18/03/2022

Chùa Việt (phần 8)

 

(Phần 8)

Tháp chùa Việt

Trong lịch sử Việt Nam ghi lại một số ngọn tháp nổi tiếng: Tháp Báo Thiên (Đại Thắng Tư Nghiêm bảo tháp) là 1 trong Tứ đại khí; tháp Tường Long ở Đồ Sơn, tháp Long Đọi ở Hà Nam, tháp Phật Tích ở Bắc Ninh, đều dựng đời Lý.

 


Tháp Báo Thiên

Nhưng nay không còn ngọn tháp nào còn cả.

Theo ghi chép thì tháp chùa Việt cổ đời Lý Trần đều xây bằng đá, gạch, không thấy tháp gỗ.

Các tháp đều có 4 cạnh, nhiều tầng. Đây là kiến trúc tượng trưng cho Trục Vũ trụ, tháp là hình ảnh của núi Vũ trụ Tu Di (Meru), do đó bốn góc có 4 Thiên vương đứng gác. Tháp có 11, 12, 13, 14 tầng, số tầng không cố định tùy thuộc vào quan niệm. 

Lúc này không còn 3 phần tương ứng Tam giới rõ ràng như Stupa; tuy vậy các tầng tháp cũng có thể chia ra: 

- Các tầng bên dưới là Dục giới.

- 4 tầng tiếp theo là Sắc giới gồm 4 tầng thiên: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền .

- 4 tầng trên cùng là Vô Sắc giới gồm:Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Chỉ đến đời Nguyễn mới xây tháp tám cạnh, tiêu biểu là tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ bảy tầng, là vì tương ứng với 7 vị Phật quá khứ.

 

Một số tháp khác có 9 tầng gọi là tháp Cửu Phẩm Liên hoa, tương ứng với 9 phẩm của Tịnh Độ, từ Hạ phẩm hạ sinh đến Thượng phẩm thượng sinh. Những tháp dựng ngoài trời cửu phẩm này đều dựng muộn, không phải tháp cổ. Nhưng có loại tháp đặc biệt là Tháp gỗ - hay Cối phật, cái này sẽ nói sau.

Tháp Phổ Minh

 

Ngôi tháp chùa cổ nhất Việt Nam nay còn lại là tháp Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Nam Định, xây từ thế kỉ 13. Ngôi tháp dáng đẹp cao 14 tầng, đế và tầng 1 làm bằng đá, các tầng trên xây bằng gạch. Trước kia gạch mộc đỏ tươi giống tháp Bình Sơn, đến đời Nguyễn thì trát vữa lên, nên có hình dạng như ngày nay.

Trước tháp có mấy bệ chân cột mà tương truyền là để kê chân Vạc Phổ Minh, các vạc lớn nhất của VN, một trong Tứ đại khí. Vạc to đến độ hai người có thể chạy đuổi nhau trên miệng vạc. Giặc Minh đã phá hủy vạc nên không còn gì cả.

Tháp Phổ Minh có hình dáng thuôn lên rất đẹp, giống một chiếc bút viết lên trời

 Tháp Bình Sơn

 

Một ngọn tháp nổi tiếng rất đẹp khác, nhưng có lẽ rất ít người biết, là tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc.

Tháp là tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc thời Lý, Trần cách đây 800 năm, làm hoàn toàn bằng gạch nung. Sau bao nhiêu năm mà màu gạch vẫn đỏ tươi, họa tiết khắc chạm vẫn sắc nét. Một số phiên bản của tháp còn được đặt tại Bảo tàng Lịch sử, như sự khẳng định của văn hóa Việt Nam.

Tháp Bình Sơn hiện còn lại có 11 tầng, phần trên cùng đã hoàn toàn mất. Trải tám trăm năm, dù móng bằng gạch khá sâu nhưng cũng bị xói lở, tháp nghiêng. Năm 1969 người ta đã dỡ toàn bộ ngọn tháp ra, thì thấy nhiều viên gạch được kết nối bằng mộng bằng chì. Sau khi đổ móng bê tông chân tháp, sau hơn 2 năm tháp được dựng lại nguyên như trước đó.

Những phần chân đế phải dùng gạch bổ sung do gạch cũ đã bị xói mất. Nhìn là thấy ngay, vì lớp gạch mới sau vài chục năm đã xỉn màu, còn gạch cũ vẫn đỏ tươi.

Những viên gạch cổ tám trăm năm tuổi với những hình hoa cúc xoắn, rồng cuộn, cánh sen, thể hiện quan niệm và mỹ thuật của người xưa.

Tháp Bình Sơn là tháp rỗng lòng, tức là mặc dù có 15 tầng (các tầng trên cùng bị mất), nhưng cái "tầng" đó chỉ là phía bên ngoài, còn bên trong thì rỗng thẳng từ dưới lên trên, như một cái ống. Sau thời gian tu sửa, người ta đã lắp một cột thu lôi bám trong lòng tháp dẫn xuống đất. Thế là trẻ con trong vùng đã tạo ra trò chơi là trèo trong lòng tháp.

Hiện nay tháp đứng chơ vơ, không được bảo vệ, nên càng ngày càng xuống cấp.

Các chùa gần đây cũng bắt đầu dựng nhiều tháp, bên trong đặt các pho tượng Phật. Tháp chùa Trấn Quốc xây bằng gạch đỏ khá đẹp, 11 tầng, mỗi tầng sáu cạnh, mỗi cạnh có pho tượng bằng đá trắng ngồi trong, tổng cộng 66 tượng. 

Tháp chùa Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng bày cực nhiều tượng đá, tầng nào cũng nhiều đến mức quá, vì không chỉ xung quanh mà ở giữa cũng chi chít.

Gần đây ở HN có chùa Bằng A dựng tòa tháp - hiện tại là cao nhất - 13 tầng, mỗi tầng tám cạnh, mỗi cạnh trổ cửa sổ, đặt một pho tượng Phật bằng đồng nặng hơn trăm cân. Tổng cộng 104 pho tượng, trở thành tháp đặt nhiều tượng đồng nhất.

Tượng Phật tháp chùa Bằng A, ngồi quay ra tám hướng.

Tháp mộ

Bên cạnh các Tháp Phật - Tháp Vũ trụ, các ngôi chùa còn có các tháp mộ.

Tháp mộ là nơi đặt hài cốt của các vị sư đã từng tu tại chùa. Theo như truyền thống của Phật giáo từ Ấn Độ, thì các vị sư sau khi viên tịch sẽ được hỏa táng (lễ trà tỳ), nếu như ở một mức độ nào đó thì có thể còn lại các Xá lị. Xá lị có thể được lưu giữ như báu vật của chùa. Nếu không còn xá lị, thì tro cốt được táng trong các tháp.

Không rõ thời xưa, các vị sư ở Việt Nam có được hỏa táng không, còn gần đây thì hình như đều chôn trực tiếp và xây tháp lên trên. Một số tháp của thiền sư đặc biệt như Chuyết Chuyết, Như Trí,..., thì nguyên vẹn nhục thân ngồi trong tháp.

Tháp mộ sư thường có 3 tầng bốn mặt, tháp nhỏ 2 tầng, nhưng cũng có tháp nhiều tầng hơn, tùy quan niệm và tùy chùa. Tháp xây gạch hoặc đá, thường ở phía sau chùa.

Tháp đá Đăng Minh ở chùa Côn Sơn, nơi táng Xá lị của Thiền sư Huyền Quang, là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm đệ tam tổ). Tháp xưa đời Trần có lẽ cũng bị hư hại nhiều, những chi tiết sửa lại gần đây.

Tháp mộ sư độc đáo và thuộc loại đẹp nhất có lẽ là tháp của chùa Bút Tháp. Tháp bằng đá hình lục giác, cạnh thẳng đứng chứ không nhỏ lại như các tháp khác. Tầng dưới có mái trùm ra, cột điêu khắc rồng cuốn rất đẹp, bên trong tầng để tượng thiền sư Chuyết Chuyết.

 


Tuy nhiên, nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết lại được tìm thấy ở chùa Phật Tích. Nếu thế thì tháp này chỉ là thờ vọng, không có di cốt bên trong.

 Ngôi chùa mà tôi thấy có nhiều tháp mộ sư nhất có lẽ là chùa Bổ Đà ở Bắc Giang. Tôi chưa thấy ngôi chùa nào nhiều tháp đến thế, cả một vạt đồi toàn tháp mộ, trải dài từ trên xuống dưới.





Những ngôi tháp mộ bằng đá ong ở chùa Nôm



 Gác chuông

Bên cạnh Tháp Phật, Tháp vũ trụ, Tháp mộ, Tháp thờ, tại chùa chiền còn một hình thức kiến trúc đẹp nữa là Tháp chuông, hay chỉ đơn giản là Gác chuông, cũng mang hình dáng một ngọn tháp.

Gác chuông - như tên gọi, mục đích là để treo chuông, để khi gõ chuông tiếng được vang xa, khắp nơi đều nghe được.

Chuông, khánh là đồ nhạc khí linh thiêng, theo niềm tin tôn giáo thì khi gõ chuông khánh, thần linh kinh động linh ứng, mỗi lời cầu nguyện theo một tiếng chuông sẽ có tác dụng gấp cả vạn lần. Những quả chuông quý trên khắc các bài kinh văn, mỗi khi gõ lên thì tương ứng với bài kinh đó được tụng cả vạn lần.

Gác treo chuông của chùa cổ thường không được cao lắm, vì các cụ xưa trình độ kiến trúc cũng có hạn, không thể kéo chuông nặng lên những tháp gạch cao, mà cũng không có chỗ để đứng gõ (khác với chuông phương tây kéo dây, treo cao bao nhiêu cũng được). Do đó các gác chuông thường vững chãi và thấp, hoặc làm gác ngay trong chùa.

Càng về sau này, với bêtông ximăng cốt thép, người ta lại bắt đầu dựng tháp chuông chùa cao ngất ngưởng, mỗi lần gõ phải trèo lên rạc cẳng.

Gác chuông cổ đẹp nhất mà tôi biết là gác chuông chùa Keo, đã trở thành biểu tượng kiến trúc chùa cổ, và cũng là biểu tượng của tỉnh Thái Bình.

 

 


Gác chuông chùa Keo hình dáng tuy không thật cao thanh thoát, nhưng lại vững chãi gần gũi, chắc khỏe, được coi là mang dáng một búp sen chưa nở. Bốn cây cột chính cao từ nền lên đến đỉnh nóc, bốn phía còn các cột phụ cho tầng một.

Tầng một bốn phía để trống, treo một khánh đá lớn. Tầng hai, tầng ba, tầng nóc đều treo mỗi tầng một quả chuông. Toàn bộ gác chuông liên kết bởi những lỗ mộng, con sơn, vì kèo, đấu, đố, cốn, theo như truyền miệng thì không dùng đến đinh. 

Tuy nhiên gần đây trùng tu lại gác chuông, đổi các kết cấu gỗ mục, nên trông gác chuông có vẻ mới hẳn lên.

Ngoài gác chuông chùa Keo có kiến trúc đẹp nhất, nhiều chùa cũng có gác chuông. Gác chuông thường nằm ở trước chùa chính, tại sân trước, cũng có trường hợp nằm ở sân trong. Nhiều chùa thì tam quan cũng là gác chuông luôn.

Gác chuông cũng khá nổi tiếng của chùa Trăm Gian - Hà Tây nằm bên sườn đồi phía trước chùa.

Có những ngôi chùa không làm gác chuông bên ngoài, mà làm gác ngay trong chùa.

Nghĩa là mái chùa không là những lớp mái lớn đơn thuần nữa, mà được nâng cao một phần tạo thành những gác nhỏ để treo chuông, khánh.

Chùa Nành là ngôi chùa có kiến trúc khá đặc biệt kiểu này. Gian tiền đường được tạo thành hai căn gác nhỏ tạo nên một kiểu rất riêng và cũng đẹp.

 


Chuông chùa

"Xây chùa, tô tượng, đúc chuông

"Trong ba việc ấy thập phương nên làm

Chuông Nhật Tảo được xem là quả chuông duy nhất có niên đại từ thế kỷ X còn thấy ở Việt Nam.

Các cụ ngày xưa đã nói thế, đủ biết vai trò quan trọng của Chuông chùa thế nào. Chùa không có chuông thì còn chưa thể gọi là đầy đủ.

Chuông là loại pháp khí thuộc loại cổ nhất của hầu hết tất cả các nền văn minh, và đặc biệt luôn được dùng trong tôn giáo do âm thanh đặc biệt của nó tạo ra. Tiếng chuông trầm, ngân xa bao giờ cũng gợi đến tâm linh, tôn giáo, huyền bí.

Trong Phật giáo, chuông không chỉ là pháp khí hỗ trợ khi hành lễ, mà còn mang ý nghĩa lời cầu nguyện. Trên chuông khắc các bài kinh, mỗi khi gõ chuông, tức là gửi lời kinh ấy đi theo âm thanh đến khắp mười phương tám hướng. Một lời cầu nguyện kèm một tiếng chuông có thể nhân gấp nhiều lần lời cầu.

 

Chuông phương đông khác hoàn toàn phương Tây ở chỗ âm thanh tạo ra do gõ từ bên ngoài vào, chứ không phải bên trong ra. Do đó muốn gõ chuông phải đứng cạnh chuông, chứ không thể kéo dây như phương tây.

Tiếng chuông phương Đông không to như phương Tây, nhưng trầm và âm đọng lại lâu hơn. Nếu đứng nghe hồi chuông nhà thờ, có thể thấy tiếng chuông dồn dập liên tục vang xa, nhưng hết chuông thì âm thanh cũng gần như tắt luôn. Ngược lại, không thể gõ thật to chuông phương đông liên tục dồn dập được, mà thường gõ từng tiếng đều, khi hết tiếng ngân mới gõ tiếp. Những khi dồn về sau thì gõ nhẹ lại, tạo thành tiếng ngân nga mãi trong không gian.

Quả chuông thường có hình trụ tròn, treo lên bằng quai có khắc hình đầu rồng. Thực ra đó không phải là rồng, mà là con Bồ Lao, giống con của rồng, là loài thần thú thích nghe âm thanh, gìn giữ bảo vệ cho chuông.

 

Quả chuông Việt Nam cũng có những đặc trưng khác khá nhiều so với chuông Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Chuông bao giờ cũng được chia thành bốn phần theo chiều dọc bởi các gờ nổi lên. Có ít nhất một gờ ngang chạy dọc phần gần đáy, làm quả chuông được tạo thành các phần trống có thể ghi chữ. Nơi các gờ dọc và ngang gặp nhau tạo thành bốn núm chuông. Thường các núm khắc chữ Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Trên phần trống khắc các bài văn chuông, gọi là bài "minh", hoặc các bài kinh Phật. Các bài minh có thể ghi sự tích, lịch sử chùa giống bia, hoặc công đức của người góp công, hoặc ghi danh những người được tôn thờ. Văn chuông cũng có giá trị không kém văn bia.

Chuông Việt Nam bao giờ thân cũng thẳng đứng, miệng chuông Việt Nam luôn có một gờ rộng hơn thân xòe ra. Đó là đặc điểm phân biệt với chuông nước khác.

Dưới đây là chuông của TQ, Nhật Bản. Có thể thấy các chuông này thường không có cạnh đứng, mà hoặc phình ở giữa, hoặc loe ở miệng. Thậm chí miệng chuông còn lượn sóng. Phần chia trên thân chuông cũng rất phong phú. Nhiều chuông còn có rất nhiều hàng núm đồng để tạo tiếng vang.

Phải công nhận rằng thật ra chuông TQ, NB muốn đúc phải có trình độ cao hơn hẳn so với đúc chuông VN.

Chuông to nhất trong lịch sử Việt Nam ghi lại là chuông chùa Diên Hựu, hay còn gọi là chuông Quy Điền, do Thái hậu Ỷ Lan cho đúc. Chuông to nặng, bao nhiêu không rõ, có tài liệu cho rằng nặng một vạn hai nghìn cân (cân ta), nhưng có tài liệu lại thấy ghi một vạn hai nghìn cân là quả chuông bé; tức là chuông còn to hơn nữa. 

Khi đó đã phải dựng một tòa gác rất lớn để treo chuông, nhưng treo lên thì chuông đánh không kêu, có lẽ là do đúc to quá nên bị nứt. Do đó đành bỏ chuông ra ngoài ruộng, rùa chui vào sống bên trong rất nhiều, nên gọi là chuông Quy Điền.

Chuông là một trong Tứ đại khí của nước ta. Chuông Quy Điền để ở ruộng chùa Diên Hựu suốt bốn trăm năm, cho đến khi Vương Thông khi chiếm thành Thăng Long đã phá hủy lấy đồng đúc vũ khí. 

Thời gần đây, ở chùa Cổ Lễ cũng đúc một quả chuông lớn, nặng 9 tấn, cao hơn 4m. Sợ Pháp phá hủy, người dân đã vần chuông xuống ao chùa, ngâm ở đó để dấu mấy chục năm. Giờ thì chuông vẫn để ở đó.

Năm 2003 thì đúc một quả chuông nữa với kích thước tương tự, treo trong gác chuông mới xây bằng xi măng. Tuy nhiên chuông này đánh tiếng không trong.

Cùng với chuông là Khánh.

Khánh được làm bằng đồng hoặc đá, có hai núm ở hai mặt, có thể gõ. Tuy vậy tiếng của Khánh tắt rất nhanh, và gần như chỉ có người gõ là nghe rõ, từ xa chả thấy gì hết. Khánh mang tính pháp khí, trang trí nhiều hơn công dụng tạo âm thanh.

 

Trên khánh cũng là chỗ để khắc chữ, nhưng bài văn, và hình ảnh rồng phượng... Khánh thường là đồ cổ, vì gần đây thấy người ta toàn đúc chuông chứ ít thấy đâu đúc khánh.

Khánh đá chùa Kiến Sơ, một cổ vật đặc biệt được treo trên các trụ và đà cũng bằng đá

 

 


...........................

 

17/03/2022

Hoa tháng ba

 


Chế Lan Viên

Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra, mặt đất lan tràn mùi hương
Không em anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương... sợ mùi hương nhắc mình!

16/03/2022

Chùa Việt (phần 7)

 (Phần 7)

 

Mái cong chùa Việt

Bộ mái cổ của gác chuông chùa Trăm Gian, tuổi đời 300 năm. Mái đao cong được tạo thành do các xà đấu gỗ, lợp ngói mũi hài (vẩy cá). Bộ mái đẹp hai tầng tám mái được tạo hình khá duyên dáng, cong đều ở bốn góc. Nhìn một tấm mái riêng thì có hình lưỡi rìu, trên thẳng, dưới cong.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang

Một điều có thể nhận thấy rõ là tầng mái dưới có độ cong vừa phải, trong khi mái trên cong hơn hẳn. Điều này là do gác chuông có độ cao, nên bộ mái cân đối và đẹp hơn hẳn so với khi độ cong hai tầng như nhau. Đầu mũi đao khá đơn giản, chỉ là một cuộn mây nhỏ.

Mái ngói mũi hài giúp cho việc tạo độ cong dễ hơn ngói ống. Vì ngói nhỏ nên có thể xếp theo độ cong bao nhiêu cũng được.

Bộ mái đao chùa Tây Phương có độ cong rất lớn, gần như là cong nhất trong tất cả các mái đao tớ đã từng thấy. Độ cong ấy làm cho đầu mái cong ngược hẳn lên trên cả gốc mái, bờ nóc vút lên trên.

Trên mỗi gờ nóc đắp ba họa tiết: ngoài cùng là một mũi đao mà ở đầu là đầu rồng ngoảnh vào trong; ở giữa là một mũi đao ở đầu có một cuộn mây cũng vòng vào trong; và trong cùng là một con linh thú gần giống rồng cũng đang quay vào trong. Con vật đó nhiều người cho là rồng, nhưng thực tế là con Si vẫn, một trong 9 con của rồng. (Mái đao trên cùng trong ảnh bị gãy mất mũi đao có mây ở giữa).

Chính độ cong, và đầu rồng nhỏ ở mỗi mũi đao tạo thành nét độc đáo riêng cho chùa Tây Phương. Chỉ là một đầu rồng, chứ không phải con rồng. Nếu cầu kì thì đắp nguyên 1 con rồng, đơn giản thì chỉ một gợn mây. Nhưng việc chia làm 3 chi tiết từ ngoài vào trong, làm độ cong của mái thống nhất với phương vị hướng nội, và hướng thiên.

Trên mỗi gờ nóc lại có một con lân đứng quay ra ngay ở gốc mái. Nếu theo truyền thống TQ thì đó là con Trào phong, cũng là một trong 9 con của rồng. Và trên đỉnh mỗi nóc có 2 con Si vẫn quay vào giữa, gắn với một hình mây cuộn, mà có thể coi là rồng cuộn cũng được.

Tổng cộng chùa Tây Phương có 24 đầu mái đao như vậy, tạo thành một thể thống nhất, như muốn nâng cả mái chùa bay lên.

Gần đây, nhiều chùa xây mới hoặc trùng tu cũng bắt chước bộ mái đao này, nên nó không còn là "độc quyền" của chùa Tây Phương nữa. Những bộ mái sau không giá trị bằng bộ gốc là tất nhiên.

Kiến trúc đình, đền, chùa.... miền Bắc không thể thiếu cái mái đầu đao cong vút. Những người thợ đã tính toán cẩn thận, kì công để có thể làm những bộ mái có độ cong mềm mại duyên dáng. Từ những bộ mái đồ sộ nặng nề như mái đình Đình Bảng, đình Tây Đằng đến những mái nhỏ ở gác chuông... đều cong lên với tạo hình đẹp. Mặt mái vì thế cũng thành một mặt cong chứ không phải mặt phẳng. Cùng với nét cong mái đình chùa, kiến trúc chữ đinh, chữ công là nét đặc trưng rất rõ ràng không thể nhầm lẫn với kiến trúc nhà ở thông thường của miền Bắc.

Nhưng từ khi triều Nguyễn lập quốc, dựng đô ở Huế, thì kiến trúc mái cong này biến mất ở Huế. Đã quen với những mái chùa cong, lần đầu vào Huế tôi nhận thấy ngay sự khác biệt ở đây. Tất cả các mái ngói ở đây đều thẳng tắp, thẳng đuột. Những hình thang chằn chặn. Từ mái hoàng cung, mái cổng, mái chùa, mái nhà cổ, mái cầu ngói Thanh Toàn... đều chỉ là những hình học cơ bản, vuông thành ngay ngắn. 

Mặc dù trên mái, người ta đã cố đắp lên những hình rồng cuốn rất lớn, cũng cố tạo thành đường cong trên mép mái cầu kì. Thế nhưng vì chính bản thân mái đã thẳng, mặt mái là một mặt phẳng hoàn toàn, nên các hình trang trí cong lên ở góc nhiều lúc trông khập khiễng.

Rõ ràng tạo hình mái thẳng hoàn toàn dễ hơn rất nhiều so với bộ mái cong với các đầu đao vút bay lên như ở chùa Tây Phương.

Bộ mái hai tầng thẳng tắp của Tam quan chùa Thiên Mụ - Huế. Ngọ Môn của Huế cũng có kiểu mái giống thế này, thẳng đuột, chỉ khác là dùng ngói ống chứ không phải ngói bản.

Tại Huế, kiến trúc chùa cũng giống kiến trúc cung điện, là những tòa nhà ngang liền với nhau lợp mái, không tạo hình chiều sâu chữ công, chữ đinh. Và các bộ mái cũng là mái thẳng hoàn toàn. 

Từ xa mà nhìn, thì tạo hình mặt tiền của chùa Thiên Mụ dưới đây cũng giống y hệt điện Thái Hòa, giống như các tòa nhà rộng, không có gì khác biệt. Kiến trúc và kiểu mái thẳng tắp giống nhau, với tôi, tạo cảm giác đơn giản, gần gũi không xa hoa. Thế nhưng cũng lại nhàm và nhạt khi nhìn nhiều, không có sự thanh thoát, duyên dáng như các mái chùa cong.

Các bức đắp trên nóc đền chùa là Lưỡng long chầu Nguyệt (hoặc Nhật) chứ không phải tranh châu. Lưỡng long tranh châu thường là trên bức họa, bích họa, đắp nổi trên tường, với thế vờn nhau chứ không phải châu đầu vào nhau. 

Thực ra cũng có trường hợp là Lưỡng long tranh Châu, thường là của người Tàu, khi đó hình ở giữa phải là một khối cầu. Những cái do VN làm thường là mặt Nguyệt hoặc Nhật. Hình thức đắp hai con rồng chầu vào mặt trăng/trời này ở Việt Nam hình như chỉ xuất hiện từ đời Nguyễn trở lại đây thôi. 

Các ngôi đền, đình, chùa được dựng từ đời Lê trở về trước (hoặc trùng tu mà vẫn giữ được đúng nguyên bản) thì trên nóc không có 2 con rồng.

Chùa thời Tây Sơn như Kim Liên, Tây Phương, trên nóc cũng không có. Các chùa cổ, trên đỉnh nóc thường để trơn, hoặc nếu có đắp thì cũng chỉ đắp nổi tấm ngạch đề tên chùa (thường là 3 chữ), và chỉ ở hai đầu đốc mới có đắp đầu rồng, và các đầu đao đắp đắp đầu rồng thôi. Các ngôi đình cổ còn giữ được như đình Đình Bảng, Chu Quyến, Tây Đằng... đều không đắp rồng chầu Nguyệt giữa đỉnh nóc mái.

Ngược lại, một điều dễ nhận thấy là các công trình ở Huế từ Ngọ Môn, cung điện, chùa, Văn miếu... thì đều có hai con rồng chầu. Có thể hai rồng chầu vào giữa, cũng có thể rồng vươn ra ngoài, quay đuôi vào, nhưng hai đầu rồng cũng lại quay vào trong.

Các môtip rồng chầu nguyệt ở miền Bắc chỉ có từ đời Nguyễn. Một số công trình cổ hơn, khi trùng tu dưới thời Nguyễn người ta cũng đắp thêm vào.  Nhấn mạnh là chỉ rồng ở trên đỉnh nóc thì không có thôi, chứ rồng ở hai đầu đốc và đầu đao thì đền chùa cổ miền Bắc đã đạt đỉnh cao từ lâu rồi.

Triều nhà Nguyễn đã bắt chước cái kiểu kiến trúc đắp rồng trên đỉnh nóc của người Tàu Phúc Kiến, nam Trung Hoa vào các công trình của mình. Khi triều Nguyễn cai trị toàn bộ VN, thì môtip này được áp dụng khắp nơi. Những ngôi đình chùa cổ miền bắc trong thời gian này trùng tu mà không giữ được nguyên bản thì cũng chịu số phận đắp rồng lên nóc, dù trước đó chưa bao giờ có.

Người Phúc Kiến đạt đỉnh cao khi họ làm toàn bộ những trang trí, toàn bộ con rồng... bằng gốm sứ rất đẹp. Còn triều Nguyễn, không biết vì có phải chưa đủ khả năng làm thế hay không, mà đắp bằng vữa và gắn bằng mảnh sành, mảnh sứ lên, tạo thành một kiểu riêng.

Ở Huế, thì thấy có lúc không phải Châu, cũng không phải Nguyệt, mà có khi là bầu rượu (hồ lô). Như vậy chi tiết ở giữa có thể là nhiều motif khác nhau, không nhất định, tùy theo quan niệm, thẩm mỹ của người làm. Mỗi motif có ý nghĩa riêng như sau:

- Lưỡng long tranh châu là motif truyền thống TQ rồi, không cần thắc nhiều.

- Bầu rượu (hồ lô) tượng trưng cho Chứa đựng, là khái niệm của Vũ trụ. Vì vậy nhiều đỉnh tháp cũng dựng quả hồ lô.

- Lưỡng long chầu Nhật (mặt trời) là tượng trưng cho Vũ trụ nói chung. Lúc này các lưỡi lửa của mặt trời ngược lên phía trên.

- Trường hợp các lưỡi lửa xòe sang hai bên (nằm ngang) thì đó là Nguyệt, chứ không phải Nhật. Tại sao lại là mặt trăng chứ không phải mặt trời vì: Hai rồng hai bên là hai Hào dương, Mặt trăng ở giữa là hào Âm. Đó là tượng của quẻ Ly. Ly là Lửa, tượng của Phương Nam, của nóng, sáng, linh động, phát triển. Triều nhà Nguyễn lấy biểu tượng mặt trăng ở giữa là khẳng định vị trí Đại Nam của mình.

 (Cờ của chính phủ Việt Nam thời Trần Trọng Kim cũng là hình này, coi quẻ Ly là biểu tượng của Việt Nam).

Nếu ở giữa là Mặt trời, thì đó là ba hào Dương, tượng của quẻ Càn (trời). Cờ của chính quyền Miền nam VN trước 75 cũng là quẻ Càn này, gồm ba vạch ngang liền, vì thế còn được gọi là cờ Ba que.

     Bây giờ thì hình như chả ai quan tâm ở giữa là Nhật hay Nguyệt. Cứ tùy tiện đắp thế nào thì đắp. Bảo là Nguyệt cũng ừ, Nhật cũng ok !!!

Nhà tổ

Phía sau chính điện của chùa, thường có một tòa Hậu đường, làm nơi thờ các vị Tổ sư của tông phái, của chùa, gọi là Nhà Tổ. 

Nhà tổ có thể bày tượng Phật trong đó, nhưng những ngôi chùa cổ nhất thì thường chỉ bày tượng Tổ mà thôi.

Tượng Tổ gặp nhiều nhất ở các chùa là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, vị Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa (cũng là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ). Tượng Tổ sư Bồ Đề thường được đặt ở vị trí cao nhất.

Bên dưới tượng Bồ Đề sư tổ là tượng các tổ sư của chùa. Những vị tổ viên tịch gần đây thường có ảnh, tranh.

Bên dưới là bàn thờ Tổ chùa Quán Sứ, trên cùng là tượng Tổ sư Bồ Đề, bên dưới là tượng các Tổ của chùa Quán Sứ. Dưới cùng là ba di ảnh của các vị Tổ gần đây. Đặc biệt di ảnh bên phải là của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viên tịch khi 96 tuổi; di ảnh bên trái là ĐL HT Thích Tâm Tịch, Pháp chủ thứ hai của GHPGVN, viên tịch khi 91 tuổi. 

Bồ đề Đạt Ma sư tổ

Có lẽ người Việt Nam biết đến Bồ đề Đạt ma Tổ sư dưới hình thức Tổ sư của Võ học Trung hoa nhiều hơn là Tổ thiền tông.

Sử ghi rằng Đạt ma Sư tổ đến TQ truyền pháp, đã lên núi Tung Sơn, chùa Thiếu Lâm ngồi quay mặt vào vách đá 9 năm, sau đó mới truyền cho Huệ Khả. Đồng thời Sư tổ cũng truyền thụ cách luyện tập thân thể cho các nhà sư chùa Thiếu Lâm theo khí công, từ đó phát triển rộng ra thành các tuyệt kĩ chùa Thiếu Lâm.

Đến giờ người ta vẫn tôn Thiếu Lâm Tự là cái nôi võ học, và Bồ Đề Đạt Ma là thủy tổ của võ học. Các truyện chưởng khi nói đến Võ tổ thì phải nói đến ông.

Trong tranh tượng, Bồ Đề Đạt Ma có một hình thức cực kì đặc biệt dễ nhận ra: Đôi mắt to trắng dã trông rất hung dữ, râu quai nón rậm rịt lại càng thêm phần dữ dội, thậm chí có tranh vẽ cả lông ngực. Nhưng cái hay chính ở chỗ: bên trong một hình thức hung dữ như vậy lại là một vị Tổ sư Thiền đạt đỉnh cao của Từ bi và Trí tuệ.

Nếu ai vào chùa nhìn thấy tượng Tổ râu quai nón, thì đó chính là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma.

Tượng Thánh tổ

Trong một số chùa miền bắc có một pho tượng đặc biệt, mà tôi thấy miền Trung, miền Nam không hề có, đó là tượng Thánh Tổ.

Thánh tổ ở đây không phải chỉ đơn thuần là Sư tổ như các tượng ở Nhà tổ, mà còn là Thánh mang nghĩa thần thánh linh thiêng; nghĩa là các vị Thánh tổ không chỉ là Sư mà còn có phép thuật, thần thông, hộ quốc tí dân như các vị thần, thành hoàng làng, các vị thánh linh thiêng vậy.

Có lẽ đó là dấu tích của Mật tông, đề cao phép thuật biến hóa khi tu luyện. Mặc dù Phật giáo không đề cao phép thuật, nhưng dân gian thì thực ra rất thích điều này, và vị sư nào được coi là có phép thuật thì dễ được tôn là Thánh tổ, tôn sùng hơn cả các vị Sư tổ nữa. Các vị Thánh tổ này bên cạnh tên gọi theo Pháp hiệu Phật giáo thì còn tên thánh dân gian nữa.

Tượng Thánh tổ dễ gặp nhất là : Thánh Điềm : Minh Không - Không Lộ, thánh Láng - Từ Đạo Hạnh, thánh Bối - Bình An.

Vị thiền sư được phong Quốc sư đời Lý là Thiền sư Không Lộ, nhưng lại còn được gọi là Thiền sư Minh Không (Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không, chấp nhận cả hai tên đó), vì vậy còn gọi là Lý Triều Quốc sư, còn đền ở phố Lý Quốc Sư. Đền giờ đổi thành chùa.

Quốc sư Không Lộ quê ở làng Điềm, làm thuốc cứu người, tổ chức việc đúc đồng các công trình Phật giáo như Tượng Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, nên được dân gian thần thánh hóa thành một ông Thần đúc đồng, thánh Không Lộ, thánh Điềm.

Truyện cổ tích kể rằng sư Không Lộ tìm đến Tây Thiên học Phật, cùng Từ Đạo Hạnh và Giác Hải (sau gọi là Tam Thánh tổ), nhưng lại học được toàn các phép thuật theo kiểu Mật giáo. Không Lộ sang Tàu xin đồng đen về đúc, chỉ mang một túi nhỏ. Vua Tàu coi thường nên bảo "mình ngươi thì thích lấy bao nhiêu thì lấy"; vào kho, ông liền lấy tất cả đồng đen cho vào cái túi vải của mình mang về, khi qua sông thì thả nón xuống làm thuyền. Vua Tàu sợ quá không dám đuổi.

Không Lộ đúc quả chuông lớn, khi đánh lên tiếng vang sang tận Tàu, con trâu vàng nghe thấy tiếng mẹ gọi (vì đồng đen là mẹ của vàng) vùng chạy sang Thăng Long, lồng lộn tìm mẹ. Dấu chân Trâu vàng tạo thành sông Kim Ngưu hiện nay. Sợ rằng đánh chuông thì vàng bạc tất cả các nơi sẽ tụ về, Không Lộ ném chuông xuống Hồ Tây, trâu vàng cũng lao xuống luôn. Do đó Hồ Tây còn tên gọi là hồ Trâu Vàng. Người ta nói rằng những đêm vắng vẫn còn có thể nghe thấy tiếng chuông và tiếng trâu vọng lên từ mặt hồ.

Tượng Thánh tổ Không Lộ khoác áo vàng ngồi sau tượng Phật tại chùa Lý Quốc Sư. (hai bên là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, tức là Lý triều tam Thánh tổ).

 

Ở vùng Ninh Bình, quê gốc thì Thiền sư Không Lộ được biết đến với tên Nguyễn Minh Không; còn tại Thăng Long và Thái Bình, nơi ông tu đến cuối đời thì lại là Dương Không Lộ. Mặc dù hai tên khác nhau nhưng hành trạng và sự tích giống hệt nhau.

Tại Ninh Bình, Điềm Giang, núi Bái Đính được cho là nơi ông hái thuốc chữa bệnh. Truyền thuyết nói là vua Lý Thần Tông - hóa thân của Từ Đạo Hạnh - nổi điên hóa hổ, Minh Không chữa được ngay. Chùa Keo ở Thái Bình và chùa Keo ở Nam Định đều do ông dựng. Dấu tích thờ ông như một vị thánh chữa bệnh kéo dài dọc sông Hồng.

Do đó Minh Không - Không Lộ không chỉ được coi là một nhà sư, mà còn là một vị Thánh thần thông. Nơi thờ ông cũng giống nơi thờ một vị thánh, tức là để trong hậu cung, chứ không phải ở điện thờ hay nhà tổ. Một số nơi như chùa Keo, hậu cung luôn được khóa kín, chỉ đến khi lễ hội mới rước tượng ra, làm các lễ nghi như với các vị thần. 

Tượng Thánh tổ chùa Bái Đính, được thờ trong tòa điện riêng.

Từ Đạo Hạnh

Vị Thánh tổ Từ Đạo Hạnh cũng nổi tiếng không kém Minh Không Quốc sư. Ông được gọi là Thánh Láng vì sinh ra và tu ở làng Láng, nay còn chùa Láng nổi tiếng. Sau ông đến tu và mất tại chùa Thầy, một ngôi chùa thậm chí còn nổi tiếng hơn.

Truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh không thấy mấy về Phật giáo, mà hầu hết là phép thuật kể rằng Từ Đạo Hạnh lúc đầu học pháp thuật để giết sư Đại Điên là kẻ thù bằng phép tu kiểu Mật tông. Sau rồi lại làm phép đầu thai làm vua Lý Thần Tông, bị bệnh hóa hổ phải nhờ Minh Không hóa giải.

Từ Đạo Hạnh còn được tôn là ông tổ nghề múa rối nước.

Đến chùa Thầy, tại tòa Thượng điện có 3 tượng Thánh tổ, một là tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp Thánh, một là tượng ở kiếp Vua, và tượng giữa là kiếp Phật - Thiền sư.

Chùa Láng thì tượng Từ Đạo Hạnh được cất kín trong hậu cung cùng những mạn đà la Mật Tông, chỉ những ngày lễ các chức sắc và sư mới được vào, còn không ai được vào xem cả.

Tượng Từ Đạo Hạnh Thiền sư chùa Thầy. Pho tượng này trông ghê ghê, rất sống, cứ như Thánh tổ đang lầm bầm nói chuyện vậy.

....................

ĐÀN ÔNG TUỔI 40

 

Bài này đăng trên Fb từ hồi 2015, nay nhắc lại cho đỡ tủi.



(Xin nói trước là trong bài viết có nhiều câu không được hợp vệ sinh môi trường cho lắm nên đã làm phiền người lỡ đọc)

(Cái này viết tặng các mẹ! Nghiêm cấm các cháu à nhầm các em chưa đến tuổi nhớn vào đọc, nếu đã lỡ đọc yêu cầu giữ nguyên xưng hô ANH!)

Thưa các mẹ, Tết này tôi 39 tuổi Tây rồi các mẹ ạ, trước khi viết bài này, tôi rất đắn đo vì có cô nhà văn Chốt Hạ nào đó đã viết 1 bài tương tự về đàn bà rồi thì phải, nhưng người ta là phụ nữ viết cho phụ nữ - cho các mẹ, tôi viết về đàn ông – nhưng vẫn dành cho các mẹ (các bố tôi đéo quan tâm), vả lại con số nó khác nhau đúng không nào?

Tuổi 40 ở đàn ông khác lắm các mẹ ạ, ở phụ nữ thế nào tôi không biết chứ ở đàn ông tâm sinh lý nó thay đổi rõ cmn rệt luôn. Nói thế nào cho các mẹ hiểu được bây giờ nhỉ, thế này đi, trước hết:

Đàn ông tuổi 40 có TRÍ TƯỞNG TƯỢNG vô cùng PHONG PHÚ. Tôi chưa thấy 1 nghiên cứu khoa học nào về đề tài này nhưng xét theo các mối quan hệ tương hỗ, tôi thẩy đây là 1 hiện tượng Xã hội học vô cùng lý thú. Ví dụ thế này, tôi có thằng bạn đồng niên, cũng là Kts, buổi sáng đầu giờ làm việc, bọn tôi hay ngồi quán chè chén dưới chân văn phòng bàn luận về gái, mà nói thẳng với các mẹ là về TÌNH DỤC, thằng bạn tôi bảo:

- Đéo hiểu sao, sang tuổi 40 tao lại KHỎE RA mới bcm chứ, ngày nào 2 vợ chồng cũng làm 1 cái mới ngủ ngon được, hôm nào chẳng may vợ nó THAY DẦU là y như rằng bứt rứt khó chịu đéo thể ngủ được?

Tôi nghe nó nói mà KINH, nể nó lắm, MK, tôi coi nó là THÁNH chứ đéo phải người, thần tượng nó ghê gớm. Tháng sau tôi vô tình gặp con vợ nó, tôi hỏi: “Em nuôi nó bằng CÁM đéo gì mà nó bảo ngày nào 2 vợ chồng cũng chiến đấu thế?”. Con vợ nó bảo: “Em không biết anh thế nào chứ lão chồng em dạo này có cái TRÍ TƯỞNG TƯỢNG phong phú vãi đái ra! Cả tháng nay ông ấy bảo bị anh sút bóng vào BỆ HẠ, đang phải DƯỠNG THƯƠNG đấy!” Mà các mẹ ạ, thằng bạn tôi chưa bao giờ nó ra sân bóng chứ chưa nói đến đá bóng, quả là phong phú thật!

Đàn ông tuổi 40 có TRÍ NHỚ cực kỳ TỐT! Thật đấy các mẹ ạ, đàn ông tuổi này có thể nhớ chính xác tất cả các sự kiện xảy ra trong QUÁ KHỨ. Tôi chắc cmn chắn luôn với các mẹ, đơn giản vì trong tất cả các câu chuyện mà chúng tôi kể cho GÁI công ty nghe bao giờ cũng bắt đầu bằng từ “NGÀY XƯA”.

Nào là NGÀY XƯA anh đẹp trai lắm, đéo béo như bây giờ đâu? Ngày xưa anh học giỏi nhất cmn TỈNH luôn, đéo ngu như giờ đâu! Ngày xưa anh cưa gái 10 phút là chúng nó ĐỔ vật xuống sàn nhà, đéo phải mang vật chất ra câu đâu! Ngày xưa anh hát hay, đàn giỏi, đá bóng cừ… nhưng giờ QUÊN cmn hết rồi, Ngày xưa anh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đéo yếu như giờ đâu…Ngày xưa anh…MK, có nhiều thằng dùng từ NGÀY XƯA nhiều quá thành cmn TẬT, đéo sửa được nữa.

Tôi có thằng bạn, nó uống rượu với ông ngoại bên nhà vợ, ông lão gần trăm tuổi từng trải qua 2 cuộc kháng chiến, huân huy chương đầy ngực mà thằng cháu rể nó nói với ông thế này: “…Ông KHÔNG BIẾT chứ NGÀY XƯA cháu đi bộ đội vất vả cơ cực lắm, chứ đâu như bọn trẻ bây giờ …Ông không nhớ chứ NGÀY XƯA thời bao cấp khó khăn đói kém lắm…Ngày xưa, hồi mới giải phóng cháu đi mẫu giáo khổ sở vô cùng…” Rồi cứ 1 câu lại ÔNG KHÔNG BIẾT CHỨ…, 1 câu lại NGÀY XƯA CHÁU… khiến ông cụ tuổi gần đất xa trời giận sùi cả bọt mép, giằn mạnh chén rượu xuống đất, ông nói: Xưa xưa cái MẢ CỤ MÀY à!

Đàn ông tuổi 40 rất TỐT BỤNG! Đấy là tôi nói về cả nghĩa đen và nghĩ bóng các mẹ ạ, đa số đàn ông ở độ tuổi ấy đéo bao giờ nhìn thấy 2 bàn chân mình nếu đứng nghiêm, tôi thề đéo sai, cúi xuống chỉ toàn nhìn thấy BỤNG là BỤNG. MK, thậm chí có thằng đéo bao giờ gặp được BỆ HẠ của mình, cứ phải luồn tay xuống lần mò rồi tưởng tượng, có hôm vô tình SOI GƯƠNG nhìn thấy THẰNG CU nhỏ nhắn đứng nấp sau 2 ông anh ĐÙI thì khóc nấc lên từng hồi, lâu ngày mới được gặp nhau, XÚC ĐỘNG đéo tả được!

Đấy là mới nói về hình thể, về tính cách thì đương nhiên là bắt buộc phải TỐT BỤNG rồi, đơn giản lắm các mẹ ạ, BÉO như lợn thế thì đánh nhau được với ai, CHẠY cũng đéo thể nhanh được, TRỐN cũng đéo đủ chỗ mà núp … thế mà ra Xã hội không TỐT BỤNG trong hành xử và lối sống thì chúng nó đập chết QUẠT CHẢ ngay, có phải không các mẹ?

Đàn ông tuổi 40 ai cũng giỏi BÌNH THIÊN HẠ! Đúng thế đấy các mẹ ạ, nam hán tử đại trượng phu là phải Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ. Tề gia thì đương nhiên rồi, ở tuổi ấy không có GIA ĐÌNH vợ con thì chỉ có thằng GAY thôi, Trị quốc thì ngày xưa thôi chứ bây giờ chắc không đến lượt mình vì đã có Đảng và Nhà nước lo, cuối cùng chỉ còn mỗi BÌNH thiên hạ!

Quá dễ, từ hồi có Facebook càng dễ hơn, hễ THIÊN HẠ xảy ra cái gì là mình BÌNH cmnl; ruồi trong chai C2 à? Bình ngay: Đả đảo bọn Doanh nghiệp giết ruồi dã man! Chém lợn à? Bình ngay: Độc ác như IS, ai lại cho cả MÁU vào tiết canh! Bóng đá Sea Game thua à? Bình ngay: Đá thế mà đòi đi WC à, thay cmn hết cổ động viên đi! Tất nhiên thỉnh thoảng ĐEN cũng bị THIÊN HẠ nó BÌNH ngược lại. Tôi có thằng bạn, nó chơi với 1 nữ văn sỹ, một hôm nữ văn sỹ nông nhàn rỗi việc chụp mấy cái ảnh “mổng hơ” rồi đăng trên Fb, thằng bạn tôi với mấy thằng nữa nhảy vào tập trung Bình cái chỗ “thiên hạ” của nữ văn sỹ. MK, nữ văn sỹ điên ruột đăng đàn vác cả THIÊN HẠ hất hết ngược lại mặt thằng bạn tôi, MK, thơm thơm là, mà thôi, đó là tai nạn nghề nghiệp, no table!

Đàn ông tuổi 40 là phải biết đánh golf và ai cũng phải biết tên. Cái này là mốt của bọn tôi đấy các mẹ ạ, nó thời trang đến nỗi đi đâu người ta cũng hỏi nhau: Đánh sân nào thế? Handicap của mày bao nhiêu? Hôm qua thằng nào sập hầm?... MK, tôi đau hết cả đầu vì hễ ngồi caffe là các bố đem golf với góp ra thảo luận, cứ y như cả thế giới chỉ có mỗi cái môn đó là thể thao đẳng cấp còn các môn khác đều là bình dân.

Thằng bạn tôi là TGĐ công ty tư nhân, nó tên Năng, nick là Nổ - mới chuyển từ Tennis sang golf được 2 năm, nó bảo với tôi: “Tôi đánh có 2 năm mà giờ thằng nào nghe đến tên tôi là vãi đái, ông lên sân X cứ nói tên tôi là thằng góp - phơ này cũng biết!” Tôi tin nó, gặp thằng góp-phơ khác tôi khoe ngay: “Thằng bạn tao là Năng Nổ, cũng đánh sân X, mày biết nó không?” Ngay tắp lự, thằng kia nó quát tôi ngay: “Làm đéo có tên thằng đấy, sân đó chỉ có TÊN TAO là ai cũng biết, mày không tin cứ hỏi Bình “Đà” sân X!”. Tôi lại tin, MK, ngu thế chứ, rồi tôi lại hỏi 1 thằng góp-phơ thổ tả khác, nó lại chửi tôi: Làm cặc có thằng nào tên đó, chỉ có TAO là đỉnh của đỉnh ở sân X, mày không tin cứ nói tên tao ra: Nguyên “Tử”!…” Ôi cái mả mẹ chúng mày chứ, hóa ra đánh golf là đéo thằng nào BIẾT TÊN thằng nào, nó chỉ biết mỗi TÊN NÓ thôi các mẹ ạ!

Đàn ông tuổi 40 phát cuồng về TIỀN BẠC, MỐI QUAN HỆ XH và khả năng SINH LÝ. Các mẹ ạ, khi các mẹ nghe 1 nhóm 40 nói chuyện, phải căng tai 1 chút vì họ luôn thì thầm trông như bọn buôn bạc giả, giọng thì khàn y như Michael Corleone trong phim Bố già, nhưng đéo phải do tuổi tác đâu, do bệnh TRĨ cả đấy.

Đầu tiên là họ nói về các hợp đồng, kiểu như thế này: “Tôi vừa ký cái hợp đồng bắt ruồi ở nhà máy nước ngọt gần 300 tỷ!”. Hay gọi điện thoại: “A lô! Cái gì, không được đâu, công trình dưới ngàn tỷ anh không nhận em ạ!”. Hoặc điều hành công ty: “A lô, tôi Năng Nổ TGĐ đây, trong két còn bao nhiêu? Hả, có hơn 500 tỷ thôi à, được rồi, cầm 499 tỷ đưa cho chị X nhé, tiền ít thì đừng bắt chị ấy ký nhận!”.

Vãi cả đái luôn, tôi ngồi 1 lúc mà cảm giác như đang sống ở Phố Wall. Hay về các mối quan hệ XH, chúng tôi hay nói thế này: “Tối qua tao qua thăm bác Z ở Bộ CT, sang năm chính sách sẽ thay đổi, sang tuần tao phải khởi công ngay cái dự án 500 ha ngay không thì căng!”. Hoặc thân thiết hơn: “Cái gì, anh M ốm à, chiều qua tao với anh ấy còn khoác vai nhau ở sân golf X có thấy mệt mỏi đéo gì đâu!”. Hay như con cháu trong gia đình: “hic…hic…hic…vậy là bố anh T đi rồi, khổ thân, ông cụ coi tao như con, có ĂN cái gì NGON cũng gọi điện thoại bảo: Bố ăn xong rồi, chúng mày đến mà dọn đi! Vậy mà…hic…hic…hic..”.

À, còn nữa, tý quên về SINH LÝ, đa số đàn ông tuổi 40 chúng tôi thường sử dụng ĐẠO HÀM để nói về số lần quan hệ trong ngày do đó các mẹ cố gắng sử dụng TÍCH PHÂN để chia lại nhé, ví dụ thế này: “ Hồi còn quan hệ với em Y có đêm tao làm 9 phát? Tao thề luôn, mày không tin cứ hỏi nó!” Đừng hỏi mất công, cứ TÍCH cmn PHÂN lại là ra… 3 lần, nhưng thật ra chỉ có 1 lần, 2 lần còn lại là do mệt quá lăn ra NGỦ và MƠ làm nốt, ĐCM!

Đàn ông tuổi 40 biến tất cả các môn thể thao thành thể dục dưỡng sinh. Cái này là do quan niệm sống thôi các mẹ ạ, nhiều thằng ở tuổi ấy nó còn lẫn cmn giữa thể thao và thể dục, có thằng nó còn tưởng ĐÁNH CỜ là thể thao vận động và ĐÁNH RĂNG là thể dục cơ! Nói đâu xa, ngay bản thân tôi ngày xưa tuần 7 ngày 7 trận bóng đá vậy mà giờ 2 trận cũng không kham nổi. Di chuyển thì như quay chậm, va chạm thì toàn ngã, đã nửa hiệp đã vãi cmn cứt ra sân rồi van lạy đồng đội xin ra nghỉ. Về kỹ thuật cá nhân thì khỏi phải nói, bọn trẻ nó bảo tôi vẫn NGON: Chú đá 2 chân như 1 luôn, chân phải chú đá như chân trái, chân trái chú đá như con cặc. Nhìn chú đá cứ như ông nội cháu tập DƯỠNG SINH! Nhục đéo tả được! Vì thế khi chúng tôi bảo đi THỂ THAO, đừng tin, Dưỡng sinh thôi!

Đàn ông tuổi 40 đa cảm và thương người. Cái này thì chắc chắn là do tuổi tác các mẹ ạ, đàn ông tuổi này đa cảm lắm, có thằng khi nhắc đến mẹ là nó gào lên nức nở vì NHỚ, khi nhắc đến gái thì mắt nó long lanh cứ y như được gặp Bác Hồ, ấy vậy mà nhắc đến VỢ 1 cái là mặt nó biến sắc, mắt nó vằn lên những tia máu, nhòa đi, chỉ toàn lòng trắng trông y như Đồ Chiểu nhìn thấy giặc Pháp…MK, ĐA CẢM đến thế là cùng!

Đàn ông tuổi 40 vô cùng THƯƠNG NGƯỜI các mẹ ạ, họ đồng cảm với nối đau của nhân loại. Tôi có thằng bạn, đi hát karaoke ngồi với bất cứ con bé TIẾP VIÊN nào là ngay lập tức nó tỷ tê tâm sự rồi KHUYÊN con bé đó bỏ nghề đi làm THỢ MAY, MK, rồi khuyên con của nó chưa đủ nó lại khuyên tiếp con của thằng bên cạnh, rồi bên cạnh nữa. TSB thằng đó nó khuyên nhiều đến nỗi chúng tôi phải chửi: Đạp con mèo, mày không còn cái nghề nào khác à, MK, mày làm bội thực nghề thợ may ở HN rồi đấy, sao không khuyên làm đầu, trang điểm đi? Các mẹ biết nó bảo sao không: Thợ may hay… lấy được chồng làm … GIÁO VIÊN! Ôi cái cha tổ cái thằng này, lo NGHỀ NGHIỆP chưa đủ, nó còn lo cho người ta cả CHỒNG CON! Quá thương người các mẹ nhỉ? Mà các bạn nam Giáo viên cẩn thận khi lấy vợ là Thợ may đấy nhé! Toàn thằng bạn tôi KHUYÊN cả đấy!

Đàn ông tuổi 40 KHÔNG BAO GIỜ NGOẠI TÌNH, nếu có ngoại tình đó là ngoại tình do KHÁCH QUAN. Các mẹ ạ, ở tuổi 40 đàn ông có nhiều ưu điểm mà PHỤ NỮ thích, nào là trí nhớ tốt này, trí tưởng tượng phong phú này, tốt bụng này, đa cảm thương người này, có tiền bạc, có quan hệ XH này,… Đấy, thế thì đương nhiên là hấp dẫn rồi!

Nhưng các mẹ phải hiểu thế này, đàn ông 40 chúng tôi rất tôn trọng gia đình, chúng tôi kiên quyết không ngoại tình, chúng tôi làm nhiều cách để tránh xa cám dỗ, thậm chí chúng tôi còn phải trốn tránh phụ nữ nếu thấy cần thiết.

 Các mẹ cứ nghĩ thế này, trong cuộc sống rất phức tạp, mình trốn càng trốn họ càng truy tìm, vì vậy chúng tôi không trốn nữa mà cứ khi nào họ tiến vào là chúng tôi ĐẨY họ ra xa. Ví dụ có 1 em tiến tới chúng tôi lấy TAY PHẢI đẩy ra, nhưng lại có 1 em khác chúng tôi lấy TAY TRÁI đẩy ra, nhưng MK lại 1 e nữa thế là chúng tôi phải NGỒI XUỐNG rồi lấy CHÂN PHẢI đẩy ra, ôi cha mẹ ơi, lại 1 em nữa nên chúng tôi phải lấy CHÂN TRÁI đẩy ra. Giờ thì cả 2 chân 2 tay đều sử dụng nên chúng tôi phải NẰM, ôi chúa ơi, lại 1 em nữa tiến đến…Vậy theo các mẹ chúng tôi phải ĐẨY bằng gì??? Cái gì? Cái mẹ cầm tinh con HÀ MÃ kia nói to lên? Chân nào??? Chân GIỮA à!!! Đấy, thế sao còn bảo đấy là NGOẠI TÌNH, chúng tôi đang ĐẨY RA cơ mà??? Ơ kìa???? Sao các mẹ không nghĩ nó THOANG THOÁNG 1 chút nhỉ!

Tóm lại, thưa các mẹ, đàn ông tuổi 15 mơ ước thành đàn ông tuổi 20, đàn ông tuổi 20 mơ ước được trở thành đàn ông tuổi 30, đàn ông tuổi 30 mơ ước được trở thành đàn ông tuổi 40 và đàn ông tuổi 40 lại mơ ước được đặt chân lên cỗ máy THỜI GIAN để quay lại TUỔI 30 với toàn bộ TÀI SẢN của mình! Vậy đấy!

Giờ thì các mẹ hiểu cả rồi chứ?