20/03/2023

Bí mật của Tết

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều



Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Theo cách nhìn cũng như trải nghiệm của mình, tôi thấy Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

Mấy năm gần đây, có một số người đã đặt vấn đề bỏ ăn Tết truyền thống và dùng tết dương lịch thay vào. Lý do của họ thật đơn giản. Họ cho rằng Tết truyền thống hiện nay gây ra một số phiền lụy như lãng phí thời gian và vật chất, sinh ra một số thói xấu trong việc biếu xén quà cáp... và làm cho con người mệt mỏi.

Những hiện tượng mà họ đưa ra là đúng.

Nhưng họ lại sai lầm trong cách nhìn nhận bản chất của Tết truyền thống của người Việt Nam. Thực chất, những phiền lụy ấy là sinh ra từ thái độ sống của những người lấy Tết như là một lý do để thực thi những công việc khác chứ không phải là một sự kiện của văn hóa.

Những sự kiện văn hóa được sinh ra từ đời sống tinh thần của con người và những sự kiện văn hóa ấy quay lại làm lên đời sống tinh thần của con người. Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Và theo cách nhìn cũng như trải nghiệm của mình, tôi thấy Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

Bí mật thứ nhất: Khơi mở tình yêu quê hương

Mỗi năm, khi đến những ngày giáp Tết, là lúc lòng người dâng lên nỗi nhớ quê hương và những người thân yêu của mình. Người xa nhà mong trở về, người ở nhà mong người đi xa về. Trong thời gian suốt một năm, những ngày giáp Tết là những ngày nỗi nhớ thương ấy nhiều hơn tất cả những ngày khác.

Tôi từng gặp những người định cư ở nước ngoài trong những ngày giáp Tết mà họ không trở về cố hương mình được. Thời gian ấy đối với họ là khoảng thời gian mà ký ức họ ngập tràn những kỷ niệm về nơi họ sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là thời gian mà con người nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều nhất và da diết nhất.

Vào những ngày giáp Tết ở quê tôi, những gia đình có người thân đi làm ăn, học hành xa hoặc lấy chồng, lấy vợ ở xa đều mong ngóng họ trở về. Vào đêm giao thừa, những gia đình ấy vẫn mở cửa ngõ và lắng nghe tiếng chân ai đó vào ngõ. Có thể những ngày khác trong năm họ bận công việc, học hành...mà ít nhớ về cố hương. Và cũng có thể có người bỏ quê ra đi vì nhiều lý do không có ý định trở về, nhưng khi Tết đến, lòng họ bỗng đổi thay.

Lúc đó, tiếng gọi của cố hương, của những người thân yêu vang lên trong lòng họ hơn lúc nào hết. Và chính vậy mà có những người khi đã già thì tìm cách trở về cố hương. Không ít những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mấy chục năm cuối cùng đã trở về để được sống và được chết trên mảnh đất cố hương mình.

Khoảng thời gian kỳ diệu của những ngày giáp Tết đã chứa đựng trong đó những bí mật có khả năng đánh thức những vẻ đẹp, những thiêng liêng trong sự lãng quên của con người.

Bí mật thứ hai: Kết nối với quá khứ

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, hầu hết ở các làng quê, những người sống khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu đã khuất thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình.

Có một sự thật là, trong cái thời khắc thiêng liêng đứng trước phần mộ của những người thân yêu trong ngày cuối năm gió lạnh, những người sống cảm thấy được hơi thở, giọng nói và nhìn thấy gương mặt của những người đã khuất.

Ngày cuối cùng ấy của năm cũ, một không khí lạ lùng bao phủ con đường từ nghĩa trang trên cánh đồng chạy về làng và bao phủ trong những ngôi nhà. Những mất mát, những thương đau và nhớ nhung những người thân yêu đã khuất như vụt tan biến. Những người sống cảm thấy ngôi nhà của họ ấm áp hơn.

Cái ngày cuối cùng của năm cũ ấy như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và những người đã khuất gặp nhau cho dù chỉ ở trong cảm giác và cảm xúc. Nhưng những điều đó cho dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Nó làm cho con người dâng lên tình yêu thương, lòng ơn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Và như một sự vô tình, không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.

Bí mật thứ ba : Sự bền vững của gia đình

Ai cũng có một gia đình. Và không ít gia đình hiện nay do xã hội thay đổi và do nhiều lý do của đời sống mà các thành viên trong gia đình sống tản mạn ở nhiều nơi khác nhau. Có không ít gia đình chẳng bao giờ có một ngày xum họp đầy đủ các thành viên của mình. Đôi khi, với lý do này, lý do khác mà ông bà, cha mẹ, anh em, dâu rể, con cháu trong một gia đình không có dịp xum vầy với nhau.

Nhưng Tết là dịp duy nhất với lý hợp lý nhất để mọi người bỏ hết công việc xum họp với nhau.

Khi mẹ tôi còn sống, mẹ tôi mong Tết. Bà mong Tết không phải là mong như tôi từng mong Tết đến hồi còn nhỏ cho dù Tết đến mẹ tôi phải lo lắng nhiều thứ. Mẹ tôi mong Tết để những đứa con của bà có ít nhất một ngày quây quần bên bà như khi chúng còn nhỏ. Cho dù khi tôi đã có tuổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có một ngày anh chị em cùng con cháu trở về làng và được ngồi ăn một bữa cơm bên cha mẹ trong ngôi nhà chúng tôi đã lớn lên.

Khi cha mẹ mất đi, nhiều người mới nhận ra sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi. Một hiện thực mà hầu như ai cũng nhận ra là đời sống hiện đại đã và đang xé một gia đình truyền thống ra từng mảnh. Và như vậy, tính bền vững của một gia đình sẽ bị lung lay.

Hàng năm vào những ngày giáp Tết tôi thích ngắm nhìn những người khăn gói về quê ăn Tết. Không có gì quyến rũ họ ngoài việc họ được trở về nhà mình và xum họp với ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng làng xóm. Hình ảnh ấy luôn làm tôi xúc động.

Nhưng càng ngày càng nhiều hơn những người không muốn về quê ăn Tết hay ở nhà ăn Tết với gia đình. Có những người còn trẻ tranh thủ dịp Tết đi du lịch. Họ rời gia đình khi bắt đầu được nghỉ Tết và chỉ trở về để hôm sau bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Họ có cách nhìn và có quyền của họ.

Nhưng tôi thấy tiếc cho họ khi họ không cùng ở nhà với cha mẹ mình chuẩn bị đón Tết. Bởi lúc đó, thời tiết và không khí đang lan tỏa những gì ấm áp và thiêng liêng nhất trong chu kỳ thời gian của một năm mà sau đó họ không thể tìm lại được cho tới một năm sau. Sự lan tỏa ấy sẽ bồi đắp tâm hồn con người những những lớp "phù sa" màu mỡ của những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần con người.

Bí mật thứ tư: Sự hàn gắn

Có những rạn vỡ giữa người này người kia mà một hoặc cả hai người không có cơ hội để gặp nhau và nói một lời xin lỗi hay chia sẻ và xóa đi những hiềm khích, mâu thuẫn trước đó. Nhưng khi Tết đến, họ nhận ra đó là cơ hội tốt nhất cho họ.

Thường khi bước sang năm mới, người ta cho phép quên đi, bỏ qua những phiền lụy, những sai lầm trong năm cũ của chính cá nhân mình. Có một bí mật nào đấy của năm mới đã ban cho con người khả năng chia sẻ và tha thứ.

Bí mật ấy nằm trong những cơn mưa xuân ấm áp bay về, trong sự thao thức của lòng người chờ đợi, trong sự thiêng liêng của hương nến trên ban thờ mỗi gia đình, trong sự chào hỏi ân tình của mọi người khi gặp nhau, trong giờ phút thiêng liêng của sự chuyển mùa, trong sự tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất...

Tất cả những điều đó đã làm lòng người rạo rực và đổi thay. Có những gia đình mà anh em mâu thuẫn với nhau rồi cứ giữ sự im lặng lạnh giá ấy ngày này qua ngày khác. Nhưng khi họ cùng nhau ngồi xuống bên mâm cơm tất niên cùng chạm chén rượu, cùng mời cha mẹ ăn cơm thì mọi chuyện bắt đầu tan đi.

Trước kia, cứ vào những ngày cuối năm, những người làng tôi có chuyện xích mích hay sai trái với ai đó thường mang một quả bưởi, một nải chuối, một cặp bánh trưng hay dăm cặp bánh mật đến nhà người mà mình có xích mích hoặc có lỗi, xin được thắp nén hương thơm trên ban thờ tổ tiên người đó và nói lời thanh minh hoặc xin lỗi.

Và như có phép lạ, sự xích mích, sai trái bám theo họ đằng đẵng cả một năm trời bỗng rời bỏ họ. Người được xin lỗi cũng nhận ra rằng: chính thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời và của lòng người đã làm cho người có lỗi thành thật. Và khi lòng thành thật của người có lỗi được mở ra thì sự tha thứ cũng mở ra theo.

Bí mật thứ năm: Niềm hy vọng

Cuộc sống có biết bao thăng trầm. Trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn. Không ít người gặp những năm vận hạn thường tự động viên chính mình bằng một ý nghĩ: "Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn".

Đấy là một nguyện ước, đấy là một niềm tin.

Nếu không có niềm tin ấy và nguyện ước ấy, không ít người sẽ bị những nỗi buồn, đau đớn và kém may mắn dìm xuống vực sâu của sự thất vọng. Trong suốt một năm, có người có thể sống triền miên trong buồn bã, bỏ mặc nhà cửa. Nhưng rồi đến một ngày giáp Tết, họ đã đứng dậy, dọn dẹp nhà cửa với một niềm tin những điều tốt đẹp đang về với họ. Cũng trong dịp năm mới, mỗi người đều nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhiều nhất trong một năm.

Cho dù thế nào thì những lời chúc ấy cũng làm cho lòng người ấm lại và hy vọng vào một điều tốt đẹp phía trước.

Những gì mà tổ tiên đã làm ra và để lại cho chúng ta như những lễ hội, những ngôi chùa... là để lại một lời nhắc, một tiếng gọi thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống.

Không thể nói lễ hội hay chùa chiền là phiền lụy, là tốn kém... mà bởi con người đã lợi dụng những vẻ đẹp văn hóa ấy cho lợi ích cá nhân mình.

Lúc này, tôi như thấy những ngọn gió thay mùa ấm áp, những cơn mưa xuân nồng nàn đang trở về và những cành đào ủ kín những chùm hoa chuẩn bị mở ra đều chứa trong đó những bí mật giản dị nhưng kỳ diệu cho đời sống con người.


19/03/2023

Bài thuốc đơn giản làm sạch phổi

Bài viết này (tôi sưu tầm từ dân gian) dành cho tôi và những người bạn nghiện thuốc lá nặng, lâu năm. Nói gì thì nói, biểu hiện của mỗi người một khác tuỳ thể tạng nhưng chắc có ảnh hưởng đến sức khoẻ của phổi nhất là khi đã có tuổi.

Ngoài ra, môi trường sống hiện nay cũng bị ô nhiễm nặng, chả tránh bất cứ ai, nên việc bị ảnh hướng đến 2 lá phổi là chuyện bình thường. Vì thế, nam, phụ lão ấu đều có thể dùng được bài thuốc này - Vì nó quá đơn giản, dễ thực hiện trong có 3 ngày.

Nếu bạn không muốn đến bệnh viện, và dùng thuốc Tây thì xin áp dụng cách này phổi của chúng ta sẽ nhanh chóng được làm sạch mà không tốn một viên thuốc nào.

Nguyên liệu

– 400gr tỏi. Bóc vỏ, rửa sạch và cắt làm tư.

– 1 lít nước sạch.

–  400gr đường nâu.

– 2 thìa cà phê bột nghệ, nếu không có bột nghệ, hãy dùng nghệ tươi, giã nát, vắt lấy nước nhé.

– 1 miếng gừng tươi.

Thực hiện

Cho đường nâu và nước đã chuẩn bị vào trong nồi, bắc lên bếp nấu sôi.

Khi nước bắt đầu sôi, hãy cho thêm tỏi và gừng, cuối cùng mới cho bột nghệ.

Vặn lửa nhỏ và canh sao cho lượng nước trong nồi giảm còn một nữa rồi hãy tắt bếp, để nguội hoàn toàn rồi cho vào tủ lạnh.

Hướng dẫn sử dụng

Hỗn hợp thu được, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 muỗng canh.

Buổi sáng ngay sau khi thức dậy, uống trước khi ăn sáng và uống sau bữa tối khoảng 2 tiếng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên thực hiện các bài tập thể dục thể thao phù hợp với thể tạng và điều kiện của mình; đi bộ 30 phút mỗi ngày là cách đơn giản nhất giúp cơ thể và phổi khỏe mạnh.

Ngoài ra, nên tắm nước ấm sẽ giúp thải độc tố tốt hơn.

Liệu trình thực hiện trong bao lâu?

Loại nước uống này hoàn toàn tốt cho sức khỏe và phổi của bạn, do đó, chỉ trong vòng 3 ngày, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt, lượng nước còn dư, hãy uống tiếp tục đến khi nào hết, thực hiện trong 2 tuần sẽ giúp bạn làm sạch phổi khỏi tác hại của thuốc lá cực tốt.

Mong là có ích với mọi người.

18/03/2023

8 động tác hữu ích cho người có tuổi

Đột quỵ não hay còn được gọi với cái tên tai biến là căn bệnh nguy hiểm với đặc điểm là tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ dẫn đến tàn tật cao, và làm tăng gánh nặng kinh tế.

Đối với những người cao tuổi mắc hội chứng “3 cao” (huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao), dự phòng tai biến trong mùa đông có thể xem là “quan trọng hơn cả quan trọng”.

Theo bác sĩ Trần Nhuận Đông, phó chủ nhiệm Trung tâm Y học dự phòng viện Trung y tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, việc tăng cường rèn luyện sức khỏe và duy trì thói quen lành mạnh trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày có ích lợi lớn trong phòng chống tai biến mạch máu não.

Đặc biệt, đối với người già, những giải pháp phòng tránh bên dưới đây càng có ý nghĩa quan trọng.

Dưới đây là những bài tập có tác dụng phòng chống tai biến mạch máu não trong mùa lạnh do bác sĩ Trần Nhuận Đông hướng dẫn.

Động tác 1: Vận động khớp vai



Thả lỏng vai, 2 tay đặt nhẹ lên vai, lần lượt xoay từ sau ra trước 10 lần, sau đó xoay ngược lại từ trước ra sau 10 lần, cuối cùng làm động tác chủ động nhấc 2 vai lên 10 lần. Lặp lại 3 đến 5 lần, thực hiện đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Ý nghĩa: Động tác này giúp thư giãn cơ vai, làm giảm áp lực của thần kinh và mạch máu ở vai.

Động tác 2: Vận động xoay cổ



Thả lỏng cổ, nhẹ nhàng chuyển động gập cổ ra phía trước và phía sau, rồi đến xoay nhẹ sang 2 bên trái, phải, động tác phải chậm rãi từ tốn, mỗi động tác xoay gập cổ hết cỡ duy trì trong 5 giây.

Lặp lại động tác 10 lần, thực hiện đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Ý nghĩa: Có tác dụng hoạt huyết thông lạc, giúp tăng cường sự dẻo dai và tăng khả năng chịu áp lực của thành mạch máu.

Động tác 3: Giơ tay đấm lên cao

Chân rộng bằng vai, 2 tay buông thõng áp sát vào thân mình, bàn tay nắm hờ. Sau đó phối hợp với nhịp thở giơ tay đấm lên trên, lúc hít vào giơ tay, thở ra từ từ buông nhẹ tay xuống. Lặp lại động tác trên 30 lần, thực hiện đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Ý nghĩa: Gia tăng tuần hoàn máu não, giúp cho não bộ được cung cấp đầy đủ Oxi và dưỡng chất.

Động tác 4: Chà xát gáy

Xoa 2 tay vào nhau cho nóng lên, sau đó nhanh chóng chà xát 2 bên gáy, dùng lực vừa phải, tốc độ hơi nhanh cho tới khi da vùng gáy hơi đỏ và ấm lên. Lặp lại 300 lần, thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Ý nghĩa: Thúc đẩy sự làm mềm hóa xơ cứng mạch máu vùng gáy, cải thiện việc cung cấp máu lên não.

Động tác 5: Day ấn vùng đầu

Nội dung động tác: Xòe 2 bàn tay, các ngón tay tách rời, hơi co lại thành hình cong, sử dụng bụng tay nhẹ nhàng day ấn từ trước trán cho tới đỉnh đầu, và tiếp tục như thế cho đến gáy. Lặp lại động tác 30 lần, thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Ý nghĩa: Kích thích kinh lạc, thúc đẩy vận hành khí huyết vùng đầu.

Động tác 6: Xoa bóp cổ gáy

Nội dung động tác: năm ngón tay khép lại, đặt 2 tay ra sau gáy sao cho các ngón tay của 2 bàn tay đối nhau, luân phiên xoa bóp 2 bên gáy cho tới khi vùng da sau gáy hơi đỏ và ấm lên. Làm lại như vậy 30 lần, thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Ý nghĩa: Có thể thúc đẩy thư giãn cơ trơn mạch máu ở cổ, giảm thiểu lắng đọng lipid máu.

Động tác 7: Day ấn huyệt Phong Trì



Dùng 2 ngón tay cái day ấn huyệt Phong Trì nằm ở 2 bên gáy trong khi các ngón tay khác ôm chặt lấy đầu để làm điểm tựa.

Lần lượt xoay theo chiều kim đồng hồ rồi ngược chiều kim đồng hồ mỗi lần 30 vòng cho đến khi có cảm giác căng tức nặng thì ngừng. Thực hiện 2 lần mỗi ngày.

Ý nghĩa: Có công dụng tráng dương ích khí, thư giãn cơ vai gáy, giảm triệu chứng đau đầu.

Động tác 8: Kẹp rút 10 đầu ngón tay

Tay trái thả lỏng, ngón trỏ và ngón giữa của tay phải kẹp chặt gốc ngón cái của tay trái, dùng lực rút ra theo chiều dọc ngón tay. Thực hiện luân phiên với các ngón còn lại, sau đó đổi tay. Lặp lại như vậy 30 lần, ngày chia 2 lần sáng và tối.

Ý nghĩa: Làm tăng kích thích lên huyệt Tỉnh của các kinh lạc, giảm các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi do nguyên nhân khí huyết không điều hòa gây ra.

 

17/03/2023

Căng giãn cơ tay chữa viêm khớp



Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 1.

Dưới đây là 8 bài tập cho tay để căng giãn cơ mà bạn có thể thực hiện tại mọi thời điểm.
1. Gập ngón cái
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 2.

Để bàn tay thẳng, các ngón tay duỗi, gập ngón cái hướng vào lòng bàn tay, càng với xa càng tốt cho đến khi chạm ngón út. Giữ như thế trong vài giây rồi thả ra. Làm lặp lại 10 lần.
2. Nắm tay
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 3.

Bài tập này rất hiệu quả khi khớp bàn tay bạn đặc biệt cứng. Mở rộng ngón tay và từ từ nắm lại thành nắm đấm, giữ ngón cái nằm giữa các ngón tay. Thả lỏng tay và mở ra từ từ cho đến khi các ngón thẳng. Làm lặp lại 10 lần.
3. Nhấc ngón tay
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 4.

Úp bàn tay với các ngón tay trải phẳng trên mặt bàn. Lần lượt theo thứ tự, nhấc từng ngón khỏi mặt bàn và giữ thế trong vài giây, sau đó từ từ thả xuống. Lặp lại nhiều lần cho đến khi bạn thấy thoải mái.
4. Nắm thành chữ O
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 5.

Giữ tay ở vị trí ngang tim phía trước ngực, chụm ngón tay lại với nhau để tại thành chữ “O”. Ngón cái và ngón trỏ phải chạm vào nhau và tạo thành một vòng tròn có thể nhìn thấy được khoảng trống bên trong bàn tay. Giữ vị trí trong vài giây rồi thả ra. Lặp lại ít nhất 3 lần.
5. Gập ngón tay
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 6.

Bắt đầu với bàn tay duỗi thẳng. Gập ngón cái về phía bàn tay và giữ trong vài giây. Để tay thả lại vị trí ban đầu, sau đó gập ngón trỏ về phía bàn tay, giữ vài giây và thả. Lặp lại như thế với từng ngón còn lại.
6. Căng duỗi cổ tay
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 7.

Các ngón tay và bàn tay nối với phần còn lại của cơ thể bằng cổ tay. Bằng việc căng duỗi cổ tay, bạn sẽ được vận động đẩy đủ hơn là chỉ vận động ngón và bàn tay.
Mở rộng một cánh tay với lòng bàn tay úp. Đặt ngón tay của bàn tay còn lại lên những ngón đang bị kéo căng, nhẹ nhàng đẩy lên và kéo lại, gập cổ tay. Giữ như thế trong vài giây. Thả ra và lặp lại 10 lần.
Bạn cũng có thể căng dãn cổ tay theo cách khác: đặt bàn tay còn lại lên phần trên cùng của bàn tay đang căng duỗi. Nhẹ nhàng đẩy để bẻ cong bàn tay xuống. Giữ như thế trong vài giây rồi thả ra. Luân chuyển căng dãn lần lượt theo hướng lên và hướng xuống dưới.
7. Ấn tay lên bàn
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 8.

Đặt phần bàn tay phía cạnh của ngón út xuống bàn. Hướng ngón cái lên trên, các ngón nắm vào trong sao cho tạo thành biểu tượng “giơ ngón tay cái”. Nắm chặt các ngón tay vào lòng bàn tay. Giữ một vài giây và duỗi thẳng các ngón tay. Lặp lại như thế 10 lần.
8. Xòe và nắm
Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp - Ảnh 9.

Bắt đầu bài tập với bàn tay ở vị trí bình thường, các ngón tay duỗi thẳng. Dần dần xòe rộng và kéo căng ngón tay càng xa càng tốt để nó xòe giống hình rẻ quạt. Giữ tư thế đó trong vài giây, sau đó co các ngón tay lại để tạo thành hình nắm đấm với lực xiết nhẹ. Giữ trong 5 giây. Làm 2 lần mỗi ngày.

16/03/2023

Tụng kinh, trì Chú, niệm Phật

Thích Nhật Từ


1. Định Nghĩa

 Tụng kinh: là đọc thành tiếng và có âm điệu hoặc đọc thầm những lời Phật dạy một cách thành kính.

Niệm Phật: Niệm là nhớ nghĩ. Niệm Phật là nhớ nghĩ danh hiệu, hình ảnh và đức hạnh của chư Phật.

Trì chú: trì là nắm giữ, nhiếp niệm. Chú là lời bí mật của chư Phật. Trì chú là nhiếp tâm vào những bài thần chú.

Trì là nắm giữ một cách chắc chắn. Chú là lời bí mật của Chư Phật mà chỉ có Chư Phật mới hiểu được, chứ các hàng Bồ tát cũng không hiểu thấu. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, dứt trừ được nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phúc huệ, nên cũng gọi là thần chú. 

Chú có công năng phi thường, nếu người thành tâm trì chú, thì được nhiều hiệu lực không thể tưởng tượng. Chẳng hạn thần chú "Bạc nhứt thế nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độ Ðà la ni" có hiệu lực tiêu trừ được hết gốc  rễ nghiệp chướng, làm cho người được vãng Sinh về Tịnh độ. Thần chú "Tiêu tai kiết tường" có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành. Thần chú "Lăng Nghiêm" thì phá trừ được những ma chướng và nghiệp báo nặng nề v.v... Thần chú "Chuẩn Ðề" trừ tà, diệt quỷ. Thần chú "Thất Phật diệt tội" có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp v.v... Vì thế nên chúng ta phải trì chú. 

Ở chùa, chư Tăng hằng ngày, trong thời khóa tụng khuya, trì chú Lăng Nghiêm, Ðại Bi, Thập chú hay Ngũ Bộ chú ...v.v...

Còn ở nhà, phần nhiều cư sĩ trì chú Ðại Bi và Thập chú, bỡi hai lẽ: một là thời giờ ít ỏi, vì còn phải lo sinh sống cho gia đình; hai là chú Lăng Nghiêm đã dài, lại thêm chữ âm vận, trắc trở khó đọc, khó thuộc. Nhưng nếu cư sĩ nào có thể học hết các thần chú, trì tụng được như chư Tăng thì càng tốt. 

Các thần chú tuy không thể giải nghĩa ra được, nhưng người chí tâm thọ trì, sẽ được công hiệu thật là kỳ diệu, khó có thể nghĩ bàn, như người uống nước ấm, lạnh thì tự biết lấy. có thể nói: một câu thần chú, thâu gồm hết một bộ kinh, vì vậy, hiệu lực của các thần chú rất phi thường.

Khi gặp tai nạn, nếu thực tâm trì chú, thì mau được giải nguy. Như thuở xưa, Ngài A-Nan mắc nạn, Ðức Phật liền nói thần chú Lăng Nghiêm, sai ngài Văn Thù Sư Lợi đến cứu, thì Ngài A-Nan liền được thoát nguy. 

 

2. Ý nghĩa tụng kinh, trì chú, niệm Phật

 a. Ý nghĩa tụng kinh

- Giúp cho chúng ta nhớ những lời Phật dạy để thực hành

- Tụng kinh cho tâm hồn yên tịnh, trí tuệ mở bày.

 b. Ý nghĩa trì Chú

- Chú có công năng phi thường, diệt trừ tất cả chướng nạn sâu dày.

- Trì Chú giúp tâm trí được khai thông.

 c. Ý nghĩa niệm Phật

- Niệm Phật để phá trừ tạp niệm, thanh tịnh tâm hồn, chuyển hóa nghiệp chướng.

- Niệm Phật để cầu được vãng sanh.

 

3. Phương pháp tụng kinh, trì chú, niệm Phật

 - Tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, mặc áo trang nghiêm, đến trước bàn thờ thắp hương đảnh lễ rồi nhất tâm tụng niệm.

- Tụng kinh: đọc lớn tiếng, rõ ràng từng câu từng chữ, để tâm vào lời kinh tiếng kệ. Có thể tụng chuyên nhất 1 bộ kinh, hoặc tụng hết bộ kinh này rồi mới qua bộ kinh khác.

- Trì chú và niệm Phật: đọc lớn hoặc đọc thầm, phải nhiếp tâm vào câu thần chú hay danh hiệu Phật. Nên trì chuyên nhất vào 1 câu thần chú, niệm chuyên nhất 1 danh hiệu Phật.

- Tùy thời gian thích hợp mà ta tụng niệm theo thời khóa. Hoặc bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có thể tụng kinh, trì chú, niệm Phật, cốt yếu tâm phải thanh tịnh, chuyên nhất.

 

4. Kết luận

Tụng kinh, trì chú, niệm Phật là những phương pháp tu tập giúp cho 3 nghiệp được thanh tịnh. Khi thực hành phải nhiếp tâm, dứt bỏ mọi tạp niệm. Chỉ cần thực hành chuyên nhất một trong 3 phương pháp này, có thể giúp chúng ta giải thoát khổ đau ngay hiện tại.

 

LỜI KHẤN NGUYỆN      

Kính lạy Phật! Giáo pháp của Ngài đã giúp con mở rộng trái tim để tiếp nhận tuệ giác, tình thương. Con nguyện tu tập, nhất tâm tụng niệm, chuyển hoá thân tâm và truyền trao nguồn giáo lý này đến với mọi người, cho hết thảy đều được an vui.

Hiểu về Khí trong dưỡng sinh

Sưu tầm trên Net.


Theo quan niệm của phương Đông, Khí là một trong những lực cơ bản trong cơ thể người và trong vũ trụ. Khi mà khái niệm Khí rất khó để phiên dịch, nhiều người so sánh nó với thuật ngữ “năng lượng”. Nó được coi là sinh lực cho tất cả các sinh vật sống và trong cơ thể bạn, Khí chịu trách nhiệm cho một số chức năng.

Vậy “khí” là gì?

Trước tiên, khí có nghĩa là năng lượng luân chuyển xung quanh chúng ta. Đối với các mùa khác nhau, sẽ có các loại khí khác nhau chiếm ưu thế. Ví dụ, mùa xuân có phong khí, mùa hè có hỏa khí, cuối mùa hè có thấp khí (khí ẩm), và táo khí (khô hanh) vào mùa thu. Vào mùa đông, chúng ta thường cảm thấy hàn khí (khí lạnh) .

Thứ hai, nó dùng để chỉ nguồn năng lượng bên trong cơ thể. Chúng ta có thể cảm nhận chúng. Máu và dịch lưu thông trong cơ thể dường như có gió đẩy chúng lưu chuyển vậy. Một vài người cảm thấy lạnh tứ chi, đôi khi họ phải mang tất khi đi ngủ.

Một số người cảm thấy nóng khi họ bị sốt, bốc hỏa khi mãn kinh, hay cảm thấy nóng sau khi hóa trị liệu ung thư vú và tuyền tiền liệt. Khi con người có nhiều thấp khí trong cơ thể, biểu hiện ra bên ngoài là sưng khớp, một lớp mỡ dày phủ trên lưỡi, tiêu chảy, hoặc cảm thấy cơ thể nặng nề.

Thứ ba, khí có nghĩa là cảm xúc. Khi ai đó đang rất tức giận, chúng ta nói người này “khí giận xung lên tận trời” (nộ khí xung thiên), và khi người này rất hạnh phúc, chúng ta nói anh ấy đang “đắm mình trong không khí vui vẻ”. Thật vây, cảm xúc là một dạng năng lượng, và do đó là những hình thức của khí.

Thứ tư, khí có nghĩa là không khí. Khi con người thở, chúng ta nói họ hít khí vào và thở khí ra.

Thứ năm, khí có nghĩa là năng lượng duy trì chức năng của các cơ quan. Do đó, tim có khí tim, gan có khí gan, huyết có khí huyết, và hệ thống tiêu hóa cũng có khí của nó. Khi chúng lưu chuyển đúng hướng, đầy đủ và giữ tính cân bằng (giữa âm và dương), chúng ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tâm trí thanh tĩnh.

Rối loạn khí, suy khí

Khí được xem là có thể chuyển hóa; một dạng hay gặp nhất là khả năng bạn tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa nó thành dưỡng chất và năng lượng như thế nào. Nếu bạn không cảm thấy ngon miệng hoặc thấy đầy hơi, chướng bụng sau bữa ăn, thì chức năng chuyển hóa của Khí của bạn không làm việc tốt lắm. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn, nghĩa là nguồn Khí ít ỏi của bạn đang tập trung cho việc tiêu hóa của bạn, vì thế bạn không còn đủ năng lượng để làm việc gì khác.

Khí cũng bảo vệ và chức năng này hoạt động giống như khả năng miễn dịch của cơ thể. Nếu bạn thấy mình dễ bị cảm lạnh hay cúm, rất có thể Khí của bạn đã suy kiệt. Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng, đó cũng là dấu hiệu cho thấy Khí của bạn đang thiếu hụt.

Chức năng khác của Khí là giữ cho mọi thứ ở đúng chỗ, hay giữ cân bằng, ví dụ như giữ máu ở trong mạch máu và lượng mồ hôi tiết ra một cách hợp lý (không quá nhiều hoặc quá ít – ghi chú của người dịch). Cá nhân tôi là một người dễ bị thâm tím. Cả việc dễ bị thâm tím và đổ nhiều mồ hôi đều có nghĩa rằng chức giữ cân bằng của bạn đang bị ảnh hưởng. Một số dấu hiệu khác của chức năng giữ cân bằng suy yếu là hiện tượng sa tạng, một số loại tiêu chảy và sảy thai thường xuyên.

Khí được xem là có tính ấm. Về cơ bản, khi bạn khỏe mạnh, nhiệt độ của bạn phải ở quanh mức 37 độ C (98 độ F). Nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh, thậm chí vào những ngày nóng nhất, hoặc là bạn thấy lạnh hơn mọi người xung quanh đó có thể là dấu hiệu của sự suy giảm Khí.

Cuối cùng, Khí là năng lượng, nó cung cấp sức sống cho mọi hoạt động của cơ thể bạn. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, năng lượng dao động lên xuống thất thường, hoặc bạn thở rất khó khăn khi vận động dù chỉ một chút, thì năng lượng (và tất nhiên, Khí) của bạn đã bị cạn kiệt.

Vậy là Khí của bạn đang thiếu hụt.  

Khi thiếu khí, sẽ gây nên suy nhược, trao đổi chất chậm, lão hóa, và suy tạng. Và khi khí hoàn toàn cạn kiệt, chúng ta sẽ chết.

Chăm sóc khí

Vì vậy, để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, và làm chậm quá trình lão hóa, chúng ta phải “chăm sóc” khí thật tốt.

Có hai loại khí, một là di truyền từ cha mẹ tại thời điểm thụ thai. Đó gọi là khí tiên thiên, và chủ yếu được tàng trữ trong các kinh mạch thận. Khí tiên thiên được sử dụng trong sinh sản và sau đó truyền cho con cái. Loại thứ hai là khí hậu thiên, chủ yếu thu được từ thực phẩm và không khí, nhờ vào chức năng của kinh mạch của phổi và lá lách.

Để duy trì năng lượng trước khi sinh (tiên thiên), hãy bảo vệ, bảo tồn và bổ sung chúng hết mức có thể. Để duy trì năng lượng sau khi sinh (hậu thiên), nên có chế độ ăn lành mạnh và cân bằng, tránh ăn hoặc uống quá nhiều, ngủ và tập thể dục vừa phải. Hãy cân nhắc đến thiền định và tập môn khí công thích hợp. Kiểm soát cảm xúc ổn định là chìa khóa để giữ năng lượng lưu chuyển thông suốt.

Thiền định và khí công đều mang đến tác dụng rất tốt và toàn diện

Châm cứu có thể là công cụ hiệu quả giúp mở các kênh năng lượng, tạo điều kiện cho dòng năng lượng lưu thông, và cân băng thuộc tính năng lượng (giữa âm và dương) khi được sử dụng dựa trên đánh giá kỹ lưỡng, chính xác. Là công cụ mạnh mẽ tác động đến khí , châm cứu có tác dụng trên cả thể chất lẫn tinh thần. Thảo dược, khi được sử dụng đúng cách, có tác dụng rất tốt, đặc biệt là để bổ sung khí thiếu hụt.

Vì vậy bạn hãy tự hỏi bản thân, “Hôm nay mình đã chăm sóc khí tốt chưa?”.


12/03/2023

Món cháo trắng

 Trích và biên tập từ chị "Người phương Nam".



Có nhiều người không thích ăn cháo trắng mà chỉ thích cháo gà cháo vịt, cháo lòng, cháo cá hay cháo bào ngư ... mặc dù cháo trắng cũng có cái ngon riêng và lợi điểm đặc biệt của nó là thuần khiết chỉ gạo với nước, không mỡ màng, ăn dễ tiêu, nhẹ bụng, là món lót lòng lành mạnh rất tốt cho sức khỏe, nhất là người có tuổi.   

Người Hoa từ ngàn xưa đã có tập tục ăn điểm tâm cháo trắng cho ấm dạ dày rồi sau đó muốn ăn hàng vặt gì đó bên ngoài mới ăn (mình nghĩ nên theo - TL).  Tập tục này cũng dễ hiểu thôi, là vì nước Tàu (phía Nam TQ - TL) đông dân,  nghèo đói, lúa gạo không đủ ăn nên người ta phải ăn cháo. Mà nghèo thì làm gì có cá thịt để nấu nên buộc lòng phải ăn cháo trắng mà thôi. Ăn mãi rồi thành thói quen dù khi đã có đủ cơm ăn vẫn không thể nào quên cháo. 
Cháo nấu theo người Hoa có hai cách, một là khi gạo vừa nở bung ra thì tắt lò đậy kín nắp để đó, hai là nấu lâu hơn cho ra nhựa, vừa nước vừa cái chớ không đặc sệt như cháo đậu xanh, đậu đỏ của người Việt Nam.

Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên của con dâu, hoặc con gái trong nhà là bắc nồi cháo lên bếp, vừa canh chừng, vừa dọn mấy món đồ mặn ra bàn, thường là những món đơn sơ, thanh đạm không tanh tưởi hay dầu mỡ mà lúc nào cũng có sẵn trong nhà như là xái bấu (củ cải ướp muối với ngũ vị hương đem phơi khô), cốn xại (cải ướp với riềng và muối đường - tựa như món dưa cải sen của VN mình - TL), lạc hoặc đậu đen nấu muối, trứng muối (nhà chả có thì luộc trứng vịt, ăn cũng bùi béo lắm - TL), cải Tứ Xuyên (một loại củ cải ở Tứ Xuyên bên Tàu, ướp muối và ớt bột), chao đỏ, thịt chà bông hay thịt kho khô vv... 

Người nhà, trước khi ra cửa tản mác đi làm, ai cũng húp một hai chén cháo với một món nào đó trên bàn. Vì là đồ mặn nên chỉ cần gắp một hai miếng là xong bữa  chớ không ai ăn nhiều tới nỗi để bị lên máu. Có người thích ăn cháo không hoặc xịt chút Maggi (người Việt mình nếu không quen thì dùng nước mắm - TL), miễn có chút cháo vô bụng là thấy sảng khoái tinh thần để bắt đầu một ngày làm việc mới.  

Cải Tứ Xuyên


Thịt kho tiêu

Hột vịt muối

Xái bấu cay (củ cải muối có ớt)


Đậu phọng nấu muối

Cốn xại

Người Hoa không chỉ ăn cháo sáng mà có khi họ nấu nhiều để ăn luôn cả ngày mặc dù trưa chiều đã có cơm. 

Theo đông y thì người lớn tuổi, buổi chiều nên ăn cháo hơn là cơm cho nhẹ bụng dễ ngủ, tôi nghĩ cũng ̣đúng vì chiều nào ăn cháo, tôi cũng thấy trong bụng như không có gì, không nặng nề như những bữa ăn cơm với đầy bàn thịt cá. Cháo trắng giúp cho tiêu hóa tốt, vì vậy mỗi khi tôi làm đồ chiên cho cả nhà ăn, tôi đều nấu thêm chút cháo trắng để húp cho tiêu dầu mỡ. Ngoài ra khi trái gió trở trời, ai bị phong hàn cảm cúm, sau khi xức dầu cạo gió xong, húp vào một chén cháo nóng thì coi như đã giảm được nửa phần cơn bệnh, có khi khỏi cần uống viên thuốc nào. 

Xem ra cháo trắng cũng là một phương thuốc đa năng, vừa cứu đói, vừa cứu bệnh con người rất hay và hữu hiệu. Thử hỏi có ai trong đời chưa từng ăn một chén cháo trắng những lúc mệt mỏi, bần thần, dã dượi, yếu đau, phải không quý vị?