19/04/2023

Nhớ cà phê xưa

 


Không biết mọi người thế nào chứ, mình biết cà phê từ thuở nhỏ. Cái này là do bố mình – ông thích uống cà phê (không nói là nghiện được vì thời bao cấp lấy đâu cà phê thường xuyên mà uống). 

Cà phê là bạn cô tôi làm ở Thuỷ Tạ cung cấp. Tôi thấy ông già, thường là sáng chủ nhật, trịnh trọng lắm, pha phin cà phê. Lâm nhâm ngồi đợi từng giọt đen rơi với điếu thuốc Thủ đô (hồi đó hình như đây là loại thuốc cao cấp và hiếm)Phin cạn, ông nắn nót đong thìa rượu Rum, rồi chút bơ quấy cùng cà phê…. 

Tôi tự cho mình có trách nhiệm dọn rửa chén tách cho bố - dĩ nhiên rồi, vì đó là cơ hội để uống trộm chút cà phê đáy chén (*). Nó không ngọt vì bố tôi không pha đường, mà nó đắng và thơm lạ. Lúc đầu chưa quen, nhưng sau lại thích. Và có lẽ tôi thích hoặc là thèm cà phê từ đó.

Hồi ấy, nếu ta khi có dịp đi qua phố Lê Văn Hưu, lại được hưởng mùi thơm nức mũi của cà phê Mai khi rang. Đến tuổi thanh niên mình mới biết đến cà phê Hói mạn Bà Triệu, cà phê Giản – Hàng Gai…Còn mạn Nguyễn Du, phần giáp phố Huế thường có cà phê nâu…

Cũng thi thoảng mới nếm thôi vì đã làm ra tiền đâu, toàn bà nội với mẹ hoặc em gái bao cấp. Mà cũng nhiêu khê, ăn sáng một nơi, uống cà phê một nơi, cũng khá xa. Hồi ấy có 5 đồng 1 cốc thì phải (lương mình tập sự 278 đồng - lương chuyên viên 1 là 298đ). Khi có tiền do lĩnh lương chả hạn mới dám mời bạn bè đi cà phê đá mạn Bờ hồ (không thì toàn đãi nhau chè chén với thuốc lá cuộn)

Mà đa số quán có bán cà phê thuở ấy đều có tên là quán Giải khát đấy chứ, vì còn có các loại thức uống khác chủ đạo và rẻ tiền hơn cà phê như xi rô, nước chanh... Bây chừ, quán cà phê vẫn có các thức uống khác nhưng sang hơn, thật ra cũng bình mới rượu cũ thôi.

Nhớ cái thời ấy, những năm 80, 90, 2000, khi có dịp, vào quán thưởng thức chén cà phê, thường được nghe những bản nhạc hay từ máy quay đĩa, băng cối hay cattset... Nhạc cổ điển, đồng quê hay nhạc vàng, nhạc Trịnh... cho ta cảm giác say và mê cùng hương vị cà phê (phải của tư nhân, chứ các quán mậu dịch hoặc quốc doanh thì hổ lốn lắm). Ngắm phố phường, người lại qua thấy thi vị.  

Nay đa phần ít có quán bật nhạc hoặc có bật thì chỉ hợp với lũ trẻ 9x trở đi hoặc những quán sang mới có thì lại cách biệt cuộc sống phố phường nên thấy kém thú vị nhiều (đến quán sang như ở KS Metropole, Lục Thuỷ... họ còn biết cách nên để bàn uống cà phê ngoài đường nữa là).

Luận về cà phê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi gu, chân lý đa dạng. Từ luận được cho đến luận hết nổi. Thời những năm 90 - 2000, người ta cứ đồn cà phê pha ngô, pha cau, rượu trắng, mắm muối,… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này có nhẽ đúng. Cà phê Tây cũng đâu phải nguyên chất, cũng pha thứ này, trộn thứ nọ mà. Cà phê không độn ngô rang, đậu nành làm sao có độ sánh. Xứ nóng, uống cà phê đá mà lõng bõng nhìn sao được. Cà phê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Cà phê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là cà phê rang sao cho đúng cữ… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó. 

Dạo này thu nhập tăng cao nên dân ta cũng mới được hưởng cà phê thật nên biết phân biệt như cà phê chè (arabica), cà phê vối (robusta), moka... để mà khoe khoang.

Thật ra, cà phê xưa vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – Vẻ đẹp của sang trọng, bí hiểm và quyến rũ, của ký ức. Ta cứ nhẹ nhàng thưởng thức chén cà phê thơm sẽ thấy.

 Cà phê lề đường có âm nhạc, lại có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe và cái “mát rượi” riêng tư để ta ngênh ngang với thảnh thơi mà thưởng thức. 

Cà phê và khói thuốc. 

Cà phê nhỏ giọt. 

Giọt có buồn không? 

Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy nỗi vắng xa xưa.

Nhớ, nhớ cà phê xưa - Cũng là nhớ lắm những người thân thương.

 (*) Tôi gọi là chén cà phê vì tách là cái đĩa dưới chén.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét