22/04/2023

Nói về môn Sử

 



Thuở phong kiến và có chút lan sang thời thực dân, các cụ nhà ta, cụ thể là các nhà Nho, có quan niệm dạy học là dạy Làm Người. Anh ra đời, có thể làm thầy, có thể làm thợ…nhưng đã được học thì anh phải là Con người trước đã.

Vì thế, trong trường xưa (có thể chỉ 1 người, vài người, cũng có thể là Quốc Tử Giám…), anh ta đã được trang bị các kiến thức về Nho – Y – Lý - Số; Cầm – Kỳ - Thi – Hoạ. Tuỳ trường mà còn được học thêm về Kị - Cung – Quyền – Kiếm… Nên dân ta mới có các bậc tài giỏi như Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Đào Duy Từ…

Con người, với tư cách là một  tiểu vũ trụ duy nhất nên không thể nuôi họ thành công cụ kiếm tiền – dù rằng để tồn tại, anh ta phải kiếm sống, nhưng kiếm sống với tư cách  Con người. Vì vậy, ngoài kỹ năng kiếm tiền, anh ta phải cần được giáo dục để có được tâm hồn cao thượng, nhân ái; một vốn trí thức phong phú về sử - văn – nhạc – hoạ… giúp anh ta sống như con người có nhân cách.

Theo mình nghĩ, giáo dục phổ thông là dạy làm người, dạy cho lớp trẻ những hiểu biết về Văn – Sử – Thể - Mỹ, kiến thức khoa học cơ bản ở trình độ phổ thông để cho các em hình thành nhân cách con người và vốn tri thức phổ thông.

Ở đại học và các trường dạy nghề, căn cứ trên nền kiến thức phổ thông đã có mà tạo ra năng lực kiếm sống, kiếm tiền.

Vì vậy, các em dốt một môn nào trong thời kỳ phổ thông đều là một thiệt thòi cho tương lai – mà dốt Sử là một thảm hoạ lớn nhất.

Bời lẽ, Sử là môn dạy cho các em biết về cội nguồn, về vinh quang và cả nỗi tủi nhục của dân tộc để từ đó hình thành nên tình cảm, tình yêu chân thật với Dân tộc – Đất nước mình. Chính tình yêu này hình thành nên nhân cách và chỉ dẫn cho anh ta trong cuộc sống để làm Con người. Không hiểu, không yêu Lịch sử Dân tộc thì anh ta chỉ là con người thờ ơ, chả quan tâm gì đến dân tộc, đất nước mình mà chỉ quan tâm đến cá nhân và quyền lợi của anh ta mà thôi.

Bản thân tôi cũng như nhiều người rất quan tâm, thật sự buồn khi hiện nay, học sinh phổ thông của ta lại dốt Sử.

Liệu có không biện pháp nào khắc phục?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét