11/12/2024

Vài mẹo dân gian xưa các Cụ ta hay dùng trong đời sống

 Dựa theo VIỆT NAM PHONG TỤC của tác giả Phan Kế Bính.

Các mẹo dân gian là một dạng tri thức truyền khẩu được lưu truyền nơi bản địa, xuất phát từ đời sống tín ngưỡng của con người. Do xuất phát từ tín ngưỡng nên đa số các mẹo dân gian đều không có căn cứ khoa học mà chỉ dựa vào sự quan sát và niềm tin của người thực hiện. Âu đây cũng là một nét văn hoá của người Việt ta; nay trong thời đại số hoá này cũng chỉ là để nhắc, biết mà thôi.

- Mẹo tránh sét: Khi trời mưa to có tiếng sét, động thấy chớp nhoáng thì gọi là “bập bập” vài tiếng, để ông thiên lôi sợ mà trốn đi chỗ khác.

- Mẹo chống bão: Khi bão to, nhà lung lay mạnh thì lấy đôi đũa cả mà chống vào hai chân cột cái thì nhà không đổ được.

- Mẹo chữa bệnh: Trẻ nấc, con giai uống bảy ngụm nước, con gái uống chín ngụm nước thì khỏi. Trẻ hóc xương, lấy cái đũa cả xới cơm gõ vào đầu ông táo thì khỏi. Mắt có bụi, vạch mắt đọc một câu “Cái gẩy ở trên giời, rơi xuống đất, mất cái gẩy” rồi thì tự nhiên khỏi.

- Mẹo trấn ác mộng. Đêm nằm mộng thấy sự gì độc ác sợ hãi, tỉnh dậy đừng nên nói gì, uống một ngụm nước, ngoảnh về phía Đông mà nhổ thì dẫu mộng ác cũng hóa ra mộng lành.

- Mẹo giục cây ra quả. Cây giồng lâu chưa có quả, muốn cho có quả thì chờ đến ngày Đoan ngọ, một người trèo trên cây, một người cầm vồ khảo dưới gốc cây ba cái, hỏi đã chịu nảy quả chưa, người trên cây nói chịu, sang năm tự khắc có quả.

- Mẹo nuôi súc vật: Mua mèo hoặc chó con về nuôi, mới đem về phải ôm nó và bắt nó vái lạy các con chó lớn và dặn nó: “Từ rày không được cắn em nhé” như thế thì nó không cắn. Gà mới mua về mà thả, chặt đuôi chôn trước cửa bếp thì gà không đi mất.

Tham khảo thêm trong cuốn sách VIỆT NAM PHONG TỤC của tác giả Phan Kế Bính.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét