30/03/2025

Áo lụa


Thi sĩ Bàng Bá Lân (1912-1988), 

tên thật là Nguyễn Xuân Lân; là nhà thơ, nhà giáo, và là nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

 


Vì đu trend "Bắc Bling" nên st ảnh ra minh họa

Ngừng viết, nhìn lên: Mắt rạng ngời

Lắng nghe nhè nhẹ bước chân ai.

Đôi tà áo lụa bay trong nắng

Tha thướt mình tơ lướt cửa ngoài.

 

Em đẹp làm sao! Vóc dáng thon,

Đôi vai thuôn mịn, cánh tay tròn.

Lưng mềm não nuột đường tơ óng,

Uyển chuyển ngồi, đi, dáng trẻ son.

 

Ai dệt nên tơ lụa nõn nà,

Nhẹ nhàng, êm dịu, mát như da.

Ai khâu chiếc áo vừa xinh quá

Phô hết đường cong vóc ngọc ngà.

 

Ta nhớ chiều kia dưới nắng trăng

Cúi dâng tà áo nhẹ tay cầm

Mơ màng ngỡ nắm tơ trăng biếc,

Áo lụa ngời trăng đẹp mỹ nhân.

 

Áo lụa còn đây, người ở đâu?

Buồn thương vuốt lại nếp tơ nhầu.

Chút thừa hương phấn còn lưu luyến,

Gợi mãi tình xưa để nhớ nhau!

 

Tìm mãi trong tơ vóc dáng thon

Đôi tay thuôn mịn, cánh tay tròn

Lưng mềm não nuột đường tơ óng...

Ngắn ngủi duyên hờ... vạt áo con!

 

Kỹ năng phòng, tránh khi động đất xảy ra


 

28/03/2025

Bảo vật từ thời Tây Sơn

 

 
 
Con dao khi được trưng bày ở Chọn Auction (63 phồ Hàm Long, Hà Nội)
 

 

Con dao găm này có từ thế kỉ 18, được làm bằng vàng và nạm 36 viên hổ phách. Kích thước 40 x 10 cm, thuộc sở hữu tư nhân, từng xuất hiện tại một số triển lãm. Lần gần nhất con dao được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019). Phần cán dao được chạm hình hai người là 1 người Chăm và 1 người Kinh đấu lưng vào nhau. Phía bên phải bao dao chạm hình chim, tương tự tạo hình chim Garuda - linh vật của người Chăm. Bên trái dao chạm hình rồng, dường như đại diện cho linh vật của người Việt.

Theo chia sẻ từ chủ sở hữu cũ của con dao găm, ông mua con dao này vào năm 2005 từ một già làng Bana - hậu duệ của người Chăm tại huyện Kbang. Vị già làng cũng kể con dao này là món quà anh em nhà Tây Sơn tặng bà chúa Hỏa (thủ lĩnh người Chăm xứ Hỏa Xá - khu vực miền núi phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, kéo dài tới Cheo Reo, Kon Tum ngày nay). Trong phiên đấu giá của Chọn Auction diễn ra tối 24/11/2019 tại Hà Nội, con dao này đã được bán với giá 249.000 USD (khoảng 5,791 tỷ đồng).

Con dao găm đấu giá được xác định là một loại Kris, dao găm/đoản kiếm hộ thân, phổ biến ở các nền văn hóa quần đảo Malay, nhưng cũng có thể thấy ở các khu vực lân cận nhờ giao thương. Ngoài công dụng là một khí giới, nó còn mang ý nghĩa tâm linh, được tin là sẽ đem lại sự may mắn, sức mạnh, và quyền lực cho những ai mang bên mình.

 

 

25/03/2025

Nữ giám đốc bị mất việc vì một câu nói của ông quét rác

 ST

 

 

ảnh minh họa từ trang Giác ngộ

 

Một người phụ nữ hơn 40 tuổi sang trọng quý phái dẫn theo đứa con trai đi đến hoa viên ở lầu dưới một cao ốc, vốn là tổng bộ xí nghiệp nổi tiếng tại Thượng Hải, ngồi xuống một chiếc ghế dài ăn đồ.

Một lúc sau, người phụ nữ vứt một mẩu giấy vụn xuống đất, cách đó không xa có một ông lão đang quét rác, ông không nói lời nào, đi đến lượm mẩu giấy đó lên, và bỏ nó vào trong thùng rác bên cạnh.

Lại qua một lúc nữa, người phụ nữ lại vứt một mẩu giấy nữa. Ông lão một lần nữa lại đi đến nhặt mẩu giấy đó lên bỏ vào trong thùng rác. Cứ như vậy, ông lão đã lượm ba lần liên tục.

Người phụ nữ chỉ vào ông lão, và nói với cậu con trai mình rằng: “Đã nhìn thấy chưa, con bây giờ nếu không cố gắng học hành, tương lai sẽ giống như ông ta, chẳng có tiền đồ gì cả, mà chỉ có thể làm cái công việc thấp kém này thôi!”.

Ông lão nghe xong liền buông cây chổi xuống, đi đến nói: “Chào cô, nơi đây là hoa viên tư gia của tập đoàn này, cô đã vào đây như thế nào vậy?”.

Người phụ nữ trung niên cao ngạo nói: “Tôi là giám đốc bộ môn vừa mới được tuyển vào đây”.

Lúc này, một người đàn ông vội vàng đi đến, rất mực cung kính đứng trước mặt ông lão. Nói với ông lão rằng: “Tổng giám đốc, hội nghị sắp bắt đầu rồi!”.

Ông lão nói: “Tôi đề nghị hãy cách chức người đàn bà này ngay lập tức!”.

Người đó luôn miệng nói: “Vâng, tôi sẽ lập tức làm theo chỉ thị của ngài!”.

Ông lão dặn dò xong, liền đi thẳng đến chỗ cậu bé, ông đưa tay sờ sờ đầu của cậu, nói một cách ngụ ý sâu xa rằng:

Ông mong cháu hiểu rằng, điều quan trọng nhất trên đời này là cần phải học biết tôn trọng mỗi người và thành quả lao động của họ”.

Người phụ nữ trung niên sang trọng đó kinh ngạc đến ngây người trước sự việc diễn ra trước mắt.

Một lúc sau bà vẫn ngồi liệt trên chiếc ghế dài, nếu như biết đó là tổng giám đốc thì nhất định bà sẽ không có cái thái độ vô lễ đến như vậy.

Nhưng bà đã làm rồi, hơn nữa còn làm trước mặt của tổng giám đốc đang trong thân phận một người làm vườn. Tại sao vậy? Lẽ nào là bởi sự sang hèn của thân phận chăng?

Tôn trọng mỗi một người, chớ lấy thân phận mà phân biệt, đây là thói quen của bạn, vốn là điều không thể giả được, nó sẽ luôn để lộ ra một mặt chân thật trong nhân cách của bạn.

Tài sản là thứ không vững bền, học được cách tôn trọng mới là tài sản của một đời vậy. Đó mới là cảnh giới cao nhất của đời người.