Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam,
trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v...
là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc
sống hiện tại như các vị "Thành hoàng làng" các "Nghệ tổ".
Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương,
đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành "Cha" được tổ
chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. "Tháng 8 giỗ cha" ở rất
nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả "Thành hoàng" của nhiều
làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người
có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm "thành
hoàng". Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là "Mẹ Âu
Cơ", còn là "Vua Hùng", là người sinh ra các dân tộc trong đại
gia đình Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên còn là hình
thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền
thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang, con người không
thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối
tiếp liên tục các thế hệ: ông bà - cha mẹ - bản thân. Mỗi con người phải có
trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và
họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng giỗ. Theo trục ngang,
thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ: họ cha, họ mẹ,
họ vợ (hoặc chồng). Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người
đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng họ có sức
mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng xã.
Thông
thường tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hiểu theo hiểu theo hai nghĩa:
* Nghĩa
hẹp: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ
những người có cùng huyết thống đã mất để tưởng nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng.
* Nghĩa
rộng: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ có thờ cúng tổ tiên cùng huyết
thống trong gia đình, họ tộc, mà còn mở rộng ra thờ cả tổ tiên của làng xã
(thành hoàng làng, tổ nghề…), đất nước (Vua Hùng….): “Đạo thờ cúng tổ tiên được
hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất,
nghĩa là những người có cùng huyết thống, mà thờ cả những người có công với
cộng đồng làng xã, đất nước”.
Những hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản
Thờ
cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập
"mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới
hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người
Việt Nam: "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Với người Việt
Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống,
"như tại" trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu
trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống
tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và
tương lai.
Mang
đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường
thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ
bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng) là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào
giờ linh thiêng. Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ được sắp xếp theo quy định,
ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô,
ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên.... Trong các vị thần được thờ tại
gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên. Thông
thường ban thờ được đặt cao ở vị trí trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà
trên.
Việc
bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan
niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên
nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa,
chén rượu, mâm đựng hoa quả…. Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm
bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng
đồng. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng
phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ
cũng đơn giản hơn con trưởng.
Với
trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo, bàn thờ các gia đình chi
trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chủ được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa
cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Trên bàn thờ ở các từ đường
dòng họ còn có bài vị Thủy tổ của họ, bài vị có sự chuyển dịch. Khi thờ cúng
đến đời thứ năm thì thần chủ của đời này được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ
đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần
chủ của ông mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Như vậy, các gia đình chi
thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ
hai đời gần nhất (ông bà, cha mẹ).
Trong tục thờ cúng tổ tiên,
người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường
được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con
người đi vào cõi vĩnh hằng.
Không chỉ ngày giỗ, việc cúng
tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc),
ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết
Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập... Những
khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi
xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để
cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công.
Bản chất việc thờ cúng tổ tiên
của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ
mật thiết và hỗ trợ nhau.
Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo
tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện
mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Ngày
giỗ (kỵ nhật) là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm
thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Trong các ngày giỗ có
ba ngày chú ý nhất: tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết), trừ phục (lễ cởi
bỏ đồ tang). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kỵ (giỗ
lành).
Trước
lễ Tiểu tường, nhiều gia đình còn làm lễ Tiên thường (cáo giỗ) nhằm xin phép
Thổ công để linh hồn người đã mất trở về gia đình nhận giỗ. Đồ lễ cúng trong
giỗ đầu và giỗ hết phải chuẩn bị rất chu đáo.
Theo quy định xưa, vào ngày giỗ
đầu, trang phục tang lễ mũ gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Đồ mã được
gửi cho người chết cũng theo quy định: ở lễ tiểu đường đó là “mã biếu” vì người
chết phải sử dụng để biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu (dân gian quan
niệm cõi âm như cõi trần), ở lễ Đại tường và lễ Trừ phục (một ngày tốt được
chọn sau lễ Đại tường để đốt bỏ tang phục) đồ mã còn cần nhiều hơn: mọi vật
dụng sinh hoạt cho người chết ( quần áo, giầy dép, xe cộ), thậm chí cả các hình
nhân bằng giấy để xuống cõi âm phục vụ cho họ.
Sau khi hóa (đốt) những đồ mã
này, đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật
dưới cõi âm. Người ta còn hơ một chiếc đòn gánh, gậy trên ngọn lửa hóa vàng,
hoặc dựng một cây mía bên cạnh với lời giải thích “để các cụ gánh vác về”.
Đây là
một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành
kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay
nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.
Sau khi
cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng
lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn
giỗ.
Bên
cạnh các nghi lễ cúng tế trong gia đình và gia tộc còn phải kể thêm vào hệ
thống nghi thức tế lễ tổ tiên một hình thức Tảo mộ.
Ngoài việc đắp thêm mộ trong ba
ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ, cúng
tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba.
Việc cúng tế tại mộ thường diễn
ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người
thân người ta phải khấn cáo xin phép thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên,
một mặt là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan
niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc.
Người Việt cho rằng, nếu vị trí
đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể
nào phát triển được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét