17/07/2022

Tiếng Mỹ và tiếng Việt



St trên net.

Tôi tình cờ quen một anh bạn Mỹ, người Mỹ chính cống, mắt xanh mũi lõ, tên Johnson William, quê ở bang Ohio của xứ Cờ Hoa nhưng Johnson đã hơn 16 năm sinh sống ở Việt Nam, nghiên cứu về dân tộc học Ðông Nam Á, nói tiếng Việt thông thạo, phát âm theo giọng Hà Nội khá rõ, hắn học tiếng ở Ðại học Ngoại ngữ Hà Nội rồi làm Master of Art về văn hóa xã hội Việt Nam ở học Khoa học Tự nhiên Sài gòn, rành lịch sử Việt Nam, thuộc nhiều câu thơ lục bát trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu. Johnson ăn mặc xuyền xoàng, cái đầu rối bù, chân mang một đôi giày bata cũ mèm, lưng quảy một ba lô lếch thếch, sẵn sàng ăn uống nhồm nhoàng ngoài vỉa hè. Johnson có thể quanh năm suốt tháng ăn cơm với chuối thay cho bánh mì và phomát, xịt nước tương vào chén rồi cứ thế mà khua đũa lùa cơm vào miệng. Ðối với Johnson, thịt rùa, rắn, ếch, nhái, chuột đồng, … hắn xơi ngon lành. Bún riêu là món khoái khẩu của Johnson, hắn còn biết thèm hột vịt lộn ăn với rau răm chấm muối tiêu chanh. Ai có mời đi chén thịt cầy với mắm tôm, Johnson chẳng ngần ngại mà còn biết vỗ đùi đánh cái phét khen rượu đế mà nhắm với thịt chó ngon “thần sầu quỉ khốc” !!! Chẳng biết Johnson khéo tán tỉnh thế nào (hoặc bị tán) mà vớ được một cô bé Hà thành tóc “đờ-mi gác-xông”, sinh viên ngành văn chương hẳn hoi. Ngày cưới, Johnson vận áo dài khăn đóng, dâng trầu cau và quì lạy bàn thờ tổ tiên nhà gái thành thạo làm đám thanh niên, thiếu nữ, cả lũ con nít và mấy ông cụ ông, cụ bà trong làng suýt xoa, kinh ngạc, xúm đen xúm đỏ coi muốn sập nhà.

Chúng tôi gặp nhau trên chuyến xe lửa từ Nha Trang ra Huế. Tôi về thăm quê, còn Johnson thì sau mấy tháng nghiên cứu phong tục Tây nguyên xuống Nha Trang rồi tiếp đi dự Festival Huế. Ðường dài, tàu chạy dằn xóc, chung quanh ồn ào, lao nhao chẳng ai ngủ được. Johnson rủ tôi xuống toa ăn uống, kêu mỗi người một ly cà phê đen, một bình trà nóng rồi trao đổi đủ thứ chuyện trên đời. Tôi cũng khá thán phục sự hiểu biết và thành thạo văn hóa Việt Nam của Johnson khi nghe hắn thỉnh thoảng chêm vô câu chuyện mấy câu ca dao, thành ngữ tiếng Việt. Thật thú vị khi nói chuyện với một người Mỹ bằng tiếng Việt về đề tài ngôn ngữ Việt Nam (dễ chịu hơn nhiều khi khi nó chuyện với một người Mỹ bằng… tiếng Anh). Vậy mà Johnson vẫn lắc đầu than:

- Tiếng Việt của mấy ông rắc rối quá! Tôi học đã lâu mà vẫn còn lúng túng, nhiều lúc viết sai, nói sai lung tung cả lên. Này nhé, từ xưng hô, ăn uống, giao tiếp… thật lắm từ khác nhau chẳng đơn giản như tiếng Mỹ của tớ, chỉ một từ you là để nói với tất cả người đối thoại, tiếng Việt thì phân biệt ông, bà, anh, chị, em, con, cháu, ngài, mày, thầy, thằng, … rành mạch. Tiếng Mỹ thì dùng một chữ black để chỉ tất cả những vật gì, con gì có màu đen trong khi đó tiếng Việt thì khác, ngựa đen thì gọi là ngựa ô, chó đen thì kêu là chó mực, mèo đen thì gọi là mèo mun, gà đen thì là gà quạ, bò đen là bò hóng, mực đen là mực tàu, tóc đen thì hóa thành tóc nhung hoặc tóc huyền. Ðã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi, đen thui, rồi đen tuyền, đen thắm, tím đen, đen ngắt, đen bóng, đen sì, đen đủi, đen thẳm, đen óng, đen thùi lùi, đen kịt, đen dòn… Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dung chữ đen hai lần: đen đen.

Tôi cười cười:

- Thì tiếng Mỹ của ông nhiều lúc cũng rắc rối kia mà. Này nhé, người Việt nói: “Hôm qua, tôi đi tiệm” thì người Mỹ lại nói “Yesterday, I went to the shop”. Tiếng Anh, đi là go, nhưng đã đi (quá khứ) thì phải viết là went. Bản thân chữ hôm qua (yesterday) đã là quá khứ rồi thì ai cũng biết mà gì cần phải đổi go thành went chi cho rối mấy người học Anh văn? Nội chuyện học thuộc lòng 154 động từ bất qui tắt của mấy ông cũng đủ làm nhiều người trên thế giới phải thi rớt lên rớt xuống. Người Việt nói hai con chó mà chẳng cần thêm s hoặc es thành hai con chó “sờ” (two dogs) như tiếng Mỹ. Một đứa con nít thì nói là one child là được rồi, vậy mà thêm một đứa nữa thì bắt đầu rối, chẳng phải là two childs mà thành two children. Một con ngỗng là one goose, hai con ngỗng thì thành two geese. Vậy mà viết một con cừu là one sheep nhưng hai con cừu thì cũng là two sheep, chẳng chịu đổi gì cả ?!.

Johnson vẫn không chịu thua:

- Văn phạm của xứ ông cũng rắc rối bỏ xừ! Xem nè, thắng và thua là hai chữ phản nghĩa chứ gì? Thua và bại là hai chữ đồng nghĩa, đúng hông? Vậy mà, hai câu nói: “Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán” đồng nghĩa với câu “Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán”? Không thể viết là “Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán”!!! Phải không nào? Rồi còn, “áo ấm” tương đương với “áo lạnh”, “nín thinh” giống như “làm thinh” trong khi ấm và lạnh phản nghĩa nhau, nín và làm cũng là những động từ đối nhau. Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước, Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ, sao không gọi luôn là lính nước đánh đất??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất?

Tôi tiếp tục “ăn miếng trả miếng”:

- Tiếng Mỹ cũng đâu có tránh khỏi. See và look cũng đều là động từ để cùng chỉ hành động xem, nhìn, ngắm, dòm nhưng oversee (quan sát, trông nom) lại ngược nghĩa overlook (bỏ sót, không nhìn thấy). Wise man là người thông thái, uyên bác, vậy mà thay chữ man (đàn ông) thành woman (đàn bà) thì chữ wise woman thành bà phù thủy, bà đỡ bà lang, bà thầy bói, bà đồng bóng!!! Rồi chữ man và guy (anh chàng, gã) gần gần như nhau thì chữ wise guy thành một kẻ hợm hĩnh, khoác lác. Sao lại “park on driveways” (đậu xe trên đường nội bộ) nhưng “drive on parkways” (lái xe trên xa lộ)?

Johnson ôm bụng cười:

- Tên món ăn Việt Nam cũng lạ, miền Nam có bánh da lợn, tưởng làm bằng thịt lợn nhưng thực chất là bằng bột, có lẽ giống như các lớp da lợn, nhưng sao không gọi là bánh da heo theo từ miền Nam mà gọi theo chữ lợn miền Bắc? Bánh bò cũng chắng có miếng thịt bò nào. Bánh tiêu thì không rắc tiêu mà lại rắc mè. Gọi rau má mà chẳng liên quan đến má hay mẹ gì cả. Bánh tét mà gói thật chặt, chẳng thể nào tét được. Bánh dày thì lại mỏng hơn bánh chưng. Bánh chưng thì phải nấu thật lâu mới chín chứ không phải dùng cách chưng hơi hay chưng hấp. Nước lèo trong nồi hủ tiếu thì chẳng phải theo kiểu nước Lào (hay Lèo). Trái sầu riêng thì ăn vô chẳng thấy sầu riêng hay sầu chung chi cả. Bưởi Năm roi rất tuyệt nhưng sao đúng là năm roi? Trái vú sữa, Cây dái ngựa thì thật là tượng hình. Hi hi… Ngôn từ bây giờ cũng thế, cò đất, cò nhà… thì chẳng dính dáng gì đến “con cò, cò bay lả, lả bay la…” cả.

Tôi cũng chẳng vừa:

- Thế cái món hot dog của mấy ông có liên quan gì đến con chó không? Món bánh mì kẹp thịt bò băm Hamburger của Mc Donald thì đâu có thịt heo (ham). Trái thơm, trái khóm “pineapple” thì chẳng có gì liên quan đến pine (cây thông) và apple (trái táo) cả? Vào phòng thí nghiệm sinh học, ông Giáo sư bảo bắt một con “Guinea pig”, nghe qua tưởng đâu là con heo xứ Guinea (ở Tây Phi Châu, giáp với Senegal, Mali, Liberia, Sierra Leone và biển Bắc Ðại Tây dương) nhưng ngờ đâu là một giống chuột tên là Guinea (ở Guinea không có giống chuột này!). Ðáng lý chữ football (bóng đá) thì phải viết là legball chứ, bởi vì người ta đá banh bằng cả cái chân (leg) chứ đâu chỉ cái ống chân foot từ dưới đầu gối đến trên bàn chân? Mới đây, khi dân Pháp không chịu ủng hộ Mỹ trong vụ chiến tranh Iraq thế là mấy dân biểu Mỹ giận đòi đổi tên món khoai tây chiên French fries bằng chữ American fries thì mấy ông Tây lại ôm bụng cười chế riễu rằng món French fries không phải xuất xứ từ Pháp mà từ … Mỹ và là món ăn của dân Mỹ. Có lẽ mấy ông Mỹ tiền bối xưa, khi làm món này đặt tên là khoai tây Pháp cho nó có vẻ … ngoại cho sang, giống như bây giờ một số quán ăn Việt Nam có thực đơn Lẫu Thái, Bún Singapore, Bánh bao Mã lai, Cá chiên viên Singapore, Hủ tiếu Nam Vang, … mặc dầu nguyên liệu và cách nấu gần như 100% của Việt Nam???

Johnson gật gù:

- Ừ, cũng đúng. Nhưng lúc đầu học tiếng Việt, tôi thấy khó quá, đã lấy 24 chữ cái A, B, C của vần La tinh rồi mà bày ra thêm a, â, ă, u, ư, ơ, d, đ, … nữa. Lại thêm kèm 5 dấu sắc (‘), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.) và không dấu ( ) nữa. Như le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ, mỗi chữ mang một nghĩa khác nhau. Rồi phải học cách bỏ dấu ở đâu trong từ cho chính xác nữa chứ. Hòa hay là hoà. Li hay là ly? Có câu thơ về dấu này cũng hay:

Chị Huyền mang nặng ngã đau,

Sao không sắc thuốc, hỏi sao cho lành ?!

Trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi thấy nhiều chữ ghép với chữ ăn mặc dầu nó chẳng ăn nhập đến chuyện bỏ thực phẩm vào miệng, nhai và nuốt xuống gì cả. Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mùng, ăn cưới, ăn giỗ, … thì có lý nhưng sao lại ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn lương, ăn cắp, ăn mày, ăn chặn, ăn quỵt, ăn diện, ăn đòn, ăn công, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh, …

Tôi bật cười chận ngang khi Johnson tiếp tục ghép chữ với từ ăn:

- Thì như tiếng Mỹ của ông vậy thôi. Chữ to get khó dịch gì ra hồn cả. Tôi cũng có nghĩ là khi mình chưa tìm ra động từ nào thích hợp thì dùng tạm luôn chữ to get! Khi quân đội Mỹ bắt sống được Saddam Hussen ở Iraq thì tuyên bố “We got him!”, sao không dùng động từ to catch, to caught, to force, to find, to capture, to pick up, …cho rõ nghĩa? Rồi động từ to get đi kèm các giới từ in, into, on, out, up, at-able… thành một loạt động từ mới. Các động từ to take, to put, to be… cũng vậy.

Johnson chuyển qua phần khác:

- Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón… nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người…. Ðồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Ðờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes)…

Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này: Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Hôm hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen: “Con hồ này đẹp quá!”. Vợ tôi “chỉnh” liền: “Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!”. Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói: “Cái sông này bẩn quá!” thì vợ tôi “sửa” ngay: “Ậy, anh phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!”. Tôi la lên: “Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?”. Vợ tôi ôn tồn giải thích: “Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy, còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?”. Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị: “À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái… cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con …, còn của… em, nó nằm im một chỗ nên phải gọi là cái, cái… Ha ha…”. Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng, nhưng bù lại, có được một đêm hạnh phúc.

Tôi thấy tức cười vô cùng với anh bạn Mỹ này:

- Tôi cũng có chuyện hiểu lầm trong phát âm tiếng Mỹ như thế này.

Trong một bữa tiệc với các sinh viên quốc tế, tôi nhận phần phục vụ nước uống. Gặp bà giáo người Mỹ đã đứng tuổi, tôi đến chào lịch sự và nói theo kiểu cách theo kiểu của người Việt: “Good evening, Madam. May I have a honour to serve you? Do you like my Coke?” (Chào bà, Tôi có thể hân hạnh phục vụ quí bà. Bà có muốn món Coke (Coca Cola)?). Bà này trợn mắt nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên, rồi lắc đầu bỏ đi. Tôi băn khoăn chẳng hiểu chuyện gì? Hôm sau, tôi đánh bạo đến hỏi bà: “I am sorry, yesterday I have found your strange look when hearing my invitation. Was there a wrong?” (Xin lỗi, hôm qua tôi thấy bà nhìn tôi kỳ lạ khi nghe lời mời của tôi. Có điều gì không ổn vậy?). Bà giáo mỉm cười độ lượng: “Yes, I had misunderstood yours. Today, I just find out that your pronunciation is not correct. You said “Coke” not sound like “Coke” but “c@ck”. c@ck is a male chicken but it also has a dirty meaning else. You should be careful when saying this word to a lady”. (Vâng, tôi đã hiểu lầm anh. Hôm nay, tôi mới hiểu ra là anh phát âm không đúng. Anh nói chữ “Coke” mà không giống “Coke” mà thành “c@ck”. c@ck là con gà trống nhưng nó cũng có một nghĩa khác xấu. Anh phải cẩn thận khi nói từ này với một phụ nữ).

Johnson “gỡ gạt”:

- Hi hi… Anh bạn người Việt dẫn tôi đến thăm nhà, đến trước ngôi nhà của mình anh nói: “Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi”, gặp vợ anh ta ra đón trước cửa, anh ta lại giới thiệu: “Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi và bước vào nhà, nhà anh ta thật đẹp (vợ anh ta cũng vậy!). Tôi ra lịch sự nên khen chủ nhà và nói: “Nhà anh và nhà anh thật đẹp”. Hai vợ chồng nhìn nhau cười. Vì đi lâu ngoài đường, lại không có WC công cộng, nên tôi hỏi anh chủ nhà “Xin ông cho tôi vào cái chỗ đi toilet của nhà ông được không?” Hi hi… lúc đó tôi không nghĩ đến cái sự buồn cười của câu này, hôm sau nghĩ lại tôi mới thấy.

Tôi cười to kể tiếp:

- Lần đầu tiên sang Châu Âu cách đây 10 năm, tôi quen một cô sinh viên Hà Lan. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Cô rủ tôi ra bãi biển nằm phơi nắng và nói chuyện. Hôm đó, tôi chẳng đem theo cái gì để trải xuống bãi cát để nằm cả. Nói với cô này, thì cô mỉm cười: “Oh, never mind. You can lie down at my top” (Ồ, không sao. Anh có thể nằm trên cái top của tôi). Tiếng Anh của tôi cũng chẳng giỏi gì nên chẳng hiểu là nằm trên top là nằm ở đâu? Tôi chỉ biết top có nghĩa là đỉnh, là ở trên. Vậy nằm ở trên là nằm đâu? Nằm trên đầu thì chắc là không đúng rồi, ai lại nằm trên đầu mà nói chuyện với phụ nữ. Chẳng lẽ nằm trên… mình cô này? Hồi lúc trước đi Tây, tôi nghe nhiều thằng bạn kháo nhau rằng, phụ nữ Tây nó… Tây lắm, thích thì sẵn sàng… chiều! “Tình cho không biếu không” mà. Vậy là… lẽ nào ??? Tới nơi, tôi mới bật cười và thấy mắc cỡ trong lòng khi thấy cô này cởi áo khoác ra, trải dưới bãi cát và chỉ tôi nằm trên đó. Tối đó, về đến nhà, tôi lặng lẽ lật từ điển Anh – Việt ra xem, mới biết thêm là top còn có nghĩa là cái áo khoác ngoài của phụ nữ. Trời ơi!

Johnson vỗ vai tôi:

- Chút xíu nữa bạn là… hố to rồi. Ha ha… Năm ngoái, tôi có đến thăm miệt vườn Nam bộ, tôi có nghe một câu thế này mà lúc đó chẳng thế nào hiểu được: “Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua. Hôm nay, qua hổng nói qua mà qua lại qua”……………..

Câu chuyện của chúng tôi còn dài. Chia tay với Johnson ở ga Huế. Lững thửng dọc theo con đường về chợ Ðông Ba, trong đầu còn vương vấn câu chuyện rắc rối tiếng Việt với Johnson, ông già chạy xích lô lẽo đẽo theo sau:

- “Ôn đi về mô khôn hè?”

Tôi gật đầu, bước lên chiếc xe cũ rích, buộc miệng:

- Có tiệm sách nào gần đây nhất, Bác? Tôi muốn mua một quyển Tự điển Tiếng Việt.

Tôi bất chợt nhớ ra rằng, trong tủ sách gia đình của tôi, có đủ loại tự điển các nước, nhưng chưa hề có một quyển Tự điển Tiếng Việt nào.

 

10/07/2022

Mẹo nhỏ xử lý rắc rối

Dưới đây là chia sẻ một số mẹo nhỏ để xử trí rắc rối trong cuộc sống. Nó hoàn toàn là tri thức để có thể cứu người.

1. Phương thức xử lý khi bị nghẹn đồ vật – Chỉ cần “giơ tay lên”

Tại nước Mỹ, một cậu bé 5 tuổi đã cứu sống bà ngoại mình khỏi nghẹn bằng cách thức rất đơn giản, đó là “giơ tay lên”.

Bà của Michelle Stewart, 56 tuổi, vừa xem tivi vừa ăn thạch, khi quay đầu lại, một mảnh thạch bị mắc kẹt trong cổ họng. Bà cố gắng bóp bụng để tự giúp mình, nhưng không có kết quả.

Sau đó cậu cháu hỏi: “Bà ơi, bà nghẹn à?”. Bà vẫn nói không ra lời: “Chắc là bà đang nghẹt thở, bà ơi, giơ hai tay lên, giơ hai tay đi”. Bà cậu đành nghe theo, kết quả thật sự nhổ được cục thạch ra. Cậu bé lúc ấy rất bình tĩnh, cậu còn khoe với bà rằng đây là điều mình được học trong trường.

2. Bị sái cổ

Bạn thỉnh thoảng có bị cứng cổ khi thức dậy buổi sáng không? Là sái cổ.

Một khi bị sái cổ, bạn xử lý như thế nào?

Đơn giản thôi, bạn chỉ cần nhấc chân lên!

Kéo ngón chân cái ra, lấy tay xoay tròn từ từ theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.

3. Chuột rút ở chân

Khi chân trái bị chuột rút thì giơ tay phải lên, ngược lại thì giơ tay trái trong khi chuột rút chân phải của mình, ngay lập tức nhẹ nhàng.

4. Tê chân

Nếu tê chân trái, dùng sức vung tay phải của bạn. Nếu chân phải bị tê thì dùng sức vung tay trái.

5. Chiếc kim khâu gia dụng cũng có thể trở thành dụng cụ hữu ích trong việc cứu người. Vì cha mẹ già, ta cần nhất định nhớ kỹ 3 phép cứu mạng dùng kim khâu quần áo.

• Đầu tiên, liệt nửa người hay bán thân bất toại (không phân biệt xuất huyết não hay tắc máu), mắt miệng nghiêng lệch, ngay lập tức lấy kim khâu quần áo châm vào điểm thấp nhất dái tai bệnh nhân, đến khi nhỏ ra một giọt máu, bệnh nhân ngay lập tức được phục hồi, hơn nữa có thể không để lại bất kỳ di chứng nào.

• Thứ hai, bệnh tim đột tử phát sinh, lập tức cởi bít tất người bệnh, tương tự lấy kim châm lên mười ngón chân, ra một giọt máu, lần lượt bóp hết mười ngón chân, người bệnh có thể lập tức tỉnh táo lại.

• Thứ ba, dù là hen suyễn thở khò khè hay viêm thanh quản cấp tính các loại… phát hiện người bệnh thở không ra hơi, đến mức mặt đỏ tía tai, hãy nhanh chóng dùng kim châm lên chóp mũi, rồi thì có thể bóp ra hai giọt máu đen (máu độc).

Ba phương pháp “hồi dương cứu nghịch” trên không có bất kỳ nguy hiểm gì, hãy yên tâm là có hiệu quả trong vòng 10 giây.


08/07/2022

Ăn sushi đúng cách


Cách chọn nhà hàng


Một nửa thành công của bữa ăn ngon chính là việc chọn đúng nhà hàng. Mọi người thường cho rằng, sushi là một món ăn chế biến khá phức tạp, nên bất kỳ nơi nào phục vụ sushi đều là những cơ sở uy tín. Mashed cho rằng, đây là một sai lầm.

Có vài dấu hiệu cần lưu ý để bạn lựa chọn quán. Ví dụ như không phải các quán đắt tiền đồng nghĩa với đồ ăn ngon. Đó phải là quán mà món cơm không bao giờ được nguội, rong biển không bao giờ được sũng nước. Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi cá ngay khi bước vào, hãy rời đi vì đây là một trong những dấu hiệu của những quán sushi không ngon.

Bên cạnh đó, nên tìm hiểu trước về quán mà bạn định tới ăn, xem họ lấy cá từ đâu, có được đông lạnh đúng cách hay không, cá được nuôi hay đánh bắt tự nhiên... Những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Và nếu bạn ăn món sushi nhân cá chất lượng không tốt, bạn có thể bị tiêu chảy, hoặc nặng hơn là ngộ độc thực phẩm.

 

Cách chọn thời gian để ăn


Có một nguyên tắc chung mà phần lớn mọi người tuân theo, đó là không ăn sushi vào ngày đầu tuần. Tại nhiều nơi, chợ cá đóng cửa vào chủ nhật. Do đó, hải sản cho món sushi ngày thứ hai thường là đồ đông lạnh, thay vì hàng tươi sống mới đánh bắt được. Tuy nhiên, tùy theo tình hình ở từng địa điểm, thực khách có thể bỏ qua quy tắc không nên ăn vào thứ hai này.

 

Cách ứng xử trong nhà hàng



Có một số nghi thức ăn sushi mà bạn cần ghi nhớ, để tránh khiến đầu bếp phiền lòng. Và điều này dường như quan trọng hơn khi bạn ăn sushi ở Nhật Bản. Đầu tiên, hãy lịch sự và chào hỏi nếu bạn được chủ nhà hàng, đầu bếp ra chào dón. Đừng hỏi đầu bếp xem món nào đó còn tươi hay không. Đây là một hành động xúc phạm và thay vào đó, bạn nên đem thắc mắc này hỏi người phục vụ. Như vậy sẽ hợp lý hơn.

Không nên để thừa thức ăn trên đĩa sau khi đã kết thúc bữa ăn hoặc tỏ ra không thích món ăn nào đó. Hành động này được coi là một sự xúc phạm đối với những đầu bếp sushi làm việc chăm chỉ.

Hành động tiếp theo không nên làm là chà đũa vào nhau trong khi ngồi đợi món. Tại một số quán, điều này bị coi là thiếu tế nhị.

Những điều này thường không cần áp dụng chính xác tại các chuỗi nhà hàng ăn nhanh, hoặc các quán ăn của người phương Tây. Nhưng nếu bạn ăn sushi trong một quán thuần Nhật, bạn nên áp dụng những lời khuyên trên.

 

Cách ăn sushi


Theo đầu bếp nổi tiếng Nobuyuki Matsuhisa, hãy bắt đầu với những món sushi có cá màu nhạt hơn, ít béo hơn, sau đó đến những miếng cá béo hơn, nhiều dầu hơn (như cá hồi, thu). Món sushi cá ngừ đại dương, về cơ bản sẽ là những miếng cá nên ăn cuối cùng.

Những người sành ăn giải thích rằng, việc ăn theo thứ tự giúp bạn cảm nhận được sự tinh tế trong hương vị của từng miếng sushi. Nếu lúc mới bắt đầu bạn đã ăn món có hương vị quá đậm thì sẽ không cảm nhận được vị của các món nhẹ hơn, và đó là điều phí phạm.

Ăn sushi theo đúng thứ tự cũng là một quy tắc quan trọng. Ảnh: Pinterest

Bên cạnh đó, bạn cũng được khuyến khích nên thử các món sushi mới, thay vì gọi các loại quen thuộc mình từng ăn. Điều này giúp bạn có nhiều trải nghiệm mới thú vị hơn.

Một miếng sushi thường nhỏ, gọn. Do đó, hãy ăn trọn chúng trong một lần nhai, thay vì cắn nhỏ chia làm nhiều miếng, hay chọn ăn phần cá trước, cơm sau.

 

Cách sử dụng gia vị đi kèm


Bạn không nên chấm phần cơm vào nước tương. Thay vào đó, nên nhúng phần cá và chỉ chấm một lần, rồi cho lên miệng. Đây là cách chấm nước tương hoàn hảo nhất.

Thông thường, bạn thường được phục vụ kèm một đĩa gừng chua ngọt. Nhưng những lát gừng thái mỏng này không phải để ăn cùng lúc, mà là dùng sau khi đã ăn xong một miếng sushi. Nó có tác dụng làm sạch vòm miệng, thiết lập lại vị giác của thực khách sau khi ăn, hay gọi một cách đơn giản là có tác dụng "rửa vị". Như vậy, khi bạn ăn miếng sushi tiếp theo, bạn sẽ tận hưởng được đầy đủ hương vị mới của nó, mà không bị hương vị của miếng sushi ăn trước đó át mùi. Việc ăn gừng đúng cách cũng là một hành động thể hiện sự tôn trọng với đầu bếp.

Wasabi là thứ không thể thiếu trong bữa ăn, điều tối kỵ là bạn không nên cho chúng hòa lẫn vào nước tương dùng để chấm cơm. Nó sẽ làm hỏng hương vị của cả hai. Nếu có thể, hãy hỏi đầu bếp cách sử dụng chúng. Họ sẽ là người biết rõ nhất cách sử dụng sao cho "đúng điệu".

Loại gừng này được gọi là gari, được coi là một phần quan trọng trong toàn bộ trải nghiệm ăn sushi. Ảnh: Flickr

 

Cách kết hợp đồ uống


Các chuyên gia không đánh giá cao việc ăn sushi cùng rượu sake, vì cho rằng loại rượu này có hương vị nhạt, không phù hợp để dùng chung. Thay vào đó, thực khách được khuyến khích nên gọi rượu champagne. Hương vị của loại đồ uống này được cho là góp phần làm tăng thêm hương vị của cá trong sushi một cách độc đáo. 

Đức Phật nói về những người không sợ chết và những người sợ chết.


 

Trong cuốn Kinh Vô Úy (Abhaya Sutta), Đức Phật giải thích tại sao chúng ta nên vượt lên trên nỗi sợ về cái chết.

Khi chúng ta sợ chết là chúng ta đang tự đày đọa bản thân trong cuộc sống này. Ngược lại, khi có thể vượt qua nỗi sợ hãi muôn thuở của nhân loại là cái chết thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy ung dung, tự tại và tận hưởng được từng khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống.

Một hôm, có một người Bà la môn tên là Janussoni tới gặp Đức Phật. Janussoni hỏi Đức Phật rằng: "Thưa Đức Phật, chắc hẳn là ai cũng sợ chết có đúng không ạ?"

Đức Phật lắc đầu và nói: "Đúng là có những người thì sợ chết, nhưng cũng có những người không hề sợ cái chết".

Janussoni tỏ ra rất ngạc nhiên, mới hỏi lại Đức Phật rằng: "Lại có những người không sợ cái chết hay sao, thưa Đức Phật? Họ là những ai vậy?".

Đức Phật nói rằng, có 4 kiểu người không sợ cái chết:

Thứ nhất, đó là những người đã bỏ được ham muốn, không còn chạy theo hư vinh, vật chất hay dục sắc.

Thứ 2, đó là những người có nhận thức đầy đủ về cơ thể mình. Họ hiểu rằng cơ thể con người là thứ vật chất không thể tồn tại vĩnh viễn, và việc già đi, bệnh tật rồi cái chết sẽ là những quy luật tất yếu của tạo hóa, không có gì cần phải sợ hãi.

Thứ 3, những người thường làm việc thiện, sẽ có tâm rất thanh thản, nhẹ nhàng, không còn gì phải hối tiếc khi cận kề với cái chết.

Thứ 4 là những người đã được giác ngộ, hiểu rõ về Phật pháp, không còn hồ nghi hay băn khoăn điều gì nữa. Họ sẽ là những người hiểu được trần gian chỉ là cõi tạm mà thôi, và cái chết không phải là sự kết thúc, mà là một khởi đầu mới ở một thế giới khác.

Nếu hiểu rõ về Phật pháp, ta sẽ thấy rằng tất cả những sự vui thích mà ta cảm nhận được bằng các giác quan, cơ thể ta, suy nghĩ và tình cảm của ta, bao gồm cả nỗi sợ hãi, đều là những thứ tồn tại một cách có điều kiện, và không phải là vĩnh viễn.

"Vậy những ai thì sợ chết, thưa Đức Phật?", Janussoni lại hỏi.

Đức Phật khoan thai nói rằng, ngược lại với 4 kiểu người nói trên sẽ là những người luôn bị cái chết ám ảnh.

Thứ nhất là những người chưa bỏ được ham muốn về vật chất và dục sắc. Họ lo sợ rằng sau khi sang thế giới bên kia, họ sẽ chẳng còn có được những thứ này.

Thứ 2 là những người tự yêu bản thân đến mức phát cuồng. Họ cho rằng thân thể đại diện cho chính họ, họ lo sợ khi thấy nó già đi, tàn tạ, bệnh tật và lo sợ cái chết sẽ làm cho họ mất đi cái thân thể ấy.

Thứ 3, đó là những người chỉ làm việc ác, chưa làm được việc gì tốt đẹp cho đời, luôn sợ bị người khác ám hại, và lo sợ sau khi chết, họ sẽ phải trả giá ở thế giới bên kia.

Thứ 4, đó là những người có tâm chưa vững, không hiểu Phật pháp, luôn sống trong sự bất an, nghi ngờ hiện tại, lo sợ tương lai.

THỜI CỦA TÔI THẾ ĐẤY

 


Nhạc sĩ Trần Tiến

Tự nhiên, nhớ anh Sơn ! (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) ...

Cuối đời ảnh cô đơn lắm, chỉ có nhận quyết định về hưu thôi mà buồn cả năm trời. Bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời.

Kẻ hay chữ, một ngày không đọc sách. Cái mặt trông đần đần, ngu ngu. Kẻ hay làm, một ngày không có việc. Cái người trông bần thần, muốn bệnh. Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang (GS. Mỹ hoc), mới ở Bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà ...

Nhớ một buổi chiều, ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa, xin được hỏi Anh về triết phương Đông. Em lại can tội xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp cả tiếng. Chờ lâu quá, thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào, xin phép về. Đi qua nàng, tự nhiên tôi hát :

"Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc

Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng ..."

- Hay, hay !. “Toa” mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi !

Quay sang em gái xứ Phù Tang, anh khoe :

- Đấy, âm nhạc phương Đông đấy !

Bấy giờ chàng mới chợt tỉnh ra, xin lỗi vì đã quên bọn tôi. Từ hôm ấy, sáng nào Anh cũng gọi tôi uống rượu, để nghe tiếp những khúc sau. Nhờ gặp được tri âm kích động, tôi viết thêm được mấy chục bài nữa rồi tịt ngòi. Trước khi về cõi bên kia, Anh vẫn nhớ dúi cho Bảo Phúc chút tiền, để thu thanh chùm ngẫu hứng này của tôi. Anh đi rồi, tôi cũng cất hết đi, coi như một kỉ niệm quí giá của hai anh em.

Nhớ anh Sơn quá !

Sau 30 tháng Tư, chợ sách Sài Gòn bày la liệt, sách cũ bán tháo như cho. Tôi mua cả đống về khoe Anh. Chọn vài cuốn để lại, Anh bảo tôi vứt hết đi. Rồi Anh giới thiệu tôi những cuốn đáng đọc, không mua được, Anh kiếm của bạn bè cho tôi. Ngày ấy, chở về Bắc là nườm nượp Honda, tủ lạnh, Akai, cassette, ... Có mình tôi khệ nệ 200 cuốn sách. Ba năm sau, không làm gì cả, chỉ nằm đọc sách, tôi mới ngốn hết từng ấy cuốn. Cuộc đời tôi như lột xác.

Ngày ra Hà Nội chơi, Anh gặp thêm các danh sĩ Bắc Hà : Nguyễn Tuân, Văn Cao, ... Tôi dẫn Anh đi gặp các đệ tử của Đốt (Dostoevsky), của Pau-u (Paustovsky), ... Nghe người ta trêu nhau : Thằng này Pavel lắm. Thằng kia dân con nhà Pie Bezukhov, ... Anh ngớ người, chả hiểu gì về văn hóa thịnh hành ngoài Bắc. Chẳng khác gì thằng em, vào Sài Gòn được các tay Zorba chịu chơi (nhân vật của Nikos Kazantzaki) đưa đi phá đời mút chỉ, gặp các đệ tử của Henry Miller như Phạm Công Thiện suốt ngày đòi “Phùng Phật sát Phật” mà thấy gớm. May mắn nước nhà thông thương, tôi được thông tuệ đa chiều, cuộc đời như được lột xác. Tôi hiểu thêm, ngoài Tổ Quốc còn có gia đình. Ngoài cách mạng còn có phụ nữ và tình yêu. Ngoài tập thể còn có những cá thể độc lập, không bao giờ để tự do của mình bị đánh mất. Chuyện nghe như đùa ...

... Người ta có thể chết vì thiếu hiểu biết, và cũng có thể chết vì không có việc để làm. Nhưng không ai chết vì không thích đọc sách. Gặp người hay chữ, như đàn bà được qua đêm với người quân tử, vẫn sướng hơn một đời ở với kẻ tiểu nhân (Nhất dạ quân tử kiến). Có đọc vẫn có hơn. Đọc, làm cho mình bớt ngu đi nhiều lắm. Một hồi tôi mê anh Pavel, đi đâu áo cũng cài khuy cổ, bị bạn cười : Thằng gàn !. Đọc thêm lại mê anh Rakhmetop. Chả là ngày ấy thích hát quá nên học dốt, tôi quyết tâm cạo trọc đầu, lấy diêm đốt tay xem mình có nghị lực bỏ hát không. Đúng là ... khùng. Rồi đọc, đọc nữa, mới hiểu ra nhiều điều. Không mê ai nữa, mình cứ là mình thôi, đọc sách đỡ ngu hơn thật.

Người mê sách, gặm chữ như bò gặm cỏ, như mối gặm gỗ, như sư tử gặm xương. Gặm vậy mà vẫn đói. No chữ thì đói cơm. Người có chữ thường đói, nên trông yếu xìu, đến cái kính cũng không giữ nổi, suốt ngày tụt xuống mũi. Gái mê tiền, không lấy đồ mọt sách, dài lưng tốn vải. Nhưng mê người có chữ, bởi họ đi đâu cũng được trọng.

Thương Anh !

Ngày anh Khang, người bạn vong niên của Anh mất, tôi tặng mấy cuốn của Osho, Mạc Ngôn, ... Anh chẳng còn thiết đọc. Rồi khi Anh chia lìa cõi trần, tôi ở lại, cũng như Anh, vứt đi tất cả, cả những cuốn sách Anh mua cho. Chả còn gì hứng thú. Thế mới biết, người ta ghiền sách vì có kẻ tri âm đàm đạo. Chung Tử Kỳ không còn nữa, Bá Nha đập đàn đi là phải. Thực ra cũng chẳng cần đến 200 cuốn sách ngày đó. “Hành thư loạn tâm”. Đọc nhiều chưa chắc đã là hay, nếu không biết cách đọc. Nhiều khi còn bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đời người có may mắn tìm được sách hay, chỉ cần vài cuốn gối đầu giường là đủ. Tôi có hai cuốn sách mình thích là trọn bộ Thiền luận của Suzuki Teitaro và cuốn sách hai mươi tờ, Thư gửi một thi sĩ trẻ của Rainer Rilke. Hai cuốn gối đầu giường, bây giờ cũng biến mất đâu rồi. Gối đầu giường của tôi bây giờ là ... cái gối, vẫn còn phảng phất mùi ẩm mốc của rừng già thời chiến tranh.

Các cụ nhà, chẳng có chữ nào, chỉ nghe tiếng mẹ ru tuổi thơ, thuộc vài câu ca dao quê cũ, mà vẫn sinh ra hàng triệu trí thức. Các cụ đọc trong chính nỗi bất hạnh của mình, trong nhọc nhằn và niềm khát sống.

Đã đành, ngôi nhà không có sách trông hoang lạnh. Mặt người không có chữ trông vô hồn. Nhưng cuốn sách cần đọc nhất, vẫn chính là : "Đời mình".

 

04/07/2022

4 cảnh giới Võ thuật

 st trên net.


Một võ sinh tò mò hỏi Sư phụ:

– “Thưa Sư phụ, đỉnh cao của võ thuật là đâu?”

Sư Phụ ôn tồn trả lời:

– “Võ thuật có 4 cảnh giới.

Thứ nhất là “Kiếm trong Tay” tức là tập luyện để kiếm trở thành một phần thân thể của các con. Các con phải điều khiển được vũ khí dễ dàng như điều khiển các ngón tay của mình thì vũ khí mới phát huy hết tác dụng. Với các môn thể thao khác, như môn bóng đá và bóng rổ… các cầu thủ sẽ luyện tập đến khi họ cảm giác như trái bóng là một bộ phận không thể tách rời của họ. Từ đó họ có thể thực hiện những kỹ thuật ảo diệu với trái bóng.

Thứ hai là “Kiếm trong Thân” tức là các con không cần đến kiếm vì mọi bộ phận trên cơ thể con đều là kiếm. Lúc này, các con sẽ nhận ra rằng trên thân thể ta đã có sẵn vô vàn các loại vũ khí vô cùng lợi hại. Chỉ riêng bàn tay thôi đã có ít nhất 4 loại vũ khí vô cùng ghê gớm như nắm tay, lòng bàn tay, cạnh bàn tay và các ngón tay. Nếu biết sử dụng và phối hợp các bộ phận trên cơ thể hợp lý thì các con không cần phải sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào.

Thứ ba là “Kiếm trong Tâm” tức là mọi thứ xung quanh các con, dù là cỏ lá, rơm rạ đều có thể là kiếm. Lúc này các con sẽ nhận ra loại vũ khí mạnh mẽ nhất là loại vũ khí ta không thể nhìn thấy được. Đó chính là sự tư duy. Trong nhiều tình huống, sức mạnh cơ bắp thôi là không đủ. Các con phải biết tận dụng tất cả những gì mình có xung quanh. Các con phải biết quan sát, biết cách biến mọi thứ xung quanh thành trợ thủ của mình. Kết hợp giữa cơ bắp, khí công và trí não sẽ giúp con đánh bại mọi đối thủ.

Cuối cùng là TUYỆT GIỚI “Tâm không Kiếm”, tức là con không cần dùng đến vũ lực nữa, cái tâm và cái hồn của các con cũng đủ để làm đối phương khuất phục. Và các con phải nhớ rằng, bất kỳ ai cũng có thể đạt tới cảnh giới cao nhất của võ thuật chứ không cứ phải là con nhà võ. Cảnh giới đó cũng chính là TUYỆT GIỚI của mọi loại nghệ thuật trên thế gian này hướng đến. Khi đạt được nó, toàn bộ cơ thể của các con, từ lời nói đến từng động tác nhỏ đều thoát lên những sức mạnh kỳ diệu khiến mọi người xung quanh các con đoàn kết lại và chữa lành các tổn thương. Tuyệt giới ấy không bao giờ tạo ra thương tổn hay gây chia rẽ. Vì vậy nếu các con sử dụng võ thuật với mục đích là gây tổn thương và chia rẽ, có nghĩa là con đang xa rời con đường tới TUYỆT GIỚI.”

 

02/07/2022

TAO NÊN VỀ HỌP LỚP VỚI MÀY KHÔNG?

 


Thơ: Lê Thị Thu Hà

Tao nên về họp lớp với mày không?

Dẫu quắt quay nhớ phượng hồng, áo trắng

Nhưng tao nghèo, đời dầm mưa dãi nắng

Đôi vé tàu về hết hẳn tháng lương!

Ai chẳng muốn về một thuở yêu thương?

Ríu rít, líu lo má hường, môi thắm

Chúng mình bây giờ khác xưa nhiều lắm

Đâu ngang hàng như thuở tắm mưa chung?

Mày rủ tao về tìm lại thanh xuân

Nhưng Bá Kiến muốn ngồi cùng Nghị Quế

Thị Nở, Chí Phèo nhìn nhau, biết thế

Lủi thủi, ngậm ngùi bên gốc phượng xa

Có những nỗi lòng không dễ nói ra

Có những cuộc vui đọng buồn đáy mắt

Có những chia ly từ khi gặp mặt

Tao nên về họp lớp với mày không?

 

01/07/2022

Một chuyến đi Phủi

     Bài này mình viết từ hôm 2/5/2016, cũng đăng trên blog này - nay đọc lại thấy thú vị nên đăng lại, âu cũng là nhớ về 1 kỷ niệm (trước và sau chuyến này còn thực hiện nhiều cuộc đi phủi khác nữa, nhưng chưa có dịp viết, cũng tiếc)
   Nghỉ đợt này dài, những 4 ngày, máu giang hồ nổi lên - lại phải đi thôi. Lần này đi Phủi chứ không đi Phượt. Đi Phượt thì dùng xe máy, còn Phủi thì dùng các phương tiện công cộng, đi bộ và đi nhờ là chính; tiết kiệm tối đa mà hiệu quả thì cũng vậy. Có điều các pro phải chuẩn bị sẵn thể lực và kiến thức nhé, không lại bảo tớ xui dại. Đi Phủi cũng tựa như Tây ba lô ý, anh phải thân thiện và chân thành - giang hồ toàn cao thủ thôi, đừng hòng mong lừa dối để được lợi; ta thành ý sẽ được nhiều bạn và nhiều việc.

   Nhưng cũng đã lâu rồi không đi kiểu này, phải gần 20 năm nên thành ra có nhiều điều thiếu xót. Thứ nhất là hứng nổi lên thì lên đường luôn, vơ vội vơ quàng mấy thứ nhét vào ba lô: 1 cái áo khoác nhẹ, cái khăn rằn, cái mũ, lọ rượu và lọ nước cùng ít thuốc phòng thân. Quên không mang theo phong lương khô của phi công - về sau lãnh đủ. Máy ảnh thì chọn đúng cái lâu không dùng, bị trục trặc IC lens. Lên xe mới biết điện thoại hết pin. Thôi rồi, cũng như ngày xưa, chả liên lạc được với ai và cũng chả ai liên lạc được với mình. Đi vội nên cũng chả kịp báo Gấu - định rằng chọn được hướng đi, điểm đến sẽ điện thoại, kiểu này thì khác dog gì trốn đi bụi. Vô tư đi.

   Ra đường cũng chưa biết đi đâu, gặp xe nào thì lên xe ấy thôi: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh... đều được (mình bên Long Biên, đường Ngô Gia Tự mà, nên tiện lắm). Lơ ngơ thấy xe hãng Hà Sơn đi Lào Kai, vậy lên luôn - Ừ thì Sapa thẳng tiến vậy. Lâu rồi chưa về lại.

   Gớm, gặp đúng ngày thiên hạ cũng rầm rầm lên đường Giải phóng miền Nam, đường tắc kinh khủng, ai lại từ Long Biên đến cầu Thăng long mà mất luôn 2 giờ đồng hồ. Giữa đường lại gặp cơn mưa to nên xe không phóng nhanh được trên đường cao tốc. Mãi 21h, đến km 117 xe mới dừng cho khách nghỉ ăn. Đói vãi, nhưng xe chỉ dừng có 20' nên cũng không nhiều lựa chọn lắm, Mình gọi trứng luộc và bắp ngô (kinh nghiệm của mình trên đường trường thì trứng, giò là 2 món tạm coi là an toàn: ngon, bổ, rẻ - chứ cơm phở cháo bún hoặc đồ ăn lạ dễ có hậu quả lắm; bắp ngô luộc là đồ dự phòng thay lương khô). Ngoài ra, đi đường trường các bạn nên chú ý chai nước uống; đói có thể chịu được nhưng khát thì khó hơn; ít nhất có cái vỏ chai sạch, gặp đâu xin đấy, đỡ tiền mua (đắt đó), ví lại Phủi mờ.

   23h mới đến bến xe Trung tâm thành phố Lào Cai (cách TP khoảng 7km - dân xe ôm thường phán với du khách là 12km để làm giá, các bạn cẩn thận), may nhà xe có xe trung chuyển chở vào ngã 6 Thành phố - đây là nơi có nhiều khách sạn, nhà nghỉ và quán ăn để du khách lựa chọn. Đương nhiên đi Phủi thì mình chọn nhà trọ rồi. Nhưng phải nói là dân ta làm du lịch kiểu chụp giật không hay lắm. Ngồi trên xe mình đã hỏi kỹ các bạn người Lào Cai về tên và giá nhà nghỉ vậy mà thực tế khác hẳn, đắt hơn nhiều. Thôi tế nhị tớ chả nói tên nhà trọ làm gì, khổ họ.

   Sau khi ổn định, đi tìm quán ăn, may quá đường Mường Than vẫn còn một quán của đôi vợ chồng trẻ mở: vào chọn 1 que thịt quấn cải mèo, 1 que nấm, 1 que thịt rọi (đương nhiên trên này chỉ toàn món nướng nhé) với 1 bát cháo hết 60k. Ngồi chém gió với chủ quán đến 0h thì về ngủ.

 


ảnh này chụp ở Hàm Rồng, nhưng trưng ra để minh họa mà thôi.

   5h30' dậy, trả phòng, chủ nhà trọ cứ làu bàu "..éo gì mà sớm thế" - Miễn bàn, trả tiền rồi lên đường cho sớm, Papa đang háo hức đây. Quả cũng sớm thật, quán xá mới đang chuẩn bị. Thôi nhịn, ra bắt xe buýt đi Sapa - Từ Lào Cai lên Sapa khoảng 38 km, xe chạy gần 1h là đến, giá vé là 26k (xe 01, còn xe 02 của hãng Hà Sơn là 30k). Xe ít dừng đỗ do cũng không có khách (ở Sapa, không nhất thiết là bến buýt xe mới dừng đón khách nên các bạn cứ đón dọc đường có tuyến xe khắc là sẽ lên được - tầm 30' một chuyến).

   Cũng có cái hay là lên sớm nên khách Việt còn thưa, chỉ đông khách Tây mà thôi. Các bạn công an (an ninh, cảnh sát, CSGT... những dịp này đông lắm) rất thân thiện nếu ta hỏi han, các bạn cứ yên tâm, họ hướng dẫn thân mật và nghiêm túc - trong đám đó có cậu CSGT còn chân thành bảo mình, dù mình chưa hỏi: "Chú cứ ra các xe cảnh sát đều có bản đồ chi tiết hướng dẫn du lịch, hay chú đi xa thì có thể lên xe của cháu để chở đến". Cảm động lắm - nhưng vì điểm đầu tiên mình định đến là Hàm Rồng, cách Nhà thờ Sa pa mấy bước chân nên mình cảm ơn.

   Gặp đúng ngày lễ, vẫn mấy cảnh cũ mà họ chém đẹp 70k vào tham quan Hàm Rồng. Thôi thì đã dự định đến sao lại không vào nhỉ. Có điều lúc này mới thấy máy ảnh bị trục trặc. Chụp lúc được lúc không, lại không điều chỉnh được khẩu độ - pó cái gì ai cũng biết. Ảnh chất lượng rõ chán dù cảnh đẹp.

 

ảnh chụp từ máy mình đấy - chán quá.



ảnh này mượn trên net


   Trên đỉnh có sàn Săn mây, các pro chớ bỏ qua, vì từ đây nếu thời tiết đẹp có thể chụp toàn cảnh thành phố Sapa và đỉnh Fanxipan ở nhiều góc độ.

   Điểm tiếp theo là cáp treo lên Fanxipan. Ngay gần Nhà thờ có tuyến xe buýt 05 chở du khách đến Nhà ga Cáp treo - Giá 10k, nếu du khách đi Chợ hoặc xuống bản Cát Cát từ Nhà thờ cũng nên đi xe này vì rẻ hơn xe ôm mà tiết kiệm được quãng đường xuống Cát Cát.

   Bây giờ có Cáp treo rồi nên việc nói leo Fan hóa nhàm - trước đây mình leo lần 1 mất 3 ngày, lần 2 cũng tương tự... Cáp treo hả, 15' cùng vé 600k (2 chiều) đến ga trên, nếu không bị tuổi tác và bệnh tật đeo bám thì các bạn chỉ cần bước 600 lẻ mấy bậc là tới thôi. Tranh nhau chụp choẹt - rõ nẫu, tớ ngắm cái rồi xuôi luôn.

   Tầm này cũng 11h rồi, phải đi ngắm chợ và đi măm chứ.

   Chợ Mới bi giờ chuyển ra gần bờ hồ rồi nhưng tầm sáng, đi qua thấy tấp nập lắm; buổi trưa cũng vãn nhiều - hàng hóa thì vẫn vậy, ... Có điều mình tranh thủ giao lưu với mấy người H'Mon đi chợ, vui phết, họ chân thành lắm (mong các bạn chú ý khi giao tiếp với người dân tộc đừng gọi họ là Mèo với ngưới H'Mong và Mán với người Dao, nhất là người Dao đỏ - lòng tự trọng dân tộc của họ cao lắm đó và nói thật là họ có cái hơn người Kinh là ngôn ngữ và chữ viết vẫn giữ được...). Tiếc là buổi trưa mấy thằng cha và bố đã say hết mother rồi, làm mình uốn được có mấy chén, chưa đã.

   Tìm nơi ăn vậy. Ngó trước ngó sau, trong chợ và ngoài đường rõ lắm quán ăn đủ dạng... Thấy chú lái xe biển 24, gọi hỏi: Mình tìm quán ăn ngon bổ rẻ, biết đâu chỉ tớ với ? 

   Chú ấy đáp: Em cũng đi ăn đây, pác không chê thì theo em đến đó ăn cùng, lái xe bọn em toán đớp ở đó thôi.

   OK

   Có quãng thôi nhưng chú ấy dặn rõ đủ điều, nào thì ăn gì, thế nào giá ra sao... Mình bảo, theo chú thì đến cùng. 

   Vào quán, chú cầm đĩa mình cũng cầm đĩa, cơm tự xới, rồi ra quấy để chỉ chủ quán gắp thức ăn. Thấy chú ấy chọn chi mình chọn nấy nhưng quả mấy chú này sành sỏi, toàn chọn thứ hay: Nào xúc xích nướng (dân tộc chứ chả phải công nghiệp đâu nhé), giò (món này hay - không giòn như dưới mình đâu, mềm ngọt - chứng tỏ là giò ngon và sạch)... Chú ấy còn giới thiệu mình với tất cả anh em lái xe trong quán (dân lái xe họ chọn đâu thì các bạn biết rồi đó - ngoài ra mình còn thấy nhiều người dân tộc trong quán đang ngồi ăn và uống rượu - chứng tỏ quán này hay đó). Chả vui vì các chú ấy không ai dám uống rượu cùng mình (họ lái xe mà) - Chán. Cô bé ngồi đối diện người Giáy (hay Dáy chả biết) cùng đối ẩm cũng ồn ã phất - nhưng mình ngồi lâu hơn để còn lấy cớ nghỉ ngơi nên mọi người đi hết lúc nào chả biết. Họ phải đi kiếm tiền chứ, đâu rỗi hơi như mình.

   Quán này hay a - nước chè mạn ngon, lại có điếu cày và thuốc lào miễn phí. Thuốc lào thì mình chả thiết nhưng nước chè thì mình hỏi chủ quán, xin rót đầy chai 0.5l của mình. Chủ quán bảo, pác vô tư đi, em mời, lấy hơn thì em đem vỏ chai ra cho bác đựng - trời nắng dư này, pác chọn nước chè hay đó.

   Thích chửa - Ta mở mồm xin thì thế đó (ta tự giót vào chai họ thấy cũng chả gì nhưng coi thường).

   Ngồi tý thì hỏi chủ quán đường xuống bản Cát Cát (lâu không đi nên quên), cậu ấy chỉ luôn một người, đây pác hỏi cậu lái xe này cho rõ. .. Chú lái xe bảo, chú định xuống Cát Cát à, tý cháu cho đi nhờ vì cháu đi đón khách gần đấy - nhưng chú phải đợi cháu 10' để cháu ăn. Ôi Trời, được đi nhờ lại chê sao hả Phủi - OK liền.

    Chú này người Thái Bình, papa lên đây khai hoang rồi sinh ra chú ấy ở trên này; chú chủ quán cơm thì cũng tựa vậy nhưng người Nam Định. Mấy chú này đều trẻ, tầm 30 cả thôi.

   Lúc sau ngồi trên xe (xe 16 chỗ), chú ấy chân thành lạ, ai lại đi tầm 1km, dừng xe, phanh tay, rồi nhờ mình trông xe để chạỵ lên nhà cách đấy đâu 100m để lấy đồ - máy vẫn nổ - Được chưa ? 

   Nói chuyện một lúc chú ấy bảo: Hay chú cùng cháu bỏ qua Cát Cát vào thẳng Tả Van rồi chú đi bộ sang Lao Chải hay hơn nhiều... 

   Ừa, đã lang thang thì bất định - đi thôi. 

   Úi trời, chú ý lại còn dặn dò: vào đó đi đâu, mua gì, đường xá ra sao... Lúc về thì chọn xe nào, giá cả... đến vui. 

   Đấy, cái hay của dân Phủi là vậy.

   Vào bản thấy nhiều đổi thay, khác xưa nhiều lắm. Tả Van và Lao Chải là địa bàn cư trú của dân tộc Giáy (hay Dáy) chả biết. Nơi đây, có nhiều món đặc sản bất ngờ với du khách, đó là hương và đá chạm.

   “Tả Van” cũng nằm trong thung lũng Mường Hoa,.“Tả Van” có nghĩa là “vòng cung lớn”, nằm tựa lưng bên dãy Hoàng Liên Sơn, phía trước là con suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xòe ra như hình những cánh cung hòa vào thế núi. Đến với nơi đây, dường như những lo toan bộn bề cuộc sống đã tan biến, đến với nơi chỉ có mây núi, ruộng nương và những tiếng cười. Nếu có thời gian ở lại bản làng vài ngày, để cảm nhận trọn vẹn hơn cuộc sống yên bình, mộc mạc nơi đây, để hòa mình với hơi thở của núi rừng, thì có lẽ những nếp nhăn trên trán mình sẽ vơi đi phần nào mà không cần dùng đến công nghệ tái tạo da collagen.

 


Đấy ảnh của máy mình đấy, nhờ anh bạn người Đức chụp.

   Hương Tả Van là đặc sản thật sự, quan sát thấy kỳ công lắm với những cây cỏ của địa phương (mình nhận biết được mỗi thảo quả, còn mấy thứ nữa chả biết).  Có điều chỉ người Tây biết. còn du khách Việt lại chả hay - đến lạ.
   Đây cũng là điều mà mình thấy khi xuống bản toàn gặp người Tây - Phi - Tàu - Hàn - Ấn, nhõn 1 xe người Việt đi tìm quán ăn. Hướng dẫn viên thấy toàn người dân tộc (cũng chả rõ H'Mong hay gì nữa ?) nhưng giao tiếp tiếng Anh thông thạo lắm.

   Ở đây, ngang theo con suối, có bái đá cổ mà du khách không nên bỏ qua. Ngoài ra, sản phẩm đá chạm của Tả Van làm mình thật sự ngạc nhiên - không nghĩ rằng họ tạo tác ra được, rất tinh xảo; tiếc là mẫu không nhiều mà giá cả lại đắt, dường như chỉ dành cho khách Tây thì phải ?


    
Ảnh mình chụp nhưng để nhỏ thế này mới thấy nét chứ căng to lên xấu lắm - Chán

   Tiếc là máy ảnh trục trặc nên đành mượn ảnh trên NET để minh họa vậy:






   Các pro xác định nhé, đường đi Tả Van - Lao Chải rất xấu, nhiều ổ trâu bò lắm, lại quanh co, cách Sapa khoảng 8km, nên yếu tim chớ đi xe ôm, còn đi bộ thì nên liệu sức. Bù lại cảnh đẹp vô cùng.
   Lúc này cũng đã tầm 15h rồi, ra Sapa, đón xe buýt cũng tầm 1h đi bộ; từ Sapa về Lào Kay mất 1h nữa. May mà đón được xe về Hà Nội luôn. Kể mà mải mê đi tiếp như dự định thì cũng chả sao, nhưng tự nhiên thấy nhớ nhà nên quyết định về thôi.
   Đến Sapa sẽ có nhiều điểm hay như bản Hồ, Nầm Sài, San Sả Hồ... Ngay tại Thị trấn cũng có nhiều điểm đẹp để tham quan như khu phố cổ, chợ Mới... Các bạn cứ gọi pác Google trước khi lên đường sẽ có đủ thông tin, ngoài ra hỏi dân địa phương sẽ thấy họ rất tận tình, chu đáo.
   Về đến nhà tầm 23h - Tổng thời gian là 36 tiếng đồng hồ (trừ mất 16, 17 tiếng để đi xe và ngủ). 
     Rất đáng các bạn nhỉ.