21/10/2023

Dựa vào khẩu vị để biết tình trạng ngũ tạng

 tổng hợp từ net



Trong cuộc sống, có người thích đồ ngọt, có người thích ăn cay… Chỉ cần dựa vào khẩu vị một người là có thể biết được ngũ tạng khỏe mạnh hay không.

Tất nhiên, mỗi người đều có khẩu vị khác nhau. Trên thực tế, ngoài các yếu tố như vùng miền, di truyền và thói quen ăn uống hình thành từ nhỏ, thì liên quan đến việc đặc biệt thích một mùi vị nào đó, đôi khi chính là tín hiệu của sự mất cân bằng dinh dưỡng hoặc sức khỏe không bình thường, khi khẩu vị thay đổi đột ngột có thể là cảnh báo tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể.

Thích vị chua: Cho thấy vấn đề về gan

Nếu một người thích vị chua hoặc đột nhiên thích vị chua thì có thể là biểu hiện của các vấn đề về gan. Thích vị chua lâu ngày hoặc ăn quá nhiều đồ chua sẽ dẫn đến suy gan và khí cơ không thông suốt.

Những người thích ăn vị chua thông thường có thể chọn các loại rau củ quả tươi có vị chua vừa phải như cà chua, cam, dương mai, lựu, chanh, nho, táo xanh, mận bắc…giảm ăn các sản phẩm dưa chua, đồ muối chua.

Thích vị đắng: Đa số là do tâm hỏa gây nên

Vị đắng vào tim, vị đắng có thể thanh nhiệt tâm hỏa, giải nhiệt. Những người thích vị đắng thường là biểu hiện của tâm hỏa, thường kèm theo các triệu chứng như hồi hộp, mất ngủ, khóe miệng lở loét, đầu lưỡi đỏ.

Thực phẩm đắng chủ yếu là có tính hàn. Thích ăn đắng lâu ngày không chỉ tổn thương tâm khí, mà còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng tỳ vị hư hàn như ăn không ngon, lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên ăn đồ có vị đắng, uống trà lạnh cũng có thể gây ra các bệnh về xương khớp.

Thích vị ngọt: Tổn thương tỳ vị

Vị ngọt vào tỳ, vị ngọt có tác dụng bổ tỳ vị. Những người nghiện vị ngọt thường xuất hiện chứng tỳ hư, đa số bệnh nhân mắc bệnh tỳ vị đều nghiện vị ngọt. Vị này sẽ càng làm tổn thương lá lách và dạ dày. Đối với bệnh nhân đang bị viêm loét sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều axit, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra, nghiện vị ngọt còn có thể gây sâu răng, tiểu đường, béo phì và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Nên chọn các loại ngũ cốc, trái cây, rau củ ít đường, có vị ngọt dịu như khoai mỡ, củ sen, bí đỏ, khoai lang, ngô, các loại đậu, thanh trà, dứa, kiwi… Thường có thể dùng cháo đậu xanh lá sen, canh rau củ, khoai từ luộc thay món tráng miệng.

Thích vị cay: Hao tổn khí

Vị cay đi vào phổi, vị cay có thể giải biểu (có tác dụng làm ra mồ hôi), hành khí (có tác dụng thúc đẩy khí huyết lưu thông), điều hòa khí huyết. Ví dụ như ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) có nhiều núi cao trùng điệp, dễ mắc chướng khí. Vì thế, người ở địa phương này thích ăn cay, để lưu thông khí huyết, thải chướng khí. Những người bệnh phổi thích ăn cay, thường là một loại lựa chọn tự nhiên dựa trên nhu cầu sinh lý để khai thông khí phổi và hóa giải các chứng bệnh. Về lâu dài, ăn quá nhiều đồ cay có thể khiến khí phổi phát ra quá nhiều, khí cơ tiêu tán, hao mòn tinh thần, khiến người mệt mỏi.

Cho vào món ăn thường ngày một ít gừng tươi, ớt, hành lá, tỏi… các loại đồ cay làm gia vị, có thể cải thiện khẩu vị, nhưng phải có chừng mực, để tránh kích thích dạ dày.

Thích vị mặn: Tổn hại thận

Vị mặn đi vào thận, vị mặn vừa phải có tác dụng bổ thận. Người ở vùng lạnh thường thích ăn mặn. Điều này cũng liên quan đến việc ăn mặn có thể bổ thận, chuyển hóa thành dương khí để chống lạnh, tăng cường khả năng chống lạnh của cơ thể. Thích ăn mặn lâu ngày sẽ làm tổn thương thận, còn có thể gây ra bệnh cao huyết áp, bệnh tim, hen suyễn, bệnh thận mãn tính v.v. Bạn nên chú ý giảm lượng muối trong món ăn.

Khẩu vị của một người không chỉ thể hiện thói quen ăn uống mà còn cho thấy tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, chúng ta nên chú ý ăn uống cân bằng để giữ gìn sức khỏe của mình.


16/10/2023

Truyện ngụ ngôn: Tình người

 st trên net



Hải quan một nước nọ đã tịch thu một lô xe đạp nhập khẩu trái phép và quyết định thông báo bán đấu giá. Trong cuộc đấu giá, khi mỗi chiếc xe được đưa ra bán, người trả giá đầu tiên luôn là một cậu bé 10 tuổi. Và cậu trả với giá là “5 đô la”. Sau đó cậu bé trơ mắt đứng nhìn những chiếc xe lần lượt bị người khác mua mất với giá họ trả là 100, 200 hoặc 400 đô la.

Cuộc bán đấu giá tạm nghỉ giữa giờ, người bán đấu giá đã đến hỏi cậu bé là sao không trả với giá cao hơn để có thể mua được một chiếc xe. Cậu bé nói rằng bản thân chỉ có 5 đô la, nhưng cậu rất cần xe để đi học.

Sau giờ nghỉ ngơi, cuộc đấu giá lại bắt đầu. Cậu bé vẫn luôn luôn là người đầu tiên trả giá và luôn luôn ở mức 5 đô la. Đương nhiên, cuối cùng những chiếc xe vẫn bị những người khác mua mất.

Dần dần, những người tham gia trong cuộc bán đấu giá cũng bắt đầu chú ý đến cậu bé, nhiều người trong số họ còn cảm thấy yêu mến cậu bé vì tính hồn nhiên và thẳng thắn của cậu.

Cuộc đấu giá rất nhanh đến thời điểm kết thúc. Trên sàn đấu giá chỉ còn lại một chiếc xe đạp màu xanh rất đẹp, thân xe sáng bóng, có nhiều mức tốc độ, hộp số 10 cấp, phanh tay hai chiều, có màn hình hiển thị tốc độ và thiết bị chiếu sáng vào ban đêm. Thật không thể nghi ngờ, đây là chiếc xe tốt hiếm có; và chắc vì thế nên ban tổ chức đã đưa ra đấu giá cuối cùng.

Người chủ trì cuộc bán đấu giá nói: “Xin bắt đầu. Ai sẽ trả giá đầu tiên ?”

Cậu bé dường như đã không còn hy vọng nhưng vẫn quyết định trả giá đầu tiên. Vẫn là 5 đô la. Sau khi cậu phát giá, cả sàn đấu giá bỗng im bặt, tất cả mọi người đều nín lặng, tất cả ngồi nhìn nhau và đều chờ đợi kết quả.

Vài phút trôi qua, họ hướng các cặp mắt về phía cậu bé, không một ai lên tiếng cũng không nhấc tay xin trả giá.

Mãi cho đến khi người chủ trì bán đấu giá đếm hết 3 lượt, cuối cùng ông nói: “Chiếc xe đạp được bán cho cậu bé mặc quần đùi và đi giày thể thao màu trắng với giá 5 đô la”.

Lời vừa nói ra, cả sàn đấu giá vỗ tay nhiệt liệt. Cậu bé cũng vỗ tay hoan hô, sau đó lấy trong túi ra tờ 5 đô la cũ được bọc cẩn thận trong túi bóng. Cậu đưa cho thư ký cuộc bán đấu giá và nhận về chiếc xe đạp đẹp nhất. Trên mặt cậu nở nụ cười tươi vui rạng rỡ tới mức mà mọi người có lẽ chưa từng thấy trong đời.


15/10/2023

Quần áo và sức khoẻ

 Bác sĩ Ôn Tần Dung là một chuyên gia về Đông y





Nhà thiết kế trang phục, sáng tạo mẫu mã kiểu dáng, cũng dẫn động bệnh tật kéo theo. Trong dòng cuốn mê mang của thế nhân rất dễ đánh mất mình. Bất kể y phục có khai phóng, buông thả thế nào, đứng tại góc độ một thầy thuốc mà nhìn, thì đây là một điều đáng lo ngại, tác hại vô cùng!

Y phục có liên quan gì đến bệnh tật???

Quần thủng lỗ ở đùi, ở gối, số lượng người bệnh đau nhức ở đùi, đầu gối cũng tăng lên. Gần đây còn lưu hành loại y phục gắn tay hở hết vai gáy, số bệnh nhân bị cứng cổ, đau vai, tê buốt vai cũng tăng thêm.

Y phục hở lưng lộ bụng, làm chứng hồi hộp, sợ hãi tăng thêm. Quần cộc tăng nguy cơ tổn thương cho đầu gối và chứng thoái hóa khớp gối, cũng tăng thêm các bệnh về tim, lưu thông máu tới chân và đưa máu trở về tim rất tốn sức.

Quần váy ngắn tới mức chỉ đủ che mông, vừa lưu hành thì các bệnh bạch đới, đau bắp chân, co rút bắp chân cũng tăng theo. Y phục hở rốn lộ eo làm tăng các loại bệnh đau bụng kinh, tiêu hóa kém, đau bụng dưới, viêm vùng chậu. Y phục lộ eo sau làm tăng bệnh nhân đau mỏi eo lưng, đau dây thần kinh tọa.

Trang phục thế nào cho tốt?

Người có chức năng tiêu hóa kém, yếu đường hô hấp, dễ cảm mạo, mũi dị ứng, tốt nhất nên mặc áo dài tay, váy quần che gối.

Người tim yếu, viêm dính bao khớp vai thể đông cứng, vai, cánh tay đau nhức, thiếu máu cố gắng mặc quần dài, áo dài tay.

Những người có bệnh đau đầu, đau vai cổ, phần lưng trên căng đau nhức, mắt khô, thị lực kém, đường hô hấp yếu, dễ cảm mạo, dây thần kinh mặt tê bì, tốt nhất mặc áo cao cổ dài tay, chớ mặc đồ hở vai hở lưng.

Người phì đại tiền liệt tuyến, thận hư, suy thận, đau lưng, đau dây thần kinh tọa, đau bụng kinh, tiêu hóa kém, dễ bị sút lưng, chớ mặc quần trễ rốn.

Thoái hóa khớp gối, giãn tĩnh mạch, số lượng tinh trùng ít, không nên mặc quần ngắn.

Người bị yếu gan, dạ dày ruột, tụy, mật, chớ mặc đồ hở bụng hở rốn.

Người bệnh nặng tốt nhất là mặc quần dài áo dài.

Trẻ nhỏ cơ thể thuần dương, sợ nóng, mặc sơ sài nhưng cũng cần che rốn.

Bất kể là bệnh gì cũng cần phải giữ phần dưới thân ấm áp, đặc biệt là về đêm cần mặc quần dài đi ngủ, đi tất càng tốt. Mùa đông hoặc khi vận động trong phòng lạnh không mặc áo ba lỗ, tránh lưng vai nhiễm lạnh, sẽ tăng thêm gánh nặng cho tim, dễ bị ‘Đông thương ư hàn, xuân tất bệnh ôn’ (mùa đông bị lạnh tổn thương, tới mùa xuân sẽ bị bệnh ôn), bệnh ôn không giải quyết dễ thành phục tà, phục tà lâu sẽ kết thành ổ bệnh, rồi biến ra bệnh ác tính.

Trang phục cố nhiên là một loại thẩm mỹ, y phục cũng là căn nhà bên ngoài của thân thể, là phong thủy của thân người, phong thủy mà bị phá cách thì sức khỏe cũng bị tổn hại.

Các bậc cao về thủ võ thuật, Thái Cực Quyền, người tu hành tại sao đều mặc quần dài áo dài? Phải chăng đó chính là một cảnh giới của dưỡng sinh?


14/10/2023

Những bài học rèn Nhân cách của các Cụ ta xưa

 


Cha ông ta có những quan điểm sống rất sâu sắc và chí tình khiến tôi tự hào vì mình là người Việt với một truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp.

Trong bài viết này tôi chỉ xin nói về những quan niệm và cách sống, giao tiếp, ứng xử của người xưa để thấy những người “chân đất”, để thấy ông cha ta rèn luyện nhân cách và nếp sống như thế nào?

Đói cho sạch, rách cho thơm; Giấy rách phải giữ lấy lề: Nghèo, đói nhưng phải lấy lễ nghĩa, đạo đức làm trọng.

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng; Miếng ăn miếng nhục; Miếng ăn quá khẩu thành tàn…Các cụ dạy về văn hóa ăn uống rất sâu xa. “Ăn” là một bản năng nhưng cũng phải học, học hàng ngày. Ăn uống phải nhìn xung quanh, không chỉ biết có bản thân mình, phải biết giữ ý tứ, thể diện. Không thể để bị khinh, để mang nhục chỉ vì miếng ăn.

Học ăn, học nói, học gói, học mở: Từ việc ăn, cho đến việc nói và làm; đều phải học, không có gì tự nhiên mà đến.

Uốn cây từ thuở cây non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây: Người lớn cũng thấy được sự ảnh hưởng của mình để làm gương cho trẻ em. Như vậy thì những thói hư tật xấu làm sao có đất để tồn tại?

Tiên học lễ, hậu học văn: Đề cao lễ nghĩa, đạo đức của con người mà ta cần phải học trước khi học về kiến thức. Đây là cái gốc để hình thành nhân cách tốt của mỗi con người, và rộng ra của một xã hội văn minh.

Đi một đàng học một sàng khôn: Càng được đi ra ngoài xã hội, ra thế giới càng có cơ hội để học tập, học những điều tốt, điều hay; để từ bỏ những thói hư, tật xấu.

Trên kính, dưới nhường; tôn sư trọng đạo: Đó là bài học về ứng xử với những người xung quanh, đó là một trật tự xã hội mà con người phải tuân thủ.

Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm: Dạy con cháu ý thức vệ sinh, gọn gàng ngăn nắp, hình thành thói quen tốt sẽ có tác động tốt đến đời sống của gia đình (rộng ra là xã hội).

Còn rất nhiều quan niệm, cách răn dạy của ông bà ta đối với con cháu để mong muốn con cháu mình được học tập và áp dụng trong cuộc sống để cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn. Như các câu: Lá lành đùm lá rách; Kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời; Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư; Không thầy đố mày làm nên; Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Các cụ xưa tuy nghèo thật nhưng luôn có lòng tự trọng: Đói cho sạch, rách cho thơm. Những quan niệm sống xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thiết nghĩ, văn hóa không phân biệt giàu nghèo. Thực tế cuộc sống đã chứng minh người giàu không có nghĩa là có văn hóa và ai bảo người nghèo thì không có văn hóa? Giữa người nghèo, hoặc ít tri thức xấu tính và người giàu hoặc trí thức đầy mình xấu tính thì ai đáng chê cười hơn?

Xã hội ta vẫn nhiều những con người, những hành vi, nghĩa cử đẹp; vẫn nhiều những cái hay cái đẹp. Biết hay để học biết nhục để sửa, vậy nên ta phải học, học người xưa, người nay, học thế giới xung quanh thì mới ngẩng cao đầu được.

Âu cũng là ước vọng chung của dân ta.


12/10/2023

Thuốc Tiền

 tản văn Tiền bản thảo của Trương Duyệt



Tiền, vị ngọt, đại nhiệt, có độc.

Tác dụng phụ lưu giữ dung nhan, tốt tươi sáng nhẵn, chữa bệnh đói, giải khốn khó có hiệu nghiệm ngay.

Tiền có thể lợi cho quốc gia, thiệt hại cho người hiền đạt và rất sợ người thanh liêm.

Người tham uống thuốc "Tiền", thì phân chia đều là tốt nhất, nếu không phân chia đều thì nóng lạnh công kích nhau, khiến người hỗn loạn.

Thuốc Tiền thu hái không theo thời vụ.

Thu nhận không đúng lễ thì tổn thương đến tinh thần.

Tiền rất thịnh hành, có thể chiêu mời thần linh, thông với khí quỷ.

Nếu tích lũy mà không phân tán thì sẽ sinh ra tai họa thủy hỏa đạo tặc. Nếu phân tán mà không tích lũy thì sẽ sinh bệnh đói rét khốn khó. Vừa tích lũy vừa phân tán thì gọi là Đạo.

Không coi nó là trân quý thì gọi là Đức.

Nhận và cho hợp lễ nghi thì gọi là Nghĩa.

Không cầu Tiền không phải của mình gọi là Lễ.

Thí xả rộng rãi cứu tế dân chúng thì gọi là Nhân.

Chi trả không sai hẹn gọi là Tín.

Người không vì thuốc "Tiền" làm tổn hại đến mình thì gọi là Trí.

Tinh luyện 7 thuật này thì mới có thể uống thuốc "Tiền" lâu dài, khiến người trường thọ. Nếu uống thuốc "Tiền" mà không theo lý lẽ thì ý chí suy nhược, tinh thần tổn thương, nhất định phải kiêng kỵ


11/10/2023

Chết do miệng, bệnh do chân

 st trên net


Từ kinh nghiệm đúc kết của bản thân, người xưa đã dạy chúng ta rằng, điều đơn giản nhất nhưng khó khăn nhất mà con người phải làm nếu muốn khỏe mạnh là phải cẩn thận cái miệng của bạn, di chuyển cái chân của bạn, đừng ham muốn sự an nhàn thoải mái, đây là điểm cốt lõi của việc giữ gìn sức khỏe.

Tục ngữ có câu: “Chết do miệng, bệnh do chân”, tại sao người xưa lại nói như vậy?

1. Chết do miệng

a) Bỏ bữa sáng

Trước đây người ta thường “sáng ăn no, trưa ăn no, tối nhẹ nhàng”, nhưng hiện nay nhiều người lại làm ngược lại. Buổi sáng lười biếng, buổi trưa phải làm việc ăn vội vàng qua loa và sau khi tan sở vào ban đêm ăn uống quá nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra đủ các loại bệnh tật.

Bỏ bữa sáng không chỉ gây ra khó tập trung, suy nghĩ chậm hơn mà còn ảnh hưởng đến việc tiết axit dạ dày và bài tiết mật, từ đó gây ra viêm dạ dày, sỏi mật và các bệnh về hệ tiêu hóa khác. Một nghiên cứu của Đại học Erlangen ở Đức cho thấy, những người không chú ý đến bữa sáng có tuổi thọ trung bình ngắn hơn 2,5 năm so với những người quen ăn sáng.

b) Ăn uống không từ tốn

Ngày nay, áp lực trong công việc và cuộc sống trong xã hội rất lớn nên con người thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ, dễ ăn uống ngấu nghiến. Nhưng điều này thực sự rất có hại cho sức khỏe của bạn.

Nếu ăn ngấu nghiến sẽ không thể nhai chậm, dễ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây viêm mãn tính. Ngoài ra, nếu ăn quá nhanh thì các khối thức ăn có kích thước lớn sẽ gây ra các phản ứng tiêu cực cho cơ thể, dễ tạo ra sự kích thích cơ học mạnh lên thực quản, lâu ngày dễ gây ung thư.

c) Uống ít nước

70% cơ thể con người được cấu thành từ nước, 90% thành phần trong máu có nguồn gốc từ nước, vì vậy, ở một mức độ nhất định, “chất lượng nước quyết định chất lượng máu, chất lượng máu quyết định thể chất cơ thể”.

Một số người thường sử dụng đồ uống thay nước để bổ sung nước, nhưng phương pháp này rất không tốt. Bởi mối nguy hiểm lớn nhất trong đồ uống đến từ “đường”! Càng uống nhiều đồ uống có đường thì nguy cơ tử vong sớm càng cao.

d) Hút thuốc lá và uống rượu

Từ lâu người ta đã biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Một số lượng lớn nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vòm họng, ung thư đường tiêu hóa và ung thư phổi.

Uống rượu cũng vậy! Uống rượu rất có hại cho cơ thể, dù chỉ uống một chút cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chưa kể có khoảng 3,3 triệu người trên toàn thế giới chết vì lạm dụng rượu mỗi năm.

Tóm lại, vừa hút thuốc vừa uống rượu rất không tốt cho sức khỏe, bạn nên uống có chừng mực và hút thuốc có chừng mực. Tuy nhiên, vì sức khỏe của chính mình, việc bỏ hẳn hút thuốc và uống rượu sẽ tốt hơn rất nhiều.

e) Không tu dưỡng đạo đức chân chính

Ngoài thói quen ăn uống cụ thể, hiện nay nhiều người có đạo đức thấp kém, nói năng thiếu suy nghĩ, thích làm tổn thương người khác bằng những lời nhận xét mỉa mai sắc bén hoặc thường hứa hẹn mà không thực hiện lời hứa. Lâu dần rất dễ mang lại tai họa cho chính mình.

2. Bệnh do chân

Nhiều người luôn quen với việc lấy công việc bận rộn và thiếu thời gian làm lý do để trốn tránh các môn thể thao khác nhau. Nhưng có một trong những cách tập thể dục đơn giản và dễ dàng nhất mà mọi người đều có thể thực hiện, đó chính là đi bộ.

Theo nghiên cứu, đi bộ có thể giúp dẻo dai nhiều cơ quan như xương, khớp, cơ, dây chằng của khắp cơ thể, không chỉ có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, kéo giãn cơ và xương mà còn giúp khớp linh hoạt bền bỉ hơn.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị người bình thường nên đạt 4.000 bước hoạt động mỗi ngày. Tất nhiên, thể trạng của mỗi người là khác nhau nhưng bạn vẫn nên cố gắng tập luyện đều đặn, điều độ và không nên tập luyện quá sức. Ví dụ, một số người đi bộ hàng chục nghìn bước mỗi ngày, thì đó lại là một gánh nặng cho cơ thể, kết quả của việc tập thể dục quá mức là sẽ gây áp lực lớn ảnh hưởng xấu lên đầu gối.

Người xưa đã nói với chúng ta từ kinh nghiệm của chính họ là con người muốn được khỏe mạnh thì cách đơn giản nhất nhưng cũng khó làm nhất là: cẩn thận cái miệng của bạn, di chuyển chân của bạn, đừng thèm muốn sự an nhàn thoải mái, đây là điểm cốt lõi của việc giữ gìn sức khỏe.


09/10/2023

Các loại, dạng thuốc tẩu

 

Từ nguồn CLB Khói lửa



Thưa các bạn, ở đây mình không đề cập đến các thương hiệu thuốc tẩu và thuốc tẩu có trên thị trường, bởi vì nó mênh mông vô cùng, lại nữa, với trình độ mình cũng chả hiểu và biết được.

Bài này, mình đề cập đế các dạng thuốc tẩu và công thức pha chế thuốc trộn phổ biến được sử dụng mà thôi.

1) Broken Flake – Những mảnh vỡ:

Thường được cắt ra từ những bánh thuốc lớn, vì vậy chúng thường không có hình dạng cố định, tỉ lệ chiều dài thường có kích cỡ là 1/8”. Khá dễ dàng để người hút nghiền nhỏ thành những mẩu vụn hay sợi nhỏ kiểu Ribbon, hoặc đơn giản là tẩu thủ có thể nghiền nhỏ và vo viên để hút, cách bảo quản có thể để chúng ở nơi thoáng mát, và thời gian bảo quản là khá dài.

 2) Curly Cut/Coin (nhà ta gọi là Xu):

Được cắt theo hình dạng khoanh tròn từ những bó thuốc được cuốn như dây thừng, cắt thành những lát mỏng, giống những đồng xu, khi hút có thể nghiền trên tay thành những sợi nhỏ hoặc vo tròn để hút.

 3) Flake (Lá, mảnh mỏng):

Những lát thuốc Flake sẽ có hình dạng chữ nhật. Khi hút có thể xé nhỏ thành từ sợi nhỏ, hoặc tán thành những lá mỏng, hay vo tròn rồi hút.

 4) Plug/Cake/Cube (Hình khối chữ nhật):

Hình dáng được hình thành bằng cách xếp những lá thuốc thành lớp, phơi khô và nén chặt lại. Với cách này thì thuốc để được khá lâu vì hình dáng và cách thức ép lá này khiến không khí ít tác động hơn cả. Để sử dụng các viên thuốc/thanh thuốc này thì người hút cần cắt chúng thành những lát mỏng, và phải cắt theo thớ lá, dao phải sắc, nếu không sẽ làm vỡ cấu trúc của thanh thuốc.

 5) Ribbon (Sợi mỏng, sợi rối):

Hình dáng này được hình thành bằng cách cắt những thanh thuốc (plug) bằng máy cắt công nghiệp, những sợi này rất mỏng, chỉ có kích cỡ bằng 1/16”. Vì vậy loại thuốc này sẽ không để được lâu sau khi mở. Việc lưu trữ cũng rất cẩn thận. cách hút cũng đơn giản, chỉ cần nhồi thuốc và đốt.

 6) Rope/ Twist (Dây Thừng):

Hình dáng mô phỏng theo hình Dây Thừng, được cốn thành những sợi dài và có kết cấu khá chặt với đường kính khoảng 1” và được bán theo kiểu lòng lợn tiết canh. Người mua sẽ mua từng đoạn một. Mặc dù đây là một dạng hình dáng thuốc khá hiếm gặp nhưng chính nhờ kết cấu như vậy mà thuốc được bảo quản khá tốt. Cũng giống theo dáng thuốc Plug. Để hút được những dây thuốc này cần cắt chúng thành những lát mỏng và vò nát trước khi nhồi vào tẩu.

 7) Shag (Sợi Vụn):

Gần giống với dạng Ribbon, nhưng sợi đượi cắt mỏng hơn, đều và mịn. Loại cắt theo hình dáng này cần bảo quản trong hộp kín và tránh tiếp xúc với không khí, để tránh cho thuốc bị khô.

2 loại trộn thuốc tẩu thường sử dụng

Ai cũng đều ngầm hiểu rằng, quá trình trộn thuốc là một trong những bước đòi hỏi sự cẩn trọng nhất đối với bất kỳ loại thuốc nào. Nói một cách nôm na thế này, việc trộn thuốc giống như việc chuẩn bị một món ăn mang đậm sự tinh tế và dư vị khi thưởng thức. Một người sành ăn sẽ biết ngay đâu là món ngon khi chỉ cần nhìn vào món ăn đó. Mỗi một hãng thuốc lá đều giữ cho mình một công thức và các phương pháp riêng biệt cho mỗi loại thuốc của họ. Vì chính những công thức này đem đến sự nổi tiếng cũng như thị phần của mỗi hãng, nên các công thức này được bảo mật tuyệt đối. Nên mỗi một dòng thuốc là một công thức duy nhất, không giống bất kỳ một dòng thuốc nào khác. Tuy nhiên, có thể tạm chia dòng thuốc trộn thành hai loại riêng biệt:

1) Thuốc trộn kiểu Anh (english blends):

Có thể nói là thuốc trộn kiểu Anh có một bề dày lịch sử, với đặc tính hướng về sự tinh khiết của các lá thuốc, hoàn toàn không pha trộn hương liệu, đặc trưng trong mỗi hộp thuốc trộn kiểu Anh là lá Latakia và các dòng thuốc Oriental khác, mỗi một loại mang tới một hương vị riêng biệt, khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành vị thuốc rất khác biệt. Sở dĩ thuốc trộn kiểu Anh được khá nhiều người ưa chuộng vì bản thân thuốc trộn kiểu Anh đem đến sự cảm nhận hương vị một cách mộc mạc và chân thật nhất, đặc tính là thuốc trộn kiểu Anh bao giờ cũng có mùi vị mạnh hơn so với thuốc thơm và thuốc trộn kiểu Anh bao giờ cũng khô hơn so với thuốc thơm.

2) Thuốc Thơm:

Thường được trộn với thành phần chính là lá Burley hoặc dòng lá Cavendish, tất nhiên là các dòng lá này mang lại vị nhẹ hơn so với các dòng lá được trộn kiểu Anh.

Những nguyên liệu thường thấy ở thuốc thơm đó là: Cacao, mật mía, tinh chất được chưng cất từ cam thảo và Vani, các loại hạt và hoa quả, đặc biệt là Kiwi, hạt vải cũng được tìm thấy trong một số loại thuốc trộn và còn rất nhiều hương liệu khác, những tinh chất phổ thông như Chocolate, mật ong, rượu rum, anh đào, táo, đào, chuối, café và có thể là mùi rượu Bourbon, whiskey single malt, đều nhằm mục đích làm tăng vị mạnh và vị đậm của thuốc trộn.

Tóm lại dù là thuốc trộn kiểu Anh hay là thuốc trộn thơm thì chúng vẫn phải trải qua một quá trình lên men (tạm gọi là lên tuổi – aging). Điều này nhằm một mục đích duy nhất là dành thời gian ngấm và thẩm thấu hương vị của các loại lá. Ai chơi tẩu cũng vậy, đều có một thời gian đầu là tay mơ. Việc chọn loại thuốc lá phù hợp với chính bản thân người hút và cây tẩu là điều rất khó khăn, cá nhân mình cũng không khác gì.

Vậy nên mình viết bài này, rất mong các bạn đọc và rút ra một số điều cơ bản còn thuốc thơm hay mộc cũng không quan trọng, cái quan trọng là khi bạn hút, cối thuốc đó đem lại cho bạn điều gì?

Ngay thuốc mình dùng là tự pha trộn giữa kiểu Anh và thuốc lá thơm: Lá thuốc Bắc Sơn – Lạng Sơn do ông bạn thân cung cấp, sợi mộc của lá Virginia – Mỹ là em giai đưa, cùng vani, mật ong, ca cao và chút rượu cognac... Ủ lên men trong nơi tối 3 năm.

08/10/2023

Ẩn dụ về Nhận thức

 Tập hợp từ net



 Sự nhận thức sẽ quyết định lựa chọn, lựa chọn quyết định phương hướng, do đó, nhận thức của một người sẽ gắn liền với đường đời của người đó.

Học thuyết cái hang của Plato

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato từng kể một câu chuyện, mà người đời sau gọi là “học thuyết cái hang”.

Truyện kể rằng, có một nhóm người từ khi sinh ra đã bị nhốt trong một cái hang. Cơ thể của họ bị xiềng xích và không thể di chuyển. Mỗi ngày luôn có một đống lửa cháy phía sau lưng họ. Có người nào đó cố ý cầm các mô hình động vật đi tới đi lui, những người bị trói chỉ có thể nhìn thấy những hình ảnh phản chiếu trên bức tường. Lâu dần, họ coi thế giới phản chiếu trên bức tường kia chính là thế giới chân thực.

Đến một ngày, có một người đã thoát khỏi xiềng xích và chạy thoát ra được thế giới bên ngoài. Lúc này anh ta mới nhận ra rằng những hình ảnh trên bức tường ở trong hang chỉ là bóng ảnh, không phải vật chân thực. Và anh ta đã quay trở lại hang động và nói với những người bạn đang bị cầm tù của mình, mong muốn tất cả đều có thể thoát khỏi xiềng xích và cùng nhau trốn ra khỏi hang động. Thế nhưng khi anh ta nói xong, mọi người lại không tin và còn cho rằng anh ta bị điên, họ cười nhạo anh.

Đây chính là học thuyết cái hang do Plato đề xướng. Những người ở trong hang vì nhiều năm bị giam cầm đã khiến họ hình thành một vòng nhận thức khép kín. Họ lầm tưởng những thứ trước mắt họ là thế giới chân thực, điều này dẫn đến sự cố định hóa tư duy và khiến họ từ bỏ cơ hội tìm kiếm tự do, chân lý.

Nhà tù lớn nhất thế giới chính là vòng nhận thức tư duy của con người

Schopenhauer từng nói: “Nhà tù lớn nhất thế giới chính là vòng nhận thức tư duy của con người.”

Đáng buồn là hầu hết chúng ta ai cũng đều đang sống giống như những tù nhân trong câu chuyện.

Ví như khi bạn đang muốn kiếm thêm một nghề phụ để nâng cao chất lượng cuộc sống, thì có người phản bác rằng: “Đừng lãng phí thời gian và tiền bạc, lợi bất cập hại”. Khi bạn muốn học thêm một kỹ năng nào đó để tăng khả năng cạnh tranh trong công việc, anh ta phản đối: “Lăn lộn thế nào cũng chỉ là kẻ làm công ăn lương, sao phải khổ thế?”

Khi bạn đọc sách để làm phong phú nội tâm, làm giàu kiến thức, thì anh ta tỏ ra khinh bỉ: “Có thời gian chi bằng làm việc nhiều hơn, đọc chi mấy thứ vô bổ”.

Qua thời gian, họ tự phong bế bản thân, giống như sống trên một hòn đảo biệt lập vậy.

Nhận thức càng thấp thì càng cố chấp

Có một vị thương nhân nhìn thấy một người ăn xin trên đường, liền động lòng trắc ẩn và hỏi:

– Nếu tôi cho ông 10 triệu, ông sẽ làm gì với số tiền này?

– Tôi sẽ mua một chiếc điện thoại di động xịn, như vậy tôi có thể biết được ở nơi nào đông người, rồi tới nơi đó xin ăn cho dễ.

– 1 tỷ thì sao?

– Tôi sẽ mua một chiếc xe nhỏ, để thuận tiện đi ăn xin, muốn đi đâu thì đi.

– 100 tỷ thì sao?

– Tôi sẽ mua một mảnh đất ở nơi thật phồn hoa, như vậy sẽ không có kẻ ăn xin nào dám tới tranh giành địa bàn với tôi.

Vị thương nhân nghe xong thì lắc đầu rời đi. Ông nhận ra rằng những người có nhận thức thấp, họ không thể vượt qua được nhận thức của chính mình, tự họ giam mình trong thế giới của bản thân.

Cứ như thế mãi họ sẽ trở nên cực kỳ bảo thủ. Ngược lại, những người có nhận thức cao, khi càng hiểu biết về thế giới bên ngoài, họ sẽ càng mở lòng, khiêm tốn tiếp nhận và học tập.

 Nhận thức khác biệt giữa chim én và dơi

Có một câu chuyện như thế này: Một ngày nọ, chim én và dơi tranh cãi với nhau về việc mặt trời là đại biểu cho buổi sáng hay buổi tối. Cả hai tranh luận tới đỏ mặt tía tai, cuối cùng chúng cùng nhau đi tìm cú mèo giúp phân xử.

Cú mèo biết được nguyên nhân mà họ cãi nhau bèn nói: “Tập tính sinh hoạt của các người hoàn toàn tương phản, làm sao mà cùng một quan điểm được”. Dơi là loài sống về đêm, mà tập tính sống của chim én hoàn toàn ngược lại, nên đối với chuyện này nhận thức chắc chắn sẽ có khác biệt.

Khi Bạn đứng trên đỉnh núi sẽ thấy cảnh tượng biển mây trập trùng, nhưng khi đứng ở sườn núi lại thấy ruộng đồng xanh mướt. Vậy nên tùy thuộc vào nơi bạn đang đứng mà tầm nhìn và cảm nhận sẽ khác nhau.

Những người có nhận thức cao hiểu được sự khác biệt của người khác, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt và bao dung. Còn những người có nhận thức thấp sẽ chỉ ngoan cố bảo vệ quan điểm của mình, tùy tiện đánh giá người khác, bộc lộ sự hạn hẹp của chính họ.

Lối suy nghĩ bảo thủ, chính là ngõ cụt của đường đời

Có một câu nói khá nổi tiếng: “Điều thực sự giới hạn cuộc sống của chúng ta không phải là sự nghèo đói về kinh tế, mà chính là khó khăn trong nhận thức”.

Vào thời nhà Chu, có một vị thương nhân đã thuần hóa được một bầy khỉ. Mỗi ngày đều sai chúng đi hái quả dại, thù lao là một phần mười số quả chúng hái được.

Một ngày nọ, có một con khỉ nhỏ nhìn chằm chằm vào loại trái cây trước mặt và hỏi: “Quả dại trên núi này là do thương nhân kia trồng sao?”

Cả đám khỉ đều trả lời: “Không phải”.

Con khỉ nhỏ nói: “Vậy thì chúng ta đâu cần phải làm việc cho ông ta, vẫn có thể hái quả dại mà”.

Cả đám khỉ như bừng tỉnh hiểu ra. Sau đó chúng đã rủ nhau bỏ trốn cùng số quả dại hái được, và không làm việc cho vị thương nhân nữa.

Chú khỉ nhỏ trong câu chuyện đã lựa chọn thoát khỏi những suy nghĩ và lối nhận thức cố hữu; không vì sự bình ổn sống qua ngày mà chấp nhận im lặng. Con người cũng vậy, chỉ khi phá vỡ nhận thức khép kín đó thì mới có thể đột phá chính mình.

Thành công bắt đầu từ sự đột phá

Có một câu chuyện kể rằng: Có một người đàn ông khi đang leo lên một vách núi thì đột nhiên bị trượt chân và rớt xuống vách đá. Anh ta vội đưa tay bám vào một tảng đá, cả người lơ lửng bên dưới, khi sắp không thể chống đỡ được nữa thì bỗng nghe thấy một âm thanh:

“Ta là Thần đây, ta có thể cứu con nhưng con phải buông tay ra”.

Nghe xong người này cảm thấy không tin nên coi như không nghe thấy mà tiếp tục kêu cứu. Nhận thức quyết định lựa chọn, lựa chọn quyết định phương hướng. Anh ta không muốn tin vào những thứ tồn tại ngoài nhận thức của bản thân, vì vậy anh ấy đã bỏ lỡ cơ hội sống cuối cùng của mình.

Có câu nói rằng: “Chỉ có không ngừng học tập mới có thể cải biến hoàn cảnh và nâng cao cảnh giới; đồng thời khi gặp khó khăn sẽ không dễ bị mê mờ, mất phương hướng”. Rất nhiều học giả nổi tiếng đã cô đọng tư duy cả đời mình vào một cuốn sách, chỉ có kiên trì đọc sách, kiên trì học tập thì khi nhìn sự việc, sự vật mới không bị vòng nhận thức hạn hẹp ước chế.

Tuy nhiên, để nâng cao trình độ nhận thức của bản thân không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta bắt buộc phải bắt đầu từng chút, từng chút một. Không có con đường tắt dẫn đến thành công, chỉ có thể không ngừng học tập, không ngừng trau dồi và nỗ lực vươn lên.


06/10/2023

Trên đường Đời

 Hoằng Nhất Pháp Sư



Ngày xửa ngày xưa, có một vị hoàng tử thông minh, anh ta muốn tìm hiểu bí mật nhân sinh nên đã đến thỉnh giáo vị tôn giả: “Cuộc đời tương lai của tôi sẽ như thế nào?”

Tôn giả từ bi trả lời anh ta: “Trên đường đời, con sẽ gặp phải ba cánh cửa, trên mỗi cánh cửa có viết một câu, con hãy nhìn kỹ. Sau khi đi qua cánh cửa cuối cùng, ta sẽ đợi con ở thế giới bên kia cánh cửa.”

Khải thị trên ba cánh cửa

Sau đó, hoàng tử bắt đầu cuộc hành trình dài. Không lâu sau, anh gặp cánh cửa đầu tiên, trên đó có viết: “Thay đổi thế giới”.

Hoàng tử nghĩ: “Tốt thôi, tôi sẽ chiểu theo lý tưởng của mình để nỗ lực thay đổi thế giới, những điều tôi không thích đều sẽ biến mất.” Và anh ấy bắt đầu làm như vậy.

Vài năm sau, hoàng tử mệt mỏi gặp cánh cửa thứ hai, trên đó viết: “Thay đổi người khác”. Hoàng tử nghĩ: “Thay đổi người khác còn hơn là thay đổi thế giới, ta sẽ dùng tư tưởng tốt đẹp để giáo hóa mọi người, để họ trở nên tốt hơn.” Và anh ấy bắt đầu làm như vậy.


Lại sau vài năm, cuối cùng cánh cửa thứ ba đã xuất hiện trước mặt hoàng tử, trên đó viết: “Thay đổi chính mình”. Hoàng tử rất đỗi đồng tình: “Ta đã cống hiến suốt cuộc hành trình này để nhìn người khác, chưa từng nghĩ rằng bản thân cũng phải tự trở nên hoàn mỹ”. Và anh ấy bắt đầu làm như vậy.

Sau những nỗ lực đó, cuối cùng hoàng tử đã gặp được vị tôn giả đang đứng đợi anh ta. Anh tôn kính nói: “Thưa Sư Tôn, con đã đi qua ba cánh cửa trên con đường nhân sinh, con đã ngộ ra được ý nghĩa của những khải thị. Hiện tại con hiểu rằng, muốn cải biến thế giới, chi bằng hãy đi cải biến người khác; muốn thay đổi người khác, chi bằng hãy tự thay đổi chính bản thân mình.”

Nghe xong, vị Tôn giả cười nhẹ và nói: “Có lẽ bây giờ con nên quay lại và xem kỹ ba cánh cửa đó một lần nữa.”

 

Đáp án nhân sinh ẩn chứa phía sau cánh cửa

Hoàng tử cảm thấy hiếu kỳ: “Liệu rằng trên con đường ta đã đi, ta nhìn không đủ kỹ càng hay sao?” Anh liền theo lời chỉ dẫn của vị Tôn giả và quay trở lại.

Từ xa, anh thấy được cánh cửa thứ ba, nhưng khác với lúc anh đến, khi nhìn từ phía ngược lại, trên cánh cửa rõ ràng viết:Chấp nhận chính mình”.

Khi ấy, hoàng tử mới hiểu vì sao anh luôn bị nỗi lo âu dày vò mỗi khi “thay đổi chính mình”. Anh đã luôn cố gắng thay đổi mình trong sự tự trách và khổ đau. Vì anh quá chán ghét những khuyết điểm và hạn chế của bản thân nên anh luôn tập trung vào những việc mà anh không thể làm được, bỏ qua những ưu điểm của chính mình. Vì vậy, anh bắt đầu học cách trân trọng và chấp nhận bản thân.

Cánh cửa dẫn đến bí mật nhân sinh, không phải cưỡng cầu, mà là chấp nhận

Hoàng tử tiếp tục đi ngược lại, anh thấy trên cánh cửa thứ hai viết: “Chấp nhận người khác”. Lúc này, anh mới hiểu tại sao luôn có tâm trạng coi thường người khác: bởi vì anh từ chối chấp nhận sự khác biệt giữa người khác và chính mình, luôn không muốn hiểu và thông cảm với những khó khăn của người khác. Vì vậy, anh bắt đầu học cách khoan dung với họ.

Hoàng tử tiếp tục đi với tinh thần sảng khoái. Cuối cùng, anh thấy trên cánh cửa thứ nhất viết: “Chấp nhận thế giới”. Hoàng tử đột nhiên tỉnh ngộ. Anh mới hiểu vì sao trong quá khứ, khi anh cố gắng thay đổi thế giới, anh liên tục gặp thất bại và trở nên mệt mỏi. Bởi vì anh từ chối thừa nhận rằng có nhiều điều trên thế giới nằm ngoài tầm với của con người, anh luôn muốn làm khó người khác, luôn tìm cách khống chế người khác từ đó khống chế cả thế giới, bỏ qua những điều tốt đẹp mà anh có thể làm để trở nên tốt hơn. Vì vậy, anh bắt đầu học cách mở rộng trái tim để bao dung với cả thế giới.

Khi đó, vị Tôn giả đã đứng trước mặt đợi anh, ông nói với hoàng tử: “Vất vả cho con rồi, bây giờ thì con đã hiểu thế nào là bình tĩnh và tường hòa, đó chính là câu trả lời cho kiếp nhân sinh mà con tìm kiếm”.