Ta bà ha là Thành tựu. Khi trì niệm câu chú này, tất cả sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu.
“Ta bà ha” có nghĩa là “vô
trú”. Nghĩa “vô trú” này nằm trong ý nghĩa của câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ
tâm” trong Kinh Kim Cang. “Vô trú” nghĩa là không chấp trước, không vướng mắc
hay bám chấp một thứ gì cả.
Ta bà ha (Soa ha, xoa ha). Hán dịch có 6 nghĩa. Bất kỳ chữ này
xuất hiện ở bài Chú nào cũng có đủ 6 nghĩa này:
1. Nghĩa thứ nhất: “Thành tựu”. Khi
trì niệm câu chú này, tất cả sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu.
Nếu các bạn chưa có được sự cảm ứng khi hành trì, là do vì tâm chưa đạt đến sự
chí thành. Nếu các bạn có tâm chí thành và có niềm tin kiên cố, thì chắc chắn
sẽ được thành tựu. Nhưng chỉ cần móng khởi một chút tâm niệm không tin vào chú
này, thì không bao giờ được thành tựu.
2. Nghĩa thứ hai: “Cát tường”. Khi
hành giả niệm câu chú này thì mọi sự không tốt lành, đều trở thành tốt lành như
ý. Nhưng các bạn phải có lòng thành tín. Nếu các bạn có lòng thành tín hoặc nửa
tin nửa ngờ khi trì chú này thì chư Bồ tát đều biết rõ. Vì thế nếu các bạn muốn
mọi việc đều được đến chỗ thành tựu thì trước hết phải có niềm tin chắc thật.
Ví như khi cha của các bạn có bệnh, muốn cha mình được khỏi bệnh thì các bạn phải
hết sức thành tâm và chánh tin. Trì tụng chú này mới có cảm ứng.
Hoặc khi các bạn nghĩ rằng: “Từ
lâu mình chưa được gặp người bạn thân. Nay rất muốn gặp anh ta”. Các bạn niệm
chú này một cách chí thành, liền gặp bạn ngay. Hoặc các bạn nghĩ: “Ta chẳng có
người bạn nào cả, muốn có người bạn tốt”. Các bạn trì chú này một cách thành
tâm và liên tục, liền có được bạn lành, ngay cả gặp được thiện tri thức.
3. Nghĩa thứ ba là: “Viên tịch”. Khi các vị Tỳ kheo xả bỏ báo thân hoặc nhập Niết bàn
thì được gọi là “viên tịch”. Nhưng ở đây, chữ “viên tịch” không có nghĩa là
chết. Chẳng phải niệm câu chú Ta bà ha là để cầu sự viên tịch. Thế thì công
dụng của câu chú này là gì?
“Viên tịch” có nghĩa là “công vô
bất viên”. Là công đức của hành giả hoàn toàn viên mãn; “đức vô bất tịch” là
đức hạnh của hành giả đạt đến mức cao tột cực điểm. Chỉ có chư Phật và Bồ tát
mới biết được công hạnh rốt ráo tròn đầy ấy chứ hàng phàm phu không suy lường
được.
4. Nghĩa thứ tư là: “Tức tai”, nghĩa là mọi tai nạn đều được tiêu trừ.
5. Nghĩa thứ năm là: “Tăng ích”, là sự tăng trưởng lợi lạc của hành giả. Khi niệm câu Ta
bà ha thì công hạnh đều được tăng trưởng, hành giả sẽ đạt được chỗ lợi lạc an
vui.
6. Nghĩa thứ sáu của câu này là “vô trú”. Nghĩa “vô trú” này nằm trong ý
nghĩa của câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang. “Vô trú”
nghĩa là không chấp trước, không vướng mắc hay bám chấp một thứ gì cả.
Tâm vô trú là không có một niệm
chấp trước vào việc gì cả. Không chấp trước nghĩa là tâm tùy thuận với mọi
việc, thấy mọi việc đều là tốt đẹp.
Đây chính là trường hợp: “Vô vi
nhi vô bất vi” (không khởi niệm tác ý nhưng điều gì cũng được thành tựu). Vô
trú chính là vô vi theo nghĩa ở trên, và vô vi chính là vô trú.
Khi các bạn vừa móng khởi lên
một niệm tưởng, đừng nên vướng mắc vào một thứ gì cả, đó là nghĩa thứ sáu của
Ta bà ha. Các bạn đừng nên trụ vào các niệm tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu các
bạn có tất cả các tâm niệm trên thì phải nhanh chóng hàng phục chúng, chuyển
hóa chúng để tâm mình không còn trụ ở một niệm nào cả. Hàng phục, chuyển hóa
được những tâm niệm chúng sinh ấy gọi là vô trú.
Dùng cái gì để chinh phục chúng?
Dùng Bảo kiếm ấn pháp này để hàng phục, tức là dùng kiếm Trí tuệ để hàng phục.
Nếu các bạn muốn hàng phục Thiên
ma ngoại đạo thì trước hết các bạn phải chuyển hóa được mọi vọng tưởng của
mình. Khi các bạn chuyển hóa được vọng tưởng trong tâm mình, thì Thiên ma ngoại
đạo cũng được hàng phục luôn, cho dù chúng có muốn đến để quấy phá, chúng cũng
chẳng tìm được cách nào để hãm hại được cả.
Trên đây là 6 nghĩa của câu “Ta
bà ha”. Bất luận câu chú nào có chữ Ta bà ha đều mang đầy đủ 6 nghĩa trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét