29/05/2016

Giáo dục con trẻ ở Mỹ - từ điều đơn giản nhất.

Tommy Vũ Phạm(Từ California, Mỹ)
Thằng cháu tôi, mới 6 tuổi tiếng Việt bập bõm (tất nhiên tiếng Anh mẹ đẻ thì lưu loát rồi) mà biết "tự lực cánh sinh" theo đúng nghĩa của nó. Nó tự biết xúc cơm ăn, biết tự tắm, biết tự ngăn nắp đồ chơi và sách vở, còn hơn thế nữa, biết tự bỏ rác vào đúng cái thùng phân loại rác. Còn 1 chuyện nữa, nó không biết sợ ma.
Tôi nhiều lúc cứ tự hỏi, điều gì làm nên 1 con người như vậy?! Ah, đơn giản thôi. Nó đi học, cô giáo của nó dạy dỗ hết, gia đình dạy dỗ thêm 1 phần. Nó bảo, ở trường cô giáo mở youtube cho nó xem ở bên Phi Châu con nít nó khổ vì thiếu ăn như thế nào, những nước đang phát triển trẻ con không được đi học, phải lấy than đen vẽ xuống đất mà tập viết. Cái đó làm nó sợ, nó sợ một ngày nào đó nó sẽ bị rơi vào hoàn cảnh tương tự, nó sợ cái cảm giác thiếu thốn, nó sợ bị đói. Và nó đã biết trân trọng thức ăn và từng món ăn nó đang có.
Mỗi nhà ở Mỹ thường có 3 cái thùng rác, mỗi cái phân biệt công năng qua cách phân biệt màu sắc: Xanh lá cây dùng để đựng rác hữu cơ từ cây cối, cỏ,... Màu xanh dương dùng đựng những thứ có thể tái chế như nhựa, thuỷ tinh, lon nhôm, giấy ... Cái thùng xám còn lại chứa đựng rác thông dụng mỗi ngày mà không biết phân vào đâu. Thế đấy, vậy mà ở trường nó được cô giáo dặn dò rất kỹ lưỡng với 1 sự giải thích nhẹn nhàng: phân loại rác như vậy để có tiền đóng tiền học.
Bọn trẻ con thừa hiểu cha mẹ nó không phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền đóng tiền học cho nó cho tới khi nó học xong trung học, vì đơn giản chính phủ Mỹ đã kiện toàn mọi chi phí đó. Thế nhưng cô giáo lại dạy rằng, con chỉ mất công 1 chút phân loại rác ngay từ đầu, chính phủ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền vì không phải thuê mướn người, máy móc phân loại. 
Rác được tái chế sẽ có tiền và tiền từ việc tiết kiệm, từ việc tái chế sẽ tạo được ngân quỹ để trả tiền học, tiền sách vở cho bọn trẻ. Tiền rác hữu cơ sẽ được quay lại để trồng trọt có trái ngon mà ăn,.... Và những công viên hiện đại miễn phí cũng từ những đồng tiền mà chúng tiết kiệm, trân trọng từ những việc nhỏ nhất mà ra.Và tụi nhỏ cũng học được sự tự trọng từ đó mà ra !! Thế thôi.
Câu chuyện này thường được tôi chia sẻ trên những chuyến du lịch tôi thường dẫn dắt ở Mỹ, khách tôi thích lắm vì nó chí tình chí lý. Và tôi còn khẳng định đó chỉ là 1 điều nhỏ góp phần vào sự thành công của nước Mỹ, hình thành 1 đặc tính rất Mỹ của dân Mỹ để tự hào là cường quốc số 1 thế giới. 
Thật đúng vậy khi rất nhiều vị khách sau khi nghe tôi kể xong lại thở dài ngao ngán vì nhìn những bọn trẻ ở quê nhà đi học chính quy thì được nhồi nhét những lớp đạo đức "không giống ai" mà kém thực tiễn. Chẳng dám so sánh thiển cận vì quê mình còn nghèo, còn chưa thực sự phát triển nhưng khi tôi dám khẳng định, nghèo tiền nghèo bạc còn có khả năng làm ra được nhưng một khi đã nghèo tư cách, nghèo đạo đức thì bao lâu nữa xã hội mới hướng được đến văn minh, đến sự chu toàn cho cuộc sống.
Tôi đang thở dài ngao ngán khi đọc những dòng tin về Vũng Áng, về miền Tây khô hạn,... với mong ước đơn giản thôi: biển sạch có cá mà ăn, miền Tây dư lúa gạo đến mức phải xuất khẩu,.. để ngày nào đó không phải phụ thuộc vào thực phẩm nhập bẩn từ lân bang. Xin ai đó học được 2 từ giản đơn: TỰ TRỌNG.

28/05/2016

Ý nghĩa kinh Diệu Pháp Liên Hoa


Nhiều vị đồng đạo với tôi đã đọc và tụng trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa nên ở đây không dám mạo muội đề cập đến xuất xứ, nội dung ... của Kinh - Chỉ mong qua bài viết này chúng ta hiểu hơn về bản Kinh quý giá và căn bản đó mà thôi.
Đại sư Bạch Ẩn - Thuần Bạch và Ngọc Bảo soạn dịch
Được đăng tại Phật Viện Thường Chiếu.

Kinh Liên Hoa không ở ngoài tâm. Tâm không ở ngoài kinh Liên Hoa. Tất cả mười cõi giới, từ địa ngục cho đến Phật địa đều không ở ngoài tâm. Cũng không ở ngoài kinh Liên Hoa. Đó là nguyên lý tối thượng và tuyệt đối mà tất cả chư Phật trong ba đời giảng nói.
Có tám vạn bốn ngàn pháp môn để đi đến Phật quả nhưng tất cả chỉ là phương tiện.
Khi cứu cánh Phật đạo đã đạt đến, sẽ thấy tất cả pháp là đồng nhất thể không có sai biệt.
 Tam tạng kinh Phật có hơn năm ngàn quyển, ghi lại vô số những điều vi diệu do đức Thích Ca giảng thuyết với những phương pháp tu hành khác nhau, nhưng tất cả tinh yếu đều thâu tóm trong 8 quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Với hơn 6000 chữ viết trong kinh này thì ý nghĩa cao tột lại được thâu tóm trong 5 chữ tựa đề là DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH. 5 chữ đó lại được thâu tóm trong hai chữ DIỆU PHÁP. Hai chữ Diệu Pháp này lại thâu về môt chữ TÂM.
 KINH có nghĩa là THƯỜNG. Như ý nghĩa của Phật tánh là luôn thường hằng, bất sinh bất diệt.
 Kinh dạy chúng ta tánh Phật là luôn như vậy. Không thay đổi. Không tăng nơi Phật. Không giảm nơi chúng sinh. Như trời như đất, tánh ấy là bản tánh chung của muôn pháp. Diệu pháp là bản chất của tâm giác ngộ.
 Kinh Liên Hoa đươc Phật nói ra để khai thị cho chúng sinh biết tự nơi mình có sẳn tâm giác ngộ huyền diệu không khác tâm chư Phật, nên còn gọi là TRI KIẾN PHẬT.
TRI KIẾN PHẬT cũng là VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT A DI ĐÀ của Tịnh độ, cũng là BẢN LAI DIỆN MỤC của thiền môn. Nhiều tên khác nhau nhưng thủy chung chỉ một tâm duy nhất mà thôi.
 Tri kiến Phật tựa như hoa sen.
 Vì hoa sen mọc lên từ đất bùn nhưng không bị bùn làm thấm bẩn. Và khi nở hoa thì hương sắc tỏa ra toàn vẹn thanh khiết.
 Trong hoa sen có hoa và quả cùng một lúc. Gương sen giữa hoa đã có sẵn hạt sen ở trong. Tượng trưng cho nhân quả đồng thời nơi tâm. Khi cánh sen rụng hết thì đài  sen hiện ra đầy đặn. Dụ cho tri kiến Phật hiển lộ khi vô minh bị xóa tan.
 Sen nằm trong bùn tượng trưng cho tâm chúng ta bị che lấp bởi ngũ dục. Khi giác ngộ rồi thì như hoa sen vươn lên toàn vẹn hương sắc.
 Sen trong bùn đã có sẵn mầm của hoa sen toàn vẹn hương sắc. Cả hai đều cùng một tánh sen mà ra. Tựa như tâm chúng sinh đã có sẵn tâm Phật tràn đầy viên mãn vậy.
 Vì kinh Liên Hoa chỉ cho con đường rốt ráo đạt đến quả Phật nên thọ trì kinh Liên Hoa sẽ được công đức không thể nghĩ bàn.
Làm thế nào để thọ trì?
 Tùy căn cơ chúng sinh mà có những cách thọ trì khác nhau.
 + Người hạ căn thì đọc tụng và tìm hiểu nghĩa lý.
+ Người trung căn thì nương theo kinh quay về quán tâm mình.
+ Người thượng căn thì dùng pháp nhãn thấu suốt được kinh. Thấy kinh như thấy tâm mình. Nhưng thọ trì đúng nghĩa nhất là buông kinh mà vẫn thấy kinh. Không nghe giảng pháp mà vẫn nghe được pháp âm. Đó chính là kinh vô tự. Là chân kinh vậy.
 Điều đó chỉ đạt được khi dứt mọi suy luận. Ngưng mọi tìm kiếm. Và nhận ra chân liên hoa của mình luôn luôn hiện tiền.
 Lúc đó tất cả nghĩa lý của kinh sẽ hiển bày rõ ràng mà không cần đến trí buện giải suy luận. Tri kiến Phật không ở đâu khác hơn là ngay chính tâm mình. bằng sự thực hành chân thiền,với một đại nguyện và một tâm nhất quán, buông xả, không còn khái niệm giữa trong và ngoài, phải và trái, nhân và ngã, đến chỗ không còn niệm khởi, không còn thấy trước và sau, tinh tấn hành trì, một lúc nào đó sẽ thấy chân liên hoa hiển hiện. Một khi đã thấy được chân liên hoa rồi thì diệu pháp hiển bày khắp mọi nơi. Ở trong mọi loài chúng sinh hữu tình cũng như vô tình, trong tất cả mọi thời đều thấy mình thể nhập hòa điệu sâu xa với kinh.
 Nếu thọ trì mà không thấy chân liên hoa thì không được lợi lạc gì. Cũng như người cầm một bát nước, tuy muốn uống nhưng tối ngày chỉ muốn giữ cho nước đầy không muốn cho vơi bớt đi. Rốt cuộc người đó chết vì khát.
Nếu đã thấy được chân liên hoa và thọ trì kinh này thì cũng như người cầm bát nước đổ vào sông hồ khắp mọi nơi. Nước này hòa lẫn với nước sông hồ. Đem lại lợi lạc vô tận cho chúng sinh muôn loài. Người ấy hốt nhiên đã nhập vào niết bàn đại hải của chư Phật. Thể nhập pháp thân với đầy đủ giới định tuệ. Phá tan hang sâu đen tối của thức Alaida. Chuyển thức thành trí sáng ngời.
 Nếu không biết cách thiền định hay các pháp môn khác. Có thể dùng Liên Hoa Định làm phương tiện để ngộ nhập được chân liên hoa.
 Liên Hoa Định là trạng thái đạt tới khi nhất tâm phát khởi hành trì không ngưng nghỉ câu niệm “Nam mô Diệu pháp liên hoa kinh”. Trong mọi lúc đi, đứng, nằm, ngồi, khi ngủ cũng như thức, khi vui cũng như buồn, đều không ngừng niệm câu này trong tâm. Với sự chí thành tha thiết muốn thấy được chân liên hoa.
 Trong mỗi hơi thở ra, hơi thở vào đều niệm không ngưng nghỉ.
 Nếu tiếp tục bền bĩ hành trì như vậy, chẳng mấy chốc tâm sẽ đạt được một trạng thái hoàn toàn sáng suốt, bất động, như thể kim cương kiên cố, trong suốt, không gợn một chút tì vết nào của vọng tưởng và cảm xúc. Đó là trạng thái của chân thiền định, trạng thái của chân liên hoa, của tri kiến Phật hiện tiền, rõ ràng không nghi ngờ. Đó cũng là trạng thái tây phương Tịnh độ của người phát nguyện sinh về tịnh độ, với câu niệm A Di Đà Phật.
 Thọ trì kinh Liên Hoa theo đúng nghĩa ngộ nhập Phật tri kiến quả là khó. Cho nên trong kinh nói : Người nào chỉ cần thọ trì một lúc thôi cũng đủ để được chư Phật ngợi khen. Tuy nhiên không nên nản chí mà nghĩ rằng mình không đủ khả năng để làm được điều đó.
 Vi diệu pháp có sẵn nơi tâm.
 Không có gì gần gũi với ta bằng tâm của chính mình.
 Không cần tìm kiếm đâu xa mà chỉ cần xoay chiếu lại tự tâm là thấy được đạo.
 Chư Phật và chư Tổ trong mười phương từ xưa đến nay không ai là không thấy được bản tâm, bản tánh của mình.
 Có những quan niệm cho rằng trong thời mạt pháp này, con người quá suy đồi nên không thể tự lực giác ngộ mà phải cầu tha lực của chư Phật ở ngoài để cứu độ. (Đại sư bác bỏ điều này). Thật ra khả năng giác ngộ bao giờ cũng sẳn có nơi mỗi người. Không tăng không giảm.  Diệu pháp không vì thời mạt pháp mà suy đồi theo. Chỉ vì tâm con người bị vô minh che lấp mà không biết chính mình.
 Nếu cho rằng mình thấp kém không thể có khả năng giác ngộ thì có khác gì anh chàng cùng tử nói trong kinh Liên Hoa. (Đại sư kể chuyện anh chàng cùng tử trong kinh Liên Hoa). Một hành giả chân chính của Diệu pháp liên hoa không cầu nơi Phật Tổ, không tìm kiếm niết bàn hay tịnh độ, cũng không cho Diệu pháp là ở ngoài hay ở trong… mà lúc nào cũng cũng có tâm niệm làm sao ngộ cho được tri kiến Phật. Không kể ngày đêm, không kể thức hay ngủ, đứng hay nằm. Hành trì như vậy trong một tâm nhất quán, buông xả, tinh tấn, bền bĩ… Chẳng mấy chốc sẽ cảm nhận được Diệu Pháp Liên Hoa ngay hiện tiền, sáng suốt, bao la và nhiệm mầu.

(Thơ viết cho một ni sư cao tuổi của phái Nhật Liên)

26/05/2016

Bệnh Cao huyết áp là gì ?

Tập hợp từ nhiều nguồn trên Net.

Cao huyết áp (hay còn được gọi là tăng huyết áp hay là lên tăng-xông, từ chữ Hypertension trong tiếng Pháp) là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. "Tăng huyết áp nguyên phát" chiếm 90–95% số ca tăng huyết áp, dùng để chỉ các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn). Khoảng 5–10% số ca còn lại (tăng huyết áp thứ phát) có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết.
Tăng huyết áp gây nhiều áp lực cho tim, có khả năng dẫn đến bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ chính trong: tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên. Ăn kiêng và thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng huyết áp và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng, mặc dù vậy vẫn có thể cần điều trị kèm bằng thuốc ở những ca mà các biện pháp thay đổi lối sống không có tác dụng hoặc không giảm được đến huyết áp mục tiêu.
 Cao huyết áp là bệnh lý ngày càng phổ biến, nhất là khi tuổi càng tăng, vấn đề tăng huyết áp càng phổ biến. Do đó những kiến thức cơ bản về cao huyết áp sẽ rất quan trọng để bạn có thể tự giúp mình, giúp người khác.

1. Thế nào là huyết áp bình thường? Các con số có ý nghĩa gì?

Huyết áp ở mức 90/60 đến dưới 130/80 mmHg là bình thường.
Có 2 chỉ số huyết áp.
Áp lực cao hơn là áp lực trong động mạch khi tim đập, bơm máu vào các động mạch. Áp lực này được gọi là huyết áp tâm thu.
Áp lực thấp hơn là áp lực trong động mạch khi tim đang thả lỏng giữa các nhịp đập. Áp lực này được gọi là huyết áp tâm trương.
Phân loại:
Huyết áp thường được phân loại dựa trên huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực máu trong lòng mạch trong khi tim đập. Huyết áp tâm trương là áp lực máu trong khoảng thời gian giữa hai lần đập của tim. Khi huyết áp tâm thu hay tâm trương cao hơn giá trị bình thường theo tuổi thì được phân loại là tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp.
Phân loại
Huyết áp tâm thu
Huyết áp tâm trương
mmHg
kPa
Bình thường
90–119
12–15.9
60–79
8.0–10.5
Tiền tăng huyết áp
120–139
16.0–18.5
80–89
10.7–11.9
Giai đoạn 1
140–159
18.7–21.2
90–99
12.0–13.2
Giai đoạn 2
≥160
≥21.3
≥100
≥13.3
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
≥140
≥18.7
<90
<12.0
 Tăng huyết áp[ được chia thành các phân loại như tăng huyết áp giai đoạn I, tăng huyết áp giai đoạn II, và tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là khi huyết áp tâm thu tăng đi kèm với huyết áp tâm trương bình thường ở người lớn. Cơ sở phân loại tăng huyết áp được thực hiện dựa vào con số huyết áp trung bình lúc nghỉ của bệnh nhân được lấy sau hai hay nhiều lần đến viếng thăm bất kỳ. Các cá nhân có tuổi lớn hơn 50 được phân loại là có tăng huyết áp nếu huyết áp tâm thu của họ luôn luôn ở mức thấp nhất là 140 mm Hg hay là 90 mm Hg đối với huyết áp tâm trương. Những bệnh nhân có huyết áp cao hơn 130/80 mm Hg và các bệnh đái tháo đường hay bệnh thận cần phải được chữa trị.
Tăng huyết áp còn được phân loại kháng trị nếu các thuốc do không thể có tác dụng giúp cho huyết áp trở về bình thường.
Tăng huyết áp do vận động là sự tăng huyết áp quá mức trong quá trình cơ thể vận động như trong quá trình di chuyển nhiều, tập thể dục...
Tăng huyết áp do vận động có thể là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp.
Trong quá trình vận động,áp lực tâm thu được xem là bình thường nếu ở trong mức 200-230 mmHg.
 2. Cao huyết áp là gì?
Huyết áp tâm thu >140mmHg, huyết áp tâm trương >90 mmHg được coi là cao huyết áp.
Tiền tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu >130 mmHg, huyết áp tâm trương >80 mmHg
Đo huyết áp cần thực hiện trong phòng yên tĩnh, vào lúc có trạng thái tinh thần thoải mái, sau vận động thì cần nghỉ 10 phút. Tư thế đo huyết áp thông thường là tư thế nằm và ngồi, để băng quấn cánh tay ngang mức với tim.

3. Huyết áp thay đổi như thế nào?

Huyết áp sẽ tăng và giảm theo các hoạt động bình thường hàng ngày khác nhau. Ví dụ, tập thể dục, thay đổi tư thế và thậm chí nói chuyện cũng thay đổi huyết áp.
Huyết áp có khuynh hướng cao hơn vào ban ngày so với ban đêm và mùa đông cao hơn vào mùa hè.
Huyết áp cũng tăng lên khi chúng ta già đi. Trước khi đến tuổi trưởng thành, huyết áp tăng song song với chiều cao.
Trong những năm trưởng thành, cân nặng và huyết áp có liên quan chặt chẽ. Khi trọng lượng cơ thể tăng lên, huyết áp có xu hướng đi lên.

4. Các biểu hiện của cơn tăng huyết áp?

Bệnh nhân có biểu hiện hồi hộp, lo lắng, tức ngực, khó thở, chảy máu cam, nhức đầu… là triệu chứng thường gặp nhưng không có tổn thương thần kinh và không tổn thương các tạng.
Khi cho bệnh nhân nghỉ ngơi, nếu huyết áp tối đa tăng ≥ 50mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng ≥ 40mmHg so với chỉ số bình thường được gọi là cơn tăng huyết áp.

5. Xử trí như thế nào nếu có cơn tăng huyết áp?

Đầu tiên bạn cần nghỉ ngơi,thư giãn, không lo lắng hoảng hốt, giữ tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ về điều trị cơn tăng huyết áp hoặc gọi đến đường dây nóng 115 để được hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết.

6. Tăng huyết áp có thể gây ra vấn đề gì?

Huyết áp cao quá mức kiểm soát trong nhiều năm gây thiệt hại cho các mạch máu của tim, não dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ. Nó cũng khiến tim làm việc vất vả hơn, dẫn đến suy tim; nó cũng thường làm tổ thương thận và có thể dẫn đến suy thận.

7. Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp?

Áp dụng một lối sống lành mạnh và một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý là rất quan trọng. Đó là chìa khóa để giảm nguy có mắc cao huyết áp, tiểu đường cũng như nhiều bệnh khác.

8. Làm thế nào phát hiện bệnh huyết áp cao?

Thường thì cao huyết áp được phát hiện nhờ việc kiểm tra huyết áp. Các triệu chứng thường không rõ ràng, nhiều khi không biểu hiện triệu chứng.

9. Nguyên nhân gây huyết áp cao

Đối với đại đa số những người bị huyết áp cao thì không rõ nguyên nhân từ đâu, nhưng nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ với chế độ ăn uống, sinh hoạt và yếu tố môi trường…
Còn có một phần nhỏ có tăng huyết áp là biểu hiện của bệnh lý khác như bệnh thận, nội tiết, hay bệnh lý tim mạch khác.

10. Huyết áp cao có thể được chữa khỏi?

Không hẳn là “chữa khỏi”, phương pháp tiếp cận hiện đại có thể duy trì huyết áp ổn định và an toàn trong hầu hết các trường hợp khi bạn uống thuốc liên tục. Nếu ngừng dùng thuốc, huyết áp nhanh chóng tăng trở lại.
Từ góc nhìn của y học cổ truyền, có nhiều toa thuốc được cho rằng có thể trị được cao huyêt áp triệt để. Tuy nhiên điều này chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ.
Một số phương pháp khác cũng có thể hỗ trợ điều trị huyết áp, như thiền định yoga, hay khí công 


25/05/2016

Xoa móng tay để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo Visiontimes

 

Theo Đông y, xoa bóp móng tay thực sự có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch.

Dòng máu phải chảy đến các chi của cơ thể, rồi quay lại tim. Tuần hoàn máu tới tay và chân tốt là điều đặc biệt quan trọng vì có nhiều sợi thần kinh ngoại biên ở đây, chúng thu nhận và xử lý nhiều thông tin. Tay và chân thường là điểm tiếp xúc đầu tiên, vì vậy việc nơi đây có nhiều đầu dây thần kinh cũng không có gì là lạ.

Hơn thế nữa, những đầu dây thần kinh này rất nhạy cảm; một số người có thể nhận biết được độ dày của vật thể thông qua đầu ngón tay nhạy, thậm chí còn chính xác hơn thiết bị.

Theo nguyên lý thông thường, thì tuần hoàn máu ở các nơi tận cùng như tứ chi thường không tốt. Lấy ví dụ, nhiệt độ của các đầu ngón tay chỉ khoảng 31 độ C, nhưng sau khi xoa bóp móng tay, nhiệt độ sẽ tăng lên.

Các ngón chân cũng tuân theo nguyên tắc tương tự. Nhiều người bị lạnh chân và cần phải đi tất khi ngủ. Sau khi thực hiện liệu pháp này, ngón chân cũng sẽ ấm lên và họ có thể ngủ mà không cần tất.

Liệu pháp xoa bóp móng tay

Bằng ngón cái và ngón trỏ của một bên tay, bạn nắm lấy một ngón còn lại và xoa bóp cả hại bên của móng tay thuộc ngón đó trong 10 giây.

Ngoài ra nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, thì xoa bóp móng tay tương ứng trong 20 giây sẽ đạt được hiệu quả rất tốt.

·  Ngón cái: Đối ứng với bộ máy hô hấp, có thể cải thiện ho, phong thấp.

·  Ngón trỏ: Đối ứng với cơ quan tiêu hóa, cải thiện viêm ruột, viêm dạ dày.

·   Ngón giữa: Đối ứng với tai, có thể cải thiện hiệu quả tình trạng ù tai.

·    Ngón nhẫn: Kích thích hệ thần kinh giao cảm, có thể cải thiện hệ miễn dịch.

·    Ngón út: Đối ứng với hệ tuần hoàn, có lợi cho tim, thận, mắt, và khi bị tăng huyết áp, đái đường v.v.

Độ mạnh yếu

Mỗi người có tình huống khác nhau. Xoa bóp móng tay cho đến mức bạn cảm nhận thấy là được.

Tần suất

Xoa bóp móng tay 1-2 lần mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất. Hiệu quả càng tốt hơn nếu bạn cảm thấy hơi đau một chút.

Thông thường sẽ cần khoảng một tháng hoặc hơn để bạn nhận thấy được thay đổi đáng kể trạng thái bệnh. Một số người có thể đạt được kết quả chỉ trong vài ngày. Kể cả khi bạn không có bệnh tật, thì liệu pháp đơn giản này cũng rất thích hợp để đề phòng bệnh, tăng cường miễn dịch.

 

 

22/05/2016

Tục thờ cúng Tổ Tiên của người Việt

Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v... là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị "Thành hoàng làng" các "Nghệ tổ". Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành "Cha" được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. "Tháng 8 giỗ cha" ở rất nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả "Thành hoàng" của nhiều làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm "thành hoàng". Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là "Mẹ Âu Cơ", còn là "Vua Hùng", là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà - cha mẹ - bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng giỗ. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ (hoặc chồng). Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng xã.
Thông thường tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hiểu theo hiểu theo hai nghĩa:
* Nghĩa hẹp: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người có cùng huyết thống đã mất để tưởng nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng.
* Nghĩa rộng: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ có thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống trong gia đình, họ tộc, mà còn mở rộng ra thờ cả tổ tiên của làng xã (thành hoàng làng, tổ nghề…), đất nước (Vua Hùng….): “Đạo thờ cúng tổ tiên được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người có cùng huyết thống, mà thờ cả những người có công với cộng đồng làng xã, đất nước”.
Những hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, "như tại" trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.
Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng) là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên.... Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên. Thông thường ban thờ được đặt cao ở vị trí trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà trên.
Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả…. Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.
Với trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo, bàn thờ các gia đình chi trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chủ được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Trên bàn thờ ở các từ đường dòng họ còn có bài vị Thủy tổ của họ, bài vị có sự chuyển dịch. Khi thờ cúng đến đời thứ năm thì thần chủ của đời này được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần chủ của ông mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Như vậy, các gia đình chi thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ hai đời gần nhất (ông bà, cha mẹ).
Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng.
Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công.
Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau.
Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Ngày giỗ (kỵ nhật) là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Trong các ngày giỗ có ba ngày chú ý nhất: tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết), trừ phục (lễ cởi bỏ đồ tang). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kỵ (giỗ lành).
Trước lễ Tiểu tường, nhiều gia đình còn làm lễ Tiên thường (cáo giỗ) nhằm xin phép Thổ công để linh hồn người đã mất trở về gia đình nhận giỗ. Đồ lễ cúng trong giỗ đầu và giỗ hết phải chuẩn bị rất chu đáo.
Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu, trang phục tang lễ mũ gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Đồ mã được gửi cho người chết cũng theo quy định: ở lễ tiểu đường đó là “mã biếu” vì người chết phải sử dụng để biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu (dân gian quan niệm cõi âm như cõi trần), ở lễ Đại tường và lễ Trừ phục (một ngày tốt được chọn sau lễ Đại tường để đốt bỏ tang phục) đồ mã còn cần nhiều hơn: mọi vật dụng sinh hoạt cho người chết ( quần áo, giầy dép, xe cộ), thậm chí cả các hình nhân bằng giấy để xuống cõi âm phục vụ cho họ.
Sau khi hóa (đốt) những đồ mã này, đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm. Người ta còn hơ một chiếc đòn gánh, gậy trên ngọn lửa hóa vàng, hoặc dựng một cây mía bên cạnh với lời giải thích “để các cụ gánh vác về”.
Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.
Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn giỗ.
Bên cạnh các nghi lễ cúng tế trong gia đình và gia tộc còn phải kể thêm vào hệ thống nghi thức tế lễ tổ tiên một hình thức Tảo mộ.
Ngoài việc đắp thêm mộ trong ba ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ, cúng tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba.
Việc cúng tế tại mộ thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người thân người ta phải khấn cáo xin phép thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên, một mặt là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc.
Người Việt cho rằng, nếu vị trí đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể nào phát triển được.



20/05/2016

Đến Bhutan, bạn sẽ thấy ở Việt Nam còn hạnh phúc gấp vạn lần

Nói thật là hoang mang khi thấy trang này: http://nguoivietukraina.com/ (Lề Phải đàng hoàng) đăng; nhưng nhiều thứ thấy hay hay nên copy về để tham khảo.
Link của nó đây ạ: http://nguoivietukraina.com/den-bhutan-ban-se-thay-o-viet-nam-con-hanh-phuc-gap-van-lan.nvu.



Quốc vương và Hoàng hậu chả thấy có dáng vẻ gì của Quân vương cả.

Bhutan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với vị trí địa lý nằm ở Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này có được là do người dân Bhutan thường xuyên tìm kiếm sự hạnh phúc về tinh thần, họ không quan tâm đến TV, Đài hay Internet, những vấn để nổi trội của thế giới. Còn đối với những người dân tại quốc gia khác, việc tìm kiếm hạnh phúc tại Bhutan lại khó hơn người ta tưởng. Đâu phải việc ở một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới sẽ giúp bạn trở nên hạnh phúc hơn. Nếu là người Việt Nam và đặt chân tới Bhutan, có lẽ bạn sẽ thấy quê hương chúng ta còn hạnh phúc gấp vạn lần. Tại sao lại như vậy?
1. Đất nước không có dân chủ
Vào năm 2008, Bhutan thực hiện quá trình chuyển đổi từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang chế độ quân chủ lập hiến và tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên.
Nhà nước Bhutan dù có Đức Vua nhưng Vua không có thực quyền – chỉ trị vì nhưng không cai trị, tất cả quyền lực điều hành nhà nước đều nằm trong tay quốc hội do Đảng chiếm đa số ghế đứng đầu.
So về việc tổng tuyển cử dân chủ, Việt Nam mình đã đi trước mấy chục năm, từ năm 1945 còn gì. Bhutan cái gì cũng bị kiểm soát dưới sự kiểm soát của nhà nước quân chủ lập hiến. Ví dụ thực tế: Nhà nước ban lệnh con nít bắt buộc phải đi học và dù nhà có điều kiện cũng không được trả tiền.
Trẻ em nhà giàu hay nhà nghèo đều phải làm tròn nghĩa vụ của mình là học hành và vui chơi, những vấn đề còn lại để nhà nước đảm bảo và đáp ứng. Trẻ em muốn đi làm kiếm tiền mưu sinh như ở Việt Nam cũng không được thông qua.
Du khách nào muốn đến Bhutan, không được đi tự do nữa, mà phải đặt qua công ty du lịch hoặc có bạn là người Bhutan xin visa giúp mới được cho đi.
Đối với mỗi thanh toán của du khách nước ngoài, nhà nước đánh thuế lên đến 35%. Tất cả tiền này vào quỹ được gọi là quỹ du lịch- hạnh phúc, và được dùng để phục vụ cho người dân Bhutan, các vấn đề về an sinh giáo dục.
Một điều nữa là đối với khách du lịch, nhà nước không khuyến khích du khách cho trẻ con ở Bhutan quà, bánh hay bất cứ thứ gì, vì điều này sẽ làm những đứa trẻ Bhutan hình thành thói quen xin đồ từ khách du lịch – vô cùng không tốt trong sự hình thành nhân cách của chúng.
Quay lại Việt Nam, ở Sapa, Hà Giang, hay cả Sài Gòn, Hà Nội, một số người lớn khuyến khích, chỉ bảo cho trẻ em đi xin tiền của người khác. Chỉ trừ một số thành phố như Đà Nẵng, gần đây là Sài Gòn không khuyến khích và cấm, còn lại thì để cho họ tự do.
2. Không có tự do tôn giáo, toàn bộ người dân theo phật giáo
Hơn 98% người dân Bhutan theo đạo Phật, học theo giáo lý và hành xử của những người theo Phật – hiền lành, chất phác, trung thực, làm gì cũng rõ ràng, vì rõ ràng nên họ mất thời gian lâu hơn để tìm hiểu, kiểm tra, kiểm định các thông tin, chứ đâu có “nhanh nhẹn, nhanh nhạy”.
Người dân Bhutan cũng không có chính kiến, toàn nghe theo giáo lý nhà Phật, nghe theo những điều của Nhà nước quy định trong “Chỉ số Hạnh Phúc Quốc gia”.
Chỉ số này được đặt ra trong năm 1972 bởi Dragon King thứ 4 của Bhutan, Jigme Singye Wangchuck. Nó đại diện cho một cam kết xây dựng một nền kinh tế sẽ phục vụ văn hóa Bhutan dựa trên các giá trị tinh thần Phật giáo thay vì chỉ số đo bằng tổng sản phẩm trong nước của phương tây (GDP): tập thiền mỗi buổi sáng, sống cân bằng, biết đủ, không bon chen nói xấu lẫn nhau, không giết hại súc vật.
3. Không có sự sáng tạo trong giáo dục
Vì là nước nghèo – quốc vương có điều kiện được ba mẹ cho đi Anh Quốc du học, rồi đem nguyên hệ thống đó vào áp dụng, có điều chỉnh và bổ sung thêm về văn hoá, con người, giá trị, bài học đạo đức vào để áp dụng cho đất nước.
Bạn đến Bhutan, đừng ngạc nhiên vì sao người dân Bhutan từ con nít đến người lớn – hơn 80% đều nói tiếng Anh rành rõi, bên cạnh tiếng mẹ đẻ Dzongkha và 53 ngôn ngữ trong hệ ngôn ngữ Tây Tạng.
5. Taxi không rõ ràng minh bạch – đi mà không tính theo km đường đi
Taxi ở Bhutan không có cái máy để tính tiền theo km bạn đi. Lên taxi tài xế hỏi đường bạn đi đến đâu, rồi báo số tiền là như vậy rồi bạn đi thôi.
Họ không dám nói dối, nói xạo, vì như vậy là không đúng theo giáo lý nhà Phật. Nghĩ lại nước mình, trừ các hãng có uy tín, một số hãng khác có máy tính tiền rõ ràng minh bạch nhưng sao hành khách hay có cảm giác được trả tiền cao hơn bình thường.
6. Nền kinh tế chuyên nhập siêu
Vì là quốc gia Phật Giáo, nên đa phần người dân không được sát sinh, giết hại súc vật. Người Bhutan chủ yếu ăn gạo, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa, còn thịt cá thì đa phần cho du khách nước ngoài.
Thịt cá động vật được giết ở bên ngoài Bhutan – chủ yếu là Ấn Độ và nhập về. Người Bhutan vẫn chăn nuôi gia súc gia cầm bình thường nhưng không bao giờ giết hại. Cái này chẳng phải nhập siêu còn gì?
7. Quốc gia lãng phí nhất
Một người ở Bhutan kể bạn anh ấy bị bệnh, mà bệnh viện ở Thimpu không có đủ trang thiết bị y tế để chữa trị, thế là bạn đó được đưa qua bệnh viện Ấn Độ chữa trị đến nơi đến chốn mà không phải trả bất kỳ khoản phí bệnh viện nào cũng như chi phí chuyển viện, di chuyển từ Bhutan qua Ấn Độ. Quá tốn kém!
8. Sử dụng tiền không đúng mục đích
Đức Vua và Quốc hội nhận thấy không khí, môi trường, tài nguyên rừng là một phần không thể thiếu, nên đi đến đâu cũng bắt người dân phải bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Tiền thuế của người dân, các công ty, “tập đoàn kinh tế” đóng vào thì được sử dụng vào việc bảo tồn thiên nhiên, tự nhiên này.
Nhà nước không biết khuyến khích chặt rừng chặt cây lấy gỗ càng nhiều càng tốt để làm kinh tế, bán đi cho có nhiều ngoại tệ, cho nên mỗi ngày người dân Bhutan chỉ toàn ngửi mùi gỗ, mùi cây, mùi không khí.
Mùi tiền từ việc đốn cây bán rừng chặt rừng thì còn lâu họ mới chịu ngửi. Hỏi không phải sử dụng tiền sai mục đích chứ là gì?
9. Chi phí cho khách du lịch đắt đỏ
Như đã chia sẻ ở trên, để du lịch ở Bhutan, bạn phải đặt tour qua công ty du lịch và phải trả chi phí ít nhất 200$/người/ngày vào mùa thấp điểm ( tháng 1,2, 6,7,8,12) và 250$/người/ngày vào mùa cao điểm (3,4,5,9,10,11). Với tiêu chuẩn ở khách sạn 3 sao, bao gồm các tour cơ bản, ăn uống, không bao gồm chi phí vé máy bay.
Và khi trả số tiền này, có nghĩa là bạn đã góp phần cho Bhutan có nền giáo dục chất lượng miễn phí cho các em nhỏ, người dân Bhutan được hưởng sự chăm sóc y tế toàn diện, và môi trường sống trong lành, bảo đảm không phá hoại tự nhiên, và tôn giáo (đạo Phật) được tu dưỡng và không bị du lịch làm mờ nhạt, biến tướng cũng như không có tình trạng chặt chém du khách.
10. Quốc gia sống ảo nhất thế giới
Nước thì nhỏ, kinh tế còn đang phát triển, dân thì bị nhà nước kiểm soát như thế, ko có tự do gì cả… mà đi đâu, cũng thấy làm thương hiệu với hai từ “Hạnh Phúc”- từ sân bay đến đường đi, vào rừng… thế có phải sống ảo không? Ảo tưởng mình hạnh phúc nhất thế giới!
11. Nhỏ mà có võ – Đất nước không sợ chết
Dân số Bhutan chỉ hơn 700,000 người (ít hơn dân số Đà Nẵng – Việt Nam), nằm kẹp giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới và lớn về diện tích là Trung Quốc và Ấn Độ, vậy mà “Võ công cao cường”- không sợ gì hết.
Bhutan chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, và nói không với anh Trung Quốc. Đơn giản lãnh đạo Bhutan nói rằng “ từ trước đến nay Trung Quốc luôn coi Bhutan là một phần của Tây Tạng, mà Tây Tạng là của Trung Quốc, nên đương nhiên việc sớm muốn Trung Quốc muốn coi Bhutan thuộc quốc gia này cũng bình thường”.
Bất kỳ quan hệ ngoại giao nào với Trung Quốc cũng ko có cái gọi là công bằng. Dựa trên kinh nghiệm quan sát của Bhutan, nên nói không trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao, ko cho mở sứ quán Trung Quốc ở Thimpu và không cho mở đường bay thẳng từ Trung Quốc qua Bhutan- dù hai nước cạnh nhau và có hơn 475km đường biên giới.
Trung Quốc có mời chào cho tiền viện trợ, lãnh đạo nhà nước và quốc vương Bhutan cũng ko thèm, vì họ tự nuôi sống họ từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, và còn xuất khấu năng lượng sạch qua Ấn Độ.