Sự phân ra ba giai đoạn thuyết
pháp hay ba mức độ giáo hóa đều là nhằm có thể mang
đến sự giải thoát cho tất cả chúng sinh. Từ những người
có căn cơ thấp kém, ngu độn nhất cho đến những bậc thông minh xuất
chúng đều không ra ngoài phạm vi giáo hóa của Ba thừa.
Đối với những người có căn cơ
thấp – thường là chiếm phần đa số – thì cuộc đời này
vốn là thật có, những đau khổ mà họ phải nhận chịu trong cuộc
đời là không thể phủ nhận. Vì thế, họ học theo luận thuyết Pháp
tướng tông để được giải thoát khỏi chính những sự khổ
đau cụ thể đó. Nhờ học đạo, họ sẽ giảm bớt đi sự mê
đắm, lầm lạc, vì hiểu được ý nghĩa không thật của
những giá trị vật chất vốn luôn thay đổi và cuối cùng đều
sẽ phải hoại mất. Từ đó, con người không còn đau khổ bởi
những cảm xúcbất bình vì trái ý, tiếc nuối vì mất mát, đau
đớn vì chia ly... Bởi vì họ hiểu ra được rằng tất cả những điều đó đều là
không thể tránh khỏi, đều là sự vận hành tự nhiên, và bản
chất của chúng đều là không thật, chỉ từ nơi các thức
biến hiện ra. Khi hiểu được như vậy, người ta có thể giải
thoát khỏi rất nhiều nỗi khổ đau thường gặp trong cuộc đời này.
Đối với những người có phần trí
tuệ cao hơn, sự giáo hóa không dừng lại ở đó mà còn đi sâu vào
quán xét tính chất không thật có của thế giới vật
chất. Ngay cả những hiện tượng thành, trụ, hoại, không của vật
chất cũng chỉ là những sự biểu hiện không thật, như những con sóng
nổi lên trên mặt biển.
Người ta không thể tìm
thấy cái gọi là “con sóng” ở bên ngoài mặt biển. Khi có gió bão, con
sóng xuất hiện, mặt biển nhấp nhô; khi trời yên tĩnh, con sóng biến mất,
mặt biển phẳng lặng. Nhưng thật ra thì con sóng chưa từng “có” mà cũng chưa
từng “không”. Nếu nói sóng là có, vì sao khi mặt biển yên ta không nhìn thấy
sóng? Nếu nói sóng là không, vì sao khi biển động lại thấy có sóng? Khi biển
yên thì sóng đi về đâu? Khi biển động thì sóng từ đâu mà đến? Suy
xét ý nghĩa này, chúng ta sẽ nhận ra được cái gọi
là “con sóng” thật ra chỉ là sự biểu hiện kết hợp nhiều điều
kiện khác nhau: có mặt biển, có gió mạnh thì con sóng hiện ra. Khi
những điều kiện đó không còn nữa, con sóng cũng không còn.
Tất cả mọi hiện
tượng trong thế giới này đều là như vậy. Khi có đủ các nhân
duyên hợp lại, một hiện tượng khởi lên, và chúng
ta nói rằng nó đang “có”. Khi các nhân duyên tan rã, hiện
tượng ấy mất đi, và chúng ta nói rằng nó là “không”. Thật ra,
chỉ có sự kết hợp của các nhân duyên mà không có bất
cứ hiện tượng nào là thật có!
Khi hiểu được như vậy, người ta không
còn mê đắm đối với mọi đối tượng vật chất. Nhờ đó, người ta có thể sống
một cách giản dị, thanh đạm, không bị lôi cuốn theo sự tham
muốn, và do đó không gây ra các ác nghiệp.
Nhưng đối với những bậc thượng
căn thượng trí thì cả hai cách nhìn nhận có và không như trên đều chưa
phải là rốt ráo. Khi nói rằng thế giới vật chất này là có,
thì rõ ràng chỉ là cách nhìn ở bề mặt mà thôi, vì không thấy
được tính chất giả hợp, thay đổi và tan rã đang diễn ra liên
tục trong thế giới ấy. Nhưng nếu bảo tất cả đều là không thì
cũng không thỏa đáng, vì sự hiện hữu của chúng ta là
thật có, đang song song tồn tại cùng với mọi hiện tượng giả
hợp của thế giới. Vì thế, họ quay sang nhìn nhận rằng sự tồn
tại của thế giới vật chất và tinh thần chính là
biểu hiện từ sự tồn tại của thức. Khi nhận thức như vậy, người ta không còn quan
tâm đến việc thế giới này là có hay là không, vì chúng chẳng qua
chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của các thức mà thôi.
Pháp tướng tông khi truyền
sang Nhật Bản cũng tạo ra rất nhiều ảnh hưởng tích
cực trong đời sống của dân tộc này. Khi nhận biết rằng
những giá trị vật chất trong cuộc sống vốn là không thật,
họ không rơi vào chỗ bi quan yếm thế hay lười nhác, trốn
tránh. Trái lại, họ vận dụng được nhận thức này để rèn
luyện sự kiên tâm và một nghị lực vững vàng trước
mọi biến động trong cuộc sống. Nhờ vậy, họ có thể chịu
đựng được những cơn động đất, bão tố, nạn đao binh... Trải
qua thảm họa, họ thản nhiên xây dựng lại cuộc sống; gặp
những mất mát đau thương, họ mỉm cười chấp nhận để nỗ
lực vượt qua. Họ biết rằng không có gì là trường tồn. Những
điều tốt đẹp hay xấu xa, thảy đều sẽ qua đi với thời gian.
Và nhờ đó, họ không bao giờ đánh mất đi những nỗ lực vươn
lên hoàn thiện cuộc sống.
Họ tin tưởng rằng, tuy mọi cái
đều không thật, đều giả tạm, nhưng chính phần tâm thức, nghị
lực của mỗi con người là thật có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét