27/03/2022

Hạnh phúc thế nào nhỉ ?

 Tuệ Tâm

Hạnh phúc là gì? Đến nơi đâu mới tìm được hạnh phúc? Con người vẫn luôn mong muốn tìm hạnh phúc cho mình, và không biết tìm kiếm nơi nao ? Thật ra, Hạnh phúc vốn giản dị lắm, đó là:

Bạn nghèo khó, nhưng có người nguyện đi cùng bạn chính là hạnh phúc.

Bạn đau ốm, có người tận tình chăm sóc cho bạn chính là hạnh phúc.

Khi bạn lạnh, có người ôm bạn chính là hạnh phúc.

Khi bạn khóc, có người an ủi bạn, là hạnh phúc.

Khi bạn già, có người bầu bạn cùng, cũng là hạnh phúc.

Bạn sai, có người bao dung, tha thứ cho bạn, cái này là hạnh phúc.

Bạn vất vả, có người thương xót, đây cũng chính là hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải là quanh bạn có bao nhiêu người, mà là có bao nhiêu người bên cạnh bạn.

Hạnh phúc không phải là bạn lái những chiếc xe sang trọng, mà là bạn lái xe về đến nhà bình an.

Hạnh phúc không phải là bạn tích trữ được bao nhiêu tiền, mà là mỗi ngày thể xác và tâm hồn được tự do, được làm những việc mình yêu thích.

Hạnh phúc không phải là vợ của bạn xinh đẹp ra sao, mà là vợ của bạn luôn có thể nở nụ cười rạng rỡ.

Hạnh phúc không phải được ăn ngon mặc đẹp, mà là không có bệnh, không có tai ương.

Hạnh phúc không phải lúc bạn thành công được tung hô nhiệt liệt, mà là lúc bạn sa cơ vẫn có người nói: “Bạn tôi à! Cố lên!”

Hạnh phúc không phải là bạn nghe qua bao nhiêu lời ngon ngọt, mà là khi bạn bi thương rơi lệ, vẫn có người nói với bạn: “Không sao đâu mà, có tôi ở đây…”

Hạnh phúc là vậy mà.

 

26/03/2022

Nấu phở bò ở nhà

 



Mai là chủ nhật, nhiều bạn sẽ nghĩ ra những món ngon để cả nhà cùng thưởng thức. Một trong đó có lẽ là Phở Bò vì món này tương đối được yêu thích với nhiều người.

Mình cũng vậy, mê món này lắm. Thường gọi bò chín – gầu, nước béo, bánh thái sợi to (sợi nhỏ dành cho phở gà) ở những quán quen (bây giờ có tuổi, có bệnh thành ra không dám cho nước béo, chứ món này là từ tủy bò tiết ra, ngon lắm chứ không phải mỡ bò như mọi người lầm tưởng đâu nhé). Món bò tái cũng ngon nhưng mình không thích lắm, trừ quán phở bò ở đầu phố Nguyễn Chí Thanh, bò tái của họ thật mềm và ngọt. Đi dã ngoại có lẽ cũng chỉ chọn được bò tái mà thôi…

Ở nhà mình vốn hay ăn món này nên quen tay – hay làm thành ra có chút kinh nghiệm, cộng với được các anh chị em nấu phở chuyên nghiệp chia sẻ kinh nghiệm nên cũng có chút đắc ý về nấu phở bò. Để có bát phở ngon không hề dễ, mời bạn tham khảo vài mẹo sau để nấu nồi phở ngon đãi cả nhà nhé!

Muốn phở bò ngon thì nguyên liệu phải tươi ngon, chất lượng.

Nguyên liệu chính của nồi phở bò chính là xương bò và những phần thịt bò đặc biệt dùng cho món phở.

Xương bò là thành phần quan trọng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nước dùng. Theo truyền thống, muốn nước dùng ngọt và ngon thì phải ninh xương bò, thường là xương sống và xương đuôi (ngày xưa, các quán phở ngon toàn ninh qua đêm).

Xương và thịt bò giúp phở có mùi hương đặc trưng, không phải mùi hôi. Mùi hôi của nước dùng phở thường từ mỡ bò, nhất là mỡ trong tủy xương.

Mùi khó chịu của mỡ trong nước phở bò có thể khử bằng gừng lúc chần xương ban đầu. Nhưng trong quá trình nấu sau đó, chất mỡ sâu hơn trong tủy vẫn tiếp tục tạo mùi. Người ta cho những khúc mía đã róc vỏ vào đun cùng xương để khử mùi này. Ngoài việc khử mùi của xương thịt, mía còn giúp tạo thêm vị ngọt thanh cho nước dùng.

Người ta thường cho rằng nước dùng phở phải trong. Nước trong ở đây là nước không lợn cợn và không có váng mỡ, chứ không trong veo hoàn toàn được. Vì nước phở được ninh từ xương, gân, nạm bò trong thời gian dài sẽ chiết xuất ra gelatin giúp nước đặc sánh, protein gây kết tủa.

Để nước dùng không quá đục và lợn cợn. Bạn lưu ý ninh xương ống, nạm bò ngập trong nước đừng đậy nắp trong thời gian ninh xương, đừng nêm gia vị ở giai đoạn này, vừa tránh lợn cợn, vừa giúp xương chiết xuất hết vị ngọt.

Nước dùng phở ngon cần có vị ngọt chân thực, hạn chế vị ngọt từ bột ngọt, hạt nêm. Muốn tăng độ ngọt cho nước dùng thì bạn có thể ninh nhiều xương bò, thay đường tinh luyện bằng đường phèn để vị ngọt nhẹ và thanh.

Các gia vị tạo mùi thơm cơ bản cho nước dùng phở gồm: đại hồi, tiểu hồi, thảo quả, đinh hương, quế, hạt mùi. Cùng tìm hiểu hương và mùi vị mà chúng mang lại nhé!

- Đại hồi: vị ngọt dịu như cam thảo, góp phần tạo mùi hương có vị thơm ngọt cho nước dùng phở.

- Tiểu hồi: vị cay và vị ngọt gần như cam thảo.

- Quế: có vị cay nhưng cái cay của quế rất dễ chịu, nhẹ nhàng, giúp nước phở thêm nồng và đậm vị.

- Đinh hương: có hương thơm rất đặc trưng, tạo sự cay nhẹ và ấm nồng cho nước phở.

- Thảo quả: có vị cay nồng, nhưng đi kèm là vị ngọt dịu.

- Hạt mùi: hương thơm dễ chịu, thường dùng để khử mùi của thịt.

Ngoài ra nồi nước dùng phở không thể thiếu gừng, hành khô và hành tây nướng. Gừng giúp khử mùi hôi từ mỡ bò, hành tây giúp nước dùng có thêm vị ngọt, tăng mùi thơm cho nước dùng.

Bạn rang các nguyên liệu của ngũ vị hương trên bếp khoảng 1 phút. Sau đó chuyển sang túi vải, cột kín và dùng cho bước ướp hương của nước dùng phở.

Có điều kiện bạn ninh thêm gân bò và dẻ sườn. Gân bò giúp tạo độ sánh cho nước dùng, độ dai giòn của gân bò cũng tạo điểm nhấn cho món phở. Dẻ sườn (thuộc phần xương sườn trước của bò) sẽ tạo độ ngọt cho nước hầm. Ít dùng thăn bò vì thăn bò ninh trong thời gian dài sẽ bị khô, bã khiến phần thịt của món phở kém hấp dẫn.

Gân bò

Gân bò tươi sẽ có màu trắng hồng. Nếu gân chuyển màu bất thường như vàng, xanh thì bạn đừng mua.

Xong phần nước dùng, (phần này quan trọng nhất quyết định chính yếu độ ngon của bát phở bò) thì đến phần thịt.

Phần thịt chín để bày vào bát phở là nạm, gầu, tái….

Nạm bò hay còn gọi là thịt ức của bò là phần thịt bên sườn của con bò. Nạm bò với nạc và gân xen kẽ, được xem là một trong những phần thịt ngon nhất của con bò.

Gầu bò là phần thịt nằm gần ức, kéo dài từ ngực đến dưới cổ bò, cũng có cả mỡ và nạc xen lẫn nhưng không đều như phần thịt ba chỉ.

Nạm, gầu hay dẻ sườn nên chọn những phần thịt màu đỏ tươi, mùi thơm và không bị hôi.

Phần thịt tái để ăn phở thường là bắp bò, gọi là bắp rùa hoặc bắp hoa.

Bắp rùa là phần bắp nhỏ xíu, nằm giữa lõi cái bắp đùi to ở chân sau con bò. Còn bắp hoa là cái bắp nhỏ nằm ở chân trước của con bò. Hai loại bắp này mình ăn thử thì thấy không khác nhau lắm. Nhưng người sành ăn thì bảo bắp rùa mềm hơn bắp hoa.

Thịt bắp bò ngon sẽ có màu thịt đỏ tươi, thớ nhỏ mịn, thơm mùi bò, mỡ bò màu vàng nhạt.

Sau đó đến phần bánh phở, bạn đừng quên chần bánh phở trước khi chan nước dùng, bởi bánh phở ở ngoài hàng thường lạnh. Chần bánh phở sẽ giúp bánh phở nóng sâu, nở đều, khi chan nước dùng vào bánh phở sẽ thấm vị đều hơn.

Rồi đến phần rau thơm: Rau thơm cho bát phở đầu tiên phải nói đến là hành, mà nên là hành hoa sẽ thơm hơn, Phần củ hành thì tước nhỏ vừa đẹp vừa tạo vị. Sau đến là mùi, rau thơm…tùy vị.

Nhiều người sẽ dùng chanh, nhưng tớ thấy dấm tỏi mới hợp nhất với phở bò. Còn tương ớt, dùng ở nhà nên tự chế (cũng dễ làm), vừa ngon lại vệ sinh chứ dùng đồ siêu thị tiện nhưng vị lạ…

Nấu phở hơi mất thời gian tý nhưng để đãi người thân thì có sao. Hy vọng cách làm trên của mình sẽ giúp bạn nấu nồi phở đãi cả nhà vui vẻ nhé!

 

 

 

 


Chùa Việt - Phần 9 (xây chùa)

 Phần 9


“Xây chùa, tô tượng, đúc chuông,

Ba công đức ấy thập phương nên làm”

Chùa là nơi ký thác tâm hồn của người Phật tử, là nơi tôn nghiêm để che chở tâm hồn. Hơn nữa chùa còn là nơi giữ cho tâm hồn con người được trong sáng, thể hiện đạo đức con người. Giúp Phật tử tìm được sự thanh thản, buông bỏ những khó khăn của cuộc sống và vững bước vượt qua nghịch cảnh.

Chùa đã trở thành nét đẹp trong tâm thức của người Việt ta. Chùa thuộc về cộng đồng làng, xã (chùa làng). Nên lòng người vô cùng trân trọng, họ thường tự hào nói rằng “Chùa làng tôi…”.

Có dịp đi nhiều, tôi được tiếp xúc các vị bô lão, người cao tuổi kể về việc đóng góp xây sửa chùa ngày xưa với niềm tự hào và tiếc nuối. Xây chùa bao giờ cũng là một việc trọng đại đối với làng quê Việt Nam, có làng còn đưa hẳn vào hương ước.

Đặc biệt, phong thủy đối với chùa cực kỳ coi trọng; phải đảm bảo vừa thoáng, vừa vững chắc lại phải theo đúng khuôn phép của nhà Phật.

Các ngôi chùa Việt Nam thường được xây dựng bằng các thứ vật liệu quen thuộc như tre, tranh cho đến gỗ, gạch, ngói…

Những vật liệu, tiền bạc dùng cho việc xây dựng chùa thường được quyên góp trong mọi tầng lớp nhân dân, những việc làm như vậy được gọi là “công đức”.

Các chùa nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc (Hà Nội); chùa Keo (Thái Bình); chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích (Bắc Ninh),… đều mang những kiến trúc mộc mạc nhưng vẫn trang nghiêm.

Mọi người đến đây lòng thành và không có các hình thức kinh doanh. Cúng dường, các hòm công đức phần lớn là tiền lẻ và mọi người tùy tâm công đức, đóng góp xây dựng chùa.

Việc quyên góp tiền để xây chùa giúp người ta có niềm tin là sẽ được hưởng phúc từ lòng thành của bản thân.

Đối với nhiều làng quê Việt, mái đình, sân chùa là những hình ảnh quen thuộc. Nơi đó là khung cảnh thanh tịnh, giản đơn, ngăn nắp, tươm tất, gọn gàng.

Người ta đến chùa là để tìm thấy sự thanh tịnh trong tâm tưởng, các lễ vật được cọi là “lễ mọn, lòng thành”.

Trong hàng nghìn di tích quý báu, những đình chùa miếu mạo, những làng cổ độc đáo đang được chính quyền và nhân dân bảo tồn đều đã từng được xây dựng bằng tài sản và công sức của cộng đồng làng xã, của những người có tâm, có lòng hướng đến chốn tâm linh Phật pháp.

Công sức và tấm lòng của họ được nhân dân ghi nhớ, lưu truyền, không ít trường hợp còn được lưu lại trong văn bia được tạo dựng trang trọng trong khuôn viên của di tích.

Không ít làng cổ có hệ thống đường thôn ngõ xóm tuyệt đẹp bằng đá xanh, bằng gạch xuất phát từ những tục lệ tốt đẹp: mỗi cô gái khi đi lấy chồng có nghĩa vụ lát cho làng một đoạn đường bằng gạch, hoặc đá.

Từ công sức của mọi người đóng góp, tất cả đều trở thành tài sản của làng: từ cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa chiền, miếu mạo… đều thiêng hóa, mọi người đều được thụ hưởng và có nghĩa vụ gìn giữ bảo vệ.

Các lễ hội dân gian truyền thống cũng được tổ chức bằng nhân tài vật lực của làng xã. Từ những hội làng đến những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia như:

Hội chùa Hương, hội Phủ Giày, hội Gióng cũng đều do các làng xã diễn ra lễ hội chủ trì. Ban tổ chức lễ hội do nhân dân bầu ra gồm những người đạo cao đức trọng. Nhân dân cả làng, cả xã tùy tâm, tùy sự phân công mà đóng góp công sức, tiền của, hoàn toàn không vụ lợi.

Không ai có ý định kiếm lợi lộc ở những sinh hoạt văn hóa thiêng liêng như thế này.

Đáng tiếc, những năm gần đây, dường như đã có nhiều nơi, nhiều người toan tính, thương mại, núp bóng tâm linh để xây dựng chùa tháp. Họ đang đi ngược lại với truyền thống văn hóa của dân tộc Ta.

 


Những bài hát ru xưa

 


Ngày bé, nhớ bà nội, mẹ hay bà cô ruột hay hát ru các em ngủ (ru mình sao nhớ) những lời ru êm ả, hay lắm nên nhớ mãi. Những lời ru xưa, thời nay ít thấy; dù mình cũng đi nhiều, gặp nhiều.

Nay đành sưu tầm vài bài ru cũ ở đồng bằng Bắc bộ giới thiệu đến các bạn.

1.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

2.
Gió mùa thu… Mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm
Hỡi chàng… chàng ơi!
Hỡi người… người ơi!
Em nhớ tới chàng… Em nhớ tới chàng!
Hãy nín! nín đi con!
Hãy ngủ! ngủ đi con!
Con hời… con hỡi…

Con hỡi… con hời… hỡi con!…

3.
À ơi
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
À ơi
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
À ơi
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục Đau lòng cò con

4.
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về
Bắt được con cá rô trê
Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn
Cái ngủ ăn không hết để dành đến tết mùng ba
Mèo già bắt được mèo ốm phải đòn
Mèo con ăn vạ, con quạ chết trôi
Con ruồi đứt cánh, đòn gánh có mấu
Cây trẩu có hoa, cây cà có trái
Con gái có chồng, đàn ông có vợ
Kẻ chợ có con..

5.
à ơi
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
à ơi…

6.
Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẵm lúa nhà ông hỡi cò
không không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái diệc đổ thừa cho tôi
à ơi..

7.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tâm xuân nở hoa xanh biếc
Em đi lấy chồng, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một miếng trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng, biết thuở nào ra…

8.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

9.
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Ông ơi cho tôi mượn cái khau (gàu) sòng
Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên

10.
Nhớ ai, em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai.

11.
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên

12.
Lời 1: Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ
Năm (ơ) canh chày, năm (ơ) canh chày, thức đủ vừa năm
Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi
Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời là con hỡi, con hỡi con hời
Con hỡi con hời, hỡi con!
Lời 2: Đến mùa xuân trong cơn mà gió ấm
Cha (ơ) con về, cha (ơ) con về, con nắm tay cha
Hỡi nàng nàng ơi, hỡi người người ơi
Tôi nhớ tới người, tôi nhớ tới người
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời là con hỡi, con hỡi con hời
Con hỡi con hời, hỡi con

13.
Con cò, cò bay lả, lả, bay la
Bay từ từ cửa phủ,
Bay ra, ra cánh đồng
Tình tính tang, là tang tính tình
Duyên tình rằng, ấy duyên tình ơi,
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng?
Rằng có biết biết hay chăng?

14.
Chiều chiều ra đứng Tây lầu tây
Tây lầu Tây, thấy cô tang tình gánh nước
Tưới cây tưới cây ngô đồng
Xui ai xui trong lòng, trong lòng tôi thương
Thương cô tưới cây ngô đồng

15.
Chiều chiều ra đứng bên dòng sông
Sông dòng sông, thấy ai tang tình khuấy nước
Đẩy đưa đẩy đưa con đò
Thương ơi thương con đò, con đò sang sông
Mênh mang nước trôi xuôi dòng

16.
Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải dân gian
Sống trong 1 đốm lửa tàn mà thôi
Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu
Trăm dòng sông đổ biển sâu
Biển chê sông đục biển đâu nước về
Tre già yêu lấy măng non
Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày
Mai sau con lớn nên người
Hai tay ôm cả giang sơn đất trời

17.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

18.
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

19.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

20.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

21.
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.

22.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt, ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh.

23.
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về kinh ăn cá về đồng ăn cua
Gió đưa bông cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

24.
Ầu ơ, chim xa cành như cây xa cội
Người xa người tội lắm người ơi
Thà rằng không biết thì thôi
Biết mà mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn

 


25/03/2022

Thú vui ăn trầu ngày xửa

 

Trầu cánh phượng phong cách Bắc

Trầu cánh phượng phong cách Huế

Ăn trầu trong dân gian

Ăn cau trầu là một tập tục lâu đời, là phần quan trọng làm nên văn hóa giao tiếp của người Việt ngày trước, bởi lẽ “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, và bởi trầu cau còn là biểu tượng của hạnh phúc đôi lứa: “Trầu vàng nhá với cau xanh. Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”. Có lẽ vì thế mà người Việt trước đây dường như ai cũng biết và cũng thích ăn cau trầu.

Trầu xanh, vôi đỏ, cau vàng,

Cơi trầu bịt bạc,

Thiếp mời chàng ăn chung”.

Khi vua chúa thích ăn cau trầu

Ăn cau trầu không chỉ là một cái thú của người dân nơi thôn dã, thú ấy còn len lỏi vào tận nơi cung cấm. Vua quan triều Nguyễn, các ông hoàng bà chúa, các phi tần, thái giám trong hoàng cung Huế… đều ăn cau trầu. Bằng chứng là trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sưu tập bình vôi thâu thập từ trong các cung điện trong Đại Nội có gần trăm chiếc, với đủ dáng kiểu, kích thước và chất liệu.

Bình vôi, đồ sứ ký kiểu tại lò Copeland & Garrett (Anh Quốc), đời Minh Mạng.

Hộp đựng cau trầu, đồ sứ ký kiểu tại Trung Hoa, đời Tự Đức.


Hộp đựng cau trầu, pháp lam ký kiểu, đời Minh Mạng.


Hộp đựng cau trầu, pháp lam ký kiểu, đời Thiệu Trị.


Hộp đựng cau trầu, pháp lam ký kiểu, đời Thiệu Trị.

Vì mê ăn cau trầu, cho nên các vua triều Nguyễn đã dày công sắm sửa cho mình những bộ đồ ăn trầu trứ danh, nay vẫn còn lưu dấu nơi bảo tàng của Huế đô. Đó là những chiếc bình vôi bằng sành sứ được ký kiểu tận bên Anh hay bên Trung Quốc; là những chiếc hộp trầu bằng pháp lam rực rỡ màu sắc; là những bộ đồ ăn trầu bằng bạc được chạm trổ tỉ mỉ, công phu và cả những chiếc đãy đựng trầu thuốc bằng lụa với những đường thêu tinh tế… Những vật dụng ấy đã cho thấy, với vua chúa triều Nguyễn, thì “nghề ăn (cau trầu) cũng lắm công phu”.

 Đến bộ đồ ăn cau trầu bằng bạc cho quan lại và dân gian

 

Cối xoáy trầu cau bằng bạc, đời Khải Định

Hộp đựng vôi bằng bạc, đời Khải Định.

Hộp đựng cau trầu bằng bạc, đời Khải Định.


Hộp đựng thuốc bằng bạc, đời Khải Định.


Bình vôi bằng bạc, đời Khải Định.


Ống nhổ bằng bạc, đời Khải Định.

Đồ đồng để ăn trầu trong dân gian


Khay trầu và cối giã trầu trong dân gian

Ngày nay, tục ăn cau trầu của người Việt đang dần mai một do sự biến đổi trong đời sống và sinh hoạt của người Việt đương đại. E rằng, sẽ có ngày giới trẻ Việt Nam, khi nhìn thấy chiếc bình vôi và những vật dụng để ăn cau trầu ở trong viện bảo tàng, sẽ hỏi: “Cái này để làm gì? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì tương tự như thế” .

Lúc ấy, hẳn người thuyết minh trong viện bảo tàng sẽ ngậm ngùi nói rằng: Đó và những hiện vật lưu giữ một tập tục văn hóa, thú vui ẩm thực và phương thức giao tiếp của dân tộc Việt Nam, tuy bắt nguồn từ dân gian nhưng đã được các vua chúa nhà Nguyễn làm cho sang trọng, quý phái: thú ăn cau trầu.

 





Con Đường Xưa Em Đi

 


Nhạc sĩ: Châu Kỳ và Hồ Đình Phương

Con đường xưa em đi
Vàng lên mái tóc thề
Ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy
Khách qua đường lắng nghe
Chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy
Vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi
Ngóng theo đường vắng hoe
Hỏi còn ai cố tri

Em ơi, nhìn gió lên khơi
Lòng có trông vời một người xa cuối trời
Nơi đây phiên gác canh dài
E ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Em ơi, màu áo phong sương
Mình ước huy hoàng
Được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ

Con đường xưa em đi
Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi
Ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh

Em ơi, nhìn gió lên khơi
Lòng có trông vời một người xa cuối trời
Nơi đây phiên gác canh dài
E ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Em ơi, màu áo phong sương
Mình ước huy hoàng
Được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ

Con đường xưa em đi
Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi
Ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh

Ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh