Nếu tin
theo lời của một vài du khách có vội vàng khi nặng lòng mến yêu thủ đô thì ở Hà
Nội ấn tượng hình như đáng kể nhất, đơn giản nhất vẫn là “mái ngói thơm nâu”
hay “cây bàng lá đỏ”.
Tất
nhiên các “tua rít gia” còn kể lể nhiều thứ nữa. Này là sương loang hồ Tây, nào
là thu vàng ngõ nhỏ. Rồi thì công phu ẩm thực, rồi thì kỹ tính thú chơi. Hà Nội
đương nhiên đã và sẽ đầy đủ những thứ đó, nhưng cũng giống như một phức tạp
tuyệt đại mỹ nhân hay một thâm trầm kiệt hiệt anh hùng, cái vượt thoát khỏi sự
hay dở làm người ta tâm phục khẩu phục nửa kính nửa nhường lại hoàn toàn không
nằm ở chuyện múa may son phấn.
Người có
cốt cách Hồ Nội mang một phong độ rất riêng, nó là bản năng phố phường có được
từ “chất”:
Những
năm còn bao cấp sắp sửa manh nha sang đổi mới, dân chợ Giời rất hay dùng chữ
“chất” khi phải mặc định một giá trị gì. Ví như cái quần bò này “chất” nhỉ,
Lìvai Mỹ hay Kinngiô Thái. Hoặc siêu hình Xếchxi hơn, con bé ấy cực “chất”.
Vì thế
chỉ cần nghe một vài ngữ điệu giao tiếp người ở Hà Nội sành sỏi biết ngay người
đối thoại thuộc loại nào. “Chất chơi” hay “chất quê.” Thậm chí còn định vị đúng
anh/chị ta đang sống ở phố cổ hay ở rìa cửa ô. Những cao thủ khinh bạc ngửi,
rồi lọc lõi phán xét chính xác được về “chất” thường là những đàn ông có tuổi
ngoài năm mươi trở lên mà giới vỉa hè trân trọng gọi cũng như bọn họ trịnh
thượng tự nhận là cao bồi già Hà Nội.
Đó là
những ngoại hình trung niên, rất khó đoán tuổi đã ngoài sáu mươi hay ngoài bảy
mươi. Quần áo phẳng phiu hàng hiệu, hoặc là kiểu “đờ mi xe dông” (quần kaki áo
vest), hoặc một bộ đũi sáng sang trọng đĩ tính bật nổi ra khỏi cái hồi khó khăn
khi đồ cotton chưa lên ngôi. Bọn họ thích đi bộ, có lẽ cũng vì già, nhiều tay
phô phang thì tay cầm batoong, mồm ngậm tẩu, đầu đôi “phớt” dạ và dưới thắt
lưng da nâu có thấp thoáng một sợi dây xích sáng trắng từ cái đồng hồ quả quýt
nắp bạc.
Bọn họ
ăn sáng ở linh tinh các quán, các hàng rong, nơi những ông chủ bà chủ nổi tiếng
nấu ngon cùng tài nhớ mặt khách, rồi khệnh khạng đi tới một hàng cà phê quen.
Có điều, tất cả những hàng này, bắt buộc những hàng này phải trong bán kính một, hai ki-lô-mét quanh hồ Hoàn Kiềm.
Lờ mờ
trong khói thuốc thơm câu chuyện của bọn họ khá tục, không phải vì bọn họ hay
đệm mà do các chất trải nghiệm kẻ chợ cay đắng kiêu bạc đến mức tàn nhẫn. Phần
nữa là bọn họ thường bỏ học dở dang, bởi người đã đúng là kẻ chợ thì tuy khát
khao tôn trọng yêu trí thức nhưng hoàn toàn lại lười ngại để trở thành trí
thức.
Do hầu
hết xuất thân ở những gia đình dư giả có truyền thống buôn bán nên cho dù gia
đình đang lụi bại xập xệ tất thẩy bọn họ đều ham chơi. Cái hỗn danh “mải chơi”
không hẳn chỉ dành cho một người và xung quanh “hỗn danh” này có không biết bao
nhiêu truyền kỳ phảng phất hoang đường.
Có một
đôi ngoại tình yêu nhau không còn trẻ lắm đến chơi nhà một tay cao bồi già. Hồi
ấy Hà Nội chưa có nhà nghỉ. Tay cao bồi ở trong một biệt thự cũ đang nhếch nhác
chia năm xẻ bẩy nhưng vẫn có phòng riêng. Cặp tình nhân đưa ít tiền cho tay cao
bồi đi mua đồ ăn trưa. Sau khi cẩn thận khóa cửa (phần lớn cao bồi thường ghét
và khinh hàng xóm), tay này đi ra chợ Hàng Bè thì gặp đám bạn ngẫu hứng rủ đi
Sài Gòn. Anh ta nhận lời ngay, lên tầu Thống Nhất đi luôn một tháng. Khỏi cần
phải kể nỗi khổ kinh hoàng của đôi tình nhân bị nhốt kia trong suốt tháng ấy.
Tuy mải chơi nhưng không hiểu sao các ông cao bồi toàn đẻ ra con cái (cả trong
và ngoài giá thú) luôn luôn thành đạt. Ở Hà Nội hôm nay, đám con cái ấy đều
phát tài thành cự phú. Bọn chúng đồng thanh bảo đấy là nhờ hấp thụ được cái sắc
sảo lăn lộn tinh quái của người cha. Thảng trong đám đó có đứa phát phúc học
hành, đàng hoàng làm giáo sư làm tiến sĩ.
Do bản
chất tài hoa, đám cao bồi hầu hết tinh tế ham thích âm nhạc văn thơ hội họa.
Thơ bọn họ chua chát trắng trợn hiểu người nên mặt lạ lắm.
Không vênh vang mặt giai không sợ.
Không giáo giở lòng gái không thương.
Đây là
hai câu vào loại nhẹ nhất trong bài thơ có nhan đề “Đời có ra chi mà đ… chửi”
của một chân chính cao bồi ngoài bát thập. Và cũng chính từ họ, đám trẻ của Hà
Nội nghìn năm văn hiến mới hiểu được câu thành ngữ khét tiếng “Gái Hàng Khoai,
trai Hàng Lược.” Vì thế, cao bồi già thường nhìn các nhà “Hà Nội học” bằng cái
nhìn “đểu”. Với họ, những nhà đấy ngoài việc thuộc tên phố thì còn lại chẳng
biết cái quái gì.
Ngày
nay, lớp cao bồi già đang dần dần tự tuyệt tự. Chẳng biết họ hay hay dở, nhưng
bọn họ xứng đáng được ghi vào sách đỏ để bảo vệ giữ gìn như một loài khác lạ
quý hiếm. Bởi không có họ, cũng như không có kẻ cắp chợ Đồng Xuân hoặc “phe
phẩy” chợ Giời, Hà Nội sẽ vĩnh viễn mất đi một khoảng trống bi tráng nhố nhăng.
Mà nhố
nhăng là một đặc tính làm nên một đô thị lớn, Vũ Trọng Phụng chuyên viết về cao
bồi gốc Hà Nội đã bảo vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét