13/12/2024

Một vài loại vũ lạnh cổ xưa trên thế giới

    ST trên net


Thời xa xưa, khi thuốc nổ và các loại súng ống chưa ra đời, con người đã chế tạo ra rất nhiều loại vũ khí lạnh vô cùng tàn khốc dùng cho chiến đấu. Không thể liệt kê những vũ khí này vì có quá nhiều hoặc đã bị thất truyền theo thời gian. Dưới đây, tôi chỉ trình bày một vài loại độc đáo ít được biết đến:

11/12/2024

Người bản địa - Thổ dân

 


Trong một bài viết gần đây tôi có dùng từ "người bản địa", từ này cũng có nghĩa là từ "thổ dân". Hai từ này đều là từ Hán - Việt.

Nhiều người sẽ hiểu sai từ "thổ dân" là người thiểu số, sống ở vùng hoang sơ, lạc hậu...

Có nhẽ từ này do xuất phát từ hồi thực dân đi khai thác thuộc địa mà ra. Rồi do sách báo, phim ảnh và dịch nghĩa... trở thành nghĩa từ.

Thật ra, 2 từ này là để chỉ quần thể người dân sinh sống đầu tiên hoặc nhiều đời tại 1 vùng đất cụ thể, có tiếng nói, chữ viết và nền văn hoá riêng và khẳng định chủ quyền vùng đó nên có tên gọi chung gắn liền tên đất. 

Ví dụ như người da đỏ châu Mỹ, người thiểu số châu Úc và đại dương, người Eskimo ở mạn Bắc cực hay người An Nam trên đất Việt Nam ta khi thực dân bắt đầu vào khai thác thuộc địa từ thế kỷ 18 – 19... 

Vậy nên "người bản địa" cũng có nghĩa là "thổ dân".

Chắc cũng tạm đủ để giải thích – còn đi sâu hơn thì cần có các chuyên gia.

 

Vài mẹo dân gian xưa các Cụ ta hay dùng trong đời sống

 Dựa theo VIỆT NAM PHONG TỤC của tác giả Phan Kế Bính.

Các mẹo dân gian là một dạng tri thức truyền khẩu được lưu truyền nơi bản địa, xuất phát từ đời sống tín ngưỡng của con người. Do xuất phát từ tín ngưỡng nên đa số các mẹo dân gian đều không có căn cứ khoa học mà chỉ dựa vào sự quan sát và niềm tin của người thực hiện. Âu đây cũng là một nét văn hoá của người Việt ta; nay trong thời đại số hoá này cũng chỉ là để nhắc, biết mà thôi.

- Mẹo tránh sét: Khi trời mưa to có tiếng sét, động thấy chớp nhoáng thì gọi là “bập bập” vài tiếng, để ông thiên lôi sợ mà trốn đi chỗ khác.

- Mẹo chống bão: Khi bão to, nhà lung lay mạnh thì lấy đôi đũa cả mà chống vào hai chân cột cái thì nhà không đổ được.

- Mẹo chữa bệnh: Trẻ nấc, con giai uống bảy ngụm nước, con gái uống chín ngụm nước thì khỏi. Trẻ hóc xương, lấy cái đũa cả xới cơm gõ vào đầu ông táo thì khỏi. Mắt có bụi, vạch mắt đọc một câu “Cái gẩy ở trên giời, rơi xuống đất, mất cái gẩy” rồi thì tự nhiên khỏi.

- Mẹo trấn ác mộng. Đêm nằm mộng thấy sự gì độc ác sợ hãi, tỉnh dậy đừng nên nói gì, uống một ngụm nước, ngoảnh về phía Đông mà nhổ thì dẫu mộng ác cũng hóa ra mộng lành.

- Mẹo giục cây ra quả. Cây giồng lâu chưa có quả, muốn cho có quả thì chờ đến ngày Đoan ngọ, một người trèo trên cây, một người cầm vồ khảo dưới gốc cây ba cái, hỏi đã chịu nảy quả chưa, người trên cây nói chịu, sang năm tự khắc có quả.

- Mẹo nuôi súc vật: Mua mèo hoặc chó con về nuôi, mới đem về phải ôm nó và bắt nó vái lạy các con chó lớn và dặn nó: “Từ rày không được cắn em nhé” như thế thì nó không cắn. Gà mới mua về mà thả, chặt đuôi chôn trước cửa bếp thì gà không đi mất.

Tham khảo thêm trong cuốn sách VIỆT NAM PHONG TỤC của tác giả Phan Kế Bính.

 

08/12/2024

Tác dụng của máy sấy tóc với sức khoẻ

 


Tài liệu này mình nhìn thấy trong một trang web không được sạch cho lắm (hì hì) nên không ghi nguồn ở đây nhưng thấy cũng hay, vả lại mình cũng đã thử áp dụng thì thấy hiệu quả nên trưng ra để cùng tham khảo:

Các bạn đều biết, nhất là những người khéo tay, hay làm -  máy sấy tóc không chỉ sử dụng làm khô tóc mà có thể còn làm công cụ như mềm nhựa, phẳng băng dính, gỡ tem nhãn..., nhưng hoá ra nó còn có tác dụng giảm triệu chứng của một số vấn đề sức khoẻ.

1. Giúp giảm đau bụng

Khi bị đau bụng, bạn có thể dùng máy sấy tóc thổi xung quanh rốn, từ từ trải rộng ra. Khi vùng rốn và vùng da xung quanh cảm thấy nóng, bạn có thể từ từ lấy máy sấy tóc ra thổi các bộ phận khác, chú ý không để bị bỏng. Phương pháp này sẽ giúp bạn giảm đau bụng hiệu quả, đặc biệt đối với những trường hợp bị đầy hơi, tiêu chảy.

Máy sấy tóc cũng có thể làm giảm cơn đau bụng kinh vì nhiệt độ ấm từ máy sấy có thể làm giãn cơ và giảm cảm giác co thắt cơ tử cung, từ đó giúp giảm đau.

2. Giảm tê cứng vai

Dùng máy sấy tóc thổi ở khu vực vai bị tê cứng có thể làm giảm cơn đau ở một mức độ nhất định. Điều này là do gió nóng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ ứ máu và thông thoáng cơ bắp. Hơn nữa, khi nhiệt độ ấm giúp tăng cường lưu lượng máu đến các cơ bị tê cứng, mang theo oxy và dưỡng chất cần thiết để cơ phục hồi nhanh hơn và giảm đau.

Cách sử dụng máy sấy để giảm tê cứng ở vai: Để máy sấy tóc ở mức nhiệt vừa phải sau đó giữ máy sấy cách vùng vai bị tê cứng khoảng 15-20 cm. Bật máy sấy và di chuyển nhẹ nhàng quanh vùng vai, không nên tập trung nhiệt vào một điểm quá lâu. Áp dụng nhiệt trong khoảng 5-10 phút hoặc cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn.

Sau khi sử dụng máy sấy, thực hiện các động tác vận động vai nhẹ nhàng để cải thiện lưu thông máu.

3. Giảm đau đầu

Máy sấy tóc có thể giúp giảm đau đầu nếu được sử dụng để làm ấm cơ thể và thư giãn các cơ bị căng thẳng, đặc biệt là ở cổ và vai, có thể gây ra đau đầu do căng thẳng.

Ngoài ra, nhiệt độ ấm từ máy sấy tóc giúp cải thiện lưu thông máu và có thể giảm bớt sự co thắt của cơ, dẫn đến giảm đau đầu.

Bạn có thể sấy tóc giống như khi vừa mới gội đầu xong. Sấy lan toả khắp đầu và tránh sấy quá lâu và gần da đầu, điều này có thể gây bỏng da và làm hư hỏng tóc, dẫn tới rụng tóc.

4. Giảm triệu chứng cảm lạnh

Máy sấy tóc tạo ra hơi nóng có thể giúp làm ấm cơ thể và cung cấp cảm giác thoải mái khi bị cảm lạnh. Nhiệt độ ấm từ máy sấy cũng có thể giảm tắc nghẽn mũi và xoang bằng cách làm loãng dịch nhầy, từ đó giúp bạn thở dễ dàng hơn.

Ngoài ra, vi-rút cảm lạnh phát triển mạnh ở nhiệt độ mát hoặc lạnh, sinh sôi mạnh nhất ở mũi và phần trên của cổ họng. Máy sấy tóc, tỏa ra luồng khí ấm, có thể làm tăng nhiệt độ ở đường hô hấp trên. Nhiệt độ tăng này có thể ức chế tạm thời sự sinh sôi của vi-rút.

Hơn nữa, việc để các khoang mũi và cổ họng tiếp xúc với nhiệt độ vượt quá 40 độ C có khả năng tiêu diệt vi-rút gây cảm lạnh. Làm ấm và làm khô các khoang mũi bằng máy sấy tóc cũng có lợi ích ngay lập tức. Nó có thể làm co các màng mũi bị sưng, giúp giảm tạm thời cơn đau và áp lực liên quan đến ho mãn tính.

Bạn có thể sử dụng máy sấy tóc thổi vào đầu mũi và vùng ngực. Điều này có thể giúp giảm nghẹt mũi và ho.

5. Giảm nấc cụt

Nấc cụt là do cơ thắt cơ hoành – đây là đường phân chia giữa ngực và bụng. Mà nhiệt độ ấm từ máy sấy có thể giúp thư giãn cơ thể, bao gồm cả cơ hoành và giúp làm giảm các co giật không tự chủ gây nên nấc cụt. Nhiệt cũng có thể thay đổi hơi thở, giúp cơ hoành trở lại nhịp đập bình thường.

Khi bị nấc cụt, bạn nên sử dụng máy sấy thổi vào vùng bụng, chú ý là không thổi trực tiếp vào một vùng da quá lâu, bạn nên thổi một cách lan toả cả vùng bụng.

6. Giảm cứng cổ

Tương tự như cơ chế giúp tê cứng vai, việc sử dụng máy sấy tóc giúp lưu thông máu đến các cơ ở cổ, từ đó giúp giảm cảm giác cứng và đau nhức.

Bật máy sấy tóc với mức nhiệt vừa phải, sau đó thổi lan toả vào vùng cổ và vai. Sau đó, kết hợp thêm biện pháp mát-xa, cổ của bạn sẽ nhanh chóng mềm ra và cảm giác dễ chịu hơn.

7. Cải thiện tình trạng mất ngủ

Trước khi đi ngủ, bạn có thể sử dụng máy sấy tóc thổi nhẹ qua tóc và da đầu, kết hợp cùng biện pháp mát-xa da đầu nhẹ nhàng. Phương pháp này sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng và ngủ ngon hơn.

Điều này là do nhiệt độ từ máy sấy giúp tăng lưu lượng máu lên đầu và tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Lưu ý khi áp dụng các mẹo sức khoẻ từ máy sấy tóc

– Mọi người không nên sử dụng nhiệt độ quá nóng vì có thể gây bỏng rát da hoặc các vùng cơ thể chịu tác động.

– Không sử dụng máy sấy tóc vào một vùng cơ thể quá lâu, điều này cũng khiến da bị rát, đỏ hoặc kích ứng, nguy hiểm hơn là bỏng.

– Các mẹo sức khoẻ từ máy sấy tóc chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, giúp giảm triệu chứng một cách tạm thời. Để điều trị triệt để các bệnh lý trên, mọi người cần tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh và có những biện pháp điều trị phù hợp.

03/12/2024

Dùng rau củ cho an toàn

 

Nhu cầu dùng rau củ là cần thiết, lợi ích cho sức khoẻ nhưng chúng ta cũng cần có biết và hiểu để dùng cho an toàn, phải không các bạn. Mình ví dụ vài loại sau để mọi người cùng tham khảo:

Cà chua xanh



Theo báo Sức khỏe và Đời sống, BS Nguyễn Đình Thục, Hội Đông y Việt Nam, cho biết, cà chua xanh mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá nhưng lại chứa hàm lượng khá lớn alkaloid, có thể gây ngộ độc nếu dùng quá nhiều. Các triệu chứng ngộ độc cà chua xanh bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, viêm dạ dày...

Trong quá trình chín của cà chua, lượng alkaloid giảm dần và sẽ hết khi quả chín đỏ.

Vì vậy, bạn không nên ăn cà chua xanh, nếu vẫn sử dụng thì không nên dùng quá nhiều và thường xuyên.

Giá đỗ không rễ

Loại không rễ

Loại có rễ


Giá đỗ không chỉ bổ dưỡng mà còn thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất giá đỗ để bán, nhiều người sử dụng chất kích rễ, chất bảo quản, thậm chí sử dụng các hóa chất cực kỳ độc hại như bột tẩy trắng, chất giữ tươi...

Giá đỗ sử dụng hóa chất thường không có rễ và đây là loại rau củ ngậm đầy độc tố mà nhiều người Việt vẫn ăn hằng ngày. Việc sử dụng loại giá này thường xuyên và lâu dài sẽ gây hại cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan. Do đó, với giá đỗ không có rễ, bạn tuyệt đối không nên mua.

Dấu hiệu phân biệt giá đỗ làm thủ công và giá đỗ ủ bằng thuốc: Nồi giá đỗ ủ theo cách thông thường sẽ chặt hơn. Rễ giá dài như sợi chỉ, không bóng, không to, không mập, có rễ dài, thân, lá mầm. Còn giá đỗ dùng thuốc kích thích độc hại thường có cọng ngắn, thân mập, đặc biệt là không có rễ hoặc có rễ nhưng rất ngắn.

Bí đỏ để lâu ngày



Bí đỏ không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên, bí đỏ để lâu ngày có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong bí đỏ có hàm lượng đường cao, nếu để trong thời gian dài sẽ bị lên men và biến chất.

Người ăn loại bí này có thể ngộ độc, biểu hiện là chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược toàn thân, nôn mửa nhiều, tiêu chảy.

Nếu bí đỏ có mùi như mùi rượu chứng tỏ nó đã bị biến chất, không nên ăn.

Mộc nhĩ tươi



Trong mộc nhĩ tươi có chất Porphyrin nhạy cảm với ánh sáng. Nếu nạp nhiều chất này thì khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn có thể bị viêm da, xuất hiện triệu chứng ngứa, phù thũng, đau nhức.

Phần lớn porphyrin trong mộc nhĩ sẽ phân hủy khi được phơi khô. Vì vậy, bạn nên sử dụng mộc nhĩ khô, ngâm trong nước và nấu lên để đảm bảo an toàn. Việc ngâm mộc nhĩ khô trong nước trước khi nấu sẽ giúp lượng porphyrin còn lại bị hòa tan.

Khi ngâm mộc nhĩ khô, bạn cần lưu ý thay nước nhiều lần, tốt nhất không ngâm quá hai tiếng vì ngâm lâu sẽ khiến vi khuẩn phát triển.

Gừng bị thối, dập



Gừng bị thối, dập sẽ sản sinh ra độc tố safrole. Nếu thấy củ gừng có chỗ bị thối, nhũn dập, bạn nên vứt bỏ, đừng ăn bởi khi ấy củ gừng đã không còn an toàn.

Ở củ gừng bị thối có loại độc tố mạnh tên gọi safrole. Ruột rất dễ hấp thụ loại độc tố này và nhanh chóng chuyển nó đến gan, gây trúng độc tế bào gan. Việc thường xuyên ăn gừng thối, dập sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư thực quản.

Sắn chưa nấu chín



Sắn có thể trở thành loại rau củ ngậm đầy độc tố nếu bạn không biết cách chế biến. Sắn sống chứa glucosides cyanogenic, chúng kích thích sản xuất chất hydrogen cyanide - một chất rất độc. Chất này có thể gây ra ngộ độc cấp tính mà dân gian gọi là say sắn, thậm chí dẫn đến tê liệt và tử vong.

Để tránh say sắn, khi chế biến bạn nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (tốt nhất là ngâm bằng nước vo gạo). Khi luộc, cần mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, và đặc biệt phải luộc thật chín mới ăn. Khi nếm thử nếu thấy có vị đắng thì nên bỏ.

Khoai tây mọc mầm



Khoai tây mọc mầm có thành phần độc hại solanine. Khoai tây mọc mầm thực sự là loại rau củ ngậm đầy độc tố mà nhiều người vẫn ăn. Trong khoai tây mọc mầm có một lượng lớn solanine - chất có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 gram trên 1kg trọng lượng cơ thể.

Triệu chứng ngộ độc solanine là nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, tê liệt hệ thần kinh trung ương, hôn mê và trong một số trường hợp hiếm gặp là tử vong. Dù tình trạng ngộ độc solanin nặng do ăn khoai tây chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt (do ăn quá nhiều khoai tây và ăn cả mầm khoai) nhưng tốt nhất bạn nên tuyệt đối vứt bỏ khoai tây đã mọc mầm hay phần vỏ đã chuyển màu xanh.

Nhiều người vì tiếc nên cắt bỏ phần mầm đi và tiếp tục dùng khoai tây. Điều này là sai lầm, vì nếu như bạn gọt bỏ mầm mọc trên củ khoai, chất độc vẫn còn lưu trong phần còn lại, có thể sẽ gây ngộ độc ở một mức nhẹ hơn, giống như cảm giác trúng gió.

Măng chưa xử lý kỹ



Măng chứa độc chất cyanogen glucosides, có thể gây tê miệng, chóng mặt, nôn mửa, khó thở, thậm chí co giật, hôn mê và ngừng tim. Đặc biệt, những người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, bệnh ngoài da, khả năng miễn dịch kém, dị ứng rất dễ gặp các triệu chứng khó chịu khi ăn măng.

Bạn nên xử lý măng đúng cách để tránh bị ngộ độc. Đầu tiên, cần bóc bỏ lá măng, bỏ rễ rồi thái thành lát mỏng, đun sôi trong nước muối nhạt vài chục phút, trong quá trình đun nên mở nắp để loại bỏ chất độc. Bạn có thể luộc măng vài lần để đảm bảo an toàn.

Tuyệt đối không ăn măng tươi hoặc chưa luộc kỹ để tránh ngộ độc.

Đấy, chỉ vài gợi ý thôi – chứ trong thực tế còn nhiều lắm mà mình chưa biết và hiểu để cùng nhau ta chia sẻ.