14/05/2021

Nghĩ

     Nước muốn Giàu Mạnh thì Phải có lương thực dồi dào (dân không đói), Hàng hóa dư thừa (dân không thất nghiệp - có thu nhập - Quốc gia có thuế) và quân nắm chặt tay súng.

28/04/2021

18 đời vua Hùng

 

Lý giải tại sao 18 đời Vua Hùng lại kéo dài những 2622 năm. Vậy Việt Nam ta đã có gần 5.000 năm lịch sử ư ?

Nguyên nhân của việc này chính là do cách gọi.

Gọi không đúng dẫn đến hiểu sai. Lẽ ra phải gọi là 18 chi thời Vua Hùng, không phải là 18 đời. Mỗi chi có nhiều đời vua, vì vậy thời Hùng Vương mới kéo dài trên 2600 năm.

Ví dụ, chi Khôn: Hùng Chiêu Vương. Chi này có 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi 200 năm, từ năm Canh Tuất ( 1631 TCN) đến Kỷ Tỵ (1432 TCN).

Có một chi tiết đặc biệt nữa là Kinh Dương Vương sinh năm 2919 trước công nguyên, lên ngôi lúc 41 tuổi, vào năm 2818 TCN, nghĩa là gần 3.000 năm TCN. Như vậy đến nay nước ta có gần 5.000 năm lịch sử, không phải 4.000 năm như vẫn nghe.

Xin gửi tới các bạn bài báo "Tìm hiểu 18 chi đời Hùng Vương" của tác giả Nguyễn Duy Chiến Thắng, đăng trên tờ Tin Tức (VNTTX) tháng 2/2000

Nội dung chính của bài báo như sau:

Nhà sử học Biệt lam Trần Huy Bá cùng các cộng sự đã sưu tầm các truyền thuyết và thư tịch cổ về các Ngọc phả của các xã quanh vùng có đền thờ Vua Hùng, lưu giữ tại Vụ Bảo tồn, Bảo tàng Bộ VHTT (số hiệu HT.AE9). Các tài liệu không chép là 18 đời Vua Hùng mà ghi là 18 chi. Mỗi chi gồm nhiều đời vua. Các đời vua trong một chi cùng lấy hiệu của vua đầu chi.

1. Chi Càn

Kinh Dương Vương, huý Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 trước Công nguyên), lên ngôi năm 41 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 TCN) đến năm Đinh Hợi (2794 TCN). So ngang với thời đại Tam Hoàng (?)

2. Chi Khảm

Lạc Long Quân, huý Sùng Lãm tức Hùng Hiển Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 TCN), lên ngôi năm 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm đều xưng là Hùng Hiển Vương, từ năm Mậu Tý (2793 TCN) đến năm Bính Thìn (2525 TCN). Ngang với Trưng Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ đế).

3. Chi Cấn

Hùng Quốc Vương, huý Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 TCN), lên ngôi năm 18 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Quốc Vương. Chi này ở ngôi tất cả 271 năm, từ năm Định Tỵ (2524 TCN) đến năm Bính Tuất ( 2253 TCN). Ngang với TQ vào thời Đế Thuấn, Hữu Ngu.

4. Chi Chấn

Hùng Hoa Vương, huý Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi (2254 TCN), không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hoa Vương. Chi này ở ngôi 336 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 TCN) đến năm Mậu Thìn (1918 TCN). Ngang với TQ vào thời Đế Quỳnh nhà Hạ

5. Chi Tốn

Hùng Hi Vương, huý Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 TCN), lên ngôi khi 59 tuổi. Chi này không rõ có mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hi Vương, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 TCN) đến năm Mậu Tý (1713 TCN). Ngang với TQ vào thời Lý Quý (Kiệt) nhà Hạ.

6. Chi Ly

Hùng Hồn Vương, huý Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu ( 1740 TCN), lên ngôi năm 29 tuổi. Chi này truyền hai đời vua, ở ngôi tất cả 81 năm, đều xưng Hùng Hồn Vương, từ năm Kỷ Sửu (1712 TCN) đến Kỷ Dậu (1632 TCN). Ngang với TQ thời Ốc Đinh nhà Thương.

7. Chi Khôn

Hùng Chiêu Vương, huý Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 TCN), lên ngôi năm 18 tuổi. Chi này có 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi 200 năm, từ năm Canh Tuất ( 1631 TCN) đến Kỷ Tỵ (1432 TCN). Ngang với TQ thời Tổ Ất nhà Thương.

8. Chi Đoài

Hùng Vĩ Vương, huý Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 TCN), lên ngôi năm 39 tuổi. Chi Đoài có 5 5 đời vua, đều xưng là Hùng Vĩ Vương, ở ngôi 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 TCN) đến năm Kỷ Dậu (1332 TCN). Ngang với TQ thời Nam Canh nhà Thương.

9. Chi Giáp

Hùng Định Vương, huý Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 TCN), lên ngôi năm 45 tuổi. Chi được truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Định Vương, ở ngôi 80 năm, từ năm Canh Tuất (1331 TCN) đến Kỷ Tỵ (1252 TCN). Ngang với TQ thời Tiểu Ất nhà Ân.

10. Chi Ất

Hùng Uy Vương, huý Hoàng Long Lang, sinh năm Giáp Ngọ (1287 TCN), lên ngôi năm 37 tuổi. Chi có 3 đời vua, đều xưng là Hùng Uy Vương, ở ngôi 90 năm, từ năm Canh Ngọ (1252 TCN) đến Kỷ Hợi (1162 TCN). Ngang với TQ thời Tổ Giáp nhà Ân.

11. Chi Bính

Hùng Trinh Vương, huý Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 TCN), lên ngôi năm 51 tuổi. Chi có 4 đời vua, đều xưng là Hùng Trinh Vương, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 TCN) đến Bính Tuất (1055 TCN). Ngang với TQ thời Thành Vương nhà Tây Chu.

12. Chi Đinh

Hùng Vũ Vương, huý Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105), lên ngôi năm 52 tuổi. Chi được truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Vũ Vương, ở ngôi 96 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 TCN) đến Nhâm Tuất (969 TCN). Ngang với TQ tời Mục Vương nhà Tây Chu.

13. Chi Mậu

Hùng Việt Vương, huý Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 TCN), lên ngôi năm 23 tuổi, truyền được 5 đời vua, đều xưng là Hùng Việt Vương. Chi này ở ngôi 105 năm, từ năm Quý Hợi (958 TCN) đến năm Đinh Mùi (854 TCN). Ngang với TQ thờin Bình Vương nhà Tây Chu.

14. Chi Kỷ

Hùng Anh Vương, huý Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 TCN), lên ngôi năm 42 tuổi, truyền được 4 đời vua, đều xưng là Hùng Anh Vương. Chi này ở ngôi 99 năm, từ năm Mậu Thân (853 TCN) đến Bính Tuất (755 TCN). Ngang với TQ thời Bình Vương nhà Đông Chu.

15. Chi Canh

Hùng Triệu Vương, huý Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 TCN), lên ngôi năm 35 tuổi. Chi này có 3 đời vua, đều xưng Hùng Triệu Vương, ở ngôi 94 năm, từ năm Định Hợi (754 TCN) đến Canh Dần (661 TCN). Ngang với TQ thời Huệ Vương nhà Đông Chu.

16. Chi Tân

Hùng Tạo Vương (thần phả ở xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), huý Đức Quan Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (172 TCN), lên ngôi năm 53 tuổi. Chi có 3 đời vua, đều xưng là Hùng Tạo Vương, ở ngôi 92 năm, từ năm Tân Dậu (860 TCN) đến Nhâm Thìn (569 TCN). Ngang với TQ thời Linh Vương nhà Đông Chu.

17. Chi Nhâm

Hùng Nghị Vương, huý Bảo Quân Lang, sinh năm Ất Dậu (576 TCN), lên ngôi năm 9 tuổi. Chi Nhâm có 4 đời vua, đều xưng là Hùng Nghị Vương, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 TCN) đến Nhâm Thân (409 TCN). Ngang với TQ thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu.

18. Chi Quý

Hùng Duệ Vương, huý Huệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 TCN), lên ngôi năm 14 tuổi. Chi này không rõ có mấy đời vua (có lẽ 3 đời), ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 TCN) đến Quý Mão (258 TCN). Ngang với đời Uy Liệt Vương và đời Noãn Vương nhà Đông Chu, TQ.

Giải thích như trên là rõ ràng và thuyết phục hơn những luận giải khác.

Hàng năm chúng ta đều tổ chức quốc giỗ long trọng, thế nhưng có lẽ không nhiều người hiểu và lý giải được tại sao thời vua Hùng kéo dài trên 2600 năm mà chỉ có 18 "đời" vua. Thiết nghĩ, các nhà sử học, truyền thông cũng như lãnh đạo các cấp cần làm rõ và phổ biến rộng rãi cho người dân biết.

Trân trọng.


26/04/2021

Ngẫm.

    Bao đời nay chẳng có mấy trung thần được cái kết tốt đẹp. Trung thần là dùng để giết. Danh thần, dũng tướng chết oan nhiều lắm vì chết cũng là do đấu tranh, kém trí hơn người thì chết. Đấu tranh chính trị cũng giống như trên chiến trường, thua trận là chết.

20/04/2021

Lưu manh


"Lưu manh" là từ dùng để chỉ những người có hành vi lừa đảo, không trung thực hoặc sống ngoài vòng pháp luật. Người "lưu manh" thường thực hiện những hành vi xấu xa, gian dối, không tuân thủ các quy tắc xã hội và gây phiền hà, thiệt hại cho người khác. Từ này thường được dùng để miêu tả những người có tính cách xảo quyệt, sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả đối với người khác.

Tuy nhiên, "lưu manh" không chỉ đơn thuần là những kẻ lười lao động, chuyên sống bằng trộm cắp và lừa đảo. Hiện nay, còn xuất hiện các dạng "lưu manh trí thức" hay "lưu manh quan quyền" những người sử dụng trí tuệ hoặc quyền lực của mình để thực hiện các hành vi bất chính.

Theo quan điểm của tôi, "lưu manh" là những kẻ có phẩm chất dữ dằn (côn đồ), không làm việc chính đáng, mà dựa vào thế lực (vũ lực, quan hệ, chức quyền...) để làm bậy, hoặc sử dụng sự xảo trá, lừa đảo nhằm hại người - lợi mình. "Lưu manh" là những kẻ coi thường chính nghĩa, thực hiện những hành động phi pháp và xấu xa chỉ để đạt được mục đích cá nhân.

     


Tiếng trống chùa xứ quê xưa

Trần Hữu Hiệp 


Xóm tôi nằm ở ngã ba sông. Bên này sông là 2 cái nhà thờ Công giáo và đạo Tin Lành. Bên kia sông là ngôi chùa Khmer, còn cạnh nhà tôi là một ngôi chùa Phật.

Nghe ông tôi kể, ngôi chùa cổ này đã có từ thời cố tôi còn nhỏ. Nhiều thiết chế tôn giáo quần cư trong một xóm nhỏ, kể cũng lạ. Có lẽ người dân xứ tôi từ xưa đã mở lòng tiếp nhận đủ thứ đạo, miễn là cái đạo đó khuyên con người làm điều tốt, việc thiện.

Âm thanh quen thuộc đi vào ký ức tuổi thơ tôi là tiếng trống chùa tùng tùng vang lên điểm lúc sang canh giữa đêm khuya, thỉnh thoảng hòa với tiếng chuông nhà thờ ngân nga.

Thời trước, dân xứ tôi không nhà nào có cái đồng hồ xem giờ. Tiếng trống chùa chính là đồng hồ báo thức của cả xóm để thức dậy nấu cơm khuya đi ruộng. Bọn trẻ chúng tôi, thì lấy đó làm giờ báo thức để dậy học bài. Má tôi bảo, học trò phải dậy sớm học bài khi bụng còn đói, học như ăn cơm, nuốt chữ mới mau thuộc, nhớ dai.

Kinh nghiệm học bài của người không biết chữ như má tôi vậy mà hiệu nghiệm. Anh em tôi ai cũng học giỏi. Tiếc vì nhà nghèo, đông anh em mà các chị tôi đều phải bỏ học nửa chừng để các em trai được học hành đàng hoàng, ra trường huyện, lên trường tỉnh, rồi đi Sài Gòn, để sau này có những năm tháng du học xứ người.

Song, tôi vẫn không quên những buổi học bài sớm nhờ tiếng trống chùa điểm canh khuya.

Đường về quê tôi giờ đã khác xưa. Xóm nghèo nay là xã nông thôn mới. Mái chùa cổ kính và cái nhà thờ ngày trước, nay được nhiều phật tử và họ đạo trùng tu khang trang hơn nhiều. Ngã ba sông xưa giờ vẫn con nước lớn, ròng mỗi bữa. Nhưng trẻ con ngày nay, thì nhiều đứa có máy di động đời mới, có định giờ nhắc lịch hẹn, chẳng còn đứa nào phải nhờ tiếng trống chùa điểm canh, nên chắc cũng không còn trẻ con dậy sớm học bài.

Ông từ giữ chùa, đánh trống làm công quả ngày xưa cũng đã mất, không biết giờ còn ai đánh trống điểm canh như trước hay không?

Dù vật đổi sao dời, nhưng cái âm thanh nhà quê từ mái chùa xưa vẫn theo tôi suốt quãng đường dài.



19/04/2021

Chồng cũ

 Bình Nguyễn

 


Chia tay rồi, mỗi người đi một ngã

Mình trở thành... Người lạ đã từng yêu

Em và con làm bầu bạn sớm chiều

Anh rẽ bước, cưới thêm người vợ mới

Chuyện riêng anh, em không hề nhắc tới

Cũng không hề nghĩ ngợi, đắn đo chi

Ly hôn xong, em còn có là gì

Quyền làm vợ đã mất đi từ đó!

Nhưng sâu thẳm trong lòng, em hiểu rõ

Tim sẵn dành một góc nhỏ riêng anh

Dù tình kia như làn khói mong manh

Nhưng hiện hữu trong lòng em mãi mãi!

Chia tay rồi, vài lần anh ghé lại

Ôm chầm con, anh hôn mãi không thôi

Em thoáng buồn vì ý nghĩ xa xôi

Nếu ngày đó chữ... "tôi" đừng hiện hữu

Giá như mình biết mở lòng lượng thứ

Giá như mình biết gìn giữ tình yêu

Thì con mình sẽ vui biết bao nhiêu

Vì trọn vẹn tình thương cha lẫn mẹ

Em bây giờ đã qua thời son trẻ

Đã bước chân bên sườn dốc cuộc đời

Nhan sắc giờ đâu bướm lả ong lơi

Đã qua rồi cái thời khoe xuân sắc!

Chia tay anh, cha mẹ em mãi nhắc

Tuổi còn son thôi... bước nữa đi con

Mãi một mình rồi buồn tủi, héo hon

Em cười trừ: "Mẹ, cha ơi chớ vội!"

Nhìn con mình sao mà em thấy tội

Lấy chồng rồi, con mình sẽ ra sao?!

Với người ta, có huyết thống đâu nào

Biết người ta có mở lòng đón nhận?!

Là vợ chồng tránh được đâu buồn, giận

Sợ người ta trút giận hết vào con

Thương con mà em đánh mất tuổi son

Giờ nhìn lại, cuộc đời bên sườn dốc!

Có nhiều đêm âm thầm em bật khóc

Nhìn con mà thấy dáng vóc của anh

Người dẫu xa, dù duyên đã không thành

Sợi thương nhớ vẫn mong manh hiện hữu...

* * *

Ghé thăm con bao nhiêu là cũng đủ

Anh về đi, kẻo vợ lại ngóng trông

Em hiểu mà cái cảm giác chờ chồng

Luôn bất an trong lòng đầy lo sợ!

Hãy yêu thương, quan tâm nhiều đến vợ

Đừng làm cho cô ấy phải tổn thương

Em vì con mà đi tiếp quãng đường

Về đi anh!... Chồng của em... hồi đó...

 

23/03/2021

Ngẫm sự thấy sự

 Ngẫm sự thấy sự:

Làm Tiểu nhân phải Gian, làm Quân tử càng phải Gian hơn thì mới có thể đứng vững gót chân.

Đây là đạo Quản trị.

Vì thế có Âm mưu cũng cần phải có Dương mưu mới thành đại sự.

22/03/2021

Quan - Thương nhất thể

    Quan - Thương nhất thể

       - Thương gia không có người đỡ đầu đâu có phát.

       - Quan lại không có tiền đâu có lên.

   Mỹ nhân - Địa vị - Thanh danh đâu có rẻ nên Tiền tài - Lợi ích làm môi giới rồi.


20/03/2021

Lòng người

 “Giang đầu vị thị phong ba ác, 

biệt hữu nhân gian hành lộ nan”


(Đầu sông sóng gió còn chưa hiểm,

Chính tại lòng người mới khó khăn)

Thiên hạ rộn ràng vì lợi đến, thiên hạ nhốn nháo vì lợi đi!

Nghèo hèn thì sinh Gian kế - Phú quý lại mọc lương tâm.

SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT

   Bài này cần cho các đạo hữu tu tại gia kể cả bên Thiền tông hay Tịnh độ tông.

   Để hiểu được bài này cần đọc kinh Kim Cương, kính Bát Chính đạo, kinh Bát Nhã và kinh Diệu Pháp Liên Hoa...

(Tuấn Long) 

Bồ-đề Đạt-Ma - Trúc Thiên dịch 1969


CHƯƠNG THỨ NĂM
: NGỘ TÍNH LUẬN

Phàm là đạo, phải lấy sự tịch diệt làm thể, còn tu lấy  sự lìa tướng làm tông. 

Nên kinh nói: Tịch diệt là Bồ đề. 

Diệt hết hình tướng đó: 

Là Phật, nghĩa là giác.

Người có giác tâm, được đạo Bồ đề, nên gọi là Phật. 

Kinh nói: lìa tất cả mọi hình tướng tức gọi là chư Phật. 

Nên biết tướng là có tướng mà không tướng, không thể thấy bằng mắt, chỉ biết được bằng trí. 

Ai nghe pháp ấy chợt phát lòng tin, là người ấy đang nương pháp đại thừa siêu lên ba cõi. 

*

Ba cõi ấy là tham, sân, si vậy. 

Chuyển ngược tham, sân, si làm giới, định, huệ tức gọi siêu lên ba cõi. 

Tuy nhiên, tham, sân, si chẳng có thực tính, chỉ bằng vào chúng sinh mà đặt tên. Nếu có thể soi ngược trở lại thì sẽ thấy rõ: 

Tính của tham, sân, si tức là tính Phật. 

Ngoài tham, sân, si tuyệt nhiên không có tính Phật nào khác. 

Kinh nói: Từ vô thủy đến nay, chư Phật luôn luôn cư xử ở nơi ba độc, nuôi lớn trong bạch pháp, mà thành tựu ở quả Thế tôn. 

Ba độc ấy là tham, sân,si vậy. 

Nói đại thừa tối thượng thừa là nói chổ sở hành của hàng Bồ Tát. 

Không gì là chẳng thừa, mà cũng không gì gọi được là thừa, suốt ngày thừa mà chưa hề thừa, đó là Phật thừa. 

Kinh nói: Lấy vô thừa làm Phật thừa vậy. 

*

Nếu người biết sáu căn vốn không thực, năm uẩn chỉ giả danh, không thể dựa vào đâu cầu cạnh gì được, người ấy quả thông suốt lời Phật.

Kinh nói: Hang ổ của năm uẩn là tên gọi của thiền viện. 

Chiếu sáng bên trong mà mở thông suốt, tức là cửa đại thừa.

Chẳng nhớ tưởng một pháp nào mới gọi là thiền định. 

Ví hiểu rõ lời ấy thì đứng, đi, nằm, ngồi thảy đều thiền định cả. 

*

Biết tâm vốn không, đó gọi là thấy Phật. 

Tại sao vậy? 

Vì mười phương chư Phật đều nhân vì vô tâm chẳng thấy ở tâm, đó là thấy Phật. 

Xả tâm không nuối tiếc gọi là đại bố thí. 

Lìa hết động và định gọi là đại tọa thiền. 

Tại sao vậy? 

Kẻ phàm mỗi mỗi đều hướng về động. 

Hàng tiểu thừa mỗi mỗi đều hướng về định. 

Vượt lên cái lầm hiếu động của phàm phu và hiếu định ngồi thiền của tiểu thừa mới gọi là đại tọa thiền. 

Nếu có được sức lãnh hội ấy thì chẳng cần lìa mà tướng tướng tự cởi bỏ, chẳng cần trị mà bịnh bịnh tự trừ, ấy đều là định lực của phép đại thiền. 

*

Phàm đem tâm cầu pháp, ấy là mê. 

Chẳng đem tâm cầu pháp, ấy là ngộ. 

Chẳng mắc vào chữ nghĩa gọi là giải thoát. 

Chẳng nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp. 

Xuất lìa sinh tử gọi là xuất gia. 

Chẳng chịu hậu hữu gọi là được đạo. 

Chẳng nổi vọng tưởng gọi là Niết bàn. 

Chẳng đối xử với vô minh gọi là trí huệ lớn. 

Chỗ không phiền não gọi là Bát Niết bàn. 

Chỗ không tướng gọi là bờ bên kia. 

*

Khi mê thì có bờ bên này.

Khi ngộ thì không bờ bên này.

Tại sao vậy? 

- Vì kẻ phàm phu mỗi mỗi đều xu hướng trụ ở bên này. 

- Vì giác được phép tối thượng thừa thì tâm chẳng trụ bên này cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được cả hai bờ bên này và bên kia. 

Nếu thấy bờ bên kia khác với bờ này, người ấy tâm chưa có thiền định. 

*

Phiền não gọi là chúng sinh. 

Tỏ ngộ gọi là Bồ đề. 

Đó chẳng phải giống nhau mà cũng chẳng phải khác nhau, chỉ vì mê ngộ mà cách biệt nhau. 

*

Khi mê thì thấy có thế gian cần thoát ra. 

Khi ngộ thì không có thế gian nào để thoát ra cả. 

*

Trong pháp bình đẳng chẳng thấy phàm khác với thánh. 

Kinh nói: Pháp bình đẳng ấy phàm phu không thể vào, bậc thánh cũng không thể hành được. 

Pháp bình đẳng ấy chỉ có hàng Bồ tát lớn và chư Phật Như lai mới hành được. 

Nếu thấy sống khác với chết, động khác với tịnh, đó gọi là chẳng bình đẳng. 

Chẳng thấy phiền não khác với Niết bàn, ấy gọi là bình đẳng. 

Tại sao vậy? 

Vì phiền não với Niết bàn đều chung đồng một tính không vậy. 

*

Do đó, hàng tiểu thừa vọng dứt phiền não, vọng vào Niết bàn, nên trệ ở Niết bàn. 

Hàng Bồ tát, trái lại biết rõ tính không của phiền não, tức chẳng lìa bỏ cái không, nên lúc nào cũng ở tại Niết bàn. 

*

Phàm nói Niết bàn: Niết là không sinh, bàn là không tử. 

Lìa ngoài sinh tử gọi là Bát Niết bàn. 

Tâm không lại qua tức vào Niết bàn. 

Nên biết Niết bàn tức là tâm không. 

Chư Phật vào Niết bàn, tức vào cõi không vọng tưởng. 

Bồ tát vào đạo tràng, tức vào cõi không phiền não. 

*

Cõi vắng không ấy tức cõi không tham, sân, si. 

Tham là cõi dục. 

Sân là cõi sắc. 

Si là cõi vô sắc. 

Nếu bỗng chốc thoắt sinh tâm, tức đi vào ba cõi. 

Bỗng chốc thoắt diệt tâm, tức ra ngoài ba cõi. Mới hay ba cõi sinh diệt, muôn pháp có không đều do một tâm. 

*

Hễ nói một tâm tựa hồ như phá vào thế giới vật chất vô tình của ngói cây gỗ đá. 

Nếu biết tâm chỉ là một tiếng gọi suông, không thực thể, tức biết tâm tự tịch ấy chẳng phải có mà cũng chẳng phải không. 

Tại sao vậy? 

Vì phàm phu mỗi mỗi đều có xu hướng sinh tâm nên gọi là "có". 

Hàng tiểu thừa, mỗi mỗi đều có xu hướng diệt tâm nên gọi là "không". 

Hàng Bồ tát và Phật chưa từng sinh tâm, chưa từng diệt tâm nên gọi là "chẳng phải có tâm, chẳng phải không tâm". 

Tâm chẳng có chẳng không gọi là trung đạo.

Bởi vậy đem tâm học pháp thì tâm pháp thảy đều mê. 

Chẳng đem tâm học pháp ắt tâm pháp thảy đều ngộ. 

*

Phàm mê là mê ở ngộ. 

Còn ngộ là ngộ ở mê. 

Bậc chánh kiến hiểu tâm vốn "không vô" tức vượt lên mê ngộ. 

Không có mê ngộ mới gọi là chính giác chính kiến. 

*

Sắc không thể tự là sắc, do tâm nên có sắc. 

Tâm không thể tự là tâm, do sắc nên có tâm. 

Cho nên hai tướng tâm và sắc đều có sinh diệt. 

*

Nói "có" là do ở "không". 

Nói "không" là không do ở "có". 

Đó mới là thấy chân thực. 

Phàm thấy thực thì không gì chẳng thấy mà cũng không gì không chẳng thấy, thấy khắp mười phương vẫn là chưa từng có thấy. 

Tại sao vậy? 

Vì không có gì để thấy, vì thấy cái không thấy, vì thấy cái chẳng phải là thấy. 

Cái thấy của kẻ phàm đều là vọng tưởng. 

Nếu tịch diệt không có thấy mới là thấy thực. 

*

Tâm và cảnh đối nhau, thấy phát sinh từ thế đối đãi ấy. 

Nếu trong chẳng khởi tâm thì ngoài chẳng sinh cảnh. 

Cho nên tâm và cảnh có lắng hết cả hai thì mới gọi là chân kiến. 

Và cái hiểu trong lúc ấy mới gọi là chánh kiến. 

*

Chẳng thấy một pháp mới gọi là được đạo. 

Chẳng hiểu một pháp mới gọi là hiểu pháp. 

Tại sao vậy? 

Vì thấy cùng chẳng thấy, đều chẳng thấy.

Hiểu cùng chẳng hiểu, đều chẳng hiểu. 

Thấy cái chẳng thấy, mới là thấy thực. 

Hiểu cái chẳng hiểu, mói là hiểu thực. 

... Phàm có cái hiểu đều là chẳng hiểu. 

Không có cái hiểu mới là thực hiểu. 

Hiểu cùng chẳng hiểu đều chẳng phải hiểu. 

Kinh nói: chẳng xả trí huệ gọi là ngu si. 

Lấy tâm làm không thì hiểu cùng chẳng hiểu đều là chân cả. 

Chấp tâm là có thì hiểu cùng chẳng hiểu đều là vọng cả. 

*

Khi hiểu rồi thì pháp đuổi theo người. 

Khi chưa hiểu thì người đuổi theopháp. 

Nếu pháp đuổi theo người, pháp hóa thành chẳng phải là pháp. 

Nếu người đuổi theo pháp, thì pháp pháp đều là vọng. 

Nếu pháp đuổi theo người thì pháp pháp đều là chân. 

Cho nên bậc thánh: 

- Cũng chẳng đem tâm cầu pháp. 

- Cũng chẳng đem pháp cầu tâm. 

- Cũng chẳng đem tâm cầu tâm. 

- Cũng chẳng đem pháp cầu pháp. 

Vì thế tâm chẳng sinh pháp, pháp chẳng sinh tâm, tâm và pháp tịch cả hai nên lúc nào cũng ở trong định. 

*

Tâm của chúng sinh sinh ắt pháp Phật diệt. 

Tâm của chúng sinh diệt ắt pháp Phật sinh. 

Tâm sinh ắt chân pháp diệt. 

Tâm diệt ắt chơn pháp sinh. 

*

... Khi mê thì (thấy) có tội. 

Khi hiểu thì (thấy) không có tội. 

Tại sao vậy? 

Vì tội tính vốn không. 

Khi mê thì không tội thấy có tội. 

Nếu hiểu rồi thì đối tội thấy không tội. 

Tại sao vậy? 

Kinh nói: Muôn pháp đều không tự tính, cứ dùng nó đừng ngờ, ngờ tức thành tội. 

Tại sao vậy? 

Vì tội do nghi ngờ sinh ra. 

Nếu thấu suốt được lẽ ấy thì bao nhiêu tội nghiệp đời trước đều tiêu tan hết. 

*

Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não sinh tử. 

Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp Niết bàn không sinh tử. 

Người dốc lòng tu chớ cầu đạo ở bên ngoài. 

Tại sao vậy? 

Vì tâm tức là đạo vậy. 

*

Khi được tâm rồi, mới hay không tâm nào có thể được. 

Khi được đạo rồi, mới hay không đạo nào có thể được. 

Nếu nói đem tâm ra cầu được đạo, đó gọi là tà kiến. 

*

Khi mê thì Phật có pháp. 

Ngộ rồi thì không Phật không pháp. 

Tại sao vậy? 

Vì ngộ tức là Phật pháp. 

*

... Khi mắt thấy sắc chẳng nhiễm nơi sắc. 

Khi tai nghe tiếng chẳng nhiễm nơi tiếng đều là giải thoát. 

Mắt không dính sắc thì mắt là cửa thiền. 

Tai không dính tiếng thì tai là cửa thiền. 

Nói gom lại hết, thấy được tính của sắc thì lúc nào cũng là giải thoát. 

Thấy tướng của sắc thì lúc nào cũng là trói buộc. 

Không vì phiền não mà trói buộc, tức gọi giải thoát, ngoài ra không có sự giải thoát nào khác. 

Khéo quán xét sắc thì rõ ràng sắc chẳng sinh nơi tâm, tâm chẳng sinh nơi sắc, tức sắc và tâm cả hai đều thanh tịnh. 

*

Khi không vọng tưởng thì một tâm là một cõi Phật. 

Khi có vọng tưởng thì một tâm là một địa ngục. 

Chúng sinh xây dựng vọng tưởng, đem tâm sinh tâm, nên lúc nào cũng ở trong địa ngục 

Nếu không đem tâm sinh tâm thì tâm tâm quay về không, niệm niệm trở về tịnh, vào đủ nước Phật, đến đủ nước Phật. 

Nếu đem tâm sinh tâm thì tâm tâm chẳng tịnh, niệm niệm hướng động, vào đủ địa ngục, qua đủ địa ngục. 

Nếu một thoáng tâm dấy lên, ắt có thiện ác hai nghiệp, có thiên đường địa ngục. 

Nếu một thoáng tâm không dấy lên, ắt không thiện ác hai nghiệp, cũng không thiên đường địa ngục. 

*

... Thánh nhân vốn không tâm, nên trong thì trống rỗng bao la, cùng với hư không chẳng khác. 

Khi tâm được Niết bàn tức thấy chẳng có Niết bàn. 

Tại sao vậy? 

Vì tâm là Niết bàn. 

Nếu ngoài tâm thấy có Niết bàn, đó là mắc phải tà kiến. 

*

Tất cả phiền não là hột giống Như lai, vì nhân có phiền não mới có được trí huệ. 

Ta chỉ nên nói phiền não "sinh" Như lai, không thể nói phiền não "là" Như lai. 

Cho nên cần lấy thân tâm làm ruộng rẫy, phiền não làm hột giống, trí huệ làm mầm mộng, còn Như lai ví như lúa thóc. 

*

Phật ở trong tâm như (trầm) hương ở trong cây. 

Phiền não nếu hết thì Phật theo tâm ra. 

Vỏ mục nếu hết thì hương theo cây ra. 

Mới biết ngoài cây không có hương, ngoài tâm không có Phật. 

Nếy ngoài cây có hương, tức là hương ngoài của cây khác. 

Nếu ngoài tâm có Phật, tức là Phật ngoài của ai khác. 

Trong tâm có ba độc, đó gọi là quốc độ dơ xấu. 

Trong tâm không có ba độc, đó gọi là quốc độ thanh tịnh. 

Kinh nói: Nếu khiến cho quốc độ đục vẩn dơ xấu cứ dẫy đầy lên, rồi chư Phật Thế Tôn sẽ từ trong đó xuất hiện, điều ấy không đâu có được. 

Cái vẩn đục dơ xấu tức là ba độc vô minh. 

Chư Phật Thế Tôn tức là tâm thanh tịnh giác ngộ. 

*

Tất cả sự nói năng, không gì chẳng là pháp Phật. 

Nếu tự mình không có lời nói thì nói suốt ngày vẫn là đạo. 

Nếu tự mình có lời nói thì im suốt ngày vẫn chẳng là đạo. 

Cho nên Như lai lời nói không nương theo im lặng, im lặng không nương theo lời nói, lời nói không lìa im lặng, nói và im đều ở trong tam muội cả. 

Nếu biết mà nói thì lời nói cũng là giải thoát. 
Nếu không biết mà im lặng thì im lặng cũng trói buộc. 

Cho nên nói mà lìa tướng thì lời nói gọi là giải thoát. 

Còn im lặng mà dính tướng thì im lặng là trói buộc. 

*

Lìa tâm không Phật. 

Lìa Phật không tâm. 

Cũng như lìa nước không băng. 

Cũng như lìa băng không nước. 

Nói "lìa tâm không Phật" chẳng phải xa lìa tâm, mà khiến đừng chấp vào hình tướng của tâm. 

Kinh nói: "Không thấy tướng gọi là thấy Phật", tức là lìa hình tướng của tâm. 

"Lìa Phật không tâm" là nói Phật từ tâm ra.Tâm có thể sinh Phật, nên Phật theo tâm sinh, nhưng Phật chưa hề sinh ra tâm bao giờ. 

*

Cũng như cá sinh ở nước, nhưng nước không thể sinh ở cá. 

Cho nên muốn xem cá, cá chưa thấy mà trước hết đã thấy nước. 

Cũng vậy, muốn xem Phật, Phật chưa thấy mà trước hết đã thấy tâm. 

Mới biết cá thấy rồi cần quên nước. 

Phật thấy rồi cần quên tâm. 

Nếu không quên được tâm thì sẽ vì tâm mà lầm nữa. 

Nếu không quên được nước thì sẽ vì nước mà mê nữa. 

*

Chúng sinh với Bồ đề cũng như nước với băng. 

Vì ba độc nung đốt nên gọi là chúng sinh. 

Vì ba giải thoát gội sạch nên gọi là Bồ đề. 

Vì đóng lạnh trong tiết đông nên gọi là băng. 

Vì tan chảy trong lửa hè nên gọi là nước. 

Nếu bỏ băng, thì không có nước nào khác. 

Nếu bỏ chúng sinh, thì không có Bồ đề nào khác. 

Đủ rõ tính của băng tức là tính của nước. 

Tính của nước tức là tính của băng. 

Cũng vậy, tính của chúng sinh tức là tính của Bồ đề. 

Chúng sinh với Bồ đề đều chung nhau một tính. 

Cũng như hai vị thuốc ô đầu và phụ tử đều chung một gốc, chỉ vì thời tiết mà khác nhau. Cũng vậy, mê ngộ hai cảnh khác nhau nên có hai tên gọi chúng sinh và Bồ đề. 

Rắn hóa thành rồng vẫn không đổi vảy. 

Phàm biến thành thánh vẫn không thay mặt. 

Mới hay tâm ấy, trong trí huệ chiếu; thân ấy, ngoài giới luật vững. 

*

Chúng sinh độ Phật. 

Phật độ chúng sinh. 

Vậy gọi là bình đẳng. 

Chúng sinh độ Phật: phiền não nẩy sinh tỏ ngộ. 

Phật độ chúng sinh: tỏ ngộ phá trừ phiền não. 

*

... Khi mê thì Phật độ chúng sinh. 

Khi ngộ thì chúng sinh độ Phật. 

Tại sao vậy? 

Vì Phật không thể tự thành, đều do chúng sinh độ nên vậy. 

*

Chư Phật lấy vô minh làm cha, lấy tham ái làm mẹ. 

Vô mình và tham ái đều là tên gọi khác của chúng sinh. 

Chúng sinh với vô minh cũng như tay trái với tay mặt, rốt cùng chẳng khác nhau. 

*

Khi mê thì ở bờ bên này. 

Khi ngộ thì ở bờ bên kia. 

Vì biết tâm vốn là không thì chẳng thấy tướng, ắt lìa cả mê và ngộ. 

Mê ngộ đã lìa, ắt không bờ bên kia. 

Như lai không ở bờ bên này, cũng không ở bờ bên kia, không ở giữa dòng. 

Ở giữa dòng: tiểu thừa. 

Ở bờ bên này: phàm phu. 

Ở bờ bên kia: Bồ tát. 

*

Phật có ba thân: hóa thân, báo thân và pháp thân. 

Nếu chúng sinh luôn luôn làm theo các căn lành:

tức hóa thân hiện. 

Tu trí huệ: tức báo thân hiện. 

Giác vô vi: tức pháp thân hiện. 

Bay lướt mười phương, tùy nghi cứu độ: Phật hoá thân. 

Dứt mê hoặc, tu thiện pháp, thành đạo trên núi Tuyết: Phật báo thân. 

Không lời không nói, vắng lặng thường trụ: Phật pháp thân. 

Luận cho cùng lẽ thì một Phật còn chẳng có huống là ba. 

Nói ba thân là dựa theo căn trí của con người có thượng, trung, hạ. 

Người hạ trí bôn chôn vọng cầu phước, vọng thấy hóa thân Phật. 

Người trung trí vọng dứt phiền não,vọng thấy báo thân Phật. 

Người thượng trí vọng chứng Bồ đề, vọng thấy pháp thân Phật. 

Người thượng trí vắng lặng tròn đầy soi chiếu bên trong, sáng tâm tức Phật, chẳng đợi tâm mà được Phật. 

Thế mới biết ba thân cùng muôn pháp đều không giữ được, không nói được, đó tức là tâm tự nhiên giải thoát, thành tựu đạo lớn. 

Kinh nói: "Phật chẳng nói pháp, chẳng độ chúng sinh, chẳng chứng Bồ đề" là như vậy. 

*

Chúng sinh tạo nghiệp. 

Nghiệp tạo chúng sinh. 

Đời nay tạo nghiệp. 

Đời sau chịu quả báo, thuở nào thoát khỏi. 

Bậc chí nhân ở trong thân này, không tạo các nghiệp, nên chẳng chịu báo. 

Kinh nói: "Các nghiệp chẳng tạo, tự nhiên được đạo" hà lời nói suông ru! 

Người tạo ra nghiệp. 

Nghiệp không thể tạo ra người. 

Người nếu tạo nghiệp thì nghiệp với người cùng sinh. 

Người nếu không tạo nghiệp thì nghiệp với người cùng diệt. 

Mới biết nghiệp do người tạo, người do nghiệp sinh. 

Nếu người không tạo nghiệp, tức nghiệp chẳng do người sinh. 

Cũng như người có thể nâng đạo, đạo không thể nâng người. 

Kẻ phàm phu ngày nay luôn luôn tạo nghiệp, lại nói bừa là không có quả báo, há chẳng khó nghe sao? 

Luận cho cùng lẽ: tâm trước tạo, tâm sau báo, đời nào thoát được? 

Nếu tâm trước không tạo, tức tâm sau không báo, vậy còn vọng thấy nghiệp báo được sao? 

Kinh nói: Tuy tin cả Phật, lại nói Phật khổ hạnh, đó là tà kiến. 

Tuy tin cả Phật, lại nói Phật bị quả báo đói ăn lúa ngựa, gươm vàng đâm chân, đó gọi là lòng tin chưa trọn đủ, là nhất xiển đề. 

*

Người hiểu pháp thánh gọi là thánh nhân. 

Người hiểu pháp phàm gọi là phàm phu. 

Chỉ cần xả pháp phàm thành pháp thánh, tức phàm phu thành thánh nhân. 

Kẻ ngu trong đời chỉ mong cầu thánh viễn vong, chẳng tin rằng chính tâm huệ giải là thánh nhân. 

Kinh nói: Đối với người vô trí đừng nói kinh này. 

Kinh này là tâm, là pháp vậy. 

Người vô trí không tin chính tâm sáng tỏ được pháp này làm thành bậc thánh. Họ chỉ mảng cầu xa, học ngoài, mến chuộng hình tượng Phật ngoài trời, cùng ánh sáng hương sắc đủ thứ, toàn là việc làm đọa tà kiến, mất tâm, cùn trí. 

Kinh nói: Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như lai. 

Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy do một tâm mà mống dậy. 

Nếu trong lắng hết tâm tướng, giống như hư không, tức tự trong thân tâm xa lìa hết tám vạn bốn ngàn căn bịnh phiền não. Phàm phu đang sống sợ chết, vừa no lo đói, thật quá đổi mê hoặc. Cho nên bậc chí nhân chẳng tính việc đã qua, chẳng lo việc chưa đến, không xáo động việc bây giờ, niệm niệm trở về đạo.Kệ đêm ngồi tịnh rằng: 

Đoan trang CANH MỘT tịnh ngồi tu, 
Tịch chiếu tinh thần tợ thái hư. 
Muôn kiếp vốn không sinh với diệt, 
Học đòi sinh diệt diệt gì ư? 
Gẫm xem các pháp trò ma ảo, 
Tính vốn là không uổng sức trừ! 
Ví biết tâm mình không tướng mạo, 
Lặng im chẳng động tự như như.

CANH HAI ngưng thần chuyển minh tịnh, 
Chẳng tưởng chẳng nhớ nhân như tính. 
Um tùm muôn tượng trở về không, 
Chấp có chấp không lại vẫn bệnh. 
Các pháp như nhiên chẳng có không, 
Phàm phu tưởng quấy bàn tà chánh. 
Ví biết gìn lòng lẽ "chẳng hai". 
Ai nói tức phàm chẳng phải thánh.

CANH BA tâm tịnh sáng hư không, 
Rộng khắp mười phương đâu chẳng thông. 
Tường vách núi sông không ngăn ngại, 
Bao la vũ trụ tự nơi trong. 
Tính của càn không là Phật tính, 
Cũng không bổn tính tức hàm dung. 
Nào phải riêng đâu chư Phật được, 
Hữu tình muôn loại vẫn chung đồng.

CANH TƯ không diệt cũng không sinh, 
Rộng ví hư không pháp giới bình. 
Không qua không lại không còn mất, 
Chẳng có chẳng không chẳng ám minh. 
Không vọng thấy gì: Như lai thấy, 
Không gọi danh gì: chân Phật danh. 
Ai có ngộ qua rồi mới hiểu, 
Chúng sinh chưa rõ bởi thong manh.

CANH NĂM bát nhã chiếu vô biên, 
Chẳng khởi một niệm suốt tam thiên. 
Muốn thấy chơn như bình đẳng tính, 
Khéo chớ sinh tâm trước mắt tiền. 
Lẽ ấy diệu huyền không lượng được, 
Dụng công đuổi bắt thêm nhọc sức. 
Nếu không một niệm tức chân cầu, 
Còn có tâm cầu chưa tỉnh thức.