà nên nhớ, hạnh phúc hay bất hạnh đều do suy nghĩ và lựa chọn của bản thân mình. Nếu như không thể hạnh phúc, đừng trách người đàn ông bên cạnh mà hãy trách mình không đủ sức bảo vệ chính mình. Đàn bà thông minh xinh đẹp, giỏi giang đến cỡ nào mà không thuộc nằm lòng chân lý này thì đường đến hạnh phúc còn xa tít tắp.

2.Không cãi tay đôi với chồng.

Đàn bà khôn ngoan, muốn hạnh phúc thì nhất định đừng bao giờ cãi tay đôi với chồng. Chén bát còn có lúc xô, huống chi vợ chồng ở với nhau, đôi lúc giận dỗi cãi nhau. Đàn bà có thể im lặng, có thể “đình công”, nhưng tuyệt đối đừng vì thiếu suy nghĩ mà có những lời nói làm tổn thương chồng.

3. Học cách để vợ chồng phải giữ lấy nhau.

Nhiều đàn bà dại dột, cứ mỗi lần cãi vã với chồng là gào toáng lên trên điện thoại với bạn bè và trên mạng cho thiên hạ cùng biết. Họ không nhận ra đó là hành động ngu xuẩn nhất.

Có đàn bà thì bạ đâu kể đấy hoặc bỏ ra khỏi nhà mà không biết rằng khi chạy ra khỏi nhà chính là từng bước đẩy chồng ra khỏi gia đình. Đàn bà thông minh xinh đẹp chưa đủ, mà còn phải biết cách khi chồng có lùi một bước thì mình phải tiến lên hai bước. Vợ chồng là khi cả hai người phải học cách giữ lấy nhau.

4. Đừng bao giờ bỏ nhà ra đi.

Nhiều phụ nữ nghĩ rằng, mình có giá là khi bỏ nhà ra đi liền được chồng cầu cạnh, lạy lục van xin quay về. Hãy dẹp bỏ ngay tư tưởng này đi đàn bà ạ. Ngôi nhà chính là nơi đóng quân không thể dịch chuyển của đàn bà, do đó, bất luận thế nào cũng không bao giờ được bỏ nhà ra đi, vì ra đi thì dễ nhưng đường về thì lắm chông gai. Có khi là bít luôn cửa quay về.

5. Dẹp qua sĩ diện, tự ái cá nhân.

“Chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”, ông bà ta đã đúc rút kinh nghiệm để gia đình hòa thuận, vợ chồng hạnh phúc. Đàn bà, đừng bao giờ chỉ biết đến sĩ diện. Nhịn một chút có chết ai đâu. Đừng để khi vợ chồng mất nhau vì sĩ diện thì mới “sáng mắt” thì cũng chẳng tìm được nhau nữa rồi.

6. Vợ chồng phải bao dung và thông cảm.

Đàn bà nên nhớ, vợ chồng là phải biết cách bao dung và cảm thông cho nhau. Trên đời này không ai là hoàn hảo, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào mặt xấu mà không thấy mặt tốt của nhau, thế gian này liệu có ai sống được với ai. Chẳng có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo mà chỉ có hai kẻ phù hợp nhất dành cho nhau.

7. Đàn ông ai chẳng muốn về một căn nhà ngăn nắp tinh tươm.

Đừng bảo với chồng, anh ra ngoài kiếm tiền, em cũng thế nên em có quyền bỏ bê nhà cửa. Đàn bà có thể kiếm tiền ít đi, nhưng nhất định phải là người làm cho cái tổ luôn ấm áp. Đàn ông có chức cao vọng trọng, tiền bạc lắm của thế nào cũng muốn một người vợ luôn gọn gàng sạch sẽ đợi anh ta trở về trong một căn nhà ngăn nắp tinh tươm.

Chẳng người đàn ông nào có thể hạnh phúc cho nổi khi về nhà thấy vợ đầu bù tóc rối, con cái nheo nhóc bẩn thỉu, nhà cửa luộm thuộm bừa bộn đâu. Dù phải đi làm, có bận thế nào cũng phải thu xếp chuyện nhà cửa. Đàn bà thông minh xinh đẹp, giỏi giang đến mấy thì trước nhất cũng phải là người vợ biết lo toan nhà cửa, một người mẹ chăm con chu đáo.

8. Phải kiếm tiền, nhất định phải kiếm tiền, dù ít cũng được.

Là phụ nữ, nhất định phải đi làm, đừng chỉ ở nhà đợi đàn ông mang tiền về. Đừng để đời mình phụ thuộc vào đàn ông. Khi cao hứng, nhiều đàn ông vỗ ngực tự hào bảo vợ “Em chỉ cần ở nhà và làm đẹp, còn mọi thứ cứ để anh lo”, đàn bà khôn ngoan là người không bao giờ tin vào những lời này. Có thể không kiếm được nhiều tiền, nhưng quan trọng là đàn bà phải tìm thấy mục tiêu và ý nghĩa của cuộc sống. Đừng để đàn ông xem thường, dù anh ta có là chồng mình, thì cũng đâu ai biết ngày mai đã là người dưng.

9. Đừng chạm đến lòng tự tôn của đàn ông.

Có người vợ, khi nhận được tin nhắn từ chồng rằng “Anh yêu em”, trong khi anh ta vô cùng khô khan, rất ít nói những lời ngọt ngào, thì liền tỏ thái độ ngạc nhiên mà rằng: “Hôm nay anh bị làm sao thế?” hay bỗng dưng một ngày ông chồng lười của mình vào bếp nấu nướng thì cũng đừng làm như trời sập đến nơi mà bảo “Chuyện lạ à?”. Đừng dại mà chạm đến lòng tự tôn của đàn, nếu không anh ta sẽ không làm điều đó thêm một lần nào nữa đâu.

10. Thích thì nói ra, đừng bắt chồng tự hiểu.

Không ai hoàn hảo nhất dành cho ai hết. Nhiều đàn bà ngộ ghê, cứ bóng gió điều này điều kia và còn đòi hỏi chồng phải suy đoán, phải chạy theo suy nghĩ của mình. Ô hay, chồng chứ có phải là nhà ngoại cảm mà đọc hết mọi suy nghĩ tình cảm của mình. Thay vì bóng gió, đàn bà cứ thích gì thì nói ra để chồng biết. Kể cả trong chuyện chăn gối cũng vậy. Hài lòng hay không hài lòng cứ nói ra một cách tế nhị với chồng, đừng tìm cách nói xa nói gần hay dằn hắt tỏ thái độ, đàn ông đôi khi chỉ là những đứa trẻ to xác chứ chẳng thông minh đến nỗi nhận ra được điều gì đâu.

11. Đối xử tốt với cha mẹ chồng.

Đàn bà nên nhớ, cha mẹ chồng cũng là cha mẹ mình. Ngay cả khi cha mẹ chồng chưa được tốt lắm thì cũng phải đối tốt với họ. Tốt với cha mẹ chồng không thiệt đi đâu mà sợ. Cha mẹ chồng có lùi một bước thì mình nhất định phải bước tới 20 bước để bù lấp.

12. Cầm lên được bỏ xuống được.

Đừng bao giờ đổ lỗi cho ai, cho hoàn cảnh hay số phận.

Đàn bà nên hiểu, một khi mình đã chọn người đàn ông này thì dù có hạnh phúc hay khổ đau cũng nhất định phải chịu. Còn nếu không chịu được nữa thì buông tay, chọn lại. Đàn bà khôn ngoan muốn hạnh phúc thì phải nhớ, thứ gì cầm lên được thì bỏ xuống được. Đừng khóc lóc bi lụy tiếc nuối mà hãy thoáng hơn với chính mình.

13. Đừng lúc nào cũng nghĩ về tiền, hãy nghĩ cách để hạnh phúc.

Tiền không phải là tất cả. Tiền cũng không thể nào mua được sức khỏe, hạnh phúc. Chết đi rồi nằm xuống 3 tấc đất nào đem theo được gì. Nên thay vì suốt ngày lao tâm khổ tứ tìm cách kiếm tiền, thì hãy nghĩ về hạnh phúc.

14. Đừng bao giờ đuổi con cái ra khỏi nhà hay nói “mẹ không cần con”.

Người mẹ hãy luôn là nơi trú ngụ an toàn cho con cái. Đừng vì giận mà buông lời cay độc làm con cái tổn thương. “Mẹ không cần con” là câu nói dại dột ngu xuẩn nhất của đàn bà khi nó chính là vũ khí sát thương, đâm vào trái tim đứa con bé bỏng. Cũng đừng vì bất cứ lý do gì mà đuổi con mình ra khỏi nhà, mất con rồi, đàn bà liệu có chịu đựng nổi hay không?

15. Mọi thứ trên đời đều thay đổi, không có gì là mãi mãi, tình cảm vợ chồng cũng vậy.

Khi yêu nhau ai chẳng thề nguyền trọn đời trọn kiếp bên nhau. Nhưng hôn nhân thì phũ phàng lắm. Không có gì phải vật vã đau khổ khi thấy mọi thứ đều thay đổi, đừng sốc nặng khi tình yêu và sau cưới khác nhau quá nhiều. Mọi thứ đều thay đổi mà, thì tình cảm vợ chồng cũng khó như ngày cũ. Quan trọng là giữ gìn vì nhau, nhẫn nhịn vì nhau.

16. Hãy tha thứ.

Nếu chồng có lầm đường lạc lối, người làm vợ khôn ngoan là người biết cách giúp chồng nhớ lại con đường trở về nhà. Nếu anh ta không muốn thì nhất định không ép, nhưng nếu anh ta thật tâm hối lỗi, thì xá gì một lần thứ tha.

17. Đánh ghen là việc dại dột và vô bổ nhất trên đời.

Đàn bà khôn ngoan đánh phấn, đàn bà dại dột đánh ghen.

Vậy nên, đừng bao giờ đánh ghen dù cho có tổn thương đến thế nào. Hãy kiêu hãnh mà ngẩng cao đầu chứ đừng đi đôi co với kẻ thứ ba. Nếu lấy phải chồng có tính trăng hoa, đàn bà chả nhẽ lại mất cả cuộc đời để đánh ghen, vì anh ta không có người này cũng có người khác. Vấn đề là ở chỗ chồng mình chứ không phải ở cô gái kia.

18. Xinh đẹp, luôn luôn xinh đẹp.

Đàn bà, dù đau khổ tột cùng, dù tổn thương chồng chất cũng không được phép bỏ bê mình, hủy hoại mình. Phải luôn xinh đẹp nhất có thể. Đừng để chồng nghĩ mình chỉ là cô vợ đầy mùi dầu mỡ bếp núc. Khi xinh đẹp, đàn bà mới có thể tự tin mà đi cùng chồng bất cứ đâu, từ bàn tiệc xa xỉ đến phòng khách trang trọng, nhà bếp ấm cúng hay cả giường ngủ riêng tư.

19. Đừng vì chuyện không đáng mà buông tay.

Vợ chồng chính là thương nhau, thương nhau đến trọn cuộc đời. Cho nên, đàn bà ơi, chỉ khi không thể nào cứu vãn, còn nếu chỉ vì chuyện không đáng thì đừng dại mà buông tay, mà đánh mất nhau.

Hãy nắm chặt tay chồng đi qua giông gió của cuộc đời. Đừng vì một chút thất bại của anh ấy mà chì chiết nặng lời, khinh thường anh ấy. Đừng vì một lần anh ấy say nắng mà ghim gút trong lòng, mãi không thể thứ tha, để đánh mất gia đình.




03/02/2022

Nghiệp luật

 Để nhắc mình.

Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Đức Phật và hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Đức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Đức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”. 

Đức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Người trẻ tuổi sung sướng vì Đức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Đức Phật bảo. Đức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao.


Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Đức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”. Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao”.

Rồi Đức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.”

Người trẻ tuổi nhìn Đức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Điều đó ngược lại với quy luật tự nhiên.

Đức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên. 

Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được.” 


Người trẻ tuổi hiểu ra. Anh thay đổi quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đ̣i hỏi cái không thể làm được.

Nụ cười của Đức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta.

Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.

Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ dùng của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.

Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Đợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn.

 


 

01/02/2022

Dễ và Khó

Sưu tầm trên net.

Khuyên người Dễ - Mình làm Khó

·   Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng Khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.

·       Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng Khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.

·       Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng Khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.

·       Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng Khó là khi hàn gắn vết thương đó.

·       Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng Khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.

·       Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng Khó là khi làm theo chúng.

·       Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng Khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.

·       Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng Khó là khi nhìn nhận một thất bại.

·       Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng Khó là khi đứng dậy và đi tiếp.

·       Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng Khó là khi hoàn thành lời hứa đó.

·       Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng Khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.

·       Dễ là khi phê bình người khác, nhưng Khó là khi cải thiện chính bản thân mình.

·       Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng Khó là khi học từ những sai lầm đó.

·       Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng Khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.

·       Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng Khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.

·       Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng Khó là khi cho họ niềm tin.

·       Dễ là khi nhận, nhưng Khó là khi cho.

·       Dễ là khi đọc những điều này, nhưng Khó là khi bạn thực hiện nó.

·       Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã.

 


31/01/2022

Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành...

 Sưu tầm từ nhiều nguồn trên net.

 Hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc lòng câu đồng dao:

"Con gà cục tác lá chanh.

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.

Con chó khóc đứng khóc ngồi.

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"...

hay như câu đối vè cả ngàn đời của dân tộc 

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh"...

Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng, sự kết hợp các nguyên liệu thành phần trong món ăn ngày này không chỉ là sáng tạo dựa trên kinh nghiệm dân gian của cha ông mà còn có căn cứ khoa học rõ ràng…

Từ thịt gà phải có lá chanh…

Đây có lẽ là "chân lý" không thể chối cãi trong nghệ thuật ẩm thực dân tộc. Cội nguồn của sự kết hợp này có thể được lý giải đơn giản là bởi gà ăn với lá chanh sẽ ngon hơn. Hay màu xanh của lá chanh kết hợp với màu vàng của thịt gà sẽ tạo được sự bắt mắt theo quy luật phối màu trong nghệ thuật.


Tuy nhiên, câu hỏi nên được đặt ra đó là điều gì ở lá chanh khiến nó ngon tới vậy? Tại sao không phải lá bưởi, lá cam hay lá gì khác cũng thân thuộc trong vườn nhà người Việt xưa?

Mấu chốt chính là lượng tinh dầu đáng kể có trong lá chanh. Với thành phần chủ yếu là các chất hóa học có dạng vòng từ phenol nên tinh dầu chanh có mùi thơm rất dễ chịu.

Một nghiên cứu của ĐH Ohio (Mỹ) đã chứng minh mùi thơm này có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và tinh thần của người sử dụng.

Một mặt, mùi thơm của lá chanh giúp con người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu và tăng cường sự tập trung. Mặt khác, nồng độ pH thấp trong tinh dầu giúp tăng khả năng chống vi khuẩn.

Một nghiên cứu trên tinh dầu chanh Ấn Độ đăng trên trang web Sciencedirect cũng chỉ ra, tinh dầu này có khả năng tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh phổ biến như E.Coli, S. Aureus và P. Aeruginosa.

Như vậy, còn gì thú vị hơn khi vừa được một món ăn ngon như thịt gà trong một tâm trạng vui tươi và sảng khoái nhờ hiệu ứng mà tinh dầu lá chanh tác động lên cơ thể.

Thực tế cũng chứng minh, công dụng này của lá chanh không chỉ được người Việt áp dụng mà ngay cả các nền văn minh ẩm thực lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Hy Lạp cổ đại cũng sử dụng lá chanh rất nhiều trong các món ăn của mình, điển hình như cà-ri, thịt lợn quay...

… tới thịt lợn mỡ "sánh đôi" cùng dưa hành…

Sẽ thật thiếu sót nếu trên mâm cỗ Tết cổ truyền thiếu đi đĩa thịt lợn ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu muối chua.

Sự kết hợp này không chỉ tuân thủ luật âm dương ngũ hành trong ẩm thực Việt Nam mà dưới góc nhìn khoa học, rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng đã được chỉ ra.


Cụ thể, dưa hành muối chua về cơ bản cũng tương tự các thực phẩm lên men khác có tác dụng trực tiếp tới quá trình tiêu hóa trong đường ruột. Các lợi khuẩn tốt trong dưa hành kích thích dạ dày tiết dịch vị cũng như tạo ra enzyme tiêu hóa tốt hơn.

Qua đó, chúng giúp cơ thể nhanh chóng "xử lý" các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nóng hay khó tiêu được chúng ta nạp vào thường xuyên mỗi dịp Tết đến.

Đồng thời, các hợp chất sulfur có trong hành trong cơ thể làm gia tăng lượng cholesterol tốt (HDL cholesterol) cũng như góp phần "dọn dẹp" các mảnh vữa bám ở thành mạch máu, hạn chế bệnh tim mạch.

Ngoài ra, flavonoid quercetin trong hành là chất được giới khoa học chứng minh là chống ung thư. Một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan trên 121.000 người cho thấy, nếu ăn hành củ hàng ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày hay đường ruột, thực quản được giảm đi đáng kể.

… và nhân bánh chưng không thể thiếu đỗ xanh…

Cuối cùng không thể không nhắc tới bánh chưng - món ăn đặc trưng mà chỉ dịp Tết mới có trên mâm cỗ của người Việt.


Dù có thích hay không nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, bánh chưng là một trong những món ăn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Sự kết hợp các thành phần như gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh và đôi khi là một vài cọng hành củ nhỏ bên trong khiến bánh chưng cung cấp đủ cho chúng ta từ tinh bột, axit amin thiết yếu cho tới chất xơ và các vitamin.

Chưa hết, một trong những điều khiến nhiều người không khoái bánh chưng, đó là vì thành phần gạo nếp gây ra sự khó tiêu. Nguyên nhân là bởi gạo nếp chứa hàm lượng amylopectin rất cao, dẫn tới việc không hòa tan trong nước.

Nói cách khác, gạo nếp sẽ khiến dạ dày phải làm việc vất vả hơn rất nhiều khi tiêu hóa. Vì thế, việc cho thêm hành vào nhân bánh hay ăn bánh chưng với hành là cách giúp cho hệ tiêu hóa dễ dàng phân hủy, cắt đứt các liên kết amylopectin có trong gạo nếp.

Ngoài ra, bên cạnh sự hài hòa dưới góc độ khoa học thì bánh chưng còn là minh chứng rõ nét cho triết lý âm dương ngũ hành trong ẩm thực Việt.

Theo triết lý này, mọi món ăn đều phải đảm bảo tính hòa hợp âm dương đối với các nguyên liệu. Trong trường hợp của bánh chưng, gạo nếp được coi là mang tính Ôn (ấm, dương ít, hành mộc) được kết hợp với đỗ xanh, mang tính Hàn (lạnh, âm nhiều, hành Thủy) và các nguyên liệu khác như thịt lợn, hạt tiêu.

Chúng tạo nên một chỉnh thể cân xứng, hài hòa và cho chúng ta một món ăn ngon, mang đậm hương vị dân tộc.