Bài và ảnh : Nguyen Huu Bao
Không ít
người Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ mỗi lần đi qua ngã sáu đầu vườn hoa Vạn
Xuân (vườn hoa Hàng Đậu), không biết
là “cái gì đây” khi thấy một khối hình trụ có chóp nón được xây bằng đá xanh
trông hao hao một cái tháp của lâu đài châu Âu thời trung cổ. Chẳng biết có tự
bao giờ, nhưng khi còn bé cách đây hơn nửa thế kỉ tôi đã được biết đó là cái
đài nước.
Nhân một
lần đến Xí nghiệp Kinh doanh Nước Sạch quận Hoàn Kiếm ở số 8 phố Đinh Công
Tráng để kí hợp đồng nước, tôi giật mình vì ở đó cũng có một đài nước giống hệt
như ở Hàng Đậu, cả về tỉ lệ lẫn hình hài kiến trúc. Trí tò mò lần tìm dĩ vãng
trong tôi trỗi dậy. Thế là một công đôi việc, từ tư cách khách hàng tôi chuyển
sang tư cách nhà báo, và thật may mắn được ông Nguyễn Trí Khoa (người Hà Nội gốc),
Phó Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, cung cấp tiểu sử hai ngôi tháp nước cổ
này.
Những
năm từ 1894 trở về trước, nước sinh hoạt của Hà Nội lấy từ nguồn sông, hồ, ao
được đánh phèn. Khu phố cổ sử dụng nước giếng (ngày nay vẫn còn một số giếng từ
thời đó và vẫn được sử dụng). Để tránh dịch bệnh từ nguồn nước đã từng xảy ra
trước đó ở Hà Nội, nơi có khoảng 12 nghìn quân sĩ Pháp đang đồn trú, trong qui
hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, người Pháp ưu tiên công trình nước sạch và thành
lập một Ủy ban đặc biệt để khảo sát các nguồn nước. Hai địa điểm được chọn làm
nhà máy Nước đầu tiên là :
- Yên
Phụ, cung cấp nước sạch cho quân sĩ trong thành và khu phố cổ.
- Đồn
Thủy cung cấp nước sạch cho khu Nhượng địa (phần đất triều đình nhà Nguyễn cắt
dành cho thực dân Pháp), nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 ngày nay) và khu
phố Tây.
Joseph
Bédat (1857 - 1927), một nhà thầu lớn đã trúng thầu xây dựng cả nhà máy lẫn đài
nước.
Cả hai
đài nước đó được xây dựng vào năm 1894. Trước đó Pháp quyết định phá thành Hà
Nội để xây tổng hành dinh. Cô Tư Hồng, một “me Tây” trúng thầu phá dỡ. Những
vật liệu như đá xanh, gạch vồ tháo dỡ từ thành Hà Nội được tái sử dụng xây
nhiều công trình khác như tường bao Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các công sở, biệt
thự, ... trong đó có :
- Tháp
nước Hàng Đậu, người Pháp hay gọi là Đài Đầu (Réservoir de tête) trực thuộc Nhà
máy nước Yên Phụ vì ở đầu thành phố.
- Tháp
nước Đồn Thủy - người Pháp gọi là Đài Cuối (Réservoir de queue) trực thuộc Nhà
máy nước Đồn Thủy, vì ở cuối thành phố.
Cả hai
tháp tường đá đều cao 21,30 m (kể cả chóp nón là 25 m), đường kính 19 m. Dưới
chân đài có cổng ra vào kết cấu vòm.
Lần đầu
tiên tôi được bước chân qua cổng tháp nước Hàng Đậu vào bên trong. Định thần
một lúc để làm quen với không gian vừa âm u, rờn rợn vừa kì ảo.
Các đường
nét kiến trúc và kết cấu dần dần hiện ra nhờ ánh sáng từ các cửa sổ nhỏ trên
cao. Một trụ xây bằng đá xanh nữa bên trong cách trụ ngoài khoảng 2,5 m, được
giằng với trụ ngoài bằng những bức tường đá có các cửa vòm để có thể đi vòng
quanh đài cộng với những thanh thép giằng nối hai trụ để đỡ đáy bể nước trên
cao có sức chứa 1250 m3, nước được bơm lên từ nhà máy nước. Một ống trụ bằng
thép dày đường kính khoảng 40 cm thông nước từ đáy bể xuống chân đài để từ đó
tỏa đi các nơi.
Khu phố
cổ thời đó chưa có ống dẫn nước vào các nhà riêng nên nước sạch chỉ tới các vòi
nước công cộng được đúc bằng gang phân bổ theo cụm dân cư, sau này mới dẫn vào
từng nhà, lắp công-tơ để tính tiền. Nhà cổ Hà Nội thời đó chủ yếu là 1 - 2
tầng, hãn hữu có nhà 3 tầng, do đó nước chảy từ đài cao xuống tạo áp lực cơ học
đẩy nước lên tầng, không cần máy bơm như bây giờ.
Nay hai
tháp nước cổ Hà Nội không còn được sử dụng nữa vì không phù hợp với nhu cầu
hiện tại. Chức năng tháp nước Hàng Đậu nay như một “bùng binh” phân luồng giao
thông tại ngã sáu đó. Nhưng có thể nói nó là bước đột phá trong qui hoạch văn
minh đô thị.
Những
công trình xây dựng thời kì Pháp thuộc, trong đó có hai tháp nước cổ nói trên
như một dấu ấn lịch sử phát triển đô thị hiện đại. Phải quan niệm đó là một
phần di sản vật thể của Hà Nội cần được bảo tồn.
(Đã đăng trên tạp chí Heritage)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét