18/05/2018

Giáo hóa của Ba Thừa (Pháp tướng thông)


Sự phân ra ba giai đoạn thuyết pháp hay ba mức độ giáo hóa đều là nhằm có thể mang đến sự giải thoát cho tất cả chúng sinh. Từ những người có căn cơ thấp kém, ngu độn nhất cho đến những bậc thông minh xuất chúng đều không ra ngoài phạm vi giáo hóa của Ba thừa.
Đối với những người có căn cơ thấp – thường là chiếm phần đa số – thì cuộc đời này vốn là thật có, những đau khổ mà họ phải nhận chịu trong cuộc đời là không thể phủ nhận. Vì thế, họ học theo luận thuyết Pháp tướng tông để được giải thoát khỏi chính những sự khổ đau cụ thể đó. Nhờ học đạo, họ sẽ giảm bớt đi sự mê đắm, lầm lạc, vì hiểu được ý nghĩa không thật của những giá trị vật chất vốn luôn thay đổi và cuối cùng đều sẽ phải hoại mất. Từ đó, con người không còn đau khổ bởi những cảm xúcbất bình vì trái ý, tiếc nuối vì mất mát, đau đớn vì chia ly... Bởi vì họ hiểu ra được rằng tất cả những điều đó đều là không thể tránh khỏi, đều là sự vận hành tự nhiên, và bản chất của chúng đều là không thật, chỉ từ nơi các thức biến hiện ra. Khi hiểu được như vậy, người ta có thể giải thoát khỏi rất nhiều nỗi khổ đau thường gặp trong cuộc đời này.
Đối với những người có phần trí tuệ cao hơn, sự giáo hóa không dừng lại ở đó mà còn đi sâu vào quán xét tính chất không thật có của thế giới vật chất. Ngay cả những hiện tượng thành, trụ, hoại, không của vật chất cũng chỉ là những sự biểu hiện không thật, như những con sóng nổi lên trên mặt biển. 
Người ta không thể tìm thấy cái gọi là “con sóng” ở bên ngoài mặt biển. Khi có gió bão, con sóng xuất hiện, mặt biển nhấp nhô; khi trời yên tĩnh, con sóng biến mất, mặt biển phẳng lặng. Nhưng thật ra thì con sóng chưa từng “có” mà cũng chưa từng “không”. Nếu nói sóng là có, vì sao khi mặt biển yên ta không nhìn thấy sóng? Nếu nói sóng là không, vì sao khi biển động lại thấy có sóng? Khi biển yên thì sóng đi về đâu? Khi biển động thì sóng từ đâu mà đến? Suy xét ý nghĩa này, chúng ta sẽ nhận ra được cái gọi là “con sóng” thật ra chỉ là sự biểu hiện kết hợp nhiều điều kiện khác nhau: có mặt biển, có gió mạnh thì con sóng hiện ra. Khi những điều kiện đó không còn nữa, con sóng cũng không còn.
Tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này đều là như vậy. Khi có đủ các nhân duyên hợp lại, một hiện tượng khởi lên, và chúng ta nói rằng nó đang “có”. Khi các nhân duyên tan rã, hiện tượng ấy mất đi, và chúng ta nói rằng nó là “không”. Thật ra, chỉ có sự kết hợp của các nhân duyên mà không có bất cứ hiện tượng nào là thật có!
Khi hiểu được như vậy, người ta không còn mê đắm đối với mọi đối tượng vật chất. Nhờ đó, người ta có thể sống một cách giản dị, thanh đạm, không bị lôi cuốn theo sự tham muốn, và do đó không gây ra các ác nghiệp.
Nhưng đối với những bậc thượng căn thượng trí thì cả hai cách nhìn nhận có và không như trên đều chưa phải là rốt ráo. Khi nói rằng thế giới vật chất này là có, thì rõ ràng chỉ là cách nhìn ở bề mặt mà thôi, vì không thấy được tính chất giả hợp, thay đổi và tan rã đang diễn ra liên tục trong thế giới ấy. Nhưng nếu bảo tất cả đều là không thì cũng không thỏa đáng, vì sự hiện hữu của chúng ta là thật có, đang song song tồn tại cùng với mọi hiện tượng giả hợp của thế giới. Vì thế, họ quay sang nhìn nhận rằng sự tồn tại của thế giới vật chất và tinh thần chính là biểu hiện từ sự tồn tại của thức. Khi nhận thức như vậy, người ta không còn quan tâm đến việc thế giới này là có hay là không, vì chúng chẳng qua chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của các thức mà thôi.
Pháp tướng tông khi truyền sang Nhật Bản cũng tạo ra rất nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống của dân tộc này. Khi nhận biết rằng những giá trị vật chất trong cuộc sống vốn là không thật, họ không rơi vào chỗ bi quan yếm thế hay lười nhác, trốn tránh. Trái lại, họ vận dụng được nhận thức này để rèn luyện sự kiên tâm và một nghị lực vững vàng trước mọi biến động trong cuộc sống. Nhờ vậy, họ có thể chịu đựng được những cơn động đất, bão tố, nạn đao binh... Trải qua thảm họa, họ thản nhiên xây dựng lại cuộc sống; gặp những mất mát đau thương, họ mỉm cười chấp nhận để nỗ lực vượt qua. Họ biết rằng không có gì là trường tồn. Những điều tốt đẹp hay xấu xa, thảy đều sẽ qua đi với thời gian. Và nhờ đó, họ không bao giờ đánh mất đi những nỗ lực vươn lên hoàn thiện cuộc sống.
Họ tin tưởng rằng, tuy mọi cái đều không thật, đều giả tạm, nhưng chính phần tâm thức, nghị lực của mỗi con người là thật có.


16/05/2018

Sự khác nhau tương đối giữa văn minh phương Tây và phương Đông

   Trong thế giới có hai thứ văn minh, là văn minh Tây phương và văn minh Đông phương. Hai cái văn minh ấy khác nhau là do tại hai đàng tư tưởng khác nhau.
 Bài viết của học giả Phan Khôi. C.D. Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.774 (27/9/1928); s.776 (2/10/1928)
Tây phương gồm cả các nước châu Âu châu Mỹ mà nước Pháp là một; Đông phương gồm cả các nước châu Á, mà nước ta là một. Tư tưởng của Tây phương phát nguyên từ Hy Lạp, La Mã, Hê-bơ-rơ, song bây giờ đã hỗn thành ra một nền tư tưởng Tây phương, nên ở đây gọi chung là tư tưởng Tây phương. Tư tưởng Đông phương có hai tua lớn, một là Ấn Độ, một là Tàu, mà ta thuộc về tua Tàu, nên ở đây chỉ lấy Tàu làm trọng.
Người ta thấy bên Tây về đường vật chất phát đạt tinh xảo hơn bên Đông, rồi cho rằng văn minh Tây phương là vật chất văn minh, còn văn minh Đông phương là tinh thần văn minh. Nói như vậy là lầm. Những cái thuyết tự do bình đẳng, là phần hệ trọng nhứt trong văn minh Tây phương, chẳng phải tinh thần là gì? Bên nào cũng có tinh thần vật chất cả, chẳng qua vật chất tùy theo tinh thần của mỗi bên mà hiện ra hai vẻ khác nhau. Cái tinh thần ấy tức ở đây tôi gọi là tư tưởng.
Ba điều tôi sắp giải ra dưới nầy chỉ là từ trong hai cái văn minh ấy mà rút ra mỗi bên ba cái yếu điểm; ngoài ra, mỗi cái văn minh hoặc giả đều có chỗ hay chỗ dở thì tôi không kể đến. Tôi cũng không có ý so sánh bên nào hơn, bên nào kém; cốt muốn tỏ ra cho biết hai bên trái ngược nhau, không thể dung nhau mà thôi.
1. Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học.
Theo ý người phương Tây, mọi sự vật trong thế gian bất kỳ lớn hay nhỏ, thấy được hay không thấy được, hễ mình muốn biết thì phải biết cho đến nơi, cho đâu ra đó, chớ không được mập mờ, không được lộn xộn. Bởi vậy họ phải làm ra cái cách để mà biết. Đối với một sự vật gì, họ cứ nhặt lấy những cái kinh nghiệm mỗi khi một ít, những cái tri thức mỗi nơi một chút, rồi quán thông lại, lập ra những cái nguyên tắc, công lệ, và những cái thuyết có thống hệ, mà ai cũng không cãi được nữa, thì bấy giờ sự biết mới đích xác và sự học về sự vật ấy mới thành. ấy gọi là khoa học.
Ở phương Tây bây giờ hầu như mỗi một sự vật gì là có một khoa học. Không những thiên văn, địa văn, quang, điện, chánh trị, pháp luật có khoa học mà thôi; cho đến nuôi gà, trồng rau cũng có khoa học nữa. Triết học ngày xưa đứng ngoài khoa học, mà bây giờ người ta cũng dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu triết học. Họ chia khoa học ra làm ba loại: là Tự nhiên khoa học, Xã hội khoa học và Tinh thần khoa học. Những tên riêng từng khoa thì nhiều lắm, không hơi sức đâu mà kể.
Đây cử ra một khoa y học để cho biết cái vẻ khoa học của họ là thế nào. Y học lại gồm có nhiều khoa học khác nữa, nào là: Sanh lý học[1] dạy về sự kết cấu và tác dụng của các cơ thể[2] trong mình người ta; Giải phẫu học[3] dạy về từng cái xương từng mạch máu trong mình người ta; Bịnh lý học[4] dạy về các chứng bịnh; Dược vật học dạy về các vị thuốc; tất phải biết ngần ấy khoa học mà thiệt hành ra được đã rồi mới làm nên thầy thuốc. Đến khi chữa bịnh, thầy thuốc nói bịnh tại tim, ấy là trái tim thiệt bị đau; nói bịnh tại phế, ấy là phổi thiệt bị đau. Đau tim đau phổi cách làm sao thì uống thuốc gì, đều có phương nhứt định cả, phải theo khoa học chớ không được theo ý riêng của thầy thuốc.
Tóm lại, người phương Tây biết được sự vật gì đều là do khoa học cả. Khoa học đã thành ra như cái tánh riêng của họ.
Sự học phương Đông thì thật là mênh mông và mầu nhiệm. Kẻ học cứ sách mà đọc tràn đi rồi hiểu được chừng nào thì hiểu. Những sự vật mà ta muốn biết, tán mạn ra trong sách mỗi nơi một ít, không có xâu suốt lại thành từng món một, và cũng không có đặt ra phương pháp gì để noi đó mà tìm tòi. Sách thì dạy trước bác mà sau ước. Kinh Thơ nói vô số là chuyện, rồi ước lại một chữ Trung, Kinh Lễ nói vô số là chuyện rồi ước lại một chữ Kính; bác thì cực kỳ là bác, mà ước thì cực kỳ là ước[5]. Đến Kinh Dịch mới là ảo diệu vô cùng: quẻ Kiền có nói đến “rồng bay” (long phi), mà kỳ thiệt không phải là rồng bay; quẻ Khôn có nói đến “ngựa cái” (tẩn mã), mà kỳ thiệt không phải là ngựa cái; chẳng qua nói bóng vậy thôi, không khác nào “con rồng có bảy đầu mười sừng” và “con thú ở dưới đất lên” đã nói trong sách Khải huyền của kinh Tân ước. Sách Xuân thu cũng vậy, nói “Doãn thị chết” song không trọng tại Doãn thị chết mà trọng tại cái ý chê thế khanh; nói “thiên vương đi săn”, song không phải đi săn mà là bị chư hầu bắt hiếp. Càng những chỗ sâu hiểm éo le như vậy, thì lại càng tôn cho là vi ngôn đại nghĩa. Cứ theo sách thì những âm dương, ngũ hành, cũng đều là những cái giả tượng mà thôi, chớ không phải chỉ ngay về hiện trạng và thiệt tế mà ta ngó thấy đâu. Vì vậy cho nên gọi là huyền học.
Người nào đã chịu phép “báp tem” của huyền học rồi thì ra làm việc gì cũng đều được cả, bất cứ việc gì, vì “vận dụng do ư nhứt tâm”. Một ông quan có thể coi việc bộ Hộ rồi coi việc bộ Hình, luôn cả sáu bộ cũng được, và có khi ra làm tướng đánh giặc cũng xong. Còn các nghề thợ thì nhứt thiết không có học gì cả, hễ tập quen thì làm được, ăn thua nhau là tại cái sáng dạ.
Nói đến nghề làm thuốc của ta mới càng tỏ ra cái vẻ huyền học, và để cho nó phản chiếu lại nghề làm thuốc của Tây vừa nói trên kia. Bắt đầu dạy về ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận, thì dạy rằng nó hiệp với ngũ hành, phối với ngũ vị, ứng với ngũ phương và tứ thời. Dạy về dược tánh thì: một vị bạch truật mà chủ cả công cả bổ, đã kiện tì cường vị, lại trị thấp, bĩ, hư đàm; càn cương sao hắc thì nhập thận; hỏi tại làm sao thì bảo rằng vì “thận thuộc thủy, kỳ sắc hắc”. Những điều ấy nếu bắt cứ theo phương pháp khoa học mà giải nghĩa thì không tài nào giải ra được. Đến lúc trị bịnh, thầy thuốc nói là bịnh phong, nhưng phong đó không phải là gió; nói là bịnh thấp, nhưng thấp đó không phải là ẩm ướt; thậm chí nói bịnh tại phế, tại can, nhưng thiệt không phải là đau phổi hay đau gan. Những chữ phong, thấp, phế, can đó chẳng qua là một thứ chữ trừu tượng[6] chớ không phải cụ thể [7]. Còn đến cho thuốc thì cùng một bịnh mà mỗi thầy đi một mặt: thầy thì hàn, thầy thì nhiệt, thầy thì bổ hỏa, thầy thì lợi thủy, thầy thì ít vị, thầy thì nhiều vị, mỗi thầy đều kê phương dụng dược theo ý mình. Ôi! huyền diệu là dường nào!
Đại ý huyền học không lấy khách quan mà xem xét mọi sự vật, chỉ lấy chủ quan mà ứng tiếp nó. Kẻ học, sau khi đã học nhiều rồi, đã hội được vạn lý vào nhứt tâm rồi, thì có thể đem cái tâm ấy ra mà đối phó với mọi sự vật chớ không theo y như sự mình đã học; như vậy sách Nho gọi là “thần nhi minh chi”. ấy huyền học tương phản với khoa học là tại đó.
2. Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc.
Chữ tự chủ ở đây nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá nhân chủ nghĩa. ở phương Tây, nói rằng “một người”, nghĩa là đối với thế giới, đối với quốc gia mà nói, chớ không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc gia, thật như ta thường nói “đội trời đạp đất ở đời”. Như vậy, người nào tự chủ lấy người ấy, không ai thuộc về ai cả.
Bởi đó mới có sự tự do. Một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật. Một người được y theo trong vòng pháp luật mà tự do. Pháp luật cho mọi người được tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, cư trú tự do,… những quyền tự do ấy, người khác – dầu là cha mẹ nữa – không được can thiệp đến. Pháp luật đặt ra cốt là hạn chế sự tự do của từng người để binh vực sự tự do cho từng người.
Lại bởi đó mới có sự bình đẳng. Mọi người đối với quốc gia xã hội đều có nghĩa vụ và quyền lợi bằng nhau. Ai nấy đều phải nộp thuế, đều phải đi lính, thì ai nấy đều được hưởng quyền tự do của pháp luật. Trước mặt pháp luật, ai cũng như nấy, hễ có tội thì bị phạt, không cứ ông nguyên thủ hay là người bình dân. Pháp luật đặt ra cũng cốt để duy trì sự bình đẳng giữa từng người.
Bởi mỗi người đều có địa vị tư cách vững vàng, tự chủ lấy mà không xâm phạm đến ai như vậy, cho nên khi hiệp với nhau thành đoàn thể thì chỉnh tề và ổn kiện lắm. Quốc gia, tức là của chung của quốc dân; hội xã tức là của chung của hội viên; đối với quốc gia xã hội ai có bổn phận gì thì làm hết bổn phận ấy, có lợi ích thì mọi người cùng hưởng. Mới nghe họ nói những là “quốc gia lợi ích, xã hội lợi ích” thì tưởng là xung đột với chủ nghĩa cá nhân, mà xét kỹ ra thì những cái lợi ích ấy cũng chỉ là lợi ích cho từng người vậy.
Các nước bên Tây đều dùng cái chánh thể lập hiến, cộng hòa được, là nhờ họ sẵn có cái tư tưởng như đã nói trên đó. Cái tư tưởng ấy tức là cái tinh thần dân chủ.
Nói đến Đông phương. Theo cái ý nghĩa chữ “một người” ở phương Tây, thì ở phương Đông, trừ ông vua ra, hầu như không có “người” nào hết. Bởi vì “xuất thổ chi tân, mạc phi vương thần”, ai cũng là thần thiếp của vua, ai cũng là dân của vua. Cứ như sách dạy, nhân thần không được tư giao với ngoại quốc, ấy là không có tư cách đối với thế giới; thứ nhân không được nghị luận việc chánh, ấy là không có tư cách đối với quốc gia. Bởi vậy ai nấy phải nộp của cải cho vua, nộp cả đến thân mình nữa; vua thương thì nhờ, bằng vua không thương mà giết đi cũng phải chịu. Như vậy gọi là trọn cái bổn phận thờ bề trên; như vậy gọi là thiên kinh địa nghĩa.
Không những thuộc về vua mà thôi, ai còn có cha mẹ đến chừng nào thì phải kể cái thân mình là của cha mẹ đến chừng nấy. Lại không những cái thân mà thôi, mình dầu có của cải, có vợ con, cũng phải kể là của cha mẹ. Theo kinh Lễ dạy: Con yêu vợ mà cha mẹ ghét, thì con phải để vợ[8] đi; con ghét vợ mà cha mẹ yêu, thì con phải hòa thuận với vợ. Lại dạy: có dư của thì nộp cho tông, thiếu thì lấy của tông. Tông là người tông chủ trong gia đình, tức là cha mẹ. Còn chưa kể đến những lời tục thường nói “Cha mẹ đặt đâu ngồi đó, bảo chết hay chết, bảo sống hay sống” thì lại còn nghiêm khắc quá nữa.
Trọng nhứt là vua và cha mẹ, rồi thứ đến quan, làng, họ, cũng đều có quyền trên một người. Quan, nào có phải một ông, có đến năm bảy lớp, cứ dùi đánh đục, đục đánh săng, rút lại trăm sự chi cũng đổ trên đầu người dân cả. Người trong làng thì kể như con của làng, cho nên nói rằng “con làng nhờ làng”. Người trong họ đối với họ cũng vậy.
Ấy vậy, lấy ra một người ròng rặt Đông phương mà nói, thì người ấy không tự mình làm chủ lấy mình được; song là thuộc về vua, về cha mẹ, về quan, về làng, về họ, nếu là đàn bà thì còn thuộc về chồng nữa.
Bởi cớ ấy, trong xã hội ta như một cái thang có nhiều nấc. Nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người không đồng nhau: người trên đối với người dưới không có nghĩa vụ; còn ai có nhiều quyền hơn thì được hưởng nhiều lợi hơn. Pháp luật đối với mọi người thì tùy từng bậc mà khác: cùng phạm một tội mà dân bị phạt trọng, quan được phạt khinh; cùng phạm một tội mà kẻ thứ ấu bị phạt trọng, kẻ tôn trưởng được phạt khinh[9]. Theo Tây phương, như thế là bất bình đẳng; song theo Đông phương thì như thế là có trật tự.
Một đằng thì trọng tự chủ, một đằng thì trọng thống thuộc, hai đằng tư tưởng khác nhau, cho nên trình bày ra hai cái xã hội khác nhau. Xã hội Tây phương thì như bầy chim sẻ, con nào cũng một lứa như con nào, và con nào cũng tự kiếm ăn cho con nấy, song cũng hiệp nhau thành bầy. Xã hội Đông phương thì như bầy kiến, có con lớn con nhỏ, con lớn giữ phần cai quản, con nhỏ lo việc đi kiếm ăn, song cũng hiệp nhau thành bầy.
3. Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận
Bên phương Tây hay có những người đi bộ quanh trái đất một vòng, đi tìm đất mới, đi thám hiểm đến Nam cực, Bắc cực, là vì họ có cái tư tưởng trọng sự tấn thủ. Họ không chịu đầu hàng cảnh ngộ và sức tự nhiên, mà lại cố chiến thắng cảnh ngộ và sức tự nhiên. Họ không tin có số mạng; dầu biết có số mạng chăng nữa, họ cũng lo làm cho hết sức mình.
Vì có cái tinh thần tấn thủ, muốn chiến thắng sức tự nhiên mà lợi dụng nó, nên mới sanh ra các thứ khoa học và làm được những công trình to tát, như là dùng điện khí, hơi nước, bắc cầu trên sông lớn và đặt đường hỏa xa xuyên qua núi, v.v.
Người Đông phương chỉ muốn sống cách làm sao cho êm đềm lặng lẽ. Trời bắt thế nào thì hay thế: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Sách Nho dạy phải “lạc thiên an mạng”, sách Lão dạy phải “tri chỉ tri túc” đều là ý ấy. Trải các đời, những ông vua nào hay đi chinh phục các nước xa, thì bị chê là cùng binh độc võ; những người nào có chí lớn cử đồ việc lớn, thì người ta cho là không biết an thường thủ phận. Ai nấy đều lấy sự ở nhà làm sướng, đi ra làm khổ; đến ông Lão Tử thì lại còn muốn ai ở đâu ở đó, đến già đến chết không qua lại nhau (lão tử bất tương vãng lai) nữa kia!
Đối với sức tự nhiên, người phương Đông không dùng chước chiến mà dùng chước hòa; cũng lợi dụng nó mà lợi dụng một cách khác. Một hòn núi to và cao, người Tây có thể vỡ thành đường quanh theo chơn nó mà đi, người Đông thì cứ để vậy mà trèo ngang qua; một cái thác, người Tây có thể dùng sức chảy của nó dựng nên bộ máy mạnh mấy ngàn ngựa, người Đông thì không, chỉ dùng làm chỗ ngắm cảnh và ngâm thơ. Cho nên phương Đông khó lòng mà nảy ra khoa học được; mà như vậy thì cũng không cần dùng khoa học làm gì nữa.
Xem ba điều trên đây thì thấy ra hai cái tư tưởng Đông và Tây nó phản đối nhau như phương nam với phương bắc, như mặt trăng với mặt trời. Nay ta nếu muốn theo cách sanh hoạt mới của Tây phương, mà ta lại còn giữ cả tư tưởng cũ của Đông phương thì quyết không có thể được. âu là phải dứt bỏ tư tưởng cũ của ta mà theo tư tưởng của Tây phương, thì mới hiệp với cách sanh hoạt mới của ta.
—————————————
Chú thích:
1  ngày nay gọi là Sinh lý học: Physiologie
2  ngày nay gọi là các cơ quan (trong cơ thể)
3 Anatomie
4  ngày nay gọi là Bệnh lý học: Pathologie
5  bác: rộng; ước: tóm tắt gọn lại
6  Abstrait
7 Concret
8   bỏ vợ, ly dị vợ
9  trọng: nặng; khinh: nhẹ

14/05/2018

Phép đạo dẫn


Phép đạo dẫn là một phương pháp tĩnh tọa luyện tập hơi thở giống như phương pháp của Thiền và Yoga nhằm gia tăng thể lực và trí tuệ.
Phép đạo dẫn của Đạo gia
Đây là một phương pháp trong thuật trường sinh của Đạo giakèm theo thuật luyện Kim đan.
Phương pháp này chỉ khác Thiềnvà Yoga một chút là trong quá trình luyện công vận khí không cần nhíu thắt hậu môn để đóng huyệt Trường Cường mà chỉ cần cắn chặt răng và đặt lưỡi ấn lên vòm miệng là cũng đả thông được kinh mạch trên vòng Tiểu Chu Thiên.
Tiểu Chu Thiên là đường kinh mạch chạy từ huyệt Nhân Trung (ngay giữa phía dưới sống mũi và thuộc phần bên trên môi trên, nơi mọc râu) xuống huyệt Thừa Tương (dưới ngay vùng lõm giữa cằm và phần môi miệng dưới)chạy thẳng qua huyệt Đản Trung (chấn thủy) ngay giữa chỗ lõm xương lồng ngực xuống bụng dưới rốn 3 phân là huyệt đan điền và thẳng xuống huyệt Trường Cường (phía dưới sau lỗ hậu môn) nên phải nhíu thắt lỗ hậu môn để khí đi qua, kế tiếp vòng lên huyệt Mệnh Môn (chính giữa ngang thắt lưng), sau đó chạy qua huyệt Đại Trùy (chỗ lõm ngay sau gáy) và thẳng lên huyệt Bách Hội (giữa đỉnh đầu), cuối cùng vòng xuống huyệt Ấn Đường (ngay giữa đôi lông mày trước trán) nên phải ngậm chặt hàm răng và để đầu lưỡi ấn lên vòm miệng rồi về Đan Điền. Trong suốt quá trình vận khí phải luôn nhíu thắt hậu môn và cắn chặt răng ấn lưỡi lên vòm miệng để đóng cửa trên (vòm miệng) và cửa dưới (huyệt Trường Cường) nhằm đả thông kinh mạch vòng Tiểu Chu Thiên. Đây là phép luyện công vận khí của Thiền và Yoga được các sư tăng Phật giáo luyện tập thường xuyên trên con đường tu đạo.
Có hai huyệt đạo mà khó dùng ý dẫn khí chạy qua nhất là huyệt đản trung (chấn thủy) ngay giữa chỗ lõm xương lồng ngực, và huyệt đại trùy (chỗ lõm ngay sau gáy).
Phép đạo dẫn và khí công Thiếu Lâm
Phép đạo dẫn, Thiền, và Yoga chính là cơ sở của khí công Thiếu Lâm sau này. Trong giới luyện khí công, thường có câu truyền tụng rằng Khí công là sự phối hợp giữa phép đạo dẫn và thiền của Phật giáo cùng Yoga của Ấn Độ.
Giới võ thuật Trung Hoa cũng thường hay có câu truyền tụng:
Lực bất đả quyền,
quyền bất đả công,
luyện quyền bất luyện công,
đáo lão nhất trường không,
luyện công bất luyện quyền,
hậu thế thất nhân truyền.
Nghĩa là: người có sức lực không đánh nổi người giỏi quyền thuật, người giỏi quyền thuật không đánh nổi người luyện công phu nội lực, luyện võ mà không luyện công phu (công phu đây phải hiểu là khí công và nội công) thì khi về già cũng bằng không, nhưng luyện công phu mà không luyện võ thuật thì đời sau cũng không có kẻ để truyền lại vì người tham gia tập công phu thì nhiều nhưng không phải ai cũng có cơ duyên hạnh ngộ luyện tập đạt thành tựu kỳ vĩ.
Tinh - Khí - Thần, tam bảo của con người
Trong giới luyện khí công cũng thường hay đề cao tam bảo là ba báu vật của con người, nhất là khi luyện công: tinh, khí, thần.
Tinh
Là phần tinh hoa của con người là cốt lõi của khí tiên thiên (do cha mẹ tạo ra) và khí hậu thiên (do ăn uống và hít thở dưỡng khí) kết hợp mà thành, không nên làm tiêu hao tinh lực trong các trò ăn chơi sa đọa, đặc biệt là đam mê nữ giới là điều úy kỵ trong khi luyện công và dễ làm tiêu hao cạn kiệt tinh lực.
Khí
Là phần thăng hoa do luyện tập làm Tinh hóa Khí, là nguồn năng lực nội sinh nguyên ủy từ gió (cung Tốn) phía trên lồng ngực đưa xuống thổi bùng lửa ở Tâm hỏa (Tim) và huyệt Mệnh Môn (ngang giữa thắt lưng) hóa Tinh ở bể Thận là vùng Bàng Quang (Bọng đái) và Đan Điền (dưới rốn 3 phân) thành Khí bay lên tạo ra năng lượng cơ thể. Do vậy khi ngồi luyện thở (khí công) hay Thiềnlâu ta có cảm giác có luồng hơi nóng xuất hiện ở bụng dưới (huyệt Đan Điền) và vùng giữa bụng là như thế.
Thần
Là trạng thái cao nhất của năng lực nội sinh, cho nên sách nói luyện Thần hoàn hư là luyện cho Khí luân lưu khắp châu thân để tạo nên vận động có khí lực mạnh mẽ và hình hài có phong thái tinh anh.
Tinh - Khí - Thần của con người thường được ví như ngọn đền dầu, nếu dầu tiêu hao hoang phí, tất ngọn đèn cũng giống như đèn treo trước gió, sinh mạng hiểm nguy, chết lúc nào không biết, mấy lời khuyến cáo những người ham mê sắc dục nữ giới và có lối sống vô độ phóng túng là lời cổ nhân truyền lại không phản khoa học chút nào là vậy.
Danh sư Tuệ Tĩnh với triết lý "Thuốc Nam, chữa người Nam" cũng đã nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình
Thanh tâm nghĩa là tâm trí luôn trong sáng, loại bỏ lục dục thất tình, cổ nhân nói: "Đa dâm bại tâm" là vậy. Kẻ ham mê sinh hoạt xác thịt với nữ giới sẽ dẫn đến tâm thần u mê ám chướng, trí óc dễ dãi và ngu muội.
Quả dục, nghĩa là phải tiết chế tất cả ham muốn mà không riêng gì ham muốn sinh hoạt với nữ giới.
Thủ chân, nghĩa là phải giữ chân tâm không đi vào con đường tội lỗi, nghiệp chướng tà đạo mà tạo vòng nhân quả cho thân tâm cản trở trên bước đường hành công tâm pháp.
Luyện hình, năng luyện tập chuyên cần để hình vóc luôn khoẻ mạnh mau đạt công phu.
Như vậy có thể thấy rằng các giới luật và nguyên lý trong luyện công vận khí của võ thuật có nguyên ủy xuất phát xa gần với các phương pháp và giáo lý của tôn giáo không mấy xa lắm. Đây không phải là một phạm trù đạo đức thuần túy mà nó liên quan đến nguyên lý luyện công, hành công tâm pháp mau đạt hiệu quả công phu.
Khí công và quyền thuật
Trong võ thuật thường hay áp dụng các phương pháp trên vào trong quyền thuật qua các phương pháp dụng khí hóa kình, vận khí hóa kình, kết hợp hơi thở và dùng tâm ý dẫn khí hóa thành kình lực tạo hiệu quả trong các chiêu thức (đòn đánh) khi tấn công mục tiêu và công phá đối tượng vật cản trên cơ sở kết hợp điều thân (đặt mình vào trong một tư thế, chiêu thức vận động của quyền pháp), điều tức (hơi thở kết hợp động tác và sự dẫn khí), điều tâm (dùng tâm ý dẫn khí tập trung sức mạnh của khí lực từ đan điền lên ngực và lưng, vai, cánh tay, gót chân, đùi, hông, eo). Phương pháp này chỉ xuất hiện tại các môn võ của Á Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam).
 Về hơi thở thì phải thâm (sâu), trường (dài), quân (đều), tĩnh (êm), khai khoát tự nhiên (thoải mái tự nhiên).
Về cơ thể phải luôn buông lỏng và tuyệt đối không được gồng cứng, vì gồng cứng sẽ làm cho khí lực không lưu thông, cơ thể sinh bệnh, khí huyết bị ngưng trệ, cơ bắp và gân xương bị căng cứng và co rút gây ra thần kinh căng thẳng, tâm trí bất an hỗn loạn, hơi thở sẽ dồn dập, tất cả sẽ tạo ra stress làm ức chế các hoạt động tâm thức không chạm vào được phần vô thức sâu xa để điều chỉnh trạng thái quân bằng cho cơ thể, xương sống lưng phải luôn giữ ngay thẳng cùng hai vai buông lỏng để cho khí lực dễ dàng tập trung, đầu cổ ngay ngắn, thân thể không xiêu vẹo.
Chúng ta có hai hệ thần kinh: hệ thần kinh động vật gắn liền với các quá trình tâm lý ý thức và hệ thần kinh thực vật gắn liền với các quá trình tâm lý vô thức. Ta thường thấy các đạo sĩ Yoga Ấn Độ làm được nhiều chuyện phi thường như chôn sống dưới đất 80 ngày vẫn sống (nhịn ăn nhịn uống còn chịu được, ở đây nhịn thở!!!), làm tim ngừng đập (chết lâm sàng),... vì họ đã tập luyện đến mức làm chủ được hệ thần kinh thực vật.
Các tác pháp, võ thuật gọi là yếu phápyếu lýquyền lý, thường dẫn rõ trong khí công được coi là có nguồn gốc từ Thiền thông qua tác phẩm Trung luận hay Trung quán luận của Phật giáo và các bản kinh Đại Thủ Ấn của trường phái Thiền Đốn Ngộ có ghi rõ các yếu lĩnh về phương pháp điều thân - điều tức - và điều tâm. Tác phẩm Trung luận này giới Triết học thường xem là tác phẩm bàn về Bản thể luận của Phật giáo, tức là bàn về cái nguyên ủy (the First hay le Première xuất hiện đầu tiên sáng tạo ra thế giới, duy tâm: Thượng đế, hay duy vật vô thần: vật chất). Về mặt võ công, có thể nói đây là cuốn sách võ công thượng thừa mà các nguyên lý triết học và phép biện chứng của Phật giáo được thể hiện không hề dễ hiểu trên các phạm trù chân nhưhư không.
Một số điều cần lưu ý trong Khí công
Phép đạo dẫn của Đạo gia không cần nhíu thắt vùng cơ hậu môn là nơi huyệt Trường Cường khí đi qua. Nếu tu luyện công phu theo Đạo gia thì không có gì bàn thêm.
Tuy nhiên tu luyện theo trường phái Phật gia thì hay nhíu thắt hậu môn để kích động khí hỏa nơi huyệt Trường Cường (vùng lỗ hậu môn) và huyệt Mệnh Môn (ngay giữa ngang xương sống vùng thắt lưng) có mấy điểm cần lưu ý:
Khi luyện như vậy, có thể dẫn đến các chứng ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu do hỏa khí hưng vượng (phát triển lên). Khi đó không nên tiếp tục mà phải tập theo Đạo gia.
Khi luyện theo Phật gia nên cần uống nước thật nhiều vào mỗi sáng thức dậy và tiếp tục cả trong ngày. Ăn uống nên tránh đồ ăn có chất thịt (protéin) vì là thức ăn dương tính, nên ăn nhiều rau cỏ và thực vật vì mang âm tính.
Khi luyện khí công nên giữ cho cơ thể điều độ cân bằng hai trạng thái âm dương.
Cẩn thận khi luyện theo Phật gia vì cơ địa (cơ thể tự nhiên) của mỗi người khác nhau, có người tập luyện mau bốc hỏa khí, có người tập lâu hơn mới bốc hỏa khí, nghĩa là khi đó cơ thể sinh nhiệt. Như vậy có thể dẫn đến các chứng mọc mụn nhọt hay mủ nhọt trong cơ thể do cơ thể nóng lên, khi đó phải ngừng và chuyển sang cách tập của Đạo gia nghĩa là không kích thích huyệt Trường Cường và huyệt Mệnh Môn nữa.


3 phương pháp giải độc làm sạch gan phổi, vừa chăm sóc thận


3 phương pháp giải độc dành cho người lười nhất: Vừa làm sạch gan phổi, vừa chăm sóc thận
Thải độc là cơ chế hoạt động tự nhiên của cơ thể, nhưng nếu chúng ta có những giải pháp hỗ trợ tốt thì các cơ quan nội tạng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Bạn nên tham khảo 3 cách sau.
Khi cơ thể tích tụ quá nhiều độc tố sẽ khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng, để càng lâu, cơ thể sẽ sinh ra nhiều loại bệnh tật.
Theo các chuyên gia sức khỏe đăng trên báo Trung Y Vân Nam (TQ), 3 phương pháp sau đây được xem là giải pháp thải độc , loại bỏ các chất cặn bã dư thừa trong cơ thể dành cho những người lười biếng nhất. 2 trong số 3 động tác này có tác dụng thanh lọc phổi và chăm sóc thận nổi trội hơn, bạn nên áp dụng hàng ngày.
Theo các bác sĩ, phổi không chỉ duy trì các chức năng hô hấp, mà còn có sự liên quan mật thiết tới hệ miễn dịch, chức năng phòng bệnh của cơ thể. Vì vậy, chúng ta nên sớm quan tâm đến việc tập thở để mở rộng các luồng khí chạy qua phổi, trong quá trình thở có thể điều tiết hơi thở, giúp phổi giãn nở hài hòa, khỏe mạnh.
1. Phương pháp hít thở
Cách chăm sóc phổi có thể tăng cường việc hít sâu hơn. Buổi sáng ngủ dậy, bạn nên dành chút thời gian tập thở. Mở rộng 2 vai, cố gắn giãn nở lồng ngực, sau đó bắt đầu hít thở. Động tác này nên thực hiện trong tư thế đứng, hoặc có thể thực hiện khi chạy chậm, đi bộ hoặc làm các động tác vận động khác.
Việc tập thở sẽ giúp cải thiện hệ tuần hoàn máu lưu thông đến vùng phổi, đạt được mục đích làm nhuận phổi, tăng cường sức khỏe của phổi.
3 phương pháp giải độc dành cho người lười nhất: Vừa làm sạch gan phổi, vừa chăm sóc thận - Ảnh 2.

Có 4 bước trong quy trình thở bạn cần thực hiện như sau:
1. Hít vào: Từ từ hít không khí vào cơ thể và cảm thấy hơi ấm đi qua từ khoang mũi.
2. Giữ hơi: Cảm thấy luồng khí di chuyển đến phổi, ngực, não, xuống vùng đan điền (bụng dưới), từ từ vận động những cử động nhỏ tạo ra sức mạnh.
3. Thở ra: Từ từ thư giãn thả lỏng phận bụng, để hơi thở bay ra ngoài qua mũi và khoang miệng.
4. Dừng thở: Sau khi thở ra hết toàn bộ khí trong mũi, giống như bạn đang dừng thở nhưng đồng thời cơ thể bắt đầu bước vào giai đoạn hít vào, bạn dừng thở để khí lắng xuống vùng đan điền, đồng thời để cho thân và tâm bình lặng, nghỉ ngơi.
Tiếp tục quy trình lặp lại như vậy: Hít vào, giữ hơi thở, thở ra, ngưng thở (không hít vào/không thở ra).
2. Động tác thể dục chăm sóc, thải độc cho phổi
3 phương pháp giải độc dành cho người lười nhất: Vừa làm sạch gan phổi, vừa chăm sóc thận - Ảnh 3.

1. Ngửa mặt hít vào: Hai tay và bốn ngón tay đan chéo phía sau đầu, cánh tay duỗi ra phía sau, đầu ngửa ra và bắt đầu hít vào. Mở rộng ngực với khuỷu tay hất ra sau, ưỡn ngực về phía trước, và hít vào đến mức có cảm giác hơi thở sâu khoảng 80% (hít vào hết sức có thể là 100%).
2. Hạ thấp đầu và kéo căng cột sống lưng: Đầu cong về phía trước và khuỷu tay hướng vào trong/trước ngực, khuỷu tay chạm vào nhau như thể chúng ôm chặt lại với nhau.
3. Lặp lại 3 lần: Lặp lại việc ngửa mặt, hít vào, mở rộng ngực, ôm đầu, thở ra, đóng mở khuỷu tay. Tổng cộng ba lần.
4. Trở lại tư thế ban đầu: Thở ra lần cuối cùng cho sạch sơi, đầu và tay được nâng lên về vị trí ban đầu trong khi thân trên thẳng.
3. Động tác thể dục chăm sóc, thải độc cho gan, thận
3 phương pháp giải độc dành cho người lười nhất: Vừa làm sạch gan phổi, vừa chăm sóc thận - Ảnh 4.

1. Tay vẽ vòng tròn lớn: Bàn chân mở rộng bằng vai, bàn tay chắp trước ngực rồi hạ hướng từ trên xuống dưới rồi lại vòng lên trên giống như bạn vẽ một vòng tròn thật lớn. Cùng lúc với việc di chuyển vòng tay thì hít thở đến mức khoảng 80% khả năng. Khi tay lên đến đỉnh đầu thì chắp 2 bàn tay lại với nhau.
2. Di chuyển bước chân: Thở ra hít vào thuận theo tự nhiên trong khi di chuyển chân theo kiểu dang rộng ra 2 bên rồi lại đứng sát bàn chân cạnh nhau.
3. Nhón gót chân: Khi nâng chân lên thì hít vào, hạ gót chân xuống thì thở ra, lặp lại việc nhón gót trong khoảng 8 lần, 2 tay buông xuống một cách chậm rãi.
4. Thực hiện điều chỉnh hơi thở theo hình vòng tròn: Hãy xem hình minh họa kèm theo và thực hiện từng bước kết hợp giữa di chuyển tay chân và tập hít thở, vận động quen dần đến khi bạn thực hiện được một cách nhịp nhàng. Kết thúc bài tập.
Thực hiện đều đặn hàng ngày, tốt nhất là buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
*Theo Trung y Vân Nam (TQ)