St trên net
Trung Quốc đã lại mở cửa cho du khách quốc tế. Tôi có ý định lần tới sẽ đi thăm miền Tây TQ. Tôi cũng từng theo các tour du lịch TQ, đến đâu cũng có tiết mục ghé các cửa hàng kinh doanh độc quyền chỉ bán cho khách du lịch, nhất là du khách Việt. Tuy nhiên tôi chưa được mời mua hàng chu đáo như mô tả trong bài này. Và tôi cũng chưa gặp những anh chị hướng dẫn viên du lịch người Việt bất lương như trong này. hướng dẫn viên du lịch người Việt thường không thật nhiệt tình chu đáo với khách vì quả thật hướng dẫn hết đoàn này tới đoàn khác, họ cũng nhàm chán và mệt mỏi. Họ cũng giúp các cửa hàng Tàu, Sinh, Mã, Hàn, Indo... bán hàng, nhưng thường rất kín đáo, lởi xởi giới thiệu sơ qua và có vẻ khách quan, chứ không cố tình lừa bịp như trong bài. Thông thường đi theo tour, tôi không mua hàng, chỉ xem cho biết. Tôi chỉ mua nếu thấy thích và cần, kiên quyết không mua vì ham rẻ. Được cái may là tính tôi rất tiết kiệm và cũng không có nhiều nhu cầu, chỉ cần có cái ăn để sống là đủ, nên hàng quý mấy tôi cũng không quan tâm. Tuy nhiên những người cùng đoàn, hay cả người thân đi cùng với tôi, thường ít khi giữ được bình tĩnh mỗi khi nghe quảng cáo thấy hấp dẫn. Lợi làm họ mờ mắt, quên mất quyết tâm đã hạ trước khi đi là nhất định không nghe quảng cáo và nhất định không mua hàng trong các cửa hàng nằm trong chương trình tour. Cuối cùng sau mỗi chuyến đi, họ đều nuối tiếc vì tiền mất tật mang, và chuyến sau mọi chuyện lại tái diễn.
Ngoài chuyện
được “đãi” điểm tâm bằng bắp luộc và khoai lang luộc, chuyến đi Trung Quốc của
chúng tôi còn trở nên đáng nhớ bởi vị chát của những quả lừa siêu hạng.
Cảm giác hả
hê và vui mừng khi mua được đồ rẻ bèo đã nhanh chóng nhường chỗ cho tâm trạng
thiểu não nẫu ruột khi tất cả thành viên trong đoàn, mặt mày méo xẹo, té ngửa
nhận ra mình bị lừa một cách ngoạn mục.
Chuyện đầu
tiên xảy ra khi đoàn chúng tôi (tour Thượng Hải-Hàng Châu-Tô Châu) đến một cửa
hàng chuyên bán đá quí tại Hàng Châu. Trên đường đi, cô hướng dẫn viên địa
phương tên Cao Tử Huệ, nói tiếng Việt sõi như tiếng mẹ đẻ, liên tục quảng cáo về
cửa hàng, giới thiệu nó như một trong những cửa hàng tên tuổi nhất nhì trong
vùng.
Đến nơi,
chúng tôi được một nhân viên mời vào phòng. Tay nhân viên, khoảng hơn 20 tuổi mồm
xoen xoét bằng thứ tiếng Việt bập bẹ, đã liên tục “hoan nghênh quí khách Việt
Nam đến cửa hàng”.
Cách nói tiếng
Việt không rành và lủng củng nhưng khá có duyên của thằng nhóc khiến các cô
trong đoàn cười bò. Hắn nói rằng cửa hàng mình ít khi tiếp khách Việt Nam lắm
(!?), rằng ông chủ cửa hàng vốn là người Việt, di cư sang Thái Lan sau khi Sài Gòn
rơi vào tay cộng sản; tại đó, ông đầu tư vào ngành khai thác-kinh doanh đá quý;
rằng giá như bây giờ ông chủ hoặc cậu con ông chủ có mặt ở đây để tiếp quý vị
thì hay biết mấy…
Và thật “hên”
cho chúng tôi, khi hắn đang huyên thuyên, “cậu con ông chủ” đột ngột xuất hiện.
Khoảng hơn 30 tuổi và cũng bập bẹ tiếng Việt, tay này – tướng mạo bảnh bao và
sang trọng – thăm hỏi chúng tôi đủ điều, rằng ngắm cảnh Tây Hồ chưa, ăn uống
ngon miệng không… Hắn nói thêm rằng mình sống tại Chiangmai (Thái Lan) để trông
coi cửa hàng bên đó và ít khi sang Trung Quốc nên dịp này ngẫu nhiên gặp được
các bạn Việt Nam thì quả là may mắn!
Hắn tâm sự rằng
mình hồi nhỏ được cha dạy rằng “sống ở đời chỉ quý cái tình chứ tiền bạc thì có
đáng gì!”. Hắn xoen xoét thế mà mọi người bắt đầu bị chinh phục. Hắn nói, du
khách Việt Nam đến cửa hàng thường coi chơi chứ ít khi mua, vì các sản phẩm đá
quý quá đắt. Rồi hắn tâm sự, kinh doanh đá quý lời lắm nha. Giảm giá một nửa
cũng còn lời, giảm 3/4 có khi cũng còn lãi to… Cứ thế, từng chút, chúng tôi bị
cuốn hút vào tâm sự của hắn. Phải thừa nhận một điều là cách hắn dẫn dắt câu
chuyện rất lôi cuốn, có bài bản và cực kỳ kinh nghiệm.
Khoảng nửa tiếng,
xem chừng ai nấy bắt đầu ngấm “u mê thần chưởng”, hắn mời chúng tôi vào phòng
xem sản phẩm đá quý. Coi đi, coi đi, coi cho biết… Hắn dắt chúng tôi đi từng
phòng, chỉ cách phân biệt… “đá thật-đá giả”. Nè, thấy chưa, thấy chưa… Bà con
thích thú, ừa, thấy rồi, thấy rồi, à há à há…
Bất ngờ, hắn
nói rằng chẳng biết dịp nào gặp lại “bà con Việt Nam” nên thôi thì, dịp này, chứ
chừng nào nữa, bổn tiệm đây xin đại hạ giá để biểu thị tình cảm dành cho “đồng
hương Việt Nam”. Ai thích món gì, bất luận treo giá bao nhiêu, chỉ cần kêu nhân
viên lấy đưa hắn xem; hắn sẽ kê giá. Thích thì mua, không thì thôi, bổn tiệm
không có ép.
Mà trời ơi,
món nào đưa hắn coi, hắn cũng “định giá” rẻ như cho. Ai mà không ham.
Không khí
phút chốc hừng hực như chợ vỡ. Chỉ có “đứa nào” ngu lắm mới không mua! Một cặp
kỳ hưu cẩm thạch treo giá $10,000 ấy thế mà bây giờ chỉ $900; một mặt Phật đá
đen $9,000 giờ chỉ còn, xem nào, “ngộ” tính “nị” $1,000 thôi ha; rồi một cái nhẫn
mặt đá ghi giá $5,000 bây giờ chỉ $200… Cái này là tính công thợ thôi đó. Không
có lời lóm gì nha! Vậy mà, y như bị bỏ bùa mê thuốc lú, cả bọn chúng tôi giành
nhau lựa hàng.
Hăng say chiến
đấu nhất là tám ông bà Việt kiều Thụy Điển với hai vợ chồng trẻ Việt kiều Mỹ
(những người này về Việt Nam thăm gia đình, nhân tiện mua tour Trung Quốc vì
giá tour ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều lần so với mua ở nước ngoài). Họ “hốt” hết.
Hốt tùm lum, từ bộ nữ trang (dây chuyền, bông tai, nhẫn…) đến các món linh tinh
khác. Rẻ quá, mua về tặng bà con bạn bè. Đi du lịch Tàu về mà không có quà Tàu
thì cũng kỳ kỳ…
Trước khi tiễn
mọi người ra cửa, “thằng” chủ đểu còn “tử tế” tặng mỗi người một “mặt ngọc”.
Cái này ở tiệm treo giá 2,200 tệ, khoảng gần $350. Ngu gì không lấy. Chẳng ai để
ý rằng, cái thứ “mặt ngọc” đó treo lủng lẳng ở chợ đêm Bến Thành bán chỉ vài
ngàn cũng chẳng ma nào mua… Ấy vậy, khi vào trong tour bus, không khí hớn hở như
được mùa vẫn còn sôi sùng sục.
Ai nấy đều
rôm rả bàn tán. Hôm nay hên há. Hên thiệt nha. Một bà hí hửng nói rằng lúc nãy
khi ghé qua Linh Ẩn Tự (trước khi đến tiệm này), bà vuốt vào chân tượng Thần
Tài quá trời nên giờ mới gặp may vậy đó. Cái “thằng” chủ này hôm nay nó bị ma
nhập hay sao mà tự nhiên lú lẫn quá, bán đổ bán tháo rẻ như hàng mã ở chợ bình
dân.
Nghe đến đó,
mọi người hốt nhiên bừng tỉnh. Ờ, có bao giờ những thứ này là hàng mã không ta?
Thôi chết rồi. Hàng mã chứ gì nữa. Làm quái gì có kim hoàn đá quý nào mà rẻ bèo
vậy!
Chúng tôi
không chờ quá lâu để có thể biết đó là hàng dỏm. Thậm chí siêu dỏm. 30 phút
sau, xe chở đến chỗ ăn chiều. Ngay ngoài cửa nhà hàng, đã thấy mấy sạp “kim
hoàn, đá quý” treo hầm bà lằng những thứ y như trong tiệm hồi nãy! Anh Việt kiều
Mỹ nổi điên. Bà mẹ, thằng khốn. Cho tui chửi cái cho hả giận. Cặp “kỳ hưu cẩm
thạch” hồi nãy anh ấy mua $900 bây giờ ở sạp này hỏi ra chỉ có $100. Đó là chưa
trả giá! Đau còn hơn thiến!
Tại một xưởng
sản xuất ấm tử sa (pha trà), chúng tôi được nhân viên cửa hàng “thuyết minh” về
“bí mật” qui trình sản xuất ấm tử sa, rằng ấm này được chế từ loại đá khoáng
nghiền chỉ đất nước Trung Hoa vĩ đại mới có; rằng ấm tử sa là một trong những
tinh hoa nghệ thuật truyền thống Trung Hoa mà ngày xưa chỉ vua chúa, quan lại mới
dùng; trà pha trong ấm này để lâu bảy ngày chưa nguội (!), rằng có bộ được chế
tác kỳ công đến mức phải mất đến vài năm mới hoàn thành (đất sét thôi mà cũng mất
ngần ấy thời gian!).
Lôi ra năm bộ
với giá trị tăng dần, tay nhân viên giải thích từng bộ. Đến bộ cuối cùng – được
xem là đại diện tinh hoa thượng đẳng của nghệ thuật chế tác ấm tử sa, hắn cho
biết nó được một nghệ nhân bậc sư phụ tên Lão Thái tiên sinh chế tác, rằng bây
giờ khắp thế giới chỉ có 11 bộ nên chúng vô giá; ai muốn mua phải “liên lạc trực
tiếp” với Lão Thái tiên sinh để bà ra giá và cấp chứng chỉ ấm tử sa cao cấp.
Hơn nữa, ai mua phải cam kết chỉ dùng chứ không tặng hoặc bán lại…
Tuy nhiên,
khi đến màn “mại dô”, bộ ấm độc đáo của Lão Thái tiên sinh đã được rao với giá
$3,000 và chẳng cần “ý kiến của Lão Thái” gì cả. Mà nó cũng chẳng phải bộ duy
nhất. Mua bao nhiêu cũng có. Ai mua còn được tặng thêm bộ hạng hai giá $1,000
(mua bộ hạng hai được tặng hạng ba; mua hạng ba tặng hạng tư)!
Khi đến Thượng
Hải, chúng tôi được đưa đến tiệm thuốc bắc Đồng Nhân Đường. Ai đọc sách mà
không nghe cái tên lừng lẫy lịch sử Trung Hoa Đồng Nhân Đường! Tại đây, mọi người
được đưa vào phòng, tháo giày tháo dép ngâm chân trong cái xô “nước thuốc” ấm
và được nhân viên tiệm massage chân miễn phí.
Trong khi mọi
người lim dim thưởng thức màn massage, một “thầy thuốc” đứng giữa phòng thao
thao xí xô xí xào trình bày về bề dày lịch sử của Đồng Nhân Đường, rằng thầy
thuốc Đồng Nhân Đường ngày xưa chỉ “khám” cho vua; thuốc sản xuất từ lò Đồng
Nhân Đường nổi tiếng trị bá bệnh.
Kế đó, cửa
phòng mở, nhiều “thầy thuốc” khác lần lượt bước vào. Mỗi vị (được chỉ định khám
cho từng thành viên chúng tôi) đều được giới thiệu vài nét về trình độ y thuật
tinh thông của hắn. Hầu hết đều cao siêu đến mức chỉ cần nhìn sắc diện có thể
đoán người đối diện bệnh gì.
Một vị – được
giới thiệu là thầy thuốc riêng của hai cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chu Dung Cơ
(!) mới được phái từ Bắc Kinh xuống chi nhánh Đồng Nhân Đường tại Thượng Hải –
khi “khám” cho tôi, đã phang ngay rằng tôi chắc chắn nhậu nhiều nên bụng mới bự
chà bá như thế. Phải uống thuốc đi nha, không thì đi chầu ông bà sớm đó.
Toa thuốc sáu
tháng tốn khoảng $2,000! Khi nghe tôi nói đi du lịch không mang theo tiền nhiều
vậy đâu, tay “lương y” bớt còn 1,000 tệ/tháng (hơn $150). Tôi tiếp tục lắc đầu.
Thế là tay thầy thuốc từng khám cho Ôn Gia Bảo lại hạ mình giảm còn 760 tệ!… Ôn
dịch chứ “ôn gia bảo” gì cái thứ này.
Trong suốt
chương trình tour, chúng tôi luôn được dắt đến những địa điểm như vậy. Chắc chắn
là bọn “làm tour” và các cơ sở làm ăn có móc nối nhau. Tất cả địa điểm đưa du
khách đến đều nằm trong kế hoạch. Bọn chúng thông đồng liên kết để đẩy “mồi” đến
và chia tỉ lệ phần trăm doanh thu.
Và không chỉ
bọn du lịch nội địa Trung Quốc. Hướng dẫn viên du lịch của công ty tour Việt
Nam cũng ăn chia với đám này. Tại tiệm “kim hoàn đá quý”, tôi còn nhớ cậu hướng
dẫn viên du lịch người Việt nói với những “con mồi” trong đoàn: “Em dắt khách
đi tour Trung Quốc nhiều lần mà đây là lần đầu tiên em thấy có vụ giảm giá. Em
cũng mua vài thứ tặng vợ…”.
Chẳng biết
tên hướng dẫn viên người Việt bất lương này được chia bao nhiêu nhờ trò dụ
khách nhưng chính mắt tôi thấy hắn thậm thụt chia tiền với Cao Tử Huệ (tour
guide người Trung Quốc) tại phi trường Thượng Hải, vào ngày chúng tôi lên máy
bay trở về Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét