20/04/2023

Một vài món ăn miền Tây Nam bộ

 st trên net


 Hãy đi và đến. Hẵng làm quen với văn hoá trên từng vùng Tổ quốc Ta, các bạn sẽ được thưởng lãm nhiều điều thú vị. Ở đây, tôi xin giới thiệu một vài trong số vô vàn món ăn vùng miền Tây Nam bộ, mong các bạn tham khảo. 

Món ăn ngon hay dở là tuỳ thuộc miệng và sự từng trải của cá nhân; nhưng mình tôn vinh những món ăn coi như bình dân này bởi sự phóng khoáng, can đảm, kiên cường ẩn chứa trong đó của những con người Mở Đất - Mở Nước thời xưa và bảo vệ nước thời nay. Họ đơn giản tạo món ăn để tồn tại cho mình, gia đình, dòng tộc... 

Mất văn hoá, tiếng nói và lịch sử - Dân tộc tiêu vong.

 


Lẩu cá kèo

Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang - loại lá có nhiều ở miền Nam và Trung, có vị chua chua, chát chát đặc trưng. Cá kèo nấu lẩu phải là những con cá còn tươi sống. Khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và cho cá vào. Khi cá không còn quẫy là cá đã chín, và ngay sau đó bạn có thể cho rau vào nồi lẩu. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối... Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.

Canh chua cá bông lau

Vàm Nao (huyện Phú Tân, An Giang) là khúc sông ngắn nối sông Tiền và sông Hậu, nằm ở địa phận giáp ranh giữa hai huyện Chợ Mới và Phú Tân. Nó không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp, về những huyền thoại “dưới sông sấu nhảy…” một thời mà còn nổi tiếng vì đặc sản cá bông lau, đệ nhất đặc sản của miền Tây. Cá bông lau không chỉ nổi tiếng về ngon mà còn về nguồn gốc bí hiểm của nó

Canh gà lá giang

Canh nấu chua ở miền Bắc có quả sấu, còn miền Nam có lá giang hoặc lá me. Lá giang tạo vị chua cho món ăn, thường được dùng trong các món canh và lẩu. Vị chua chua của lá giang và vị ngọt của thịt gà ăn rất ngon trong những ngày trời nóng nực.

Bún nước kèn An Giang

Về miền Tây Nam bộ, du khách thích ăn bún có nhiều lựa chọn như món bún bì, bún chả giò, bún thịt nướng, bún cà ri, bún gỏi dà..., trong đó, món được nhiều người ưa thích nhất có lẽ là bún nước lèo của bà con Khmer. Những món này, có thể thưởng thức bất kỳ ở đâu khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng muốn ăn bún nước kèn thì phải đến Châu Đốc (An Giang) mới có.

Bánh giá chợ Giồng

Ở miệt Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang) người ta thường truyền miệng câu ca dao về bánh giá. Không biết có từ bao giờ, bánh giá Chợ Giồng đã có tiếng, được nhiều người ưa thích bởi hương vị đặc trưng của nó. Hiện nay ở nhiều nơi khác, người ta cũng học và biết cách làm bánh giá để ăn. Bánh mang vị béo của bột gạo hòa lẫn vị ngọt của tôm, giá sống, ăn cùng mắm ớt tỏi thật khoái khẩu.
Bò bía
Bò bía là món ăn dân dã, cách làm vô cùng đơn giản. Chỉ cần cuốn hỗn hợp củ sắn, tép khô, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, trứng trong một miếng bánh tráng mỏng là đã có một cuốn bò bía. Tương hột được chưng lên cho mềm nhừ, xay nhuyễn, thêm một chút ớt xay, một chút hành phi, đậu phụng là món chấm không thể thiếu món ăn này. Lần đầu ăn món này sẽ có nhiều người cảm thấy nhạt nhẽo nhưng càng ăn càng ghiền.
Cua đồng nấu canh tập tàng
Trong những ngày hè oi bức này, nếu dịp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bạn hãy thưởng thức món canh cua đồng nấu với rau tập tàng. Đây là món rất dễ làm, lại sẵn có trong thiên nhiên của miền quê sông nước. Rau tập tàng là những loại rau vườn như mùng tơi, rau dền..
Gỏi khô cá lóc
Nhưng với dân đồng bằng Nam bộ thứ thiệt thì không thể không biết đến vị hấp dẫn của khô cá lóc trộn gỏi. Đơn giản nhất là gỏi xoài, nhưng công phu cao hơn một bậc phải kể đến thứ gỏi vả trộn xoài với khô cá lóc.
Vịt nấu chao
Không phải cao lương mỹ vị, rất dân dã, mang đặc trưng Nam Bộ nhưng vịt nấu chao trở thành món khoái khẩu của nhiều người bởi hương vị thơm ngon rất riêng.
Lẩu mắm miền Tây

Mỗi khi xa quê, những người con đất của phương nam vẫn không thể quên được hương vị món ăn nơi quê nhà, trong đó món lẩu mắm được xem là một món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong những ngày mưa. Chính cái màu nâu đặc trưng của mắm, nước sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả, hương thơm phưng phức từ cá linh, cá sặt, vị ngọt từ thịt và các loại cá tươi… cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất miền Tây.
Ở Sài Gòn, lẩu mắm được xem là món ăn ngon, đặc trưng, được bán tại một số quán nằm trên đường Hồ Biểu Chánh, Ngô Thời Nhiệm, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long…
Nem nướng

Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó.

Đất Cần Thơ là một ví dụ mà nổi bật là bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước đã nổi lên một đặc sản nem do chính tay người phụ nữ mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên. 

Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xỏ xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong dĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, nhất là bánh hỏi Phong Điền thì không còn gì bằng.
Ốc gạo
Xã Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc gạo sinh sản nhiều ở lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn,…Đặc biệt hơn cả, ốc gạo Cồn Tre nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy, bởi vậy ốc rất ngon.
Bánh xèo Nam bộ
Nói đến những đặc sản của vùng đất phương nam có lẽ không thể không nhắc đến Bánh xèo Nam bộ. Bánh xèo Nam bộ được chế biến từ bột gạo, nước cốt dừa, tôm, thịt... đặc biệt hấp dẫn thực khách bằng cách thêm giá, củ sắn, bông điên điển, bông thiên lý hay bông so đũa... làm nhân bánh.

Một cái bánh xèo ngon thường phải to như chiếc đĩa lớn, bánh mỏng, vành bánh giòn và thành phần của nhân bánh trải đều, được nhìn thấy rõ trên thân bánh đã được gập đôi sau khi chiên.

Bánh xèo Nam bộ được ăn với gần 20 loại rau khác nhau. Có mặt thường xuyên nhất là rau diếp cá, rau húng, xà lách, cải xanh, cát lồi, đọt bứa, kim thất, lá vông, mã đề, tía tô, đọt xoài, đọt cách, đọt bằng lăng, lá lốt...

Bánh ống


Bánh ống là loại bánh dân dã của bà con người dân tộc Khmer. Tuy nó không phổ biến lắm nhưng đây cũng là loại bánh ăn chơi ngon, rẻ mà lớp trẻ con rất thích.

Cái ống tre làm khuôn được cưa ngang một khúc dài cỡ 20cm. Ở giữa có que nhú lên gắn vào đồng xu cạo gió làm đáy khuôn. Ngày nay, ít ai xài bằng ống tre mà người ta chỉ làm bằng nhôm cho giản tiện. Đặt ống thẳng đứng trên nắp nồi, ở trong nồi có chứa nước. Bột gạo xay nát, tơi nhỏ và mịn trộn với đường, nước cốt dừa...

Bánh tráng cuốn Sài Gòn

Ở Sài Gòn, rất dễ tìm thấy một hàng ăn có món cuốn. Hình như người Sài Gòn sẵn sàng dùng món cuốn ở bất cứ thời gian nào trong ngày.

Chỉ một phần tư cái bánh tráng mỏng, trải ra trên một cái khay rộng, xếp lên lá rau diếp vài lá rau húng quế, húng cây, một gắp củ sắn xào, vài con tép riu xào đỏ thắm, một miếng lạp xưởng cuốn lại, chấm với tương ngọt điểm chút cay cay của tương ớt, cuốn nọ tiếp theo cuốn kia cứ kéo dài cùng với những tiếng cười râm ran vui vẻ. Đi trong lòng chợ, dễ dàng gặp một hàng gỏi cuốn. Chiếc cuốn trắng tinh, con tôm đỏ thắm với cọng hẹ ló ra ngộ nghĩnh. Cơm tấm bì dân dã, nhưng bì cuốn lại là một món cuốn ngon của người Sài Gòn.
Bò giá tréo

Bà con Khmer ở Sóc Trăng và một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tập quán nuôi bò trên đất cát giồng. Con bò vừa là tài sản vừa giúp ích cho nhà nông trong việc đồng áng, vận chuyển nông sản.

Người ta hạ một con bê (bò con vừa chớm sừng), cạo sạch lông, rồi treo lên hai cặp cây đóng tréo hình chữ X. Bên dưới là đống than hồng cháy đượm. Sức nóng làm da bò căng ra, thịt bên trong săn cứng…

Mâm bàn được dọn ra với chủ yếu là rau thơm, khế chua, chuối chát thái mỏng. Một dĩa chanh đã cắt ra thành miếng. Một thau bún ngon. Một tô đựng mắm nêm trộn với khóm, bằm chung với tỏi, ớt, đường, bột ngọt được pha chế vừa ăn. Trên bàn chỉ có chén nhưng không có đũa vì thực khách sẽ dùng tay để ăn.
Cơm tấm bì

Là một trong những đặc sản Nam bộ, cơm tấm bì chả đã trở thành bữa trưa vừa ngon vừa thú vị khi gói ghém được rất nhiều hương vị trong một: bì thịt heo, chả trứng, trứng ốp-la, đồ chua...

Bánh bột chiên
Bột chiên là món ăn đơn giản có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam và là món ăn chơi quen thuộc ở các khu vực quanh Sài Gòn cũng như một số nơi khác. Món bột chiên tại Việt Nam chủ yếu do người Việt gốc Hoa chế biến và bán nên không khác biệt nhiều so với nguyên gốc.
Đuông chiên giòn

Món ăn đặc sản quý hiếm ở Nam bộ mà ngày xưa được tiến về triều cho vua ngự lãm hàng năm gọi là con đuông. Có nhiều loại như: đuông dừa, đuông đủng đỉnh, đuông chà là và đuông măng.

Đuông mẹ có cánh, mỏ nhọn, hai cánh cứng như thép, có thể khoét thủng cả gỗ để vào đẻ trứng. Trứng đẻ thành ấu trùng, béo múp míp, trở thành thứ đặc sản “đệ nhất Nam bộ”.

Sau mùa giao hoan, đuông tìm một cây dừa đang sung sức, khoét ngọn vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng. Mẹ con nhà đuông bắt đầu chiến dịch công phá, chén củ hũ dừa thỏa thuê. Mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông rúc rỉa “tủy sống” của cây dừa. Đến khi cây dừa không còn sức sống đến chết thì người ta buộc phải đốn dừa bắt đuông. Bửa củ hũ ra, hàng trăm con ngọ nguậy, lăn tròn, đứng không nổi. Con nào đã mọc cánh thì không bắt.
Bánh tằm khoai mì

Đây là món ăn dân dã, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, nhất là ở các vùng quê miền Nam, miền Tây. Hiện nay bánh tằm được bán rộng rãi ở Sài Gòn và trở thành món khoái khẩu của nhiều chị em phụ nữ.

Cách chế biến món này khá đơn giản. Củ khoai mì lột sạch vỏ, mài nhuyễn, vắt bỏ nước rồi đem trộn với đường, bột năng và nước cốt dừa, hương va ni. Nếu thích có nhiều màu thì phân thành từng phần để trộn với lá dứa (màu xanh) hoặc chất tạo màu. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào chiếc khuôn hình chữ nhật để hấp từ 20 – 30 phút. Chờ cho nguội, lấy bột trong khay ra sắt thành từng sợi bằng nửa ngón tay rồi đem trộn với cơm dừa nạo sợi. Bánh tằm dùng với muối mè (làm từ mè rang, đậu phộng, đường, muối) có vị ngon, béo, mằn mặn và dai.
Cháo cá rau đắng

Miền Tây sông nước phù sa với rau xanh, cá tươi và món cháo cá lóc rau đắng được xem là món ăn dân dã, thơm ngon, và đậm hương vị quê hương.
Nguyên liệu nấu món cháo cá lóc rau đắng gồm cá lóc đồng làm sạch, lọc hết xương và ướp gia vị cho vừa ăn rồi mang hấp chín. 

Rau đắng là loại rau đắng đất, được mọc tự nhiên trong vườn nhà. Nấm rơm còn nụ tươi, hành ngò, gừng tươi cắt lát mỏng, tiêu, ớt, chanh, giá… Đặc biệt món cháo cá miền Tây này còn để thêm tương ngọt và ̣đậu phọng rang giã nhỏ cho có nhiều vị thơm ngon.
Hủ tiếu

Hủ tiếu là đặc sản của người miền Nam mà khi nhắc đến có lẽ ai ai cũng biết.

Đó là sợi bánh bằng bột gạo, gần giống bánh phở, song hủ tíu khác cơ bản ở chỗ sợi bánh thường được sấy khô, lúc chuẩn bị ăn mới trụng nước sôi và chần mỡ hành phi cho mềm-thơm-bùi-béo.

Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ bánh hủ tiếu với nước dùng, rồi cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng lợn vào. Có thể ăn với thịt bò viên và tương ớt, tương đen.

19/04/2023

Nhớ cà phê xưa

 


Không biết mọi người thế nào chứ, mình biết cà phê từ thuở nhỏ. Cái này là do bố mình – ông thích uống cà phê (không nói là nghiện được vì thời bao cấp lấy đâu cà phê thường xuyên mà uống). 

Cà phê là bạn cô tôi làm ở Thuỷ Tạ cung cấp. Tôi thấy ông già, thường là sáng chủ nhật, trịnh trọng lắm, pha phin cà phê. Lâm nhâm ngồi đợi từng giọt đen rơi với điếu thuốc Thủ đô (hồi đó hình như đây là loại thuốc cao cấp và hiếm)Phin cạn, ông nắn nót đong thìa rượu Rum, rồi chút bơ quấy cùng cà phê…. 

Tôi tự cho mình có trách nhiệm dọn rửa chén tách cho bố - dĩ nhiên rồi, vì đó là cơ hội để uống trộm chút cà phê đáy chén (*). Nó không ngọt vì bố tôi không pha đường, mà nó đắng và thơm lạ. Lúc đầu chưa quen, nhưng sau lại thích. Và có lẽ tôi thích hoặc là thèm cà phê từ đó.

Hồi ấy, nếu ta khi có dịp đi qua phố Lê Văn Hưu, lại được hưởng mùi thơm nức mũi của cà phê Mai khi rang. Đến tuổi thanh niên mình mới biết đến cà phê Hói mạn Bà Triệu, cà phê Giản – Hàng Gai…Còn mạn Nguyễn Du, phần giáp phố Huế thường có cà phê nâu…

Cũng thi thoảng mới nếm thôi vì đã làm ra tiền đâu, toàn bà nội với mẹ hoặc em gái bao cấp. Mà cũng nhiêu khê, ăn sáng một nơi, uống cà phê một nơi, cũng khá xa. Hồi ấy có 5 đồng 1 cốc thì phải (lương mình tập sự 278 đồng - lương chuyên viên 1 là 298đ). Khi có tiền do lĩnh lương chả hạn mới dám mời bạn bè đi cà phê đá mạn Bờ hồ (không thì toàn đãi nhau chè chén với thuốc lá cuộn)

Mà đa số quán có bán cà phê thuở ấy đều có tên là quán Giải khát đấy chứ, vì còn có các loại thức uống khác chủ đạo và rẻ tiền hơn cà phê như xi rô, nước chanh... Bây chừ, quán cà phê vẫn có các thức uống khác nhưng sang hơn, thật ra cũng bình mới rượu cũ thôi.

Nhớ cái thời ấy, những năm 80, 90, 2000, khi có dịp, vào quán thưởng thức chén cà phê, thường được nghe những bản nhạc hay từ máy quay đĩa, băng cối hay cattset... Nhạc cổ điển, đồng quê hay nhạc vàng, nhạc Trịnh... cho ta cảm giác say và mê cùng hương vị cà phê (phải của tư nhân, chứ các quán mậu dịch hoặc quốc doanh thì hổ lốn lắm). Ngắm phố phường, người lại qua thấy thi vị.  

Nay đa phần ít có quán bật nhạc hoặc có bật thì chỉ hợp với lũ trẻ 9x trở đi hoặc những quán sang mới có thì lại cách biệt cuộc sống phố phường nên thấy kém thú vị nhiều (đến quán sang như ở KS Metropole, Lục Thuỷ... họ còn biết cách nên để bàn uống cà phê ngoài đường nữa là).

Luận về cà phê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi gu, chân lý đa dạng. Từ luận được cho đến luận hết nổi. Thời những năm 90 - 2000, người ta cứ đồn cà phê pha ngô, pha cau, rượu trắng, mắm muối,… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này có nhẽ đúng. Cà phê Tây cũng đâu phải nguyên chất, cũng pha thứ này, trộn thứ nọ mà. Cà phê không độn ngô rang, đậu nành làm sao có độ sánh. Xứ nóng, uống cà phê đá mà lõng bõng nhìn sao được. Cà phê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Cà phê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là cà phê rang sao cho đúng cữ… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó. 

Dạo này thu nhập tăng cao nên dân ta cũng mới được hưởng cà phê thật nên biết phân biệt như cà phê chè (arabica), cà phê vối (robusta), moka... để mà khoe khoang.

Thật ra, cà phê xưa vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – Vẻ đẹp của sang trọng, bí hiểm và quyến rũ, của ký ức. Ta cứ nhẹ nhàng thưởng thức chén cà phê thơm sẽ thấy.

 Cà phê lề đường có âm nhạc, lại có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe và cái “mát rượi” riêng tư để ta ngênh ngang với thảnh thơi mà thưởng thức. 

Cà phê và khói thuốc. 

Cà phê nhỏ giọt. 

Giọt có buồn không? 

Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy nỗi vắng xa xưa.

Nhớ, nhớ cà phê xưa - Cũng là nhớ lắm những người thân thương.

 (*) Tôi gọi là chén cà phê vì tách là cái đĩa dưới chén.

18/04/2023

Đôi bạn

 

Họa Sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao.

Nhạc sĩ Văn Cao viết tặng nhà văn Nguyễn Tuân

 

Chúng tôi hai người

 Thường gặp nhau hàng ngày

 Buổi sáng trên một cái bàn

 Thuộc từng lớp bụi

 Một căn phòng không bao giờ dọn dẹp

 Những đồ vật càng cũ nát hàng ngày

 Chúng tôi nói như không nói

 Im lặng nói nhiều hơn

 Không ai nghe chuyện riêng của nhau

 Mắt anh và mắt tôi

 Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi

 Như tơ nhện trong không gian đầy nước

 Phủ các đồ vật cũ

 Phủ lên cả chúng ta

 Đến lúc không còn trông thấy nhau nữa

 Chúng tôi hai người

 Một bóng.

16/04/2023

Văn hoá của bác sĩ và bệnh viện

 st và biên tập.

Giáo sư Viên Chung diễn thuyết tại hội nghị.


Trong “Hội nghị quốc tế thường niên về quản lý khoa lâm sàng”, giáo sư Viên Chung (TQ), Giám đốc nhà xuất bản đại học Y khoa Dung Hợp đã có bài nói mang tên “Bác sĩ làm việc thích ứng với văn hóa”. Ở đây, tôi chỉ xin trích một phần bài này để giới thiệu tới các bạn:

"Một người tìm anh xem bệnh, họ đem hết những việc riêng tư của mình nói cho anh biết, cởi hết quần áo cho anh kiểm tra, đem hết những thống khổ kể cho anh, đem cả sinh mệnh mà giao cho anh, những người này (bác sĩ) chỉ đứng thứ hai sau Thần, chứ không còn là một người bình thường.

Bởi vì có thương yêu mới có việc chữa bệnh và bệnh viện, nếu như sự yêu thương này mất đi thì không thể gọi là chữa bệnh mà nó trở thành giao dịch, một giao dịch sẽ không có sự tôn nghiêm.

Chúng ta đã quên mất cái gì gọi là bệnh viện, chẳng phải giá trị quan đã gặp bất trắc. Cũng có bác sĩ nói cho tôi biết, bản thân anh ta làm bác sĩ là để kiếm tiền. Điều này vốn không sai, nhưng tôi muốn nói cho các vị rằng, nếu chỉ muốn kiếm tiền thì đừng bao giờ làm bác sĩ. Có nhiều công việc trong xã hội này so với nghề bác sĩ vẫn kiếm được rất nhiều tiền, buôn bán bất động sản, khai thác mỏ, tài chính, IT… Thế nhưng, chỉ có hai nghề vừa kiếm ra tiền vừa được sự tôn nghiêm, một là bác sĩ, hai là giáo viên. Ở Nhật Bản, chỉ có hai nghề có thể được gọi là “tiên sinh”, đó chính là hai nghề này, bác sĩ và giáo viên.

…Cơ Đốc Giáo có hai điều rất quan trọng, một là quan niệm thần thánh, hai là tinh thần bác ái. Quan niệm thần thánh cho tôi biết bác sĩ là tập thể những người ưu tú. …Bác sĩ nếu có được quan niệm thần thánh, họ sẽ là những người ưu tú nhất, bất kể là ở phương diện nào, dù cho là thầy thuốc làng, họ cũng sẽ là những người ưu tú nhất nơi đó.

…Cái gì là chữa bệnh? Chữa bệnh khởi nguyên là một tấm lòng đồng cảm, con người quý ở chỗ có tâm đồng cảm, lòng thương xót. Vì chứng kiến thấy người khác bị đau khổ, chịu khổ chịu nạn mà mình cũng cảm thấy  thương xót mà giúp đỡ người ta, đây mới gọi là chữa bệnh. Cái gì là bệnh viện? Trong thời trung cổ, xã hội của Cơ Đốc giáo có rất nhiều người nghèo là ăn mày lang thang khắp nơi, không ai quản đến. Vì thế, họ đã bố trí một nơi để họ giảm bớt khổ cực, cuối cùng từ từ tạo thành bệnh viện. Bởi vì yêu thương mới có chữa bệnh và bệnh viện, nếu mất đi tinh thần này thì không thể gọi là bệnh viện, mà gọi là giao dịch, nó không có tôn nghiêm.

Giá trị của cỏ là vì để cho dê bò sống tốt, giá trị của dê bò là để cho con người sống tốt, giá trị của con người là khiến cho những sinh vật khác sống tốt. Xã hội này vì có bạn mới có thêm 1 phần tốt đẹp, đừng vì có bạn mà lại thêm lại một phần thống khổ hoặc bất hảo."

Vậy, tất thảy chúng ta đều mong rằng và muốn có: Bác sĩ không phải doanh nhân và bệnh viện không phải là công ty kinh doanh kiếm lợi như những con kền kền.

 


Những điều không nên nói ra

 st trên net



1. Không nên đánh giá người khác ăn mặc thế nào, bởi vì ngoại hình của họ không ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của bạn.

2. Không nên đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì có thể có những khía cạnh họ còn cao quý hơn bạn.

3. Không nên đánh giá gia đình của người khác, bởi vì những người đó và bạn không có quan hệ.

4. Không nên đánh giá học vấn của người khác, bởi vì trên đời này kiến thức là mênh mông.

5. Không nên coi thường bất kỳ người nào, cho dù người đó có xuất phát điểm thế nào đi nữa.

6. Không nên lãng phí tiền bạc, bởi vì ngày mai bạn có thể thất nghiệp.

7. Không nên vênh váo, tự đắc, bởi vì có thể ngày mai bạn thất thế.

8. Không nên nói quá phô trương, phải biết rằng bạn cũng chỉ là một người nhỏ bé.

9. Không nên dựa vào người khác, bởi vì cuộc sống nhiều gánh nặng, ai cũng muốn sống nhẹ nhõm.

10. Không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn cũng sẽ đến.

11. Không nên quá chú tâm biện minh cho mình. Trên đời chúng ta thường nghĩ cách giải thích điều mình làm, nhưng một khi giải thích, ta lại phát hiện rằng, bất kể ai cố giải thích đều là người yếu ớt, thậm chí sẽ càng bôi nhọ mình hơn. Cây ngay không sợ chết đứng, chỉ khi là chuyện sinh tử hay tổn thất nghiêm trọng thì mới cần hao tâm tổn sức như vậy.

12. Không nên vô duyên vô cớ nổi giận với người khác, không phải ai cũng là “cái thớt” để bạn hễ giận cá là chém.

Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Việc áp dụng 12 điều trên cũng nên tùy theo tình hình. Trong cuộc sống có những điều không nói ra không được, đặc biệt là điều nói ra có thể giúp ích cho mọi người, ngăn chặn cái ác...


14/04/2023

Bún bò Nam bộ

 


Có nhiều dịp vào Nam, cụ thể là Sài Gòn – mà các bạn biết đấy (nếu đã ghé thăm), nơi đây quy tụ đa số các món ăn khắp các vùng miền đất nước – vậy mà tịnh không thấy món bún bò Nam bộ.

Đem thắc mắc này hỏi mấy bác xích lô, chú xe ôm, ông già bà lão và cả mấy vị học giả (từng là GS Văn khoa, Kinh tế... trước 1975). Mình kể tên món ăn, mô tả nguyên liệu và hương vị, rồi còn cả ảnh minh hoạ… Nhưng tất cả đều nhận được câu trả lời: “Trong này hổng có”, “hổng biết”…

Bún bò Huế gồm thịt bò bắp luộc, chân giò lợn (heo), miếng tiết (bò hoặc lợn)… và nhất thiết phải có ruốc và sả mới chuẩn vị. Xa xưa, các mệ, các o nấu nồi nước dùng phải có dầu điều đỏ au và ớt, ớt thật nhiều. Dân Huế ăn cay lắm và ăn chuẩn là không dùng thìa. Húp mới đúng cách vì đây là món bún chan nước mà.

Ở miền Nam, cụ thể là miền Tây mình chỉ thấy bún mắm của người Khmer (prohoc – bò hóc) mà người Việt biến tấu thêm như bún nước lèo (cá ninh lấy nước dùng, mà phổ biến là cá lóc) hoặc bún cá….Có thêm cho vào bát bún chỉ thấy chả lụa, trứng vịt lộn hoặc thịt lợn quay.

Bún bò Nam bộ ở Hà Nội là thịt bò xào trộn bún rối cùng giá, lạc rang, hành phi, rau bạc hà…Nước trộn là 1 phần nước bò xào pha cùng nước mắm, dấm, đường, tỏi… chế như ăn bún chả, nem rán. Hồn cốt của món ăn là thứ nước trộn này, chỉ mấy thìa chan thôi nhưng tuyệt vời.

Vậy món bún bò Nam bộ có xuất xứ từ đâu mà lại xuất hiện ở Hà Nội???

May, mới rồi gặp mấy ông bạn vong niên (cũng đều 70 hoặc hơn 80) nơi quán bia. Mấy lão này nhà mạn Đường Thành, Cửa Nam, đều là cao bồi già, sói một thời và đều dân Hà Nội gốc đến 7 đời. Họ công việc khác nhau nhưng đã từng la liếm khắp ngóc ngách Hà Nội xưa nên hiểu và biết nhiều lắm. Mình mới ướm hỏi: “Mấy ông có biết món bún bò Nam bộ từ đâu ra không?”.

Im lặng một lúc, lão Sinh phố Hàng Trống nói: “Đâu ra thì không biết, nhớ sau hồi 79, Tàu đánh ta, tao dạt về ga Hàng Cỏ kiếm ăn. Thi thoảng có sang hàng bún chả đối diện cửa ga (phố Nam Bộ - phố Lê Duẩn nay), cạnh khách sạn Đồng Lợi ăn. Bán quán là mụ Can, có chồng là lão Kiện, đạp xích lô ở cửa ga. Thi thoảng có ít bạc nhạc bò, mụ lại cắt miếng nướng vỉ thay cho chả miếng. Ăn cũng lạ miệng, đưa cay được nhưng không ngon bằng chả miếng. Sau ăn món bún bò Nam bộ ở Hàng Điếu thấy vị tương tự nhưng là bò xào, lại có thêm lạc rang, hành phi… nên tao đoán là mụ Can dời về đây bán hàng nhưng không thấy mặt mụ ấy”.

Lão Chính, nhà phố Cửa Nam nói: “Trước tao kiếm ăn ở bến xe Kim Liên (nay là khách sạn Nikko phố Nam Bộ) cũng thường ăn bún chả quán bà Cả góc ngã 3 Nguyễn Quyền – Nam Bộ, nhiều lúc cũng có món này…”

Về nhà, lên net tìm kiếm thì thấy những thông tin trên có vẻ phù hợp. Bún bò Nam bộ có xuất xứ ở Hà Nội, chả liên quan tý nào tới miền Nam cả, các bạn thân mến.


13/04/2023

Đừng đảo ngược trật tự của cuộc sống.

 st trên net


 Không phải vì có hy vọng nên mới kiên trì, mà là vì kiên trì nên mới có hy vọng.

Không phải vì có cơ hội nên mới tranh thủ, mà là vì tranh thủ nên mới có cơ hội.

Không phải vì có hiểu biết mới đi làm, mà là vì đi làm thì mới có hiểu biết.

Không phải vì trưởng thành nên mới đi vươn vai gánh vác, mà vì sẵn sàng gánh vác mới có thể trưởng thành.

Không phải vì có rồi nên mới cho đi, mà là vì cho đi nên mới đắc được.

Không phải vì đột phá nên mới có thử thách, mà là vì có thử thách nên mới đột phá.

Không phải vì thành công nên mới trưởng thành, mà là vì trưởng thành nên mới thành công.

Không phải vì có năng lực lãnh đạo nên mới biết cách phối hợp, mà vì biết phối hợp mới có năng lực lãnh đạo.

Không phải vì có thu hoạch nên mới cảm ơn, mà là vì biết ơn nên mới có thể thu hoạch.

Không phải vì có tiền mới có thể đi học, mà là vì học tập nên mới có thể kiếm được tiền.

Không phải vì có thị trường mới đi khai thác, mà vì đi khai thác mới có thị trường.

Không phải có điều kiện mới có thể thành công, mà là vì muốn thành công nên mới sáng tạo ra điều kiện.

 


12/04/2023

8 điều không đủ

 st trên net


Ở đời có 8 điều không đủ gần như bao quát toàn bộ mọi nguyên nhân khốn khó khiến cho kiếp nhân sinh không thể trọn vẹn.

Trong quyển một “Dưỡng chính di quy” – là một trong năm tập di quy của Trần Hoành Mưu (Đông Các Đại học sĩ thời Càn Long nhà Thanh) có viết:

Tài không đủ thì mưu nhiều, biết không đủ thì lo nhiều;

Uy không đủ thì tức giận nhiều, tín không đủ thì nói nhiều;

Dũng không đủ thì làm nhiều, minh triết không đủ thì quan sát nhiều;

Lý không đủ thì biện minh nhiều, tình không đủ thì lễ nghi nhiều”.

Giá trị của một người nằm ở chỗ có thể nhận ra những khuyết điểm của bản thân, nỗ lực sửa chữa, nỗ lực lấp đầy, thậm chí phát triển thành ưu điểm của bản thân, hoặc nếu không, họ sẽ đạt đến một tầm cao hơn trong cuộc sống.

Tài không đủ thì mưu nhiều

Khi gặp vấn đề, chúng ta thường đắn đo suy nghĩ và khó đưa ra quyết định. Nhiều người cảm thấy rằng sức mạnh não bộ của họ không đủ để đối phó với những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Tài năng phải thông qua quá trình nâng cao khuôn khổ đạo đức và thông qua quá trình tích lũy học vấn thì mới có được năng lực quyết đoán phân biệt phải trái đúng sai.

Hiểu biết không đủ thì lo lắng nhiều

Nếu bạn không đủ kiến thức và khó quyết định, bạn sẽ suy nghĩ quá mức, lo lắng và bất an. Kiến thức là loại phẩm chất được phát triển từ tài năng và kinh nghiệm của bản thân, thể hiện tầm nhìn và nhận định của con người về các xu hướng trong tương lai.

Nếu bạn có đủ kiến thức, bạn sẽ biết rằng tương lai chỉ là sự tiếp nối của hiện tại, nếu bạn tập trung sống cuộc sống hiện tại, mọi nghi ngờ đều có thể được loại bỏ.

Uy không đủ thì tức giận nhiều

Nhiều khi người ta tức giận vì cảm thấy người khác không tôn trọng mình. Anh ta cần phải có những biện pháp cực đoan để thu hút sự chú ý của người khác. Đây là biểu hiện của việc không đủ uy tín. Nhưng sự tức giận như vậy càng bộc lộ sự bất tài và phẩm đức kém của mình.

Theo quan điểm của Đông Y, biểu hiện hay nổi giận được xem là một loại bệnh, có nhiều cách lý giải cho rằng: Người nhiều âm khí thì hay nổi giận, thể chất yếu thì nổi giận nhiều, mộc khí không đủ nên nổi giận nhiều.

Uy đức của một người có được nhờ vào đức hạnh của chính người đó, người có đức, trên thuận theo ý trời, dưới thuận theo lòng dân thì chắc chắn sẽ được trời phù hộ.

Tín không đủ thì nói nhiều hơn

Trong “Chu Dịch” có câu: “Người tốt nói ít, người nóng tính nói nhiều, người vu khống người tốt nói lời lươn lẹo.” Người tốt có phẩm chất cao đẹp luôn là người nói ít làm nhiều, người nóng vội thường nói rất nhiều, kẻ vu khống người tốt bụng hay nói vòng vo lúc này lúc khác, bịa đặt chuyện nói không thành có, xoay lật trắng đen, nói lời không thật.

Dũng không đủ thì làm nhiều hơn

Những người không có dũng khí, rụt rè và trì hoãn trong việc làm, chỉ có thể bị choáng ngợp trước mọi việc và cam chịu cả đời là kẻ tầm thường.

Thay vì sống một cuộc sống tầm thường, tốt hơn hết là bạn nên tập trung và lấy hết can đảm để làm tốt một việc.

Sự khác biệt giữa người xuất sắc và người bình thường là người xuất sắc thường có thể làm tốt công việc với nghị lực vượt trội, trong khi người bình thường có thể làm được nhiều việc với năng lượng trung bình, kết quả là họ không thể làm tốt được gì.

Tập trung vào một việc cũng giống như lập kế hoạch cho cuộc đời của chính mình, ngay cả khi thất bại, bạn cũng không nên hối tiếc.

Sáng suốt không đủ thì xem xét nhiều

Sáng suốt là trí tuệ sắc bén và có tầm nhìn xa trông rộng. Trong sách Mạnh Tử có viết: "Sáng suốt đủ để xem xét việc nhỏ như đầu sợi lông tơ". Có thể quan sát được những phán đoán lý tính nhỏ bé nhất, đó chính là sáng suốt.

Câu danh ngôn của Tăng Quốc Phiên "Sáng suốt rồi quyết đoán gọi là 'anh đoán', không sáng suốt mà quyết đoán gọi là 'võ đoán'", cũng là đạo lý "Sáng suốt không đủ thì xem xét nhiều".

Lý lẽ không đủ thì biện giải lắm

Trong cuộc sống, người càng không có lý lẽ thì càng thích tranh luận biện giải, thậm chí cãi chày cãi cối bằng được.

Khổng Tử nói: "Trời đâu cần nói gì mà tứ thời vận hành, vạn vật sinh sôi. Trời đâu cần nói gì"; "Người nói năng khéo léo, nét mặt tươi cười lấy lòng người, thì hiếm khi có lòng nhân".

Những người mồm mép khéo léo thì rất ít thiện tâm. Bậc chính nhân quân tử chân chính thì trực ngôn, sắc mặt đoan chính.

Tình cảm không đủ thì nghi thức nhiều

Lễ nghi là quy phạm hành vi đối nhân xử thế của con người, cũng là cự ly xã giao an toàn. Tuy nhiên, giữa những người thân cận thì luôn luôn chân thành thẳng thắn với nhau.