11/11/2022

Sự trả thù ngay và nhanh - phần 3

 Tuấn Long


Nói thật, trong đồ mang theo người, lúc nào mình cũng có 1 cái súng cao su loại thửa riêng và vài chục viên bi sắt. Nhưng chưa bao giờ mình dùng để bắn chim chóc hoặc là động vật...Mặc dù mình bắn tương đối chính xác trong vòng 20m – nó chỉ để phòng thân tầm xa mà thôi.

Nhìn thằng con trai ném chết chú sóc con mình rất tức giận. Chưa kịp tỏ thái độ thì chợt nghe tiếng chít…chói chang.

Con sóc mẹ quay phắc người lại, khuôn mặt nhuốm nhem máu. Đôi mắt to tròn, long lên dữ tợn nhìn thẳng vào thằng con trai. Nó lao vút tới, mạnh mẽ và quyết liệt. 2 chân trước xòe ra – người và đuôi thẳng tắp như mũi tên, chỉ 3 bước nhảy đã lao thẳng vào mặt thằng kia.

Sống lưng mình lạnh toát. Sự căm thù của người mẹ thật dữ dội, có lẽ ở con người cũng đến thế là cùng. Bất chấp sự chênh lệch thế lực, sống chết.

Thằng con trai vung mạnh tay, hất văng con sóc ra xa. Lăn xuống đất mấy vòng, con sóc lại quay ngoắt người, tấn công mạnh mẽ lần nữa - rồi lại văng ra xa. 

Thằng con trai hoảng hốt xì xồ với đứa con gái, rồi 2 đứa vội vã lên xe nổ máy, phóng chạy. Con sóc phóng theo, một bước nhanh, lao thẳng lên đầu con bé, làm nó hét váng lên. Rồi con sóc chuyền sang đầu thằng con trai, cào như bới đất, làm xước mặt, tóe máu nó. 

Chiếc xe phóng nhanh, loạng choạng đổ xuống, trượt dài đến vỉa ta luy mới văng lại đường, hất mạnh 2 đứa nằm xõng xoài, bất động.

Chuyện lớn rồi, lại có yếu tố nước ngoài nữa. Mình khóa xe tại chỗ, rồi chạy nhanh tới. Nhìn 2 đứa có vẻ chỉ bị ngất tạm thời. Con sóc thấy  mình lao tới vội vàng vọt về chỗ mấy đứa sóc con...

Mình đề khí, hống lớn: Có ai không - Cứu với. Ba lần như thế, tiếng kêu được núi đá vọng vang xa hơn, hiệu quả hơn.

Lúc sau từ đầu đường có bóng mấy chú công an và người dân đi xe máy lao tới. Mình huơ tay ra hiệu và chỉ hiện trường.

Lúc nữa thì họ gọi được y tế đến. 2 đứa cũng chỉ bị choáng ngất, cũng không bị thương gì trừ mấy vết xước xát trên người và mặt.

Công an tách riêng, hỏi rõ mình về sự việc xảy ra. Mình cũng chỉ hàm hồ nói: Đang đi, thấy phía trước, 2 đứa nhỏ phóng nhanh, rồi không hiểu lý do gì mà ngã lăn ra vậy. Mình chỉ xe máy mình cách đó 50m để chứng minh là mình chả liên quan, mà chỉ là người chứng kiến và hô hoán thôi.

Quan sát hiện trường từ chỗ xe mình, họ xác định mình không liên quan. Hỏi giấy tờ, lý do có mặt ở vùng này rồi lưu số điện thoại và cho đi thôi. Sau này cũng không thấy ai hỏi han đến nữa.

Thật là trò nghịch dại mà nhận hậu quả tai hại. 

Người làm, Trời nhìn - Trời có mắt. 

Vạn vật hữu linh  - chúng sinh bình đẳng.

Nếu không có dải ta luy, 2 đứa rơi xuống vực thì không biết hậu quả như thế nào ?

Lần đó, ở lại vui chơi với dân bản 2 ngày, rất nhiều kỷ niệm đẹp.

Lúc về, bà con lưu luyến gửi bọc to đùng thức ăn và quà - thế này đi đường không lo mất tiền ăn quà rồi.

Không dừng ở Than Uyên, cứ thẳng đường về Hà Nội. Đâu có cảnh đẹp thì đỗ lại, dở thức ăn ra nhắm và ngắm cảnh. Đường về thanh thản hơn nên tối hôm đó đã có mặt ở nhà.

Tuấn Long




09/11/2022

Nhân Tâm

 st trên net

 

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần một người đàn ông ghé vào nhà tôi xin tiền. Ông nói ở quê lên đây chữa bệnh, giờ đã mất hết tiền rồi, không còn tiền về quê nên ông phải đi xin. Mẹ tôi đưa cho ông số tiền ít ỏi bà có và hỏi ông ăn cơm chưa rồi bảo tôi xới cho ông bát cơm nguội với mắm. Bà lấy cho ông cái áo của anh tôi cho ông ấy mặc…

Ông ăn xong, cầm cái áo và tiền cứ vừa đi thụt lùi ra cổng vừa chắp tay chấp bái vừa nói: “Tôi đội ơn cô, cầu Trời Phật ban phước cho nhà mình….!”*

Với một đứa trẻ ở quê, đó là một câu chuyện lạ, tôi tò mò níu áo Mẹ, – “Mẹ, ông ấy quê ở đâu…? Ông ấy bị bệnh gì…? Ông ấy đi xin được nhiều tiền không…?”

Mẹ mỉm cười: “Mẹ không hỏi.”

-“Tại sao Mẹ không hỏi…?”

-“Ừ, người ta xa quê, rơi vào cảnh khốn cùng thì hỏi về quê hương là đụng vào nỗi đau của họ. Người thành đạt rất tự hào khi nói về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, người sa cơ thì xấu hổ khi nói về quê của mình. Mình cho người ta có một chút mà mình lại chạm vào nỗi đau, nỗi xấu hổ của người ta thì không phải, không đúng. Làm vậy là ác tâm…!”

Tôi lại băn khoăn: “Ông ấy sắp chết hả Mẹ…? Ông ấy có xin đủ tiền về quê không…?”

Mẹ nhìn xa xăm… “Ừ, phần lớn con người dù có thế nào thì vẫn muốn khi mất, được chôn trên mảnh đất nơi mình sinh ra, nơi chôn nhao cắt rốn… Cái đó gọi là tình yêu quê hương….! À, lúc nãy con đưa cho chú ấy bát cơm bằng một tay rồi chạy biến đi không mời là sai đấy nhé…!” Tôi xấu hổ dụi mặt vào ngực Mẹ. Bà nghiêm khắc: “Tại sao con được dạy đưa đồ cho người lớn phải đưa bằng hai tay mà hôm nay con lại chỉ đưa bát cơm bằng một tay cho chú…? Chú ấy đi xin, nhưng không có nghĩa là con được phép đưa đồ cho chú bằng một tay…

Làm vậy người ta sẽ nghĩ Mẹ không biết dạy con tôn trọng lễ phép với người lớn tuổi. Hôm nay, người ta phải đi xin hay sắp chết thì con người vẫn luôn có phẩm giá của họ. Con không được khinh khi người ta vì biết đâu sau này mình sẽ như họ…!” Tôi càng xấu hổ và rúc sâu hơn vào lòng Mẹ vì biết mình sai…

Ngày bé, những bài học Mẹ dạy cứ nhẹ nhàng như vậy nhưng nó đi vào đầu tôi và ở đó, không thể quên. Những bài học đã hình thành nên tính cách, con người của tôi hiện tại. Khi lớn, tôi mới hiểu hết những lời dặn và sự tinh tế trong cách cư xử, trong các bài học của Mẹ. Nó cũng làm cho tôi nhận biết người có nhân tâm hay ác tâm, tinh tế hay hời hợt qua hành vi, lời nói, cách ứng xử, hành động, hành vi của họ chứ không phải nhân danh việc của họ làm.

Khi chịu khó để ý, suy nghĩ để nhận ra đâu là hành động xuất phát từ nhân tâm, đâu là từ nhân danh nhân tâm, ta sẽ thấy có rất nhiều việc làm nhân danh nhân tâm nhưng thật ra nó lại phục vụ cho một mưu toan, mục đích khác…

Đôi khi chúng ta để cho bản thân bị đánh lừa và khi số đông bị lừa thì nó sẽ là tai hoạ cho xã hội, cho cả dân tộc…

Tôi khát khao, các bài học trong môn văn học và giáo dục công dân là những bài học đơn sơ như thế, để con người có thể phân định rõ các giá trị và trả nó về đúng giá trị của nó, dần loại bỏ các hành động nhân danh để xã hội là một xã hội trung thực và nhân văn đúng nghĩa…!

 

08/11/2022

Cách ăn theo mùa của người xứ Bắc.

Trương Việt Anh.

(đây là quan điểm riêng của tác giả, nên tôi không biên tập)

 

 (Mình chưa đồng ý với tác giả vì: Nói chung, ăn theo mùa là đương nhiên từ xa xưa, nay do công nghệ và thương mại nên ăn theo mùa là không đúng với đa số dân thành thị, cả như Hà Nội. Nói riêng, ăn theo mùa, không cứ dân Hà Nội, dân miền Tây Nam bộ cũng vậy, rất đặc sắc...)

Hà Nội vốn là dân kẻ chợ nên người nơi đây rất sành ăn, lại có vị trí trung tâm của vùng đồng bằng Bắc bộ, nên thực phẩm chế biến rất đa dạng, từ thủy hải sản, cho đến lâm thổ sản, vừa có đồ khô dùng trong chế biến, kết hợp với các đồ tươi sống theo mùa ở quanh Hà nội.

Mùa nào thức ấy, các bà các cô luôn mua những thực phẩm ngon lành nhất về thổi hồn cho những món ngon gia đình.

Từ thời xa xưa, đã nghe bà, mẹ kể lại những món ngon cổ truyền, cho đến thời bao cấp, con gái chúng tôi điều đầu tiên là phải học cách đi chợ, học cách lựa chọn mua đồ chợ, bởi bao giờ cũng có hai loại đồ ngon và không ngon, lá nếp hay tẻ, gà ngon hay gà già, rau ao hay rau sông, đồ cho người ăn hay đồ nuôi gia súc… rồi thịt mua thế nào, tươi hay bị cũ... từng ngày, từng buổi chợ, các cụ truyền dạy vốn sống đấy, rất kỹ và rất riêng. Khi mua nguyên liệu về, phải biết phối hợp kỹ, món nào đi với món nào, không được ghép tùy hứng.

Hôm nay đọc được bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, cả một bầu trời kỷ niệm ùa về trong tôi, có những thứ tưởng như đã ngủ yên… đó là món cà nén gói trong những mảnh lá sen già. Đọc đến đấy, ôi chao, nhớ sao là nhớ!

Món cà ngày ấy là những quả cà xanh được muối chua với riềng, lại nén bằng những hòn đá nặng đến óp hết quả cà mặn, trắng phau trong những chum sành nhỏ, trên cùng là nan tre đan thành cái đậy rất duyên. Hôm nào đi chợ tôi cũng ghé hàng cà pháo nén giòn tan, dưa củ cải muối chua vàng óng, cà bát nén, củ xu hào, rồi dưa gang nén, những cây dưa cải muối cả cây to để nấu canh dưa…

Ngày trước khi muối cà dưa, người xưa làm kỹ lắm, không ào ào muối xổi cho nhanh, rồi bỏ vào túi ni lông như bây giờ.

Nhà tôi cạnh làng Láng, nơi có những mớ rau thơm nhỏ, gói bán thơm phức, những sóc cua đồng, những mớ rau bọc trong lạt bằng thân chuối… những bìa đậu trắng ngà… cuộc sống lúc bấy giờ tuy nghèo nhưng bữa cơm luôn đẹp mắt và thơm mùi vị.

Tôi nhớ Làng Láng, nhớ chợ Cống mộc, làng Quan nhân, làng ven Đường láng ngày ấy với những ngôi nhà có vườn rộng, ao rộng nhiều cây ăn quả, nhiều luống rau thơm gia vị, rau muống , mùng tơi , giàn mướp … đường làng lát gạch nghiêng và những cánh đồng lúa thơm ngát mùa lúa chín … ngày nay đô thị hoá mọi cảnh vật đã khác xa .

Chợ Cống mộc gần nơi tôi ở là nơi tập trung bán sản vật đủ các làng xung quanh mang tới, làng Láng, Nhân Chính, Quan Nhân, Mọc, Cót… ngày nào tôi cũng được dạo chợ quê vài vòng nên nhớ rất rõ những hình ảnh ấy trong đầu. Những hình ảnh bu gà đan bằng tre, người bán cân xong làm thịt luôn tại chợ, những sóc cua đủ loại cua cái, con đực càng to, cua đá là màu ghi, cua mầu đỏ… bao giờ cũng có mướp, rau đay, mùng tơi, khoai sọ, rau rút, cà chua, sấu non… để nấu với món này.

Về các món chua của Hà Nội thì mùa nào thức nấy, mùa hè là mùa sấu non, muỗm non, quả dọc nướng, quả thanh trà, quả nhót, quả dứa, quả me xanh, lá me… người Hà Nội rất thích canh rau luộc,nấu canh chua nên các loại quả, lá chua cho vào canh luộc để lấy nước chua ăn với cà pháo.

Đến mùa đông, ai cũng mong chờ các loại rau bắp cải, xu hào, khoai tây, cà chua nhờ thời tiết rét đậm và chất đất miền bắc nên vị của các loại rau này ngon tuyệt vời, nhớ nhất là món lá bắp cải già thái nhỏ, muối với rau răm, rồi hành lá cắt khúc 4 phân, hành củ muối, kiệu muối, rau cần muối… thôi thì đủ loại. Loại nào cũng ngon, cũng thơm.

Bắp cải luộc chấm trứng, khoai tây, cà rốt, bí xanh nấu với xương lợn hay nước dùng gà.

Khoai tây mùa đông Hà nội cứ bở và ngọt thỉu đi, nấu canh cũng ngon mà xào không với hành cũng ngon tuyệt, rồi hoa lơ đơn xào thịt bò và cần tây, tỏi tây, hành tây thơm ngào ngạt.

Ngày xưa khó khăn ăn súp lơ xào mà ngon hơn thịt ( giờ toàn súp lơ kép Đà Lạt, khan hiếm loại súp lơ đơn ngày xưa )

Nhìn thấy xu hào lại nhớ món nem rán tuyệt vời !

Không có xu hào có thể thay bằng giá đỗ, ngày xưa các cụ mang cả chum làm giá đỗ và lá che phủ bên trên ra chợ sàng sẩy, bỏ vỏ đậu xanh cân bán cho khách, các cụ làm thuần khiết theo lối cổ truyền nên ăn yên tâm không giống bây giờ.

Mùa đông là mùa của món thịt đông đặc trưng hoặc giò thủ tự đông do thời tiết lạnh của ngày đông chứ không cần cho tủ lạnh ( sẽ bị lẫn mùi các thực phẩm khác), và thịt đông ăn kèm với dưa bắp cải muối và hành muối ngon tuyệt.

Và mùa đông cũng là mùa để nấu những món canh dưa với lạc, sườn lợn, bạc nhạc bò hoặc cá

Món bò nấu sốt vang cũng thật hợp ăn với bánh mỳ

Món ba tê béo ngậy ăn với dăm bông , bơ và bánh mỳ ròn rụm kèm tương ớt cay, ngọt.

Mùa đông là nhà nhà quây quần nấu giả cầy ,lươn, ốc , ếch với chuối đậu mắm tôm, mẻ nghệ , giềng ăn kèm với bún

Các loại bánh lá buộc lạt tre và để trên các thúng giá cũng đan bằng tre hết, thời khó khăn đói kém nên tuyệt nhiên không thấy nhựa và dây ni lông, túi ni lông cũng ít, toàn gói lá chuối, lá dong, lá sen, lá bàng, lá mít, lá khoai… ấy vậy mà khiến người ta phải nhung, phải nhớ.

Người đi chợ thì xách theo cái làn, cái giỏ cói… dùng đi dùng lại cả năm vẫn còn lành lặn.

Do dùng toàn đồ từ tự nhiên, nên nhà nào nhà nấy phải qua mấy ngày mới đổ rác, vì đã nuôi lợn gà ăn hết rau dư và thức ăn thực phẩm thừa…

Mùa sen thì có hạt sen tươi, nhãn lồng Hưng Yên mang lên thì hay nấu chè sen nhãn, chim hay vịt nhồi hạt sen tươi, gạo nếp hay cốm, nấm hương, miến, thịt băm bên trong tần nhỏ lửa thơm lừng.

Vào mùa vịt cỏ, món ngon này cũng rẻ nữa, dễ dàng đem nấu bún măng hoặc nấu sấu, khoai sọ rau rút, hoặc lọc ra thái miếng kho với húng lìu ăn cơm.

Cốm non chấm chuối tiêu, hoặc cho chút thịt băm trộn trứng tráng nữa, quấy tí bột sắn dây loãng xong rắc cốm để nguội thành chè cốm, hoặc làm cốm xào đường ăn vào bữa nhỡ buổi chiều.

Mùa hoa bưởi thì ướp với mía, rồi mùa rươi làm chả rươi với vỏ quýt. Mùa củ niễng thì xào củ niễng với trứng hay thịt ăn với cơm gạo mới gặt ngon tuyệt.

Món nào cũng theo mùa mới có, nhất là rau, món cà tím tròn nấu bung với đậu tẩm nghệ nướng, thịt ba chỉ, chút mẻ, tía tô lá lốt… từng món ngon theo mùa cứ thế phát triển, được những gia đình người quê gìn giữ rất tự nhiên, mùa nào thức nấy.

Mỗi món ăn sẽ càng thêm ngon, nếu thực phẩm thời trân, kết hợp đúng loại chế biến cổ truyền còn tuyệt biết nhường nào.

Tôi sẽ cố gắng ghi nhớ các món ngon ngày xưa của người xứ Bắc, để có dịp lại rủ nhau nấu nướng cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu.

Giờ đây cuộc sống công nghiệp hơn, người ta không còn chú ý đi chợ và tập trung nấu ăn nữa nên vị ngon cổ truyền đang dần mất đi. Chợ quê nào cũng thấy tập trung bán cho số lượng khách hàng là công nhân các nhà máy, ăn thật đơn giản, tiện lợi và rẻ nữa, chỗ nào cũng quay thịt gà vịt kiểu Lạng Sơn, rồi tối muộn 7,8 giờ vẫn bán thực phẩm cho mọi người đi làm về đi chợ, làm sao ngon được. Nghĩ cũng tội.

  


06/11/2022

Sự trả thù ngay và nhanh - phần 2

 Tuấn Long


Không nghĩ, đôi trẻ kia có ý đợi mình. Thấy mình ra xe, họ tiến tới xủng xoảng với mình, nhìn thái độ và ánh mắt như nói muốn cùng mình đồng hành. Mình bèn dùng tiếng phổ biến của người Thái – Tày - Choang: Ná đẩy a, mí mì á… và pây khoai nhé… ra ý mình quen độc hành.

Bà chủ che miệng, gập người cười, ánh mắt lấp lánh tựa chị hai Quan họ hát bài Người ơi người ở đừng về vậy. (chém gió tý)

Với vẻ thất vọng, nhưng họ cũng nổ máy xe, ngồi đợi mình xuất phát. Tùy thôi – đường ai nấy đi mà.

Trời vẫn nắng chói chang, nóng rát như là mặt trời gần sát đầu thì phải. Trước mặt, đường nhựa sáng như gương, hắt lên lấp lánh. Quen rồi, với lại đeo kính râm chuyên dụng cho phượt nên không ảnh hưởng lắm. Mình tạm duy trì tốc độ 40km/h cho an toàn, dù đường ở đây vắng.

Nói nhỏ với các bạn, đây là một trong những trục đường buôn lậu trọng điểm, vận chuyển thuốc phiện và các loại ma túy từ bên Ai Lao sang, nên không hề đơn giản. Công an thường xuyên tuần tra và họ dùng súng AK nhé. Nếu bị nghi ngờ, không tuân theo yêu cầu dừng lại, họ sẽ bắn chỉ thiên đó; lúc sau thôi, từ 2 đầu đường sẽ có đủ loại phương tiện và người lao đến…Còn lũ buôn hàng cấm thì cũng chả thiếu gì hàng nóng như lựu đạn và súng các loại. Nếu không may gặp phải cả hai phía đấu súng thì phiền hà không nhỏ đâu, vì là đạn thật đó (mình gặp một lần trên đường 6 - mạn Sơn La, may có kinh nghiệm nên vưỡn tồn tại).

Thấy tốc độ mình thấp, 2 đứa trẻ kia vọt qua, nhưng cũng không nhiều. Đi độ 30 phút thì đường bắt đầu vào đoạn nguy hiểm, nhiều dốc – đèo quanh co. Một bên là núi cao, dốc đứng. Một bên là vực với độ sâu vài chục mét là ít; vì có đoạn, mình ngó xuống thấy bóng người ngắn như bao thuốc lá (vậy phải khoảng 100m).

Nhưng vì mình trực chỉ đường theo hướng Bắc, nên có khi gặp dãy núi, ánh mặt trời bị núi che thành ra đường râm mát. Thích lắm, do khuất bóng nên cảnh hiện ra hùng vĩ. Khí trời thoáng đãng, tinh khiết, trong lành vô cùng (hãy Đi và Thấy). Ruộng bậc thang, rừng cây, rồi suối, núi và những bản làng nhỏ bé… xuất hiện như cảnh tiên vậy. Phải dừng lại chụp thôi để ghi lại những khoảng khắc không hề dễ gặp trong đời. Thân quen nhưng vẫn lạ lẫm vô cùng.

Đi Phượt bụi một mình mới cảm thụ được những khoảng khắc như vậy. Đi theo nhóm, bị gò bó và ồn ào, những lời bình phẩm nhạt nhẽo; sao thấy được tiếng gió, tiếng rừng núi, tiếng chim vang lừng phía xa hoặc chí chóe gần bên… Ta nghe được, hòa vào cùng thiên nhiên mà tâm trạng ta cũng thư thái, buông xả vậy.

Đồng điệu cùng tự nhiên không dễ có được à.

Chợt thấy phía trước 2 thanh niên dừng lại, tay chỉ chỏ về phía vạt rừng cây ven đường vẻ hứng thú. Mình dừng lại cách họ khoảng hai chục mét, ngó nghiêng theo. Đằng nào cũng phải dừng lại uống nước, trời nóng quá - bà chủ lúc nãy treo vào xe chai nước chè 1,5l, bảo: Để anh đi đường uống cho nhớ vị nhà em !!! (lại chém)

Có một gia đình sóc 4 con đang đùa nghịch trên cây vẻ hứng thú. Nhìn kỹ, có lẽ một mẹ và 3 con sóc con. Chúng hồn nhiên chạy nhảy vui thú, vun vút trên mấy cành cây pơ mu cánh đường khoảng chục mét, không để ý đến người đang đứng gần đấy. Dạn thật, mà vui mắt.

Hai thanh niên xuống xe, lấy máy ảnh chụp với vẻ thích thú.

Mình định nổ xe máy đi tiếp thì chợt thấy thằng con trai cúi người, nhặt hòn đá ven đường, miệng xì xồ với đứa con gái. Đứa con gái níu tay thằng con trai vẻ không đồng ý. Thằng đàn ông cười toe toét, giằng tay ra, rồi lại xi xồ vẻ trấn an. Thấy đứa con gái không phản ứng, thằng đàn đông quay người về phía lũ sóc. Vung tay mạnh mẽ một cách tương đối có nghề.

Hòn đá vung thẳng ra như viên đạn. Nhưng dù sao với khoảng cách 10m cũng đã chả còn bao nhiêu lực, dù vậy cũng đủ mạnh mẽ đập vào đầu chú sóc con nhỏ bé.

Con sóc nhỏ văng nghiêng, tóe máu, rơi xuống tảng đá vàng dưới gốc cây. Nảy lên rồi mới rơi xuống lần nữa. Nằm im, không thấy biểu hiện động đậy nào.

Sóc mẹ lao xuống, rụi đầu vào đứa con. Nó như cố lăn cho chú sóc con ngồi dậy, nhưng không được. Sóc con mềm oặt, lăn theo đầu rũi của mẹ. 

Nó đã chết vì hòn đá to đập mạnh vào cái đầu nhỏ tý như trứng chim cút.

Thằng con trai trợn mắt, há mồm to vẻ như ngạc nhiên, như đắc ý lại như vô tội. Lúc sau, hai đứa nhìn về phía mình với vẻ mặt phân bua: Đây chỉ là tai nạn. Chắc chúng nghĩ: Chỉ là con vật nhỏ bé, vô tích sự

Tuấn Long



 

05/11/2022

Cao lâu - tửu điếm xưa ở Hà Nội thời thuộc Pháp

  Bảo Thư (Tạ Thu Phong)


Những năm đầu thế kỉ XX, Hà Nội có rất nhiều tiệm cao lâu của người Hoa. Các tiệm này theo chân những “chú Khách” sang Việt Nam tránh chiến tranh loạn lạc. “Cao lâu” có nghĩa là ngôi nhà có lầu cao, dùng để chỉ những quán ăn của người Hoa. Lâu ngày, nhắc đến cao lâu chả ai còn nhớ đến nghĩa đen của nó nữa mà chỉ gợi đến hình ảnh của tiệm ăn bóng nhờn mỡ với những món thịt quay hay mằn thắn thơm phức của chú Khách rốn lồi.

Thông thường các tiệm cao lâu có hai lầu. Bề ngoài cơ bản giống nhau, nhưng bên trong mỗi tiệm có cách bài trí riêng. Khu vực khách ăn uống được xếp trên lầu 2, dưới nhà là quầy thu tiền, chỗ nấu nướng và nơi bán lẻ đồ ăn như thịt quay, bánh bao, bánh ngọt cho người mua mang về. Đôi khi khách đông quá thì chủ quán cho kê một vài bàn giáp chân cầu thang dưới nhà để phục vụ.

Khi mới xuất hiện ở Việt Nam, cao lâu chỉ là quán ăn bình dân lộn xộn và mất vệ sinh. Tường ám khói đen nhẻm, cầu thang, tay vịn và sàn nhà luôn nhầy mỡ, lâu ngày những chất cặn thức ăn, mồ hôi, mỡ thừa cáu lại dưới sàn thành một thứ hỗn hợp đen quánh, bóng nhờn. Sự mất vệ sinh này có lẽ xuất phát từ thói quen sinh hoạt không mấy sạch sẽ của các chủ tiệm người Hoa.

Chú bồi bàn (còn gọi là "tiểu nhị" hay "hầu sáng") luôn có cái khăn màu cháo lòng vắt vai dùng để lau bàn, lau ghế và lau cả mồ hôi trên mặt nữa. Gọi đồ ăn cho bếp, báo tính tiền cho khách, bồi bàn đều phát cái loa mồm ông ổng xuống dưới nhà. Tiệm ăn lúc nào cũng ầm ĩ, huyên náo.

Vì lẽ này mà món ăn của tiệm cao lâu dù rất ngon nhưng sự ồn ào mất vệ sinh không phù hợp với phong cách tinh tế, lịch sự của người Hà Nội, nhất là thực khách thuộc tầng lớp thượng lưu.

Mãi đến độ chiến tranh Trung - Nhật cuối thập niên 1930, các chính khách Trung Hoa Dân Quốc và những người Hoa lắm tiền chạy loạn sang Việt Nam, thì các tiệm cao lâu mới bắt đầu chú ý đến bài trí và vệ sinh sạch đẹp, để phục vụ khách sang trọng. Một số tiệm cao lâu còn tổ chức sòng bạc (phán thán) cho khách giải trí. Nhiều tiệm còn thuê cả ca nữ người Hoa thậm chí là gái điếm phục vụ khách cao cấp.

Nói đến tiệm cao lâu nổi tiếng của Hà Nội xưa phải kể đến Quảng Sinh Long trên phố Hàng Hài (nay là nhà số 16 phố Hàng Bông). Quảng Sinh Long nổi tiếng với món chim quay ngọt mềm. Hãy thử tưởng tượng trong cái lạnh lẽo mùa Đông xứ Bắc, ngồi trên lầu cao nhìn mưa bay lất phất mà nâng chén Mai Quế Lộ nâu sánh, ngắm nghía cái mềm béo ngon ngọt của chim quay Quảng Sinh Long thì còn gì thú bằng.



Nhà văn Vũ Bằng, trên tạp chí Văn học số Xuân năm 1971 (xuất bản ở Sài Gòn) kể rằng, mỗi lần đi ăn tiệm cao lâu cùng Nguyễn Tuân thì “quả là không chịu được”. Ngày tất niên, nhà văn tài hoa họ Nguyễn thường mời bạn bè ra Quảng Sinh Long uống Mai Quế Lộ, đồ ăn là mấy con chim quay. Nguyễn Tuân chỉ ăn mấy cái chân, còn bao nhiêu nhường cho bạn bè tất. Kết thúc của bữa tiệc tất niên này thì bạn bè ai cũng đói vì chủ nhân chả gọi thêm món gì.



Gần Quảng Sinh Long là tiệm Tự Hưng Lâu (nay là nhà số 23 phố Hàng Bông), nổi tiếng với món thịt bò xào cải làn và cơm lá sen, đây cũng là địa chỉ quen thuộc của các văn nghệ sĩ tiền chiến.

Nhưng phố Bông Hài không phải là nơi có nhiều tiệm cao lâu. Người Hà Nội xưa mỗi lần muốn đãi bạn cho “sang sang một tí” vẫn rủ nhau lên phố Khách (phố Hàng Buồm). Đây đích thực mới là “tửu điếm trà đình” của Hà Nội. Trong các tiệm cao lâu phố Hàng Buồm nổi tiếng phải kể đến Đông Hưng Viên Đại Tửu Gia (nhà số 88) với món cánh gà rán da giòn và thịt quay rất mềm thơm. Nhưng làm nên tên tuổi của Đông Hưng Viên không phải là thịt quay hay cánh gà chiên giòn mà là bánh ngọt. Vào dịp Tết Trung Thu, tiệm bánh của hiệu này đông nghịt. Nhà văn Thượng Sỹ (Nguyễn Đức Long) rất “nghiện” món bánh ngọt của Đông Hưng Viên, trưa nào cũng phải đảo qua Hàng Buồm làm cái bánh ngọt của tiệm này rồi mới đi đâu thì đi. Tiệm Đông Hưng Viên cũng là địa chỉ quen thuộc của Nguyễn Tuân. Trên căn gác của tiệm, từng trang bản thảo tiểu thuyết Thiếu Quê Hương (năm 1940) đăng trên Hà Nội Tân Văn lần lượt ra đời.

Sau năm 1954, tiệm Đông Hưng Viên được thay thế bằng hiệu ăn Kim Môn. Tiệm này phá bỏ cách bài trí cổ, thiết kế theo lối tân thời với cầu thang dát kim loại màu vàng, trải thảm. Sạch sẽ và sang trọng đấy, nhưng sự hấp dẫn của món cánh gà rán và bánh ngọt ngày xưa thì không còn nữa.

Phố Hàng Buồm còn có tiệm Tự Lạc Hiên cũng rất đông khách. Nếu Quảng Sinh Long có món chim quay, Đông Hưng Viên với cánh gà rán thì Tự Lạc Hiên thu hút khách bởi các món điểm tâm buổi sáng như bánh bao, xíu mại, mằn thắn và đặc biệt là buổi trưa uống trà Tàu nhấm nháp với bánh ngọt. Ngoài ra còn rất nhiều tiệm cao lâu khác như Nhật Tân Lâu (nhà số 47), Hồ Tiên Lâu, Di Hinh Lâu, Tây Nam Tửu Gia (nhà số 100), Phú Lai, Mỹ Kinh (nhà số 74), Tây Hồ (nhà số 72), … tạo nên nét ẩm thực độc đáo của Hà Nội.

Đặc trưng của các tiệm cao lâu là món ăn được chế biến bằng nhiều loại gia vị công phu, cầu kì. Để khêu gợi tính tò mò và câu khách, các món ăn được đặt tên rất lạ tai. Chẳng hạn tiệm Đông Hưng Viên có món “Giăng năm nhũ cáp”, hoặc “Qua lục ngư câu”; tiệm Mỹ Kinh có món “Thảo quần điệp vũ”; …

Phố Hàng Buồm cũng nổi tiếng với món thịt quay của người Hoa. Ngạn ngữ Hà Nội có câu : “Thịt sơn son, dưa cuộn tròn”, chỉ sự kết hợp hoàn mĩ của hai cực phẩm ẩm thực Hà Nội là thịt quay Hàng Buồm và dưa cải Hồ Tây. Thịt quay Hàng Buồm, ngoài bì vàng ruộm giòn tan, ăn với dưa cuộn tròn là thứ dưa cải trồng ở vùng hồ Tây được muối chua, thì không gì ngon bằng.

Năm 1945, trong sự kiện “Hoa quân nhập Việt”, một số đầu bếp người Hoa từ Vân Nam theo chân tướng Lư Hán mang đến món ăn lạ đối với người Hà Thành. Đó là món hủ tíu “Ngẩu pín phàn” với nguyên liệu là… bộ phận sinh sản của bò đực. Món ăn độc và lạ này ngay lập tức trở nên rất thu hút giới sành ăn ở Hà Nội, bởi vậy trong thực đơn của các quán ăn người Hoa không thể thiếu “Ngẩu pín phàn”, món ăn này giúp chủ quán thu bộn tiền.

Năm 1954, nhiều chủ tiệm cao lâu người Hoa di cư vào Nam, trong đó có tiệm Đông Hưng Viên. Ông chủ tiệm này vào Sài Gòn mở tiệm bánh ngọt ở khu vực chợ Bến Thành và bí quyết làm bánh ngọt được ông ghi chép lại và truyền cho người con gái thứ bảy tên là Hoàng Thị Loan.

[...]

Các tiệm cao lâu ngày xưa chẳng còn chút dấu vết ngoài hàng thịt quay của hiệu Vạn Thành ở nhà số 108. Những Quảng Sinh Long, Đông Hưng Viên, Tự Lạc Hiên, ... nổi tiếng ngày nào giờ chỉ còn trong hoài niệm của thế hệ cao niên.

Mà thế hệ cao niên giờ cũng chẳng còn mấy nữa rồi.

 



04/11/2022

Sự trả thù ngay và nhanh - phần 1

Tuấn Long




Năm 20xx, mình nhận được lời của một ông bạn người Thái trên Lai Châu mời lên dự đám cưới con trai. Nói ra cũng dài dòng lắm.

Mình lên Lai Châu cũng 6, 7 lần gì đó, chỉ đi một mình  (Phượt bụi mà), nhưng 2 lần gần đấy gặp nhiều sự kiện, có nhiều kỷ niệm đẹp nên mình trở thành người bạn của một bản người Thái nơi đây. 

Bản này cũng khá lớn, cách đường cái khoản 5 - 7km, ở nơi địa thế đẹp, có suối, có núi, lại gần cánh rừng nguyên sinh rất rộng với dân cư khoảng 200 - 300 người. Núi ở đây là đá vôi nên suối rộng (tất nhiên giữa dòng vẫn có nhiều đá lô nhô) nhiều vũng nhỏ, rất trong và có nhiều cá - một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Thái. 

Vì là núi đá vôi nên dân bản không lo sạt lở khi lũ về; bởi vậy bản này tồn tại khá lâu năm, từ hồi ông Đèo Văn Long còn thống trị. Họ nói đây là bản gốc, các chi thứ đều đã ra ngoài lâp bản khác từ nhiều đời rồi. Cũng may là bản này không có Đạo mà vẫn thờ cúng truyền thống nên mình an tâm kết giao.

Sau đó, có công chuyện gì họ cũng thông báo và mời mình lên tham dự, trân trọng lắm. Vẫn còn đang công tác, rất khó thu xếp đi được (mỗi lần đi ít nhất cũng mất 3 ngày) nên toàn phải gọi điện và thi thoảng gửi thư viết tay lên để Bản thông cảm mà vẫn giữ được nghĩa tình. Lần này khó từ chối vì ông bạn (không dám nói tuổi vì mình hơn cậu ta một giáp, nhưng vất vả, thiếu thống nên nom già hơn mình nhiều - thứ nữa, họ lấy vợ sớm, nên con lập gia đình cũng sớm) là người có vai vế trong bản, lại thân nữa. Thế là thu xếp công việc đi thôi.

Từ Hà Nội theo đường 32, đến thị trấn Than Uyên cũng quá Ngọ (khoảng 300km gì đó – dùng điện thoại cùi nên không có GPS). Phải nghỉ ở đây hồi phục năng lượng, với lại độ 4 - 5h chiều cũng sẽ có mặt ở bản. Ngày hôm đó tạnh ráo, nhưng trời nắng, rất nóng, tạo cảm giác khô rát. May có kinh nghiệm và cũng đã quen đường trường nên mình cũng không ể oải lắm.

Vào quán mọi khi vẫn ghé khi lên đây (cô chủ đảm, nhanh nhẹn và chế biến món ăn ngon...), rửa mặt cho mát mẻ rồi gọi cút rượu, đĩa măng nộm và bảo nhà chủ chần tái cho nửa cân thịt bò với nước phở, thêm nhiều hành tước nhỏ và tiêu (món này giúp nhanh khôi phục năng lượng, ăn mềm, dễ tiêu hóa hơn – mình nghĩ thế, theo truyện Miếng bít tết của Jack London)

May quá, cô chủ vẫn nhận ra mình nên nhiệt tình lắm – quen vẫn hơn là thế. Món này chấm với chẩm chéo và mấy hạt dổi dầm nhỏ do cô chủ ưu ái thì thôi rồi - dưới xuôi, ngồi với mấy ông bạn thì có đi nửa yến thịt.

Ấy, cái vui của kẻ giang hồ vặt chỉ lụn vụn vậy thôi mà hay lắm.

Đang nhẩm nha với thú vui nhỏ mọn thì chợt có tiếng láo nháo trước mặt. 2 thanh niên người châu Á tầm ngoài 20 - khá sáng sủa; 1 nam – 1 nữ líu ríu chỉ bàn mình và 2 cái ghế ý bảo xin ngồi cùng bàn. Mình thường ngồi góc trong cùng, ngó ra cửa, tầm quan sát tốt… Quán này rộng mấy trăm m2 à, mà bàn còn nhiều dù tầm ấy cũng vẫn đông khách, sao họ lại chọn bàn này ? 

Mình hỏi tiếng Việt, rồi tiếng Anh mà họ cứ lúng túng phát âm – thoạt nghe có tiếng Tung Của – Nghĩ  bàn rộng,  hơi tách riêng (bởi cô chủ thu xếp do biết tính mình khó), họ lại là khách ngoại quốc nên sủa bậy câu: Nỉ hảo. Ai ngờ họ đáp ngay: Hảo..., hảo... và vội vàng ngồi xuống.

Bất ngờ là sao còn bàn mà họ lại chọn nơi mình ? – Âu cũng chả mấy quan trọng nên lờ đi. Mà cũng phục lũ này thật, tiếng Việt, tiếng Anh chả biết mà lại ngáo ngơ đến vùng này ? Còn trẻ vậy chắc là sinh viên ĐH bên kia biên giới đi khám phá – Khác biệt với đồng bào họ là thường đi theo hội nhóm, xe ô tô, ồn áo, xô bồ lắm. Thây cha nó, rượu ngọt, món ngon sướng miệng ta cứ hưởng đã….

Kể cũng hơi tức vì trước mặt là người đẹp nên cũng không dám nhồm nhoàm. Kém đi sự thú vị.

Chén xong, ra bàn nước hút thuốc và uống nước chè (các bạn tới vùng này đừng bỏ qua chè Shan tuyết nhé, lạ và rất thú vị). Nhờ cô chủ cho mượn cái võng ra sau vườn  ngả lưng và hẹn 30’ sau đánh thức.

Ây da, thân quen mới hàm hồ thế, họ thích chứ cứ khách sáo thì còn lâu. Người dân nơi đâu, bản tính cũng đều thân thiện và mến khách nhưng lại tùy thuộc vào thái độ của mình. Mình trân trọng họ sẽ được báo đáp ngay, chứ đừng ta đây có tiền hoặc người xuôi, người … mà lên mặt. Trong lòng họ khinh nhưng mặt ngoài vẫn niềm nở dạ - vâng (xin lỗi, họ giàu lắm đó vì có khi họ là trạm trung chuyển, liên lạc hoặc … của buôn hàng quốc cấm có khi). Dân giang hồ sành sỏi đấy, đừng lầm.

Nghỉ ngơi một giấc, ra khởi động tý và thân ái chào quyết thắng bà chủ rồi lại sảng khoái lên đường. Cô chủ lưu luyến bảo: Trời còn nắng lắm, tẹo nữa hẵng đi... 

Thôi, đi dứt khoát kẻo lại ngại.

Tuấn Long



Mẹo hay trong bếp

 


01/11/2022

Ngõ sâu tăm tối

 Tuấn Long

(Ngó nhiều xung quanh, tạo hứng tập làm văn)

 


Người đàn bà trả xong tiền. Mặc vẻ ngạc nhiên và can ngăn của chú taxi, hăm hở đi về phía ngõ nhỏ. Ngõ sâu, quanh co, nhấp nhô và tăm tối. Đây là vùng ngoại ô nghèo khó.

Tâm trạng của người đàn bà có lẽ rất vui nên bước chân nhanh nhẹn, gương mặt sáng, ánh mắt long lanh. Hy vọng là anh ấy đang ở nhà đợi mình nên mới cho địa chỉ chứ.

Ráng chiều nhập nhoạm, ngõ nghèo không đèn, chỉ có ánh sáng yếu vàng hắt ra từ những căn nhà ven lối. Đang giờ chuẩn bị cơm chiều nên ngõ vắng, thi thoảng có bóng kẻ dặt dẹo thấp thoáng, ngó người đàn bà sang trọng, thơm nức với ánh mắt ngạc nhiên và bất thiện.

Mùi hôi hám tựa như bãi rác lưu cữu, tựa mùi nước cống, tựa mùi nhà xí... trộn lẫn, lúc thoảng, khi đậm rất ngột ngạt. Đường lổn nhổn rác và gạch đá, vài lúc lại có con chuột to đùng lấm lét chạy vèo...

Chả sao, được gặp anh ấy là hạnh phúc rồiTìm dịp mua cho anh căn nhà ở nơi tử tế. Hôm nay, báo chồng mình liên hoan ở cơ quan nên chồng cũng chả để ý.

Càng vào sâu, ngõ càng hẹp, có lẽ xe máy lách một người cũng khó...

 Phía trước, qua khúc ngoặt là căn nhà cấp 4, một tầng lụp xụp với cánh cửa màu đen xỉn như anh ấy tả.

Bước chân rộn ràng chợt sững lại. Người đàn bà nghe thấy tiếng người đàn ông của mình nói to: 

- Cơm thôi, hôm nay có món ngon, có bia. Tao vừa được con bồ cũ đưa tiền trả hộ nợ, dư ra ối

Tiếng người phụ nữ vọng ra: 

- Thế chiều nay mua mấy con lô, bao điểm ?

- Mải thanh toán và xin xỏ ..éo kịp mua. Mai làm vài con lô cao điểm, nhà mình lại có cơ hội ra phố sống rồi. Thôi đớp đê.

Qua ánh đèn vàng vọt trong nhà, người đàn bà thấy ngoài anh ấy còn có người phụ nữ và 2 thằng thiếu niên đang ngồi dưới chiếu, vòng quanh mâm cơm.

Anh ấy tàn tạ quá so với chục năm trước, khi chia tay. Mấy lần gần đây, gặp ban ngày nhìn tuy hom hen nhưng không đến nỗi, giọng vẫn ngọt ngào và chua chát như thuở xưa, sao dưới ánh đèn đêm trông thảm hại thế. Hẳn anh  vất vả lắm. Ai bảo anh quá mê cờ bạc cơ. Nghĩ thương anh thế. Gia đình cơ bản, bố là quan to quận lớn; mẹ làm cty nhà nước. Vậy mà phá gia, rồi lụi đến bước này

Nhiều kẻ đã đi và vài thằng đang đến nhưng chả ai so được với anhHồi ấy, anh khỏe thế, lém lỉnh, dâm đãng. Mối tình đầu si mê và bản năng, đam mê cuồng nhiệt mãi in sâu.

May nhờ qua bạn bè mình mới tìm lại được anh; Anh trình bày, rồi nhờ vả, rồi giục giã; bảo nếu không anh phải chạy trốn rất xa... Biết việc như thế mình phải tận tình làm ngay để vực anh dậy

Chạy đôn chạy đáo, rút hết tiền ở ngân hàng, vay nóng online, lại bán cái xe SH đang đi (bảo chồng là bị mất cắp – chắc mai là sắm con xe khác cho mình thôi) mới đủ giao cho anh giả nợ. Mà khiếp thật, nợ nặng thế chứ ?

Bình tĩnh, tuy thất vọng vì sự có mặt của người phụ nữ và hai thằng nhóc (giá chỉ có hai mình thì hay quá, em đã sẵn sàng rồi), nhưng người đàn bà vẫn tiến tới, đứng giữa cửa, chân dợm bước vào, hớn hở: Chào anh. 

Thằng đàn ông đang cắm cúi rót bia, ngẩng đầu, đôi mắt thô lố liếc ra, với vẻ không hề ngạc nhiên: 

- Thúy đấy à. Ngại quá, nhà anh đang ăn cơm. Lúc khác nhé. Anh sẽ gọi

Con đàn bà ngó ra, mắt vằn lên ánh dữ tợn, miệng quát to, đay nghiến: 

- Cút. Con điếm

Hai thằng thiếu niên ngó cái túi và chiếc điện thoại trên tay người đàn bà vẻ thèm thuồng một cách trâng tráo. Thằng đàn ông lừ mắt. Rồi vọng ra: 

- Về đi.

Người đàn bà hụt hẫng, loạng choạng như muốn khịu xuống. Ngỡ ngàng nhìn thằng đàn ông ra vẻ trách móc, thêm hờn dỗi... 

Bối rối lặng quay người, bước chân rời rạc đi ra ngõ, để lại đằng sau những tiếng bình phẩm thô tục vẳng từ nhà anh.

Sao lúc này ngõ tối thế, tiếng trao đổi trong các nhà ven đường vọng ra lao xao; họ đang ăn cơm. Đầm ấm quá – mọi ngày, giờ này nàng đã tắm xong, xuống cùng chồng con bày bữa đây.

Càng đi, ngõ càng mấp mô, bây giờ người đàn bà mới thấy sợ theo bản năng. Chuột vẫn thế, ngang nhiên chạy qua, dáng thách thức và dọa dẫm. Người đàn bà bước nhanh hơn, vội vã như chạy. Mấy lần vấp, chân loạng choạng, may không ngã. Đằng xa đã thấy ánh đèn phố hắt vào. 

Người đàn bà chống tay vào bức tường bẩn thỉu, ẩm ướt, ổn định hơi thở gấp, nước mắt chảy dài từ nãy, bây giờ mới thấy mặn, quệt tay lau, lòng thầm an ủi mình: Anh ấy chắc không bạc thế đâu? do sợ vợ mới như vậy chứ. Chắc là thế. Lần gặp sau phải quát răn cho anh ấy một trận mới được. Dạng vợ ấy sao so được với mìnhChả chấp. 

Lẽ ra mình phải rất ghét anh chứ. Anh bội bạc, giả dối với mình không chỉ lần này. Sao vậy nhỉ? Thật khốn nạn cho mình quá!!! Bởi mình muốn anh nhiều lắm. Em lấy chồng chỉ là tồn tại mà thôi, tình cảm em đã trao hết cho anh rồi, anh nhé. Ôi tình dục sao tự do thế. Bên anh, em mới được buông thả bản năng...

Lại đi, người đàn bà nghĩ: Chỉ mong anh ấy nợ nần tiếp để phải dựa vào mình mới được, cho bõ. Ta quen biết nhiều đại gia, người nổi tiếng, mình sẽ thiếu gì tiền – còn thằng chồng đần ở nhà nữa cơ mà. Mai, có lẽ mai anh ấy sẽ gọi cho mình.

May quá, ra khỏi ngõ, ánh đèn đường chói lóa, người đàn bà vuốt mồ hôi mặt, thở phào, tự thấy vững tin hẳn.

Phố xá lung linh, dòng người ồn ã – chen trong đó biết bao kẻ phũ phàng. 

Giời thương kẻ bất lương.

 

Tuấn Long (30/10/2022


 

 

Lý do ngoại tình

 Tuấn Long



Cũng chẳng hay ho gì, nhưng dạo này thấy báo chí, truyền thông và internet trưng ra vô số chuyện ngoại tình, từ giới cao cấp như đại gia, ngôi sao các kiểu đến bình dân như ông lái xe, bà nội trợ mà phát ớn, dù đề tài này rất thu hút. Nhìn thực tế xung quanh, tổng hợp lại ta sẽ thấy nguyên nhân dẫn đến ngoại tình xuất hiện bởi các lý do sau:

-  Đầu tiên, họ đến với nhau không phải vì Yêu, mà vì cái gì đó của người kia (quyền lực, địa vị, giàu sang, danh tiếng…). Khi đã đạt được rồi thì họ sẽ tìm đến tình yêu thật của họ - ngoại tình.

-  Bị bỏ rơi trong  hôn nhân (khi họ cảm thấy tình yêu thương của đối ngẫu không xứng với công sức họ bỏ ra), họ không được quan tâm, được chăm sóc,  được lắng nghe nên họ tìm cái thay thế, thay vì sửa đổi trong hôn nhân – ngoại tình.

-  Do lừa đảo, bẫy rập mà vướng vào pháp luật, đạo đức xã hội hoặc tập quán... mà bị khống chế dẫn đến thụ động ngoại tình ( trường hợp này đa số rơi vào những người có nhan sắc, địa vị xã hội hoặc có tiền…)

-  Không hòa hợp, không được thỏa mãn trong đời sống tình dục vợ chồng – họ sẽ cố đi tìm thú vui bên ngoài hôn nhân để thỏa mãn – ngoại tình.

- Được khuyến khích bởi trào lưu, đám đông; do bạn bè lôi kéo hoặc ủng hộ; được sự dung túng của phụ huynh; xu hướng của hội nhóm; do tư - vi không lành mạnh...mà ngoại tình.

-  Bị bệnh rối loạn tâm lý như ái kỷ, lưỡng cực, đa nhân cách… (tổn thương tâm lý trước đó) – ngoại tình.

Có thể còn nhiều nguyên nhân khác nhưng tựu chung, Ngoại tình sẽ làm cho hôn nhân bị đổ vỡ, lệch lạc và tổn thương gây nên hậu quả không chỉ cho 2 người...

Đây chỉ là nhận xét của cá nhân, không mang tính phổ biến nên có sai mong các bạn thông cảm.

Tuấn Long