14/11/2016

Vũ trụ quan dân tộc Mường



Người Mường , là một dân tộc sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, là thành viên của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Người Mường nói tiếng Mường, ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường trong ngữ chi Việt thuộc ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á.
Người Mường tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Dân số tại Việt Nam theo kết quả Điều tra dân số năm 2009 là 1.268.963 người.
Người Mường có quan hệ rất gần với người Kinh. Các nhà dân tộc học đưa ra giả thuyết người Mường và người Kinh có nguồn gốc chung là người Việt-Mường cổ.
Thời kỳ ngàn năm bắc thuộc thì bộ phận người cư trú ở miền núi ít bị Hán hóa, bảo tồn lối sống đến nay là người Mường, còn bộ phận ở trung du và đồng bằng có sự hòa trộn với người phương bắc về văn hóa và nhân chủng thì thành người Kinh. Quá trình chia tách Mường - Kinh, xác định theo ngôn ngữ học thì diễn ra từ Tk 7-8 và kết thúc vào Tk 12, thời Nhà Lý.
Một người phụ nữ Mường xưa
 Nếu không kể mường Pưa Tín và mường Bua Khú, là hai thế giới đã thôi ám ảnh người Việt từ lâu lắm rồi, thì vũ trụ quan Mường nguyên thủy chính là vũ trụ quan Việt truyền thống!
Cái “đặc điểm của tư duy tôn giáo Mường: óc thực tiễn, khuynh hướng phàm hóa siêu nhiên (...) nặng nhân tình”, cũng chính là đặc điểm của tư duy tôn giáo Việt!
Dân tộc Việt Nam vốn chỉ chú trọng hai thế giới: nơi ta đang sống và nơi khi chết ta “về”. “Thế giới bên kia” ta hình dung không khác thế giới bên này. Còn thần linh thì tuy dĩ nhiên rất kính sợ nhưng ta lại không hề chịu bỏ công “vẽ” ra một thiên đình tôn ti, hoành tráng như người Tàu đã làm.
Nên nhớ, rút cuộc, chưa có mảy may bằng chứng rằng Ngọc hoàng Thượng đế (hay đấng thiêng liêng nhất của bất kỳ tôn giáo nào) là “thực” hơn bà Mây bà Mưa bà Sấm bà Sét, hay ông Đá, trong tín ngưỡng dân gian của tổ tiên ta xưa kia!
Người Ấn xây xong Cực Lạc, người Tàu dựng xong thiên đình, rồi để đấy cho ai muốn tin thì tin. Có giống người kia cũng xây xây dựng dựng trong óc mình một chốn thật rực rỡ, xong dùng đủ cách bắt tất cả mọi người phải tin!(Thu Tứ)
Thực ra, trong văn học truyền miệng của người Mường, kể cả văn học tôn giáo, không có tác phẩm nào miêu tả vũ trụ (hoang đường) ấy. Ngay cả áng mo lớn “TÉ ĐẤT TÉ ĐÁC” (Đẻ Đất Đẻ Nước) mà chúng ta có thể xem phần đầu là thần thoại Mường cận đại đã cố định lại dưới hình thức lời thơ (1), cũng chỉ đề cập sơ lược đến việc tạo thiên lập địa, mà không hề cho ta biết vũ trụ được cấu trúc như thế nào.
Theo dõi diễn biến của tang lễ, thông qua đường đi nước bước của hồn người chết, cũng có thể biết một số vùng thuộc vũ trụ ấy. Nhưng một số vùng chưa phải là toàn bộ. May thay, tất cả các bố Mo, cũng như những cụ, kể cả những mế (bà), thạo cổ tích mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc đều thống nhất với nhau về những nét cơ bản, khi họ kể cho chúng tôi những gì họ biết được về vũ trụ huyền hoặc mà ta muốn tìm hiểu. Rõ ràng vũ trụ quan tôn giáo của người Mường còn cố định trong quan niệm dân gian (...) tập hợp và sàng lọc lại, có thể rút ra một cái “vốn” chung (...) Chúng ta sẽ thấy rằng đó là một quan niệm phức hợp, như nhiều mặt khác trong nền văn hóa phức hợp của người Mường.

Theo quan niệm cổ truyền của người Mường, vũ trụ chia làm ba tầng, ba khu vực khác nhau phân bố trên một trục dọc. 
Ở giữa là MƯƠNG PƯA (mường Pưa, nghĩa là mường bãi bằng, hay là mường bằng phẳng), thế giới của người sống.(2) Ở đây, người sống tập hợp lại thành NOÓC (mường, địa vực, gồm nhiều xóm) dưới sự cai quản của Lang, đẳng cấp thống trị, và Âu (Ậu), tay chân của Lang. Mường Pưa là khung cảnh địa lý quen thuộc của người Mường, là thung lũng và núi đồi, là ruộng nước và nương rẫy, là xóm, là mường, nhưng cũng là KE CHO (Kẻ Chợ) nữa. Và, trong quan niệm vũ trụ của họ, người Mường không hoàn toàn loại trừ địa bàn của những dân tộc khác, đặc biệt những dân tộc đã sống bên cạnh họ từ lâu đời, như CON TÁO (Con Đáo, tức người Thái).
Do đó, từ Pưa không hạn chế mường Pưa trong phạm vi thung lũng, nơi có nhiều bãi bằng. Có hạn chế chăng, là hạn chế trong phạm vi mặt đất, mặt phẳng, đối lập với trời ở bên trên và với lòng đất ở bên dưới (...)
MƯƠNG K”LƠI (mường Trời), ở bên trên mường Pưa, là nơi ngự trị của BUA K”LƠI (vua Trời), có các KEM (Kem) phò tá. Xã hội Mường cổ truyền không có vua, nhưng vì nhiều lý do lịch sử khái niệm “vua” rất quen thuộc với người Mường.(3) Trong mo Đẻ Đất Đẻ Nước mà chúng tôi vừa nhắc đến, nhân vật BUA GIT GIANG (vua Gịt Giàng), người đầu tiên xưng vua ở Kẻ Chợ, được xem là dòng dõi trực tiếp của TÁ CÂN (đá Cần, ông Cần), anh hùng văn hóa của thần thoại Mường cận đại. Chức Kem nêu rõ tính cách xã hội của vua Trời: tại đôi nơi trên địa bàn Mường (Hòa Bình), một số chức Ậu – tay chân của nhà Lang – được gọi là Kem (...) Vua Trời mang diện mạo một ông Lang: xã hội mường Trời là hồi quang của xã hội có thực, xã hội của những con người thực sống ở mường Pưa (...) Vua Trời và các Kem (...) không thể chết (...) thời gian ở mường Trời là vô tận. Nhưng không gian ở đây lại hữu hạn (...) “Mường Trời cũng có chỗ cùng” (...) trên đường xuống mường Pưa, có một con sông (...) khi lên trời, người chết phải vượt qua KHUÔÔNG KHANG PỆN KHẠN (sông Khàng bến Khạn).
Như vậy, giữa mường Trời, thế giới siêu nhiên, và mường Pưa, thế giới tự nhiên, có sẵn lối thông thương. Nhưng người sống không thể men theo lối đó mà lên mường Trời được. Đây là lối đi dành cho hồn người chết, vì lên mường Trời là một chặng đường trong hành trình của linh hồn đã thoát xác (...) (ngay) hồn người chết (...) cũng không thể bước vào địa hạt mường Trời, nếu không có (...) bố Mo (...) không có tác động của pháp thuật.
Thế giới bên dưới mặt đất, trong lòng đất, là MƯƠNG PƯA TÍN (mường Pưa Tín, nghĩa là mường bằng phẳng dưới). Tên gọi ấy cũng đủ để khiến ta ngờ rằng thế giới này không khác mấy so với thế giới trên mặt đất (mường Pưa: mường bằng phẳng). Mà quả vậy. 
Khu mộ đá Đống Thếch ở Kim Bôi, Hòa Bình, tương truyền là nơi chôn cất các quan lang người Mường)
Căn cứ vào lời miêu tả thống nhất của những người cung cấp tài liệu, chúng tôi hiểu mường Pưa Tín không phải là thế giới siêu nhiên. Ở đây có người và thú vật; người cũng săn bắn, đánh cá, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, sống, chết. Ở đây có nhà cửa, xóm, mường, Lang, Ậu. Mường Pưa Tín chẳng khác gì mường Pưa, ngoại trừ ở đây “con trâu chỉ bằng con chó, con bò bằng con mèo, người lớn bằng trẻ con mười ba mười bốn tuổi”.(1) Xưa kia, mường Pưa và mường Pưa Tín có lối thông thương với nhau: đấy là một cái RÔÔNG (cái rông, tức lối thông miệng tròn nối liền hai tầng cao thấp) nối liền mặt đất với thế giới bên dưới. Bấy giờ, người hai mường đi lại với nhau, có những trường hợp trai gái hai bên lấy nhau. Về sau, không rõ vì lý do gì – có người cho rằng vì tục lệ cưới xin khác nhau – người hai mường lấp lối thông thương, không đi lại với nhau nữa. 
Một thế giới bên dưới mặt đất, có cư dân, có cuộc sống, là hình ảnh quen thuộc, vốn có trong cổ tích, truyền thuyết, quan niệm dân gian của nhiều dân tộc ở nước ta: người Thái, người Tày, người Dao, người Giáy, người Pu Péo, nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, người Kinh và người Khơ-me ở Nam bộ...(2) Từ dân tộc này qua dân tộc khác, những chi tiết kể ra có thể khác nhau, nhưng xung quanh bản chất của thế giới ấy và những con người ở đấy, các dị bản đều thống nhất với nhau trên mấy nét chính:
1. Thế giới bên dưới mặt đất ấy không phải là âm ty, không phải là thế giới siêu nhiên của tinh linh. Thế giới bên dưới và thế giới trên mặt đất vốn là một, xưa kia có lối thông thương với nhau. Đáng lưu ý là, theo truyền thuyết của người Ê Đê và người Mạ, thì loài người vốn xuất phát từ thế giới bên dưới ấy, trước khi nhô lên từ lòng đất mà chiếm lĩnh mặt đất;
2. Cư dân của thế giới bên dưới có thể là những người tí hon (theo truyền thuyết Mường, Thái, Tày, Giáy, Dao, Pu Péo, Kinh và Khơ-me ở Nam bộ, Ba Na), hoặc bằng tầm vóc chúng ta (theo truyền thuyết Ê Đê và Mạ). Nhưng họ là những con người thực, bằng xương và bằng thịt; 
3. Dù giống thế giới trên mặt đất về bản chất, thế giới bên dưới vẫn thua kém thế giới của chúng ta (người bé tí, ăn đất, dùng đũa ta đánh rơi để làm cột nhà, viện đến sức mạnh của người trên mặt đất...).
Là thế giới vật chất vốn thông thương với mặt đất, và là môi trường thực, mường Pưa Tín ắt hẳn cùng một không gian (và thời gian?) với mường Pưa. Có lẽ chính vì tính chất thực này, mà có người muốn xem những “người lùn” dưới mặt đất là hình ảnh truyền thuyết hóa của những người Nê-gri-tô từng cư trú ở Đông Dương và Đông Nam Á. Sau đây, khi bàn đến đường đi của linh hồn người chết, chúng ta sẽ thấy rằng, dưới vỏ duy lý của nó, kiến giải này thực ra không có cơ sở chắc chắn.
MƯƠNG BUA KHÚ (mường Vua Khú) cũng là thế giới bên dưới, nhưng không phải dưới mặt đất, mà ở đáy nước. Đây là vương quốc của bọn KHÚ, dưới quyền cai quản của vua BUA KHÚ. Khú là nhân vật huyền hoặc thường xuất hiện trong cổ tích và chuyện truyền kỳ Mường dưới dạng rắn lớn ở nước. Nếu có thể nói rằng người tí hon ở mường Pưa Tín là người thực, có thể nói là người "bằng xương, bằng thịt", thì trái lại, bản chất của Khú khó xác định hơn nhiều.
Điều khiến chúng tôi lưu ý khi thăm hỏi là, mặc dầu Khú có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, trong ý thức của họ, người Mường không bao giờ tách khái niệm "Khú" khỏi hình tượngrắn gắn liền với nước. Mô tả cảnh khô cằn trong buổi khởi nguyên của trời đất, moĐẻ đất đẻ nước có câu:
"Chẳng có sông Li chảy lọt lá bài
Không có sông Cái chảy lọt lá de
Nước sông Đằm sông Đè chưa có
Bông cơm trái lúa chưa nên
Tiếng ếch nhái còn lặng im
Hang chưa có nơi nuôi khú
Núi đá chưa có chỗ nuôi rùa
Bên bãi bên gò
Chưa có chốn nuôi giải..."


Ở đây, Khú được xếp cạnh "sông", "cơm lúa", "ếch nhái", "rùa", "giải", những khái niệm có liên quan đến nước.Ngôn ngữ văn học Mường thường ghép hình tượng Khú với hình tượng Rồng (cũng là một thứ rắn) trong một thành ngữ có tính chất lấp láy: "CON KHÚ CON RÔÔNG" (con khú con rồng). Trong những chuyện Khú mà chúng tôi được nghe kể, dù mang hình dạng gì, nhưng khi đã bị người dùng mưu giết chết, hay khi đang ngủ, bao giờ Khú cũng trở lại nguyên hình con rắn. Như vậy, trên cơ bản, Khú là rắn to ở nước.
Rắn gắn với nước là một khái niệm có sẵn trong thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới, và có liên quan mật thiết với ý niệm phồn thực trong tín ngưỡng dân gian và các nghi lễ nông nghiệp: vấn đề này đã được nhiều lần sơ kết. Nguyên hình rắn của Khú có một đặc điểm: bao giờ cũng có một mào đỏ trên đầu như mào gà sống.
Qua công trình so sánh của C. Hentze, chúng ta đã biết rằng, cũng như rắn hai đầu và rắn hai thân, rắn có mào là một hình tượng thần thoại và một đồ án trang trí phổ biến khắp miền bao quanh Thái Bình Dương. Nhưng, trong cổ tích Mường, Khú không còn là khái niệm thần thoại, biểu trưng của thế giới bên dưới, thế giới sinh vật và bản năng nữa. Vuợt khỏi khuôn khổ lô-gích chặt chẽ của tư duy thần thoại, tràn vào địa hạt rộng rãi của tình đời trong cổ tích và chuyện truyền kỳ, Khú được nhân cách hóa ít nhiều, trở thành nhân vật có cá tính và lắm khi tai quái, đã thế lại có phép thần thông biến hóa, khi mang hình rắn, khi hiện hình người, khi vật vờ trên mặt sông thành những khúc LOÓNG (thân cây chuối) để đánh lừa người qua bến.
Những dạng biến hóa kể trên được phối hợp tài tình trong chuyện "Mế Cụt", một viên ngọc trong kho tàng truyện cổ Mường. Có những người, kể cả bố Mo, quả quyết với chúng tôi rằng Khú cũng là người như ta thôi, nhưng là người ờ dưới nước, đi đâu cũng phải mang lốt rắn. Một số chuyện về Vua Khú có thể khiến chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng đó, ví như chuyện người đi cày được mời xuống nước LA WẠI (làm vía, tức cúng) cho con Vua Khú. Dưới đáy nước, Vua Khú sống một cuộc đời vương giả, dưới hình dạng con người, trong những cung điện đầy báu vật.
Rõ ràng, trong cổ tích Mường, Vua Khú đã mang diện mạo của một "Long Vương" hay "Vua Thủy Tề" trong truyền thuyết của người Hán và những dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán. Như vậy, khái niệm Khú - con Khú thường - và khái niệm Vua Khú, tuy có chỗ giống nhau, nhưng đã khác nhau về mức độ siêu nhiên. Dù sao, cũng không thể xem muờng Vua Khú là một thế giới thực như mường Pưa Tín được. Tuy đã siêu nhiên hóa, thế giới dưới nước vẫn ở trong một không gian hữu hạn, một không gian rõ ràng bị hạn chế giữa mặt nước và đáy nước. Nhưng, sẵn uy lực phi thường, Khú có hai cách vượt khỏi hạn chế nói trên: một là mở rộng không gian của mình bằng cách dâng nước lên, nước dâng đến đâu Khú vẫy vùng đến đấy; hai là hóa thân thành người để đi vào thế giới của con người.
Ngược lại, người sống cũng có thể xuống thế giới dưới nước, nếu có Khú dẫn đường, trong trường hợp ấy, người sống cứ việc theo kẻ dẫn đường bước xuống nước, và khi đã ngập hoàn toàn anh ta sẽ thấy đường sá thênh thanh dẫn đến cung Vua Khú. Cũng có người kể rằng Khú cho người sống ngồi vào một cái thúng, xong một xoáy nước hút thúng xuống đáy, tận cung Vua Khú. Qua đó, ta thấy rằng, mặc dầu giữa mường Pưa và mường Vua Khú có những trường hợp đi lại với nhau, nhưng đây vẫn là hai thế giới cách biệt nhau bằng một hàng rào chỉ có thể vượt qua bằng pháp thuật.
Vậy thực ra vũ trụ quan Mường là ba tầng và năm thế giới, chứ không phải bốn thế giới.
Nguyễn Từ Chi nhận xét mường Trời "tính chất hầu như vô nghĩa (...) bắt nguồn từ Đạo giáo (và có lẽ cả Phật giáo nữa)", chứ không thuộc vào vũ trụ quan nguyên thủy của người Mường.

(Trích Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, VN, 2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét