Đến tuổi trung niên, để tránh sự nhàm chán và rèn luyện trí não, mình bắt đầu tìm hiểu một ngôn ngữ vừa lạ lẫm vừa quen thuộc – chữ Hán. Từ đó, mình dần bị cuốn hút bởi thư pháp Trung Hoa. Càng khám phá, mình càng thấy thú vị, và rồi nhận ra rằng hóa ra thư pháp không chỉ tồn tại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Điều này không sai, nhưng chưa đủ. Thư pháp không chỉ là đặc sản của phương Đông mà còn xuất hiện ở phương Tây và thế giới Ả Rập, với lịch sử lâu đời. Đây là một nghệ thuật vượt qua không gian, thời gian cùng văn hóa, phản ánh sự sáng tạo của con người trong việc nâng tầm chữ viết từ công cụ giao tiếp thành biểu tượng thẩm mỹ.
Thôi thì biết đến đâu thì nói đến đó, có gì sai mong các bạn bỏ qua nhé.
Thư pháp ra đời không lâu sau khi chữ viết được hình thành. Từ nhu cầu trình bày văn bản sao cho rõ ràng và trang nhã, con người dần tiến đến mưu cầu cái đẹp, tạo nên những phong cách viết chữ độc đáo gắn liền với cá tính và văn hóa từng vùng miền. Đây chính là khởi nguồn cho sự đa dạng của nghệ thuật thư pháp trên khắp thế giới.
Thư pháp Ả Rập - Hồi giáo: Gắn bó mật thiết với chữ Ả Rập và kinh Koran (Qur'an), thư pháp Hồi giáo được xem là một trong những nghệ thuật cao quý nhất trong văn hóa Hồi giáo. Nó không chỉ là phương tiện truyền tải ngôn ngữ mà còn là cách thể hiện đức tin, trang trí các công trình tôn giáo như nhà thờ Hồi giáo, cung điện, hay thậm chí trên ngói, thảm, đá. Thư pháp Ả Rập thường được viết từ phải sang trái, với bố cục linh hoạt tùy thuộc vào chủ đề và thể loại.

Một đoạn kinh Qur'an được ghi bằng chữ Kufic vào thế kỉ IX dưới Triều đại Abbasid
Thư pháp phương Tây: Phát triển dựa trên chữ La Mã - Latinh và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Thiên Chúa giáo, thư pháp phương Tây đề cao sự chuẩn mực và tỷ lệ. Các nét chữ được nắn nót, bố cục thường theo chiều ngang từ trái sang phải, phản ánh tinh thần khoa học và trật tự của văn hóa phương Tây.
Trang đầu tiên trong bức thư của Phao-lô gửi Phi-lê-môn trong Kinh Thánh Rochester (thế kỷ 12).
Thư pháp Trung Hoa: Là biểu tượng của trí thức và quyền lực, thư pháp Trung Hoa gắn liền với chữ Hán và tư tưởng Nho học. Xưa kia, đây là đặc quyền của các sĩ tử đỗ đạt khoa cử hoặc tầng lớp vương quyền, giàu có; người viết chữ không thuộc giới này thường chỉ được xem là “người bán chữ”. Bố cục thư pháp Trung Hoa theo kiểu truyền thống từ thời thẻ tre: viết và đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Ảnh hưởng của nó lan rộng sang các nước trong vùng Hán văn như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Bút pháp Tô Đông Pha thời Tống.
Thư pháp Việt Nam: Bên cạnh việc sử dụng chữ Hán, Nôm như một phần di sản văn hóa, Việt Nam gần đây còn sáng tạo thư pháp bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, điều này đôi khi bị những người am hiểu Hán Nôm truyền thống đánh giá là xu thời, thiếu chiều sâu so với thư pháp cổ điển.
Sắc phong đời Cảnh Hưng - vua Lê Hiển Tông.
Mỗi nền thư pháp đều mang dấu ấn riêng qua cách sử dụng công cụ và phong cách thể hiện:
Phương Tây: Sử dụng bút lông, cọ, ê-ke, compa, thước kẻ cùng các chất liệu như da, giấy và mực. Sự chính xác và cân đối là yếu tố cốt lõi, tạo nên những tác phẩm tinh tế nhưng không kém phần trang nghiêm.
Trung Hoa: Nổi tiếng với “văn phòng tứ bảo”: giấy, mực, bút lông và nghiên mực – cùng con dấu (triện) làm điểm nhấn. Thư pháp Trung Hoa không chỉ là viết chữ mà còn là vẽ tranh (thủy mặc…), thể hiện tâm hồn và khí chất của người cầm bút.
Hồi giáo: Đa dạng hơn với bút sậy, bút tre, bút đầu kim loại, và các bề mặt như giấy, da, ngói, bình, thảm, đá. Sự phóng khoáng trong bố cục và tính ứng dụng cao khiến thư pháp Hồi giáo vừa thực dụng vừa giàu tính nghệ thuật.
Vậy nên, theo mình thì Thư pháp không chỉ là nghệ thuật viết chữ mà còn là tấm gương phản chiếu lịch sử, tôn giáo và tư tưởng của từng nền văn minh. Nếu thư pháp Hồi giáo tôn vinh đức tin, thư pháp phương Tây ca ngợi sự chuẩn mực, thì thư pháp Trung Hoa lại là biểu tượng của trí tuệ và quyền uy. Ở Việt Nam, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong thư pháp cho thấy khả năng thích nghi và sáng tạo của con người Việt mình.
Dù khác biệt về phong cách hay công cụ, thư pháp trên đời có chung một điểm: đó là khát vọng biến những nét chữ giản đơn thành một tác phẩm nghệ thuật. Chính điều này đã khiến thư pháp không chỉ tồn tại qua hàng ngàn năm mà còn tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét