25/10/2014

50 điều bạn không bao giờ nuối tiếc vì đã làm


Bạn chỉ có một cuộc đời để sống. Thay vì dành thời gian để nuối tiếc và ao ước thì hãy làm tất cả những điều yêu thích, chấp nhận rủi ro và học từ sai lầm. Dưới đây là 50 điều bạn nên thử để làm giàu thêm trải nghiệm cuộc sống.
1. Đọc lại cuốn sách yêu thích, một hoặc nhiều lần.
2. Nói “con yêu ba mẹ”, “em yêu anh”, “anh thương em”, “tao thương mày”… thường xuyên hơn khi bạn còn có thể.
3. Chụp ảnh lại những khoảnh khắc quan trọng, ảnh cưới, hình tốt nghiệp, chụp hình con vật cưng… Những hình ảnh đẹp và quan trọng sẽ khiến bạn hạnh phúc, yêu đời khi ngắm nhìn.
4. Thư giãn cơ thể với việc tắm nước nóng.
5. Xem mặt trời mọc trên biển, từ căn gác trọ, trên núi. Mọi khoảnh khắc bình minh đều tuyệt vời với tâm trí.
6. Từ chối bữa ăn với gà rán, nước có ga; chọn cho mình bữa ăn lành mạnh, nhiều rau quả. Đó là cách bạn đối xử công bằng với cơ thể.
7. Thông suốt một vấn đề, một câu hỏi dẫu nó rất khó. Sự thanh thản là thuốc bổ cho tâm hồn, đừng để tâm trí phải lấn cấn vì bất cứ vấn đề gì.
8. Hãy nói lời xin lỗi.
9. Theo đuổi thứ mà bạn đam mê, yêu thích để thấy thật sự hứng khởi làm việc.
10. Ưu tiên tập thể dục, vận động cơ thể.
11. Đến một lớp học bạn thực sự quan tâm, một lớp học vẽ, học làm bánh, học múa bụng… thêm kỹ năng sẽ bồi đắp sự tự tin.
12. Dành thời gian cho những người bạn yêu thương, hẹn hò, trò chuyện, quan tâm, vỗ về họ.
13. Kiểm tra sức khỏe hằng năm, đo mắt và khám răng 6 tháng một lần, đừng có quên.
14. Buông bỏ những mối quan hệ xấu, làm bạn trượt dài, mạnh dạn lên và đừng tiếc nuối.
15. Ngủ một giấc ngắn, tỉnh dậy mọi chuyện sẽ khá hơn.
16. Lắng nghe tâm sự của một đứa bạn thất tình, giải quyết rắc rối giúp một người quen, làm một ngày của ai đó trở nên tươi sáng, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu bất ngờ.
17. Uống một ly nước lớn, và nhiều ly như thế trong ngày.
18. Thử thách bản thân trong một hành trình mới để khám phá mình đi đến đâu, đón nhận những cơ hội, dù cơ hội luôn đi kèm thách thức nhưng rất đáng để thử.
19. Nói cám ơn từ tận đáy lòng.
20. Đi ngủ sớm hơn một tiếng. Khó mà vui nổi vào sáng hôm sau khi làm một cú đêm triền miên.
21. Hãy là chính mình.
22. Bao lâu rồi bạn chưa ôm một ai đó. Trao một cái ôm khi bạn có cơ hội, ấm áp lắm đấy, hãy thử.
23. Thực sự thử lắng nghe lời khuyên từ ba mẹ, chắc chắn rồi, họ luôn muốn những điều tốt nhất cho bạn.
24. Gửi một khoản tiết kiệm cho những trường hợp bất ngờ.
25. Học hô hấp nhân tạo. Bạn không thể ngờ cuộc sống sẽ có những gì chờ đón mình, thêm một kỹ năng là thêm cơ hội sống cho người thân yêu.
26. Chậm lại một chút để tận hưởng những điều nho nhỏ, đáng yêu. Hít hà mùi hoa sữa bay nhẹ trong gió chiều hay mỉm cười ngắm cầu vồng sáng bừng sau mưa.
27. Hãy yêu một ai đó, đơn phương cũng được. Cảm giác thầm thương trộm nhớ và yêu thương khiến tâm hồn tươi mới và sống động.
28. Cố gắng vượt qua nỗi sợ, thực hiện một điều bạn vẫn mong muốn.
29. Rửa mặt thật sạch, tẩy trang kỹ càng trước khi ngủ dù có mệt mỏi đến đâu.
30. Thỉnh thoảng tự thưởng một ngày nghỉ làm việc chỉ để đi lang thang ngắm phố phường hay đọc một cuốn sách yêu thích.
31. Đừng quá chủ quan vào trí nhớ, hãy viết lại những cảm xúc bạn muốn mình nhớ. Đến lúc đọc lại, ký ức sẽ sống lại trong bạn.
32. Dũng cảm bỏ một công việc mà bạn thực sự căm ghét.
33. Đi du lịch một vùng đất hoàn toàn mới mẻ.
34. Viết một lời cảm ơn trong tấm thiệp nhỏ hay một cái note. Chúng ta đã quá cũ kỹ, nhàm chán trong những tin nhắn qua Facebook hay email, chữ viết tay vẫn rất tuyệt và nhiều cảm xúc, thử xem.
35. Đừng làm mọi thứ quá nghiêm trọng.
36. Thử bỏ thuốc, bỏ việc kiểm tra Facebook mỗi giờ, bỏ thói quen thức khuya… Rất khó, nhưng bạn làm được.
37. Xem mặt trời lặn, lắng nghe những cảm xúc đến từ bên trong bạn.
38. Nấu các món ăn ngon và đẹp.
39. Xắn tay áo, giúp một ai đó.
40. Chăm sóc một chú chó hoặc mèo.
41. Mạnh dạn ủng hộ những gì bạn tin tưởng.
42. Học một ngôn ngữ mới.
43. Khen một ai đó thật lòng.
44. Nhìn ngắm ban nhạc yêu thích đang thăng hoa.
45. Tha thứ cho một người làm bạn tổn thương.
46. Thoa kem chống nắng trước khi ra đường.
47. Tặng ai đó món quà bất ngờ.
48. Bắt chuyện với người lạ.
49. Trồng một cái cây.
50. Yêu thương bản thân.


24/10/2014

NGƯỜI TU PHẬT là tìm về NGUỒN GỐC AN LẠC GIẢI THOÁT


Đề tài chúng tôi nhắc nhở hôm nay là: “Người tu Phật là tìm trở về nguồn gốc an lạc giải thoát”. Quí vị chú ý nghe lãnh hội đầy đủ thì mới tốt. Đức Phật sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, ngài tìm những người bạn đồng tu là năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp. Bài pháp đầu tiên là Tứ đế hay Tứ diệu đế, mà đế đầu tiên trong Tứ đế là Khổ đế: cái khổ là lẽ thực trong cuộc đời nầy. Vậy Phật nói khổ, tại sao chúng tôi lại nói người tu tìm về nguồn gốc an lạc giải thoát, tức là vui. Như vậy có trái bản ý của đức Phật hay không? Tôi xin thưa: Khi người ta mới nhìn qua đạo Phật thấy dường như đạo Phật bi quan, yếm thế. Nhưng đi sâu, thấm nhuần giáo lý của Phật rồi, chúng ta thấy ngược lại. Đức Phật nói khổ là chỉ trên quả, mà quả là cái người ta dễ thấy, dễ biết. Khi biết được quả đó rồi thì ngài liền chỉ đến nhân. Nguyên nhân nào tạo ra quả khổ ấy. Khi biết được nhân rồi thì dẹp hết nhân thì quả không còn.
Ngày nay các nhà khoa học luôn phăng tìm manh mối của vạn tượng sum la nầy, căn cứ trên quả mà phăng tới nhân, không bao giờ từ nhân đi tới quả. Vì quả là cái dễ thấy, thấy quả rồi chúng ta phăng tìm ra nhân dễ dàng, còn trước nói nhân sau đó mới chỉ quả thì khó hơn. Như bây giờ chúng ta có cây cam, được quả ăn cam, biết quả cam ngọt. Những người thưởng thức mùi vị quả cam đó hỏi rằng: cam nầy từ đâu mà có? Tự nhiên chúng ta sẽ phải giải thích. Từ hạt cam ươm lên, nẩy mầm lên cây, có lá, đơm hoa , kết quả. Vậy quả là cái hiện thấy, chứng minh được, còn nhân thì đã cũ, đã xưa rồi, chúng ta không thể nào chỉ cho người khác thấy tường tận. 
Đó là việc dễ làm, vì nó cụ thể cho tinh thần Phật dạy rất thích hợp với khoa học hiện giờ, hay ngược lại khoa học hiện giờ rất thích hợp với tinh thần đạo Phật dạy. Vì vậy, nếu người không hiểu, nghe đức Phật nói cuộc đời là khổ, mang thân nầy khổ thì cho rằng đạo Phật bi quan, đạo Phật chán đời…
Khổ đó là quả, chúng ta biết rồi phải phăng tìm nguyên nhân của nó. Nếu biết được nhân nào tạo ra quả khổ thì chúng ta liền dẹp bỏ, tự nhiên quả khổ không còn. Nếu quả khổ không còn, lúc đó là khổ hay vui. Thông thường thế gian nói hết khổ tức là vui. Vui không riêng có mà chỉ khi nào hết khổ. Đó là tinh thần của Phật dạy. Phật nói khổ để chúng ta tìm nguyên nhân gây ra khổ, phải biết rõ nguyên nhân gây ra đau khổ và dứt bỏ nó. Dứt bỏ rồi chúng ta mới hết khổ, tức là được an lạc giải thoát. 
Vậy mục tiêu của đức Phật là dạy chúng ta hết khổ được giải thoát, chứ không phải dạy chúng ta chịu khổ. Phương pháp tu đó không hề bi quan. Quí vị nhìn những người tu hành biết đạo lý sâu, sống được với đạo, có thường lắc đầu, chắc lưỡi, thở dài không, hay là thường cười hoài? Bao nhiêu đó cũng tự trả lời những vấn đề chúng ta cần hiểu rồi. Người biết tu thì phăng tận nguồn gốc nguyên nhân đau khổ, dẹp bỏ qua một bên nên đau khổ đâu còn. Khổ hết thì được an vui. 
Nhưng đáng thương cho Phật tử chúng ta ngày nay tu mà không tìm nguyên nhân của khổ để dẹp bỏ, lại cứ cầu Phật cho con hết khổ hoài. Gặp việc buồn, gặp việc khổ liền vô chùa thắp hương, lạy Phật tha thiết, xin Phật chứng minh ban cho con ân huệ để cho con hết khổ. Việc gì cũng dựa vào quyền lực của đức Phật chớ không bỏ ra công phu tu hành. 
Đạo Phật là một đạo thực tế chứ không phải huyền bí, nhưng Phật tử chúng ta quen bệnh yếu đuối nên xem Phật giống như ông thần. Gặp việc gì khổ quá chỉ xin với Phật cho bớt khổ, chớ không biết tu cho bớt khổ. Đó là điểm yếu đuối, sai lầm của Phật tử chúng ta. Người tu thì phải tìm về nguồn an lạc giải thoát. Quí vị có biết nguồn an lạc giải thoát từ đâu mà ra không?
Tôi xin nêu vài điều căn bản cho quí vị thấy nguồn gốc của an lạc giải thoát. Trong kinh Phật thường nói: “Chúng sinh có tám điều khổ: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Đó là bát khổ”.
Chúng ta thấy trong kinh Phật nói khổ nhiều hơn vui. Vậy, chúng ta xét kỹ xem, cái khổ đó là khổ do tất cả mọi người hay chỉ là cái khổ đối với những ai không biết đạo lý.
Thứ nhất như nói: “Sanh là khổ”. Theo nhà Phật thì sanh gồm hai phần. Thứ nhất, sau khi ra khỏi lòng mẹ đau đớn nhọc nhằn. Thứ hai, trong cuộc sống của chúng ta, nếu không biết tu, không hiểu đạo thì cả cuộc đời chỉ toàn là đau khổ, không chút an vui. 
Như vậy khổ là lúc sanh ra khổ và trong cuộc sống khổ. Khi sanh ra có đứa bé nào cười không, hay đều khóc oa oa? Đó là vì ra đời phải khó khăn đau đớn mới ra được, nên lọt khỏi lòng mẹ là nó khóc. Cái khóc ấy nói lên sinh ra là khổ. Rồi từ bé đến già mấy mươi năm, một cuộc đời khổ nhiều vui ít. Quí vị thử kiểm lại xem trong suốt một đời, những gì chúng ta mong muốn đa phần được như ý hay thiểu phần được như ý? Chắc rằng không có ai nói đa phần như ý. 
Người thì gia đình ấm no có cơm ăn áo mặc nhưng con cháu khó dạy. Người thì con cháu dễ dạy nhưng gia đình lại chật vật thiếu thốn v.v… đủ thứ thuận nghịch, không khi nào được thỏa mãn như ý mình. Vì vậy, đa số đều bất như ý, con người sinh ra ai cũng mơ ước tràn đầy hạnh phúc, nhưng trải qua bốn năm mươi tuổi nhìn lại cuộc đời thấy không có hạnh phúc mà bất hạnh lại nhiều. Ít hôm nghe tin người thân mất hoặc phải đi xứ nầy xứ khác v.v… hay có  chuyện làm mình phải buồn, phải khổ. Không ai được hạnh phúc an vui trọn vẹn. Cả một đời người ba phần tư là đau khổ, chỉ một phần tư an vui thôi, thực tế là như vậy. Bởi vì chúng ta có các thứ khổ do người thân xa lìa, khổ do thân bệnh hoạn, khổ vì hoàn cảnh đói thiếu, khổ vì con cái khó dạy, đủ thứ khổ không phải một thứ. 
Chúng ta đã biết sanh là khổ, bây giờ chúng ta biết làm sao cho hết khổ? Làm sao chúng ta sống trong cõi khổ mà luôn được an vui. Không có gì khó hết, nếu sống trong cuộc đời nầy mà chúng ta biết rõ rằng đời là tạm bợ, có rồi sẽ mất, không ai còn mãi. Như vậy, ngày nào chúng ta còn sống thì ngày ấy còn tốt, còn có thì giờ cho chúng ta tự tu, cho chúng ta làm những điều thiện, lợi ích cho mọi người. Một ngày sống là một ngày vàng, chúng ta phải sử dụng hết để lo cho mình và cho người được an ổn. Một ngày sống chúng ta làm được một điều lành chúng ta nên buồn hay vui? Làm một điều lành là chúng ta được một nguồn vui. Chúng ta chuyển duộc sống khổ đau nầy bằng một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Ngày nào chúng ta cũng mót từng chút một để mà được vui.
Tôi nói như vậy sẽ có vị nghĩ, nếu người giàu có thì giúp đở người nầy người kia dễ, còn như chúng ta không có điều kiện thì giúp được ai, làm sao có niềm vui. Tôi xin nhắc lại trên đời có nhiều niềm vui lắm, chỉ sợ chúng ta không chịu làm thôi. Thí dụ chúng ta không có tiền cho người ăn xin hay đóng góp cứu trợ nạn lụt v.v… nhưng đang đi thấy đứa bé bị té, chúng ta đở lên vổ về an ủi, khuyên bảo nó, như vậy có vui không? Chúng ta không làm được việc cứu giúp bằng tiền thì chúng ta làm việc cứu giúp bằng thân, bằng lời. Dùng thân và lời giúp đỡ người bớt khổ. Bớt khổ là họ được vui. Cái vui đó tốn tiền nhiều hay ít? Không tốn gì hết, chỉ tốn một chút công. Như vậy, tìm nguồn vui đâu phải khó. Chỉ cần thấy một con kiến rớt xuống vũng nước, chúng ta vớt nó lên để trên khô, thấy nó bò mừng rỡ là chúng ta cũng vui rồi.
Người biết tu nhìn lại bản thân mình ngày xưa nhiều nóng giận nay giảm bớt liền cảm thấy vui. Gặp ai đang có nguy khốn, mình ra tay cứu vớt, từ con người cho tới loài vật, giúp được loài nào cũng có nguồn vui. Vậy, chúng ta sống để làm lợi ích cho chúng sinh. Tuy rằng khả năng nhỏ bé, hạn hẹp, nhưng với lòng chân thành thì cũng có vui rồi. Nếu chúng ta biết sống thì đời là khổ hay sanh là khổ, nhưng ngày nào chúng ta cũng lượm cũng mót được nhiều niềm vui. Đó là chúng ta khéo tu, khéo hiểu Phật pháp, chớ đừng lạy xin Phật cho con vui, Phật không cho được đâu, chúng ta phải tự tạo lấy nguồn vui từ bản thân mình. Đó là sanh khổ, nhưng nếu chúng ta biết sống thì sanh trở thành vui, chớ không phải khổ.
Đến khổ thứ hai: già khổ. Song nếu chúng ta khéo chấp nhận cái giả thì chúng ta cũng vui. Tại sao già khổ? Vì già không biết làm gì cứ đi tới đi lui, nhớ con nhớ cháu, buồn ủ rũ, hết trách người nầy tới trách người kia, thành ra thấy tuổi già lê thê, đen tối. Nên già là khổ. Người già nên biết dùng tuổi già trong công việc. Những vị không có trách nhiệm như chúng tôi cứ ở tại nhà, tìm những gì hay, đẹp dạy con dạy cháu. Đem bài kinh hay, đoạn sách ghi những tư cách tốt để dạy con cháu, đó là vui rồi, đâu phải làm việc gì cho nhiều.
Cũng như chúng tôi, một ngày sống là một ngày phải làm được cái gì cho mình cho người, mà làm được cho mình cho người thì tôi vui chớ đâu có khổ. Như vậy nói già khổ hay già vui. Tự nhiên già thế nào cũng có nhiều kinh nghiệm hơn người trẻ. Tại sao chúng ta không đem những kinh nghiệm ấy dạy cho người sau. Vì vậy tuổi già không phải là thừa, không phải là bỏ. Mỗi ngày chúng ta sống đều có giá trị cuộc đời già vui, chớ không phải khổ.
Thứ ba, bệnh là khổ. Điều nầy đa số đều chấp nhận. Có người nào đau mà không rên đâu? Rên tức là khổ chứ gì! Nhiều người than “tôi sao bệnh hoạn lê thê, kéo dài năm nầy năm nọ, chán quá!”. Như vậy, quí vị thấy bệnh là khổ. Nhưng với con mắt nhà Phật, bệnh cũng không khổ. Vì sao không khổ? Là vì Phật dạy thân nầy do nhân duyên hợp, trong đó có đất, nước, gió, lửa. Kinh Niết Bàn nói tứ đại là bốn con rắn: con rắn đất, con rắn nước, con rắn gió, con rắn lửa. 
Tôi xin nói cụ thể hơn, con rắn nước là con rắn hổ ở dưới nước. Con rắn lửa là con rắn hổ lửa. Con rắn đất đất là con rắn hổ đất. Con rắn gió là con rắn hổ mây. Bốn con rắn mà nhốt chung trong cái giỏ thì nó phải cắn nhau, chống chọi nhau thôi. Người nuôi rắn thấy bốn con cứ chống nhau, làm cho con nầy con nọ bất an hoài thì phải ráng can thiệp cho chúng hòa với nhau thì mới yên được. 
Chúng ta mang cái thân đất, nước, gió, lửa; bốn chất đó có hòa hợp với nhau tốt không? Ít hôm thì lửa thắng nước, lúc đó mình nóng quá phải kiếm cái gì uống cho mát. Đó là điều hòa con rắn hổ lửa. Ít hôm nước thắng lửa thì bị lạnh run rẩy, phải kiếm cái gì uống cho ấm. Đó là điều hòa con rắn nước. Ít hôm, con rắn đất bị  rắn hổ mây cắn, thì lúc đó chúng ta kêu trúng gió. Phải đánh gió hay tìm cách nầy cách kia làm cho gió ra thì thân nầy mới nhẹ. Nên tôi nói rằng: “gió thổi mạnh thì đất rung rinh”. Những thứ đó luôn luôn chống chọi nhau. Chúng ta phải điều hòa chúng, như vậy nhàn hạ hay khổ.
Người nào hỏi ra cũng có bệnh. Nếu không bệnh nặng thì cũng bệnh nhẹ, không bệnh nhiều cũng bệnh ít, chớ không ai hoàn toàn không bệnh. Vì bệnh là khổ chung của tất cả mọi loài. Nhiều vị bệnh cứ lăn lộn rên, rên đó là khổ.
Nhưng giờ đây chúng ta biết tu, khi bệnh chúng ta phải làm sao. Chúng ta nhìn bốn con rắn nầy xem đứa nào thắng, đứa nào bại. Biết rõ bốn con rắn độc đang chống chọi với nhau, chúng ta không chấp nhận thân nầy thật. Tứ đại tụ hội nên có thân, nhưng vì tụ hội trong sự chống chọi nên thân nầy khổ. Chúng ta biết rõ nó không chắc, không bền, không có gì quan trọng nên bớt khổ. 
Thường bệnh đau, chúng ta thấy khổ vì thấy thân hơn hết, vì sợ chết. Nếu biết rõ nó là tướng duyên hợp thì hợp cũng tốt mà tan cũng vui. Nếu nó còn thì chúng ta dùng vào việc hữu ích, nó mất thì chúng ta ra đi một cách thảnh thơi, có gì đâu mà sợ, nếu không sợ chết thì đau cứ mặc đau, nó đâu thiệt. Ngày xưa có một vị Thiền sư bị bệnh, thầy tri sự lên thưa: “Hòa thượng bệnh có cái không bệnh chăng?”. Ngài đáp: “Ôi da! Ôi da!” . Cái biết rên đó nó không có hình tướng nên không bệnh, còn thân nầy bệnh.
 Như vậy, chúng ta biết ngay nơi thân nầy là duyên hợp tạm bợ, có hợp thì phải tan, không có gì quan trọng. Không quan trọng thì bớt khổ, đồng thời chúng ta cũng biết ngay trong thân nầy có cái chân thật, không hình tướng, song nó là chủ trì của thân. Biết rõ cái đó thì thân có đau, có nhức là chuyện của thân, nhìn cái đau tức là chúng ta không đau.
***

Hòa thượng. THÍCH THANH TỪ

NGƯỜI BIẾT TU PHẬT THÌ RẤT NHẸ NHÀNG THẢNH THƠI

  

Đề tài tôi nói chuyện hôm nay rất đơn giản: người biết tu Phật thì rất nhẹ nhàng thảnh thơi. Người xuất gia khi bước chân vào đạo, thường nhớ rõ câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, của người xưa. Đi tu thì phải xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, đó là điều căn bản của người tu hành.
Nếu chúng ta không xả bỏ vật chất, của cải thế gian thì chúng ta làm sao bước chân vào đạo được. Khi vào đạo rồi, nếu chúng ta không xả thân nầy, không biết hy sinh thân mình, làm lợi ích cho đạo, lợi ích cho chúng sinh thì không xứng đáng là người tu. Cho nên câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với giới tu hành của chúng ta.
Nếu chúng ta tu mà không quên của cải sự nghiệp thế gian, chỉ quí trọng thân nầy, muốn nó được an vui sung sướng thì chúng ta không thể tiến tu đạo nghiệp được, như vậy chữ tu hiện giờ chúng ta đang ứng dụng có nghĩa là chúng ta phải biết xả bỏ. Xả bỏ của cải thế gian, rồi bước sang xả bỏ cả thân mạng, không quí tiếc. Xả bỏ thân mạng chưa đủ, chúng ta còn phải xả bỏ tam độc. Tam độc tức là tham, sân, si. Nếu chúng ta không xả tam độc thì chúng ta không phải là người tu. Nếu đuổi được tham, sân, si thì chúng ta được nhẹ nhàng thảnh thơi. Tu dẹp được một cái xấu, bỏ được một điều hại thì chúng ta được nhẹ nhàng, thảnh thơi một phần. Cho nên bước thứ nhất chúng ta tu là phải xả bỏ phiền não, mà phiền não trước tiên là tham, sân, si.
Ở tâm chúng ta có tham, có sân, có si, bây giờ muốn cho nó hết thì ai đuổi nó ra? Mỗi đêm chúng ta cầu Phật cho con hết tham, sân, si được không? Chắc rằng Phật cho không được vì tham, sân, si trú ngụ sẵn trong nội tâm chúng ta. Muốn đuổi nó thì phải loại ra, phải diệt trừ nó. Phật ở ngoài không làm cho nó hết được. Xin hỏi Ni chúng, chúng ta tu cũng được hai, ba mươi năm hoặc năm, mười năm, quí vị đuổi ba con rắn độc nầy ra hết chưa? Bởi vậy ba thứ độc là căn bản cho chúng ta khổ đau, đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là xả luyến ái. Tại sao chúng ta phải xả luyến ái, luyến ái là gì? Luyến ái là yêu thương. Yêu thương người nầy, yêu thương người kia. Yêu thương trong cái ái chứ không phải yêu thương bằng lòng từ bi, chúng ta phải xả bỏ nó, vì Phật thường dạy ái là gốc luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử thì chúng ta phải xả bỏ luyến ái. Vì luyến ái mà con người phải khổ đau, nên trong bát khổ có khổ ái biệt ly. Người nào còn ôm chặt tâm luyến ái thì nhất định người ấy sẽ còn đau khổ. Hàng tu sĩ xuất gia chúng ta phải khéo xả bỏ luyến ái đối với huynh đệ, bạn bè, đối với những người chung quanh. 
Đừng bị trói buộc, đừng bị sợi dây ái lôi kéo thì chúng ta mới tu đến nơi, đến chốn được. Nếu người xuất gia không xả bỏ được luyến ái thì không thể nào thoát được luân hồi sanh tử. Đây là điều tối quan trọng, nên Tăng Ni và Phật tử phải cố gắng xả bỏ tâm luyến ái của mình. Tâm luyến ái sạch rồi chúng ta mới hết khổ, mới dứt được vòng luân hồi. Muốn thế, chúng ta phải xả hết, đừng cho căn, trần, thức, ba cái đó cột trói nhau nữa. Đây là điều thứ hai.
Chúng ta tu hay bị trần cảnh lôi kéo, dẫn dắt nên gặp nhiều trở ngại. Mắt duyên với sắc, tai duyên với âm thanh, mũi duyên với mùi hương, lưỡi duyên với vị, thân duyên với xúc chạm. Tất cả những thứ duyên đó, nếu chúng ta kẹt thì sẽ bị nó lôi dẫn, không an ổn được, người tu luôn luôn phải gỡ, đừng để sáu căn dính mắc với sáu trần. Trong nhà Thiền thường chú trọng điều nầy. Xưa kia có người hỏi Thiền sư thế nào là giải thoát. Ngài trả lời căn trần không dính nhau là giải thoát. 
Người ta cứ nghĩ, tu giải thoát là đi đến một xứ nào xa lạ, kỳ đặc, chứ không ngờ giải thoát là ngay nơi sáu căn không dính với sáu trần. Nếu sáu căn còn dính kẹt với sáu trần thì chúng ta không được giải thoát. Đó là lẽ thật. Tôi hay thí dụ: có người đi ra đường, thấy cái gì đẹp liền thích, rồi mong mỏi cho được, vì mơ ước thành ra bị trói buộc. Món đồ đó có dính dáng gì với mình mà bị nó trói buộc; rồi hay đổ thừa: “bị cái đó làm cho tôi phiền não, làm cho tôi bị khổ sở”. 
Cảnh bên ngoài có thật buộc mình không? Hay là mình không khéo tu nên bị nó trói buộc. Chúng ta ít khi can đảm  nhận trách nhiệm về mình, khi bị trần cảnh bên ngoài quyến rũ, thua nó rồi đổ thừa tại ai chứ không phải tại mình! Thí dụ thấy có một số tiền hay một số vàng ai đánh rơi xuống đất, người ấy mừng quá lượm lên; nếu kẻ làm mất xin người ấy trả lại, người ấy có vui không? Lượm được trong tay rồi mà phải trả lại chắc không vui mấy. Nhưng nếu với lòng từ bi, biết rõ không phải của mình, chủ xin lại thì mình hoan hỷ liền.
Đó là tôi nói ví dụ nhỏ, còn nhiều sự việc lớn hơn nữa. Vì vậy, chúng ta tu phải làm sao đừng để cho căn trần dính mắc nhau. Hồi xưa, lúc đức Phật còn tại thế có vị tiên tu chứng được ngũ thông. Ông giảng kinh mọi người rất thích, đến trời Đế Thích cũng tới nghe giảng. Một hôm nghe giảng xong, trời Đế Thích liền ngồi khóc. Vị ấy thấy lạ liền hỏi: “Tại sao ông nghe tôi giảng kinh mà lại khóc”. Trời Đế Thích thưa: “Ngài giảng kinh rất hay, nhưng tôi biết tuổi thọ ngài sắp hết rồi, nên tôi thương khóc”.
Nghe vậy vị tiên giật mình, ông chứng ngũ thông chứ chưa chứng được lậu tận thông nên còn mắc kẹt sanh tử.
Vị ấy liền hỏi trời Đế Thích: “Bây giờ làm sao để thoát khỏi sanh tử?”
Trời Đế Thích giới thiệu: “Hiện giờ chỉ có đức Thế Tôn hiệu Thích ca Mâu Ni đang trụ ở tinh xá Trúc Lâm giảng pháp, nếu ngài đến đó cầu pháp thì đức Thích Ca sẽ giảng dạy cho phương pháp giải thoát sanh tử”.
Nghe vậy vị tiên liền tìm đến đức Phật. Trên đường đi, ông nghĩ không có lễ vật cúng dường thì vô lễ quá. Thấy hai cây ngô đồng đang trổ bông thật đẹp, ông dùng thần thông nhổ hai cây ấy để trên hai bàn tay. Đến tinh xá Trúc Lâm, vào lễ Phật rồi, ông thưa hỏi làm sao giải thoát sanh tử.
Phật bảo : Buông.
Ông liền buông tay xuống, rớt một cây ngô đồng.
Phật bảo: Buông.
Ông buông một tay nữa, rớt cây thứ hai.
Phật bảo: Buông.
Ông thưa: “Tôi có hai cây ngô đồng. Ngài bảo buông cái thứ nhất, tôi buông bớt một cây. Bảo buông cái thứ hai, tôi buông thêm cây nữa hết rồi, còn gì nữa mà buông?”.
Phật nói: “Không phải ta bảo ông buông cây ngô đồng. Cái thứ nhất ta bảo ông buông là buông trần cảnh. Buông thứ hai là buông sáu căn, thứ ba là buông sáu thức. Căn - cảnh - thức hay là căn - trần - thức buông hết thì giải thoát”.
Vị tiên liền hiểu, lãnh hội trở về tu, được hết sanh tử.
Quí vị thấy, chúng ta tu nếu không khéo xả thì không thể giải thoát sanh tử. Sanh tử là cái khổ đau muôn đời muôn kiếp, chúng ta muốn thoát khỏi nó không gì hơn là phải xả bỏ, đừng để căn – trần – thức cột trói. Đây là gốc của trầm luân, của đau khổ. Đó là phần xả căn – trần – thức.
Còn cái xả thứ tư nữa là xả mọi cố chấp. Chúng ta có cái bệnh cố chấp nặng. Bên ngoài thì chấp người, nơi mình thì chấp ta. Chấp ta, chấp người, chấp phải, chấp quấy, chấp hơn, chấp thua, tất cả các thứ chấp đều là nguyên nhân của đau khổ cả. Vì còn chấp là còn khổ, nên người tu phải xả cố chấp. Cố chấp nhiều thì khổ nhiều, chấp ít thì khổ ít. Người chấp hơn, chấp thua khi thấy mình hơn thì mừng, mình thua thì buồn. Hơn thua nối tiếp nhau nên mừng, khổ cứ đến. Nhưng ở đời có ai hơn tất cả được, hơn người nầy cũng thua người khác.
Ngày xưa, một hôm đức Thế Tôn đi khất thực qua vùng của Bà la môn, có một ông Bà la môn thấy Ngài đi trước, ông lẽo đẽo theo sau kêu tên Ngài chửi (vì có các Bà la môn qui y theo Phật nên ông tức). Mặc ông chửi, Phật cứ chậm rãi đi một cách tự nhiên, không trả lời. Hồi lâu bực quá, ông chạy tới trước hỏi:
-Ngài Cồ Đàm, Ngài có điếc không?
Phật nói: Không.
-Sao tôi chửi mà Ngài làm thinh không trả lời.?
Phật liền trải tọa cụ ngồi xuống nói bài kệ:
Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.
Như vậy, người hơn kẻ thua đều khổ hết. Thua khổ vì nhục nhã, hơn thắng thì mừng nhưng gây ra oán thù. Nên hơn hay thua đều xả thì được an ổn ngủ. Chẳng những hơn thua mà kể cả phải quấy, chấp ngã, chấp nhơn đều xả hết thì đó là người an ổn bậc nhất. 
Trong nhà thiền Tổ Hoàng Bá có nói: “Đệ tử của Mã Tổ hơn tám mươi vị thiện tri thức, nhưng người tiêu chảy đầy đất chỉ có một mình Qui Tông”. Như vậy ngài khen hay chê Qui Tông?
Tiêu chảy đầy đất là sao? Là uống thuốc xổ. Người nào xổ đầy đất thì trong bụng sạch  trống. Xổ tức là xả, xả hết xả sạch. Người tu xả được như vậy mới là người thấy được đạo lý, là người đến chỗ chân thật. Ngài Qui Tông là một trong số đệ tử của Mã Tổ mà Thiền sư Hoàng Bá rất kính trọng. Như vậy chúng ta thấy, người tu phải xả bỏ đừng cố chấp. Nếu không cố chấp thì hết khổ.
Thưa quí vị, như trước tôi đã nói, chúng ta đi tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Hồi ở nhà thì xả bỏ cái nhà, xả bỏ năm bảy người thân đi tu. Đến khi tu rồi lại mắc kẹt cái chùa, rồi năm bảy chục đệ tử v.v… lúc đó làm sao? Như vậy có phải xả cái nầy mắc cái khác không? Cho nên nhiều người hay chỉ trích: tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, mà bây giờ quí thầy, quí cô cất chùa to, thâu đệ tử nhiều, vậy có xả hay không? Quí vị trả lời sao? Nếu chúng ta cất chùa to để làm của riêng, thâu đệ tử nhiều để phục vụ cho bản ngã của mình, thì đó là tội lỗi. Ngược lại, chúng ta cất chùa to để nuôi chúng có chỗ tu học. Vì muốn gầy dựng hàng hậu tấn nên chúng ta lo giúp, hướng dẫn họ tu thì không phải có lỗi. Phải khéo hiểu như thế, nếu không chúng ta hoang mang, sợ sệt.
Kế nói đến xả những đa mang thành tư hữu. Quí vị nghĩ lại lúc mình đi tu, có chở đồ đạc cồng kềnh vào chùa không, hay chỉ là một túi xách vào chùa? Nhưng ở chùa chừng mười năm, hai chục năm, nếu phải dời đi chỗ khác thì chở chừng mấy xe? Hồi vào chùa mang theo rất ít, khi ra đi thì chở quá nhiều. Như vậy có xả không? Những thứ đa mang mình không xả được mà xứ ky cóp ngày càng nhiều thành ra khổ. Đó là điều tôi muốn nói, chúng ta cần phải xả, xả được nhiều chừng nào thì thảnh thơi chừng nấy. Làm sao lúc nhắm mắt ra đi, tất cả những gì mình lo, những gì mình sắm là của Tam bảo chứ không phải của cá nhân, được như vậy mới tốt.
Tôi xin dẫn một câu chuyện như sau: Ngày xưa vua nước Ba la nại có mấy bà phi tần, bà nào cũng thích đeo vòng vàng đầy tay. Một hôm nhà vua bị bệnh, cần phải thoa trầm hương. Khi các phi tần đến thoa, nghe tiếng kêu lổn cổn điếc tai, vua chịu không nổi bảo phải cởi vòng vàng ra, mỗi bà chỉ đeo một chiếc thôi, chừng ấy mới hết nghe kêu rổn rảng. Khi đó vua nghĩ đã mang nhiều thì phiền não nhiều, bây giờ nếu mình bỏ hết thì hết phiền não. Vua lại nghĩ, ta làm vua có triều đình, có đất nước, có quần chúng v.v… bề bộn quá, thôi xả hết đi tu chắc là hết khổ. Nghĩ vậy rồi vua liền trao ngôi cho người khác rồi vào núi tu. Về sau vua chứng quả Độc giác phật.
Quí vị thấy, xả nhiều thì nhẹ nhàng nhiều, tu hành mau đắc đạo. Còn cưu mang nhiều thì không được an ổn, không thể đắc đạo.
Có một thiền khách quảy đảy đến hỏi Thiền sư: “Thế nào là đạo”, Thiền sư bảo : “Buông”.
Thiền khách liền buông đãy xuống, rồi lại hỏi: “Thế nào là đạo?”
Thiền sư lại bảo: “Buông”
Thiền khách nói: “Con có cái đãy đã buông xuống rồi, không còn gì để buông nữa”.
Thiền sư bảo: “Nếu không còn gì để buông thì ông quảy lên đi”. Ngay đó thiền khách ngộ đạo.
Chúng ta buông cho tới không còn gì để buông nữa, thì ngay đó ngộ đạo không có gì khó. Như vậy tu là khó khăn, cực nhọc hay tu là nhẹ nhàng, thảnh thơi? Tôi sẽ dẫn một ít thí dụ cho quí vị thấy rõ tu là nhẹ nhàng, thảnh thơi. Thí như có người leo núi cao năm bảy trăm thước. Đường xa mà lại tham nên mang theo nhiều đồ đạc, thành ra quảy một bị nặng leo núi. Đi một hồi mệt quá anh ta than. Có người bạn cùng đi nói: “Anh bỏ bớt những gì không cần đi”, anh ta lục túi bỏ bớt năm ba món. Đi  được một chút nữa cũng thấy nặng, anh than còn nặng quá, người bạn nói: “Anh bỏ bớt nữa đi”. Anh ta soạn lại bỏ bớt nữa. Khi mới bỏ bớt thấy nhẹ, nhưng đường dốc càng lên cao càng thấy nặng, rồi lại phải bỏ. Cứ tiếp tục bỏ như vậy cho tới khi gần đến chót núi còn cái bị không, nhưng cũng bị vướng, khó đi, cuối cùng anh bỏ luôn cái bị  mới leo lên chót núi được.
Quí vị thấy, mình muốn leo lên ngọn núi cao mà mang theo nhiều đồ nặng quá, làm sao leo lên nổi. Muốn leo cao phải bỏ bớt từ từ, cho đến khi nào không còn gì để bỏ thì quí vị sẽ leo tới chót núi.
Quí vị xét kỷ xem, bỏ là nặng hay bỏ là nhẹ? Chúng ta tu, bỏ được tham nhẹ được một phần, bỏ được sân nhẹ thêm một phần, bỏ được si nhẹ thêm một phần nữa. Cho nên tu là thảnh thơi. Những người tu hay bực tức, giận hờn, rên rỉ tại vì ôm nhiều quá, không biết bỏ thành ra đi không nổi.. nên ở trong chúng nhìn mặt là biết người nào tu khá, người nào tu không khá. Người biết buông bỏ tu hành có kết quả, người ấy nhẹ nhàng, thảnh thơi. Người không biết buông bỏ đụng việc gì cũng bực bội, đó là tu không tiến.
Quí vị kiểm tra lại trong chúng ta xem có thảnh thơi chưa. Tôi nói thí dụ thứ nhất cho quí vị thấy, chúng ta càng bỏ càng buông thì chúng ta càng được nhẹ nhàng, thảnh thơi.
Thí dụ thứ hai, bây giờ quí vị gánh một đôi nước nặng, có người nào đó bảo: “Đưa tôi gánh giùm cho”, lúc đó mình nặng hay nhẹ? Rất nhẹ. Cũng như vậy, nếu chúng ta đang ôm ấp việc gì trong lòng, nếu có ai đến giải tỏa thì chúng ta sẽ được nhẹ nhàng. Lại nữa, người đang giận, đang thù oán ai, trong lòng có được an ổn không? Ngồi tu có yên không? Tụng kinh niệm Phật hay làm gì cũng nhớ người mình thù, người mình giận. Nếu chúng ta biết xả bỏ hận thù thì chúng ta sẽ thảnh thơi an ổn. Tu niệm Phật thì nhất tâm, tụng kinh thì chuyên chú không xao lãng, tọa thiền thì dễ định. Khi chúng ta giận ai, trong người có được mát mẻ không, hay bị lửa giận thiêu đốt? Thường người nào giận, quí vị nhìn cặp mắt họ đỏ, mắt đỏ đẹp hay xấu? Người ta nói mắt xanh, mắt trắng mới đẹp, còn mắt đỏ ngầu rất ghê sợ, vì lửa nóng giận đang thiêu đốt. Chúng ta xả được thì nhẹ nhàng, mát mẻ, không bị khô cằn.
Thêm một điểm nữa, lúc nào chúng ta gặp cảnh không được vui, chúng ta ôm ấp trong lòng buồn rầu. Như vậy có giúp được gì trên đường tu của chúng ta không? Thường người ta cứ nghĩ buồn đâu có tội lỗi gì. Nhưng buồn cũng là phiền não nên mới nói buồn phiền. Có buồn có phiền tức không được an ổn. Vì vậy khi nào trong tâm có việc buồn phiền, chúng ta phải khéo xả bỏ. Muốn xả buồn phiền chúng ta phải nghĩ làm sao? Phải nghĩ rằng ngày mai, ngày mốt mình sẽ chết, buồn phiền làm gì. Nghĩ vậy tâm được bình an. Cho nên người tu chúng ta phải tập buông hết hận thù, buồn phiền thì đời tu được an ổn vô cùng. Dù ở giữa một trăm, hai trăm chúng vẫn thấy nhẹ nhàng như thường, cho nên trong kinh có nói: “xả tất cả là được tất cả. Ai biết xả tất cả, người đó được tất cả. Ai muốn được tất cả sẽ mất tất cả”.
Quí vị có muốn được tất cả thì phải xả, việc gì không đáng thì buông. Những thứ tạp nhạp buồn, thương, giận, ghét lăng xăng xả hết. Xả hết những thứ đó rồi thì chúng ta liền nhận ra được cái chân thật hiện tiền của chính mình, không có thiếu vắng lúc nào. Tôi thường thí dụ, đêm Rằm trên hư không trăng đang sáng, nhưng vì mây mù tiếp nối nên không thấy ánh trăng. Bao giờ mây tan đi chúng ta sẽ thấy được vầng trăng sáng. Nếu mây không tan mà muốn thấy trăng sáng cũng không thể thấy được. Mây dụ cho những phiền não tạp nhạp rối ren chất chứa trong lòng, nếu xả bỏ được thì tánh giác chân thật hiện bày. Tánh giác chân thật là vầng trăng.
 Người tu là người buông xả hết những rối ren tạp nhạp trong nội tâm mình, chỉ còn một tâm trong sáng. Chúng ta tu vì sợ thế gian đau khổ, muốn thoát mọi sự đau khổ ấy. Vậy, quí vị có hoan hỷ xả hay không? Vị nào hoan hỷ xả là vị ấy biết tu, vị nào còn tiếc nuối không chịu xả là chưa biết tu, chúng ta buông xả những thứ xấu xa vô dụng của mình là việc làm rất dễ dàng trong tầm tay chớ không khó.
 Lâu nay nhiều người nói tu sao khó quá. Tôi xin nói lại khó ở chỗ nào? Nếu tham sân si từ đâu đem lại cho mình thì bỏ chắc khó, nhưng tham sân si, phiền não v.v… từ nơi mình, nếu mình không thích nó thì mình bỏ chứ có gì khó. Như trong túi quí vị có những hòn sỏi, những hòn đá, quí vị không ưng nó nữa, quí vị móc ra dễ dàng hay khó? Nó trong túi mình móc ra có gì là khó. Khó là mình tiếc không nỡ bỏ. Tôi thấy trong giới tu hành của chúng ta có nhiều khi cũng tiếc những cái lẽ ra không đáng tiếc. Thí dụ như ai đó làm mình trái ý quá nặng, mình cũng nổi sân đôi chút. Chợt có huynh đệ nhắc: “Sao huynh tu mà còn sân”. Đáp: “Không sân nó không sợ”. Ấy tiếc cái sân hay bỏ cái sân? Muốn để dành một chút lại với thiên hạ chơi. Người tu mà để dành như vậy biết chừng nào cho hết sân. 
Chúng ta muốn để hay muốn bỏ là quyền của chúng ta, chớ đâu phải ở ngoài. Tất cả phiền não tham sân si từ trong nội tâm phát ra. Chúng ta biết nó dở, biết nó xấu, biết nó là đau khổ, chúng ta can đảm dứt khoát bỏ nó thì nó sẽ hết. Đây là việc trong tầm tay, trong quyền quyết định của mình. Phật, Bồ tát, thiện tri thức có lấy được phiền não của mình quăng ra không? Nên người tu chúng ta phải biết rõ rằng: chúng ta có quyền thành Phật, chúng ta có quyền dẹp phiền não. Phiền não từ trong mình ra. Giác ngộ cũng từ trong mình có. Chúng ta bỏ được phiền não, bỏ được tham sân si, đó là chúng ta bước vào địa vị Thánh.
Nhiều người cứ cầu ông nầy bà kia xem mình có tu được hay không. Nếu ai đó nói quí vị tu được, nhưng quí vị không bỏ phiền não thì có tu được không? Ngay như chúng tôi, có nhiều người đến hỏi: “Thầy tu lâu, thầy coi con tu có được không?.
Tôi chỉ trả lời gọn thế nầy:“Nếu Phật tử quyết chí thì tu được, không quyết chí thì tu không được”. Tu là bỏ những gì mình đa mang, chớ đâu phải tìm kiếm những điều gì mới lạ. Cho nên trong kinh Phật nói “vô sở đắc”, nghĩa là không có chỗ được. Tại sao? Những gì làm phiền lụy thì chúng ta bỏ sạch thì được nhẹ nhàng thảnh thơi, chớ được cái gì? Được nghĩa là thêm, nhưng chúng ta xả bỏ hết những phiền lụy, những trói buộc, những đau khổ thì tự nhiên được an vui giải thoát. Điều nầy ở đâu tới mà gọi là được. Hiểu như vậy thì mới thấy những lời dạy trong kinh rất cụ thể rõ ràng, không có gì ngờ vực.
Nếu tất cả  Ni chúng khéo léo ứng dụng tu thì con đường đưa chúng ta tới an vui giải thoát là con đường chắc chắn, không nghi ngờ, ở trước mắt chúng ta chớ không đâu xa. Chỉ vì chúng ta không khéo nên chúng ta cứ lẩn quẩn than thở, không thấy được con đường sáng suốt của Phật pháp, chỉ thấy con đường mù mịt tối tăm. Người tu khéo xả bỏ thì việc tu có kết quả, việc tu được nhẹ nhàng, chắc chắn sẽ được giải thoát sanh tử. Đó là ý nghĩa mà tôi muốn nhắc cho tất cả quí vị trong buổi nói chuyện hôm nay.
***

Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

ĐỨC PHẬT LÀ BẬC VÔ THƯỢNG Y VƯƠNG



Chúng ta tu Phật, ai cũng biết mình đang mang cái thân vô thường, tạm bợ. Nhưng nếu biết nương nó, khéo tu thì chúng ta sẽ đi đến chỗ giải thoát sanh tử. Mà giải thoát sanh tử thì sống chừng bao lâu? Sống mãi không có ngày cùng, sống hoài không chết. Như vậy Phật pháp là những phương thuốc trị tâm bệnh. Khi lành rồi, chúng ta không còn bị vô thường chi phối, vì vậy sống mãi vô cùng tận.
Bậc đem phương thuốc đó chỉ dạy cho người, không phải vua thầy thuốc là gì? Gọi vua thầy thuốc được rồi, tại sao nói không ai hơn? Không ai hơn nghĩa là có người bằng. Tại sao có người bằng? Vì nếu chúng sanh chịu khó tu hành đến khi công đức viên mãn thì sẽ thành Phật. Như vậy là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Khi thành Phật rồi thì có thua Phật bậc nào đâu. Nếu thành Phật thì Phật hồi xưa đến đâu chúng ta đến đó, ngang bằng Phật mới gọi là Phật, nếu thấp hơn Phật thì không gọi là Phật được, mà cốt thành Phật thì sau nầy sẽ bằng Phật. Đó là ý nghĩa của Vô thượng Y vương.
Hiểu rõ ý nghĩa đó, chúng ta biết có quả vị ngang bằng Phật, chứ không có người hơn Phật nên gọi là Vô thượng. Vì đến đó là giác ngộ viên mãn rồi. Đức Phật là bậc Vô thượng Y vương nên Ngài dạy chúng ta trị bệnh để hết sanh tử khổ đau. Vậy bệnh đó là bệnh gì? Ở đây tôi sẽ lần lượt nêu ra.
Như trong kinh thường nói, chúng sanh có bệnh gì thì Phật có pháp ấy để đối trị. Nên từ chữ Hán gọi “Tùy bệnh dữ dược”, nghĩa là theo bệnh cho thuốc. Người ta bị bệnh gì thì mình cho thuốc ấy để trị lành bệnh. Thầy thuốc ở thế gian khi chẩn mạch biết bệnh rồi thì phải tìm, phải chọn đúng với bệnh đó. Trị đúng thì bệnh mới lành.
Ở đây Phật cũng xét kỹ chúng sanh có bệnh gì, Phật cho thuốc ấy. Nhưng bệnh của chúng sanh là tâm bệnh. Thầy thuốc thế gian thì trị thân bệnh, còn Phật thì trị tâm bệnh. Trong kinh Phật thường nói chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não thì Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn.
Hiện giờ trong chúng ta có ai không bệnh không? Tâm chúng ta hoàn toàn tốt, hoàn toàn tỉnh giác hay vẫn đầy đủ tham, sân, si. Như vậy, mỗi khi chúng ta sanh một niệm xấu, một niệm ác, là đã có một bệnh. Có bệnh thì phải lấy thuốc Phật uống vô cho lành bệnh.
Quí Phật tử tu theo Phật phải biết thuốc gì để trị bệnh mình? Có nhiều vị tu cũng đã lâu mà hỏi dùng thuốc gì trị bệnh thì lắc đầu không biết. Chỉ tụng kinh niệm Phật vậy thôi. Đó là vì chưa hiểu chính xác đường lối tu của Phật dạy. Tu theo Phật năm mười năm mà phiền não vẫn còn nguyên, bệnh nào tật ấy không thay đổi. Rồi nói thuốc của Phật không giá trị, không hết bệnh. Thế là bỏ thuốc luôn.
Như vậy Phật tử mới thấy rằng, chúng ta tu mà chưa nắm vững được đường lối, thì không biết mình tu cái gì, không biết mình bị bệnh gì, không biết dùng thuốc gì để trị… lỗi tại không rành không hiểu. Đó là một điểm yếu mà chúng ta cần phải biết. Nói pháp Phật là thuốc trị bệnh mà người ta hỏi bệnh gì và dùng pháp gì để trị thì không biết, như vậy làm sao hết bệnh được.
Thường thường chúng ta có bệnh về thân, thì bác sĩ chẩn mạch xong cho thuốc trị. Nếu cho thuốc mà chúng ta không uống thì có lành không? Chắc chắn là không rồi. Vậy mà vẫn có người đến xin bác sĩ cho tôi khỏi bệnh, chớ không cần chẩn mạch. Quí vị nghĩ người đó có thể trị lành bệnh không? Bởi vì bác sĩ chẩn bệnh để cho thuốc trị bệnh mà bệnh nhân chỉ cầu xin bác sĩ cho hết bệnh, chớ không cần cho thuốc, không chịu uống thuốc thì bệnh làm sao lành được.
Phật tử chúng ta cũng giống như những bệnh nhân đó vậy. Phật dạy tu, nghĩa là mình có bệnh gì thì dùng pháp đó để trị. Thế nhưng Phật tử chỉ chắp tay cầu Phật gia hộ cho con được bình yên, Phật gia hộ cho con mạnh khỏe, chứ không chịu tu. Nghĩa là không chịu uống thuốc, không chịu trị bệnh mà xin Phật cho mạnh khỏe, bình yên thôi. Phật đã từng tuyên bố rằng: “Ta không có quyền ban phước, giáng họa cho ai”. Nếu Phật ban phước, giáng họa được thì Phật không dạy chúng ta tu nhân quả. Tạo nhân lành thì hưởng quả lành, tạo nhân ác thì hưởng quả ác. Chúng ta tạo chúng ta hưởng, Phật không có can thiệp chút nào hết. Phật chỉ dạy chúng ta biết đường lối tu để dẹp phiền não, hết khổ đau. Nhưng chúng ta không chịu tu, cứ xin Phật cho hết phiền não, hết khổ đau thì xin chừng nào mới được?
Thêm một hạng người nữa, như bác sĩ chẩn mạch cho toa xong, bảo mua thuốc đó uống sẽ lành bệnh. Nhưng người ấy đem toa về nhà đọc hoài, đọc thuộc lòng mà không chịu mua thuốc uống. Người nầy có hết bệnh không? Phật tử có giống như vậy không? Chắc cũng như vậy.
Phật dạy những bài pháp cho mình tu nhưng chúng ta cứ lấy kinh ra đọc tới, đọc lui cho Phật nghe, như vậy là tu rồi đó. Đêm nào cũng đem đọc cho Phật nghe, mà bệnh vẫn còn nguyên. Mới thấy chúng ta từ lầm lẫn nầy sang lầm lẫn khác, nên tu không có kết quả. Chúng ta phải tu cách nào cho đúng lời Phật dạy? Đó là điều mà tôi nói ở đây.
Phật là vua thầy thuốc, có những toa thuốc hay trị tất cả bệnh của chúng sanh. Chúng ta bệnh phải dùng những toa thuốc đó thì bệnh mới lành. Muốn lành bệnh chúng ta phải chịu uống thuốc, chớ không thể đọc toa thuốc hoặc chắp tay xin thầy thuốc cho lành bệnh. Đó là hai điểm tôi nhắc cho quí vị nhớ rõ.
Quí vụ có biết mình bao nhiêu bệnh, đã lành hết chưa? Về thân thì nay yếu mai đau, về tâm thì sao cứ phiền não hoài. Chừng nào trong chúng, trong gia đình mà cả tháng chúng ta cứ cười vui, không buồn không giận ai hết, không một chút than thở gì, đó mới là ít bệnh. Nếu lại có người chỉ mang một ít bệnh, nhưng bệnh đó lại quan trọng thì thế nào? Trong kinh Phật có kể lại: một hôm Phật hỏi các vị Tỳ Kheo:
-Nếu các ông nhốt bốn con rắn độc chung một nhà thì thế nào?
Các thầy Tỳ Kheo bạch rằng:
-Chúng con ngủ không yên.
Phật hỏi:
-Làm thế nào các ông ngủ mới yên?
Các thầy Tỳ Kheo bạch rằng:
-Chúng con phải đuổi mấy con rắn độc ra khỏi nhà thì ngủ mới yên.
Phật nói:
-Cũng vậy, nếu mấy ông còn tham sân si trong tâm thì các ông ngủ không yên. Vì tham sân si còn hại hơn rắn độc nữa. Rắn độc cắn chỉ chết một thân nầy, tham sân si tạo nghiệp chịu khổ không biết khi nào mới hết.
Như vậy, hiện giờ nội tâm chúng ta đã hết tham sân si chưa hay còn đủ? Nếu còn đủ chúng ta có yên lòng ngủ không? Nó độc hơn rắn độc mà chứa nó, thì làm sao chúng ta yên được? Vậy mà Phật tử không biết đuổi rắn độc ra, lại đi xin Phật cho con bình yên. Thử hỏi làm sao bình yên được?
Chúng ta tu là mong hết khổ, để đi tới an lạc giải thoát. Nếu còn tham sân si là còn đau khổ. Cho nên dù tu năm mười năm mà tham sân si không hết thì việc tu đó vô hiệu rồi. Hiện nay, chẳng những người tại gia cư sĩ mà cả hàng xuất gia, có ai hết tham sân si chưa? Chưa ai hết. Như vậy thì chúng ta chưa có bình an, phải không? Bởi vì trong nhà còn rắn độc thì làm sao bình an được. Đó là một lẽ thật.
Thế nên, muốn được bình an phải đuổi ba con rắn độc ấy đi. Phật dạy phương pháp đuổi nó, chúng ta phải khéo nghe và khéo tu thì sẽ đuổi được bọn chúng ra khỏi nhà.
Trước tiên tôi nói về con rắn tham. Muốn đuổi rắn tham ra khỏi nhà thì phải dùng thuốc gì? Trước khi nói cách đuổi, tôi giải thích rõ tham có nhiều loại. Thông thường có năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy. Đó là năm thứ tham. Năm thứ tham nầy phải trị bằng thuốc gì?
1. Người tham tiền của nhiều thì dùng thuốc bố thí để trị. Tại sao bố thí lại trị được bệnh tham tiền của? Bởi vì tham nên được ít muốn nhiều, được nhiều muốn nhiều hơn nữa. Như gia đình mình mỗi tháng có một triệu bạc thì sống thoải mái, nếu tháng đó có được triệu rưỡi thì sao? Dư năm trăm phải không? Người tham khi dư năm trăm, liền muốn kiếm thêm năm trăm nữa cho được hai triệu.
Do đó trị bệnh tham, Phật dạy phải bố thí. Khi dư năm trăm, chúng ta xem ai nghèo thiếu, ai khổ hơn mình thì giúp cho họ. Bố thí như vậy vừa được việc lợi ích cho người, vừa hết lòng tham cho mình. Có dư liền cho thì đâu còn tham, dư mà tích lủy hoài thì đó là tham. Nên trong kinh Phật thường dạy, lòng tham như túi không đáy, bỏ bao nhiêu nó cũng tuột hết, không biết tới đâu là đầy, tới đâu là đủ. Vì vậy chúng ta có dư nên giúp người nghèo thiếu, đó là biết trị bệnh tham tài.
2. Tham sắc dùng thuốc gì để trị? Nếu người tham sắc phải dùng thuốc quán bất tịnh để trị. Quán bất tịnh có hai cách: một là quán nơi thân mình có ba mươi sáu vật nhơ nhớp. Hai là quán thân người chết, từ khi mới tắt thở lần lần tới sình thối v.v… quán như vậy sẽ hết tham sắc. Tại sao?
Vì thấy thân nầy nhơ nhớp, bẩn thỉu đáng gớm thì thân người khác cũng nhơ nhớp, bẩn thỉu như thế, có gì để yêu thích. Nói tóm lại thân mình, thân người chỉ là một cái bô đậy kỹ vậy thôi. Quí vị trong nhà có một cái bô đã khó chịu rồi, huống hồ thêm hai ba cái nữa thì đáng gớm không?
Khi đức Phật gần thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ma vương đến phá Ngài bằng cách hiện hình những thiếu nữ kiều diễm ca múa, để Ngài nhớ trở về hoàng cung. Ngài liền quở: “Đi, các người là đãy da hôi thúi. Ta không có dùng”. Chúng hổ thẹn rút lui hết. Sau đó, chúng hiện ra một đám đầu trâu mặt ngựa hung dữ, cầm gươm giáo bao vây muốn khiến cho Ngài run sợ. Nhưng đức Phật chỉ an tịnh ở trong chánh định, không thèm nghĩ, không thèm thấy nó. Lát sau bọn chúng cũng bỏ đi. Nên trong kinh nói rằng, đức Phật dùng cung thiền định, kiếm trí tuệ mà diệt ma quân.
Chúng ta tu là dùng thiền định, trí tuệ để dẹp sạch ma quân. Nhưng bây giờ có nhiều người ngồi thiền hoặc niệm Phật để bắt ấn, đọc chú hoặc vẽ bùa để trấn ma. Đó là đã đi lệch hướng rồi. Chúng ta phải dùng thiền định, dùng trí tuệ để dẹp ma chứ. Không phải dùng bùa, dùng chú. Bùa chú như vậy là lạc vào ngoại đạo rồi. Quí vị phải nhớ thật kỹ.
Nói thân nầy nhơ nhớp, có người không bằng lòng, vì họ cho rằng mình vệ sinh sạch sẽ thì làm sao nhơ nhớp được? Tôi nói một thí dụ rất đơn giản để minh chứng điều nầy. Nếu thân nầy sạch thì nó luôn toát mùi thơm như hoa sen rồi, chúng ta đâu cần phải dùng xà bông thơm. Nhưng vì nó hôi quá nên phải dùng xà bông thơm, dùng nước hoa cho bớt hôi. Vì biết mình dơ nhưng muốn giấu, không cho người ta biết nên dùng cái nầy cái kia để khỏa lấp đi. Đó là chúng ta chưa thấy lẽ thật.
Thêm một điều nữa, biết rõ thân mình nhớp nhúa, nhưng nghe ai nói “chị nầy hôi quá” thì buồn liền. Sự thật mình nhớp nhưng nghe người ta chê lại buồn. Như vậy rõ ràng chúng ta không dám nhìn nhận sự thật. Chúng ta chỉ tưởng tượng chứ không thấy đúng lẽ thật.
Người biết tu rồi phải nhìn thấu đáo sự thật. Thân nầy nhớp nhúa, chúng ta nhận là nhớp nhúa nên khi ai chê, mình chấp nhận đúng như vậy. Chúng ta kiểm lại từ đầu đến chân có cái gì không nhớp đâu. Như quí nhất là con mắt, nhưng khi ghèn chảo đổ ra có gớm không? Rồi đến lỗ mũi, nước mũi chảy ra có gớm không? Kế đến là miệng, miệng khi khạc nhổ ra rồi, có can đảm liếm lại không? Như vậy tất cả từ đầu đến chân toàn là nhơ nhớp, mà chúng ta cứ tưởng nó sạch. Tưởng tượng thì không phải lẽ thật. Đó là cái thấy sai lầm, không có trí tuệ. Chúng ta biết rõ thân nầy nhớp nhúa, mà đã nhớp nhúa thì tại sao lại mê đuổi theo nó? Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, nếu người bệnh tham ái trầm trọng, thấy ai cũng dễ thương hết, thì Phật dạy quán thây chết. Từ lúc tắt thở cho đến một giờ, hai giờ, tới bầm xanh rồi sình lên v.v… Bây giờ nói gần nhất như người thân của mình, hoặc anh em cha mẹ, khi tắt thở chừng vài chục tiếng đồng hồ, mình dám lại gần không? Đó, lúc sống là cha, là mẹ, là anh, là em, mà chết liền thành thây ma, gớm sợ đủ thứ hết. Như vậy, mới thấy rằng thân đó không thật quí. Nếu thật quí thì chúng ta đâu có sợ.
Phật bảo ai bệnh nặng về sắc, thì phải luôn luôn quán thân là nhớp nhúa. Từ tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, ba mươi sáu vật xét cho thật kỹ, vật nào cũng nhớp hết. Quán như vậy mà không hết bệnh thì phải quán thây chết. Đó là cách trị bệnh tham sắc.
Lâu nay quí vị có trị bệnh đó chưa? Tu mà không chịu trị bệnh, nên bệnh còn hoài. Rồi than sao tôi tu lâu quá mà những thói xấu không chịu hết. Vì có chịu quán đâu, không chịu uống thuốc mà cứ đọc toa thuốc của Phật suốt ngày thì làm sao hết bệnh được. Đó là bệnh thứ hai.
3. Bệnh tham danh. Tham danh là muốn chức phận cao, muốn được người ta khen ngợi v.v… Phật dạy bệnh tham danh lấy thuốc vô thường để trị. Giả sử người ra ứng cử Tổng thống được đắc cử, người đó hưởng địa vị ấy được bao lâu? Bốn năm, tám năm rồi cũng hết. Sau đó cũng thành thường dân trở lại, đâu có bền, đâu có lâu dài mà phải chịu bao nhiêu thứ khổ sở. Đó là dùng thuốc vô thường để trị bệnh tham danh. Song muốn uống cho hết gốc thì phải thêm thang thuốc quán “khổ” nữa.
Bởi vì người cầu danh trước khi được cũng khổ, sau khi được cũng khổ. Như trước khi được làm Tổng thống phải vận động, chạy ngược chạy xuôi cầu mong người ta bỏ phiếu cho mình, vận động là khổ rồi. Đến khi đắc cử có vui không? Phải lo đủ thứ việc, rồi lại sợ người ta đoạt mất ghế nữa. Đó, được và gìn giữ cho đừng mất cũng khổ. Đến khi lỡ rớt xuống có khổ không? Khổ. Như vậy quán ba thời đều là khổ: trước khổ, giữa khổ, sau cũng khổ. Một cái vô thường mà muốn được, phải khổ như vậy thì muốn làm gì? Muốn được khen ngợi làm gì, muốn chức tước cao làm gì? Nhớ quán như thế, tự nhiên mình hết tham danh vọng chức tước cao. Đó là phương thuốc trị bệnh tham danh.
4. Bệnh tham ăn. Bệnh tham ăn nầy ai cũng có hết. Ăn thì muốn ăn thật ngon, cho vừa với cái lưỡi tham vị ngon. Bệnh tham ăn nầy phải dùng thuốc để trị? Phải dùng hai thứ thuốc trị mới lành.
Thuốc thứ nhất là quán thức ăn nhơ nhớp, không sạch. Khi còn ở trên mâm, nó thơm tho hấp dẫn nhưng nhai nuốt rồi nó mất. Sau khi mất, tới hồi trả ra rất ghê gớm. Như vậy, nó có thật ngon không? Nếu thật ngon thì trước sau đều ngon. Khi đem vô ngon, lúc trả ra cũng phải ngon. Nhưng đàng nầy đem vô thì ưa, mà đem ra thì gớm. Như vậy đâu phải thật ngon. Đó là nói tiêu hóa được, còn như ăn không tiêu hóa, ăn vô khỏi cổ mà bao tử không chịu chứa, bắt ụa ra thì có gớm không? Như vậy ngon chỗ nào? Chúng ta xét thức ăn nhơ nhớp không có gì quan trọng, ăn để sống chứ không phải ăn để tìm vị ngon. Mà không tìm vị ngon thì bớt tham ăn.
Thuốc thứ hai, chúng ta xét thức ăn ngon chỉ có mấy phút ở lưỡi thôi, khi nuốt vô liền hết ngon. Cái ngon đó là cảm giác tạm bợ, vô thường, không lâu bền. Vì vô thường nên không quan trọng. Lại thêm nữa, người có của tiền dư dả, muốn ăn gì đều được nấy. Ăn đủ thức ăn ngon sẽ dẫn đến kết quả mập phì, bị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, đủ thứ bệnh v.v… như vậy ăn càng ngon thì càng khổ, càng bệnh chớ có lợi gì đâu.
Tóm lại, cái mà chúng ta nói ngon đó không phải là lẽ thực, không phải là kế lâu dài, chỉ là tạm bợ. Nếu chúng ta lệ thuộc nó thì phải khổ thôi. Quán cái ngon là vô thường, là nhơ nhớp thì lần lần hết ham muốn ăn ngon. Như vậy, dùng thuốc quán vô thường, quán bất tịnh để trị bệnh tham ăn.
5. Bệnh tham ngủ. Bệnh nầy trong chùa dễ mắc lắm. Vì phải thức khuya dậy sớm, nên người nào tham ngủ nhiều sẽ khó thức lắm. Hồi tôi còn ở trường, có mấy huynh đệ thường dặn: “Khuya nhớ kêu tôi dậy đi công phu nghe”. Tới khuya đánh kẻng tôi kêu, lắc qua lắc lại một hồi, huynh ấy nói đau đầu quá, rồi ngủ tiếp không thèm dậy công phu luôn. Đó là bệnh tham ngủ. Bởi tham ngủ nên mất hết thì giờ tu hành của mình.
Làm sao trị bệnh tham ngủ? Muốn trị bệnh nầy cũng có hai thứ thuốc. Một là thuốc vô thường. Hồi xưa, mỗi khi tụng kinh thường nghe câu: “Thị nhựt dĩ quá, mạng diệt tùy giảm, như thiểu thủy ngu…” nghĩa là ngày nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm, như cá cạn nước… Như vậy, cuộc sống thật ngắn ngủi, thật tạm bợ mà mình cứ lo ngủ, tức là giết hết thì giờ quí báu rồi. Cho nên phải siêng năng thức dậy tu.
Hai là lấy roi tinh tấn để quất ma ngủ. Nghe tiếng kẻng, chưa chịu dậy thì phải rầy cho nó trổi dậy liền. Tu hành mà lười biếng là cái nhân đọa vào đường ác. Nên phải  mạnh mẽ, phải tinh tấn, nhắc như vậy cho mình cố gắng lên. Đó là dùng thuốc tinh tấn và thuốc quán vô thường để trị bệnh lười biếng. Nhờ thế ma ngủ lui mất.
Tóm lại để trị năm thứ bệnh tham đó, chúng ta phải biết dùng các toa thuốc sau:
-Tham tài dùng thuốc bố thí.
-Tham sắc dùng thuốc quán bất tịnh.
-Tham danh dùng thuốc quán vô thường và quán khổ.
-Tham ăn dùng thuốc quán bất tịnh và quán vô thường.
-Tham ngủ dùng thuốc quán vô thường và roi tinh tấn.
Trong năm thứ tham nầy, không ai giống ai, kẻ tham thứ nầy, người tham thứ kia không giống nhau. Cho nên mỗi thứ đều có thuốc để trị. Như vậy là trị được bệnh tham. Trị được bệnh tham là đuổi con rắn tham ra rồi.
Đến con rắn sân. Người bị bệnh sân lấy thuốc gì để trị. Một là nhẫn nhục, hai là từ bi. Khi người ta nói trái ý hoặc làm tổn thương đến danh dự của mình, lúc cơn giận bừng bừng nổi lên. Chúng ta liền dùng thuốc nhẫn nhục. Nhẫn làm sao, uống bằng cách nào?
Khi nóng giận bừng bừng nổi lên thì nó sẽ phát ra lời nói, phát ra hành động. Vì vậy, lửa sân vừa dấy lên thì chúng ta phải trị bằng thang thuốc nhẫn nhục. Song nhẫn bằng cách nào, làm sao nhẫn? Nói nhịn là được, nhưng sự thực nói nhịn không thì chưa đủ sức để nhịn. Chúng ta phải nói rõ rằng “Nhịn là khôn, nói là dại”, nhắc tới nhắc lui câu đó chừng hàng chục lần thì hết giận.
Bởi khi giận nói ra liền nói bậy. Có khi nào mình nổi nóng mà nói đàng hoàng đâu. Nổi nóng thì toàn là nói bậy, nói lời không hay, nói lời thô tục v.v…Vì vậy mà phải tự nhắc “nhịn là khôn, nói là dại”. Chúng ta muốn khôn, không muốn dại thì nhịn, làm thinh bỏ qua. Nhưng bỏ qua một lát thì dễ, đến chừng nhớ lại, cũng nổi nóng nữa. Bây giờ phải làm sao trị cho dứt tận gốc mới được? Nên phải dùng thuốc quán từ bi để trừ căn.
Quàn từ bi là quán thế nào? Như khi ta nổi giận lên, lúc đó thấy người làm cho mình giận dễ thương hay dễ ghét? Rất dễ ghét mà còn muốn chửi, muốn đánh cho đã giận. Nên phải dùng thuốc quán từ bi. Nhưng quán từ bi bằng cách nào? Họ chửi mình làm sao quán từ bi được? Tôi sẽ chỉ cho quí vị quán từ bi không khó.
Ví dụ chúng ta vào bệnh viện tâm thần thăm một người quen. Vừa bước vào cửa rào, gặp một người điên chỉ vô mặt mình chửi, lúc đó chúng ta xử trí ra sao? Họ chửi mình không có duyên cớ gì hết, không động phạm gì hết, như vậy đáng giận không. Nếu giận, mình chửi mình đánh lại thì người ngoài cuộc sẽ nói mình như thế nào? Kẻ đánh lộn với người điên là kẻ điên luôn rồi, chứ còn gì nữa.
Như vậy để phân biệt ai là kẻ điên, ai là người tỉnh thì khi gặp kẻ điên loạn làm bậy, mình phải tỉnh không cự lại họ. Người ta điên nên người ta bậy, người ta sai. Còn mình bình tỉnh thì phải sáng suốt mới đúng chứ. Nên khi người vô cớ chửi mình, làm nhục mình, chúng ta phải nghĩ người đó không được minh mẫn nên họ mới nói bậy, làm bậy. Người đó đáng thương chứ không đáng giận. Xét như vậy chúng ta thương họ, tội nghiệp họ nên không giận. Nhờ thế trị hết gốc giận luôn. Quí Phật tử phải khéo tu mới hết nóng giận. Nhiều vị nói tánh tôi nóng quá, nên mỗi bửa đốt hương nguyện Phật cho con hết nóng, Phật cho được không? Phật không thể cho mình hết nóng mà Phật chỉ dạy pháp tu, chúng ta ứng dụng theo đó tu tập thì sẽ hết nóng giận. Phương pháp trị nóng giận là hạnh nhẫn nhục và quán từ bi.
Trong kinh Phật có kể lại một câu chuyện: Hôm đó Ngài khất thực tại một khu làng của các vị Bà la môn. Bổn đạo Bà la môn thấy Phật oai nghi nghiêm trang tề chỉnh, tướng mạo rất đẹp nên họ vây quanh chiêm ngưỡng Phật. Sau khi thọ trai xong, Phật nói pháp cho họ nghe. Nghe xong họ phát tâm qui y Phật. Đôi ba lần như vậy nên xóm Bà la môn đó theo Phật hết.
Bấy giờ vị thầy của họ tức quá, ông đợi đức Phật đến, rồi lẽo đẽo theo sau kêu tên của Phật chửi. Chửi một hồi, ông thấy Phật vẫn cứ ung dung đi, không để ý gì cả, ông bèn chận đường Phật hỏi:
-Cù Đàm, thua tôi chưa?
Phật trải tọa cụ ngồi xuống, đọc bài kệ:
Kẻ hơn thì thêm oán
Người thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.
Phật im lặng, ngoại đạo tưởng Phật thua. Nhưng sự thật ai còn chê người, còn giành phần hơn thì kẻ đó là người bất an. Như vậy mới thấy nhịn là khôn, chửi là dại.
Chúng ta thấy ngay cả đức Phật ngày xưa, đâu phải ai cũng cung kính hết, vẫn có người chửi như thường. Nếu gặp người chửi. Ngài cũng chửi lại thì bây giờ chúng ta có lạy Phật không? Cũng vậy, giới tu sĩ chúng ta nếu bị người mắng chửi, liền nổi tức cự lộn với người ta, rốt cuộc lỗi hết về mình. Vì sao? Vì đã là tu sĩ mà còn nóng giận sân si  như vậy, thì đâu thể gọi được là kẻ tu hành được. Làm sao dạy dỗ hàng Phật tử? Chửi càng hơn, càng thắng thì càng bị người ta coi thường.
Nên người tu hành phải lấy hạnh nhẫn nhục làm đầu. Lúc nào, hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch, mình cũng phải hoan hỷ, cũng phải bỏ qua hết. Như vậy mới gọi là tu, tu thì mới trị hết các bệnh. Nên nhớ chúng ta muốn tu thì phải cố gắng trị bệnh của mình cho lành. Đó là thuốc trị bệnh sân.
Đến bệnh si. Si mê là điều rất nguy hiểm. Bởi si mê nên chúng ta chấp những cái không thật cho là thật, tưởng tượng những điều không đúng chân lý không đúng với lẽ thật.
Vì si mê nên sanh ra tham, vì si mê nên sanh ra nóng giận. Nên nói si mê là nguy hiểm nhất. Vậy dùng thuốc gì để trị si mê?
Phật dạy dùng trí tuệ để trị bệnh si mê. Si mê là bóng tối mà trí tuệ là ngọn đèn, là ánh sáng. Có đèn thì không tối, còn tối thì không đèn. Kẻ si mê thì không có trí tuệ, người có trí tuệ thì hết si mê. Do si mê nên có những bệnh như ngã ái, ngã mạn… ngã ái là gì? Là thương, là quí thân nầy. Ngã mạn là gì? Là cho mình hơn thiên hạ, mình trên hết. Bởi thấy hơn nên khinh người nầy, chê người kia. Như vậy từ si mê thấy thân nầy là quí, là thiệt nên thương nó, đó là ngã ái. Thấy thân mình là quan trọng, là cao hơn người nên sanh ngã mạn.
Người si mê sanh ngã ái, ngã mạn phải dùng thuốc gì để trị? Mỗi tối, chúng ta từ cư sĩ cho đến xuất gia đều tụng Bát Nhã hết phải không?
Bây giờ tôi chỉ nhắc lại một câu thôi: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không là sao? Là soi thấy thân năm uẩn nầy không thiệt, nhờ soi thấy thân năm uẩn không thiệt nên qua hết khổ nạn.
Chúng ta tụng kinh Bát Nhã bao nhiêu năm rồi, có chiếu liến ngũ uẩn hay là đọc trả bài cho Phật? Phật dạy phải soi thấy năm uẩn nầy không thiệt. Đã không thiệt thì còn gì yêu mến nó, còn gì quí trọng nó. Nhưng vì chúng ta tụng mà không chịu chiếu, không chịu soi nên tụng hoài mà cái ngã vẫn y nguyên, không mất chút nào hết. Năm uẩn có chia ra làm hai: một là vật chất, hai là tinh thần.
-Vật chất: Sắc uẩn do đất, nước, gió, lửa, bốn chất hợp lại thành nên không thiệt, nó là giả dối.
-Tinh thần: Thọ uẩn là những cảm giác khổ vui hoặc không khổ không vui… Những cảm giác ấy có một chút rồi qua, đâu còn hoài nên nói không thiệt. Tưởng uẩn là những bóng dáng tưởng tượng, không có thiệt. Hành uẩn là những suy tư, suy tư là dòng sinh diệt. Thức uẩn là những ý thức phân biệt sinh diệt liên tục, nên cũng không thiệt.
Xét kỷ ngũ uẩn về hai mặt tinh thần và vật chất đều là duyên hợp, hư giả không thiệt. Biết rõ nó không thiệt, tánh nó là không thì khổ nạn nào cũng qua. Phật dạy kỹ quá, bắt đọc mỗi đêm mà khổ nạn nào chúng ta cũng cứ chịu chứ qua không nổi. Nếu thấy thân nầy không thiệt, năm uẩn không thiệt thì giả sử ai có chửi, mình có quan trọng không? Thân đã không thiệt thì lời chửi có thiệt đâu, có nghĩa gì đâu mà buồn. Thấy rõ như vậy thì ngã ái, ngã mạn theo đó nó hết. Đó là tu Bát nhã, là trí tuệ.
Bát nhã có chia ra ba phần: một là Văn tự Bát Nhã, hai là Quán chiếu Bát nhã, ba là Thật tướng Bát nhã. Ngài Thái Hư (Trung Quốc) dùng một thí dụ rất hay về ba thứ Bát nhã nầy. Ngài nói như có người cần qua sông, họ bước xuống thuyền, được ngồi trên thuyền, đó là Văn tự Bát nhã. Xuống thuyền rồi thì quay chèo cầm dầm bơi. Đó là Quán chiếu Bát nhã. Bơi cho thuyền cập bến sang sông rồi mình lên bờ, đó là Thật tướng Bát nhã.
Như vậy, chúng ta đang tu là tu Bát nhã nào? Văn tự Bát nhã. Nhưng xuống thuyền rồi, cứ ngồi yên đó không chịu bơi chèo gì hết, thì chừng nào mới qua bên kia sông? Nên biết chúng ta tu chưa đúng với những gì Phật dạy. Chiếu kiến là quán, quán rồi mới đi tới thật tướng. Nếu chúng ta không chịu quán, chẳng khác nào xuống thuyền muốn qua sông, mà không chịu bơi chèo, cứ ngồi ỳ đó hoài thì bao lâu mới qua được bờ bên kia? Chắc tới thuyền mục cũng không qua được. Cứ dùng văn tự cho đó là đủ, không chịu quán chiếu. Bởi không quán chiếu nên không thể tiến lên, không dẹp được phiền não. Vì vậy tu mười năm, hai mươi năm mà phiền não vẫn y nguyên. Đó là lỗi lầm lâu nay chúng ta mắc phải.
Do quán chiếu soi rọi thấy thân nầy tạm bợ, hư giả nên chúng ta không ái nó. Không ái nó thì chúng ta không ngã mạn. Như vậy tu là diệt trừ bệnh cho mình. Muốn trừ bệnh thì phải dùng thuốc. Nếu được toa thuốc mà mình không mua thuốc uống thì cái toa cũng trở thành vô nghĩa. Phật dạy phải quán chiếu để thấy rõ năm uẩn không thiệt mà mình cứ đọc cho Phật nghe hoài thì chừng nào hết bệnh? Tu như vậy thì chừng nào mới thành Phật.
Ở đây tôi chỉ nói những bệnh căn bản là tham sân si, để quí vị biết từng thứ thuốc mà trị bệnh. Bây giờ có thứ thuốc nào trị bá bệnh không? Cũng có thuốc trị bá bệnh, nhưng trị bá bệnh thì chậm lành hơn. Thuốc nào bệnh nấy thì mau lành, còn thuốc trị bá bệnh thì chỉ có giá trị nhè nhẹ thôi. Thuốc trị bá bệnh là gì?
Nếu người tu thì dùng “Lục tự Di Đà” làm thuốc trị bá bệnh. Khi vừa nổi sân, chúng ta nhớ niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, niệm một hồi quên sân phải không? Vừa có việc gì buồn, niệm Phật một hồi quên buồn, đó là thuốc trị bá bệnh. Thuốc bá bệnh thì yếu hơn một chút, phải siêng năng cần mẫn trị mới lành, nếu không thì không lành. Đó là thuốc trị bá bệnh của người tu Tịnh độ.
Nếu người tu Thiền thì thuốc trị bá bệnh là gì? Khi nào vừa dấy niệm chạy theo cảnh, chúng ta liền buông, vì sao phải dùng thuốc đó? Vì tất cả buồn, thương, giận, ghét đều từ ý niệm dấy lên. Do khởi niệm mới tới buồn, thương, giận, ghét. Nếu vừa khởi niệm liền buông bỏ không theo, như vậy vừa trị, vừa ngừa bệnh. Khi nó mới dấy chưa thành bệnh thì không gọi là trị. Vừa dấy lên mình liền buông tức là ngừa bệnh. Buông hết, đến một lúc nào đó tâm không còn buồn giận, tức hết đau khổ. Đó là thuốc trị bá bệnh trong nhà thiền.
Nhưng có người tu tập theo thiền một năm hai năm, niệm cứ khởi hoài nên than sao tu mà niệm không lặng. Vậy phải làm sao cho có kết quả. Chỗ nầy, tôi  dẫn lời Lục Tổ Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn: “Bất phạ niệm khởi, duy khủng giác trì”, nghĩa là không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Dấy niệm là mê, biết nó hư dối không theo, đó là giác. Giả sử một ngày dấy lên một trăm lần niệm, tức một trăm lần mê thì sẽ có một trăm lần giác. Như vậy đâu có thiệt thòi gì, chỉ sợ mê mà mình không giác, đó mới là thiệt thòi.
Như vậy, người tu Tịnh độ thì niệm danh hiệu Phật để tiêu mòn các bệnh. Còn người tu Thiền nhìn lại mình, tức là phản chiếu bằng trí tuệ. Vừa dấy niệm liền buông đi, lần lần niệm dứt sạch, bệnh được lành. Đó là dùng trí tuệ phá tan các mầm bệnh. Như vậy, tu Tịnh độ cũng có thuốc trị bá bệnh, tu Thiền cũng có thuốc trị bá bệnh. Song pháp nào cũng phải thực hành đến nơi đến chốn mới có kết quả, chớ còn thực hành nữa chừng hay chút ít thì không bao giờ có kết quả.
Người học Phật mà không biết pháp, không biết bệnh thì khó trị lành. Hôm nay tôi hướng dẫn quí vị ba căn bệnh ngặt nghèo là tham sân si. Quí vị cố gắng dùng thuốc, chớ không nên học thuộc lòng toa thuốc, cũng không nên chắp tay xin thầy thuốc cho con hết bệnh. Được vậy, chúng ta tu sẽ có kết quả, không nghi.
***
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ