11/05/2015

TU THIỀN LÀ TRỊ TÂM BỆNH

 (Đã đăng trên báo TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC 
của TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM)


Mỗi một con người chúng ta đều có hai thân: Nhục thân và Pháp thân.

- Nhục thân là cái thân tứ đại vật chất có hình tướng, nên ai nấy đều thấy biết dễ dàng. Còn Pháp Thân hay là Chân Như, Chơn Tâm, Phật Tính, Vô Sư Trí, Bạch Tịnh Thức, Tự Kỹ và Phật Tri Kiến… là những thuật ngữ trong nhà Phật dùng để chỉ cái “Bản Lai Diện Mục” (bộ mặt thật xưa nay) của chúng ta. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn, Pháp thân (Tâm Linh) là cái thân chân thật của chúng ta, nhưng vì nó không có hình tướng, lại còn ở ngay trong cái thân tứ đại vật chất nầy, nên ít có ai thấy (nhận ra) được sự hiện diện của nó. star

Quả thật, chúng ta có hai cái thân. Nếu như có để ý, chúng ta sẽ thấy Nhục thân và Pháp thân cùng kết hợp với nhau hết sức chặt chẽ, khít khao và tinh tế đến nỗi, người kém trí tuệ không thể nào rõ biết được mình lại có cái thân không có hình tướng như thế!

Để chứng minh sự thực đó, người xưa có nói:
Lòng buồn sanh bệnh,
Bệnh sanh lòng buồn!”

Tuy nhiên, có một điều hơi khó hiểu là khi cái thân tứ đại vật chất (là cái của TA, chẳng khác gì cái nhà, chiếc xe hay cái áo…) có bệnh, là có sợ hãi khổ đau phiền não không mời mà đến, nên người ta lập tức tìm thầy chạy thuốc để chửa trị. Nếu cần phải chụp hình, hoặc rọi kiếng, siêu âm, nội soi hoặc mổ xẻ gì gì đó… dù có tốn hao bao nhiêu tiền của, công sức cũng cam tâm chấp nhận, miễn sao hết bệnh hết khổ không chết là được! Trong khi đó, “Pháp thân” hay “Tâm Linh” là cái thân chân thật (Chân thân) đã và đang lâm trọng bệnh (mất chính thường) từ vô thỉ kiếp đến nay, và có thể nói đó là một chứng bệnh nan y cực kỳ nguy hiểm nữa kìa, thế mà người ta vẫn bình chân như vại, coi như không có việc gì xảy ra cả. Tại sao lại có việc bất công như thế chứ!?

Có phải chăng, người ta không biết cái Tâm Linh hay cái thân chân thật của họ đã và đang lâm trọng bệnh?

Đức Phật nói: “Chúng sinh điên đảo”. Vậy, chúng ta có điên đảo không? Nếu tâm chúng ta không bệnh hay không điên đảo, thì làm gì có cái chuyện giả mà cho là thật, khổ mà cho là vui, vô thường mà tưởng là Thường… thậm chí không tự biết được mình là cái gì và ở đâu, để phải đam mê đắm chấp vào cái thân tứ đại vật chất giả hợp huyễn có nầy, cho đó là TA…!? (**)

Muốn biết cái Tâm của mình có bệnh, có điên đảo hay không, các bạn khỏi phải nhờ thầy thuốc hay bác sĩ chẩn đoán, rọi kiếng hay siêu âm hay nội soi gì cả, mà chỉ cần đợi người nhà ai nấy đều đi ngủ hết rồi. Các bạn vào trong màn ngồi xếp bằng, đừng suy nghĩ gì cả, nhắm kín hai con mắt thịt lại, đồng thời dùng con mắt tâm (tâm nhãn) hướng vào bên trong thân quan sát cho thật kỹ, xem coi trong đó im lặng như tờ hay ồn ào náo nhiệt như cái chợ một thứ!? Nếu như các bạn phát hiện trong đó có đủ thứ hết, như: tàu bè, xe cộ, núi sông, nói, cười, chửi, mắng, đua thuyền, đá banh, nghĩ bậy tưởng bạ hoặc ba thầy trò Tam Tạng trên đường đi thỉnh kinh, thì thì thầm thầm rối rối rít rít không bao giờ chịu ngừng nghỉ… thì các bạn nên biết rằng Tâm mình đã bị mất chính thường hay có bệnh đang phát cuồng đấy!?

Dĩ nhiên, thứ tâm bệnh nầy không phải là thứ “bệnh tâm thần” mà những người bị điên hoặc mất trí nhớ đang điều trị tại bệnh viện Chợ Quán hay biên Hòa mắc phải đâu. Xin chớ có lẫn lộn.

Các bạn cũng nên biết, những hình bóng lúc ẩn lúc hiện cũng như những thứ tự ngôn tự ngữ, tự nói tự rằng, nghĩ bậy tưởng bạ… như đã nói ở trên, Phật học gọi đó là “Vọng tưởng”, “Tạp niệm” hay “Hoặc + Nghiệp + Khổ”. Mà “Hoặc +Nghiệp + Khổ” hay là Vọng tưởng Tạp niệm cũng chỉ là tên khác của “Vô minh”.

Lại nữa, sáu cái nguyên nhân đem lại khổ đau và phiền não cho chúng sanh là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Tà kiến cùng những Tam chướng là: Nghiệp chướng, Báo chướng và Phiền não chướng cũng chỉ là sản phẩm hoặc tên khác của Vô minh! Do đó, chúng ta có thể nói, Vô minh hay Hoặc + Nghiệp + Khổ là một thứ vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm hơn vi trùng HIV, vi trùng bệnh AIDS kể cả bom nguyên tử gấp  muôn vạn lần. Bởi vì, bệnh HIV, AIDS hoặc bom nguyên tử dù có nguy hiểm đến đâu cũng chỉ có thể tiêu diệt một đời hoặc một kiếp của chúng ta mà thôi, chớ còn vô minh hay Hoặc + Nghiệp + Khổ đã âm thầm giết hại và làm cho chúng ta phải khổ đau phiền não từ vô thỉ nhẫn nay, khó mà có ai tính nổi là bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp!?

Đã là người học Phật, chắc ai cũng biết: Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh Sắc, Danh Sắc sinh Lục Nhập, Lục Nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử (Sinh khởi môn).

Chính vì thế cho nên, không có một chúng sinh nào mà không mắc phải tâm bệnh. Chúng ta hãy nghe Đức Lục Tổ Huệ Năng mở bày chỉ rõ (khai thị) như sau:
Phật nói tất cả pháp
Để trị tất cả tâm
Ta không tất cả tâm
Đâu cần tất cả pháp”.

Kinh Pháp Hoa cũng có nói Đức Phật là một ông thầy thuốc Vua của các thầy thuốc (Đại Y Vương). Như vậy, rõ ràng tu hành theo Phật đạo là Trị Tâm Bệnh. Bởi vì, Tâm có bệnh là Ta Bà khổ ải, còn Tâm hết bệnh (chính thường) tức là Tâm Thanh Tịnh mới được tự tại giải thoát, Liểu sinh thoát tử, ra khỏi vòng Luân hồi hay thành Phật làm Tổ.

Muốn Trị Tâm Bệnh các bạn phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ câu nói sau đây của Đức Thế Tôn:
Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên không chứng được. Nếu lìa Vọng Tưởng, thì vô Sư Trí, Nhất Thiết Trí… sẽ hiện bày, tha hồ mà thọ dụng”.

Qua lời dạy nêu trên của Đức Phật, chúng ta thấy:
-Đức tướng trí tuệ Như Lai là chỉ cho Pháp Thân, Pháp Giới Tính, Chân Tâm, Phật Tính, Vô Sư Trí, Tự Kỹ và Phật Tri Kiến…
-Có phải chăng, “Vọng tưởng” là “Tạp niệm”, là những thứ “Tâm ngữ” không hơi không tiếng rối rối rít rít không chịu ngừng dứt như đã nói ở trên, chính là Vô Minh hay Hoặc + Nghiệp + Khổ?
-Có phải chăng, khi lìa được Vọng tưởng Tạp niệm thì sẽ giáp mặt, nắm bắt được Vô Sư Trí, Chân Tâm mà Thiền tông gọi là Kiến Tính, Ngộ Đạo hoặc thấy được Đầu đường về Niết Bàn?
-Có phải chăng chúng ta lìa Vọng tưởng hay tiêu diệt Hoặc + Nghiệp + Khổ là vì: có Lão Tử bởi có Sinh, có Sinh bởi có Nghiệp, có Nghiệp là bởi có Vô Minh? (Hoàn diệt môn trong Thập Nhị Nhân Duyên).

Mà Vô Minh chính là “Hoặc + Nghiệp + Khổ”. Quán sát kỹ Hoặc + Nghiệp + Khổ, chúng ta sẽ thấy chúng có ba mà một, tuy một mà ba. Chúng chuyền níu nhau dẫn dắt chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi không có ngày dừng! Nếu như Nghiệp (Vô Minh) bị diệt sạch, thì Hoặc và Khổ cũng theo đó mà tan biến. Tâm bệnh đã trở nên chính thường, động cơ dẫn dắt đi tái sinh đã không còn nữa, thì làm gì còn có Sinh và Lão Tử nữa chứ!?

Thế mới biết, có thân là có khổ, không thân thì có lo gì!

Quả thật tu hành theo Phật là “Trị Tâm Bệnh”, nhưng tu hành như thế nào mới có thể trị được Tâm Bệnh, hành giả cần phải có con mắt sáng mới được? Nếu không khéo sẽ uổng phí thời giờ một cách vô ích! Thành thật mà nói, ai muốn tu pháp môn nào thì cứ mà tùy ý, nhưng khi nghe thấy nhiều người phát biểu: “Phật pháp có tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn, muốn tu pháp nào mà không được”, tôi không khỏi chấn động sợ hãi! Có phải chăng, “con đường nào cũng về tới Thủ đô!?”

Muốn trị tâm bệnh cho có kết quả tốt, tôi dám quả quyết rằng, chỉ có tu thiền của Phật mới là “Tẳng, Mau, Rõ, Đúng”. Còn việc muốn ngừng dứt hay tiêu diệt cho được Hoăc + Nghiệp + Khổ hay là lìa Vọng Tưởng Tạp niệm, để cho hành giả Kiến  Tính hay Ngộ Đạo dễ dàng, thì chỉ có Diệu Pháp giải thoát (***) mới có đủ khả năng giúp cho các bạn được mãn nguyện mà thôi!?

Tâm sinh thì các pháp sinh. Tâm bình thì thế giới bình!

--------
Ghi chú:
(*)Ai giáp mặt hay tìm ra nắm bắt được Pháp Thân là người Ngộ Đạo hay Kiến Tính.
(**)Cái thân vật chất nầy chỉ là một dụng cụ của TA, chằng khác gì cái áo, cái nhà…
(***)Trước đây có tên là Nhiếp Hóa Pháp, và Vô Niệm Pháp.

Thiền Sư THÍCH THANH PHƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét