15/08/2023

Tháng sáu trời mưa

 

Thơ Nguyên Sa - sáng tác 1984

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt

Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa

Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về

Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

 

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại

Mười ngón tay đừng tà áo mân mê

Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya

Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…

 

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến

Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa

Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu

Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

 

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa

Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai

Hãy để môi rót rượu vào môi

Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn

 

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt

Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan

Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn

Nếu em sợ thời gian dài vô tận

 

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống

Trời không mưa em có lạy trời mưa?

Anh vẫn xin mưa phong tỏa đường về

Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm

 

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng

Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân

Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân

Vì anh gọi tên em là nhan sắc

 

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc

Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi

Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai

Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu

     Nhạc sỹ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc bài thơ này với tên Tình khúc tháng Sáu


     Năm 1987, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm cũng phổ nhạc bài thơ của Nguyên Sa với bản nhạc cùng tên "Tháng sáu trời mưa".


 

12/08/2023

Ngẫm

   Hoằng Nhất Pháp Sư



Có người hỏi tôi: "Trên thế gian này có người phỉ báng ta, bắt nạt ta, sỉ nhục ta, cười nhạo ta, khinh thường ta, lợi dụng ta, lừa gạt ta. Vậy nên cư xử ra sao với những người đó?" 

Tôi trả lời: "Nhẫn nhịn người đó, nhường nhịn người đó, tránh xa người đó, thuận theo người đó, chịu đựng người đó, kính trọng người đó, không để ý đến người đó. Cứ thế qua mấy năm rồi anh hẵng nhìn lại người ta."

Bài học suy ngẫm:

Những người gây khó khăn lại chính là những người mang đến cho bạn cơ hội để nhìn lại bản thân và giúp bạn có những thay đổi tích cực trong tính cách của mình. 

Người gây khó khăn cho ta cũng giống như những chiếc gương vậy. Họ giúp chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta đã tạo ra một phiên bản méo mó và phóng đại về bản thân mình. Chúng ta tìm thấy con người thật của mình và sống thật với bản thân bằng những gì chúng ta đang có.  

Hãy biết ơn những người gây khó khăn trong cuộc sống của bạn, hãy học từ họ và họ sẽ chỉ cho bạn biết chính xác đâu là mẫu người bạn không muốn trở thành.

11/08/2023

Người Hoa ở Chợ Lớn (Sài Gòn)

 st và tổng hợp - lẽ nhiên là chưa đủ.


Âu cũng là nét văn hoá Đẹp của dân tộc anh em ta trên dải đất chữ S này. Nên trân trọng chứ. Thêm chút kiến thức là tăng sự hiểu biết mà.

Xin giới thiệu tới các bạn:



Trước 1976, nói đến Sài Gòn là nói đến Sài Gòn - Chợ Lớn; mà nói đến Chợ Lớn, ta phải nhắc đến người Hoa rồi. 

1. Người Hoa ở Chợ Lớn phần lớn thuộc về năm nhóm người chính: Quảng Đông (Việt) tính tình rộng rãi, giỏi kinh doanh buôn bán, Phúc Kiến (Mân) gia trưởng và coi trọng việc thi cử đỗ đạt, Triều Châu (Tiều) sống tiết kiệm, kham khổ và siêng năng và Khách Gia (Hẹ) ham học và đặc biệt nấu ăn rất ngon, nhất là những món Tây và cuối cùng là người Hải Nam, món ngon của người Hải Nam là cơm gà Hải Nam, thịt dê tiềm. Kinh doanh, người Hải Nam thường mở tiệm nước, cà phê, người Tiều bán bánh kẹo, người Hẹ dạy học, bán thuốc Bắc và người Quảng Đông bán tạp hóa. Trong đó Quảng Đông là nhóm đông nhất.

2. Ngôn ngữ chính để giao tiếp của người Hoa ở Chợ Lớn với nhau là tiếng Quảng Đông vì tiếng Quảng Đông tương đối dễ nói. Người Hẹ, Tiều và Phúc Kiến, Hải Nam phần lớn đều có thể nói lưu loát tiếng Quảng Đông, còn người Quảng Đông hiếm ai có thể nói được bốn thứ tiếng còn lại. Điều này khiến Chợ Lớn rất giống Hong Kong về mặt ngôn ngữ với tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chính. Nhiều người Hoa ở Chợ Lớn biết tiếng Phổ thông nhưng ít khi dùng đến nên nói không được tốt lắm.

3. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn gọi nhau là Thòn Dành (唐人 Đường Nhân) là vì họ tự hào về triều đại nhà Đường -triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử phong kiến trung hoa , nên người hoa luôn tự gọi mình là Thòn dành (唐人) - người dân giang sơn đại đường. Gọi Sài Gòn là Xấy Cung (西貢 Tây Cống) và Chợ Lớn là Thày Ngòn (堤岸  Đề Ngạn). Còn người Tiều thì đa số ở Nghĩa An, Triều Sán di cư sang.

4. Người Hoa ở Chợ Lớn có một số đức tính như rất siêng năng và giữ chữ tín trong kinh doanh, hầu như hiếm khi xảy ra chuyện thất tín hay mua gian bán lận. Khi buôn bán với người Việt hoặc người nước ngoài, người Hoa cũng không lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ để bán giá khác cho khách. Họ cũng ít khi se sua chưng diện vẻ bề ngoài xe xịn, điện thoại xịn. Nhiều ông già người Hoa ngồi uống cà phê quán cóc cũng có thể là xì thẩu (ông chủ) lớn.

5. Người Hoa Chợ Lớn coi trọng gia đình và phần lớn dạy con rất nghiêm. Gia đình nhiều thế hệ thường tụ tập đông đủ ăn cơm tối chung, hiếm có chuyện mỗi người bưng một tô cơm ngồi vừa làm việc riêng vừa ăn hay đi đâu quá giờ cơm tối. Tỉ lệ người Hoa nghiện ngập, cờ bạc, đánh nhau trong trường hoặc phá thai là rất ít cũng một phần nhờ gia giáo, gia quy rất nghiêm khắc.

6. Đàn ông người Hoa hiếm khi nhậu nhẹt rượu bia. Dịp duy nhất tôi thấy họ uống vài ly bia là đám cưới, thôi nôi hoặc tân gia và hầu như không bao giờ ép uống tới say. Các quán ăn của người Hoa buổi tối hầu như không hề thấy cảnh cánh đàn ông ngồi nhậu cà kê mà thường là cả gia đình vợ chồng con cái chở nhau đi ăn. Đàn ông người Hoa phần lớn đều nấu ăn rất ngon và không ngại chuyện bếp núc hoặc làm việc nhà, nhưng người ta lại ít khi làm vì đó là việc của người vợ.

7. Người Hoa Chợ Lớn cũng có một số nhược điểm như nhà ở không chú trọng vệ sinh nên rất bừa bộn và cũ kĩ, coi trọng việc đẻ con trai nối dõi tông đường, bảo thủ gia trưởng và lễ nghĩa luôn đi đầu. Các nghi thức tang lễ và cưới hỏi đều rất kĩ lưỡng và đầy đủ.

8. Nếu như người Việt Nam hay sử dụng nước mắm để nêm nếm, người Hoa thường sử dụng nước tương, xì dầu, dấm đỏ, bột ngũ vị hương và dầu mè làm gia vị chính. Người Hoa ít dùng ớt tươi mà thường dùng gừng, tiêu, ớt khô hoặc sa tế để tạo vị cay cho món ăn.

9. Người Quảng Đông nổi tiếng các món canh tiềm, điểm tâm (há cảo, xíu mại), hoành thánh, sủi cảo, hủ tíu mì...người Tiều có cháo trắng cà na, trứng vịt muối, cải xá bấu, ruột heo xào cải chua, bún gạo xào và phá lấu...người Phúc Kiến có món Phật leo tường nổi danh còn người Hẹ nấu các món như cơm chiên, cơm xào, bò bít tết, gà xối mỡ, nui xào bò...những món kết hợp những nguyên liệu phương Tây như củ hành tây, cà chua, ớt chuông, khoai tây...là số một. Thời Pháp thuộc, các đầu bếp nấu ăn cho quan Tây phần lớn là người Hẹ.

10. Người Hoa ăn cơm không thể thiếu canh. Canh thường được nấu thật lâu, hầm nhừ các nguyên liệu như thịt, rau cải và các vị thuốc với nhau mấy tiếng đồng hồ rồi chủ yếu uống nước bỏ xác. Người Hoa ăn cơm không chan canh như người Việt mà uống canh sau khi ăn cơm với các món mặn xong và đặc biệt canh rất nhạt.

11. Người Hoa thích ăn chè (thoòng sủi = nước đường). Chè người Hoa được nấu từ hầu như tất cả các loại nguyên liệu từ như các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen), củ (khoai lang, khoai sọ, củ năng), hạt (bo bo, hat sen, ý nhĩ...) quả (táo tàu, nhãn nhục, trái vải, đu đủ...) các vị thuốc (hoài sơn, kỷ tử, thục địa, ngân nhĩ...) cho tới (trứng gà, trứng cút, tuyết giáp, mai rùa...) cũng có thể dùng để nấu chè. Chè người Hoa không có nước dừa như chè người Việt.

12. Món ăn Tết người Hoa thường là lạp xưởng, vịt lạp, canh tóc tiên giò heo đông cô, canh khổ qua dồn thịt, gà luộc và bánh tổ (Nìn cú). Tết Đoan ngọ ăn bánh bá trạng (gần giống bánh chưng của người Việt nhưng phần nhân có trứng vịt muối, thịt heo và nấm đông cô và được gói bằng lá tre) và thang viên (chè trôi nước). Người Hoa cũng cúng giao thừa, xông nhà, chúc tết, mời trà cha mẹ và nhận lì xì vào mùng 1 tết nhưng không chưng mai đào hay hoa trong nhà như người Việt. Ngày giáp tết, người Hoa hay mua những tờ giấy đỏ viết chữ Phúc hoặc những câu chúc tết như "vạn sự như ý", "xuất nhập bình an", "sinh ý hưng long" viết bằng sơn nhũ kim về dán trên dưa hấu hoặc trên tường nhà và trước cửa. Nhà làm ăn thì hay rước đội lân về múa khai trương đầu năm.

13. Người Hoa phát lì xì hầu như bất cứ khi nào nhà có chuyện hỉ như đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, khai trương, tân gia...với ý nghĩa chia lộc lấy hên. Màu may mắn là màu đỏ, màu xui xẻo là màu trắng, chỉ dùng cho tang lễ.

14. Người Hoa có tinh thần đoàn kết tương trợ rất cao qua các hội đồng hương được gọi là hội quán. Các hội quán lúc trước là các hội kín của người Minh hương chống lại nhà Thanh. Khi qua tới Việt Nam, các bang hội này dần mất đi màu sắc chính trị mà chủ yếu tương trợ giúp đỡ đồng hương về mặt kinh tế. Trụ sở của các hội quán thường được đặt ở các miếu thờ Quan Công, Thiên Hậu nương nương hay Bổn Công (Triều Châu). Những hội quán này ở Hong Kong thường phát triển theo hướng làm ăn phi pháp gọi là "công đoàn" tức băng đảng xã hội đen. Ngoài ra, cùng họ thì người ta còn lập ra các đền thờ họ !

15. Ngoài những từ chỉ món ăn quá quen thuộc như hoành thánh, há cảo, xíu mại, xá xíu, lạp xưởng...người miền nam trước 1975 còn dùng khá nhiều từ gốc tiếng Hoa như bạc sỉu (cà phê sữa đá ít cà phê), xây chừng (cà phê đen nóng), tài mà ( đại ma = cần sa), tsọ cám (toạ giam = ngồi tù), nhị tì (nghĩa địa) tài chảy, a có (ca = anh), a ché (tỷ = chị), sườn xám (trường xiêm = áo dài), xí quách (trư cốt = xương heo)...trong tiếng Quảng Đông, cà na, pò pía, hủ tíu (phảnh), phá lấu, thím (thẩm = vợ của chú hoặc người phụ nữ trung tuổi), tía (cha), má (mẹ), thèo lèo (trà liệu = bánh kẹo ăn khi uống trà),bánh pía, tùa hia (đại huynh) ...trong tiếng Triều Châu để sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.



10/08/2023

Xưa chưa có hiện tượng này

  Hoằng Nhất Pháp Sư



1. Những người bán rau không ăn rau mình bán, đầu bếp không ăn thức ăn của nhà hàng mình làm.

Không có nhiều thứ chất lượng cao giá rẻ, hầu hết các loại rau đẹp đều đã được xử lý bằng thuốc trừ sâu, người sản xuất chỉ giữ một lượng nhỏ thực phẩm không có thuốc trừ sâu cho chính mình. Thực phẩm xuất khẩu ra nước ngoài không có bất kỳ chất phụ gia nào, trong khi bảng thành phần bán trong nước không thể thiếu liều này liều kia. 

Chỉ có các đầu bếp mới biết bếp, phía sau của một nhà hàng có sạch sẽ hay không, dù sao thì họ cũng cảm thấy kinh hãi.

2. Đàn ông ẻo lả như đàn bà, phụ nữ phong độ như đàn ông

Hiện nay, "hở da hở thịt" tràn ngập màn ảnh, phụ nữ ở các tầng lớp xã hội đua nhau làm đẹp để phô ra, đàn ông nam tính thật sự rất hiếm. Ngược lại, khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng bắt gặp những “nữ hán tử”, hiếm thấy những cô gái ngoan hiền. Hút thuốc uống rượu cái gì cũng đủ cả, khi bất đồng quan điểm thì xắn tay áo lên, hành hung ngay cả bạn trai mình.

3. “Gái ế” ở các thành phố lớn ngày càng nhiều, “trai ế” ở nông thôn bơ vơ

Ngày nay, "gái ế" chủ yếu tập trung ở thành thị, còn "trai thừa" chủ yếu sống rải rác ở nông thôn. Yêu đương trọng tình cảm, xét nhân phẩm đã trở thành quá khứ, thay vào đó là sự kén chọn về ngoại hình, học vấn, tiền lương và thậm chí chọn cả cha mẹ. 

 Kết quả là phụ nữ trẻ lớn tuổi độc thân ở thành phố gần như tràn lan thành tai hoạ, trong khi hàng chục triệu thanh niên ở nông thôn chưa vợ không tìm được vợ.

4. Viện dưỡng lão chẳng ai ngó nghiêng, cha mẹ tập trung ở cổng trường mẫu giáo

Người ta nói “Bách thiện hiếu vi tiên”, nhưng thực tế là “Ông nội sống như cháu nội, cháu nội sống như tổ tiên”. Bây giờ càng có nhiều trẻ em được cưng chiều từ bé, hầu hết các gia đình có sáu người lớn xung quanh một đứa trẻ. Cha mẹ vất vả cả đời vì con cái, đến tuổi an dưỡng tuổi già còn phải tiếp tục bận rộn, không biết đây là người già muốn làm việc cho vui hay là điều người già vẫn phải làm? Con cháu chẳng mấy ai muốn đến thăm bố mẹ, ông bà ở Viện dưỡng lão.

5. Trước kia nói ai thành thật đó là khen ngợi, bây giờ nói ai thành thật giống như chửi người

Người thật sự cố gắng làm việc căn bản không giỏi, người có năng lực làm việc căn bản lại không để tâm làm việc. Người giỏi nhìn sắc mặt người khác làm việc, thường thường luôn có thể gặp được chuyện tốt thăng chức tăng lương. Người chỉ biết chân thật, kiên trì làm việc, không chỉ bị người ta coi thường, còn bị đổ lỗi mang tiếng thay người khác, chẳng lẽ đây cũng là một loại tiến bộ xã hội?

6. Người vay tiền bây giờ kiêu như đại gia, chủ nợ khép nép cầu xin như con cháu

Đáng lẽ “vay dễ, trả dễ, vay lại cũng dễ”, nhưng hiện tượng phổ biến hiện nay là: con nợ thì giống như đại gia, lúc nào cũng kiêu ngạo, những người cho mượn thì khiêm nhường như con cháu van xin con nợ trả tiền. Người vay trước khi vay tiền nói toàn lời tốt đẹp, sau khi lấy được tiền liền biến thành người khác. Khi chủ nợ muốn người vay trả lại tiền thì bằng hữu ngày xưa liền biến thành kẻ thù.

7. Hàng trăm người bạn tốt trên điện thoại, có rất ít bạn tâm tình thực sự

Truyền thông hiện đại phát triển rất nhanh, kể từ đó giao tiếp rất thuận tiện. Vòng tròn xã hội của mọi người đã mở rộng nhiều lần. Mở danh bạ bạn bè trên các nền tảng xã hội, có ít nhất hàng trăm người bạn và một số người trong số họ bạn không thể nhớ mình đã thêm họ làm bạn bè như thế nào. Mặc dù ngày càng có nhiều" bạn bè" quen biết, nhưng có bao nhiêu người bạn tri kỷ?

8. Những người nổi tiếng trên Internet kiếm tiền nhanh và được nhiều tiền hơn các nhà khoa học

Nhiều bạn trẻ bây giờ hỏi thích ngôi sao nào thì nói rành rọt, hỏi hâm mộ nhà bác học nào thì tỏ vẻ bối rối. Những người nổi tiếng trên Internet kiếm tiền rất dễ dàng, quay một tập phim truyền hình thù lao mấy chục triệu, phát sóng trực tiếp một hồi mang về hàng hơn trăm triệu thậm chí tiền tỉ. Biết họ kiếm tiền rất dễ và không thiếu tiền, tại sao bạn lại thưởng cho họ số tiền lương ít ỏi hàng tháng của mình?

9. Ngày xưa tìm cách sinh con thứ 3, bây giờ cha mẹ cũng không muốn ép hôn

Trước đây chính sách kế hoạch hóa gia đình chỉ choc phép sinh một đến hai con, không được sinh con thứ 3, nhiều người thà nộp phạt cũng muốn âm thầm sinh thêm đứa nữa. Bây giờ được phép sinh con thoải mái, khuyến khích 3 con, nhiều người thậm chí còn không muốn sinh con. Một số thanh niên thậm chí không muốn kết hôn, vậy làm thế nào nòi giống con người có thể tiếp tục?

10. Chó mèo trở thành báu vật, cha mẹ bị coi là gánh nặng

Bây giờ một số thanh niên chỉ yêu chó mèo mà không tôn trọng người già. Có tiền nuôi thú cưng nhưng không có tiền nuôi bố mẹ. Cho thú cưng ăn theo khẩu phần, nhưng lại đưa tay xin bố mẹ đồ ăn. Thường tắm cho thú cưng nhưng chẳng bao giờ rửa chân cho bố mẹ. Nuôi con như vậy cũng vô ích, còn không bằng nuôi chó mèo!

 


09/08/2023

Gia đình

 rezoman


Làm báo nên mình quen nhiều người, nhiều giới... Nhưng không thể không nói tới mấy người bạn gái mình quen; chơi và thân từ thuở chập chững vào nghề và đến bây giờ vẫn gắn bó.

Ấn tượng và gắn bó vì họ có cá tính không thay đổi nhiều bởi thời gian. Đây là điều khó gặp, nhất là đối với phụ nữ, vì khi có gia đình, người ta thường biến đổi, thích hợp với cuộc sống mới. Hợp với mình, kẻ thích soi mói và đa dâm.

Người thứ nhất, thích ngoại tình nhưng lại luôn đi chân đất dẫm thẳng vào đời tư người khác, can thiệp thô bạo, lời lẽ thô tục, đay nghiến nhưng luôn nghĩ mình đang xây dựng với tâm thế Hoan hỷ của nhà Phật. Bạn này, chả biết thế nào, nhưng luôn bị tình thế phản ngược, không như mong muốn. Bây giờ vẫn vậy, có cơ hội là lập tức nhảy xổ vào với ý nghĩ trong sáng, ta đang giúp người???

Bạn thứ hai, có trí nhớ siêu phàm và óc nhận xét sâu sắc. Người này thích châm trọc là được ngay dù tâm cũng chả vậy, nhưng thích thì làm thôi. Có cơ hội sẽ cho mọi người, dư luận biết rằng, con này, thằng nọ vốn thế này, thế kia và bây giờ thế chai nhé...

Cô thứ ba, theo đám đông trong suy nghĩ và hành động. Đến nỗi, thấy người ta ly dị, sống độc lập nuôi con hoặc phải có cách để thăng tiến là áp dụng ngay. Nhưng được cái, cô này xởi lởi, chan hoà nên rất thành đạt.

Người thứ tư, ngay từ thuở thiếu thời, không biết lý do gì? chỉ thích so đo với bạn gái và có ý thích chiếm chồng người. Khi trưởng thành, thấy bạn gái thành đạt là để ý, quan tâm rồi làm quen, rồi gây sự chú ý của bạn trai của bạn gái. Chồng chị gái, chồng bạn, chồng em bạn gái, chồng chị bạn, bồ của bạn bạn mình... đều là đối tượng hướng tới. Cô này vất vả nhất dù thành công trong công việc.

Người bạn khác, cô này chân chất, thật thà đến đơn giản nhưng lại là người có trách nhiệm với chồng con. Cuộc sống vất vả tý nhưng gia đình hoà thuận, yên ấm...

...Mình thì biết thân biết phận, cưới một cô gái chân quê, cháu của nhà văn Tú Xương nên an nhàn. Cũng làm viên chức nhỏ, nhưng thương chồng, thương con thôi rồi. Không đẹp lắm nhưng hút nhiều cảm tình, ánh mắt đàn ông. Nhưng chớ nhé, đừng ai động đến tôi, ngoài chồng. Là mình có Phúc được người vợ như vậy.

Hai đứa con tôi cũng giống tính bố mẹ, lấy vợ nông thôn, ngoan hiền, nhưng trách nhiệm và đoan trang dù thành đạt. Thành ra, nhà không giàu có nhưng êm ấm.

Đang bế đứa cháu gái trên lòng. Mắt hướng TV nhưng lòng mong mỏi, cháu hãy bình thường nhé, gái yêu.

Nghĩ ngợi thôi, chứ mỗi người mỗi Phần mà.

Giàn thiên lý đã xa

 Dân ca Anh

Phạm Duy chuyển lời




Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

Này nàng hỡi! nhớ may áo cho người
Giàn thiên lý đã xa tít mùi khơi
Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là
Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua

Tìm một miếng đất cho gã si tình
Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh
Miếng đất cát hoang, miếng đất ngay bên giáo đường
Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương

Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!
Lắp đất, hố tôi, lắp với đôi tay cô nàng
Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương.

Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!
Lắp đất, hố tôi, lắp với đôi tay cô nàng
Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương.

Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi
.


08/08/2023

Giải thoát

 Hoằng Nhất Pháp Sư




1 Những thứ mà bạn muốn kiểm soát, thực tế là nó đang kiểm soát bạn. Khi bạn không muốn bất cứ điều gì, trời đất đều thuộc về bạn.

2 Gặp gỡ, là bởi vì có nợ cần trả.

Rời xa, là bởi vì đã trả hết nợ.

Kiếp trước không nợ, kiếp này khó gặp

Gặp nhau kiếp này, chắc chắn có nợ.

Duyên khởi, từ trong đám đông cũng có thể nhận ra nhau

Duyên diệt, có đứng đối diện cũng không để ý đến nhau.

3 Đừng sợ mất mát, những thứ bạn mất vốn dĩ ban đầu không thuộc về bạn.

Đừng sợ tổn thương, những gì có thể gây tổn thương bạn đều là số mệnh của bạn.

4 Bạn nghĩ rằng bỏ lỡ là tiếc nuối, nhưng sự thực bỏ lỡ sẽ giúp bạn tránh được tai ương.

Đừng nên tham lam, không ai có thể sở hữu tất cả; cũng đừng nản lòng, bạn cũng không thể thứ gì cũng không có.

Có nguyện ý hay không, chi bằng hãy cứ cam tâm tình nguyện.

Có đắc được hay không, chi bằng hãy cứ an nhàn bình thản.

5 Có những việc Ông Trời không cho bạn thực hiện, đó là để bảo vệ bạn.

Đừng phàn nàn, đừng tức giận, mọi sự trên thế gian đều có nhân duyên của nó.

“Được” chưa chắc đã là “phúc”, “mất” chưa chắc đã là “họa”.

Mỗi người ai cũng có những ngã rẽ riêng, ai cũng có những bến đỗ riêng.

Đã là định mệnh thì sẽ không thể tránh được, không có duyên phận thì cũng chẳng thể gặp nhau. “Duyên khởi tắc tụ, duyên tận tắc tán”.


07/08/2023

Những lí do để bạn tới Hà Nội



Dưới cái nhìn của một anh tây nước mắm

1. Bạn phải biết hồ Gươm khi ở Việt Nam. Cũng như bạn phải biết “Hồ Thiên nga” khi ở nước Nga.

 2. Bạn phải ăn kem Tràng Tiền, sau đó tự hỏi kem đã làm nên Tràng Tiền hay Tràng Tiền đã làm nên kem.

 3. Bạn phải ăn bánh tôm hồ Tây để hiểu lý do gì họ không có bánh tôm hồ Than Thở.

 4. Bạn phải ngồi uống nước chè trên vỉa hè để biết đấy không phải là quán nước. Đấy là diễn đàn.

 5. Bạn phải tới phố Hàng Đào, và sẽ hiểu lý do gì ở đấy họ bán đủ các thứ, trừ quả đào.

 6. Bạn sẽ được ngửi mùi hoa sữa và được hoa sữa ngửi lại mình bằng cách rắc sữa lên đầu.

 7. Bạn sẽ được biết thế nào là một thành phố đang ngủ. Trong khi ngủ, thỉnh thoảng nó cựa mình và nghiến răng.

 8. Bạn sẽ gặp những ông lái xe ôm mặc complê và đi giày tây.

 9. Nếu may mắn, bạn sẽ được gặp cụ rùa. Bạn nhìn cụ và cụ nhìn bạn. Hai bên đều thán phục lẫn nhau.

 10. Bạn sẽ được tới chùa Một Cột, và hiểu vì đâu chả cần đến cái cột thứ hai.

 11. Bạn sẽ gặp một nhà thơ nhưng vẽ tranh, một nhà vẽ tranh nhưng lại xây nhà, một ông xây nhà nhưng lại là đạo diễn và một ông đạo diễn nhưng lại thiết kế dự án.

 12. Bạn sẽ được ăn bánh chưng nhưng rán lên, sẽ được ăn quả sấu tuyệt ngon nhưng đựng trong những cái lọ tuyệt xấu và ăn những cái bánh gai không hề có gai.


05/08/2023

Ăn Chay trong Phật giáo là kị ăn Tanh

 


Vốn ban đầu, nhà Phật kị ăn Tanh. Cái “tanh” này ấy, không phải cái tanh của thịt cá thế tục đâu, mà cái gọi là “tanh” này chính là để chỉ những gia vị làm dậy mùi như hành, tỏi, rau thơm vân vân…nhằm tránh cho tăng sỹ ham luyến tục vật do ham ăn các thức ăn chế biến cầu kỳ. Còn thịt, cá, động vật... chỉ cần là “ba sạch”: 

- Một là ta không nhìn thấy người giết, 

- Hai là không phải ta giết, 

- Ba là không phải vì ta mà giết 

thì có thể ăn, nhằm tránh phạm giới "sát sinh".

Người xuất gia, đều dựa vào bố thí của các tín đồ. Tín đồ bố thí cái gì thì họ liền ăn cái đó, nào dám bắt bẻ điều gì. Cho đến thời Lương Vũ Đế (Hoàng đế triều Lương 464 – 549CN bên TQ), mới đề xuất bắt tu sỹ Phật giáo không được ăn thịt. Hoàng đế đã mở kim khẩu, đương nhiên ai dám chống lại, vậy là từ đó, các tăng nhân Phật giáo Bắc tông mới bắt đầu phải ăn chay.

Còn Phật giáo Nam Tông hay còn gọi là Phật giáo nguyên thuỷ, cho đến nay vừa ăn chay, vừa ăn mặn nhưng chỉ ăn 1 bữa trước giờ Ngọ (12h trưa - hình như bên Thiền tông và một số tông phái khác cũng áp dụng điều này) . Tuy nhiên, việc ăn mặn của Phật giáo Nam Tông phải tuân theo giới luật rất khắt khe và ở mỗi quốc gia theo hệ phái này cũng có nhiều điểm không đồng nhất.

Ảnh trên là bữa ăn trong ngày của các tăng sỹ Nam tông ở 1 ngôi chùa vùng Tây Nam bộ - Vừa có chay, vừa có mặn, nhưng yêu cầu phải ăn hết, không có thừa. Nên ta thấy, các tăng sỹ rất béo tốt, hồng hào.

Đồ ăn này hoàn toàn do các tăng sỹ đi khuyến (khất) thực hoặc Phật tử đem đến chùa từng bữa, chứ nhà chùa hệ Nam tông, phần lớn không có bếp.

Và ta còn thấy không có ni sư ̣(nữ giới) vì Nam tông tuân thủ theo nguyên tắc từ thời Đức Phật Thích ca còn tại thế, không chấp nhận Ni đoàn.

Phật tử có thể ngồi xung quanh để chứng kiến và tiếp thêm đồ ăn nếu thiếu.

 



* Mỗi lần vào Nam, tôi đều cố gắng tới nơi chiêm ngưỡng, tìm hiểu và rất ngưỡng mộ Tín Tâm của các tăng sỹ Nam tông. Rất mong sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin tới các bạn trong các bài tới.

03/08/2023

Ý NGHĨA NHỮNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC KHẮC TRÊN "CỬU ĐỈNH" Ở HUẾ

 st trên net

 

 Mới đây, sau hai năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã hoàn thành hồ sơ di sản tư liệu cho Cửu đỉnh, trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.


Bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi 1835, kéo dài tới đầu năm 1837 mới hoàn thành. Ngày 4/3/1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ khánh thành và an vị cho Cửu đỉnh dưới sự chủ lễ của vua Minh Mạng.

Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. Sau khi đúc xong, 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ Miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng Thành (Đại Nội) - kinh thành Huế. Các đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.

9 đỉnh được xếp một hàng ngang, đối diện 9 gian thờ trong Thế Tổ Miếu, tương ứng với 9 vua được thờ trong miếu. Riêng chiếc đỉnh lớn nhất (Cao đỉnh) là chiếc đỉnh ứng với vua Gia Long - vua sáng lập triều Nguyễn - được đặt chính giữa và nhích về phía trước so với 8 chiếc còn lại.


Cửu đỉnh được đúc theo phương thức thủ công truyền thống. Khuôn đúc bằng đất sét cũng được tạo tác thủ công vô cùng tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, tất cả khuôn đúc được phá bỏ để tránh sự sao chép. Tạo hình các đỉnh, cũng như các hình khắc, hoa văn, họa tiết trên Cửu đỉnh vô cùng tinh xảo, và là một sự đa dạng trong thống nhất, chưa từng có ở các công trình, tác phẩm mỹ thuật đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Vì vậy Cửu đỉnh là độc bản, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu. 9 chiếc đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sĩ thời phong kiến soạn ra một cách tổng quát, phong phú, tài tình.

Trên mỗi đỉnh có 18 (là bội của 9) hình khắc theo cách chạm nổi, ngoại trừ một hình khắc tên của đỉnh thì 17 hình còn lại là những hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình này được phân thành các nhóm, mỗi nhóm có 9 hình khắc trên 9 đỉnh như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền...


Cửu đỉnh cũng được coi là bộ sách địa chí của Việt Nam, với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện một tư tưởng hoà bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên Cửu đỉnh ở 3 chiếc đỉnh lớn nhất. Đó là hình ảnh của Đông Hải (Biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), và cả các vùng biển Nam Hải (biển phía nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái Lan - khắc trên Chương đỉnh).

Trên hình là Đông Hải (Cao đỉnh) là vùng biển phía đông đất nước.



Trên hình là Ngự Bình Sơn khắc trên Nhân đỉnh - núi Ngự Bình là ngọn núi phía trước Kinh thành Huế, được coi là "tiền án" của Kinh thành.


Hương Giang khắc trên Nhân đỉnh - sông Hương, dòng sông lớn ở Thừa Thiên Huế, chảy qua trước Kinh thành Huế và đổ ra biển ở cửa Thuận An.


Hồng Sơn khắc trên Anh đỉnh - núi Chim Hồng còn gọi là Hồng Lĩnh là dãy núi lớn ở Hà Tĩnh.


Bạch Đằng Giang khắc trên Nghị đỉnh - sông Bạch Đằng là con sông lớn ở đông bắc Tổ quốc, chảy qua các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng. Sông Bạch Đằng ghi dấu lịch sử với những trận thuỷ chiến chống quân xâm lược.


Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh - núi Tản Viên, ngọn núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Ba Vì - Hà Nội. Tản Viên là ngọn núi gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh trị thuỷ.


Hoành Sơn khắc trên Huyền đỉnh - núi Hoành Sơn hay Đèo Ngang, dãy núi ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình ở Bắc Trung Bộ; xưa kia là ranh giới Đại Việt - Chăm Pa. Trên núi có một trấn ải là Hoành Sơn Quan đến nay vẫn tồn tại.


Đà Nẵng Hải Khẩu khắc trên Dụ đỉnh - cửa biển Đà Nẵng (còn gọi là cửa Hàn, vịnh Hàn), nơi sông Cẩm Lệ chảy về vũng Hàn rồi đổ ra biển.


Đại Lĩnh khắc trên Tuyên đỉnh - núi Đại Lĩnh (Đại Lãnh), dãy núi lớn là ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà.


Hậu Giang - Tiền Giang khắc trên Huyền đỉnh - sông Tiền và sông Hậu, hai con sông chảy qua và có ảnh hưởng lớn với nhiều tỉnh thành Nam Bộ.

01/08/2023

Chợt nhớ, nơi đó nhiều kỷ niệm gắn bó

 Ngày lười, ở xó quê nhớ về Hà Nội với lòng da diết:

...Những con đường thân quen còn đó
Tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm
...Cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng
...Hà nội ơi! Hà nội ơi!

... Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai
Là nhắc đến những kỷ niệm đã qua
... Hà Nội ơi trong trái tim ta
Chiều mùa thu gió về rộng trên phố phường
Nắng vàng hồng tươi những nụ cười
... Hà Nội ơi trong trái tim ta.